Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Tiểu sử Trần Độ


Ngày 23/9/1923

Ông Trần Độ, tên thật là Tạ Ngọc Phách sinh ra tại làng Thư Điền, tổng An Bồi, huyện Trực Định (nay thuộc xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Cha ông làm thông phán tại Phủ Thống sứ tại Hà Nội, mẹ ông làm ruộng tại quê nhà.
Năm 1930
Ông được đi học tại trường tiểu học Đông Hướng (thuộc Trình Phố, nay là xã An Ninh, huyện Tiền Hải, Thái Bình), rồi qua sơ học yếu lược Tiền Hải  (xã Ngoại Đê), thi đỗ Thành chung ở Thái Bình.
Năm 1938 - 1939
Ông vào học thành chung ở trường Duvillier (Hàng Đẫy), phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Thời gian này, ông tiếp xúc với các ông Đào Duy Kỳ, Thành Ngọc Quản, Nguyễn Thượng Khanh (tức Trần Mai Ninh) ở báo “Thế giới mới”. Đến hè năm 1939, ông tham gia làm báo “Người mới” của ông Trần Mai Ninh. Tháng 7/1939, ông bị mật thám Pháp bắt giam và đe doạ khủng bố. Sau khi được thả, ông bỏ học, về quê. Từ đây ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng, được tổ chức Cộng sản giao nhiệm vụ tập hợp thanh niên vào tổ chức Thanh niên Phản đế ở xã rồi ở phủ Kiến Xương.
Năm 1940 - 1941
Đầu năm 1940, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ở chi bộ Bát Điếu – Thư Điền. Trong cuộc mít tinh ở cánh đồng Đông Lang vào tối 11/10/1940, ông tham gia diễn thuyết vận động nhân dân ủng hộ cách mạng. Tháng 01/1941, ông được công nhận là Đảng viên chính thức - đặc cách và trong Đại hội Đảng tỉnh Thái Bình, ông được bầu là tỉnh uỷ viên dự khuyết, phụ trách Bí thư Tỉnh đoàn Thanh niên, Bí thư phủ uỷ Kiến Xương. Cuối năm 1941, ông bị thực dân Pháp bắt, giam ở Thái Bình và bị kết án ông 15 năm tù khổ sai, giam ở nhà tù Hoả Lò, Hà Nội.
Năm 1942 – 1945
Đầu năm 1942, ông bị đày đi nhà tù Sơn La. Đến đầu năm 1943, ông được kết nạp lại vào Đảng trong tù, ông tham gia làm báo “Suối reo”. Cuối năm 1943, ông trốn thoát trên đường về Hà Nội để đi Côn Đảo, trở lại hoạt động cách mạng. Lúc đầu, ông được giao làm công tác tuyên truyền của Trung ương Đảng Cộng sản, giúp việc cho Tổng Bí thư Trường Chinh, tham gia làm báo “Cờ Giải phóng”, sau chuyển sang làm Bí thư Công tác đội của Trung ương ở An toàn Khu, vùng Đông Anh, Hà Nội. Tháng 8/1945, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Đông Anh, sau đó về nhận công tác quân sự ở Hà Nội.
Năm 1946 – 1949
Ở mặt trận Hà Nội, ông làm uỷ viên Ủy ban quân sự cách mạng Bắc Bộ, chính trị viên khu Hà Nội, Bí thư khu uỷ rồi Phó Chính uỷ khu II. Từ đây, ông lấy tên là Trần Độ. Tháng 3/1947, ông lên Chiến khu Việt Bắc, ở đây ông làm Phó Phòng Tuyên truyền, Chính trị cục trong Bộ Tổng Tư lệnh, Bí thư chi bộ, Ủy viên BCH liên chi uỷ Đảng bộ Bộ Tổng Tư lệnh, Chủ nhiệm báo “Vệ Quốc quân” (nay là báo QĐND).
Năm 1950 - 1954
Đầu năm 1950, ông làm Chính uỷ Trung đoàn Sông Lô (E.209), Bí thư Đảng uỷ Trung đoàn, tham gia chiến dịch Biên Giới. Ngày 27/12/1950 thành lập Đại đoàn 312, ông được cử làm phó Chính uỷ, quyền Chính uỷ Đại đoàn, Bí thư đảng uỷ. Làm Chính uỷ Đại đoàn, tham gia các chiến dịch : Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Lý Thường Kiệt, Hoà Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và Điện Biên Phủ. Tháng 10/1954, ông làm cán bộ của Tổng cục Chính trị, phụ trách tổng kết công tác chính trị.
Năm 1955 – 1964
Tháng 10/1955, ông là Bí thư Quân khu uỷ Quân khu Hữu Ngạn. Tháng 6/1957, Chính uỷ Quân khu Hữu Ngạn, Bí thư đảng uỷ Quân khu. Tháng 3/1958, ông được phong quân hàm Thiếu tướng. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960) được bầu vào BCH trung ương (uỷ viên dự khuyết). Đại biểu quốc hội khoá II (7/1960). Các năm 1960, 1961 ông được cử đi học ở Viện Hàn Lâm quân sự Vô-rô-chi-lốp (Liên Xô), mỗi năm học 6 tháng. Năm 1962, tham gia chỉ huy chiến dịch giải phóng Nậm Thà ở Bắc Lào. Tháng 11/1963, ông được cử làm Chính uỷ Quân khu III, Bí thư Đảng uỷ Quân khu. Tháng 12/1964, ông được cử vào miền Nam Việt Nam chiến đấu.
Năm 1965 - 1975
Tháng 3/1965, ông vào B2, tại đây ông là Ủy viên BCH Trung ương Cục, Phó Bí thư Quân uỷ Miền, Phó Chính uỷ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam kiêm Chủ nhiệm Chính trị (đến tháng 12/1966), Chính uỷ chiến dịch Đồng Xoài (05/1965). Tham gia chuẩn bị và chỉ huy Xuân Mậu Thân (1968). Tháng 8 – 10/1969 ra Hà Nội dự Hội nghị. Trực tiếp tham gia chỉ đạo chiến dịch ở Cam pu chia (02/1970), chiến dịch Nguyễn Huệ (4/1971). Được cử làm uỷ viên BCH Trung ương (10/1973). Thời gian ở chiến trường miền Nam, ông viết nhiều bài bình luận quân sự, tổng kết kinh nghiệm công tác chính trị với các bút danh Trần Quốc Vinh, Chín Vinh, Cửu Long. Tháng 3/1974, ông được thăng quân hàm Trung tướng. Tháng 6/1974, ông ra Hà Nội họp Hội nghị quân sự cao cấp toàn quốc, rồi được giao làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phụ trách công tác tổng kết chiến tranh, đồng thời là Phó Ban miền Nam của Trung ương Đảng (đến tháng 9/1975).
Năm 1976 – 1985
Sau Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng, tháng 11/1976, ông rời quân đội và được cử làm Phó trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Văn hoá. Tháng 3/1981, ông là Trưởng Ban Văn hoá - Văn nghệ Trung ương (đến 5/1982), Đại biểu Quốc hội khoá VII (7/1981), Chủ nhiệm uỷ ban Văn hoá và Giáo dục của Quốc hội. Sau Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng, tháng 6/1982, ông là Ủy viên BCH Đảng, cố vấn Viện Văn hoá của Bộ Văn hoá.
Năm 1986 – 1992
Đến Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, tháng 12/1986, ông là Trưởng Ban Văn hoá - Văn nghệ Trung ương Đảng (đến 12/1988). Ông là Đại biểu Quốc hội khoá VIII (6/1987), Phó Chủ tịch Quốc hội, Uỷ viên Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá giáo dục Quốc hội đến tháng 9/1992.
Trong cuộc đời, ông say mê làm công việc báo chí, văn học nghệ thuật. Ông tham gia Hội Nhà văn từ năm 1957. Trong suốt hơn 50 năm cầm bút, kể từ những chuyện ngắn đầu tay, ông đã viết hàng ngàn trang sách về nhiều thể loại văn học nghệ thuật, các bài bình luận quân sự, tổng kết kinh nghiệm và các tác phẩm nghiên cứu lý luận về văn hoá. Các tác phẩm của ông được nhiều nhà xuất bản in ấn và tái bản nhiều lần, trong đó có nhiều tác phẩm có ý nghĩa đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông đã cống hiến cả đời mình cho nhân dân, cho Tổ quốc và đấu tranh không mệt mỏi cho những lý tưởng cao quý của nhân loại. Với gia đình, ông là tấm gương về tính giản dị, liêm khiết, tận tuỵ với công việc, một lòng vì dân, vì nước. Do những công lao, đóng góp với nhân dân, với Tổ quốc, ông được tặng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân huy chương cao quý khác.
Ông mất ngày 09/8/2002 tại Hà Nội sau một thời gian lâm bệnh nặng. Lễ tang của ông được tổ chức giản dị và trang trọng trong sự tiếc thương của nhiều tầng lớp nhân dân, đồng đội và gia đình. Thể theo nguyện vọng cuối đời của ông, gia đình đã tổ chức an táng ông bên cạnh mộ mẹ của ông tại xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
* * *
Các tác phẩm đã được công bố :
1. Lòng tin. Nxb Quân đội Nhân dân, 1953
2. Nỗi lòng đồng chí Mão. Nxb Quân đội Nhân dân, 1955
3. Kể chuyện Điện Biên (bút ký). Nxb Văn Nghệ, 1955
4. Tìm hiểu khẩu hiệu “Sống, học tập và làm việc như những người cộng sản”. Nxb Quân đội Nhân dân, 1961
5. Lý tưởng, ước mơ và nghĩa vụ. Nxb Thanh niên, 1964 (tái bản 1968)
6. Bên sông đón súng (Hồi ký cách mạng). Nxb Thanh niên, 1964 (tái bản 1976 và 1980 do Nxb Văn học)
7. Một số kinh nghiệm giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng của Quân giải phóng miền Nam. Nxb Quân đội Nhân dân, 1970
8. Anh bộ đội (tập tuỳ bút). Nxb Quân đội Nhân dân, 1975
9. Mấy vấn đề về xây dựng nền văn hoá mới xã hội chủ nghĩa. Nxb Sự thật, 1978
10. Phấn đấu xây dựng nền văn hoá mới xã hội chủ nghĩa. Nxb Sự thật, 1982
11. Văn hoá, văn nghệ trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Mục tiêu và động lực. Nxb Văn hoá, 1986
12. Nghĩ về cuộc sống. Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1987
13. Đồng đội. Nxb Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 1987
14. Những kỷ niệm … ảnh. Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, 1987
15. Mấy vấn đề văn hoá cần nghiên cứu. Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1987
16. Văn hoá ở cơ sở và văn hoá ở huyện. Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1987
17. Văn hoá văn nghệ dưới ánh sáng Đại hội VI của Đảng. Nxb Sự thật, 1987
18. Đổi mới và chính sách xã hội, văn hoá. Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1988
………
Một số sách chủ biên hoặc chỉ đạo biên soạn :
Chiến thắng Điện Biên Phủ (tập 1, tập 2). Nxb Quân đội Nhân dân, 1964
Trận đánh 30 năm (tập 1, tập 2, tập 3, tập 4). Nxb Quân đội Nhân dân, 1983
Văn hoá Việt Nam tổng hợp 1989 – 1995 (Memento), Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương, 1989
Ngoài ra, còn nhiều bài đăng trên các báo, tạp chí và các bài nói chuyện, ý kiến phát biểu, tham luận hội thảo được các báo, tạp chí đăng tải.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà văn, 2012)

1 nhận xét:

  1. Phan Khắc Cườnglúc 21:20 23 tháng 8, 2022

    cụ Trần Độ có 2 chức vụ quan trọng và ảnh hưởng tích cực đến văn hoá xã hội thời kỳ cụ giữ chức vụ là Phó ban Tuyên huấn Trung ương và Trường ban Văn hoá - Văn nghệ TƯ.
    Khi đó văn hoá văn nghệ được cởi trói và có nhiều tác phẩm đáng nhớ.

    Trả lờiXóa