Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

Các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật



Tác phẩm "Những kỷ niệm … ảnh". Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Nhà xuất bản Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 1987, 77 trang, khổ 25,5x24, in 3000 cuốn.


Lời giới thiệu

Các độc giả Việt Nam, nhất là độc giả trẻ tuổi, hẳn đã quen thuộc nhiều bài viết trên báo, tạp chí, sách của tác giả Trần Độ. Và có lẽ không một ai trong lớp trẻ của giai đoạn đầu và cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà không biết tới cuốn sách “Lý tưởng, ước mơ và nghĩa vụ” và bài viết nổi tiếng “Thư gửi cho con” mà báo Đoàn, Tạp chí Thanh niên đã đăng. Qua những tác phẩm và các bài viết ấy, độc giả đã gặp gỡ một tâm hồn sôi nổi, giản dị, phóng khoáng, yêu đời … Nhưng có lẽ ít người biết đến tác giả Trần Độ còn là người chụp ảnh. Ảnh tác giả chụp nhiều, có một số tác phẩm chụp khá đẹp và thành công về mặt nghệ thuật. Trong nhiều năm qua, những tác phẩm nhiếp ảnh ấy đã được đăng trên báo “Quân đội Nhân dân”, “Văn nghệ Quân đội”, “Báo ảnh Việt Nam” và bưu ảnh của nhà Xuất bản Văn hoá … Nhiều độc giả quen biết với tác giả khi xem các tác phẩm ấy mà vẫn tưởng rằng : một người nào đó trùng tên với tác giả.


Gần hai mươi năm trở về đây, từ khi tác giả tham gia chiến đấu chống Mỹ ở chiến trường miền Nam (B2) và sau khi đất nước thống nhất, trong các chuyến đi công tác, tác giả đã chụp nhiều ảnh về phong cảnh đất nước. Có những bức ảnh đã gây xúc động mạnh mẽ cho người xem.

Cuốn sách này giới thiệu gần một trăm bức ảnh chọn lọc của tác giả. Là các bức ảnh có nội dung :

- Kỷ niệm ở chiến trường B2, nơi tác giả thường tâm sự : “Ở đó đã có một phần ba cuộc đời của tôi”,

- Về đất nước thống nhất từ Nam chí Bắc và

- Những hình ảnh “ngẫu hứng” gây cảm xúc cho tác giả về “cảnh” và “người”.

Trước khi đi vào giới thiệu đặc điểm của tập sách ảnh này, chúng tôi cũng xin nói thêm : tác giả là nghệ sĩ nghiệp dư, nên ít có điều kiện để chờ đợi và ít có phương tiện tìm hiểu kỹ thuật để “gọt giũa”. Song, ở đây, hầu hết các bức ảnh đều toát lên một cái gì “chân chất” của người hoạt động nghiệp dư : gặp cái đẹp thì ghi lại, ghi “ngẫu hứng” và bất chợt, không có sự bố trí cầu kỳ. Do vậy, nhiều bức ảnh trong tập sách này cũng toát lên vẻ bình dị và tự nhiên, tươi tắn, khoẻ khoắn như chính tâm hồn tác giả. Đó là tâm hồn lạc quan yêu đời, yêu thiên nhiên. Một tâm hồn phong phú, đa dạng, có trái tim biết rung động trước nhiều cảnh khác nhau của đất trời, cỏ cây, hoa lá … Một tâm hồn biết chắt chiu từ các kỷ niệm tưởng như nhỏ nhoi của cuộc đời bình thường về những hình ảnh của làng quê tới một bà mẹ (khuôn mặt hằn lên những nếp nhăn - biểu tượng năm tháng nhọc nhằn vất vả nuôi chồng, nuôi con đi kháng chiến) hay hình ảnh một em bé dễ thương hồn nhiên, hoặc khuôn mặt những người bạn chiến đấu với nụ cười sảng khoái, lạc quan và xen lẫn đó đây gương mặt các chiến sĩ nam, nữ thật gần gũi, thân thương, tượng trưng cho cả một thế hệ trẻ của thời kỳ chống Mỹ … Tất cả đã bao trùm lên cái tưởng như nhỏ nhoi bình dị ấy một triết lý nhân sinh của dân tộc Việt Nam “thuỷ chung, son sắt, chí nghĩa, chí tình”. Trong tập sách này, còn có những bức ảnh tưởng như tác giả đang thu vào tầm mắt cái hùng vĩ, mênh mông của giang sơn cẩm tú hoặc như muốn đưa độc giả đi tham quan những công trình kiến trúc của dân tộc đã thai nghén từ lâu đời. Các hình ảnh ấy đã hiện lên với đường nét yêu kiều, mềm mại, uyển chuyển của màu sắc, hình mảng, ánh sáng đậm, nhạt … tạo nên những vẻ đẹp thẩm mỹ thật bất ngờ mà không phô trương. Hoặc có bức gợi lên sự tĩnh mịch, man mác bao la hay bóng dáng của một thời kỳ lịch sử oanh liệt của tổ tiên. Có bức mang tính giá trị của một tư liệu lịch sử như hai cột cờ Cầu Hiền Lương hay khuôn mặt một số các tướng lĩnh hồn hậu, vui tươi chứa chan tình đồng đội trong những ngày gian truân chống Mỹ “nếm mật, nằm gai” hoà quyện bên các chiến sĩ mặt còn măng sữa nhưng đã nếm đủ mùi gian khổ của chiến trường. Những cảnh đó đã được tác giả “chộp” lấy trong cái giây phút thiêng liêng mà lịch sử không bao giờ “lặp lại”. Đó là hình ảnh sống động ghi lại những ngày chống Mỹ. Nó sẽ khắc sâu vào tâm khảm các thế hệ mai sau về những ngày lịch sử vô giá ấy. Rồi hình ảnh chiến sĩ mẹ bế “chiến sĩ con” rất vui tươi, lạc quan và còn biểu tượng sự kế tục ngoan cường của một dân tộc không bao giờ chịu khuất phục, luôn luôn chiến đấu và chiến thắng. Tất cả các hình ảnh về đất nước-con người bổ sung tương hỗ cho nhau, toát lên một chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sự lạc quan của dân tộc và sự giàu có hùng vĩ của Tổ quốc.

Tóm lại, tập sách ảnh này muốn góp phần làm giàu thêm cho tâm hồn độc giả về đất nước – con người Việt Nam hồn hậu, lạc quan trong gian khổ vẫn luôn luôn giành độc lập cho Tổ quốc mình. Điều ấy rất bổ ích cho cuộc sống văn hoá tinh thần của chúng ta hôm nay.

Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam

Nhà Xuất bản Văn Nghệ

Tp. Hồ Chí Minh

1 nhận xét:

  1. Chú Độ đam mê chụp ảnh. Những năm kháng chiến chống Pháp, dù thiếu thốn nhưng chú vẫn mang theo máy ảnh.
    Nghe kể lại, sau chiến dịch Biên giới 1950, sau khi ta thắng, chú đã lấy mấy cuộn phim là chiến lợi phẩm thu được của giặc để dùng. Chú bị phê bình và đó là kỉ luật đầu tiên trong cuộc đời nhà binh: vi phạm kỉ luật chiến trường, sử dụng chiến lợi phẩm thu được không báo cáo trên.

    Trả lờiXóa