Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2024

Từ Hải Hậu đến một mô hình văn hoá huyện


Cùng với sự phát triển về kinh tế và quốc phòng, năm qua, Hải Hậu vẫn xứng đáng là “lá cờ đầu” của ngành văn hoá và thông tin. Sự nghiệp văn hoá và thông tin ở Hải Hậu được xây dựng trên một nền móng vững chắc từ cơ sở qua bốn mặt của phong trào: nghệ thuật quần chúng, nếp sống mới, thư viện và phong trào đọc sách, thông tin cổ động.


          Phong trào nghệ thuật quần chúng phát triển rộng khắp các xã trong huyện. Mỗi xã đều có đội nghệ thuật, hoạt động thường xuyên với nhiều tiết mục mới. Những tiết mục nghệ thuật bám sát nội dung chỉ đạo của Huyện uỷ, tập trung ca ngợi lòng yêu quê hương, yêu Tổ quốc. Các thể loại phát triển ngày càng phong phú, ngoài hát chèo, cải lương, còn có ca hát mới, tấu, kịch nói. Đặc biệt có xã đã phát triển phong trào múa hát tập thể.
Phong trào nếp sống mới có nội dung tốt và được chỉ đạo chặt chẽ. Nội dung chủ yếu được chú trọng là xây dựng phong cách lao động mới và gia đình văn hoá mới. Ở các xã có từ 50 đến 90 phần trăm số gia đình ghi tên phấn đấu, gần 70 phần trăm số gia đình được công nhận “Gia đình văn hoá mới”. Phong trào nếp sống mới phát huy hiệu quả tốt trong việc đoàn kết, động viên nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương và xây dựng con người mới, có tác dụng tốt đấu tranh xoá bỏ những nếp sống mê tín, lạc hậu.
Phong trào đọc và làm theo sách báo phát triển mạnh ở tất cả các xã trong huyện. Thư viện huyện đang mở rộng hoạt động để phục vụ nhân dân thị trấn và dân trong 10 xã chung quanh huyện. Ở các cơ sở, ngoài hệ thống phòng đọc chung, còn có các phòng đọc sách của thanh niên, thiếu niên, của học sinh các trường phổ thông cấp 2 và cấp 3.
Các xã thành lập những đội thông tin lưu động có chương trình hoạt động thường xuyên, phổ biến tình hình và các chính sách cho nhân dân. Những đội thông tin lưu động luôn luôn theo sát những nhiệm vụ địa phương để biểu dương kịp thời những gương người tốt, việc tốt và phê phán các mặt tiêu cực trong thôn, xã.
Phong trào văn hoá và thông tin ở huyện Hải Hậu phát triển vững chắc, có tổ chức chặt chẽ, hoạt động thường xuyên và thu được những hiệu quả to lớn là nhờ có sự quan tâm đặc biệt của các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương. Có thể nêu lên 3 kinh nghiệm chỉ đạo tốt của huyện Hải Hậu, đó là:
1. Cấp uỷ Đảng và Ủy ban nhân dân luôn luôn nâng cao nhận thức về mối quan hệ giữa ba cuộc cách mạng theo đường lối của Đảng, về vị trí vai trò của cách mạng tư tưởng và văn hoá, về nhiệm vụ nâng cao đời sống tinh thần và văn hoá của quần chúng.
Trong việc chỉ đạo thực hiện, cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương đã gắn chặt xây dựng văn hoá với quá trình cách mạng, xoá bỏ những tàn tích văn hoá của chế độ cũ như văn hoá phản động, thần quyền, kết hợp chặt chẽ việc xoá bỏ, cải tạo cái cũ với xây dựng cái mới. Việc xây dựng đời sống văn hoá được đặt trong toàn bộ đời sống chung của nhân dân. Trên cơ sở nâng cao đời sống vật chất, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục, y tế, thể dục thể thao để làm nền phát triển sự nghiệp văn hoá, nghệ thuật.
2. Quan tâm đến việc củng cố tổ chức và bồi dưỡng cán bộ ngành văn hoá và thông tin. Hệ thống tổ chức văn hoá và thông tin trong huyện đã hình thành về căn bản và đang tiến tới hoàn chỉnh.
3. Cấp uỷ Đảng và chính quyền chú ý chăm lo ban hành các chế độ chính sách nhằm đảm bảo cho các tổ chức hoạt động, các cán bộ chuyên làm công tác văn hoá – thông tin ở cơ sở được ổn định, yên tâm, phấn khởi. Huyện đã nghiên cứu chế độ lương, phụ cấp công điểm cho các cán bộ chuyên trách, chế độ công điểm thích đáng thù lao cho sáng tác, luyện tập, biểu diễn. Các cơ quan lãnh đạo đặc biệt chú trọng khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào văn hoá, nghệ thuật.
Qua những bài học kinh nghiệm và những mặt mạnh của phong trào văn hoá và thông tin huyện Hải Hậu, kết hợp với kinh nghiệm của các huyện Đông Hưng, An Thuỵ, Sông Lô, có thể xây dựng một mô hình văn hoá ở huyện như sau :
a) Về phong trào ở các xã – Căn cứ vào điểm phân bố dân cư, có sáu mặt hoạt động cần phát triển rộng rãi và có chất lượng:
- Văn nghệ quần chúng,
- Nếp sống mới,
- Thư viện và phong trào đọc sách,
- Thông tin cổ động,
- Bảo tàng, nhà truyền thống và phong trào giáo dục truyền thống,
- Nhà văn hoá và các hoạt động câu lạc bộ.
Hai mặt sau, ở Hải Hậu tuy có phong trào hoạt động ở một số xã nhưng chưa đều khắp và chưa có hiệu quả rõ rệt.
b) Về tổ chức - Cần có một tổ chức được kiện toàn. Tổ chức ở huyện cần có: tổ chức quản lý và tổ chức sự nghiệp.
Tổ chức quản lý (hoặc Phòng văn hoá và thông tin huyện) phải bảo đảm biên chế và cơ cấu, thành phần, số cán bộ cần định biên hợp lý. Các tổ chức sự nghiệp và kinh doanh như nhà văn hoá, bảo tàng, thư viện, đội thông tin lưu động, quốc doanh chiếu bóng, quốc doanh phát hành sách, quốc doanh nhiếp ảnh, v.v… cần được kiện toàn và hoạt động đều.
c) Các cơ sở vật chất ở huyện, thị trấn cần được quy hoạch từng bước cho hợp lý. Cần phải trên cơ sở quy hoạch chung về kinh tế và dân cư, dự kiến các loại công trình xây dựng ở thị trấn, huyện, ở các trung tâm dân cư, các vùng kinh tế, ở các cơ sở, xã, ấp. Những công trình cần theo thứ tự ưu tiên sau đây:
- Nhà văn hoá huyện,
- Rạp chiếu bóng,
- Thư viện,
- Khu triển lãm,
- Bảo tàng,
- Các cửa hàng sách, cửa hàng nhiếp ảnh,
- Vườn hoa.
Ở vùng dân cư (thường chọn một xã ở giữa vùng gồm nhiều xã):
- Rạp chiếu bóng,
- Thư viện,
- Nhà văn hoá và các công trình khác.
Ở xã:
- Nhà văn hoá (hoặc câu lạc bộ),
- Thư viện,
- Nhà truyền thống.
Ở huyện và xã, nên dành ưu tiên hàng đầu cho xây dựng nhà văn hoá. Nhà văn hoá là trung tâm hoạt động của các phong trào nghệ thuật quần chúng, các hoạt động nghỉ ngơi, giải trí nâng cao kiến thức cho nhân dân.
Khi chọn địa điểm cho trung tâm vùng, nên chọn một xã có khả năng là xã trung tâm của vùng để tập trung sức đầu tư xây dựng cho xã đó.
So với mô hình trên đây, Hải Hậu cần phải cố gắng vươn lên về các mặt: kiện toàn tổ chức, xây dựng cơ sở vật chất tập trung vào công trình trung tâm tiêu biểu và có một quy hoạch toàn diện nhiều năm để tiếp tục có kế hoạch xây dựng.
Đạt được như vậy, mới có điều kiện nâng cao chất lượng các mặt hoạt động, thu hút được các hoạt động của lực lượng chuyên nghiệp, kích thích và giúp đỡ nâng cao các hoạt động nghiệp dư thoả mãn các nhu cầu văn hoá ngày càng cao của nhân dân, xứng đáng là một mô hình văn hoá cấp huyện.
                                                                                        2-1979

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét