Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

Từ Khâu Phạ đến Nà Sản


Thiếu tướng Trần Duy Hạnh
...
Đến sở chỉ huy Đại đoàn, sau mấy tiếng đồng hồ nghỉ ngơi, cơm nước, lòng đầy phấn khởi và tự tin, tôi vào làm việc với Bộ Tư lệnh. Đồng chí Lê Trọng Tấn, Đại đoàn trưởng, đồng chí Trần Độ, chính ủy Đại đoàn đều có mặt cùng đại diện các cơ quan…


Nghe báo cáo, có chỗ Bộ tư lệnh tỏ vẻ đồng tình, nhưng các đồng chí đã đặt ra một số câu hỏi mà cho đến lúc đó tôi chưa hề nghĩ tới.
Đồng chí Đại đoàn trưởng hỏi tôi câu đầu tiên:
- Các cậu đánh xong trận thứ nhất lúc mấy giờ?
- Chúng tôi đánh xong khoảng 7 giờ tối – Tôi trả lời.
- Đánh trận thứ hai lúc mấy giờ? – Đồng chí hỏi tiếp.
- Chúng tôi đánh lúc 5 giờ sáng hôm sau – Tôi trả lời. Đến đây tôi đã hơi chột dạ, cảm thấy có vấn đề gì đây về liên tục chiến đấu.
Đồng chí lại hỏi tiếp câu thứ ba:
- Trận địa thứ hai cách trận địa thứ nhất bao nhiêu?
- Cách nhau vài trăm mét, chúng tôi đánh ngay ở đỉnh đèo Khâu Phạ - Tôi trả lời và lúng túng. Và đến đây tôi đã thấy đánh địch như vậy thực sự “có vấn đề” rồi.
Đồng chí lại hỏi tiếp câu thứ tư:
- Từ 7 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, các cậu cho bộ đội làm gì?
Đồng chí chính ủy Đại đoàn nói luôn:
- Như vậy là sau khi đánh thắng trận đầu, các cậu đã chủ quan thỏa mãn, không tích cực diệt địch nữa.
 Lúc này mặt tôi nóng bừng, tim đập mạnh, đầu óc thấy bối rối. Tuy vậy, vừa nhận khuyết điểm, tôi còn vừa bào chữa:
- Bộ đội đói và mệt quá, dốc cao, đường trơn, trời tối đen, đường sá chưa hay biết gì, không đi tiếp được nữa, nên chúng tôi phải để bộ đội nghỉ lấy lại sức.
Đồng chí Đại đoàn trưởng lại phân tích thêm:
- Đêm đó, nếu kẻ địch còn chút tinh thần, nó đánh ta chỉ bằng súng máy, súng cối từ đỉnh đèo bắn xuống thì tiểu đoàn các cậu chắc khó tránh khỏi tổn thất, sẽ bị thương vong ít nhất là giảm sức chiến đấu. Nếu đêm hôm đó ta tiếp tục truy kích đánh địch ngay ở đỉnh đèo… thì hôm sau không phải cứ đánh “vuốt đuôi” địch và chắc chắn thắng lợi sẽ lớn hơn.
Những kết luận trên đây đanh thép quá, tôi không thể chối cãi được.
Về cuộc chiến đấu ngày hôm sau mà tôi cũng đã báo cáo là “tích cực”, nhưng thực tế lực lượng lớn của địch đã đi xa rồi và chúng không bị thiệt hại gì đáng kể nữa. Tuy vậy, tôi vẫn thanh minh thêm:
- Bộ đội ta mệt, đói, đường đèo trơn, chân đất… và địch được chuẩn bị về hậu cần, ăn no, chân giày… nên nó chạy nhanh hơn, vì vậy ta không thể đuổi kịp để đánh nó tiếp nữa.
Tôi nói hết ý kiến thì đồng chí Đại đoàn trưởng phân tích:
- Đi nhanh hay đi chậm chỉ là tương đối thôi. Đi xe đạp nhanh hơn đi bộ nhưng chậm hơn đi ô tô. Cho là địch đi nhanh chính là do ta đi chậm. Nếu cứ đổ cho tại khó khăn khách quan mà không hoàn thành tốt nhiệm vụ thì không bao giờ tiến lên được và không bao giờ giành được thắng lợi.
Đồng chí chính ủy bổ sung:
- Quân đội ta khó khăn về trang bị, tiếp tế hậu cần, điều đó là dễ hiểu và không tránh khỏi được. Quân đội nhân dân chúng ta phải lấy tinh thần cách mạng khắc phục khó khăn về vật chất để thắng địch, chỉ có như vậy ta mới có thể phát triển từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh, chuyển hóa dần so sánh lực lượng có lợi cho ta, đi đến giành thắng lợi trong chiến tranh.
Tôi thấy những lời chỉ bảo đó đối với bản thân tôi và cả đơn vị tôi thật là sâu sắc. 

(Trích Nhớ nhà văn Trần Độ, Nxb Văn học, 2013)

 

1 nhận xét: