Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Nhà văn Võ Bá Cường và “Chuyện tướng Độ”



Nhà văn Lê Hoài Nam 
Báo Tiền Phong online, 26/8/2007 - Cuốn sách nhà văn Võ Bá Cường vừa tặng, chưa biết trong đó viết lách ra sao, bụng tôi đã thầm cảm phục tác giả, bởi ông viết về một nhân vật không dễ viết; không dễ viết bởi nhân vật có vấn đề “nhạy cảm”: Cựu trung tướng Trần Độ.

Tôi đọc liền mạch Chuyện tướng Độ; cảm nhận nhà văn Võ Bá Cường đã rất hợp lý khi chọn thể loại truyện ký, chọn cách kể thật thà, giản dị như ngầm mách bảo với người đọc rằng: Đấy, chuyện cuộc đời của ông tướng Độ nó như thế đấy. Tôi biết thế nào thì tôi kể cho các bạn như vậy. Bạn nghĩ sao, tùy bạn!
Để viết được cuốn sách, trước hết phải kể cái lợi thế là tác giả cùng quê Thái Bình với tướng Độ. Thứ nữa, tác giả có một đặc điểm trong tính cách là ông sống rất quảng giao. Nhờ quảng giao mà Võ Bá Cường tiếp cận được với tướng Độ ngay từ khi tướng quân còn sống, còn khỏe.
Một lần Võ Bá Cường còn kéo được cùng một lúc ba nhân vật cỡ trung ương quê gốc Thái Bình là tướng Độ, Nguyễn Ngọc Trìu, Nguyễn Đức Tâm về ngôi nhà của ông ở huyện Đông Hưng, trải chiếu giữa sân đàm đạo chuyện đời, chuyện văn chương.
Nhờ quảng giao mà Võ Bá Cường có trong tay cuốn hồi ký của tướng Độ ngay sau khi nó vừa ráo mực. Cuốn hồi ký này là nguồn tư liệu chính để tác giả khai thác. Tiếp nữa, phải kể đến cái máu nghề nghiệp. Máu nghề nghiệp đã giúp Võ Bá Cường vượt qua rất nhiều định kiến, rào cản để tiếp cận với những nhân vật lớn như Võ Nguyên Giáp, Lê Khả Phiêu, Võ Văn Kiệt… và những nhân vật “không lớn” nhưng có mối quan hệ gần gũi với tướng Độ, như ông Nghiêm Hà, thư ký riêng của tướng Độ từ thuở ở chiến trường miền đông nam bộ cho đến khi tướng quân về hưu. Bác sĩ Đỗ Văn Thiện, người có nhiệm vụ trông nom sức khỏe tướng quân cho đến tận lúc tướng quân mất. Rồi những người thân yêu, ruột thịt như bà Nguyễn Thị Phúc Hằng (vợ tướng Độ), bà Tạ Thị Xuyến (em gái tướng Độ), Đại tá quân đội Trần Toàn Thắng (con trai cả tướng Độ)… là những tư liệu sống giúp nhà văn viết tác phẩm.
Là một công chức về hưu, với đồng lương khiêm tốn, để có được hàng chục chuyến đi “mò” tài liệu ở Hà Nội, không ít lần Võ Bá Cường đã phải gõ cửa các cơ quan công quyền ở Thái Bình. Tuy cũng có những người nghi ngại, nhưng cũng không thiếu những người vì nghĩa mà vượt lên tất cả, ủng hộ tinh thần và cả tiền bạc, phương tiện cho nhà văn.
Ông Đặng Khiêu, Giám đốc Sở Lao động – TBXH Thái Bình, khi biết tin Võ Bá Cường viết sách về tướng Độ đã lấy xe con đưa tác giả vào tận nghĩa trang Trường Sơn thắp nhang khấn vong linh các liệt sĩ hãy vì lòng yêu mến và kính trọng tướng Độ mà phù hộ cho công việc của nhà văn thông dòng bén giọt.
Tuy thế, cũng không ít lần Võ Bá Cường bị rơi và hoàn cảnh rất chi là… hoàn cảnh! Chẳng hạn cái hôm lang thang ở Sài Gòn, sờ túi thì đã rỗng. Sực nhớ số điện thoại của bạn văn Nguyễn Khoa Đăng, liền gọi cầu cứu. Nguyễn Khoa Đăng không dư dả tiền bạc, liền lấy sổ tiết kiệm của vợ rút bớt một ít tặng bạn.
Để tránh những xoi mói, nghi kỵ, Võ Bá Cường còn phải nhờ vả đến những quan chức có thế lực cùng quê Thái Bình mà ông rất lấy làm hãnh diện và tin cậy như Nguyễn Ngọc Trìu, Hà MạnhTrí…
Cuối cùng thì 318 trang sách đã được ông viết xong. Chân dung tướng Độ hiện lên qua xâu chuỗi những chuyện kể, với thời lượng từ lúc tướng Độ chào đời cho đến năm cuối áp chót của cuộc chiến tranh chống Mỹ, năm 1974.
Ngần ấy trang sách, Võ Bá Cường đã cung cấp cho bạn đọc hiểu thêm về cuộc đời một vị tướng tài ba, nhiều công trạng, có cá tính, thuộc dạng “công thần” của cách mạng Việt Nam: 16 tuổi, Trần Độ đã đi hoạt động; 17 tuổi toan tính làm chuyện “tầy đình”, không may bị địch bắt. Bị tống giam hết nhà lao Thái Bình đến Hỏa Lò, rồi lại đưa lên nhà tù Sơn La.
Qua các nhà tù này, Trần Độ có dịp tiếp xúc với nhiều nhân vật cách mạng lớn, trở thành bạn tù với các ông: Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt , Lê Thanh Nghị, Nguyễn Văn Trân, Tô Hiệu… Trần Độ từng nếm trải những đòn tra tấn, có lẽ nó thuộc dạng man rợ độc nhất vô nhị trên hành tinh này…
Khi được tổ chức bố trí vượt ngục, Trần Độ được quyền lựa chọn một trong hai cương vị: Bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên hoặc Phó chính ủy khu II. Không một chút đắn đo, ông chọn con đường thứ hai: Cầm súng!
Vậy rồi, người sĩ quan cao cấp ấy đã có mặt chỉ huy hầu hết các mặt trận trọng yếu, các chiến dịch mang tính thành bại của cách mạng: Chiến dịch “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” ở Thủ đô, mặt trận Đông Khê, chiến dịch Điện Biên Phủ ở Tây Bắc.
Những năm tháng này Trần Độ có dịp gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh, sát cánh kề vai cùng những tướng lĩnh cao cấp nhất trong quân đội: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Trọng Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Cầm, Tạ Xuân Thu, Văn Phác, Mai Chí Thọ…
Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc. Sau cuộc chiến, công việc xây dựng và củng cố lực lượng quân đội bộn bề, ngoảnh lại, loáng cái đã 10 năm. Trần Độ chưa làm được việc gì đáng kể cho vợ con thì lại có lệnh đi B, vào tận miền đông Nam bộ, nơi có cơ quan trung ương Cục miền Nam.
Ở đây tướng Độ lại có dịp kề vai sát cánh, ăn cùng mâm bát với những cán bộ cao cấp, những tướng lĩnh sáng danh: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thị Định, Lê Trọng Tấn, Hoàng Cầm, Trần Văn Trà, Hoàng Văn Thái, Lê Đức Anh, Văn Phác…
Vai trò của tướng Độ ở Trung ương Cục miền Nam là không hề nhỏ. Chả thế mà đã có lúc thất bại nặng nề, quân đội đối phương  phải tung tin trên đài phát thanh Sài Gòn rằng tướng Độ đã tử trận! Chúng còn làm giả hình ảnh thi thể tướng Độ nằm chờ khâm liệm in trên báo nhằm trấn an tinh thần binh lính.
Đấy là hình tượng tướng Độ với cương vị Chính ủy mà cuốn sách của nhà văn Võ Bá Cường cung cấp cho bạn đọc.
Cái thông điệp thứ hai không kém phần quan trọng mà cuốn sách giúp bạn đọc nhận biết, đó là Tướng Độ, một nhà nhân văn tầm cỡ!
Vốn có tư chất thông minh, lại được sinh ra trong một gia đình có giáo dục, Trần Độ sớm có điều kiện tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Lỗ Tấn, Tào Ngu, Liép Tônxtôi, Vichto Huygô không hề xa lạ với ông. Cho nên khi quân đội lập tờ báo đầu tiên là Vệ quốc đoàn (tiền thân của báo Quân đội Nhân dân sau này) thì người được phân công phụ trách, không ai khác là Trần Độ.
 Rồi việc sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam cũng không thể thiếu vai trò của ông. Với những tác phẩm, bài viết (thời ở trong Nam lấy bút danh là Cửu Long) đã chứng tỏ Trần Độ là một cây bút văn xuôi chính luận sáng giá. Trần Độ có quan hệ thân thiết với nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng của nước nhà. Không ít người coi Trần Độ là một người anh lớn.
Những trang Võ Bá Cường mô tả Trần Độ sống ấm áp với cấp trên, vị tha với cấp dưới, yêu thương săn sóc cả con ngựa chiến của mình… chứng tỏ trong tâm hồn ông mang những giá trị nhân bản.
Những dòng mô tả chuyện đổi tên của Trần Độ cũng rất đáng chú ý. Họ tên đầy đủ của ông là Tạ Ngọc Phách. Thời kỳ hoạt động bí mật, bán công khai, tổ chức đặt tên cho ông là Độ. Khi ông đến một nơi nhận công tác mới, thấy ông xưng tên như thế thì một đồng chí bảo, nếu tên là Độ thì lấy họ Trần nghe thuận tai hơn. Thế là ông gật, lấy họ Trần. Cái tên Trần Độ có từ đó. Ông thật thà và hay thể tất đến thế, “nghệ sĩ” đến thế nên được sống bên ông, ai ai cũng yên tâm.
Năm 1974, sau chín năm chỉ huy chiến đấu ở chiến trường miền Nam, Trần Độ ra Bắc nhận quân hàm trung tướng (sau 16 năm đeo hàm thiếu tướng), việc đầu tiên cần làm là ông đi thăm hỏi nhân dân xem ở cái nôi xã hội chủ nghĩa miền Bắc họ sống ra sao.
Cùng thời điểm ấy ông được sang thăm nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Ông đã nhận ra rất nhiều điều chưa ổn và không  ổn trong nguyên lý cũng như thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thế là ông viết một lá thư mà ông gọi là Thư tâm huyết, dài 14 trang, trình bày tất cả những gì ông thấy, ông nghĩ, ông muốn về xây dựng chủ nghĩa xã hội, gửi tới ba lãnh tụ đảng cộng sản: Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ.
Tướng Độ vốn vẫn coi ba người lãnh tụ này như ba người anh lớn của ông nên giọng văn viết thư là cái giọng mềm mại, nhưng ông lại không hề né tránh cả những điều mà ngày ấy nói ra rất khó nghe, thậm chí gặp nguy hiểm.
Chẳng hạn ông nói về những nguy cơ làm suy yếu, làm biến chất đảng; những bất cập trong quản lý của chính quyền nhà nước; sự rỗng không của cái gọi là cơ sở kinh tế chủ nghĩa xã hội; rồi tệ sính thành tích, nói và làm không đi đôi với nhau. Ông còn phát hiện một sự nhầm lẫn khái niệm trong lý luận của Stalin và dự báo những hậu quả của nó. Rồi ông kiến nghị, hiến những giải pháp.
Giải pháp đáng chú ý nhất là ông đề nghị mời những nước có nền kinh tế phát triển vào trong nước hợp tác đầu tư, không kể đó là nước XHCN hay TBCN… bây giờ thì chúng ta đang làm đúng như lời “điều trần” của ông cách đây đã 33 năm!
Nhà văn Võ Bá Cường đã công bố nguyên vẹn bức thư ấy ở phần cuối cuốn sách của ông. Chính bức tâm thư của tướng Độ đã giải tỏa bớt cái không khí tương đối tĩnh lặng, bằng phẳng, đều đều trong lối viết cổ điển của Võ Bá Cường.
Bức tâm thư ấy có lửa. Nó làm cho phần cuối cuốn sách sinh động hẳn lên. Nó hé mở cho bạn đọc biết chờ đợi phần tiếp theo của cuốn sách.
Nếu như có tập hai, tôi tin nhà văn Võ Bá Cường sẽ viết về đoạn đời còn lại của tướng Độ, một đoạn đời đầy giông bão. Cái đoạn đời từ lúc ông cởi bỏ quân phục, sang làm Trưởng ban Văn hóa – Văn nghệ trung ương cho đến phút ông trút hơi thở cuối cùng, trở về với cát bụi.
Thái Bình – Nam Định, ngày 17 và 18/8/2007
     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét