Một trong những nhiệm vụ quan trọng trước mắt của
chúng ta là nhanh chóng chấn chỉnh lực lượng để liên tục chiến đấu. Muốn làm
tròn nhiệm vụ đó, trước hết các cán bộ phải tích cực. Nhưng hiện nay nhiều cán
bộ còn lo ngại đơn vị loãng chất lượng, nhưng lại không tích cực chấn chỉnh bộ
đội. Những đồng chí này kém tin tưởng vào quần chúng. Nhiều cán bộ không chịu
khắc phục mọi khó khăn để nâng cao sức chiến đấu của bộ đội, lại muốn nhiệm vụ
nhẹ, hoặc dễ. Đó là tư tưởng hữu khuynh tiêu cực có hại cho việc chấn chỉnh bộ
đội.
Chúng ta cần nhận định rằng: Sau mỗi cuộc chiến đấu,
mỗi đơn vị đều có tiêu hao một phần nhưng đều có những cán bộ và chiến sĩ cũ.
Những cán bộ và chiến sĩ đó đều là những người đã được rèn luyện từ các chiến
dịch trước: nhất là trong chiến dịch này đã trải qua cuộc chiến đấu thử thách
lớn (làm trận địa, đánh công kiên, đánh phòng ngự, v.v…) và đã có một số kinh
nghiệm chiến đấu mới. Những anh em đó đều đã trưởng thành lên một bước. Chất lượng của số cán bộ và chiến sĩ đó đã tăng lên.
Số bổ sung phần nhiều là anh em cựu binh ở cơ quan, ở
các đơn vị trực thuộc, một phần là tân binh. Nhiều người đều đã qua cuộc chỉnh
quân chính trị, giác ngộ chính trị đã được nâng cao một bước, vẫn mong mỏi ra
chiến đấu. Tân binh của chúng ta lần này đều là nhiều thanh niên sau phát động
quần chúng, tự nguyện xung phong tòng quân, rất ham chiến đấu, chóng quen với
tác chiến. Chúng ta cần nhận rõ điều đó.
Chúng ta lại có nhiều điều kiện thuận lợi để bồi dưỡng
kỹ thuật và rèn luyện cho chiến sĩ mới bổ sung – Nếu học công sự thì có thực tế
đi làm trận địa. Học xạ kích thì có phong trào “bắn bia sống” rất linh hoạt.
Muốn học bộc phá và đánh giao thông hào thì sẵn có thao trường thực tế để luyện
tập. Công việc hàng ngày của bộ đội ta chính là điều kiện tốt nhất để đào luyện
kỹ thuật vững chắc cho cán bộ và chiến sĩ.
Như vậy chất lượng của bộ đội không phải là kém trước
mà về một vài phương diện nào còn có chỗ hơn trước. Chỉ cần cán bộ chúng ta
nhận rõ những điều trên, biết nhìn vào khả năng quần chúng, ra sức tích cực
khắc phục mọi khó khăn, tổ chức lại, phát huy lên những lực lượng có trong tay
mình.
1- Trước hết cán bộ ta phải tích cực chấn chỉnh bộ
đội. Phải bỏ thái độ mệt mỏi tiêu cực. Phải tin tưởng ở lực lượng binh sĩ và
cán bộ cũ. Phải coi trọng việc chấn chỉnh bộ đội và tinh thần tích cực diệt
địch, không được ngại khó, ngại khổ.
2- Cán bộ phải biết làm cho chiến sĩ mới nhanh chóng
hòa mình với đơn vị, bước đầu gây được không khí đoàn kết giữa chiến sĩ mới với
cựu binh và cán bộ. Phải tổ chức nhiều buổi tâm sự giữa tân binh và cựu binh,
trong tổ 3 người. Muốn nâng cao giác ngộ và ý chí chiến đấu, muôn gây được một
mối tình chiến đấu giai cấp gắn bó nhau chặt chẽ thấm thía hơn, phải biết lãnh
đạo anh em hiểu nỗi khổ của nhau, nói cho nhau nghe mối căm thù giai cấp của
mình. Đồng thời phải làm cho anh em nhớ ngay được phiên hiệu đơn vị và tên những
cán bộ trung, tiểu, đại đội và tiểu đoàn của mình. Tranh thủ giới thiệu cho anh
em rõ sơ lược lịch sử chiến đấu của đơn vị.
3- Phải nắm lấy cốt cán và trao nhiệm vụ cho cốt cán.
Ngoài việc vận dụng các phần tử cốt cán trong cán bộ và cựu binh còn phải kịp
thời phát hiện những người tích cực mới trong số anh em tân binh nữa. Do đó mới
tập hợp được hết lực lượng cốt cán, phát huy được hết cả tích cực tính của
những cốt cán đó để giúp đỡ tân binh.
4- Phải biết gây thành một phong trào quần chúng giúp
đỡ lẫn nhau thực sự. Cán bộ cần nghiên cứu kế hoạch giáo dục từng ngày kết hợp
với nhiệm vụ trước mắt. Ví dụ: Đi làm trận địa thì có kế hoạch giáo dục cho anh
em về tác dụng công sự, cách đào công sự; khi lau súng thì giúp nhau học về vũ
khí. Biết phân phối tân, cựu binh hợp lý, hướng dẫn và trao nhiệm vụ cho cựu
binh cụ thể, phát huy hết tác dụng của cựu binh để giúp đỡ tân binh.
Việc giáo dục phải nắm những yêu cầu thực tế và cấp
thiết trước mắt yêu cầu tối thiểu để làm nhiệm vụ mà giáo dục. Ví dụ: Về bộc phá
thì giáo dục ngay cách đánh bộ phá, cách sử dụng bộc phá, còn như tính năng bộc
phá, cách chắp nối hỏa cụ thì dần dần làm sau.
Khi giáo dục nên kết hợp ngay với những kinh nghiệm
mới nhất trong những trận chiến đấu vừa qua. Ngoài ra, cần giáo dục anh em chóng
quen thuộc với sinh hoạt tập thể, cách ăn ở, v.v… cho tân binh.
Cán bộ phải gương mẫu giúp đỡ tân binh và vận động cán
bộ dưới và cựu binh tranh thủ mọi lúc, mọi hoàn cảnh để giúp đỡ và bồi dưỡng
trình độ cho tân binh.
Làm được 4 việc trên nhất định chúng ta sẽ mau chóng
chấn chỉnh được lực lượng để liên tục chiến đấu đánh thắng quân địch. Muốn làm
được như vậy, việc cốt yếu là cán bộ phải có tinh thần trách nhiệm cao, hết sức
chấp hành nhiệm vụ chấn chỉnh và nâng cao chất lượng bộ đội.
Đồng chí TRẦN
(Báo Quân đội Nhân dân, trang 1, số 144, ngày 23/4/1954)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét