Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

Tôi đọc truyện ký tướng Độ



(báo Người cao tuổi, Thứ Tư, 12/12/2007)
Tôi đọc truyện ký tướng Độ của nhà văn Võ Bá Cường viết, NXB Quân đội Nhân dân xuất bản năm 2007. Tôi đọc say mê như hồi còn trẻ đọc “Những người khốn khổ”, “Thép đã tôi thế đấy”, “Vượt Côn Đảo” ... 

Năm nay, tôi đã 74 tuổi, qua hai lần tai biến mạch máu não nên đọc sách báo rất khó. Sao lần này đọc cuốn sách viết về tướng Trần Độ không sót một từ, một đoạn. Tôi thấy như nhà văn Võ Bá Cường kể chuyện trực tiếp tôi nghe về tướng Độ từ hồi còn là học trò. Nhóm bạn Hồng đã có tiếng vang trong trường Trình Phố vận động học sinh trường huyện góp tiền, góp gạo nấu cháo rồi kéo đến từng nhà phân phát.
Khi được mẹ cho đi Hà Nội học, cậu Phách (tướng Độ) đã tiếp xúc với các nhà báo “Thế giới mới” đọc được nhiều cuốn sách có giá trị, hiểu nhiều về dân tộc Nga, dân tộc Nhật. Hiểu được những hoạt động và tư tưởng của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Đặc biệt cậu được chị gái Tạ Thị Câu giao nhiệm vụ vận động thanh niên vào thanh niên phản đế, rồi cậu phụ trách thanh niên phản quốc phủ Kiến Xương, Thái Bình, kết nạp vào đảng năm 1940.
Với chí khí của người đảng viên, cậu Phách đã đấu tranh quyết liệt trong nhà tù Thái Bình, Hoả Lò, Sơn La... tổ chức vượt ngục nhà tù đế quốc về hoạt động cách mạng. Tất cả những sự việc trên đã hằn sâu vào suy nghĩ của cậu, là gốc rễ tạo nên cuộc đời của một vị tướng.
Là người lính vào sinh ra tử, khi nhận nhiệm vụ chính uỷ đầu tiên của Hà Nội cậu mới 23 tuổi, ở cương vị ấy cậu đã mạnh dạn thay cảm tử quân bằng quyết tử quân. Quyết tử quân có sức nổ cực lớn, có độ chính xác tuyệt đối, làm cho thế hệ thanh niên ngày ấy dám hy sinh cho Tổ quốc không một chút đắn đo suy nghĩ, nó không chỉ hiển hách một thời mà còn tồn tại mãi mãi. Sự biến đổi về chất của người chiến sĩ cách mạng đã tạo nên sức mạnh dồn ép quân đội Pháp ra khỏi Hà Nội, ra khỏi các thành phố lớn ở đồng bằng đi lên vùng rừng núi đông bắc, tây bắc để làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Năm 1965, tướng Trần Độ được cử vào chiến trường miền Nam qua cảng Si-ha-núc-vin tới R. Lúc này là thời điểm Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam. Đánh Mỹ sẽ diễn biến như thế nào? Tướng Trần Độ và các chiến sĩ ta đã thử tiến đánh Mỹ ở Bầu Bàng. Chiến thắng đầu tiên 1 tiểu đội diệt được 6 xe tăng, trong đó đồng chí tiểu đội trưởng diệt được 2 chiếc bằng thủ pháo và anh đã hy sinh khi vừa bò lên chiếc thứ 3. Chiến thắng Bầu Bàng, Bộ Chỉ huy Miền đã đi đến nhận định: Quân Giải phóng có thể đánh bại được các đơn vị tinh nhuệ có trang bị hết sức hiện đại của đế quốc Mỹ.
Vào miền Nam, Trần Độ sung sướng nhất là được sống với tướng Nguyễn Chí Thanh ở chiến trường B2. Sống với nhau như người bạn thân, tâm đắc nhiều điểm. Đại tướng đúng là nhà chiến lược bẩm sinh, là người thầy dạy Trần Độ làm tướng.
Năm 1968, địch tung tin tướng Trần Độ đã bị chết, vì Mỹ ngụy rất sợ những đòn vỡ óc của tướng Độ. Nghe tin này, Đại tướng Hoàng Văn Thái (cùng quê Thái Bình) đã về thăm mẹ Phủng mang theo chiếc đài nhỏ có ghi âm tiếng nói của tướng Độ và lời ca ngợi của Bộ Chỉ huy Miền “tướng Độ là vị tướng nắm lấy thắt lưng địch mà đánh. Bắt Mỹ đánh theo cách của ta không cho đánh theo kiểu Mỹ, làm tăng sức chiến đấu cho quân đội ta”.
Đọc truyện ký tướng Trần Độ tôi càng thấy rõ ở chiến trường miền Bắc, chiến trường miền Nam, chiến sĩ ta coi tướng Trần Độ như một thiên thần đi cùng dân tộc suốt trong 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Năm 1992, ông đã được tặng Huân chương Hồ Chí Minh khi ông tròn 70 tuổi.
Nguyễn Quang Tiển (Bích Hường thể hiện)

1 nhận xét:

  1. Người nào đã biết sống vì dân thì sẽ sống mãi trong lòng dân.

    Trả lờiXóa