Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2021

Chiến công khi chưa là chiến sĩ


Sau trận tổng tiến công 1968 ít lâu, tôi có dịp gặp đồng chí Ba Tăng (tức Anh hùng lực lượng vũ trang giải phóng Nguyễn Văn Tăng). Anh có kể cho tôi nghe về trận đánh của lực lượng biệt động của ta vào Đài phát thanh ngụy ở Sài Gòn. Anh trực tiếp chỉ huy trận đánh này.

Trong Đại hội Anh hùng Chiến sĩ miền Nam 1967



Trong trận đánh có vai trò quan trọng của một chị trong cuộc chuẩn bị và chiến đấu của mặt trận này, nhưng chưa hề là chiến sĩ biệt động; nhưng sau trận đánh thì chị trở thành chiến sĩ Quân giải phóng và đang học ở một trường quân chính của Miền. Tên chị là Năm Mộc (vợ đồng chí Năm Mộc, một trong những liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh này).
Nhân có dịp đi qua trường quân chính, tôi tìm gặp chị và yêu cầu chị kể lại tôi nghe câu chuyện của chị. Tôi xin ghi lại như sau:
… Anh Năm vốn là người ngoài Bắc ta, lưu lạc vào Sài Gòn từ hồi còn bé. Mới mười mấy tuổi đầu anh đã làm nghề thợ mộc tại một xưởng gỗ lớn. Anh em công nhân xưởng này thường tổ chức những cuộc tranh đấu đòi tăng lương. Hồi ấy nghiệp đoàn lãnh đạo các cuộc đấu tranh của anh chị em thợ thuyền. Anh Năm em cũng có chân trong nghiệp đoàn, nên đã bị tên chủ xưởng chú ý và công an theo dõi. Nhưng đến lúc chúng định bắt anh thì ông chú họ em may sao lại biết được và kịp báo cho anh Năm. Thế là anh trốn và đi tham gia kháng chiến luôn. Hồi đó anh Năm em mới chỉ mười tám, mười chín tuổi. Mãi đến hòa bình lập lại, anh mới trở về.
Lúc gặp lại anh Năm, ông chú em bảo: “Này, tao nói thiệt. Tao có con cháu đã đến tuổi rồi đó. Mầy có muốn thì tao làm mai cho!”. Lúc ấy em còn đi học nghề may. Vả lại tuy em đã quen biết anh Năm từ hồi anh còn làm ở xưởng gỗ, nhưng thấy cũng cần phải tìm hiểu thêm. Và còn phải thăm dò ý kiến các cụ.
Như vậy là, trước khi xây dựng gia đình với anh Năm, em cũng đã phong phanh nghe nói anh có “làm cách mạng”, nhưng cụ thể làm gì và như thế nào thì em không hay. Bản thân em thì chỉ tham gia Hội truyền bá quốc ngữ, giúp một số chị em học chữ và vì vậy, thỉnh thoảng cũng có giúp đỡ một vài khó khăn trong đời sống thế thôi.
Sau khi chúng em lấy nhau, anh Năm em vẫn làm nghề cũ và đồng thời có tham gia công tác. Em cũng hiểu là như vậy thì lương sẽ thấp, ảnh hưởng đến mức sống của gia đình, nhưng em không ngăn cản gì anh. Lúc ra ở riêng các cụ em có cho cái máy may. Em bàn với anh Năm và được anh đồng ý cho em mở tiệm may để kiếm thêm chút ít, đỡ vất vả cho anh. Thế rồi tiệm may của em ngày càng khấm khá hơn. Và em đã sinh cháu đầu lòng.
Nhưng do hoàn cảnh công tác của anh Năm, bọn em không ở đâu lâu được, chỗ chóng – dăm ba tháng, nửa năm, chỗ lâu cũng chỉ một năm là cùng. Anh Năm cũng thấy như vậy là em phải vất vả lây, nhưng chính vì thế mà mỗi lần cần chuyển nhà, em thấy anh cứ lúng túng tìm hết cớ này đến cớ khác là em lại vui vẻ thỏa thuận liền. Em nghĩ : có khó khăn, vất vả và mất khách quen thật đấy, nhưng ở đâu mà chẳng phải ở với chồng, với con!
- Thế chẳng nhẽ chị hoàn toàn không hay biết gì về công tác của anh Năm sao?
- Dạ, có cái không biết, có cái cũng biết, nhưng biết là do tình cờ thôi, chứ anh Năm em đâu có nói với em.
Chị nhấp một chút nước rồi đưa hai tay vuốt gọn mái tóc dài ra phía sau và vui vẻ kể tiếp:
- Một lần, hình như vào năm 1964 thì phải, một chị gánh đến nhà em một gánh hàng. Em thấy toàn là đường và trứng vịt. Chị này cũng là người trong họ hàng nhà em, nhưng vẫn không hề nói cho em biết gì. Sau khi lấy hết đường và trứng, chị chỉ bảo là để đem đi bán, còn mấy cái thúng không thì gửi lại. Chị tự đẩy sâu vào gầm gường. Sáng hôm sau, lúc quét nhà, em thấy: quái, sao bốn cái thúng không mà lại nặng thế. Hóa ra đây là loại thúng có hai đáy và hiện đang đựng cái gì kín trong đó. Em sinh nghi và hỏi anh Năm. Anh vội “suỵt” và bảo đừng nói to. Em đoán là vũ khí và lần ấy thật tình em có phàn nàn: “Vợ chồng ăn ở với nhau đã mấy mặt con mà có những chuyện như vậy trong nhà, anh chẳng thèm bàn với em một tiếng, nhỡ em sơ ý, xẩy ra chuyện gì thì sao!”. Lúc đó anh Năm em mới nói thiệt và tỏ vẻ rất lúng túng. Thú thật với thủ trưởng, em đang định nói: “Lúng túng và vụng dại như anh thì làm sao mà làm cách mạng!” nhưng rồi em lại thấy thương thương, nên không nói nữa.
Đến mãi khuya đêm hôm đó, hai vợ chồng em mới khui ra và bàn nhau cách cất giấu đám lựu đạn và thuốc nổ ấy. Em nghĩ bụng: dẫu sao thì cũng đã mang về để ở tại nhà mình rồi, đành phải tìm chỗ cất giấu thôi! Thấy em tính tới tính lui mãi mà vẫn chưa tìm ra chỗ nào ổn, anh Năm bảo em may cho một cái túi vải thật bền, rồi nói: “Sáng sớm mai sẽ chuyển cho người khác, mình không có nhiệm vụ giữ”. Nhưng sau đó thì em hiểu ra, anh Năm nói vậy chẳng qua chỉ để em yên tâm thôi, chứ sự thật không phải thế. Tưởng là chuyển cho ai kia, té ra anh Năm em chở đến nhà bà ngoại, giấu trong một cái cột gỗ đục rỗng ruột. Và rồi đến hôm mưa nhà dột thì bị lộ chuyện. Thế là lại phải chở cả cái cây cột rất nặng ấy trở về. Thấy anh lúng túng và vất vả, em thương quá, chẳng rầy la nữa và rồi em lẳng lặng đi mua mấy hộp sơn về, bảo anh dựng cái cây lựu đạn và thuốc nổ ấy lên như cột nhà vậy rồi đem sơn hết mọi cột cũng một màu sơn. Anh Năm mừng lắm, làm ngay. Em lại lấy đinh đóng lên cái cột ấy một cái mắc treo quần áo. Thấy anh Năm vui, em tưởng thôi thế là xong, yên tâm! Nào ngờ thỉnh thoảng chính anh Năm lại lấy các thứ đó ra đem đi sử dụng. Thế là đâu phải chỉ có nhiệm vụ giữ!
- Thế anh Năm không nói gì với chị về việc đưa các thứ đó đi đâu và để làm gì?
- Trời, đến ngay những việc em biết mà anh Năm em vẫn còn cố giấu em nữa là. Em đâu có dám hỏi. Em chỉ cầu sao kiếm đủ cái nuôi các cháu và chồng con êm ấm là mừng. Vả lại, chuyện công tác, hoạt động cách mạng là chuyện của đàn ông, mình đã không giúp gì được thì thôi, đừng có rày họ thêm. Chỉ nguyên đối phó được với bọn công an mật vụ chuyên rình mò theo dõi, các anh ấy đã đủ khổ rồi! Và quả thế, sau đấy được ít lâu, anh Năm lại bảo em phải chuyển nhà đi ở chỗ khác, chứ ở đây không tiện.
Nhà anh kiếm lần này thực tình em rất không ưng. Nó tận trong ngõ hẻm của phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần đài phát thanh. Đã vậy nó lại nằm ngay giữa ngã ba đúng chỗ con đường hẻm đâm thẳng vào mặt nhà. Các cụ ta tối kỵ ở những cái nhà như vậy: không chuyện gở này thì chuyện gở kia thế nào cũng sẽ xảy ra với người trong nhà! Nhưng rồi em cũng phải đồng ý, vì anh Năm bảo ở đây chỉ có độc một cái nhà này thôi.
Thế rồi với lý do là để mở cửa tiệm cho em, anh Năm em bắt tay vào việc sửa sang lại. Nhưng sửa lại thế nào anh cũng không bàn với em và em cũng không biết, vì trong lúc sửa em vẫn còn ở lại chỗ nhà cũ, chỉ thỉnh thoảng lên thăm thôi. Thế là căn nhà được ngăn ra thành ba buồng. Buồng ngoài để làm phòng khách, có kê tủ kính và bàn máy may. Hai buồng trong để ở. Lại có cả gác xép và bếp. Mãi đến khi đã dọn đến ở, em mới thấy là, không hiểu sao nền nhà buồng trong lại cao hẳn lên. Về sau em mới hiểu, đấy là do đất đào hầm bí mật được đắp lên như vậy. Ở buồng trong cùng lại có một cái tủ lặn hẳn vào tường, rất to, choán gần hết cả ba mét chiều ngang nhà. “Trời ơi, tủ gì mà to và xấu vậy, vừa thô, vừa chướng; đồ đạc gì nhiều cho lắm mà phải làm tủ to vậy!” Khi nghe em nói thế, anh Năm chặc lưỡi: “Chà, để mọi thứ quần áo, mùng mền, linh tinh. Cho tất cả vào đấy cho gọn!”. Em nghĩ bụng: “đã lỡ làm rồi, chịu vậy chớ sao. Có phải chỗ tiếp khách đâu mà ngại!”
Hôm dọn nhà, em hỏi anh Năm về những thứ giấu trong cây cột, anh lại bảo: “Mình hết nhiệm vụ giữ rồi, giờ sẽ chuyển cho người khác”. Nhưng rồi được mấy hôm sau lại đã thấy anh đi mua xi măng và cát về và đổ những cái gì cứ như những viên đá tảng cột nhà thờ vậy. Không hỏi thì anh không có nói, nhưng em hỏi thì anh lại nói dối. Biết vậy nên em chẳng hỏi nữa và cứ để mặc anh muốn làm gì thì làm.
Anh Năm không chỉ giữ kín các chuyện với riêng em mà còn bắt em phải giữ kín với mọi người, thậm chí còn dặn em không cho ai biết nhà mình ở, kể cả nội ngoại, bạn bè thân thiết. Em đi chợ, anh cũng không cho. Nhưng em lại thấy có nhiều anh đến chơi với anh Năm em. Các anh vào buồng trong, đóng cửa nói những chuyện gì với nhau em không rõ. Có hôm tự dưng, chẳng phải ngày chủ nhật, anh Năm cũng bảo em đóng cửa hàng mang con xuống bà ngoại chơi, để các anh ở nhà bàn công việc cho tiện.
- Anh Năm hoạt động như vậy mà không bị bọn chúng theo dõi sao? Tôi hỏi chen vào.
- Dạ, có, theo dõi riết lắm, thủ trưởng ạ. Trước kia bọn chúng theo dõi vừa vừa thôi, nhưng sau khi chuyển đến căn nhà gần đài phát thanh này được ít lâu thì bọn mật vụ theo dõi rất ráo riết. Cũng may là em ngồi may ở nhà ngoài, nên phát hiện được bọn chúng và báo cho anh Năm biết. Mọi ngày có ba thằng thay nhau bám riết anh Năm và cả em nữa.
Một hôm, em bảo anh Năm đưa em đi khám bệnh. Trên đường đi, em cảm thấy có người theo dõi, em mới cố ý thả rớt guốc và khi anh Năm dừng xe máy lại để em nhặt guốc, em lại thấy một trong ba thằng đó đang bám sát phía sau. Đến khi từ nhà bác sĩ đi ra, em vừa đảo mắt theo linh tính, thì lại thấy thằng đó đang ngồi ở một tiệm nước bên kia đường và rồi nó lại lẽo đẽo theo sau bọn em trên đường về. Và từ đấy trở đi thì vợ chồng em đi đâu cũng thấy bọn nó theo dõi, kể cả những ngày nghỉ vợ chồng em cho các cháu lên thăm ông bà ngoại cũng vậy. Thấy em tỏ ý lo ngại, anh Năm bảo: “Mình cứ kín đáo và cẩn thận phần mình, mặc chúng, hơi đâu mà lo, lúc nào cũng lo thì còn làm được gì nổi!”. Thật tình, lo thì lo và càng thấy bọn chúng bám riết, em càng lo và lo nhất cho sắp nhỏ: “Nói dại, chẳng may vợ chồng mình bị bắt, thì sắp nhỏ này ai nuôi!”. Mặc dù vậy, không hiểu sao, em cố giữ kín nỗi lo của mình, không chỉ với ông bà ngoại, mà cả với anh Năm em. Và hình như em càng giữ kín những lo lắng của mình về hoạt động của anh Năm thì anh Năm lại càng nói lộ các công việc với em!
Hôm ấy, vào quãng tháng Mười năm 1967, vừa đi làm được một lát, anh Năm đã luồn phía sau nhà về gặp em đột nhiên bảo luôn: “Vốn liếng mình giờ cũng đã kha khá, lại được anh em cho vay thêm, ta mua xe hơi, học lái, bỏ nghề mộc, đi làm nghề chở hành khách thôi”. Và thấy em còn đang ngập ngừng, lưỡng lự, anh Năm em nói thẳng: “Tổ chức yêu cầu mình đấy, có xe chở khách thì đi công tác dễ dàng, thuận tiện”. Ngừng một lát, anh nói tiếp: “Rồi bọn chó sẽ ớn theo dõi chúng mình!”.
Thế là lâu nay thì chỉ chuyển nhà, giờ lại chuyển cả nghề! Em thấy tất cả những chuyện đó đều không cần thiết, không những không lợi mà còn thêm thiệt cho việc làm ăn của gia đình, nhưng quả thật em không muốn cãi, không dám cãi. Bởi vì em biết anh Năm lắm, ngay từ hồi còn bé đã vậy, anh đã quyết tâm làm điều chi là làm bằng được. Đã vậy, em lại luôn luôn cảm thấy rất rõ anh Năm em tuy rất yêu thương vợ con, nhưng vẫn kiên quyết theo đuổi một cái gì còn to lớn hơn, quan trọng hơn… Thế nên em lại cảm thấy tất cả những chuyện đổi nhà, đổi nghề của anh Năm là cần, rất cần. Và lúc nào trong lòng em hình như cũng có người nhắc nhở: “Thôi, chiều anh ấy, nghe theo anh ấy đi. Anh ấy phải đấy…!” Và còn bao nhiêu chuyện nữa đã xảy ra, nhưng em lại tự nhủ: “Vì chồng, vì con thì chẳng đi đâu mà thiệt!”.
Thấy rõ người đối thoại với mình đang chìm sâu vào tấm lòng người vợ, người mẹ, người phụ nữ, tới những gì thiêng liêng, sâu kín nhất và cũng là khó nói nhất đối với họ, nên tôi chỉ ngồi im, không nói năng gì. Cặp mắt hiền lành và dịu dàng của chị từ từ nhìn xuống, nhưng vầng trán thông minh và hơi bướng bỉnh thì lại như đang muốn vươn tới một điều gì cao nhất, lớn nhất. Chị đang đào bới lại tất cả và lựa tìm trong cái mớ tất ấy một điều gì đáng nói hơn cả.
Đêm đã về khuya. Cảnh yên tĩnh của khu rừng đã trở nên tĩnh mịch. Và cái vắng lặng của tự nhiên dường như đã khơi dậy trong lòng chị cái sôi động nhất của con người. Chị đột nhiên kể tiếp:
- …Và một ngày giáp Tết. Tết Mậu Thân, thủ trưởng ạ, anh Năm bảo em: “Tết này có xe hơi, sẽ cho cả nhà đi Vũng Tàu chơi!”. Em đã khấp khởi mừng: thế là anh sẽ có dịp được nghỉ ngơi, còn lũ nhỏ được vui đùa thỏa thích. Nhưng chỉ được một vài ngày sau, có một anh đến gặp anh Năm, nói toàn tiếng lóng, em không hiểu gì. Chỉ thấy sau đấy anh Năm bảo em: “Tết này có đông anh em về ăn Tết, phải quãng chục người, mình chuẩn bị đón tiếp và lo thức ăn, thức uống cho chu đáo”. Em hỏi lại: “Thế hôm nào các anh ấy về?” – “Họ sẽ về ngay hôm nay!” Nói xong có vậy, anh Năm vội vã lên gác xép. Coi bộ anh Năm có điều bận rộn lo lắng, em không dám hỏi thêm, chỉ vội vàng đi chợ. Và khi đi chợ, em lại thấy bọn chúng theo ráo riết.
Đến trưa 30 Tết, có ba anh đến cùng với anh Tư Lộc. Anh Tư gọi em vào buồng trong và nhờ em mua cho 20 mét vải màn với 3 ký dây thun. “Bây giờ đã là 12 giờ trưa rồi, các hàng họ dẹp hết để ăn Tết rồi còn gì!” – Nói vậy chớ rồi em cũng cứ đi. Đến một cửa hàng em phải nói dối là nhà có người mất nên phải mua đồ liệm. Em vừa đưa các thứ về, các anh đã đem ngay vào buồng trong, đóng kín cửa lại, làm gì không rõ. Một lúc sau, thấy mùi xăng bốc dữ quá, em nhắc, anh Năm gạt đi: “Nhà mình có xe hơi thì phải có mùi xăng, việc gì mà sợ”.
Sau đó anh Tư Lộc lại bảo em: “Cô may ngay cho ít bao, kẻo xác bao cũ mục quá rồi, không thể đưa đi chiến đấu được, mà phải đi xa lắm”. Em đành phải lấy bừa các thứ vải ka ki của khách để may cho kịp. Tết ra, sẽ mua trả họ sau. Thế rồi em và Thảo – em gái em – vừa lo may túi, vừa lo cơm nước. Sáng mồng Một Tết, anh em về đông. Em bàn với anh Năm đưa gửi bớt lũ trẻ xuống bà ngoại. Anh Năm đồng ý và cả nhà lên xe, mặc toàn đồ mới, cứ như đi chúc Tết đầu năm vậy. Nhưng bọn mật vụ vẫn cứ bám theo.
Anh em về đông hơn, tuy cũng mặc đồ mới, nhưng anh nào cũng cứ đi thẳng vào buồng trong và ở tít lại đấy, không ra nữa. Thấy vậy, em lo quá, vì bọn chúng vẫn bám riết, không rời một phút mọi hành động trong nhà em. Em đành bảo thẳng anh Năm: “Chúng nó có thể ập vào bắt gọn tất cả đấy!” Anh Năm em trả lời rất kiên quyết: “Để đến mức nó ập vào bắt như vậy, thì sẽ chiến đấu, chẳng lẽ ngần này người lại chịu để chúng nó bắt sao”.
Đến chiều thì anh Ba Tăng về. Anh có nước da ngăm ngăm, lại đeo kính đen, mặc đồ công an, đã thế lại nói không đúng mật hiệu, em lo quá. May sao anh Tư Lộc nghe tiếng, nhận ra anh, em mới mời anh vào. Tới tối, sau khi mọi công việc chuẩn bị đã xong, anh em tắm rửa để ăn cơm, em thấy anh em mặc toàn đồ mới, nên em vội đi lấy quần áo của anh Năm cho các anh thay. Và khi chạy vào buồng, thì trời ơi, em hết hồn: trong buồng toàn súng là súng! Em đấm vào vai anh Năm: “Súng ở đâu mà mang về hồi nào vậy?” Anh Năm cười ha ha: “Vẫn ở nhà ta chứ ở đâu?”.
Cơm nước xong, tất cả các anh đều ngồi xúm quanh tấm bản đồ trải ra ở giữa buồng và phân công, phân nhóm. Nhóm này đánh chỗ này, nhóm kia đánh chỗ nọ. Lúc này anh Tư Lộc bảo em: “Giờ thì mời cô nghe, đối với cô bây giờ và từ nay trở đi chẳng còn gì phải bí mật gì nữa hết!”. Thế là đến lúc đó em mới biết các anh sẽ đánh Đài phát thanh, nhưng em còn chưa biết là đêm đó cả miền Nam ta cùng nổi dậy đánh đồng loạt.
Mười hai giờ đêm hôm đó, sau khi pha cà phê cho các anh uống – các anh bảo uống cà phê cho tỉnh ngủ để đi đánh – em cho các cháu lên gác xép ngủ. Sau cả một ngày bận túi bụi em đã thấm mệt, nên tuy chỉ định nằm với các cháu một chút rồi xuống giúp các anh một tay, nhưng lại ngủ thiếp đi mất. Thế là các anh ra đi thế nào, bắt đầu đánh thế nào em không biết. Và em cũng không biết anh Năm em có định dặn gì em không. Mãi đến lúc súng nổ vang trời, đạn bay vèo vèo, em mới sực tỉnh dậy và nghe Thảo gọi: “Chị Năm xuống đi, trên đó nhỡ đạn lạc nguy hiểm lắm”. Em vội vàng bế các cháu xuống. Anh Ba Tăng đi theo anh em, một lúc thì lại trở về một mình. Em cũng biết là anh Tăng là người chỉ huy, anh còn phải lo nhiều trận đánh khác nữa. Anh ở nhà, anh cứ chạy ra nghe ngóng một lúc rồi lại chạy vào. Mỗi lần đóng mở cửa, cánh cửa sắt lại kêu ken két rất to. Tiếng súng nổ mỗi lúc một nhiều. Thấy em hồi hộp, anh bảo: “Anh em mình đánh tốt lắm, chiếm được rồi, giờ đang chiến đấu để giữ!”. Ngay lúc đó, một loạt đạn bắn vào cửa sắt, vỡ cả tủ kính, rồi một bóng đen chạy ập vào như một cơn lốc. Đó là anh Ba Tẻo. lại một loạt đạn nữa và một loạt đạn nữa bắn thẳng vào nhà.
Rất lạ, thủ trưởng ạ, đến bây giờ em vẫn không sao hiểu nổi, hình như chính những loạt đạn này làm cho em tỉnh hẳn ra, hết hồi hộp và trở nên bình tĩnh lạ thường. Em nói như ra lệnh: “Hai anh xuống hầm ngay đi!” Lúc xuống hầm anh Ba Tăng chỉ dặn: “Nếu thấy ngoài đường có đoàn xe thiết giáp mang khẩu hiệu tổng khởi nghĩa tiến vào thì gọi chúng tôi”.
Em và Thảo, hai chị em canh chừng hoài, vẫn chỉ nghe thấy các loại súng thi nhau nổ, lúc rộ lên, lúc lắng xuống. Duy chỉ có phía đài phát thanh là hầu như không lúc nào dứt. Từ mờ sáng rồi! vẫn không thấy đoàn xe nào cả. Và rồi trời sáng rõ. Mở cửa nhìn ra đường thấy bọn thủy quân lục chiến dàn ra đông nghịt. Lúc này em thấy sợ, sợ lắm. Và bắt đầu rối trí, em bảo anh Ba Tăng: “Thôi, tôi giao nhà cho các anh, tôi cho các cháu đi đây!” Anh Ba vội ngăn: “Đi làm sao được lúc này, ra đường súng nổ, đạn lạc, chị chết mất. Mà lính gác đen đường thế kia, chị bị bắt ngay”. Em bình tĩnh nghĩ lại, thấy rõ mình không thể đi được, ở đây mình quen, các anh ấy lạ, nếu có chuyện gì các anh ấy biết đối phó làm sao… Và em quyết định ở lại!
Trời đã sáng hẳn, một số bà con xóm giềng đã chạy sang thăm hỏi gia đình em, bọn mật vụ cũng trà trộn vào, giả bộ hỏi: đạn bắn vào nhà, gia đình có ai bị sao không? Súng nổ từ hồi nào? Sao cả phố không nhà nào bị mà lại chỉ có nhà chị bị…? Cũng trong lúc đó em thấy rõ mấy thằng Mỹ ở tòa lầu bên kia đường cứ chỉ chéo vào nhà em và nói với bọn lính ngụy: “Vi-xi, vi-xi đấy!”. Trong bụng em, nói thiệt với thủ trưởng, rất run, nhưng cứ phải cố tỉnh táo chuyện trò với bà con và trả lời bọn chúng sao cho khỏi bị nghi.
Sau khi đã ngụy trang cẩn thận nắp hầm cho hai anh trốn dưới đó, em bảo Thảo: “Mọi việc ăn uống dưới hầm em lo, mọi việc đối phó với bên ngoài chị lo. Bọn chúng có hỏi gì em cứ nhận là cháu dâu lên ăn Tết với thím, bị kẹt súng nổ không về được”. Thảo bảo em: “Riêng về ăn uống của các anh, chị khỏi lo. Có nằm dưới đó nửa tháng cũng vẫn đủ”.
Bọn lính bắt đầu đi khám xét các nhà trong phố. Vào nhà em, nó hỏi: “Nhà có mấy người?” Em trả lời: “Nhà có hai vợ chồng và năm đứa con, ba đứa lớn và chồng tôi đi Thủ Đức ăn Tết hồi hôm”. Nó lại hỏi: “Nhà có chứa Việt cộng không?” Em bảo liền: “Các ông cứ vào mà xét, nói làm sao các ông tin”. Thế là bọn nó sục luôn vào nhà. Em liền nói thật to, để các anh dưới hầm nghe được: “Đấy, có Việt cộng hay không thì các ông cứ xét khắc biết”. Và em chợt nghĩ: chỗ nào mình chần chừ, chỗ ấy nó xét kỹ. Thế là em mở ngay cửa tủ chỗ có nắp hầm bí mật ra trước tiên, mở rất mạnh. Y như rằng nó chỉ khám qua loa rồi đi chỗ khác. Không thấy gì, bọn nó dắt nhau ra.
Em bế cháu nhỏ ra nhà ngoài, vừa trông nhà, vừa để xem tình hình động tĩnh thế nào. Bọn mật vụ vẫn trà trộn trong bà con lui tới chuyện trò. Em nói với một bà hàng xóm người Bắc: “Trời ơi, Việt cộng ở đâu mà dám về ngay giữa thành phố Sài Gòn này mà đánh?” Và như hiểu ý em, bà kia dóng dả: “Việt cộng họ chỉ ở trên rừng, chứ đâu có ở đây!”.
Đến tám giờ, bỗng nghe một tiếng nổ rất lớn ở phía đài phát thanh, rồi khói và lửa bốc lên mỗi lúc một cao. “Có lẽ anh em mình không giữ nổi, nên phá hủy đài”. Nghĩ vậy, em lại thấy lo. Mọi người cũng sợ lửa cháy lan ra phố, cháy cả nhà mình. Rồi tiếng động cơ xe cứu hỏa hét inh ỏi. Phải đến ba giờ sau đám cháy mới bị dập tắt.
Lúc đó là mười một giờ. Em thấy rõ bọn nó khiêng ra hai xác người: người thứ nhất mặc đồ xanh của anh Năm mà hồi tối qua chính em cho mượn; còn người thứ hai… em bàng hoàng cả người, mắt cứ hoa lên, tay chân loạng choạng, em vội vàng chạy ngay vào. Bộ quần áo ấy, khổ người ấy… rõ quá rồi. Chỉ cần đứng lại thêm một phút nữa thì hẳn là em đã không tránh nổi một hành động tai hại không gì cứu vãn nổi: chạy xô ra ôm chầm lấy anh!
Một lát sau, giữa lúc em còn đang suy nghĩ lung tung và hốt hoảng thì lại thấy bọn nó đem chiếc xe hơi của nhà về để ngay cửa. Xe chỉ vỡ, thủng một số chỗ, nhưng vẫn còn chạy được. Thế là cả phố lúc này đều biết: Chiếc xe này đã tham gia trận đánh hồi đêm. Em tự nhủ: hoang mang, rối trí lúc này là chết, người chết đã chết rồi, giờ phải lo cho người còn sống, phải bình tĩnh và tỉnh táo đối phó với mọi tình huống để bảo vệ người sống… một lúc sau lại thấy chúng đánh chiếc xe ấy đi.
Đến chiều bọn lính lại vào khám xét lần nữa, em vẫn trả lời bọn nó trôi chảy; còn bọn mật vụ thì vẫn tiếp tục trà trộn trong đám bà con để dò la, theo dõi. Một số người sợ mang vạ nên đã bắt đầu lảng tránh em. Em nghĩ chỉ nay mai thế nào bọn nó cũng bắt em thôi, nên bàn với Thảo tìm cách bảo vệ hai anh, tìm cách cho hai anh đi; thế rồi em thông báo và chuẩn bị cho hai anh, dặn hai anh là nếu chẳng may có chuyện gì thì cứ đổ thừa cho chồng em, cho người đã mất. Đồng thời em bảo Thảo mang hai cháu nhỏ về dưới má em bằng đường tắt, dặn má em cứ yên tâm và ráng nuôi các cháu.
Đến tối Thảo trở lại và như vậy trong nhà lúc này chỉ còn lại bốn người: em, Thảo và hai anh. Em đang định sửa soạn mời các anh ăn cơm thì lại có ba thằng vào xét nhà. Lần này nó không khám gì kỹ, nhưng lại rất khề khà, đòi ăn cơm, uống nước rất lâu, rồi mới chịu đi. Đến đêm, em cứ thấy có tiếng lục đục, lè xè trên trần nhà, em bảo Thảo cùng nghe, nắm chắc là bọn nó rình trên đó, mà trong nhà lại không có lối lên. Hai chị em cố nghe ngóng mãi và nghi: hay là tụi nó để máy ghi âm để ghi mọi câu chuyện bàn bạc trong nhà làm chứng trước khi bắt. Em bèn mở vòi nước chảy xoa xóa, rồi mở nắp hầm bàn bạc với hai anh. Em nói rõ: “Trước sau em cũng bị bắt, chẳng nhẽ hai anh đành nằm đây chịu chết sao”. Cuối cùng anh Ba Tăng hỏi em tình hình và chỉ dẫn cho em cách bố trí thu xếp để các anh ra khỏi nhà được bí mật, tự nhiên và an toàn. Anh cũng khuyên em nên thoát ly đi vô cách mạng và anh sẽ bố trí sắp xếp.
Sáng hôm sau, hết lệnh giới nghiêm, công chức đã lục tục kéo nhau đi làm. Em bảo Thảo: “Thôi bây giờ em đi được rồi đấy, em ở lại thì sẽ bị bắt thôi, chị sẽ tìm được cách cho hai anh đi sau”. Thảo đi xong, em bàn kỹ với hai anh nên đi đường nào, tín hiệu ra sao. Thế là đến lúc thấy có đông người đi lại ngoài đường phố, em giả vờ ra trước cửa quét dọn để quan sát xem có bọn nào theo dõi không, còn hai anh thì ngồi sẵn ở cửa sau, nhưng luôn luôn nhìn chờ báo hiệu của em. Một lát sau, thấy thời cơ thuận lợi, em vội hất cái nón lên và vắt lại khăn quàng cổ. Nhận đúng tín hiệu, anh Ba Tăng đi ngay. Chờ cho anh đi được một đoạn, em xách thùng rác và anh Tẻo đi theo em. Thấy vẫn không có gì đáng ngại, em cúi xuống đổ rác và đúng như đã dặn, Tẻo cứ vậy đi vượt lên phía đầu cầu xa lộ.
Sau khi hai anh đã đi an toàn rồi, em đã toan bỏ nhà đi luôn, nhưng lại thấy bọn nó lảng vảng trước nhà, mà nhiều chứ không phải chỉ một vài thằng. Em lo quá, cả nhà mới mấy hôm trước đông vui, nhộn nhịp là thế, giờ chỉ còn lại một mình em. Đến lúc này em mới thấy nhớ con thương chồng. Người em cứ nôn nao như lên cơn sốt vậy. Nhưng rồi tình thế lại buộc phải suy tính, rõ ràng là phải bỏ nhà mà đi thôi, nhưng đi ban ngày thế này lại không được nữa rồi. Chỉ có thể đi đêm thôi, mà đêm thì lại bị giới nghiêm. Em hết lăn lóc mãi trên gường, lại tính xem có cái gì giúp được mình lúc này không. Em đã toan chạy sang một vài bà con tốt, nhưng chần chừ rồi lại thôi; nếu người ta không lảng tránh thì mình lại có thể làm cho người ta phải vạ lây!
Mãi đến chiều hôm đó, cứ như có người xui khiến em đã tìm ra được lối thoát: sẽ đi vào giữa đêm, lúc giới nghiêm, giả làm người đi đẻ! Em chuẩn bị tã lót và các thứ đồ dùng cần thiết của người đẻ, rồi tập đi theo kiểu chậm chạp, mệt mỏi và đau đớn của người đang đau đẻ. Sau khi mọi thứ đều đã coi như được chuẩn bị xong, em thấy mệt mỏi rã rời, muốn ngủ một lát để đêm dậy đi, nhưng không tài nào chợp được mắt. Hình ảnh anh Năm em nằm trên cáng lại hiện lên trước mắt em. Muốn trở về nhà mẹ để gặp con, gặp mẹ, nhưng rõ ràng làm như vậy là không chỉ hại mình mà còn hại cả con mình, toàn gia đình mình… Em cứ vơ vẩn đi lại, sờ mó mọi thứ trong nhà, thấy cái gì cũng thân thiết, nhưng không thể mang theo được bất cứ một cái gì; em phải đi khỏi nơi thân yêu này như một người mang bầu!
Em đến trước cửa một nhà hộ sinh, đập cửa xin vào. Nhưng thủ trưởng đã biết, lúc ấy họ có nghĩ gì đến sinh mệnh con người, họ chỉ trả lời lạnh nhạt: “chờ đấy đến sáng”.
Thế là em thoát khỏi sự kiểm soát luật giới nghiêm của Mỹ ngụy và gần sáng, hết giờ giới nghiêm thì em trở lại một người nội trợ đi chợ bình thường và em đi thoát.
Cuối cùng như anh thấy đấy, bằng cách đó, đêm ấy em đã ra đi và bây giờ em ở đây.
Tôi từ biệt chị Năm, không quên chụp chị tấm hình ghi lại dáng dấp người “chiến sĩ” đặc biệt ấy kèm theo đây.

(Trích Anh bộ đội, Nxb Văn Học, 2017)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét