Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Anh Chín


Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh, nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục.
Trong các cơ quan, đơn vị, trên các giấy tờ chính thức, anh được giới thiệu là đồng chí Trần Độ, trung tướng Trần Độ. Bà con trong Nam gọi anh là Chín Vinh, Chín Kim hoặc đơn giản: anh Chín. Còn tôi, cũng như nhiều trí thức văn nghệ sĩ cùng làm việc với anh trong lĩnh vực văn hoá – văn nghệ, quen gọi anh nửa trang trọng, nửa thân tình: anh Độ!



Ngày 16-02-1993, anh Độ được tặng Huân chương Hồ Chí Minh nhân bảy mươi năm sinh. Chúng tôi mừng cho anh, mừng cho công việc chung, về sự đánh giá xứng đáng và công bằng này. Chúng tôi cảm kích và chia sẻ thấm thía những lời mà Chủ tịch Quốc hội tuyên bố trân trọng trong buổi lễ trao Huân chương Hồ Chí Minh cho anh: “Trải qua hơn một nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, trên các cương vị công tác, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả khi bị địch bắt, bị tù đày, đồng chí Trần Độ vẫn luôn luôn trung thành với Đảng và đem hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta".
Tôi luôn ngạc nhiên về tinh thần ham học hỏi, ham hiểu biết của anh. Tôi chưa thấy một người nào làm công tác văn hoá lại có một tủ sách phong phú như anh. Anh thích đi thực tế, về cơ sở. Nhưng anh càng say sưa đọc sách. Rảnh lúc nào, đọc lúc ấy. Đọc để tìm những gợi ý cho công việc đang phải giải quyết. Đọc để biết thêm một điều mới. Hầu như không có một quyển sách mới nào về văn học, về văn hoá, về nghiên cứu khoa học xã hội được anh em trong ngành chú ý, bàn bạc, mà anh không tìm đọc. Đọc chậm rãi, đọc khá kỹ và nhớ rất kỹ. Anh thường trao đổi với anh em trong cơ quan, với các chuyên gia đầu ngành về giá trị các tác phẩm văn học, sân khấu, điện ảnh mới xuất hiện, về những vấn đề văn hoá, sử học, triết học, … anh đang quan tâm hoặc chưa hiểu rõ. Chứng kiến sự ham mê đọc sách của anh, cũng như những cố gắng không mệt mỏi của anh để tích luỹ kiến thức mọi mặt, có lúc tôi liên tưởng đến hình ảnh của nhà văn Goóc-ki. Vẫn niềm khát khao lạ lùng ấy đối với kiến thức, vẫn thái độ gần như thành kính ấy đối với sách, vẫn ý chí muốn chiếm lĩnh về văn hoá và khoa học ở những người từ nhân dân lao động mà ra không có được cái may mắn tiếp nhận học vấn một cách bình thường và có hệ thống ở nhà trường lúc trẻ.

Do quá trình công tác, do trình độ hiểu biết, đặc biệt do thái độ chân thật, cởi mở của anh trong quan hệ với mọi người, anh Độ có rất nhiều bạn :  bạn tù thời đế quốc, bạn thuở nhỏ ở Thái Bình quê anh, bạn trong quân đội ở miền Bắc và miền Nam, bạn trong giới trí thức văn hoá, văn nghệ, khoa học, giáo dục, báo chí. Người ta đến với anh không chỉ vì anh là cán bộ chỉ huy, lãnh đạo, mà vì anh hiểu, thiết tha với nhiều công việc chung của đất nước, vì thái độ tôn trọng, dân chủ của anh đối với người đối thoại với mình, vì sự chu đáo, tình nghĩa của anh đối với đồng chí, bạn bè. Hầu như anh không hề mất đi những bạn cũ mà lại có thêm những bạn mới, dù thay đổi công tác, dù không còn giữ cương vị phụ trách như trước.

Tính anh Độ xuề xoà, rộng rãi, độ lượng, tin người, lắm lúc cả tin. Điều này có khi đã bị lợi dụng, gây rắc rối cho anh. Nhưng nhìn chung, đối với bản thân anh cũng như đối với công việc chung, tin cậy vẫn được nhiều hơn là mất. Những con người trung thực, tự trọng được tin cậy bao giờ cũng sẽ làm việc tốt hơn, sống xứng đáng hơn. Nhiều người có năng lực sẵn sàng cộng tác với anh Độ, chính vì lòng tin cậy ấy.
Anh Độ tự tin và quyết đoán. Nhưng anh biết bình tĩnh lắng nghe ý kiến của người khác, kể cả ý kiến khác mình. Tôi chưa bao giờ thấy anh tỏ vẻ khó chịu khi nghe những ý kiến trái với mình trong hội nghị ; hoặc dùng quyền chủ toạ để cắt đứt ý kiến của người đang phát biểu. Khi nhận thấy ý kiến của người khác đúng hơn, hay hơn, anh chấp nhận vui vẻ, tự nguyện, không chút mặc cảm, sĩ diện, bất kỳ ý kiến đó là của ai.
Anh Độ thích tổ chức và tiến hành các cuộc thảo luận, tranh luận công khai trên báo chí về những vấn đề văn hoá văn nghệ, khoa học. Anh tin rằng qua những cuộc thảo luận, tranh luận công khai, dân chủ, trung thực, nghiêm túc, nhiều điều sẽ được sáng tỏ ; cái giả, cái ác sẽ bị phơi trần ; cái thật, cái thiện sẽ được khảng định. Anh bình tĩnh trình bày ý kiến của mình, thiên về phân giải, thuyết phục, chấp nhận đối thoại, tránh áp đặt, tránh xúc phạm cá nhân. Anh hiểu rằng trong một lĩnh vực tinh tế và phức tạp như văn hoá văn nghệ, ý kiến thường rất khác nhau, không thể vội vàng hấp tấp, không thể dùng chức quyền để quyết định phải trái, mà phải cùng nhau bàn bạc, trong nhiều trường hợp tiếng nói cuối cùng phải dành cho cuộc sống và thời gian. Anh hoan nghênh chính sách tự do sáng tác và tự do phê bình, tin rằng chỉ bằng con đường này, tài năng mới nảy nở, những tác phẩm có giá trị thật sự mới có thể xuất hiện.
Đời hoạt động của anh Độ rất phong phú, thuận lợi nhiều, nhưng không phải là hoàn toàn suôn sẻ. Người khen anh cũng nhiều, người chê anh cũng không ít. Đó cũng là chuyện đương nhiên. Tính chất khó khăn, phức tạp của những công việc anh đảm nhận, tính cách và bản lĩnh của anh không dễ nhận được một sự đánh giá thống nhất. Tôi biết anh có những lúc buồn và khổ tâm. Nhưng thái độ nổi bật và thường trực của anh trong mọi hoàn cảnh vẫn là tự chủ, bình thản, vui sống, “ngộ”, nói theo cách vài anh em thân thiết nghĩ về anh. Chắc chắn, anh có một sự thoả mãn tinh thần sâu xa vì suốt đời được cống hiến hết sức mình cho những mục tiêu cao cả, được làm những công việc mình yêu thích, luôn luôn trung thực với chính mình và với bạn bè, đồng chí. Trong những tác phẩm cuối cùng, nhà văn Nguyễn Minh Châu hay viết về những con người “tụ điểm của đời sống”. Đó là những con người có sức sống mạnh mẽ, có khả năng hoàn thành những công việc lớn, âm thầm hoặc vang dội, có sức lôi cuốn, kích thích những người xung quanh sống và làm việc năng nổ sáng tạo. Tôi nghĩ anh Độ cũng là một “tụ điểm của đời sống”.

Anh Độ sống giản dị, thanh bạch. Say mê, xông xáo trong công việc chung, anh không có điều kiện, lại rất vụng về trong việc lo cho cuộc sống bản thân và gia đình, cho nên đến cuối đời, sống không dễ dàng chút nào.
Nguyễn Trọng Oánh có mấy câu thơ về đồng đội :
Anh ngơ ngác giữa cuộc đời thế mãi,
Như trăng kia ngơ ngác giữa bầu trời.
Cho tất cả chỉ riêng mình trần trụi,
Soi sáng trăm miền mà trăng vẫn đơn côi.
Không biết tại sao, nhưng cứ mỗi lần đọc những câu thơ này, tôi lại nghĩ đến anh Độ. Nhà chính trị dày dạn, vị tướng vào sinh ra tử, lại cũng chính là con người rất vụng về, ngơ ngác, trần trụi như vậy. Đây là thiệt thòi hay giá trị, lẽ sống của anh, của những người như anh?
5-1993

(Trích Nhớ Nhà văn Trần Độ, Nxb Văn Học, 2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét