Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2022

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, linh hồn của phong trào quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược


Cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta đã và đang giành được những chiến thắng vô cùng to lớn. Phong trào thi đua quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược cũng đang trên đà xốc tới mạnh mẽ và đã góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến của toàn dân ta tiến tới không ngừng và đã thu được những thắng lợi ngày càng vang dội.

Một trong những nguyên nhân thắng lợi ấy và cũng là linh hồn của phong trào thi đua là chủ nghĩa anh hùng cách mạng ngày càng phát triển phong phú dưới nhiều hình thức và màu sắc vô cùng sinh động, rực rỡ. Trong lịch sử dân tộc ta, chưa bao giờ chủ nghĩa anh hùng cách mạng lại được phát huy cao độ như hiện nay. Ở khắp nơi trên đất nước chúng ta, chúng ta đều thấy những tấm gương chói lọi sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, từ trong các lực lượng vũ trang đến các tầng lớp nhân dân, từ thanh niên đến phụ nữ, từ em nhỏ đến cụ già, từ người nông dân ở vùng nông thôn giải phóng đến người công nhân và đồng bào lao động trong các đô thị tạm bị chiếm, từ người trí thức đến cả những người tu hành. Trong Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua và Dũng sĩ diệt Mỹ của các lực lượng Vũ trang Nhân dân Giải phóng miền Nam lần thứ nhất, đồng chí Trường Sơn đã nói : “Nếu bọn trùm tư bản Mỹ là những tên triệu phú tức là có hàng triệu đô la, thì nhân dân ta là triệu phú về chủ nghĩa anh hùng cách mạng”. Thật vậy, chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã thể hiện ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân ta. Bác lái đò hoả tuyến trên sông Trà Câu chống thuyền đưa thương binh dưới bom đạn địch, nửa chừng giặc ném bom giết hại ba cháu nhỏ, bác đã gạt nước mắt tiếp tục nắm vững tay sào nhanh chóng chuyển thương binh về đến trạm. Bà mẹ Củ Chi, nơi giặc Mỹ dã man phá sạch, đốt sạch, giết sạch, đã nói với anh em du kích: “Các con ráng đánh đuổi nó, còn một tấm tranh má cũng cương quyết trở về”. Bà mẹ Cẩm Khê thoát ra khỏi hầm cá nhân giữa lúc đạn địch đang bắn ác liệt để nhường chỗ cho thương binh. Người em gái Bình Sơn ba lần trúng đạn, máu đỏ mặt sông, vẫn kiên quyết bám thuyền thu hút hoả lực cho thương bệnh binh của ta vượt sông. Cô thanh niên xung phong Đoàn Thị Liên đã hy sinh anh dũng khi lấy thân mình che miệng hầm cho thương binh. Với hai bàn tay không, bao nhiêu cô bác, anh chị em ta đã sẵn sàng hy sinh, nằm cản đường xe bọc thép, giành tay lái, bắt địch phải quay đầu xe, hạ nòng pháo, không cho địch phá hoại xóm làng. Nói sao cho hết những tấm lòng cao cả và tấm gương tuyệt đẹp như thế. Những hành động rất anh hùng nhưng cũng rất bình thường ấy đã diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên khắp đất nước ta. Chính vì thế mà những chiến thắng to lớn chúng ta đã giành được trong hơn hai năm qua và trước đây là chiến công của toàn thể dân tộc ta, dân tộc Việt Nam anh hùng. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần căm thù giặc sâu sắc, niềm tin tưởng sắt đá vào thắng lợi cuối cùng nhất định về ta. Đó là thắng lợi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã và đang phát huy mạnh mẽ trong hành động của mỗi người dân Việt Nam chúng ta.
Hồ Chủ tịch đã dạy: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ” và “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đó chính là truyền thống oanh liệt chống xâm lược của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy là tinh thần “Quyết đạp gió lớn, cưỡi sóng dữ, giết giặc cứu nước” của Triệu Trinh Nương, là tiếng hô “Quyết chiến” vang vọng núi sông của các bô lão trong hội nghị Diên Hồng, lời hịch “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, Lê Lợi, là tiếng bom Sa Điện của Phạm Hồng Thái, là dũng khí cách mạng tuyệt vời của các bậc cách mạng tiền bối : Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai, v.v… Truyền thống và sức mạnh ấy lại được tôi luyện bằng máu lửa của Xô viết Nghệ Tĩnh, Nam Kỳ khởi nghĩa, Bắc Sơn, Đô Lương, Ba Tơ, bằng chiến công lẫy lừng của Điện Biên Phủ vĩ đại và đã được phát huy lên một cách mạnh mẽ với sức mạnh của thời đại chúng ta ngày nay, thời đại sụp đổ của chủ nghĩa thực dân đã quá thối nát, thời đại tiến công và thắng lợi của các lực lượng cách mạng dân tộc, dân chủ và hoà bình trên thế giới.

Ảnh: Thăm cán bộ chiến sĩ ở cửa biển Lạch Trường Thanh Hóa, 1976
 Ở trong lòng nhân dân mà ra, các lực lượng vũ trang chúng ta đã được thừa hưởng những đức tính cao đẹp: tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu quên mình, tinh thần lạc quan cách mạng của nhân dân, lòng căm thù địch sâu sắc,… Chính những đức tính ấy đã tăng thêm sức sống của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lực lượng vũ trang nhân dân chúng ta. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã được sản sinh ra trong dân tộc Việt Nam đầy tính chiến đấu và giàu lý tưởng cách mạng cao đẹp, do một đường lối chính trị sáng suốt, đúng đắn hướng dẫn và bồi dưỡng. Đó là yếu tố cơ bản nhất, là chỗ mạnh cơ bản nhất của chúng ta, giúp chúng ta phát triển mọi tài năng, khắc phục mọi khó khăn để giành thắng lợi. Đó chính là thứ vũ khí chiến thắng cơ bản nhất, biến hoá và phát triển không ngừng mà không một vũ khí tối tân hiện đại nào có thể so sánh được. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lực lượng vũ trang nhân dân ta là kết tinh của lòng căm thù giặc sâu sắc kết hợp chặt chẽ với lòng thiết tha yêu đất nước yêu nhân dân, lại được giáo dục rèn luyện về tinh thần và ý thức giai cấp nên đã phát huy hết sức mạnh vô địch của mình. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong các lực lượng vũ trang nhân dân ta đã thể hiện tập trung và phát triển cao trong hành động chiến đấu. Các chiến sĩ chúng ta luôn đem trái tim cách mạng trong như ngọc, rắn như kim cương để vượt qua mưa bom, bão lửa của quân thù mà tạo nên những chiến công kỳ diệu như Phù Đổng, Thạch Sanh. Hành động xả thân vì nước, đem sinh mạng của mình ra làm vũ khí để giáng vào đầu địch những đòn sấm sét hầu như đã thành phổ biến mà Nguyễn Văn Bé, Nguyễn Văn Lịch, Lưu Văn Liệt là những nét tiêu biểu. Nhưng không phải chỉ có thế, chủ nghĩa anh hùng cách mạng còn thể hiện và phát triển rộng rãi tạo nên những kỳ công vĩ đại trong tất cả các ngành, các binh chủng chiến đấu và phục vụ trong quân đội.
Nhìn qua tất cả những sự tích anh hùng của các anh hùng, chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ, ta có thể nêu lên những biểu hiện rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng đang phát triển cao độ trong những điểm sau đây:
1. Tinh thần không cam chịu làm nô lệ, kiên cường bất khuất, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do.
Đó là nét nổi bật của một đức tính tốt đẹp, một phẩm chất cách mạng cao quý của các đồng chí anh hùng, chiến sĩ thi đua, dũng sĩ cũng như của toàn dân, toàn quân ta.
Đó chính là tinh thần cách mạng đến cùng, lấy sự nghiệp đấu tranh cách mạng làm sự nghiệp của cuộc đời mình, lấy cách mạng làm lẽ sống, làm niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh chiến thắng của dân tộc và quân đội mình : đó là lòng yêu quê hương, làng xóm, do thấm thía cuộc đời tăm tối cùng nỗi đắng cay của sự nghèo đói, dốt nát trước đây mà biết đánh giá đúng đắn những quyền lợi do cách mạng đem lại trong những ngày sục sôi chiến đấu.
Từ một nông dân nghèo, lúc vào bộ đội còn chưa biết chữ, đến nay đã trở thành bác sĩ, đồng chí Trần Văn Lư đã nói : “Chính cách mạng đã cho tôi cuộc đời và có cách mạng mới có tôi hôm nay”. Đồng chí Nguyễn Văn Lịch cũng ghi trong nhật ký của mình : “Sống thì làm cách mạng đến cùng” chính là vì những lẽ ấy.
Kẻ địch thường đem bom đạn tàn phá, giết hại ra doạ dẫm nhân dân ta, nhưng ngay trong cuộc đời đã qua của mỗi chúng ta, của bà con chúng ta, với cuộc sống chiến đấu và chiến thắng ngày hôm nay đã làm cho chúng ta khinh thường sự doạ dẫm ấy.
Ngay trong Đại hội này, qua tìm hiểu chưa đầy đủ, trong số 111 đại biểu đã có 26 đồng chí từ nhỏ phải đi ở đợ, sống một cuộc sống cơ cực trong 123 năm, số bà con anh em bị địch giết và bị chúng bắt giam là 506 người, 274 mẫu ruộng bị cướp đoạt, 22.417 mẫu vườn bị tàn phá. Chính những sự thực trên đây đã làm cho cuộc đời của mỗi chúng ta càng gắn bó với cách mạng, càng thấy cách mạng là thiết thân và càng làm cho chúng ta không thể ngồi yên, mà quyết tâm đem cả cuộc đời mình hiến dâng cho cách mạng. Đồng chí Nguyễn Văn Lịch đã ghi ý nghĩ rất đúng của tất cả chúng ta là : “Nếu có hy sinh thì hy sinh cho xứng đáng”. Chính sự hy sinh của các đồng chí ấy đã đem lại vinh quang cho cách mạng, cho chúng ta hôm nay.
Không chỉ các đồng chí đã hy sinh, ngay các đồng chí còn sống ở đây cũng đã có ý nghĩ sẵn sàng hiến dâng đời mình cho cách mạng. Đồng chí Thanh Minh Tám khi đánh sân bay An Khê đã cùng đồng đội thề trước đơn vị: “Có hy sinh thì chỉ hy sinh trên cánh máy bay giặc mà thôi”. Các đồng chí Đoàn Văn Chia, Tô Văn Đực khi gỡ bom, biết mình đang cầm cái chết trong tay nhưng vẫn làm với ý nghĩ “vì lợi ích cách mạng mà làm, nếu phải hy sinh vì một trái bom hay vì một viên đạn súng trường cũng như thế mà thôi”.
Chính vì sự giác ngộ cách mạng sâu sắc của các lực lượng vũ trang nhân dân ta đã tạo nên trong mỗi con người chúng ta một tinh thần chiến đấu gang thép. Tinh thần chiến đấu đó đã tạo nên một sức mạnh ghê gớm làm cho bọn đế quốc Mỹ lắm bom, nhiều súng phải bất ngờ và bất lực. Tinh thần đó mạnh hơn bất cứ thứ vũ khí nào của đế quốc, kể cả vũ khí nguyên tử và sẽ đánh bại bất cứ một sức mạnh xâm lược đàn áp nào dù cuồng bạo đến đâu. Tinh thần đó cũng chính là hạt nhân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của ta, là nguồn gốc của mọi biểu hiện tốt đẹp khác của chủ nghĩa anh hùng.
2. Trung thành vô hạn với cách mạng, luôn lạc quan tin tưởng ở thắng lợi.
Ở các đồng chí anh hùng, chiến sĩ thi đua của chúng ta đều nổi lên rất rõ một đức tính hết sức cao quý. Đó là lòng trung thành vô hạn với cách mạng, không chỉ gắn chặt cách mạng với cuộc đời mình, lấy đấu tranh cách mạng làm lẽ sống mà còn coi sự nghiệp cách mạng là cao nhất, lớn nhất. Lòng trung thành đó đã biểu hiện rất rõ ở lòng tin tuyệt đối vào cách mạng. Dù khó khăn ác liệt đến mấy, dù cho cực khổ gian nan đến đâu, ngay trong những lúc gay go, những ngày đen tối nhất, vẫn một lòng một dạ với cách mạng, một niềm tin ở cách mạng và khi cách mạng đòi hỏi thì không từ nan một chút khó khăn nào, dù có phải hy sinh tính mạng. Đã có biết bao nhiêu tấm gương chói lọi về lòng trung thành vô hạn ấy : đồng chí Bồng Văn Dĩa, 33 năm theo cách mạng, qua bao nhiêu gian nan, khó khăn, nguy hiểm, vẫn kiên trì bền bỉ hoàn thành xuất sắc mọi việc mà cách mạng giao cho. Gian khổ, tù đầy không làm cho đồng chí sờn lòng, nản chí. Đồng chí Nguyễn Ngọc Bình, lá cờ đầu cán bộ “ba giỏi” của miền Trung Trung Bộ đã trải qua hai lần kháng chiến và những ngày đen tối dưới ách Mỹ - Diệm, dù ăn đói, ngủ hầm để len lỏi hoạt động, nhưng vẫn một lòng một dạ tin rằng nhất định sẽ có ngày hôm nay và khi được phân công chiến đấu vũ trang đã anh dũng ngoan cường lập công xuất sắc.
Lòng tin ấy không chỉ thể hiện ở các đồng chí đã lâu năm đi theo cách mạng, mà nó còn thấm sâu vào các đồng chí còn ít tuổi, nhưng đã sớm chịu cảnh tang tóc của gia đình, của bà con thân thuộc ; sớm thấy rõ những cái nhục của cuộc sống tối tăm ngột ngạt, của kiếp sống bị kìm kẹp, nô lệ ; sớm được thấy sự vùng dậy quật khởi của quê hương, của tấm gương những người đi trước nên cũng đã tham gia cách mạng rất sớm, chịu đựng nhiều gian khổ khó khăn, kiên quyết đi theo cách mạng, đã lập nhiều thành tích xuất sắc và khi Tổ quốc kêu gọi, sẵn sàng xả thân vì lý tưởng cao đẹp của đời mình. Kpa-kơ-lơng, năm 15 tuổi xin vào du kích nhưng không được vì còn nhỏ, đã tự động một mình vót chông, đào hầm, diệt 5 tên biệt kích, dùng ná bắn 3 tên khác trên đường đi Plây-me. Đồng chí Nguyễn Văn Thể, 20 tuổi, bị thương ở chân đi đứng khó khăn, cấp trên đã cho chuyển công tác nhưng đồng chí kiên trì luyện tập hàng mấy tháng trời và cuối cùng đã trở lại đội ngũ chiến đấu lập công xuất sắc; đồng chí Nguyễn Thị Hạnh nhiều năm liền đã chịu đựng bệnh tật giày vò không điều trị, để có điều kiện hoạt động cách mạng trong vùng địch tạm chiếm. Các đồng chí Nguyễn Văn Bé, Lưu Văn Liệt, Nguyễn Văn Lịch, v.v… đã chọn sự hy sinh xứng đáng nhất trong những hoàn cảnh gay go nhất, khó khăn nhất và đã chiến thắng hết sức vẻ vang.
Chính lòng trung thành đó đã làm cho người già trẻ lại, người trẻ sớm khôn, trai thì kiên cường dũng mãnh, gái thì bất khuất, đảm đang, không thua nam giới, kẻ ở tiền tuyến không tiếc xương máu, người ở hậu phương cũng chẳng quản ngại gian khổ hy sinh, chiến đấu dũng cảm ngoan cường.
Trong những giờ phút gian nguy hiểm nghèo nhất, các đồng chí chúng ta đã lấy cuộc sống gian khổ làm niềm hạnh phúc tự hào, coi sống trong ác liệt là sống hào hùng, trong lúc sa cơ cũng chuyển thành thế tiến công giành chiến thắng, hết vũ khí thì còn trái tim, lấy sự hy sinh làm vũ khí, tiến công quân thù.
Chính lòng trung thành vô hạn, tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin tưởng mãnh liệt ở thắng lợi cuối cùng đã là nguồn nghị lực vô tận giúp cho chúng ta có đức tính bền bỉ kiên trì khắc phục khó khăn, thiếu thốn, chịu đựng ác liệt gian khổ, luôn xốc tới chiến thắng quân thù.
3. Quán triệt tư tưởng cách mạng tiến công với dũng khí rất cao.
Trong cuộc chiến đấu một mất một còn với bọn Mỹ và tay sai hiện nay, Tổ quốc và dân tộc đòi hỏi chúng ta chỉ có chiến thắng mà không được chiến bại. Trong thế tiến công chung của phong trào cách mạng thế giới, chúng ta lại là đội xung kích ở tiền duyên đang đột phá vào lực lượng phản động cuồng bạo nhất là đế quốc Mỹ.
Chính vì thế mà nhân dân và các lực lượng vũ trang chúng ta vững vàng trên tư thế chiến thắng của mình, đã quán triệt tư tưởng cách mạng tiến công trong mọi mặt hoạt động của mình với dũng khí rất cao. Mỹ vào đông, vấn đề không phải chỉ là dám đánh hay không mà làm thế nào, đánh cách nào để giành thắng lợi. Các đơn vị và các đồng chí chúng ta đã giải quyết vấn đề rất thoả đáng : cứ tìm địch mà đánh, tiến công và tiến công liên tục, đạp trên đầu thù tiến tới, đó là khí thế, là sức mạnh của một dân tộc, một quân đội đang chiến thắng rực rỡ. Đó chính là cách đánh đúng đắn nhất.
Vì thế khi Mỹ ồ ạt kéo vào nước ta, lập tức chúng bị những đòn phủ đầu choáng váng: một đại đội ta diệt một đại đội Mỹ ở Núi Thành, một tổ du kích diệt một đại đội Mỹ ở An Điền, một tiểu đoàn Mỹ bị tiêu diệt ở Đất Cuốc, nơi chưa có địch thì đi tìm đến chỗ có địch mà đánh. Ai ai cũng đánh, từ cụ già 70 tuổi đi ra gần bốt gài lựu đạn đến cô thanh nữ, em thiếu niên ở các vành đai và tất cả mọi người chúng ta đều mang khí thế tiến công tìm địch mà đánh. Trong các lực lượng vũ trang, tinh thần cách mạng tiến công ấy được thể hiện rất rõ ở chỗ luôn thọc sâu chia cắt, một mình một mũi, dùi sâu vào đội hình địch, hết vũ khí thì tìm vũ khí địch mà diệt địch, trong phòng ngự thì một người, một tổ cũng đánh, khi có thời cơ là lập tức xuất kích diệt địch thu vũ khí.
Trong trận Xuân Sơn, đồng chí Hoàng Đình Nghĩa với khẩu súng chỉ còn 3 viên đạn đã anh dũng tuyệt vời một mình một mũi thọc sâu vào sườn địch, lọt vào trong đội hình chúng, lấy súng đạn địch diệt địch, dập tắt các hoả điểm, đánh tróc địch ra khỏi công sự góp phần quan trọng cho đơn vị tiêu diệt tiểu đoàn 4 thuỷ quân lục chiến nguỵ. Đồng chí Phạm Văn Cội, khi địch chưa đến xã thì dẫn anh em du kích đến vành đai tìm đánh địch, Khi địch đánh vào xã một mình vẫn anh dũng chống càn, lúc hết lựu đạn, đồng chí đã quấn dây thừng vào lựu đạn gài, diệt địch, buộc chúng phải tháo chạy, bảo vệ thương binh, bảo vệ căn cứ,…
Đồng chí Trương Văn Hoà đi tìm Mỹ đánh thử, khi xã nhà giải phóng thì qua xã khác tìm địch để đánh. Đồng chí Nguyễn Văn Lên suốt 7 ngày địch càn là suốt 7 ngày cùng tổ tìm địch để diệt. Đồng chí Nguyễn Văn Bé, tiểu đoàn Phú Lợi, đồng chí Trương Vĩnh Nguyên, tiểu đoàn X và bao nhiêu đồng chí khác đã làm như vậy. Giờ đây những hành động ấy đã trở thành tác phong chiến đấu phổ biến của các lực lượng vũ trang nhân dân chúng ta.
Tinh thần tiến công địch còn thể hiện ở hành động bị thương nặng nhưng không rời trận địa mà vẫn tiếp tục tiến công địch. Đồng chí Đặng Văn Đẩu bị thương thủng ruột, không cúi xuống được, vẫn tiến lên tiêu diệt hoả điểm cuối cùng của địch. Nó còn biểu lộ ở sự kiên trì luyện tập chống lại thương tật, tưởng như không khắc phục được, với quyết tâm trở lại đội ngũ chiến đấu diệt địch. Đồng chí Lý Văn Lâm bị thương cụt tay đã kiên trì khổ luyện trên một năm trời tập bắn bằng cùi tay và đạt đến trình độ mỗi viên đạn một quân thù. Với cánh tay thương tật ấy, đồng chí đã bắn 24 viên đạn chết 21 tên địch, trong đó có 3 viên giết 6 tên và bắn rơi 1 máy bay L19.
Hầu như tất cả các đồng chí trong lực lượng vũ trang chúng ta khi bị thương vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ. Không phải các đồng chí chúng ta chỉ tiến công kẻ thù khi ở trong đội ngũ, có vũ khí trong tay mà khi bị thương nặng, chỉ còn một mình hay lúc không may sa cơ lọt vào tay giặc cũng không sợ hy sinh, tiếp tục tiến công kẻ thù giành thắng lợi cho cách mạng. Đồng chí Nguyễn Văn Lịch trong khi đi công tác, gặp địch đã anh dũng chiến đấu bị thương gãy cả hai chân nhưng vẫn diệt được cả tiểu đội địch. Đồng chí Nguyễn Văn Bé bị địch bắt đã mưu trí lấy vũ khí từ trong tay địch, diệt trên trăm giặc Mỹ, nguỵ và chỉ trong một phút cuối đời mình đã đạt liền một lúc ba danh hiệu “dũng sĩ vẻ vang”. Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Lưu Văn Liệt, Đồng Phước Huyến đều đã hy sinh trong tư thế tiến công địch, trong tư thế của người chiến thắng.
Tiến công, chỉ có tiến công áp đảo quân thù, đó chính là tư tưởng chỉ đạo cho hành động của chúng ta. Đó cũng là vũ khí vô cùng sắc bén của các lực lượng vũ trang chúng ta, đồng thời đó cũng là truyền thống, bản chất của quân đội ta, là biểu hiện rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta.
4. Có tình thương yêu nhân dân, thương yêu đồng đội sâu sắc, đối với đồng đội thì thuỷ chung mặn nồng, đối với nhân dân thì tình sâu nghĩa nặng.
Người chiến sĩ cách mạng không những phải biết xử trí cương quyết với kẻ thù mà còn phải biết xử sự đúng đắn với đồng đội, với nhân dân, với cách mạng và với ngay cả bản thân mình. Chúng ta vô cùng cảm động trước những tấm gương cao cả của những đồng chí chỉ nghĩ đến cách mạng, đến đồng đội, đến nhân dân mà hy sinh thân mình.
Đồng chí Huỳnh Việt Thanh suốt quá trình hoạt động, chỉ nghĩ cách tiến công quân thù; là xã đội trưởng, đồng chí chăm lo rất mực đến đội du kích, phát triển các thứ vũ khí thô sơ, dựa vào nhân dân để chiến đấu và trong một trận giặc càn, đồng chí đã một mình một xuồng anh dũng chiến đấu thu hút hoả lực của giặc để bảo vệ đồng đội, bảo vệ cán bộ và đã dũng cảm hy sinh. Đồng chí Phạm Đình Nghiệp thấy bạn bị thương đã xông lên cõng bạn và bị bộc phá nổ văng ra ngất đi. Đồng chí Huỳnh Văn Tạo trong trận công đồn Vĩnh Công, một mình nằm trong lô cốt đã liên tiếp đánh lui các đợt phản kích của địch trong suốt 3 giờ đồng hồ để bảo vệ cho đồng đội đem thương binh ra. Khi rút lui gặp đồng đội bị thương vong đã vào ra trận địa nhiều lần vừa điều người điều súng, vừa chiến đấu bảo vệ đồng đội đưa thương binh đến chỗ an toàn. Trong trận chống càn Nhật Minh, mặc cho phi pháo bắn dữ dội, đồng chí đã hai lần nhường hầm cho dân tránh bom đạn giặc. Các đồng chí đó đã hy sinh, nhưng nhân dân, đồng đội còn nhắc nhở mãi đến những hành động và đạo đức cao đẹp ấy.
Những hành động biểu hiện tình thương yêu nhân dân, thương yêu đồng đội sâu sắc không chỉ có ở các đồng chí đã hy sinh, mà ngay các đồng chí chúng ta hiện ở đây đều đã hành động như vậy và nó đã trở thành nếp suy nghĩ, nếp sống của chúng ta. Đồng chí Tạ Quang Tỷ trong chiến đấu chưa lần nào bỏ sót thương binh lại trận địa. Anh em trong đơn vị thường nói về đồng chí : “Còn thương binh, tử sĩ, Tạ Quang Tỷ chưa về”. Đồng chí y tá Huỳnh Thúc Bá không một trận nào bỏ sót thương binh, tử sĩ, đồng chí đã trực tiếp cấp cứu 50 thương binh tại chỗ và tổng cộng đã cùng anh em chuyển an toàn 120 thương binh ra khỏi trận địa. Có lúc đồng chí đã trực tiếp cầm súng chiến đấu để bảo vệ thương binh. Bác sĩ Trần Văn Lư, với lòng yêu thương đồng đội nồng nàn, với tư tưởng cách mạng tiến công đã vận dụng nguyên tắc y học một cách sáng tạo cứu chữa thương binh trong những trường hợp tưởng chừng như phải bó tay. Đồng chí đã tự mình cho máu 24 lần, vận động toàn đội thành “kho dự trữ máu”, cùng anh em đi tải gạo, khiêng thương binh, nên được thương binh rất tin tưởng, đồng bào mến phục tin yêu. Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh đã trực tiếp tham gia và phục vụ hàng trăm trận đánh, mỗi lần chiến đấu đều cân nhắc đến lợi ích của nhân dân, của cách mạng.
Các đồng chí chúng ta đã xử sự như vậy vì đã thấm rất sâu tình nghĩa đậm đà của những người cùng chung một lý tưởng chiến đấu.
Đối với anh em đồng đội, tình đồng chí, sống chết, vui buồn có nhau, cùng chiến đấu dưới lá cờ cách mạng lại càng gắn bó chúng ta lại làm một. Chính vì thế mà các đồng chí chúng ta chỉ nghĩ đến đồng đội, đến nhân dân mà quên cả bản thân. Không phải vì lý do nào khác mà chính do lòng thương yêu giai cấp sâu sắc, các đồng chí chúng ta đã chấp hành triệt để chính sách thương binh, tử sĩ, giải quyết tốt mối quan hệ với nhân dân.
5. Biết đem đời mình gắn liền với cách mạng, giải quyết đúng đắn các mối mâu thuẫn: sống chết, sướng khổ, hạnh phúc chung, hạnh phúc riêng.
Mỗi một con người, nhất là người cách mạng, đều rất muốn sống, muốn có một cuộc đời hạnh phúc; chính vì thế mà chúng ta chiến đấu. Nhưng chúng ta quý trọng độc lập, tự do hơn cả cuộc sống của bản thân, vì không có độc lập, tự do thì chúng ta chỉ có tủi nhục, đói nghèo, không có một cuộc sống thực sự của con người. Quân thù lầm tưởng rằng chúng ta cũng đê hèn như chúng nên thường dùng mọi âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý để hòng lung lạc và làm nhụt tinh thần chiến đấu của nhân dân, quân đội ta, nhưng chúng đã uổng công vô ích. Nhân dân ta, quân đội ta đã tỏ ra vững vàng đứng trên đầu thù, nêu cao khí phách kiên cường của người cách mạng.
Đồng chí Đồng Phước Huyến mỗi lần xuất quân thường tâm sự với anh em: “Tôi chỉ mong đánh thắng, mong sao làm tròn nhiệm vụ, còn việc sống chết của bản thân thì coi rất nhẹ thôi”. Không băn khoăn cái sống, cái chết của bản thân, chỉ băn khoăn cái thắng, cái bại của trận đánh. Thật là giản đơn nhưng cũng thật là cách mạng.
Đồng chí Tạ Quang Tỷ đã làm tiểu đội trưởng, được đi học đào tạo cán bộ trung đội, nhưng khi được bố trí làm tiểu đội phó anh nuôi rồi lại chuyển qua rất nhiều công tác khác, nhưng không hề băn khoăn thắc mắc, luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đồng chí Ngô Văn Rạch có lần một mình giữ kho 5 tháng liền ở giữa rừng nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ và gần 2 năm nay thường xuyên một năm ở rừng gần 300 ngày để làm đường, làm cầu bảo đảm cho các đường vận chuyển thông suốt. Đi đến đâu gặp suối, đồng chí làm sa cá rồi cắm bảng “Ai đi ngang qua, ghé bắt cá ăn” và đã làm đến chục sa cá như thế; gặp cầu hư, đồng chí sửa cầu, gặp đường xấu làm lại đường tốt. Đồng chí Nguyễn Văn Mốt suốt 6 năm cùng tiểu đội giữ kho, mỗi năm thường làm việc cả 300 ngày đêm để vận chuyển và phân phát hàng cho các đơn vị.
Đội giải phẫu của đồng chí Lư, một nhân viên phục vụ trung bình từ 10 đến 15 thương binh, có lúc 20 thương binh ; công việc rất mệt nhọc vất vả, nhưng các đồng chí “để phục vụ thương binh thì không còn biết mệt”.
Vui cái vui của đồng bào được giải phóng thoát cảnh kìm kẹp, sung sướng vì trận đánh thắng lợi, công tác hoàn thành, tìm thấy hạnh phúc riêng trong hạnh phúc chung của mọi người, các đồng chí chúng ta đã hoà mình trong tập thể lớn lao, lấy việc chiến đấu cho lý tưởng làm hạnh phúc của đời mình, lấy việc được tham gia công tác cách mạng làm nguồn vui và vinh dự trong cuộc sống.
Chính cũng vì có ý thức sâu sắc về vai trò của cá nhân trong tập thể cách mạng, hiểu sự nghiệp cách mạng là vĩ đại, là sự nghiệp của nhân dân, sự đóng góp của cá nhân dù quan trọng đến đâu cũng là nhỏ bé, nên các đồng chí chúng ta chỉ biết đem hết sức mình ra phục vụ nhân dân. Đó chính là một trong những nét chủ yếu để phân biệt chủ nghĩa anh hùng cách mạng và chủ nghĩa anh hùng cá nhân. Chỉ có khiêm tốn, đặt cá nhân dưới tập thể, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng mới có thành tích, mới phục vụ được nhiều cho cách mạng. Các đồng chí anh hùng, chiến sĩ thi đua được mọi người mến phục và được nhân dân rất mực tin yêu đều vì có tinh thần như vậy. Chúng ta ca ngợi thành tích của các anh hùng, chiến sĩ thi đua, lại càng ca ngợi hơn nữa tinh thần khiêm tốn, giản dị của các đồng chí đó.
6. Quán triệt đường lối, phương châm, chính sách, chấp hành mệnh lệnh một cách nghiêm chỉnh.
Trong thời đại chúng ta ngày nay, giặc Mỹ đi xâm lược nhưng vẫn buộc phải dùng chiêu bài thực dân kiểu mới để lừa bịp. Chúng ra sức mị dân, khoác cho nguỵ quân, nguỵ quyền cái áo khoác “dân chủ độc lập” giả hiệu đã tả tơi rách nát, nhưng vẫn nắm rất chắc cơ sở bạo lực quân sự phản cách mạng để đàn áp nhân dân ta.
Có nắm vững và quán triệt đường lối, phương châm đấu tranh và các chính sách của Mặt trận đầy khí thế cách mạng của quần chúng lên cao, đấu tranh quyết liệt với kẻ thù và do đó vạch trần chân tướng của chúng. Đường lối, phương châm đấu tranh của ta từ trong thực tế đấu tranh mà ra. Chính vì các đồng chí chúng ta sống, chiến đấu và trưởng thành từ trong phong trào đấu tranh của quần chúng nên đã thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của quần chúng rất sâu sắc, tiếp thu và vận dụng đường lối, phương châm cách mạng rất đúng đắn và linh hoạt. Phải đánh địch, hạ uy thế của chúng mới tạo khí thế cho quần chúng nổi dậy, nhưng địch lại đóng trong nhà dân, đồng chí Huỳnh Việt Thanh suốt mấy đêm liền phải bò vào từng nhà bày cho nhân dân cách đuổi địch ra khỏi nhà để cho bộ đội tiêu diệt chúng. Đồng chí Ngô Thành Trang cùng đội quyết tử của xã luôn có mặt ở những chỗ khó khăn nhất, phá tề diệt địch, góp phần tích cực bảo vệ cơ sở, bảo vệ nhân dân. Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh luôn luôn đề cao ý thức chiến đấu để phục vụ cho việc phá kìm kẹp, giải phóng dân, xây dựng cơ sở, đưa quần chúng tiến lên đấu tranh chính trị và vũ trang. Đồng chí Nguyễn Văn Tài đã nhiều lần đột nhập thị trấn, khu phố diệt ác ôn để tạo điều kiện cho việc xây dựng cơ sở, phá kìm kẹp. Các đồng chí chúng ta đã quán triệt đường lối, phương châm đấu tranh cách mạng, do một trong những nguyên nhân là các đồng chí đã có một tinh thần tổ chức, kỷ luật rất cao, chấp hành tốt mọi chỉ thị, nghị quyết của trên, với tình thương yêu nhân dân vô hạn.
Trong các đơn vị tập trung, yêu cầu chiến đấu hiệp đồng ngày càng cao, nên việc chấp hành nghiêm chỉnh và triệt để mệnh lệnh của cấp trên là một trong những yếu tố quyết định để giành thắng lợi.
Đồng chí Tạ Quang Tỷ được anh em tặng cho những tên : “đại đội trưởng đột phá”, “đại đội trưởng chặn đầu”, “đại đội trưởng khoá đuôi”, chính vì đã chấp hành tốt mệnh lệnh nên đã liên tiếp lập được công lớn. Câu “có lệnh là đi, có địch là đánh, đánh là phải thắng” hoặc “điều đâu đi đó, chỉ đâu đánh đó, đánh đâu thắng đó” đã trở thành truyền thống tốt đẹp của nhiều đơn vị.
Đồng chí Nguyễn Văn Quang, tiểu đoàn X trong trận Cò Tuất cùng tiểu đội có nhiệm vụ chặn một bộ phận địch không cho chạy. Bị gãy một tay, đồng chí đã dùng răng cắn rồi nhờ đồng đội chặt đi để tiếp tục chiến đấu. Đồng chí Nguyễn Văn Quang (Bà Rịa) trong suốt nửa ngày đã một mình một súng đại liên di chuyển 65 lần để thu hút hoả lực máy bay địch cho đơn vị rút an toàn.
7. Quán triệt tinh thần dựa vào sức mình là chính, lấy tinh thần cách mạng làm yếu tố cơ bản, phát huy mọi khả năng, mưu trí và sáng tạo, tìm mọi cách đánh địch.
Một đặc điểm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta là đã kết hợp hết sức chặt chẽ giữa dũng khí cách mạng rất cao và tri thức cách mạng rất khoa học, giữa lòng quả cảm và trí thông minh. Dân tộc chúng ta là một dân tộc trí dũng song toàn, không những chúng ta không sợ Mỹ, dám đánh mà còn biết cách đánh Mỹ, thắng Mỹ và ngày càng đánh giỏi hơn, thắng to hơn.
Chiến tranh ngày nay đã vượt xa các cuộc chiến tranh trước đây về mức độ ác liệt và bom đạn. Nhưng quân và dân ta vẫn chiến thắng và ngày càng chiến thắng lớn hơn, rực rỡ hơn, vì chúng ta có cách đánh thần kỳ của chiến tranh nhân dân, mỗi người một vẻ, mỗi nơi một kiểu rất độc đáo, sáng tạo. Cũng những thứ vũ khí ấy và những kiểu đánh ấy, ta đánh đi đánh lại nhiều lần mà địch vẫn không sao đối phó được. Chỉ trên đoạn đường mà du kích xã Anh Dũng, xã Thới Hoà đánh đi đánh lại mãi mà đánh vẫn trúng. Địch tìm được cách đối phó này thì lại bị đánh bởi kiểu khác. Vũ khí thô sơ, lựu đạn gài, hầm chông,… mãi mãi vẫn cứ mới và vẫn làm cho địch khiếp đảm.
Từ Phú Bài đến Rạch Kiến, Bình Đức các vành đai diệt Mỹ xiết cổ các “chốt” của Mỹ làm cho chúng mất ăn mất ngủ, không bao giờ an toàn. Miền Tây Nam bộ có phong trào bao vây đánh lấn đã bức rút cả chi khu và hàng chục đồn bốt địch. Có nơi đồng bào đã thả những con diều đuôi kẽm để hạn chế hoạt động của máy bay. Đồng chí Đoàn Văn Chia chuyên nghiên cứu các loại vũ khí thô sơ đã chế ra hàng 4, 5 chục loại chông, đồng chí đã khổ công nuôi ong, luyện ong đánh giặc. Bất kỳ thứ bom đạn nào của địch qua tay đồng chí chế tạo cũng trở thành vũ khí rất lợi hại để đánh lại địch.
Có những đơn vị khi đánh địch là lập tức có những bộ phận thọc sâu, vu hồi đánh thẳng vào những trung tâm đầu não địch. Khẩu hiệu “nắm thắt lưng địch mà đánh” đã trở thành một lối đánh quen thuộc của cả ba thứ quân chúng ta.
Đồng chí Phạm Văn Cội, chưa hiểu hết các loại mìn địch gài, đã tự mình đi trước gỡ mìn; dẫn tổ du kích đến sát nhà dù mới nổ súng. Đồng chí Nguyễn Công Tòng ra lệnh cho đơn vị phải tiếp cận đến khi rờ được đầu giặc mới nổ súng, khi chiến đấu, đơn vị đã đặt trung liên chạm nóc nhà tăng địch mới bắn. Nữ đồng chí Lịch chờ địch đến cách 5 thước mới nổ súng. Không phải là những chiến sĩ cách mạng kiên cường thì không thể nào có một tác phong chiến đấu “đánh gần” hết sức dũng mãnh, đè bẹp mọi uy lực sắt thép của địch.
Đồng chí Lý Văn Lâm, thương binh cụt tay, có trận một mình đánh lui ba mặt địch bao vây.
Đồng chí Huỳnh Văn Tạo, cầm một chà cây dũng cảm chạy ngang qua bãi mìn và lựu đạn để mở đường cho đơn vị xung phong.
Đồng chí Nguyễn Văn Lên đánh bằng mìn, một mình đã diệt trên 400 Mỹ, có lần cùng tổ đánh cả trung đoàn Mỹ suốt 7 ngày đêm, diệt hàng trăm tên.
Đồng chí Nguyễn Văn Quang (Bà Rịa) sử dụng đại liên như súng trung liên, xung phong cùng đơn vị và dùng đại liên chia cắt địch từng khúc để cho đơn vị diệt từng bộ phận.
Với những cách đánh chưa có sách vở nào ghi chép, cũng chưa có trường học quân sự nào dạy cả, các đồng chí chúng ta đã đánh rất hay và đã giành được thắng lợi lớn.
Chúng ta đã sáng tạo ra những cách đánh kỳ diệu ấy vì chúng ta đã biết phát huy mạnh mẽ yếu tố con người với ý chí quyết đánh quyết thắng, con người quyết tâm giải phóng quê hương, đất nước. Chúng ta đã biến những vũ khí mà địch đem ra doạ chúng ta thành những phép màu nhiệm đánh thắng mọi kẻ địch, mọi chiến trường, ở mọi nơi, mọi lúc, với tất cả mưu trí, dũng mãnh mà không bao giờ quân thù có thể hiểu được.
Các đồng chí chúng ta đã phát huy truyền thống thông minh, gan dạ và mưu lược của dân tộc ta, lại được vũ trang bằng đường lối chiến tranh nhân dân nên đã có được những cách đánh ấy và đã “trăm trận đánh, trăm trận thắng”.
Không chỉ chiến thắng quân thù ngoài mặt trận, trên chiến trường mà ngay trong công tác phục vụ ở trung tuyến, ở hậu phương, ở cơ quan các đồng chí chúng ta cũng chiến thắng khó khăn, thiếu thốn, chiến thắng bệnh tật với tinh thần dựa vào sức mình là chính rất cao.
Đồng chí Tô Văn Đực với hai bàn tay và dụng cụ thô sơ đã làm hàng trăm súng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng tốt, sáng chế hàng chục thứ mìn diệt địch có hiệu suất cao.
Đồng chí Ngô Lê Tân đã có mấy chục sáng kiến, làm cả máy phát điện, tiết kiệm công quỹ, nhân công và tận dụng mọi thứ vật liệu cũ kỹ lượm được trong công tác.
Đồng chí Ngô Văn Rạnh cùng 4, 5 anh em khác đã làm 49 cái cầu, có cái dài 200 m chỉ bằng cưa, búa, đục và vật liệu ở địa phương, đã phát huy hàng chục sáng kiến hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm cho việc vận chuyển được thuận lợi, nhanh chóng.
Đồng chí Hồ Dục (vận tải) đã có lúc mang hàng tạ hàng trên vai trong ba tháng liền.
Đồng chí Trần Văn Lư đã cứu sống thương binh trong những điều kiện cực kỳ khó khăn, nguy hiểm, …
Các đồng chí đó đã nghĩ: “cách mạng bảo làm là nhất định làm được” và tận dụng mọi thứ có trong tay, khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Lòng tin của các đồng chí đó cùng việc phát huy hết năng động tính chủ quan của mỗi người đã giúp các đồng chí quán triệt tinh thần dựa vào sức mình là chính và đã sáng tạo trong công tác.
Những con người được giác ngộ cách mạng, với ý chí quyết chiến quyết thắng đã trở thành những con người vô địch đối với quân thù.
Qua những nét của chủ nghĩa anh hùng cách mạng kể trên, qua những tình hình chiến đấu trên các chiến trường, ta thấy rõ chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã phát triển rất nhanh, rất mạnh và rất đẹp trong các lực lượng vũ trang cũng như trong tất cả nhân dân ta. Chúng ta thấy :
- Khắp nơi đang xuất hiện và phát triển những tập thể anh hùng. Có những tập thể lớn như Quảng Nam, Long An, Củ Chi, Đoàn Bình Giã. Có những tập thể nhỏ như các xã Đ.H, M.H, H.H, các đội du kích của nữ đồng chí Lịch, của Trương Văn Hoà, của Tô Thị Huỳnh, các khẩu đội pháo, tiểu đội bộ binh, các tổ thông tin, đội quân y, đội vận tải, tổ coi kho, v.v… tính chất anh hùng tập thể thể hiện rất rõ nét.
- Chủ nghĩa anh hùng cách mạng với những biểu hiện rất cao đã trở thành phổ biến. Hành động như Nguyễn Văn Bé đem sinh mạng của mình ra hiến dâng cho cách mạng để giành một thắng lợi cho cách mạng đã không phải là cá biệt đột xuất. Tinh thần xả thân vì nước đã thể hiện rất phong phú trong nhiều mặt hoạt động của cách mạng.
Trong chiến đấu thì dũng cảm tuyệt vời, đạp lên đầu thù mà tiến công, vượt qua hết mọi khó khăn ác liệt. Những hình ảnh người chiến sĩ nhỏ bé nhưng kiên cường hùng vĩ đều hiện lên rực rỡ trong ánh lửa của đạn bom. Những thắng lợi đều giành được bằng tinh thần hy sinh vĩ đại của cán bộ, chiến sĩ.
Trong công tác phục vụ thì thể hiện những hành động phi thường lấy thân mình che bom đạn cho đồng đội, bảo vệ tài sản của cách mạng, thức liền hàng trăm đêm trắng để làm công tác, mang nặng, nhịn đói khát, sống gian khổ trong địa đạo hàng chục ngày, lấy tay đào hầm giấu đạn… đem hết sức sống của mình mà gánh vác việc cách mạng, làm việc quên mình, trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, đưa sức chịu đựng của con người đạt tới những mức kỳ lạ chưa từng có trong lịch sử của dân tộc.
- Chủ nghĩa anh hùng cách mạng thể hiện ra nhiều màu sắc trong các thế hệ khác nhau: người lớn tuổi thì kiên trì nhẫn nại, không kể tuổi tác, luôn đem hết sức mình chiến đấu, công tác để giữ những cái quý nhất đã giành được bằng xương máu: đó là độc lập, tự do. Các đồng chí còn nhỏ tuổi thì ham mê sự nghiệp anh hùng của cha anh, thấm sâu chính nghĩa của cuộc sống; các sự tích anh hùng của thời đại đang sống một cách mạnh mẽ và sâu sắc với những tình cảm cách mạng trong trắng, lành mạnh, tình bạn, tình đồng chí cao đẹp, nên luôn luôn đem sức cường tráng và tươi đẹp của tuổi trẻ ra hiến dâng cho cách mạng, sáng tạo nên nhiều kỳ công rực rỡ. Vì vậy ta thấy rõ chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã phát triển rất mạnh mẽ, tạo nên một cái gì đặc sắc nhất, đẹp nhất của thời kỳ chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà văn, 2012) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét