Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

Nghĩ về anh bộ đội và anh chưa bộ đội


 Nhân dịp kỷ niệm ngày Quân đội 22-12-1974

Có lẽ trong thời đại này một trong những địa danh được nhiều người biết nhất là Việt Nam, sự kiện được nhiều người nói đến là cuộc chiến tranh giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, và con người được nhiều người yêu mến ca ngợi là con người Việt Nam, trong đó nổi lên hình ảnh người chiến sĩ Việt Nam.




Nhưng trên thế giới không có một ngôn ngữ nào dịch nổi được cái tên trìu mến bằng tiếng Việt Nam là: "Anh bộ đội", không thể dịch đen từng chữ một mà càng không thể lột tả được hết cái nội dung tinh thần, tình cảm của nhân dân và lịch sử dành cho những con người đó!
Thế giới đã biết đến khá rõ hai tiếng “Bác Hồ” và đã dịch ra bằng nhiều thứ tiếng khác. Nhưng cũng chỉ dịch được chữ thôi chứ không thể dịch hết được nội dung tinh thần, tình cảm của chữ đó được.
thú vị biết bao, nhân dân ta trong thời đại này có Bác Hồ, lại có “Anh bộ đội” và “Anh bộ đội”  ấy lại là “Anh bộ đội Cụ Hồ".
Có thể nói mỗi người Việt Nam từ trẻ đến già đã từng biết một hay nhiều điều về một hay nhiều anh bộ đội, đều đã thấy hay nghe một hay nhiều việc làm cao đẹp; thấy hay nghe một hay nhiều chiến công kỳ lạ của các anh bộ đội.
Tôi cũng là một anh bộ đội, tôi đã được thấy, được nghe rất nhiều chuyện về anh bộ đội. Có những chuyện nghe qua rồi cứ in sâu mãi trong óc. Đến khi bàn về bất cứ chuyện gì thường muốn đem kể ra để liên hệ. Trong số chuyện đó có hai mẩu chuyện nhỏ sau đây:
Có một anh cán bộ báo chí được biết một chuyện: một anh chiến sĩ giao liên có nhiệm vụ đưa một đơn vị khách từ cơ quan này tới cơ quan khác. Dọc đường bị máy bay địch oanh tạc. Anh chiến sĩ đã đưa khách vào công sự và lấy thân mình nằm che cho khách trong suốt trận bom. Vị khách rất cảm kích đã kể lại câu chuyện đó cho anh nhà báo nghe. Anh nhà báo cũng rất xúc động và khi gặp một phân đội bảo vệ một cơ quan lãnh đạo, anh rất hào hứng kéo anh em quây quần lại để kể câu chuyện trên, anh tin rằng câu chuyện anh kể xong nhất định sẽ gây nên một sự xúc động, một sự xôn xao hưởng ứng ca ngợi tinh thần anh hùng cách mạng của anh chiến sĩ trong chuyện. Nhưng anh rất thất vọng, vì tất cả khán giả của anh đã nghe một cách thờ ơ, lạnh lùng. Anh thì xem xét khẩu súng của mình, lau một vài vết bụi ở ổ khóa nòng, anh thì cuốn thuốc lá hút phì phèo. Anh cán bộ báo chí càng sôi nổi hùng hồn thì không khí càng nhạt nhẽo, vô duyên. Anh ngừng lại, bực tức vô cùng, và không nén nổi, anh hỏi lại:
- Trời! Một bài học về tinh thần hy sinh tận tụy như thế mà sao các đồng chí có vẻ thờ ơ quá vậy?
Các đồng chí chiến sĩ từ tốn trả lời cũng bình thản như lúc ngồi nghe:
- Tưởng chuyện thế nào chứ chuyện ấy thì là tất nhiên thôi. Gặp tụi tôi, tụi tôi cũng làm như vậy. Nhiệm vụ của tụi tôi mà!
Anh nhà báo “ngạc nhiên thất vọng một cách sung sướng” (như lời anh nói). Thì ra vậy! Anh chưa đánh giá hết được tầm vóc tinh thần và tư tưởng của các chiến sĩ thật là giản dị và thật là cao đẹp!
Mẩu chuyện khác là như thế này:
Trong một trận đánh xảy ra một chuyện bắt tù binh. Sau trận đánh vận động ở một vùng địa hình trống trải, quân địch chạy tan tác. Một chiến sĩ ta phát hiện một tên lính ngụy liền hô khẩu lệnh bắt nó hàng. Nhưng nó cứ cắm đầu cắm cổ chạy. Anh chiến sĩ ta chạy đuổi theo. Anh vừa chạy vừa hô, vừa gọi. Nhưng tên lính ngụy vẫn chưa chịu đứng. Mãi sau, anh chiến sĩ ta mới đuổi kịp, túm được nó, nện cho nó một báng súng. Rồi anh lặng lẽ áp tải nó trở về để nộp cho cấp trên. Đi được một lúc, anh ngồi nghỉ và cũng cho tên tù binh cùng nghỉ.
Về sau tên tù binh kể lại:
"Em vừa ngồi nghỉ vừa sợ, chỉ sợ anh ấy giận em. Em cũng chẳng hiểu tại sao em cứ sợ các anh ấy nên em mới chạy thục mạng. Nhưng chỉ được một tý, anh Giải phóng giở thắt lưng ra lấy một nắm cơm trắng, anh bẻ ra một nửa, lặng lẽ đưa cho em và nói với một giọng thật hiền lành, dịu dàng, không có vẻ giận dữ: “Ăn đi, kẻo đói”. Em cũng chẳng biết cảm ơn thế nào. Em cầm lấy ăn và cứ nhìn trộm anh ấy, xem anh ấy giận em thế nào?
Ăn được vài miếng, tự nhiên anh ấy gọi và hỏi em: “Này ban nãy tôi đánh anh một cái báng súng, anh có giận tôi không?”. Em ngớ cả người ra. Em đang lo chạy làm anh ấy đuổi vất vả, anh ấy giận, thế mà bây giờ anh ấy lại hỏi em có giận anh ấy không? Anh ấy đã không giận, anh ấy cho ăn và lại còn hỏi thế. Em suýt phát khóc. Em thấy cũng là người lính mà các anh Giải phóng sao mà tử tế thương người quá sức vậy!".
Trong bất cứ lĩnh vực quan hệ nào, cũng có bao nhiêu chuyện đơn giản và cảm động về anh bộ đội như vậy. Tôi cứ ước rằng có một nhà văn hay nhà thơ nào khái quát được anh bộ đội mà hình tượng tươi tắn khỏe đẹp, dễ thương như Thạch Sanh đời xưa. Quả thật, anh bộ đội của ta là một Thạch Sanh mới của dân tộc ta. Nhưng Thạch Sanh bây giờ có súng, có tên lửa, có xe tăng, lại có cả đàn, sáo và thơ. Và Thạch Sanh ngày nay vẫn có đủ các hoạt động : lao động giỏi, trừ ác cho dân, chống ngoại xâm, vạch mặt và tiêu diệt kẻ gian tà, bao dung khoan hậu với kẻ lầm đường lạc lối, chung thủy với người thương, hiếu thảo với dòng họ, với mẹ cha, trung hậu với bà con làng xóm…, đúng là anh bộ đội Việt Nam đã tạc vào thế kỷ một “dáng đứng Việt Nam” và “dáng đứng Việt Nam” hoàn chỉnh là dáng đứng của Bác Hồ chỉ đường cho các anh bộ đội hành quân đi ra phía trước.
Trong thực tế đời sống Việt Nam quả là đã có một anh bộ đội đẹp như Thạch Sanh ngày xưa, và không chỉ một mà rất nhiều anh bộ đội như vậy. Đúng như vậy, không thể nào khác được, cách đây hơn 30 năm chưa có con người như vậy, chưa có hình ảnh một con người như vậy trên đất nước Việt Nam độc lập này. Và ngày nay, trong những vùng Mỹ - Thiệu tạm thời kiểm soát cũng không hề có một nét nào của những con người như vậy.
Anh bộ đội trở thành một nhân vật xã hội và là một hình ảnh đặc biệt độc đáo của xã hội Việt Nam trong thời đại này. Nhân vật ấy là kết tinh và là biểu hiện cụ thể trí tuệ, sức lực, quyết tâm và nguyện vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam đang đứng lên đấu tranh giành độc lập tự do sau hàng thế kỷ khổ nhục.
Một "ngẫu nhiên tất yếu” trong ngôn ngữ Việt Nam có cái từ “Anh bộ đội” mà nhân dân ta dùng để gọi các chiến sĩ con em của mình chứ không dùng những từ như “ông bộ đội” “thày bộ đội”, “ngài bộ đội”...
ràng là nhân dân ta đã nhận thấy sâu sắc “Anh bộ đội” là của mình, từ máu thịt mình sinh ra, là những người cùng số phận, cũng có những nỗi đau và những niềm vui của nhân dân.
"Anh bộ đội" là hiện thân của nhân dân lao động cầm vũ khí đứng lên. Vì vậy, anh bộ đội chỉ làm một nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống lao động, hòa bình của nhân dân. Mà cũng chính vì vậy, anh bộ đội hết sức hiền hậu, nhưng anh bộ đội lại hết sức dũng cảm, dữ dội với mọi kẻ thù của nhân dân lao động, của độc lập tự do của dân tộc, giống như bất cứ một hành động nào của những vị anh hùng dân tộc của nước ta trong tất cả các giai đoạn lịch sử như Thánh Gióng, Thạch Sanh và Lục Vân Tiên vậy.
Và cũng chính vì vậy nhân dân ta yêu thương, cưu mang anh bộ đội, muốn rằng bất cứ một con em nào của họ khi đã cầm súng làm nhiệm vụ giải phóng và bảo vệ Tổ quốc thì phải thật sự là một anh bộ đội, một anh bộ đội Cụ Hồ, không thể nào khác được.
Đối với một người nào mặc áo bộ đội mà có những cử chỉ, hành động không đúng, nhân dân thường nói: “Bộ đội mà lại thế à?”. Đó thật là một câu nói đầy tình nghĩa, có ý nghĩa sâu sắc. Đối với nhân dân, đã là anh bộ đội, mặc bộ quân phục quen thuộc thì phải có đầy đủ phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ. Nhân dân đòi hỏi như thế, không cho phép một người nào trong các anh bộ đội được làm khác.
Anh bộ đội phải là người tốt, phải là người bênh vực nhân dân, bảo vệ nhân dân, tức là bảo vệ chính quyền của nhân dân, tôn trọng trật tự, tôn trọng nhân dân, khiêm tốn giản dị, tận tụy trong công tác, dũng cảm trong chiến đấu, v.v ...
Bây giờ, khái niệm “Anh bộ đội” là chỉ tất cả những người bộ đội, cả anh và chị bộ đội. Khi gọi một quân nhân gái ta không thể gọi là anh, nhưng cô ấy, chị ấy cũng phải có đầy đủ phẩm chất và yêu cầu của “Anh bộ đội".
Nghĩ về anh bộ đội bây giờ, không thể không nghĩ đến những anh “chưa bộ đội”. Đây là một danh từ tôi muốn đặt cho tất cả các bạn thanh niên nam nữ đang chuẩn bị tham gia bộ đội, làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Danh từ này cũng để gọi những anh, những chị đã đứng trong hàng ngũ quân đội, nhưng còn những điểm mà nhân dân có thể hỏi: “Bộ đội mà lại thế à?”. “Thế là chưa bộ đội".
Mọi sự vật đều có bắt đầu, phát triển và trưởng thành. Vậy thì anh bộ đội cũng thế, trước khi trở thành anh bộ đội và trở thành anh bộ đội chân chính, chắc chắn là có lúc còn “chưa bộ đội".
Nước ta, nhân dân ta hiện nay đang đứng trước những nhiệm vụ lịch sử vĩ đại và cũng đứng trước rất nhiều triển vọng vô cùng to lớn. Tất cả thanh niên là bộ đội và chưa bộ đội đều có biết bao hoài bão đẹp đẽ, đều được thả sức ước mơ, ai cũng có quyền và có điều kiện để ước mơ trở thành anh hùng trong chiến đấu, trong lao động và trong phát minh khoa học...
Trong cuộc sống đang hào hùng, phong phú như thế này, đây đó cũng đang xuất hiện những ước mơ tầm thường, những ước mơ ích kỷ, những ước mơ của những kẻ không trung thực, của những kẻ không muốn gắn mình vào số phận của nhân dân, của Tổ quốc, mà cứ cố chòi đạp, xoay xở tìm những may mắn riêng cho bản thân. Ta nói tới những anh “chưa bộ đội” không phải là nói tới những kẻ có những ước mơ tầm thường như vậy. Những anh “chưa bộ đội” là những anh có ước mơ hoài bão lớn, thấy rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với nhân dân, nhưng anh chưa đủ kinh nghiệm, chưa đủ nghị lực vượt qua những ham muốn nhỏ nhặt vô tư của tuổi thơ. Những ham muốn đó thường thì vô hại. Nhưng các bạn trẻ thường giải quyết nó một cách quá ư dễ dãi, đi tới dại dột. Đó là những mong thích muốn ỷ thế cha mẹ là ông này, bà nọ, muốn được gặp cha mẹ hưởng đôi chút chăm lo, chiều chuộng. Mong thích gặp bạn bè để cùng nhau bàn một chuyện cùng thích, làm một việc cùng ưa. Mong ước một bữa ngủ thỏa thích trong chăn ấm, hoặc bơi lội thả sức trong một dòng sông. Mong thích ăn một món ăn ngon thả cửa, mong thích bắt chước người lớn tuổi ngồi phê phán vô tội vạ một tác phẩm văn học, hoặc một sự đời. Mong thích được giúp một việc gì đó cho bạn thân hoặc cho gia đình bạn, để tỏ ra ta đây vốn tôn trọng, hào hiệp trong tình bạn, v.v...
Đôi khi có những ham muốn thúc đẩy bởi một tính hiếu thắng, hiếu kỳ của tuổi trẻ. Muốn hơn bạn đôi lời có vẻ “sâu cay sắc sảo”. Muốn tỏ ra ta đây khác đời, “dũng cảm” không sợ ai, … Muốn tỏ ra một “bản lĩnh đặc biệt”, một “sức mạnh” hơn người, một “kiến thức” rộng hơn người, một “phong cách độc đáo”, v.v… Hoặc có khi lại là những xúc động quá nhanh, quá nhạy, trước bất cứ một sự việc gì, thiếu sự kiềm chế, kiên nhẫn cần thiết. Những xúc động đó thường dẫn tới những lời nói, hành vi quá đáng không có gì vớt lại được.
Hơn nữa, thông thường tuổi trẻ sống trong môi trường dễ dãi, thường hiểu không thấu đáo chữ “tự do” trong xã hội, thường thiếu nghị lực rèn luyện trong cuộc sống tập thể, thường hiểu tự do là những gì thỏa mãn cái ham muốn nhất thời của cá nhân, thích sống buông thả thoải mái: ăn cũng muốn ăn thoải mái, ngủ cũng muốn ngủ không giờ giấc, chơi cũng muốn chơi không hạn độ, khi hăng say thì lao vào xốc tới mọi việc nặng nhọc khó khăn, khi ít hứng thú thì lại uể oải, buông lơi cách sống kể cả cách ăn mặc, đi đứng, nói năng.
Đó, trong số những anh “chưa bộ đội” có một số anh ít nhiều đều còn mang trong người những điều “thô ráp” như vậy của tuổi trẻ trong cuộc sống. Thế cho nên hay chen lấn trong đám đông, hay tranh cãi lớn tiếng, hay cáu sườn dùng võ lực bừa bãi, hay trêu chọc bạn gái quá lời, hay vồ lấy bạn thân, quên chào hỏi người già, v.v ...
Những cái “thô ráp” của tuổi trẻ lại hay dẫn đến những dại dột quá trớn, mà nhiều bạn mắc rồi mới khóc lóc hối hận.
Hỡi các anh “chưa bộ đội”! Hãy cố gắng nghĩ cho sâu, cho kỹ về lịch sử hình thành “Anh bộ đội” trong xã hội ta, hãy nhận lấy trách nhiệm của tuổi trẻ trước Tổ quốc, trước nhân dân, hãy nghĩ đến những mong ước của mẹ cha, của bạn bè, của người thân và cũng là của nhân dân! Hãy nghe những lời thiết tha của các em bé gọi “Anh bộ đội” với ý nghĩa một người anh thân tình, hiền hậu, anh hãy nghe giọng ngọt ngào của các bạn gái khi gọi “Anh bộ đội” với ý nghĩa những chàng trai lịch sự, hào hiệp, có văn hóa cao, lao động giỏi, có một chí khí anh hùng, một nghị lực vững chắc. Anh hãy nghe những tiếng gọi nồng ấm của các cha mẹ già khi gọi “Anh bộ đội” với ý nghĩa những người con trung hiếu, phúc hậu, dũng cảm trong hành động, mưu lược trong trù liệu việc công, vô tư khảng khái trong xử thế. Tóm lại, anh đã là “Anh bộ đội” thì phải luôn viết ba chữ “Anh bộ đội” cho trân trọng, yêu thương. Anh muốn trở thành “Anh bộ đội” là anh muốn trở thành người đứng ở mũi nhọn của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Gạt bỏ những lo toan, tính toán ích kỷ thì mọi ước mơ đều đẹp. Những ước mơ trở thành “Anh bộ đội” vẫn là ước mơ có một nội dung phong phú, một ý nghĩa sâu sắc của thời đại này của dân tộc ta, có ý nghĩa sâu sắc đối với cả ngàn năm lịch sử đã qua và ngàn năm lịch sử sắp tới của đất nước anh hùng này. Các anh “chưa bộ đội” dù sao cũng vẫn là anh bộ đội. Trong tất cả các anh vẫn có những tình cảm cao đẹp, sâu sắc về Tổ quốc, về nhân dân. Trong nơi thật sâu kín của tâm hồn các anh, trong từng nhịp đập của trái tim các anh, trong từng giọt máu… đều đã thấm sâu lý tưởng độc lập, tự do, phục vụ nhân dân, xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa giàu đẹp, đều thiết tha với ngày thống nhất nước nhà, trong cuộc sống vẫn thường mong trở thành người tốt, có ích cho quê hương, cho gia đình, v.v… Đó là cái gốc, vun trồng cái gốc đó cho tốt, nhất định ta có hoa thơm, trái ngọt.
"Anh bộ đội”, đó là một hình ảnh cao quý và đẹp đẽ của một kỷ nguyên gồm nhiều thế hệ. Đó là kỷ nguyên độc lập, tự do, kỷ nguyên Hồ Chí Minh. Tuổi của quân đội còn dài, nhưng tuổi của từng “Anh bộ đội” một thì vẫn luôn luôn là tuổi thanh niên đầy nhựa sống. Anh bộ đội, đó là một danh hiệu vẻ vang, danh hiệu do cả một thời kỳ lịch sử tạo nên, danh hiệu được trao tặng thường xuyên, không phải bằng lễ nghi rực rỡ, mà thường bằng sự trao gửi, nhắn nhủ bằng những lời nói đã được nói ra hoặc chưa được nói ra, bằng ánh mắt, nụ cười và bằng cả những giọt nước mắt, mang ý nghĩa thân thiết của những tấm lòng người cha người mẹ, tấm lòng người yêu, tấm lòng con trẻ, tấm lòng bạn bè chí thiết.
Cả nước đã tô thắm cho hình ảnh và danh hiệu “Anh bộ đội”. Mỗi anh bộ đội và mỗi anh “chưa bộ đội” tự mình phải ngày càng xứng đáng mãi mãi với hình ảnh “Anh bộ đội Cụ Hồ”!

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét