Thứ Tư, 10 tháng 4, 2024

Chị Xuân


Hồi ký kháng chiến
Bữa ấy đội tuyên truyền khai hội kiểm thảo ở vùng CX. Cuộc khai hội mới bắt đầu và tiến hành một cách vui vẻ trong một căn nhà tuy nhỏ hẹp nhưng sáng sủa và đầy biểu ngữ cùng tranh ảnh lòe loẹt.


Chừng 4 giờ chiều, đồng chí chủ tịch đang gân cổ giải thích một vấn đề thì tự nhiên thấy ngoài đồng, trong ngõ, mọi người xào xạc ra vào.
Cuộc hội nghị ngừng lại vì một không khí nặng nề tràn đến. Ầm! Ầm! Những tiếng súng moóc-chi-ê nổ từ sáng dội hẳn lên và nổ liên tiếp. Tiếng nổ dằn vặt, gắt bẳn và cứ như dồn gần đến vùng này.
Trong khi ấy không ai bảo ai, các hội viên nhìn nhau dò hỏi, tự thu về những cuốn sổ tay nhem nhuốc và những mẩu bút chì ngắn ngủn. Đồng chí chủ tịch lắng nghe tiếng súng đầy vẻ hăm dọa, mắt nhìn ngược lên nóc nhà tỏ vẻ đang suy tính cách đối phó. Mọi người khe khẽ sờ đến ba lô, nắn đến võ khí và đều yên lặng nhìn thẳng vào chủ tịch quyết định đột ngột và dứt khoát.
Bỗng nhiên anh đội trưởng tự vệ khu C.S. chạy vội vào chỗ khai hội, mặt biến sắc, mắt đưa nhanh, trán dơm dớm mồ hôi. Anh ghé gần anh chủ tịch nói riêng, nhưng mọi người đều nghe thấy:
- Anh ạ! Hỏng rồi. “Nó” đã đến Y.T. Nó đang tiến sang Y.K, Y.K chỉ cách xóm ta độ ba cây số, qua một quãng đồng. Máy bay nó đang đốt phá suốt dọc đường số X. Dân ở Y.T, Y.K và G chạy về đây đông lắm. Súng gần lắm! …
Anh ngừng lại một chút, liếc nhìn quanh nhà rồi tiếp giọng bình tĩnh hơn một chút: “Anh thu xếp trong nhà, tôi ra điều động anh em đây!”. Anh chủ tịch cuộc khai hội vốn vẫn phụ trách đội tuyên truyền lại là người chỉ huy có kinh nghiệm, giữ anh tự vệ lại, dặn một vài câu gọn và đanh thép:
- Được rồi, tôi cần phải bố trí cho anh em Tuyên truyền lui ngay, nhưng bây giờ thế này: Một là anh phái ngay anh em cùng ra canh gác thật xa ra phía cánh đồng Y.K và đường đi chợ G. Hai là anh phải quy định dấu hiệu báo động từ những vọng gác đó về làng… Ba là đánh trống tập hợp hết tự vệ ra đình mang theo vũ khí để chiến đấu bảo vệ cho dân chúng chạy. Tôi sẽ phân ngay các đồng chí tuyên truyền có võ khí ra họp canh gác cùng các đồng chí. Còn tôi, tôi sẽ ở rặng nhãn ngoài kia, có việc gì anh tìm tôi. Anh đi nhé.
Như một cái máy, anh đội trưởng tự vệ tất tưởi đi ra.
Rồi chỉ trong hai phút cuộc hội nghị giải tán với cái hẹn sẽ tập trung lại ở đây lúc xẩm tối. Mọi người nhanh nhẹn tản ra, hớn hở nhưng nghiêm trọng nghĩ tới giờ phút sắp tới…
Lúc ấy làng C.S rơi vào tình trạng cầm chừng khó chịu, mỗi ngõ đều có một vài người đứng xì xào với nhau, ngó ngang dọc đầy vẻ lo lắng, đó là những người mong con hay em đi lấy củi ở rừng chưa về… Có những người băn khoăn hết ra lại vào, Có người đánh trâu ra một gốc gạo ngoài đồng đứng ngẩn ngơ. Chợ làng họp ở đầu một chướng lũy xào xạc tan dần. Thỉnh thoảng lại có một người quần áo tơi tả chạy về, mọi người xúm quanh lại hỏi tin. Nhiều người vừa gánh tất tả đi, vừa khóc trên gánh lồng chồng vài manh quần áo, đôi cái nồi cái bát. Họ lẩm bẩm lo con lợn chạy ra đồng không biết có thoát không, lo thúng thóc để trong bụi bị quân địch trông thấy, lo người nhà không biết chạy đâu? … Những mối lo lan tràn trên làng C.S.
Người ta nhìn những đồng bào chạy qua, ái ngại bùi ngùi.
Tuy nhiên giữa những lo lắng ấy vài người vẫn tráng giấy bản dưới một vòm cây, nhiều người vẫn thản nhiên làm cỏ giữa cánh đồng, đôi chú bé vẫn vắt vẻo trên mình trâu nghêu ngao bài “Hồ Chí Minh muôn năm”.
Tiếng súng vẫn gần, gay gắt lồng lộn, phía nam những đám cháy bốc rải rác xa xa làm mọi người cãi nhau vì đoán tên nơi bị cháy …
Trời xẩm tối, tiếng súng thưa dần, máy bay thôi không ù ù nữa.
Những người đi lấy củi, đi chợ xa về, đang ba hoa kể chuyện.
Những đám cháy các nơi sáng đỏ rực chân trời, nhuộm hồng những lũy tre xa xa. Trên đường các làng, anh tuyên truyền đang bắc loa ra và kêu gọi đồng bào: “ … chiến sự đã lan rộng, đồng bào hãy bình tĩnh, v.v…”.
Nữ chiến sĩ trẻ Quân Giải phóng. Ảnh: Trần Độ.
 Trong căn nhà khai hội, đội tuyên truyền lục tục trở về. Ai nấy chăm chú sửa soạn rời địa điểm. Nhiều vấn đề cần thiết trong cuộc đi đường đã được đem ra để giải quyết, bố trí khi đi đường, vật liệu, võ khí, đường đi, giờ xuất phát. Nhưng còn một vấn đề quan hệ : cả đội chưa ăn cơm chiều và ngày mai ở vào đâu ? Ăn gì ? Chưa ai có một ý kiến gì rõ rệt và dứt khoát thì chị Xuân, chị con dâu cụ chủ nhà đang giã gạo ở nhà dưới chạy lên:
- Các anh đi phải không? Để tôi đong ít gạo nếp nấu cơm vừa ăn vừa nắm đi thì nhanh và tiện nhé.
Chưa ai kịp nói gì thì chị đã xách rá chạy đi. Cả đội yên chí ung dung ngồi xếp lại ba-lô, quét dọn nhà cửa và một vài người đi nhóm bếp.
Ai nấy đều có một tâm lý mình là kẻ sắp đi xa, lại có chị gái lo liệu hành lý cho rồi…
Chị Xuân là người thương bộ đội nhất, đối với gia đình này, ngày nào chị cũng tới chỗ bộ đội ít nhất là ba lần, chị tới chị yên lặng nhìn anh em học tập, vẻ mặt đăm chiêu thương hại. Mới có hai hôm chị đã hai lần cho cà để anh em ăn cơm. Đối với sự giao thiệp săn sóc bộ đội của dân làng, chị Xuân nghiễm nhiên thành một tay đại biểu hoạt động xuất sắc, ai cũng nói đến chị.
Đúng 15 phút sau, mọi người đã ríu rít chung quanh rá cơm nếp dẻo và thơm phưng phức dưới ánh ngọn đèn dầu leo lét, người ta ngồi xúm xít châu đầu vào nhau cười nói xì xào y như một đám người dấm dúi làm một điều gì trộm dấu và tinh nghịch.
Bên cạnh đó chị Xuân đang ra công lấy đũa cả bẩy một ít xém ở cạnh nồi cơm và hối hả giục mấy anh chị thanh niên khác bên cạnh hơ lá chuối nắm làm 10 nắm cơm nếp cho “các anh bộ đội” đem đi. Ngoài cửa mấy chú bé con cho ngón tay trỏ vào mồm chạy đi chạy lại, thỉnh thoảng lại nhấm nhắt hỏi: “Bao giờ các anh đi hả? – Các anh đi đâu bây giờ? – Bao giờ các anh về với chúng em? Bao giờ các anh về các anh lại diễn kịch và dạy chúng em hát nhé…”.
Ông cụ bố chồng chị Xuân yên lặng chống gậy ở cửa nhìn vào. Thỉnh thoảng cụ vuốt chòm râu, nhắc đôi câu: “Gói cơm thì buộc cho chặt kẻo rơi”, “Liệu xem còn quên gì không? Khêu đèn cho sáng lên”.
Mọi người đều bận rộn và ít ai nghĩ rằng: “Đi bây giờ rồi nó ra sao? Người đi làm gì? và người ở lại thế nào?”
Bỗng nhiên chị Xuân ném vào giữa cái bận rộn một điều gì man mác khó chịu:
- Hôm nay nấu bữa cơm này cho các anh, nữa rồi đến bao giờ mới lại được nấu cơm cho các anh?
Một giọt suy nghĩ thắc mắc đọng lại trên giọng vui vẻ. Trong gian nhà xì xào bỗng im phăng phắc, những chiếc bóng to lớn khẽ rung rung trên mái. Những hơi thở to hơn trước bật lên…
Hình như chị Xuân cảm thấy cái nghẹn ngào nặng nề quá và không hợp thời, chị vội khua mấy cái đũa cái, nói to lên: “Hết cháy rồi các anh ạ, các anh ăn khỏe lên mà đi nhé! Tôi đi rửa cái nồi đã”. Tuy chị nói thế song chị chưa đứng lên. Vì có một tiếng trong đám tuyên truyền nói lên: “Chị cứ cố gắng làm ăn đi! Chả mấy lúc kháng chiến thành công thì lúc ấy ăn cơm nếp vui hơn nữa chị ạ!”. Một câu nói nhạt nhẽo trong lúc ấy lại càng thêm nhạt nhẽo. Nếu ai nhìn kỹ vào mặt chị Xuân lúc ấy thì không thể không cảm động. Gương mặt là gương mặt của một thiếu phụ vui tính nhưng gặp nhiều lo nghĩ, hình xương xương nhưng sáng sủa vì đôi mắt nhanh và sáng với bộ răng đen nhánh rất đều. Da chị hơi ngăm ngăm và đã hơi răn. Trán chị nhoang nhoáng mồ hôi và đôi chiếc tóc ngắn từ trán xòa xuống dính dọc ngang, tăng thêm vẻ bối rối của chị. Chị gõ hai cái đũa cái vào nhau, nhếch mép cười gượng, nhưng chị cười thì trán chị lại thêm mấy giọt mồ hôi lấp lánh lẩn qua mắt và đôi má, đôi lông mày chị lại hơi nhăn lại, tất cả làm hiện ra hết nỗi đau khổ của một người chị thương đàn em ruột. Thì đây người chị ấy tỏ lòng thương:
- Không giấu gì các anh, tôi nguyên quê ở Đ.A lấy chồng ở đây, tôi có ba em giai, nó cũng đi bộ đội cả. Chúng nó đi đã lâu lắm rồi, tôi không được biết tin tức. Nói các anh tha lỗi, chúng nó cũng chạc tuổi các anh và cũng vui như thế, thành ra trông thấy các anh mà không được biết tin tức chúng nó, tôi nóng ruột quá… thế mà các anh về đang vui vẻ thì các anh lại đi ngay… mà không biết bao giờ các anh lại về. Tôi chỉ lo các anh làm việc vất vả, đi đêm đi hôm thế rồi không biết có kiếm được chỗ tử tế và được cơm nước hẳn hoi không? Chúng tôi chả được giúp đỡ các anh cái gì cả! …
Giọng kể lể của chị đượm một vẻ chân thành tha thiết. Anh đội trưởng không muốn để sự buồn rầu vấn vương vô ích mãi, lên giọng thật vui vẻ:
- Chị ơi, chúng em đây là em chị cả đấy. Chị không gặp các anh ấy thì đã trông thấy chúng em đây! Chị sẽ còn gặp nhiều em chị như bây giờ nữa và chúng em sẽ cũng không bao giờ quên nồi cơm nếp của chị và cũng sẽ được ăn cơm nếp như hôm nay nhiều đấy, chị ạ.
Mỗi người cố cười lên cho rầm rộ cái nhà. Nhân tiện bữa cơm đã xong, mọi người đứng dậy nói chuyện ồ ạt vui vẻ.
Chị Xuân lau mồ hôi trán, uể oải đứng lên cầm cái nồi đi ra sau, vừa đi vừa dặn:
- Nước tôi để ở đầu hè đây này các anh ạ, nước chè tươi đấy! Xỉa tăm uống nước đi, tăm tôi để bên cạnh bàn chỗ khay chén ấy.
Quang cảnh sau bữa cơm rất náo nhiệt, các anh tự vệ và các chú nhi đồng ríu rít nói chuyện với các người quen sắp đi xa.
Bỗng từ đầu nhà một tiếng già nua của ông cụ chủ nhà thốt lên hoảng hốt:
- Úi giời đám cháy to quá, không biết cháy Y.Tr hay Đ.A.
Tiếng chị Xuân thất thanh:
- “Đâu? Đâu hở thày!” rồi chị chạy vụt ra đầu nhà.
Mọi người chạy theo.
Mấy anh tự vệ cãi nhau.
- Không phải Y.Tr, đúng Đ.A đấy. Y.Tr cháy từ ban trưa kia rồi.
- Y.Tr rõ ràng kia mà cứ cãi. Đ.A gần nữa kia, nếu cháy Đ.A thì lửa còn to hơn nữa.
Chị Xuân chen mãi vào, hổn hển nói: “Đâu? Các anh xê ra một tý tôi xem nào! …”.
Chị chen ra tận bờ rào, nghển cổ ngó, chị lẳng lặng ngó một lúc lâu rồi mới thốt lên một giọng thiểu não.
- Đúng Đ.A rồi các người ạ!
Nhìn về phía lửa cháy kể cũng khó phân biệt vì cánh đồng và trời tối mù mịt. Chỉ ở nơi xa tắp chân trời một dẫy lửa đỏ cháy bừng bừng dựng lên những cuộn khói đỏ xám khổng lồ liên tiếp.
Chị Xuân nhắc lại: “Không là Đ.A thì còn là gì kia nữa!”.
Có người vô tình hưởng ứng: “Đấy! Tôi đã bảo đúng cháy Đ.A đấy mà”.
Chị Xuân bứt rứt lui ra đứng vào giữa đám đội viên tuyên truyền. Chị đau đớn nhìn họ rồi nói một giọng thật âm thầm:
- “Các anh ạ! Thế là xong rồi! …” Tiếng chị run lên và giọng chị hình như nghẹn.
- Sao hở chị ? Cái gì thế hở chị?
- “Cháy làng tôi rồi. Nó, nó đốt làng tôi rồi. Bà nhà tôi đang ốm nặng. Ông tôi lòa, ba cậu nó đi vắng, còn con bé con ở nhà chạy làm sao? Giời ơi! Nó đi đến đâu là nó bắn, nó giết, nó đốt, nó phá. Ông bà tôi có chạy được thì nhà đốt, trâu mất, gạo mất lấy gì mà ăn? …” Chị lắc đầu, tiếp: “Mà chạy làm sao được hở các anh? Chết thôi! Nó giết mất thôi!”. Và chưa nói hết chị đã chạy ra, chen bám vào hàng rào, mở to mắt nhìn về phía lửa. Ngọn lửa vẫn lên đều, những cột khói hồng vẫn cuồn cuộn bốc lên cao vút. Một thứ ánh sáng hồng nhạt mơ hồ bao khắp vùng.
Mắt chị Xuân đỏ ra, long lanh phản chiếu thứ ánh sáng ấy, trông đỏ ngầu dữ dội và ở hai góc mắt từ từ có hai giọt nước mắt lăn ra. Tiếng thở của chị gấp và không đều.
Qua đống lửa to lớn, rung rúc kia mọi người đang tưởng tượng đến một cảnh chết chóc thảm thương, một cảnh tàn phá ghê gớm.
Một lát sau chị Xuân đang ngồi yên lặng cúi mặt xuống chiếc nồi đồng vừa nấu cơm nếp, anh đại biểu đội tuyên truyền chạy ra bên cạnh, nói để trả tiền gạo nếp chị vừa mua cho. Chị ngước mắt một vẻ hơi phật ý.
- Sao các anh làm thế. Các anh vất vả khổ sở, tôi lại không biết ủng hộ các anh được bữa cơm nếp hay sao?
Anh đội trưởng phân trần:
- Chị có lòng tốt, chúng tôi rất hoan nghênh, song hiện giờ chúng tôi còn được lĩnh tiền của Chính phủ, chúng tôi chưa dám phiền đến dân, đến khi nào khó khăn sẽ hay. Còn chị lúc nào cũng cứ vui vẻ nghĩ tới chúng tôi nhé, nhất định sẽ có ngày… Chị đừng buồn.
Chị Xuân nói to lên, giọng bất bình: “Các anh làm thế tôi không bằng lòng? Các anh không thương tôi? Tôi không đáng ủng hộ các anh chút ít hay sao?”.
Rồi chị hạ giọng bùi ngùi nói tiếp:
- Tôi không buồn và cũng không sợ đâu các anh ạ! Tôi chỉ tức giận thôi. Vì bây giờ còn biết làm thế nào nữa! Thôi các anh đi cho mạnh khỏe, mà có đi qua chỗ ấy thì nhớ cẩn thận đấy. Tôi nghĩ cũng thương các anh, nhưng chúng tôi cũng chỉ còn biết trông cậy vào các anh!… Rồi về sau có dịp các anh lại cứ qua lại đây! Tôi sẽ nấu cơm nếp cho các anh. Việc các anh nặng nề lắm, tôi chỉ giúp được có thế!… Vâng, thôi các anh đi.
Rồi sau khi đội tuyên truyền đi, chị khẽ rón rén chạy theo ra cổng nhìn theo những bóng đen biến dần đi rồi lại nhìn đám cháy đang oằn oại, hai giọt nước mắt lăn ra má. Chị Xuân bỗng nghiến răng trút một tiếng thở dài nhè nhẹ. Mắt chị dữ dội lên trong giây một vẻ hăm dọa và tin tưởng.
Viết tại Ninh Bình
         Ngày 17-5-1947
               
               (Trích Trần Độ tác phẩm, Tập 1, Nxb Hội Nhà văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét