Hồi ký của Họa sĩ Lê Lam
Nước sông Hồng đỏ ngầu từ
thượng nguồn đổ về, cuốn theo những mảng cây lớn nhỏ, đen xẫm, giơ lên những cành
như những cánh tay, cẳng chân, lao đi vun vút. Trên mặt sông mênh mông hầu như
không có một con thuyền. Tất cả thuyền bè đều dạt, luồn lẫn trong các làng xóm
ven sông như đã gần ngập thủm vì nước lụt năm 1945 lớn một cách khác thường, chỉ
còn lại những ngọn tre xanh, nghiêng đi trong phù sa đỏ, lạnh.
Dân làng ngoài bãi ven sông
đã đổ hết lên đê với tất cả thóc lúa, nồi niêu bát đũa, chó má, trâu bò… Những
người già và đứng tuổi không giấu vẻ âu lo. Chỉ có đám trẻ con lại có vẻ thích
thú với cuộc sống chạy nhảy đùa nghịch hò hét thoải mái trên mặt đê. May mắn là
mùa rằm tháng bảy ta, vẫn trời xanh mây trắng, nắng đẹp, trăng trong. Các chàng
trai cô gái vẫn làm việc quần quật chở thuyền vận tải các đồ ăn thức đựng cho các
gia đình từ trong xóm lụt ra đê. Họ vừa làm vừa nói chuyện râm ran. Cái vui của
lớp thanh niên cũng lây lan sang các cụ đang ngồi uống nước chè, hút thuốc lào
bên cái cối xay và vài thúng thóc cùng một ổ chó con…
Bỗng trên mặt đê mọi người
xôn xao nhìn về phía chợ Bỏi, một chiếc ô tô chở nhiều người, có một lá cờ đỏ được
phất liên tục, dân ở trên đê xúm lại. Năm phút sau, ô tô lại từ từ đi theo con đê
quai về phía điếm canh Thôn Nhị, tiếng máy nổ ù ù của ô tô càng rõ dần. Bà con
Thôn Nhị đã tụ tập đông trước điếm canh đê ngóng chờ một điều gì mới lạ đây! Một
chiếc ô tô tải không mui chở đầy các tahnh niên Hà Nội. Họ phất một lá cờ đỏ
sao vàng rất to phần phật cùng với các lá cờ con, mặt tươi cười rạng rỡ như chưa
từng thấy. Một anh thanh niên mặc áo sơ mi trắng cộc tay nhảy lên đầu ô tô, cầm
loa nói dõng dạc:
Thưa đồng bào, bọn phát
xít Nhật đã đầu hàng quân Đồng Minh. Chính phủ Trần Trọng Kim và vua Bảo Đại đã
đổ, không còn nữa. Việt Minh đã cùng với đồng bào ta chiếm Hà Nội rồi! Nhiều nơi
khác cũng đã vùng lên khởi nghĩa. Nước nhà đã được độc lập rồi! Dân ta không
phải làm kiếp ngựa trâu nữa! Chúng ta từ nay không phải là nô lệ nữa!
Chúng tôi được thượng cấp
của Việt Minh ở Hà Nội phái về để báo cho đồng bào biết và thượng cấp cũng kêu
gọi đồng bào hưởng ứng, ủng hộ những điều đề ra của Việt Minh!
Xin đồng bào cùng hô to:
Đả đảo phát xít Nhật!
Việt Nam độc lập muôn năm!
Ủng hộ Việt Minh!
Nhân dân thôn Nhị hô
vang các khẩu hiệu như làm rung cả làn nước đỏ mênh mông trong dáng chiều vàng
rực. Trên xe, các thanh niên lại phất cờ đỏ sao vàng và hát vang bài hát: Đây
Bạch Đằng giang sông hùng dũng, đây nòi giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng, Nam Bắc
Trung …
Xe ô tô lại từ từ lăn bánh
cùng với tiếng reo ca về phía Cổ Điển, Võng La, Đại Độ …
Vừa lúc đó anh Cư, anh Độ
đạp xe tới. Mọi khi các anh chỉ đi bộ trên các lối nhỏ trong làng, thường là các
bãi dâu, bãi ngô, bạt ngàn xanh ngắt. Mọi người xúm lại bên các anh. Anh Cư nói
to với mọi người :
- Ta đã chiếm Hà Nội rồi.
Ngày mai chúng ta sẽ chiếm huyện Đông Anh. Tất cả dân làng sẽ vác gậy gộc, giáo
mác, mã tấu, câu liêm, thuổng cuốc … và cả súng nữa. Các đồng chí Thạc, Cường,
Thao, Quý, Vạn … chuẩn bị cho tốt nhớ. Cả đội nhi đồng cứu vong cũng đi … Lẫm
nhớ, nhi đồng sẽ hát bài Chào cờ … Chúng tôi vừa ở trên Tráng Việt, Sáp Mai, Võng
La về đây. Trên ấy đang chuẩn bị sôi sục lắm, cả các cụ bảy tám mươi cũng đòi đi
… Thế nhớ, gấp rút chuẩn bị chu đáo, sáng tinh mơ ta kéo nhau lên huyện. Kế sách
tôi đã bàn kỹ với anh Thạc, cứ thế mà làm …
Cụ bá Đức, sau khi vái
chào hai anh cán bộ Việt Minh đã quy sang nói với các cụ rằng :
- Vận nước đã đến rồi các
ông ơi ! Dân ta từ nay không phải quỳ lạy cả con chó của thằng Tây con Đầm nữa
! … Mới cách đây dăm bảy năm, chúng tôi – hàng chánh tổng, lý trưởng phải lên tỉnh
để đón công sứ Tây mới về. Trong buổi lễ chào, tất cả chúng tôi phải quỳ phủ phục.
Quan tuần phủ Phúc Yên bước ra, tên công sứ Tây mũi lõ mắt xanh đút túi quần bước
ra, vợ nó, con đầm đội mũ trắng ôm con chó ăng ẳng kề bên … Thế là chúng tôi phải
lạy cả con chó nhà chúng nó ba lạy ! … Đời tôi làm chánh tổng bá hộ tưởng vinh
hạnh lắm, nhưng thế đấy, còn cái nhục nào hơn, hử ???
Cụ vừa nói vừa trào nước
mắt : Vận nước đến rồi ! Vận nước đến rồi các ông các bà ơi !
Đêm ấy trăng sao vằng vặc.
Điếm canh đê trở thành nơi tụ hội cho cuộc chuẩn bị. Các chị phụ nữ và vài bác
thợ may lo cho thêm nhiều cờ đỏ sao vàng. Mấy anh thanh niên đang dán phết lên
cái loa làm bằng tre, mấy cậu thiếu niên nhi đồng chúng tôi được phân công kẻ các
khẩu hiệu trên nong nia, trên cót.
Chiếc đèn bão để đi tuần
đêm canh đê hôm nay bỗng trở thành cứu tinh ánh sáng cho cuộc chuẩn bị khởi nghĩa.
Trống canh tư đã điểm, cả
thôn Nhị ở trên đê thức dậy. Trời còn tối chưa rõ mặt người nhưng họ đã í ới gọi
nhau chỉnh tề đội ngũ, tiếng cười nói râm ran. Có cả những tiếng hô : một hai một
hai … đi đều bước … nghiêm nghỉ …
Một vệt sáng hồng thật
nhẹ đủ để nhìn rõ mặt người, người dân Nhị thôn mới nhận rõ thì ra cả một đoàn
quân, ngũ hàng tề chỉnh với gậy gộc gươm đao giáo mác, cờ đỏ sao vàng đã tề tựu
sẵn sàng. Tiếng trống ở điếm canh đê thúc một hồi dóng dả rồi liên hồi thúc giục.
Ba tiếng súng nổ vang rền trong buổi rạng đông như một báo hiệu lệnh cho một cuộc
đổi đời. Ba chiếc thuyền nan lớn từ trong các bụi tre rẽ nước lao ra, lá cờ đỏ
sao vàng rộng khổ phần phật trước gió. Ba anh Cường, Thao, Xuyến đứng ở ba mũi
thuyền cầm ngang súng lắp lưỡi lê sáng quắc. Lúc này trông các anh ấy còn dũng
mãnh hơn cả các thiên thần. Mọi người ở trên đê la hét sung sướng. Bọn trẻ con
nhảy cẫng lên hoan hô vang dội.
Đoàn người, phút chốc đã
thành đoàn quân vùng lên khởi nghĩa cùng tiến bước dưới lá cờ đỏ tung bay trong
buổi bình minh rực hồng, theo tiếng loa truyền lệnh và nhịp bước theo bài hùng
ca cách mạng rất phổ biến hồi đó :
Cùng nhau đi hùng binh
Đồng tâm ta đều bước
Mặc cho quân thù trước
Ta quyết chí hy sinh
Tiến lên quân hồng !
Đoàn quân nhanh chóng đi
qua chợ Bỏi, làng Phương Trạch, làng Ngọc Giang, gặp đoàn quân của làng Xuân Trạch
ở gốc gạo Ba Đê. Chúng tôi phấn khởi giơ nắm tay ngang mắt nói to : Chào đồng
chí, chào các đồng chí ! Mọi người gọi nhau bằng “đồng chí” rất thoải mái chân
thành, không một chút ngượng ngập. Mọi người nhìn nhau bằng con mắt tin yêu, không
một mảy may ngờ vực, trao đổi với nhau không phải bằng lời, mà bằng ánh mắt nụ
cười thật hồn nhiên, thông cảm. Đúng là mối tình đồng chí cùng với nhau đứng dưới
ngọn cờ cách mạng – cách mạng tháng Tám mùa thu 1945. Nó xôn xao làm sao ! Nó sôi
nổi làm sao ! Nó chân thành, trong sáng làm sao ! Có lẽ phải hàng trăm năm mới
có một lần …
Một sự xúc động đến nôn
nao khó tả khi chúng tôi nhìn thấy một cỗ súng lớn đen bóng, có chân, có bệ, do
năm sáu anh tự vệ chiến đấu của làng Xuân Trạch khiêng vác trên vai, nòng chĩa
lên trời, thỉnh thoảng lại nổ đoành đoành mấy phát để thị uy cho đoàn quân khởi
nghĩa cờ xí rợp trời, ùn ùn như nước chảy trên đường quốc lộ 3 đổ về huyện lỵ Đông
Anh.
Thị trấn Đông Anh hôm
nay tràn ngập các đoàn quân khởi nghĩa cờ đỏ sao vàng rợp trời, tiếng loa dậy đất,
đông người, nhưng không hề mất trật tự. Các đoàn vẫn nghiêm chỉnh hàng quân nối
tiếp nhau vào bãi đất rộng trước huyện đường để mít tinh Tổng khởi nghĩa.
Đến đây chúng tôi lại được trông thấy anh Độ anh Cư. Hai anh cùng một số anh chị cán bộ Việt Minh khác điều hành chỉ huy cuộc khởi nghĩa này, như chị Điệp, chị Ngân, anh Phong lùn, anh Thiệp, …
Các anh thì đeo súng ngắn
một cách kín đáo hơn. Chị Ngân, chị Điệp lại phải dùng thắt lưng da đeo súng ra
ngoài, những khẩu côn rulô mới oai vệ làm sao. Trông các chị chít khăn vuông đen,
áo cánh nâu gụ, quần đen xắn gọn thật khéo ở cổ chân, thắt lưng đeo súng xệ bên
hông và còn có thể thấy các viên đạn đồng óng ánh, ôi thật là thần tượng !
Một tiếng hô vang bằng
chiếc loa đồng từ trên lễ đài : Đồng bào chú ý ! Chú ý ! Nghiêm !
Cả rừng người im lặng nín
thở.
Chào cờ, chào !
Cả chục ngàn nắm tay đưa
lên ngang mắt. Lá cờ đỏ sao vàng ta đến mấy mét được từ từ kéo lên. Đội danh dự
bắn súng chào. Khẩu đại liên Hốt kít nhả nguyên một băng đạn lên trời.
Tiếng loa lại snảg sảng
giới thiệu : Một đồng chí thượng cấp của Việt Minh lên nói chuyện !
Từ xa tôi cũng đủ nhìn rõ
: một anh cán bộ đã từng hoạt động ở vùng Đông Anh này, anh mặc một bộ quần áo
nâu đã tầu tầu, chân đất, đàng hoàng chững chạc bước lên lễ đài (là những cái bàn
kê chồng cao lên). Khi anh hơi cúi xuống để chào mọi người ở tứ phía thì mới thấy
khẩu súng ngắn hơi cộm lên ở tà áo nâu phía sau lưng. Anh nói rõ từng chữ một :
Kính thưa đồng bào anh
em đồng chí !
Trước tiên tôi xin báo
tin : Việt Minh đã chiếm Hà Nội, cắm cờ lên phủ Khâm Sai, nhà hát Tây, nhà Đốc
Lý, nhà máy Đèn. Giặc Nhật đã đầu hàng, nội các Trần Trọng Kim bán nước hại dân,
chính phủ Nam triều đã bị lật đổ, không còn nữa ! (Tiếng reo hò, hoan hô như sấm).
Trên thế giới bọn phát xít Đức Ý Nhật đã quỳ gối đầu hàng quân Đồng Minh – Liên
Xô, Anh, Pháp, Mỹ và giao nộp vũ khí. Thế là cuộc Đại chiến thế giới thứ hai đã
kết thúc. (Tiếng reo hò, hoan hô lại nổi lên như sóng. Nhiều người nhảy múa lên
hò hét). Từ nhiều năm nay Việt Minh đã phất cao ngọn cờ yêu nước, đánh Pháp, đuổi
Nhật và lũ bù nhìn tay sai bán nước, mong đem lại cơm no áo ấm cho dân ta. Quyết
đập tan cái ách một cổ ba tròng, đập cho tan tành cuộc đời trâu ngựa, cuộc đời
hơn 80 năm nô lệ lầm than, đói rách cơ hàn. Mới hôm qua đây hai triệu người chết
đói, chết đói đầy đường trong khi gạo thóc ở trong kho của Nhật để mục nát !
Vì vậy tại sao lại không
vùng lên ?
Hãy vùng lên đập hết xích
xiềng ! Đập hết xiềng gông nô lệ tối tăm tủi nhục ! (Có tiếng khóc nức nở ở dưới,
rồi bùng lên những tiếng hô Đả đảo phát xít Nhật ! Đả đảo tay sai ! Tiếng hô
vang rền hồi lâu từ chỗ này sang chỗ khác). Khi tiếng hô khẩu hiệu đã chấm dứt,
anh cán bọ giơ tay lên :
Xin bố cáo với đồng bào
tin hoàn toàn mới ! Vừa rồi trong lúc đồng bào ta hô khẩu hiệu thì một viên lục
sự của huyện Đông Anh đã mở cửa huyện đường mời Việt Minh ta vào tiếp nhận.
Quan huyện Mẫu đã bỏ trốn, uỷ nhiệm cho ông lục sự bàn giao lại tất cả mọi thứ
giấy tờ, dấu triện, tài sản, nhà cửa, công đường cho chính quyền mới của Việt
Minh !
Như vậy cuộc mít tinh khởi
nghĩa cướp chính quyền ở huyện Đông Anh nàh đã thắng lợi ! Như vậy, nhân danh
Việt Minh, chúng tôi xin tuyên bố : Từ nay huyện Đông Anh sẽ do Ủy ban cách mạng
lâm thời huyện điều hành mọi công việc. Nội nhật hôm nay, chậm nhất là sáng mai
Ủy ban sẽ ra mắt đồng bào. Theo chủ trương của thượng cấp, ngay ngày mai các xã
đều lập ra các Ủy ban cách mạng lâm thời để lo việc cho dân. Những tin tức về nước
lụt, có thể có lụt to là rất xấu và cấp bách. Cho nên việc đầu tiên quan trọng
cần làm là lo việc giúp đồng bào tránh lụt, bảo vệ được con người, thóc gạo,
gia súc, lúa má hoa màu, … Các công việc của các Ủy ban cách mạng lâm thời thôn
xã, chúng tôi đã bàn với các đồng chí ở các thôn xã, cứ thế mà làm, người nào
việc nấy. Bây giờ đội vũ trang cùng chúng tôi vào gặp những người Nhật … (Tiếng
hô rầm rầm : Đả đảo phát xít Nhật ! Việt Nam độc lập muôn năm ! không
dứt).
Những tiếng lệnh hô đanh
gọn của lực lượng vũ trang : Nghiêm, nghỉ, đi đều bước ! … Các đội tự vệ lắp lưỡi
lê sáng quắc nhanh chóng tiến về phía ga Đông Anh có một đồn binh Nhật đóng giữ.
Theo sự phân công của
Ban chỉ huy cuộc khởi nghĩa ở Đông Anh thì chỉ có đội tự vệ vũ trang được trang
bị súng trường Mút – scơ – tông và In – đô – si – noa mới được tiếp cận đồn
binh Nhật theo sự chỉ huy phân công cụ thể. Các lực lượng vũ trang bằng vũ khí
thô sơ khác bao vây vòng ngoài kế tiếp sẵn sàng chờ lệnh. Các lực lượng thanh nữ
thì lo việc hậu cần tiếp tế. Các ông trung niên và thiếu nhi thì lo việc ngả cây
ra đường nếu xe Nhật đến tiếp viện, cắt giây điện thoại.
Tôi cùng các đội viên
nhi đồng, thiếu niên tham gia công việc ngả cây cản đường. Chúng tôi cùng một số
các bác chặt cây bằng dao mã tấu và kiếm. Chỉ một lát sau tiếng súng bắt đầu nổ
ở phía ga, khi mau khi thưa. Hơn một tiếng đồng hồ chúng tôi mới ngả được một cây
nho nhỏ rồi kéo về phía đường quốc lộ 3 phía Hà Nội. Tiếng súng ở phía ga vẫn lác
đác nổ. Tin tức cho hay ta vẫn đang bao vây đồn Nhật. Bọn Nhật bắn trả quyết liệt
… Có người của ta bị thương. Chính tôi trông thấy một anh tự vệ chiến đấu mặc áo
sơ mi trắng bị thương ở vai, xã cánh tay máu chảy đỏ cả một nửa vạt áo mà anh vẫn
nói xa xả chửi bọn Nhật dã man, … bọn Nhật sẽ bị tiêu diệt ! Các chị phụ nữ dìu
anh đến một gốc cây rồi xé khăn vấn khăn vuông, băng bó cho anh. Anh nằm mà mắt
vẫn sáng lên, miệng vẫn nói, môi anh vẫn tươi hồng … Về sau nghe nói anh không
sống được vì ra nhiều máu quá mà ta lúc đó cũng chẳng có cách gì chữa được, anh
ấy là người Xuân Trạch. Tin từ trận chiến truyền ra : Bọn Nhật vẫn gan lì. Khẩu
đại liên của ta bị hóc, phải đem ra ngoài sửa chữa lại. Quân ta đang tìm kế sách.
Không khí chung của mọi
người là lo lắng sốt ruột, nhất là từ khi một xe cam nhông Nhật từ phía cầu Đuống
lên. Tên lính Nhật xuống xe kéo cây ra bên đường, bắn mấy phát súng vu vơ sang
hai bên rồi nhảy lên xe phóng thật nhanh về phía Phủ Lỗ, Đa Phúc.
Bỗng lúc 3 giờ rưỡi chiều
mọi người nhìn thấy khói lửa bốc cao từ phía đồn Nhật, súng lại nổ rộ lên, có cả
những tiếng nổ to, có lẽ là tiếng lựu đạn. Một bác nông dân cao lênh khênh, đã
từng đi lính sang Tây nói như đinh đóng cột : Đây là đợt tấn công cuối cùng của
ta, tôi nghe toàn súng mút – cà – toòng và Anh – đô – xi – noa, súng của bọn Nhật
không thấy trả lời ! Chờ gì nữa, ta kéo nhau vào ga đi !
Thế là chẳng ai bảo ai,
tất cả chạy ào ào về phía ga. Có những người từ ga chạy ngược lại vừa như khóc
như cười, như điên như dại, vung mã tấu lên trời : Ta đã thắng rồi ! Bọn Nhật đã
bị thui sạch không còn một thằng nào ! Ới làng nước, bàn dân thiên hạ ơi ! đến
mà xem !
Phố huyện mở cửa rầm rầm,
người túa ra đường sặc mùi khói và mùi tanh khét.
Chúng tôi trở về Hải Bối,
trong buổi hoàng hôn chạng vạng, còn đủ nhìn thấy nước lụt đang tràn về từ phía
Hối đồng, Hối đãng, Cổ Điển, Đồng Nhân, … Đó là ngày 21 tháng 8 năm 1945.
*
Cách mạng tháng Tám thành
công, anh em làm khởi nghĩa ở huyện Đông Anh lại có dịp gặp nhau ở Hà Nội. Anh
Trần Độ và anh Trần Quốc Cư – hai chỉ huy chính của cuộc nổi dậy chiếm huyện Đông
Anh - kể lại :
“Mới đầu bọn mình cứ tưởng
ngon ăn, như tay quan huyện Mẫu bỏ trốn nhưng cũng giao lại huyện đường một cách
nghiêm chỉnh, đứng đắn. Có thể nói là một cuộc chịu khuất phục của chính quyền
cũ trong hoà bình, đầu hàng vô điều kiện. Thế là huyện Mẫu biết điều, hiểu thời
thế đấy !
Nhưng đến cái bọn Nhật
thì xương quá. Khi anh em đội vũ trang đã bao vây đồn Nhật, mình (Trần Độ) vào
gặp bọn Nhật, chúng nó lạnh lùng, tỏ vẻ chẳng hiểu gì cả. Một phần cũng tại mình,
học nói được vài câu tiếng Nhật ấm ớ, mình nói hình như thằng sĩ quan Nhật chẳng
hiểu mình nói gì ; mà nó nói gì, mình cũng không rõ. Một sự ngôn ngữ bất đồng
thật đáng sợ. Mình giở tiếng Pháp ra nói một tràng. Tên Nhật chỉ lắc đầu xua
tay, mặt lạnh như tiền.
Bọn mình quyết định rút
ra. Vừa qua cổng, bọn Nhật liền bắn theo. Thế là anh em ta làm theo phương án :
ĐÁNH. Địch ở trong bắn ra. Ta ở ngoài bắn vào. Hình như anh em mình ai cũng thích
bắn lấy vài ba phát cho hăng máu, cho thoả. Anh em chẳng biết sợ là gì, vừa bắn
vừa cười đùa. Bọn Nhật bắn ra ít hơn hẳn so với ta. Nghe ra thì chúng không có
súng liên thanh. Một vài anh em leo lên tường, nhô ra bắn vào trong nhưng liền
bị bọn Nhật bắn bị thương ngã xuống.
Khẩu đại liên Hốt kít lúc
đầu bắn rất tốt. Có lúc nã cả băng đạn vào cổng đồn Nhật. Nghe tiếng đại liên của
ta nổ, anh em đang chiến đấu như được tăng thêm sức mạnh tinh thần, đồng bào ở
vòng ngoài xung quanh hò reo cổ vũ ầm vang.
Nhưng rồi cuộc chiến đấu
vẫn dai dẳng, không phân thắng bại. Địch vẫn trả lời ta bằng phát một đĩnh đạc.
Tôi hạ lệnh cho anh em không được bắn phí đạn, phải dành dụm cho giây phút quyết
định cuối cùng.
Đang lúc bí kế, khẩu đại
liên lại bị hỏng hóc. Mặt trời chỉ còn một con sào, bóng chiều đã ngả dài. Bỗng
có tiếng hét to trong đám đông ở vòng ngoài : Đốt, đốt, đốt !
Tôi vụt nghĩ ngay đến trận
hoả công Xích Bích, Khổng Minh đánh tan quân Nguỵ, Tào Tháo chạy trốn xém cả râu.
Thế là chúng tôi hạ lệnh
cho đem rơm rạ từ các nhà xung quanh, các xóm gần nhất và ném các bó rơm rạ đã
bén lửa vào trong. Khói lửa bốc càng cao, tiếng reo hò của đồng bào càng lớn. Lúc
đầu còn thấy bọn Nhật bắn đì đẹt, rồi thưa dần, rồi im bặt.
Chúng tôi ra lệnh cho
anh em đội vũ trang bắc thang vượt tường và phá cổng xung phong vào.
Thì ra bọn Nhật đã lăn kềnh
cả ra, súng ống ngổn ngang, khói đen mù mịt. Còn một vài tên ngắc ngoải, mấy ông
nông dân vác mã tấu vào băm nốt.
Sau khi thu dọn chiến trường,
chúng tôi được thêm 11 khẩu súng trường Nhật, giao việc chôn cất tử thi cho các
lính Nhật, giao việc trông coi huyện đường cho mấy anh chị em thị trấn huyện Đông
Anh. Toàn đội vũ trang đã chiến đấu, các cán bộ chủ chốt của an toàn khu của
Trung ương, các cán bộ nòng cốt của các xã thuộc huyện Đông Anh, kéo về đóng ở đình
Cổ Loa. Ngay đêm ấy đã chính thức thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời của huyện
Đông Anh do đồng chí Lê Đình Thiệp làm chủ nhiệm.
Chúng tôi hỏi các anh về
khẩu đại liên Hốt kít của làng Xuân Trạch, anh Trần Độ vui vẻ dí dủm trả lời :
Chuyện này buồn cười ra phết khi mình về làm công tác đội An toàn khu cho anh
Trường Chinh ở Đông Anh.
Số là anh em thanh niên
Xuân Trạch có báo cáo cho bọn mình biết có lấy được mấy thùng súng đạn khi Nhật
đảo chính Pháp 9 tháng 3 năm 1945. Chở từ bên Tứ Tổng về. Anh em đã cất giấu kỹ
trong một buồng kín, rồi mời tôi trực tiếp xem để hướng dẫn cho cách lắp ráp và
sử dụng. Tôi và anh em mở các hòm ra xem. Cuối cùng cũng chỉ biết đúng là một
khẩu liên thanh cỡ lớn, có cả chân càng, nhiều đạn, tất cả còn mới toanh. Không
biết lắp ráp ra sao. Tôi bảo anh em cứ cất giấu kỹ, giữ bí mật. Đấy là của quý,
sẽ có ngày nó phát huy sức mạnh.
Kể từ hôm biết mấy cái hòm
súng đạn, tôi canh cánh trong lòng, anh em Xuân Trạch nhìn tôi với con mắt chờ đợi.
Bỗng một hôm, anh em đến
xin ý kiến tôi. Anh em nói rằng qua câu chuyện mới biết một bác nông dân đã có
thời đi lính sang Tây đóng đội khố đỏ. Bác ấy tỏ ra có hiểu biết nhiều về súng đạn.
Tôi nói ngay : Thế thì hay quá ; nhưng cần biết rõ bác ấy đối với đằng mình, với
Việt Minh thế nào ? Anh em nói ngay : Bác ấy chỉ biết chăm chỉ làm ăn, ít giao
thiệp với mọi người, bác ấy tỏ ra có thiện cảm đối với những thanh niên đứng đắn,
sôi nổi, không rượu chè, be bét, …
Tôi ngẫm nghĩ một lát rồi
nói với anh em : Cứ tiếp xúc với bác ấy đi, rồi hôm nào mời bác ấy xem cho, rồi
tuỳ theo thái độ bác ấy mà mời bác ấy giúp một tay với chúng ta. Phải tuyên
truyền giác ngộ những con người tốt đi theo cách mạng !
Hai hôm sau, bác nông dân
ấy đến chơi. Tôi đóng vai một người họ hàng ở xa cùng ngồi uống nước. Anh em mở
hòm, mời bác ấy xem. Sau khi xem kỹ lưỡng, xem cả những chữ của nhãn mác số hiệu,
bác nói : “Thứ này tôi biết khi tôi đóng ở Mạc Xây bên Pháp, đã sử dụng một thời
gian, rồi tôi được mãn lính về nước. Khẩu súng này gọi là Mi-tray-ơ Hốt-kít – súng
liên thanh cỡ đại. Khẩu này còn mới nguyên, còn chưa lắp. Đạn còn mới tinh”.
Nghe bác này nói, tôi như
mở cờ trong bùng rồi dặn dò anh em : Sau cuộc gặp hôm nay phải mời cho được bác
ấy giúp cho việc tháo lắp và sử dụng.
Nhờ sự giúp đỡ tận tình
của bác nông dân ấy mà khẩu đại liên duy nhất mà ta có trong cuộc khởi nghĩa
chiếm huyện Đông Anh đã phát huy thanh thế cách mạng lẫy lừng!
Anh Trần Cư nói mấy câu
về khởi nghĩa ở Đông Anh:
- Nhân dân rất căm thù
phát xít, phong kiến, quyết tâm nổi dậy lật đổ. Sự lãnh đạo của Đảng là kịp thời
thế. Ta tổ chức được nhân dân, các đoàn thể khá chặt chẽ, trên dưới một lòng tuân
theo các mệnh lệnh chỉ huy nghiêm túc, không hề có hiện tượng manh động, tự phát.
- Những sáng kiến của quần
chúng nhân dân là vô cùng có ý nghĩa cho nên mới có hoả công Xích Bích tuyệt với
thui cháy cả 11 tên Nhật, thu toàn bộ vũ khí.
Có thể nói: Cuộc khởi nghĩa Đông Anh hôm 21/8/1945 là cuộc khởi nghĩa của sức mạnh nhân dân vùng lên kết
hợp với lực lượng vũ trang được trang bị tương đối mạnh (khoảng vài chục súng
trường và cả một đại liên mới tinh). Kỹ, chiến thuật của ta còn sơ sài, ấu trĩ,
nhưng biết khai thác trí tuệ và sáng kiến của nhân dân - những người nông dân áo
vải chân đất… mà ta có thắng lợi của huyện Đông Anh, có tính lịch sử độc đáo
trong Cách mạng tháng 8-1945.
(Trích Nhớ Nhà văn Trần Độ, Nxb Văn học, 2013)
(Trích Nhớ Nhà văn Trần Độ, Nxb Văn học, 2013)
Chân dung cụ Độ do họa sĩ Lê Lam vẽ đẹp quá. Rất Trần Độ!
Trả lờiXóaCòn nhớ, cụ Lê Liêm cũng rất quý họa sĩ. Tại nhà cụ còn bức tranh sơn dầu khổ lớn (1 x 1,2)m cảnh sinh hoạt ở nông thôn. Có cô đang sàng sảy thóc, bên cạnh có mấy chú gà đng nhặt thóc vãi. Đẹp lắm!