Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2022

Công chúng và thời gian là hai yếu tố phán xét bất cứ tác phẩm nào

(Bài trả lời phỏng vấn báo Quân đội Nhân dân ngày 23/01/1988)

       LTS: Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 11/1987 đã cụ thể hóa đường lối của Đảng về công tác văn hóa văn nghệ và chỉ rõ những yêu cầu về đổi mới trong lĩnh vực này. Nghị quyết đã mở ra những chân trời mới cho văn hóa văn nghệ phát triển. Năm 1988 là năm triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết. Nhân dịp này phóng viên báo QĐND đã phỏng vấn đồng chí Trần Độ, Trưởng Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương.



        Phóng viên: Nghị quyết của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ có nói "trong nhiều năm chưa lần nào bàn kỹ và ra Nghị quyết về văn hóa văn nghệ...". Như thế có nghĩa là sau "Đề cương Văn hóa" đến nay, Nghị quyết của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ là một công trình tổng kết thực tiễn và lý luận có tác dụng to lớn đến sự phát triển của nền văn nghệ nước ta. Đồng chí có thể nói rõ về quá trình kế thừa và phát triển về mặt thực tiễn và lý luận từ "Đề cương Văn hóa" đến Nghị quyết của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ.

Trần Độ: Không thể đặt vấn đề giản đơn như vậy. Từ những năm đầu của thập kỷ 40 đến 1975 cách mạng Việt Nam ở một giai đoạn đấu tranh giành độc lập tự do dưới hai ngọn cờ: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hầu hết thời kỳ đó là sống trong chiến tranh. Lúc đó văn hóa văn nghệ của ta gắn chặt với nhiệm vụ cách mạng và thực hiện chức năng của mình trong hoàn cảnh cách mạng có chiến tranh như ta đã thấy. Suốt thời kỳ đó Đảng ta đã lãnh đạo văn hóa văn nghệ bằng những thư của Trung ương gửi các giới văn nghệ sĩ nhân các dịp hội họp hoặc hoạt động, bằng những lời phát biểu và bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các đồng chí lãnh đạo cao nhất như Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng… Nội dung những văn kiện trên đã đề cập đến nhiều vấn đề cơ bản của văn hóa văn nghệ và đã có tác dụng hướng dẫn văn hóa văn nghệ thực hiện chức năng của mình, tạo điều kiện cho văn hóa văn nghệ có những thành tựu đáng quý. Trong thời kỳ hiện nay, Đại hội lần thứ 6 của Đảng đánh dấu một bước quan trọng trong việc nhận định những biến chuyển sâu sắc của xã hội ta và mở đầu một giai đoạn “đổi mới” nhiều ý nghĩa lịch sử to lớn. Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 11 năm 1987 vừa qua là sự cụ thể hóa đường lối của Đảng trong Nghị quyết Đại hội 6 và chỉ ra những yêu cầu về nội dung tư duy đổi mới trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ.

Phóng viên: Đồng chí đã từng nói điểm nổi bật trước hết là những vấn đề lý luận nhận thức về vị trí, vai trò, chức năng của văn học nghệ thuật và văn hóa. Như thế có nghĩa là trong một thời gian dài chúng ta đã lạc hậu về mặt lý luận, chúng ta bị giam trong cái khung của những quan niệm thô sơ mà có nhà văn gọi đó là quan niệm văn học minh họa. Có lẽ vì thế như Nghị quyết Bộ Chính trị đã nói: “Chất lượng và hiệu quả của các hoạt động văn hóa văn nghệ nói chung còn thấp, tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị còn ít… Bệnh phô trương hình thức, công thức, sơ lược còn nặng”. Đó là một sự thật rõ ràng. Tuy nhiên trong phần mở đầu của Nghị quyết lại nói “…văn hóa văn nghệ sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị, có sức động viên cổ vũ… xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay”. Theo đồng chí nên hiểu vấn đề này như thế nào? Phải chăng chúng ta chưa dám nhìn thẳng vào thực chất nền văn học của chúng ta trong những năm qua để đặt nó đúng với vị trí của nó.

Trần Độ: Đúng là chúng ta cần có những nhận thức lý luận mới về bản chất vai trò của văn học nghệ thuật và văn hóa. Trong tình thế cách mạng và chiến tranh mấy chục năm qua, Đảng ta đã chỉ ra đúng vai trò, nhiệm vụ của văn hóa văn nghệ, do đó ta mới có những thành tựu lớn. Nhưng từ năm 1975, ta bước sang một giai đoạn cách mạng mới và ta đã chậm nhận thức được nội dung và tính chất của bước biến chuyển này. Ta cứ để cho quán tính của những quan niệm cũ tiếp tục chỉ đạo hoạt động. Do đó chủ quan chúng ta không phù hợp, không theo kịp sự chuyển động của cuộc sống khách quan. Chúng ta lạc hậu là lạc hậu như vậy. Ta đã nhìn thẳng vào sự thật mà chỉ ra sự lạc hậu này, chỉ ra những yêu cầu của tư duy mới về văn hóa văn nghệ. Điều này thể hiện rõ ràng và sáng sủa trong Nghị quyết của Bộ Chính trị 11-1987.

Phóng viên: Dư luận chung hoan nghênh đón nhận Nghị quyết của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ, nhưng lo ngại điều kiện hiện nay, chúng ta có đủ khả năng để tổ chức thực hiện được không? Có thể nêu ra hai cản trở, một là những quan niệm cũ, con người cũ, hai là kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn. Liệu có thể đảm bảo để người nghệ sĩ, nhà văn chẳng hạn, có thể sống được bằng tiền bán tác phẩm của mình không? Trong vấn đề tự do sáng tác, đứng ở góc độ người quản lý đồng chí cho rằng đồng chí phải làm gì?

Trần Độ: Có được Nghị quyết là một việc có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nhưng đó mới chỉ là 1/10 của toàn bộ công việc đổi mới trong văn hóa văn nghệ mà thôi. Có rất nhiều việc phải làm. Chung quanh vấn đề tự do sáng tác, cũng phải đổi mới nhiều quan niệm trong các cơ quan và người lãnh đạo và quản lý cũng như trong bản thân văn nghệ sĩ. Người lãnh đạo quản lý phải quán triệt tinh thần là lãnh đạo, quản lý để tạo điều kiện cho văn hóa văn nghệ phát triển, văn hóa văn nghệ có một điểm có ý nghĩa bản chất là phải phong phú đa dạng. Người lãnh đạo quản lý phải tỉnh táo, phải hiểu yêu cầu của cuộc sống một cách sâu sắc và đặc thù lao động một cách rõ ràng.

Người Văn nghệ sĩ phải có bản lĩnh, phải tự mình nâng cao mình lên, có trách nhiệm đầy đủ với nhân dân trong sự nghiệp sáng tạo của mình, có thể tự tin để mạnh dạn sáng tạo nhưng không bao giờ nên tự hủy hoại mình và đòi hỏi sự đối xử quá với sự xứng đáng của mình, văn nghệ sĩ có trách nhiệm lớn trong việc mang đến cho đời sống nhân dân những giá trị nghệ thuật đích thực, chân chính để khắc phục dần các loại nghệ thuật giả, nghệ thuật thấp.

Phóng viên: Đồng chí có thể nói gì về ảnh hưởng của công cuộc đổi mới trong văn hóa văn nghệ  của Liên Xô đối với chúng ta. Đồng chí nghĩ gì về một số ý kiến đề nghị xem xét lại một số trào lưu văn học, một số tác giả. Một số tác phẩm gần đây có lúc được làm ồn ào nhưng sau đó dường như ít ai nhắc đến nữa. Theo đồng chí từ đấy có thể rút ra được vấn đề gì?

Trần Độ: Những phát triển của cách mạng ở Liên Xô bao giờ cũng có ảnh hưởng tích cực đến cách mạng của nước ta. Nhưng vấn đề là ở chỗ ta nhận thức được cho thật “trúng” các vấn đề của cách mạng ta và xã hội ta đặt ra và tự ta phải giải quyết lấy những vấn đề của chúng ta. Không ai giải quyết thay cho chúng ta cả. Ta có điều kiện và khả năng nhận thức được rõ những vấn đề của ta. Đại hội 6 và Nghị quyết của Bộ Chính trị giúp ta những ánh sáng rất tốt để soi rọi những việc của chúng ta. Vấn đề là ta phải nhận thấy thật rõ những luồng ánh sáng đó. Ta không thể để bị lóa mắt hoặc cố tình nhắm mắt trước những ánh sáng đó.

Mỗi tác phẩm có một cuộc sống do giá trị có thực của bản thân tác phẩm đó.

Công chúng và thời gian là hai yếu tố phán xét công minh và khắc nghiệt đối với bất cứ tác phẩm nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét