Đối với thế hệ chúng tôi, Trần Độ là một tên tuổi rất quen thuộc, vừa là một vị tướng vừa là một nhà văn. Còn nhớ vào một tối mùa hè năm 1963 ấy, cánh tân binh chúng tôi, với những bộ quân phục còn thơm mùi vải mới ngồi xếp hàng chật kín sân vận động của Trung đoàn xe tăng 202 để nghe ông “kể chuyện Điện Biên” qua một cuốn băng mới từ Tổng cục Chính trị gửi về.
Chiến thắng lịch sử đã qua gần 10 năm nhưng với giọng kể sôi nổi, dân dã và đôi khi dí dỏm của ông, chúng tôi lần đầu tiên được sống trong một không khí kỳ vĩ, cảm phục và tự hào về chiến công của những người đi trước. Sau này chúng tôi mới được biết rằng, nhà văn Trần Độ không chỉ có tài kể chuyện mà còn sử dụng thành thạo nhiều thể loại khác, bút ký, hồi ký, bình luận, chính luận, báo chí, nêu gương, thuyết giảng các vấn đề chính trị, thời sự quan trọng và cả say mê chụp ảnh nữa. Biên độ tư duy rất rộng, đề tài phong phú, nhưng tựu trung có hai lĩnh vực được ông quan tâm nhất, đó là chiến tranh nhân dân với công tác chính trị, tư tưởng của quân đội và xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong đó có văn học nghệ thuật.
Chiến thắng lịch sử đã qua gần 10 năm nhưng với giọng kể sôi nổi, dân dã và đôi khi dí dỏm của ông, chúng tôi lần đầu tiên được sống trong một không khí kỳ vĩ, cảm phục và tự hào về chiến công của những người đi trước. Sau này chúng tôi mới được biết rằng, nhà văn Trần Độ không chỉ có tài kể chuyện mà còn sử dụng thành thạo nhiều thể loại khác, bút ký, hồi ký, bình luận, chính luận, báo chí, nêu gương, thuyết giảng các vấn đề chính trị, thời sự quan trọng và cả say mê chụp ảnh nữa. Biên độ tư duy rất rộng, đề tài phong phú, nhưng tựu trung có hai lĩnh vực được ông quan tâm nhất, đó là chiến tranh nhân dân với công tác chính trị, tư tưởng của quân đội và xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong đó có văn học nghệ thuật.
Ở mảng thứ nhất, nhà văn làm sống lại những chấn động của lịch sử và làm ngời sáng lên gương mặt những con người “lớn lên trong bão táp”. Ông say sưa ca ngợi phẩm chất anh hùng, tình quân dân và tình đồng đội của “anh bộ đội Cụ Hồ”, coi đó là nhân tố vượt trội trong so sánh lực lượng trên chiến trường. Không phải chỉ xuất hiện trên đài phát thanh và sách báo, nhiều bài viết của ông trở thành tài liệu học tập trong các lớp huấn luyện.
Ở mảng thứ hai, vẫn lấy con người làm trung tâm, ông đề cập toàn diện đến nhiệm vụ xây dựng nền “văn hoá văn nghệ trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”. Văn hoá là vấn đề rất cơ bản, lâu dài, nó vô tận như cuộc sống. Nhà văn Trần Độ tập trung làm nổi bật vấn đề “lối sống và lẽ sống”, xem đó như một nhân tố bất biến trong vạn biến của thời cuộc. Đối với văn học, nghệ thuật, ông có những đề xuất mở rộng không gian sáng tạo và tính tích cực xã hội của văn nghệ sĩ, trong đó cũng có thể có những ý kiến còn cần được cuộc sống tiếp tục kiểm nghiệm. Ông chiếm được cảm tình của người đọc ở thái độ đối thoại chân thành và bình đẳng với người đọc.
Theo dõi hơn 2000 trang sách, tập hợp đủ các thể loại từ những tác phẩm đầu tiên đến giai đoạn đầu đổi mới, bạn đọc có thể hình dung diện mạo tinh thần của tác giả trong một thời gian dài, và trước những dấu mốc của lịch sử dân tộc. Một người bình thường làm được như vậy đã rất đáng trân trọng. Với Trần Độ, viết văn không phải là việc chính. Việc chính của ông, thu hút toàn bộ trí tuệ và sức lực của ông là hoạt động cách mạng, từ xây dựng phong trào ở cơ sở, khi rút vào bí mật, tôi luyện trong nhà tù đế quốc, vượt ngục, trở thành người cầm quân ở cấp chiến dịch, chiến lược, và sau đó, là nhà hoạt động Nhà nước, tất cả nhằm khẳng định “mục đích của chủ nghĩa xã hội là vì hạnh phúc của nhân dân”.
Từ góc độ văn học, tập sách này cung cấp thêm tư liệu cho bạn đọc tìm hiểu vai trò của một nhà văn quan tâm đến cuộc sống đất nước và số phận của nhân dân như thế nào. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Ngày 22/12/2011
Kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
(Trích Nhớ Nhà văn Trần Độ, Nxb Văn Học, 2013)
(*) Bài viết giới thiệu bộ Trần Độ tác phẩm, Nxb Hội Nhà Văn, 2012
Ngày 22/12/2011
Kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
(Trích Nhớ Nhà văn Trần Độ, Nxb Văn Học, 2013)
(*) Bài viết giới thiệu bộ Trần Độ tác phẩm, Nxb Hội Nhà Văn, 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét