Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

NHÀ VĂN TRẦN ĐỘ VÀ NGHỆ THUẬT NHIẾP ẢNH


Tôi định viết bài cuối cùng trong loạt bài về văn chương của nhà văn Trần Độ là tấm thẻ hội viên nhưng chợt nhận ra nếu không nói tới niềm say mê nghệ thuật nhiếp ảnh của ông thì thật là thiếu sót. Như lời ông tâm sự: Tôi bắt đầu chụp ảnh ngay sau cách mạng tháng tám năm 1945. Khi đó sớm được tiếp xúc với các anh đã thành nghề như: Tô Na, Nguyễn Bá Khoản,… Rồi thời gian kháng chiến chống Pháp lại có dịp cùng sống với các anh: Nguyễn Đắc, Nguyễn Văn Ty và gặp gỡ các anh Triệu Đại, Vũ Năng An,… Tôi say mê nghề ảnh cũng như nghề viết. Tiếc rằng do công tác cuốn hút và nhiệm vụ cách mạng giao tôi hiểu mình chỉ có thể tham gia nghề nghiệp ở chừng mực nhất định nên không có ý dấn thân vào nghệ thuật. Tôi chụp để kỉ niệm bạn bè đồng đội và cho bản thân mình.

Nhà văn đắm say ghi chép bằng cả ngôn ngữ và hình ảnh chứng tỏ ông yêu cuộc sống tới mức nào. Gian khổ đấy, hi sinh đấy, nhưng lại cuốn hút bởi vượt lên trên tất cả là tình yêu nhân dân, yêu đất nước, yêu sự nghiệp cao cả do Đảng lãnh đạo mà mình là chiến sĩ dưới ngọn cờ tiên phong vẫy gọi. Cũng như suốt hai cuộc kháng chiến muôn vàn hi sinh gian khổ, nếu không có trái tim sục sôi vì nghĩa vụ thiêng liêng, nếu không có ý chí một mất một còn vì sự nghiệp tự do, chắc chắn không một ai qua được những dặm đường máu lửa vượt Trường Sơn từ bắc vào nam và từ nam ra bắc. Nhà văn để lại hàng ngàn bức ảnh. Nhiều trong số đó đã công bố trên báo chí với những tên tác giả khác nhau. Nhiều tấm thể hiện thẩm mĩ nghệ thuật khá vững mặc dầu ông khiêm tốn nói rằng mình không có ý làm nghệ thuật. Dễ hiểu là khi đắm say với nghề thì tay nghề từng bước được nâng lên. Có tấm ảnh về đồng chí đồng đội gây ấn tượng sâu trong lòng người xem bởi đường nét, bởi góc nhìn, và bởi tư tưởng chủ đề cùng hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Bức ảnh nhà sàn Bác Hồ do ông chụp được công bố năm 1975 chẳng hiểu có phải là tác phẩm đầu tiên về nơi Bác ở được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng hay không nhưng trước đó hình như tôi chưa được chứng kiến bao giờ. Do ông có điều kiện hơn nhiều nhiếp ảnh gia khác nhưng cái chính vẫn là do lòng kính yêu lãnh tụ cùng với niềm đam mê nghề nghiệp. Ông chụp với góc nhìn thoải mái, đường nét rõ ràng, sắc sảo, làm cho người xem thấy được cả khuôn viên bao quanh và hiểu hơn đời sống giản dị của Bác. Được biết nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp thừa nhận bức ảnh này chụp khá chuẩn. Bức ảnh chụp cầu Hiền Lương sau giải phóng chỉ có hai ngọn cờ tung bay trên nền trời xanh lồng lộng đã cho người xem thấy nỗi hân hoan của ngày đoàn tụ. Ông biết nghệ thuật nhiếp ảnh nghiêm khắc đòi hỏi người cầm máy phải tìm cho mình một góc độ độc đáo. Cũng vì lẽ đó, nhằm ghi lại hình ảnh biên giới tây nam ông đã chọn hai bóng cây thốt nốt trong bầu trời mây trắng lửng lơ. Để tả cảnh thanh bình ở đồng bằng Bắc bộ ông ghi lại hình ảnh con trâu đen bên bờ sông nước phơi trắng toát. Rồi những nhịp cầu tre, những con thuyền, những tầu cau, lá cọ,… Ông lí giải: Những cảm xúc có được khi nhìn phong cảnh và con người là yếu tố quyết định. Những cảm xúc ấy đưa đến những khám phá. Có lần đứng chụp một phong cảnh tôi thích liền thoáng nghe được những lời bình phẩm bên tai: Đây có cái gì đáng chụp đâu nhỉ? Và cũng lại nghe thoáng có tiếng người giải đáp hộ: Ấy, Nhiều khi những vớ vẩn như thế mà vào ảnh đẹp ra phết! Nhưng chính ông nhiều lần khẳng định mình là người chụp ảnh chứ đâu phải là nghệ sĩ nhiếp ảnh. Với chân dung các vị: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đại tướng Hoàng Văn Thái, thượng tướng Trần Văn Trà, thượng tướng Hoàng Cầm, bà Nguyễn Thị Định,… tác giả đã nắm bắt được thời cơ trong tích tắc của nghệ thuật nhiếp ảnh để miêu tả đặc điểm và tính cách từng con người cụ thể.
Tôi đã từng sống với nhiều vị say mê nghề ảnh nhưng thường là không tận tuỵ đến cùng với nghề như nhà văn của chúng ta. Cho dù nhiệm vụ chính nặng nề và  nghề này chỉ là tay trái nhưng đã cầm máy ắt phải đảm đương tất cả mọi khâu, chụp, tráng phim, rửa ảnh, phơi,… cho tới cả cất giữ và bảo quản. Ở chiến trường khó khăn cũng vậy và sau này thống nhất đất nước, giữ cương vị cán bộ cấp cao của Đảng và Chính phủ, hoàn cảnh thuận lợi hơn nhiều vẫn thế. Tìm đề tài chụp ảnh là bước đi đầu tiên với nghề. Ông làm việc này theo sau nhiệm vụ chính như họp hành, gặp gỡ, tiếp xúc, chỉ đạo,... về nhà chính bản thân luồn vào buồng tối. Thời kì chưa có máy móc và công nghệ hiện đại nhiều hôm đang sấy ảnh thì mất điện, lại trực tiếp hong khô ra sao, bằng cảm nhận chủ quan xem nắng chiếu ở góc độ thế nào,… Lẽ tất nhiên quan trọng nhất đối với ông là cương vị công tác đang đảm nhiệm, nhưng không phải vì thế mà sao nhẹ những đam mê bằng cách nhờ người này, người khác làm hộ khâu này, khâu khác. Cái lối chơi quan cách ấy, xin phép được tạm dùng từ này, không thích hợp với ông. Người ta lăn lộn với nghề được thì ông cũng dành một phần thời gian hiếm hoi để lăn lộn với nghề. Như vậy cái thú chơi mới thật là hoàn chỉnh!
Mê chụp ảnh ông lao vào học hỏi và tìm hiểu những kĩ thuật liên quan đến nghề. Ông thông tường tính năng của nhiều loại máy ảnh. Ông có những tập ghi chép công thức các loại hoá chất pha chế dung dịch tráng phim và rửa ảnh. Ông kể: Có lần cùng đồng đội truy kích địch vào một đồn điền cao su, ông nhìn thấy cái máy ảnh với nhãn hiệu nổi tiếng từng được nghe mới đây và biết bao mong có trong tay, cầm lên thì thấy lọc xọc, méo mó, ống kính vỡ nát,… Tiếc quá, ông gọi mấy chiến sĩ bên cạnh đến và hỏi về cái vỏ bọc thì một chiến sĩ móc trong bòng ra cái bao máy và nói: Thưa anh, đây ạ! Em thấy đẹp quá lấy để đựng bàn chải và kem đánh răng. Ông lắc đầu ngán ngẩm trong lòng tiếc ngẩn tiếc ngơ: Chỉ vì cái bao mà cậu phá tan một một máy ảnh quí giá!
Giống như văn chương, ảnh của nhà văn Trần Độ thể hiện một tâm hồn lạc quan, yêu đời, yêu thiên nhiên, một tâm hồn phong phú, đa dạng, một trái tim nhậy cảm và dễ rung động trước những cảnh khác nhau của đất trời, cỏ cây, hoa lá,… Đó còn là tâm hồn biết chắt chiu các kỉ niệm tưởng như nhỏ nhoi trước cuộc đời nhưng luôn luôn toả ra một triết lí nhân sinh cao cả. Ảnh của nhà văn Trần Độ là sự thu nhỏ cái hùng vĩ mênh mông của nước non đã về một dải và những gương mặt bình dị đi mãi cùng giang sơn gấm vóc. Dù ông luôn thanh minh rằng mình chỉ chụp ảnh để làm kỉ niệm  bản thân và bạn bè đồng đội, nhưng chúng ta, những người xem, vẫn có thể nói, nhà văn Trần Độ xứng đáng là nghệ sĩ nhiếp ảnh cùng với danh hiệu cao quí của nghề!

Chủ nhật ngày  26/12/2010
Tô Đức Chiêu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét