TT (báo Tuổi Trẻ)- Một cuốn sách khiêm tốn, được
xuất bản bởi một cơ quan quá ư là chính thống và không biết cách quảng bá sách
của mình trên thị trường: Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Bìa sách không bắt
mắt. Người viết không tên tuổi. Nhưng nhân vật của cuốn sách xứng đáng để người
đọc tìm hiểu: tướng Trần Độ.
Một
cách giản dị, hơi quá thật thà, cuốn truyện ký bắt đầu từ khi chú bé Tạ Ngọc
Phách - tên thật của tướng Độ - sinh ra ở một làng quê nghèo Thái Bình, lớn lên
trong một gia đình quan lại nhỏ, được ăn học chu đáo, đến khi trở thành một
thanh niên giác ngộ cách mạng, một cán bộ nòng cốt của Đảng và một vị
tướng văn võ song toàn, được dân yêu, lính trọng. Cái đáng quí nhất của cuốn
truyện ký là tấm lòng yêu mến, kính trọng, thậm chí ngưỡng mộ của người viết -
ông Võ Bá Cường - một người đã dành hàng chục năm trời để sưu tầm tài liệu, tìm
kiếm nhân chứng, gặp gỡ thân nhân, đồng chí, đồng đội của tướng Độ để có được
một cuốn sách “mộc” như thế.
Lấp
ló đây đó trong cuốn sách là những tâm tư sâu kín nhưng cũng rất rộng lớn của
tướng Độ: ngày trở về sau chiến tranh; chuyến đi nước ngoài đầu tiên sau hòa
bình, Tổ quốc nhìn từ xa càng thấy yêu thương, bắt đầu manh nha những tư tưởng
đổi mới; những bức huyết tâm thư gửi cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước của một đảng
viên trung kiên, đau đáu với vận mệnh nước nhà… mà không phải ai cũng biết,
cũng hiểu.
Tướng Độ coi Nguyễn Công Trứ là người đồng hương, dù bậc tiền bối quê tận xứ Nghệ nhưng đã đến Thái Bình khai hoang, lấn biển, lập dinh điền, giúp dân làm ăn. Có cái phóng khoáng của người đi mở cõi, biết chấp nhận thua thiệt, thậm chí hiểm nguy của sứ mệnh tiên phong; tướng Độ, cũng như Nguyễn Công Trứ, là những người mà đương thời không phải ai cũng hiểu, không phải thước nào cũng đo được, những người thuộc về lịch sử. Trong một phạm vi rất hạn hẹp của mình, cuốn truyện ký Chuyện tướng Độ đã làm bạn đọc hiểu được phần nào con người và sự nghiệp của ông.
THU HÀ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét