Những tác phẩm văn học tiêu biểu của ông Trần Độ trong
giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta phải kể đến các cuốn: “Lòng tin”, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 1953, 63 trang; “Nỗi lòng đồng
chí Mão”, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 1955, 33 trang và “Kể chuyện Điện
Biên” (bút ký). Nhà xuất bản Văn Nghệ, Hà Nội, 1955, 120 trang.
Riêng cuốn “Kể chuyện Điện Biên” của ông đã được XUNHASABA
(Sở Xuất nhập khẩu sách báo Trung ương)
chuyển sang Quốc tế ngữ và phổ biến ra thế
giới từ năm 1962.
Dưới đây là trích Lời giới thiệu của Cục Tuyên Huấn,
Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam về ông Trần Độ và cuốn “Lòng tin”.
“Đây là một câu truyện đồng chí Trần Độ dựa vào sự
thực đã xảy ra mà sắp xếp viết lại.
Cục Tuyên Huấn xuất bản vì nhận thấy nội dung truyện
này có những điểm bổ ích có thể giúp cán bộ học tập trong thời gian hiện tại:
1- Đây là một bài học quyết tâm: Phải tuyệt đối tin
tưởng ở cấp trên, tin tưởng khả năng của quần chúng. Có quyết tâm thì đánh mới
chắc thắng.
2- Vai đồng chí Quang trong truyện tiêu biểu cho một
cán bộ tiểu tư sản giao động, thiếu tin tưởng. Quang đã được Đảng, được quần
chúng giáo dục, rèn luyện trong thực tế chiến đấu. Ta thấy rõ trên bước đường
cải tạo lâu dài, gay go, nếu bản thân ta cố gắng gần gụi học tập quần chúng,
quần chúng lúc nào cũng dạy ta những điều quý báu, giúp ta trừ bỏ tư tưởng sai
lầm.
Đồng chí Trần Độ mặc dầu công tác bận rộn đã cố gắng
tranh thủ thời gian viết truyện này góp phần vào việc tuyên truyền giáo dục.
Chúng tôi rất hoan nghênh đồng chí Trần Độ.
Chúng tôi mong các đồng chí cán bộ làm theo đồng chí
Trần Độ, bản thân viết truyện về mình hoặc truyện mình đã mắt thấy tai nghe. Vì
cán bộ đơn vị trực tiếp chiến đấu, đi nhiều biết nhiều, sống sát bộ đội, nắm
được yêu cầu giáo dục bộ đội, cho nên cán bộ dễ có nhiều truyện hay để viết.
Chúng tôi lại mong các đồng chí cán bộ thúc đẩy anh em, vận động chiến sĩ kể
truyện viết truyện. Được như thế thì phong trào viết văn trong quân đội nhất
định sẽ rầm rộ sôi nổi, sẽ có ích lợi lớn cho việc xây dựng tư tưởng của cán
bộ, chiến sĩ.
Truyện đồng chí Trần Độ viết ra đây, nhất định còn
nhiều khuyết điểm. Mong các đồng chí đọc rồi góp ý kiến phê bình, gửi lên tòa
soạn “Sinh hoạt Văn nghệ” giúp tác giả rút kinh nghiệm viết những truyện sau
nữa.
Ngày 10 tháng 2 năm 1953
Cục Tuyên Huấn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét