Nhà văn Võ Bá Cường
Ngày giỗ Nhà văn năm nay trời mát, cái nóng bức oi ả
qua rồi, nó không còn gay gắt như mấy hôm trước. Trời đất vẻ như không còn bất
hoà với con người nữa. Tôi và Nghiêm Hà thư ký của tướng quân đi bộ từ nhà Nghiêm
Hà ở ngách 20, số 8, ngõ 49 Vân Hồ 2, tắt qua công viên Thống Nhất để về đường
Trần Hưng Đạo đến số 97 nhà của Nhà văn, tướng Trần Độ thắp hương cho ông.
Hai chúng tôi nghỉ chân giữa công viên, nhìn vạt cỏ
non dịu mát, thoảng mùi hoa mộc đâu đây, nghe tiếng con chim sâu lọc tiếng trên
vòm cây. Những con chim nhỏ như đang làm lành với nhau, sau đợt nắng nóng kéo dài
làm con người đến chóng mặt.
Ấy là buổi chiều 6/8/2005 (ngày 1 tháng 7 năm Ất Dậu). Đến trước hai chúng tôi đã
có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh và tướng Chu
Phác. Tôi cùng mọi người đến thắp hương để tưởng nhớ ngày mất của ông, một con
người sống nhân hậu, có trước có sau với bạn bè, có hiểu biết sâu rộng về mọi lĩnh
vực, cách hiểu không cứng nhắc, hẹp hòi và hết lòng hết sức với Tổ quốc với nhân
dân.
Bàn thờ tướng Độ được đặt ở phòng làm việc của ông khi
trước ngát hương hoa. Căn phòng có ngăn nắp hơn so với lúc ông sống, theo như
Nhà văn Tô Đức Chiêu đã tả khi đến thăm lần cuối cùng vào sau năm 2000, thấy những
chồng sách xô đẩy tràn ra nền gạch, có quyển đang đọc dở, quyển vừa lật vài
trang. Trên các hộc tường đầu gường cuối chiếu, chỗ nào cũng sách và Tạp chí
trong nước ngoài nước. Ông Chiêu nhẹ tay vạch chiếc màn gió, ngó vào chỗ ngủ chỉ
thấy toàn sách và chiếc võng ni lon trên có treo ngọn đèn rủ xuống. Ông Chiêu
nghĩ “Nằm thế kia mà đọc thì thú ra phết”.
Mỗi chúng tôi đều có những kỷ niệm riêng đối với ông,
người nhiều, người ít nhưng đều là những kỷ niệm nhân hậu, ấm áp.
Hôm nay trước bàn thờ ông, mỗi người đều nhắc lại những
chuyện xưa, nhưng tôi thấy như mới hôm qua. Tôi hình dung thấy cái nghẹo đầu,
chép miệng, có lúc môi ông hơi chũm lại một tý, rồi nở nụ cười vừa mơ mộng vừa
hóm hỉnh. Còn đôi mắt ông thì rực sáng.
Đấy là hình ảnh một con người tôi luôn ngưỡng mộ, tin
cậy, tôn quý đã lắng lại trong tâm khảm suốt cuộc đời mình.
Tôi không có may mắn như người khác luôn được gặp gỡ tướng Độ. Nhưng qua những câu chuyện kể ở Thái Bình khi xưa hình dung ra ông một người thanh niên giàu lòng yêu nước, có đức độ và trí tuệ, luôn giành sự yêu thương cho mọi người.
Ở thập kỷ 80, tôi có được đọc tác phẩm “Đồng đội” của ông,
tập sách dày hơn 200 trang và một vài bút ký với cái tên là Cửu Long. Mãi tới năm
1990 tôi mới được gặp tướng Độ khi ông về nói chuyện với anh em Văn nghệ Thái Bình
ở khách sạn Giao tế.
Đọc sách của ông, được nghe ông
nói chuyện, thấy tính nết người giản dị, lời lẽ gãy gọn trong sáng dễ hiểu, làm
cho tôi đã mê ông lại càng mê ông hơn.
Những ngày ông lưu lại Thái Bình thật vui. Hồi đó tôi
làm Văn phòng Hội Văn nghệ nên được “hầu hạ điếu đóm” cho ông, đôi lúc còn nghe
lỏm được vài chuyện thật ly kỳ hấp dẫn. Ông bảo ông mê những chuyện cổ của Tầu,
những chuyện nghĩa hiệp, tôn thờ những người trung quân ái quốc, những người
nghĩa khí cương trực, những người hy sinh cho đất nước, những tay nghĩa hiệp
hay làm việc hào hiệp cứu dân độ thế. Ông rất thích thú những hành vi ứng xử,
những bản lĩnh cao cường và những tính cách đặc biệt của Gia Cát Lượng, Quan Vũ,
Triệu Tử Long, Võ Tòng, Hoàng Phủ Thiếu Gia, Hạng Võ, … Những nhân vật ấy, tư tưởng
ấy cứ theo chiều hướng tốt mà phát triển và trở thành máu thịt trong ông. Buổi
tối hôm ở Thái Bình ông kể chuyện đời, chuyện mình rất say sưa. Xúc động nhất
khi nghe ông kể hồi năm 1939 ông bị bắt ở thôn Bát Điếu, xã Tây Giang quê ông về
tội làm Cộng sản rồi địch đưa lên giam ở nhà lao Thái Bình.
Chúng đánh đập hành hạ ông không thương xót. Nhốt ở phòng
đặc biệt (cửa nhà xí). Trong phút yên tĩnh chờ đợi có lúc ước mình như Triệu Tử
Long hay Tiết Nhân Quý làm đảo lộn được tình hình (ý vượt ngục). Cứ tiếng khoá động
là ông chuẩn bị nhận trận đòn thù.
Thằng La-néc – em (Chánh Mật thám Thái Bình) thấy ông
không khai lộ vẻ tức giận, đe doạ, hắn giao lại cho thằng Tây lai tên là Ta-lông,
thằng này to khoẻ, chân tay lồ lộ những bắp thịt, mình đầy lông lá như một võ sĩ.
Thằng Ta-lông biết tiếng Việt nhưng nói ngọng dấu, nhìn nó là biết hắn lành nghề
“đồ tể” lắm. Thằng Ta-lông dùng “cặc bò” đánh ông đến vã mồ hôi, ông cảm giác
người mình như cái bị vải, không biết đau đớn gì nữa.
Đến một hôm, chúng lại điệu ông tiếp tục đưa đi tra khảo.
Vẫn những câu hỏi và roi “cặc bò” vung vãi tối tăm mù mịt vào người ông. Tấm thân
chàng trai 18 tuổi tướp bã tàn tạ. Lúc ấy chúng mang ra một bát cơm trắng cùng
bát cứt và đôi đũa. Thằng La-néc em hỏi :
- Mày muốn ăn gì hả? Cơm đó, nói thì ăn đi. Không nói
thì ăn cứt…
(Tối đó, tôi nhìn ông dưới ánh đèn rất hồi hộp, chờ đợi
thái độ của người Cộng sản trước kẻ thù). Ông chậm rãi châm một điếu thuốc, miệng
hơi bập bập vào đầu điếu. Giọng ông thật bình thản kể tiếp: Mình giận sôi người,
không muốn để chúng kéo dài trò tra khảo, hét lên:
- Không biết, thì làm sao nói được! Rồi thản nhiên bưng
lấy bát cứt , cầm đôi đũa ghém lại như sắp và vào miệng. Thằng La-néc ngoảnh mặt
đi, chúng khiếp sợ, ông lại tiếp tục ghém bát cứt đưa lên ăn. Bữa đó (theo ông
kể) mồm mép mặt mũi tướng Độ đầy cứt và ông tìm cách làm vung vãi cứt lên tường,
ra nền đất làm chúng phải bỏ chạy.
Chúng giở trò tra điện. Bọn mật
thám Thái Bình hồi ấy không có ma-nhê-tô để tra, chúng dùng điện thắp sáng với
các que sắt. Que sắt quệt lên người. Điện mạnh, da thịt ông cháy bỏng, đau đớn
lộng óc, co dúm, chết ngất, …
Tôi nghe chuyện ông, rồi tự nói một mình “Đúng là người
Cộng sản chân chính!”.
… Những năm sau đó tôi không được gặp lại ông, nhưng mỗi
lần nghĩ về ông, tôi nhớ lại sự hồn nhiên, cởi mở, nét mặt rạng rỡ, gần gũi thân
tình của người Cộng sản ấy, tôi có cảm giác tin cậy, coi đấy là một thần tượng đáng
tôn thờ.
* * *
Rồi bẵng đi một thời gian, vào quãng 1986 – 1987 gì đó,
Nghiêm Hà bỗng xuất hiện trước cửa phòng tôi với cái xe Gát thủng bẩng, bạt phủ
đầy bụi đường từ Hà Nội lao về. Nghiêm Hà và tôi quen nhau từ lâu, anh có nụ cười
cởi mở, dễ yêu, giọng nói dân dã mà thuyết phục. Sau cái bắt tay là chén trà nóng
loại ba hào (chè cám) tôi đã pha sẵn, giờ chế thêm chút nước. Nghiêm Hà không rào
đón, ghé tai tôi hỏi nhỏ : “Đói lắm, chỗ mình chỉ có 20 người. Tướng Độ là Trưởng
Ban Văn hoá Văn nghệ chẳng có xơ múi gì. Ông Độ cũng sống khổ như anh em”. Tôi
hỏi lại :
- Nghĩa là đi xin gạo chứ gì. Thế là hai anh em cùng cười
ướt cả mắt, cám cảnh trong cái đói chung của cánh Văn nghệ.
Tôi ngồi tính với Nghiêm Hà từng chỗ quen biết có thể
“móc” được gạo. Hạt gạo thời ấy là hạt “châu”, hạt “ngọc”, đi xin không dễ, lại
không kín nhẽ sẽ thành tội. Cuối cùng hai anh em quyết định đi Đông Hưng chỗ Chủ
tịch Đinh Thế Lịch. Anh là một tay chơi, cũng mê văn chương lại biết qua về tướng
Độ. Dùng ảnh hưởng của ông mà thuyết phục “huyện lệnh”. May ra… Tôi ngó trước
ngó sau, thấy cơ quan vắng vẻ, vội khoá cửa phòng “ăn cắp thì giờ vàng ngọc” đi
cứu đói anh em đã.
Ngồi lên xe, mới thấy lo, Nghiêm Hà đánh chuyến xe về đây,
chả nhẽ về tay không hay sao? Hồi ấy tôi còn trẻ cũng hung hăng lắm, mình đã đói
bỏ mẹ nhưng lại sĩ diện, ai kêu khổ, kêu khó một tý là tỏ ra ta đây, quên hết vất
vả lao đi ngay. Tim tôi cứ thót lại, sợ không gặp được ông Lịch thì nguy; mà
liệu gặp ông ấy cố “rỏ nước mắt” không? Ông mà lắc đầu thì tôi vô cùng xấu hổ
với Nghiêm Hà và hết nói “phách” nói “lác” nữa nhé.
Cửa phòng Chủ tịch hé mở. Nắng tháng Năm như đổ lửa, mấy
anh em đói lả, vẫn tỏ ra tươi tỉnh, tìm những câu nói mát lòng nhau. Nghiêm Hà
vẻ khôn ngoan hơn tôi, cứ khen cái nhà văn hoá huyện đẹp cực kỳ (Cái nhà Văn hoá
này ông Độ nói với ông Nguyễn Ngọc Trìu, Phó Thủ tướng hôm hai ông về thăm Thái
Bình là “như cái lò ấp trứng vịt”).
Chủ tịch huyện Lịch khoái lắm, cho chúng tôi mỗi người
một bát phở và nửa chai bia, theo quy định tiếp khách của ông Đặng Trịnh, Chủ tịch
Tỉnh thời đó.
Vừa ăn tôi vừa trình bày rồi giới thiệu Nghiêm Hà với ông
Lịch. Khi biết anh là Thư ký tướng Trần Độ thì mắt ông Lịch long lanh hẳn lên.
Thế mới biết cái uy lực, đức độ của ông thấm vào lòng mọi người sâu đậm thật. Ông
Chủ tịch huyện cùng chia lửa với chúng tôi, đầu giờ gọi Văn phòng làm lệnh lấy
1 tạ gạo tại kho dự trữ Đống Năm, lấy vào tiêu chuẩn chống bão lụt, phải có phiếu
xuất của Phòng Tài chính. Nghiêm Hà trợn mắt hỏi tôi: “Nghĩa là không phải trả
tiền”. Tôi trả lời: “Chứ sao”. Nghiêm Hà ghé tai nói nhỏ: “Đồng tiền, hạt gạo
với ông Độ nghiêm lắm. “Nghiêm” thật sự đừng có đùa bỡn”. Tôi quay sang hỏi ông
Lịch cho yên tâm: “Lấy vào tiêu chuẩn này có sợ gì không?”. Ông Chủ tịch vỗ
ngực: “Tôi chịu trách nhiệm, các ông lo gì”. Thế rồi Nghiêm Hà được thể kể về
sự trong sạch của tướng Độ. Năm 1975, tướng Độ trở về nhà mẹ thưa:
- Con đã trở về nguyên vẹn đây. Bà cụ nhìn con vẻ hài
lòng (vì vào 1968 địch tung tin thất thiệt ông đã chết, các anh Tổng cục Chính
trị và Trung ương có về thăm gia đình, tướng Hoàng Văn Thái mang cái băng cát-xét
có tiếng nói của ông Độ mở cho cụ nghe, cụ mới tin). Thấy nhà cửa tuềnh toàng dột
nát, mẹ lại đổ bệnh, ông muốn lấy tiền lương của mình sửa sang lại gian nhà nhưng
còn nhiều điều e ngại. Trong dư luận thời đó đang đồn thổi câu “tướng tấn – tá
tạ - uý ki lô”. Người ta nói “vàng” đấy. Lương của ông khi vào chiến trường được
tổ chức giữ lại được khoảng mười mấy ngàn. Ông nói với bà Xuyến, em gái và thư
ký của mình về bàn với chính quyền địa phương cho hết mọi nhẽ nên được Chi bộ địa
phương cùng nhân dân đồng tình giúp đỡ sửa lại được mấy gian nhà cũ một cách suôn
sẻ. Khi làm nhà, bà cụ lom khom chỉ chỗ này kê gường cho mẹ nằm, chỗ kia làm buồng… Thế mà cụ chỉ được sống trong căn nhà đó hơn ba tháng rồi mất. Lời điếu ông
viết: “Suốt đời mẹ là những thử thách, chờ đợi. Chờ chồng, đợi con, rồi đợi cháu!” Đọc đến đây ông khóc. Lúc ấy tôi quay sang nhìn huyện Lịch cũng đã thấy nước
mắt ông nhoè chảy.
Sẵn có máu văn nghệ, buổi chiều ông Lịch bỏ việc ra Phòng
Tài chính trực tiếp gặp anh Hưng làm thủ tục lấy gạo. Trưởng phòng Hưng đi vắng,
cả ba chúng tôi đứng đợi, chụm vào nhau dưới gốc cây phi lao gãy ngọn tránh nắng.
Đến ba giờ chiều, anh Hưng đi xã về giải quyết dứt điểm. Vừa vần bao gạo lên
xe, tôi nói với Nghiêm Hà “ăn chắc rồi”, mọi người như mở cờ trong bụng cho xe
chạy về thị xã và hôm ấy Nghiêm Hà nhịn đói về Hà Nội. Sau này tôi được biết tạ
gạo ấy ông chỉ nhận 5 ký lô bằng tiêu chuẩn như mọi người trong Ban. Chả biết hôm
đó, Nghiêm Hà nói gì về tôi với ông, ông đã nói một câu bông đùa “Hội Văn nghệ
Thái Bình có thằng tên là Cường, con làm lái xe là Hào. Buồn cười thật ! Sau này
có các cháu, chắc đặt là thằng Gian, thằng Ác nữa. Đặt thế mà không sợ à !”.
Lúc nãy trên đường đi bộ sang đây, Nghiêm Hà còn nhắc
lại câu nói đó một cách hóm hỉnh.
Do đó những kỷ niệm chuyện đi xin gạo cùng thư ký của ông,
chắc ông có để ý đến tôi như nhớ một người lính quèn của mình. Mỗi lần ông về
quê Tây Giang, tôi đều tìm cách đến chào con người tôi ngưỡng mộ. Đầu năm 1990,
tôi sửa nhà ở phố Đậu, thị xã Thái Bình, nền nhà được đào lên xây cống thoát nước
nên rất bề bộn. Buổi tối tháng 7 trời mưa to, anh Chu Rị, Bí thư Tỉnh uỷ cho
hay anh Nguyễn Ngọc Trìu, Phó Thủ tướng, anh Trần Độ và ông Nguyễn Đức Tâm, Ủy
viên Bộ Chính trị cùng ông Hà Mạnh Trí, Phó Viện trưởng VKSNDTC có ý xuống nhà
tôi chơi. Tôi đạp xe lên nhà khách Ủy ban xem thực hư thế nào, gặp anh Nguyễn
Ngọc Trìu, biết có việc đó. Vợ chồng tôi băn khoăn không biết tiếp khách thế nào
bèn chạy lên chỗ chú Thưởng ở VKS tỉnh xin chú cho mấy chai bia và cô ca, lấy ở
cửa hàng An Định, ngõ Sở Thương nghiệp. Tôi mời Nhà văn Đỗ Vĩnh Bảo, người cùng
phố sang tiếp khách hộ, Nhà văn cứ băn khoăn nhà cửa chật chội thế này khách ngòi
vào đâu được. Lúc ấy các ông đã kéo lên gian gác tôi ở rộng 12 m2,
giày dép đầy bùn đất, ông Trần Độ cùng ông Trìu và các vị khách đã ngồi bệt cả
xuống chiếu thì còn lo gì nữa.
Tối ấy các ông nói chuyện với nhau chuyện nào cũng
hay, chuyện nào cũng có ích. Tôi nhớ hôm ấy tướng Độ mặc bộ sơ mi zét màu sợi sẫm
đen rất hợp với dáng người cao dong dỏng. Khuôn mặt sáng, trán rộng nở, nếp nhăn
kéo từ trên xuống đều chằn chặn. Với giọng đều đều rủ rỉ, cách nói thật hấp dẫn
và dễ hiểu (Người ta đã nói phàm những anh có tý chức quyền thường tạo ra giọng
nói có cung bậc). Tối hôm ấy ông chỉ kể việc xoay quanh ông bố bảo thằng con ngày
mai nhà có buổi gặt, mày ở nhà nấu nồi canh cua. Đến trưa thằng bé hái rau, xóc
cua bỏ vào nồi nấu, cua nổi lều phều. Bố về trơn mắt quát “Mày nấu canh thế này, ai ăn được ?”. Thằng con cãi : “Thì bố bảo
con nấu canh mà”. Ông bố nhăn mặt “mày phải giã cua ra chứ”. Rồi lại hôm sau
nữa, thằng con trổ tài theo lời bố dặn, xóc cua, giã nát, cho vào nồi nấu, quấy
như nấu cám. Ông bố thật sự ngán ngẩm về thằng con. Cách nói của ông thật giàu
hình tượng dễ hiểu, khiến mọi người phải im lặng, trố mắt mà nghe. Cuối cùng
thì ai cũng hiểu, người bố quá “quan liêu”, chỉ đưa ra mệnh lệnh, không hướng
dẫn tỷ mỉ cho con từ việc xóc cua, bóc yếm, khêu gạch, giã, lọc lấy nước cho
mắm muối, đun sôi, thả rau vào, rồi bắc ra ngay, canh mới ngon được.
Tôi nhìn ông thật sự thú vị và xúc động, chẳng thấy hình
tướng, chất “militaire” nhà binh chút nào, thì ra trong một vị tướng, ông còn là
con người của Nhà văn, là con người của “đời thường” nữa.
Lúc ra về, vợ chồng tôi lễ mễ khênh tặng ông Nguyễn Ngọc
Trìu cây vạn tuế, còn tặng tướng Độ cây ngô đồng rụng hết lá chỉ còn bông hoa đỏ
rực như lửa vút lên trời xanh. Mấy thằng ở đâu đến “đá” cái đèn hậu xe của ông
Hà Mạnh Trí, làm đêm ấy mấy anh Công an thị xã phải một phen vất vả, vợ chồng tôi
lo vã mồ hôi. Đấy là một đêm đầy hạnh phúc và đầy kỷ niệm.
* * *
Trung tướng Trần Độ một con người có hai tình yêu lớn
là yêu người và trọng sự thật. Ông yêu binh lính của ông như cha con, từ anh
chiến sĩ lái xe ôm trong “R” đến người nấu ăn, anh bác sĩ, anh thư ký, ai ông cũng
coi trọng. Vì vậy người giúp việc cũng hết lòng với ông ví như chiến sĩ Tư Kiên
Chiến, tay xe ôm siêu hạng. Chiến đã dùng xe Honda Nhật luồn lách khắp rừng miền
Đông, có lúc bay trên đỉnh đồi, với toàn bộ súng đạn, đồ ăn thức đựng của thủ
trưởng mình trong ba lô chất trên lưng. Còn Lê Văn Nu, dân tộc Mường ở Thường
Xuân, Thanh Hoá cần mẫn lo sinh hoạt cho ông. Nu còn chú ý theo dõi sức khoẻ hàng
ngày cho thủ trưởng mình. Sau đợt tướng Độ mệt, sức khoẻ trở lại, Nu chờ cho ông
đi ngoài về, anh ra kiểm tra lại rồi hớt hải chạy về kêu lên :
- Anh Hà ơi, hôm nay chú đi phân có khuôn rồi. Nu cười
một cách vô tư hồn nhiên.
Cấp dưỡng Phạm Hồng Quyền quê ở
Trực Cát, Nam Định đã chuyển ra ngoài Quân đội theo chế độ mất
sức 1983, sau này thấy thủ trưởng mình ốm ngặt, anh tìm đến nhà nói : “Chú cho
cháu lên để cháu hầu hạ chú”. Lời của Hồng Quyền giản dị, chân thực. Nhiều ngày
Quyền ở lại lo ăn uống cho ông.
Năm 1976, sau khi về Bộ Văn hoá
nhận nhiệm vụ Thứ trưởng, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hoá, ông tổ chức một
đoàn đi vào miền Tây, đoàn đi có thư ký Nghiêm Hà và các đồng chí Chuyên viên
của Bộ - Trên đường đi về Long Xuyên, xe dừng giữa đường giải lao. Một ông nông
dân đang xạ lúa, quần áo đầy bùn đất chạy lên hô to : Chú Chín, a chú Chín !
Rồi anh nông dân ôm chầm lấy thủ trưởng của mình. Đó là một chiến sĩ Quân Giải
phóng trong những năm ở Bộ Chỉ huy Miền làm nhiệm vụ bảo vệ. Hai chú cháu ôm
nhau, đấm lưng nhau cười khà khà. Đấy là bầu trời cuộc sống mênh mông mà Nghiêm
Hà đã học được ở ông. Nó toát lên tinh thần bình đẳng, dân chủ, khiêm tốn đối với
người, với mình, mà ông đã để lại bài học cho những người cộng sự.
Còn bác sĩ Đỗ Văn Thiện, người theo dõi sức khoẻ cho ông
từ năm 1982 đến 6/8/2002 luôn gọi ông là “Ông già” với thái độ nghiêm cẩn, trân trọng như tình
cha con. Bác sĩ rất quý trọng ông đôi khi bác sĩ nói nôm na rằng: “Tôi yêu ông
như nhân dân yêu CNXH vì CNXH mang lại cơm no áo ấm cho dân. Lời Cụ Hồ dạy thế”.
Bác sĩ đã từng phục vụ nhiều đồng chí lãnh đạo, nhưng đến khi gặp tướng Độ thì
sự ngăn cách giữa cấp trên cấp dưới không còn nữa, ông biết người, biết ta. Bác
sĩ bảo tướng Độ có trí nhớ thật kỳ lạ. Khi nhắc tới Bác Hồ và anh Trường Chinh
thì ông thường nói: “Trước các đấng bậc trên mình thấy nhỏ bé lại”.
Nhiều lần “Ông già” rủ đi chơi, mãi tới sau 2000 việc
này mới thực hiện được bởi “Ông già” đã hứa là làm. Năm ấy theo “Ông già” đi Chùa
Hương, cụ chỉ thích đi thuyền rong ruổi đò dọc ở suối Yến, ngắm những ngọn rong
rêu mọc từ lòng suối nước trong, rồi về nghỉ ở Đền Trình. Chuyện
dọc suối Yến, “Ông già” kể sâu thẳm, nặng nề, khó khăn. Bác sĩ định mồi cho tướng
Độ điếu thuốc nhưng vẻ như ông không còn thích thú. Điều ấy nhắc nhở cho bác sĩ
sức khoẻ ông đã kém lắm. Để ý thức được tướng Độ bệnh trọng tuổi già, đến một
ngày nào đó mình không còn được phục vụ. Bác sĩ Thiện còn kể không quyển sách gì
cụ không đọc, đọc để thấu hiểu mọi nhẽ. Khi mắt tướng quân đã hỏng, bác sĩ vào
nơi ở của ông trước bàn là một cuốn sách đang đọc và cây bút mở nắp. “Thì ra ông
vẫn làm việc”, bác sĩ kêu lên. Ông bảo: “Thằng Thiện nó cứ quan trọng hoá vấn đề,
bệnh tật của tao có gì đáng lo”. Rồi ông cười.
Bác sĩ lo cho “Ông già” quá, do bệnh tháo đường, các mạch
máu đã xơ vữa, vết mổ bàn chân ở bệnh viện Chợ Rẫy 9 tháng vẫn không liền. Ông đã
bị ung thư bàng quang. Bệnh “Ông già” quá nặng rồi.
Ông có hai cây mai chiếu thuỷ của nhân dân tỉnh Bến
Tre tặng năm ông 70 tuổi. Cây dáng rất đẹp, hoa trắng, luôn soi xuống nước. Tuổi
mai bằng tuổi ông, nghĩa là cây “mai” được trồng từ năm 1923. Khi cây không được
“chăm bón” thì “héo” chứ không bao giờ chết. Sức sống của mai kiên cường dẻo
dai lắm. Tướng quân rất quý nó và yêu cốt cách nó. Trước lúc ông về với thiên cổ,
ông gọi cho bác sĩ một cây, một cây cho ông Nguyễn Hoà là Tổng cục trưởng Tổng
cục Dầu khí trước đây là lính của ông. Bác sĩ và ông Hoà đều không nỡ mang mai đi
khỏi nơi ông ở. Mấy lần ông quát: “Lạ thật! Tao bảo cho là cho, mày không
mang đi sao? Thiện! ". Nể lời ông và bà Hằng vợ ông cùng dâu con trong nhà đã giục,
bác sĩ mang về chăm bón giữ lấy cái cốt cách tâm hồn ông. Hàng ngày ngắm mai,
ngửi thấy mùi thơm của mai lại nhớ tới “Ông già” người đã cho bác sĩ rất nhiều,
đó là lẽ sống đời này, sao cho vẹn tình vẹn nghĩa với dân với nước.
Tướng quân rất quý bạn và nhiều bạn, mỗi một giai đoạn
ông lại có thêm những người tri kỷ. Đặc biệt với anh em văn nghệ sĩ. Đầu năm
1980, hoạ sỹ Nguyễn Sáng bị bệnh mất ngủ, đôi lúc có cảm giác hoang tưởng. Ngày
đó thuốc an thần rất hiếm. Biết Nguyễn Sáng mỏi mệt vì mất ngủ, ông đã lấy mấy
vỉ theo tiêu chuẩn của mình cho Hoạ sỹ. Có thuốc Nguyễn Sáng ngủ rất say và cảm
thấy mình hạnh phúc nữa. Sau này gặp nhau ở đâu, Hoạ sỹ cũng luôn mồm cảm ơn.
Khi còn công tác ở Bộ Văn hoá, lần ông từ Hà Nội vào Sài
Gòn có xếp lịch đến thăm Nguyễn Sáng. Nghe tin này, Hoạ sỹ đã uống rượu thật
say rồi lăn ra ngủ. Khi tỉnh rượu, ông em Hoạ sĩ trách: “Biết anh Độ vào sao lại
uống rượu say”. Nguyễn Sáng bảo: “Gặp tướng Độ phải say mới sướng, phải say mới
hiểu đúng người Trần Độ”. Tướng quân không trách Hoạ sỹ mà còn nói: “Phải đi sâu
đi sát mới hiểu hết cái hay, cái tốt của văn nghệ sỹ. Mọi giá trị quyền lực, vật
chất rồi sẽ hết, một Nhà văn, Nhà thơ, Hoạ sỹ… chỉ cần một tác phẩm hay họ sẽ
thành bất tử”.
Lần sau đến thăm Hoạ sỹ, Nguyễn Sáng lúc khóc, lúc cười,
lúc kêu khổ, lúc kêu sướng. Hoạ sỹ nửa tỉnh, nửa say nhìn ông Độ nói: “Anh Độ ạ! Lúc này tôi cần có một người phụ nữ để chăm sóc. Là ai cũng được. Nhưng quý
giá là mẹ tôi thì tốt”. Rồi Nguyễn Sáng kêu lên: “Ôi! Tôi cô đơn quá!”.
Một người hàng xóm ở số nhà 99 Trần Hưng Đạo với một nén
nhang tưởng nhớ viết: “Suốt ba mươi năm qua ông coi cha chúng tôi như một người
anh, còn chúng tôi rất quý trọng ông ở sự từng trải, hiểu biết, … Và cuộc đời ông
rất Văn. Lúc nào cũng có nhiều bè bạn đến với ông, có cả Nhà văn, Nhà thơ… Tôi
nghĩ, người không có tâm, có đức thì không bao giờ có được nhiều bạn bè tốt như
thế…”
Biết ông rất phục tướng Nguyễn Sơn. Sáng đó người hàng
xóm giới thiệu chị Hà và anh Tuyên, con gái và con rể tướng Sơn đến thăm ông. Ông
rất vui nói: “Chú rất quý ba cháu. Nghe nói Trung Quốc đang làm phim về ông?”. Con tướng Nguyễn Sơn hỏi: “Chúng cháu muốn đưa chú len phim này được không?”. “Khỏi. Chú lên phim làm gì? Chú chỉ kể chuyện bố cháu cho các cháu nghe thôi.
Chuyện tao kể chính xác, không như một số người cứ thêu dệt
ông thành huyền thoại”.
Vì ông sống thật nên hay tin người, có lúc cả tin. Điều
này cũng không ít rắc rối cho ông. Nhưng ông thật và tin cậy người khác nên được
nhiều người tốt đến với mình. Phàm con người chân thật thì biết tự trọng và bao
giờ cũng làm việc tốt hơn. Ông là người sống có bản lĩnh, mạnh mẽ, mọi hoàn cảnh
đều làm chủ được mình, nhưng lại vụng về trong việc tổ chức cuộc sống gia đình.
Những ngày bệnh trọng mấy hôm ông vẫn ăn mì tôm tràn mà không hề kêu ca. Có lần
Nghiêm Hà hỏi : “Sao anh ăn nhanh thế ?”. “Mình cứ chan nước rau lùa vài bát vào
bụng rồi đứng dậy”.
Một vị tướng, một Nhà văn sao trong cuộc sống gia đình
và đời thường lại ngơ ngác vụng về vậy. Nhiều lúc tôi tự đặt ra câu hỏi ấy để tự
mình giải đáp mà không sao hiểu nổi.
Trong thực tế, nhiều người có phẩm chất tài năng ở nhiều
lĩnh vực đã thành đạt, có người thụ hưởng rất ít.
Ông làm quan Văn, Võ tướng gần sáu chục năm giữ nhiều
chức vụ khác nhau. Con đường hoan lộ của ông cũng không phải không có sóng gió.
Dưới con mắt người lính, ông là tướng soái, với nhân dân ông là người có công với
cách mạng. Với nghiệp Văn ông là cây bút xông xáo ở nhiều lĩnh vực. Nhưng trong
lối sống, phương thức ứng xử của tướng quân ở các tình huống cũng thật khác người.
Để lại hằn sâu trong ký ức chúng ta nhiều giai thoại thú vị.
Theo dõi cuộc hành trình ngược xuôi lao lung của ông,
thấy ông đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp giải phóng đất nước và công cuộc Đổi
mới nước nhà, thực hiện khát vọng “Dân giàu, Nước mạnh”.
Hôm nay ngồi trước bàn thờ ông, ngắm nơi ông ở thấy đồ
vật ông dùng khi xưa giản dị, thanh kiệm, cái gì cũng gần gũi có hơi thở cuộc sống
của ông. Căn phòng ở làm việc của vị tướng cũng không rộng, không hẹp, không có
sa lông. Bàn uống nước khi trước là hai mảnh ván ghép lại trên để một tấm kính.
Sách vở khi xưa ngồn ngộn, giờ con cháu ông đã sắp xếp đâu vào đấy. Coi đó là tài
sản vô giá. Mảng tường chính diện có treo tấm chân dung lớn của ông. Nghe đâu hôm
ông mất có con bướm đen bay vào nơi ông ở đập cánh mãi. Và thật đặc biệt đúng
ngày 1/7 Ất Dậu, ngày giỗ thứ ba của ông, con bướm đen lại bay về đập cánh đậu
trên vai ông và người nhà đã nhanh tay chụp được bức ảnh đó. Tiếc lúc tôi và
Nghiêm Hà đến, con bướm không còn đậu trong phòng nữa.
Ông sinh năm 1923 tại làng Bát Điếu xã Tây Giang, Tiền
Hải, năm 17 tuổi được vào Đảng, 1958 được phong hàm Thiếu tướng, 1974 được
phong Trung tướng, là Ủy viên Trung ương Đảng các khoá III, IV, V, VI; Phó Chủ
tịch Quốc hội khoá VIII. Tướng quân được thưởng nhiều Huân Huy chương, trong đó
có Huân chương Quân công hạng I, II, III; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (1950,
1976); Huân chương Chiến thắng 1955, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang 1, 2, 3 và
nhiều loại khác, hai Huy hiệu Chiến thắng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Đặc biệt tướng quân được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí
Minh. Ngày 16/3/1993, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh trân trọng tuyên bố trong buổi lễ
trao Huân chương: “Trải qua hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng trên các cương
vị công tác, dù bất cứ ở hoàn cảnh nào kể cả khi bị địch bắt, bị tù đày, Đồng
chí Trần Độ vẫn luôn trung thành với Đảng và đem hết sức mình cống hiến cho sự
nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta”.
Ông là người như thế, một tướng tài, trong ông còn có
lương tri người cầm bút. Nhưng có lẽ vì thế, số phận ông cũng không tránh khỏi
va đập có sự chi phối của xã hội và lịch sử.
Phố Đậu, mùa Thu 2005
(Trích Nhớ Nhà văn Trần Độ, Nxb Văn Học, 2013)
Phố Đậu, mùa Thu 2005
(Trích Nhớ Nhà văn Trần Độ, Nxb Văn Học, 2013)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét