Thứ Năm, 5 tháng 10, 2023

Về vấn đề quy hoạch và kế hoạch công tác văn hoá – thông tin


Quy hoạch và kế hoạch công tác văn hoá – thông tin là một việc rất mới.
Làm thế nào để xây dựng được nền văn hoá mới? Đó là vấn đề mà tất cả các cấp, các ngành phải suy nghĩ.

Đặc biệt ngành văn hoá và thông tin phải đóng vai trò tham mưu đề ra quy hoạch và kế hoạch cho thiết thực để thực hiện nhiệm vụ to lớn này.
Ở đây các đồng chí đã tiến hành việc điều tra xây dựng quy hoạch về văn hoá, là đã làm việc cụ thể hoá đường lối văn hoá của Đảng ta. Từ đó vạch phương hướng để xác định kế hoạch hành động từng năm; có hướng nhìn xa, có mục tiêu lâu dài, có mục tiêu từng bước đi tới. Khi có mục tiêu bước đi cụ thể, thì củng cố niềm tin sẽ tiến tới mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.
Nhiều tỉnh đã cố gắng đề ra chỉ tiêu kế hoạch cụ thể cho ngành văn hoá và thông tin, gần như có một hệ thống các chỉ tiêu để đi vào kế hoạch. Thường có năm chỉ tiêu: rạp chiếu bóng, lượt người xem chiếu bóng, thư viện huyện và xã, nhà văn hoá và phong trào gia đình văn hoá mới.
Đó chưa phải là một hệ thống chỉ tiêu hoàn chỉnh mà chỉ là những chỉ tiêu cơ bản.
I. Quy hoạch là cụ thể hoá đường lối văn hoá của Đảng
Đường lối văn hoá của Đảng có bốn điểm quan trọng:
1. Đảng đã xác định mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội là để thoả mãn nhu cầu hàng ngày càng cao của nhân dân cả về vật chất lẫn về tinh thần, văn hoá. Nhiều đồng chí chỉ thấy nhu cầu kinh tế là cấp bách và cụ thể, chưa thấy sự cấp thiết của nhu cầu tinh thần, văn hoá.
Đảng ta vạch rõ rằng thoả mãn nhu cầu về vật chất và tinh thần là đúng với yêu cầu của sự phát triển của xã hội.
2. Đảng ta đề ra, tiến hành song song ba cuộc cách mạng, trong đó cách mạng tư tưởng và văn hoá có vai trò vừa là mục tiêu, vừa là động lực để thúc đẩy các cuộc cách mạng khác. Mỗi thành quả của ta là kết quả tổng hợp của ba cuộc cách mạng.
Làm cách mạng tư tưởng và văn hoá là phải thay đổi toàn bộ đời sống tinh thần của một xã hội về các mặt tư tưởng, quan điểm chính trị, tình cảm, đạo đức, bằng cách xoá bỏ những quan điểm tư tưởng, đạo đức, nếp sống cũ và xây dựng toàn bộ các quan điểm tư tưởng, nếp sống mới.
3. Đảng ta xác định mục tiêu chủ yếu của cách mạng tư tưởng và văn hoá là xây dựng con người mới.
Xây dựng con người mới là xây dựng con người của chế độ mới, con người mới xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, tất cả mọi người, mọi lứa tuổi đều phải được xây dựng để trở thành con người mới. Xây dựng con người mới là xây dựng con người phát triển toàn diện về thể lực, về đạo đức, tư tưởng, về cách sống, về tình cảm.
Mọi hoạt động văn hoá phải nhằm vào mục tiêu này. Và phải có các hoạt động văn hoá mới có thể thực hiện việc xây dựng con người mới một cách toàn diện được.
4. Xây dựng một nền văn học, nghệ thuật có một nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc.
II. Vấn đề quy hoạch xây dựng văn hoá đặt ra như thế nào?
Cụ thể hoá đường lối chung thành kế hoạch xây dựng toàn bộ xã hội về kinh tế và văn hoá. Muốn cụ thể hoá được đường lối cách mạng của Đảng thì đi đôi với quy hoạch kinh tế phải có quy hoạch xây dựng về văn hoá. Vấn đề đặt ra như thế nào?
Trước hết, phải có quy hoạch tổng thể. Quy hoạch tổng thể không phải chỉ là quy hoạch về kinh tế. Quy hoạch tổng thể có cả kinh tế và văn hoá. Riêng về quy hoạch văn hoá, ngành văn hoá và thông tin phải là tham mưu của cấp uỷ Đảng và Ủy ban nhân dân. Dựa vào quy hoạch tổng thể, ngành văn hoá làm quy hoạch riêng của mình. Quy hoạch văn hoá cần có mấy điểm xuất phát:
1. Ý đồ xây dựng về mặt kinh tế, ý đồ xây dựng một cơ cấu kinh tế trong địa phương như thế nào.
Dự kiến về sự phân bố dân cư. Quy hoạch văn hoá phải dựa trên sự phân bố dân cư mới có ý nghĩa.
Phải dựa trên sự phân bố dân cư để làm quy hoạch văn hoá bởi vì nơi dân cư dày đặc thì quy hoạch thế nào, nơi dân cư thưa thì quy hoạch thế nào. Nếu chúng ta chỉ làm kế hoạch xây dựng nhà văn hoá, rạp chiếu bóng dựa trên bản đồ thì chỉ là làm nhà, làm rạp để đón gió, không phục vụ cho ai cả.
Sự phân bố dân cư, thông thường theo quy luật như sau: dân cư thường tập trung ở những nơi có công nghiệp, nơi đầu mối giao thông thuận lợi.
2. Căn cứ đặc điểm lịch sử chính trị của địa phương:
Địa phương có đặc điểm lịch sử chính trị như thế nào, cần phải có bộ mặt văn hoá như thế. Không địa phương nào có đặc điểm lịch sử chính trị giống địa phương nào. Thí dụ: Vĩnh Phú có sông Lô, đền Hùng, Bạch Hạc,… Quy hoạch văn hoá phải thể hiện những chiến công lừng lẫy của quân dân ở địa phương ấy.
Mỗi huyện có đặc điểm lịch sử chính trị khác nhau, huyện Sông Lô khác với huyện Mê Linh. Muốn làm quy hoạch văn hoá phải thấu hiểu sâu sắc lịch sử địa phương mình, từ đó nhận thức được đặc điểm quan trọng nhất để chỉ đạo phân bố công trình, nội dung, tính chất các công trình.
Điều đó hướng dẫn sự sáng tác nghệ thuật của các nhà kiến trúc, tạo hình.
3. Đặc điểm thiên nhiên về mặt thẩm mỹ. Quy hoạch các công trình văn hoá cần chú ý đến thiên nhiên. Công trình đồng bằng khác với công trình miền núi và công trình miền núi khác với công trình miền biển. Những nhà làm quy hoạch văn hoá phải am hiểu quy luật tự nhiên. Như Bê-cơn nói: “Muốn làm chủ tự nhiên, phải nghe theo nó”.
4. Xuất phát từ đặc điểm, tính chất, nhiệm vụ và vị trí của huyện.
Huyện là cơ sở hoàn chỉnh về kinh tế nông – công nghiệp hoặc nông – lâm – công nghiệp hoặc nông – ngư – công nghiệp,… Xã là những bộ phận trong toàn bộ cơ cấu hoàn chỉnh của huyện.
Các đồng chí đã có xuất phát điểm quan trọng nhất là ý đồ kinh tế, ý đồ cơ cấu công nghiệp để phác hoạ quy hoạch và văn hoá, cần chú ý thêm đặc điểm lịch sử, thiên nhiên, vị trí của huyện và xã. Kinh nghiệm cho thấy là một số địa phương chưa nhận thức rõ đặc điểm lịch sử, đặc điểm thiên nhiên nên đề ra các yêu cầu và dự kiến xây dựng công trình chưa phù hợp.
III. Quan niệm về xây dựng các công trình văn hoá và nội dung hoạt động văn hoá.
Trên cơ sở quan niệm chính xác và rõ rệt nội dung hoạt động văn hoá và xây dựng công trình phù hợp, tôi đi một số nơi, nghe các đồng chí nói đến tên các công trình, nhưng chưa hiểu rõ nội dung hoạt động và mối quan hệ các danh mục công trình. Các đồng chí vạch ra việc xây dựng nhiều công trình: câu lạc bộ, thư viện, nhà bảo tàng, cụm pa-nô, nhà triển lãm, nhà văn hoá, v.v… Chúng ta nên hiểu rõ xây cái gì trước, cái gì sau. Xây công trình nào thì phải làm cho nó phát triển, phát huy tác dụng, nếu không sẽ rơi vào hình thức là xây cho có công trình mà không có hoạt động. Thí dụ: có nơi xây nhà bảo tàng rất to nhưng không biết hoạt động và phát triển như thế nào cho nên hiện vật mốc hết, phải cất vào kho, v.v… Muốn nắm được vấn đề này, cần chú ý mấy điểm nhận thức như sau:
Nhiệm vụ công tác văn hoá – thông tin có ba tính chất quan hệ chặt chẽ với nhau:
1. Giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức cho nhân dân.
2. Tạo điều kiện để nhân dân hưởng thụ về văn hoá, thoả mãn nhu cầu giải trí lành mạnh trong thời gian nhàn rỗi.
Ngoài nhiệm vụ phục vụ chính trị, là công cụ giáo dục chính trị tư tưởng, các hoạt động văn hoá còn có nhiệm vụ thoả mãn nhu cầu thẩm mỹ của nhân dân, làm cho nhân dân thưởng thức được cái đẹp. Đó chính là chúng ta thực hiện mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là thoả mãn nhu cầu tinh thần và văn hoá ngày càng cao.
3. Tổ chức những hoạt động của quần chúng để thực hiện hai nhiệm vụ nói trên.
Hàng ngày, nhân dân lao động không phải chỉ tạo ra của cải vật chất, mà còn có nhu cầu tạo ra giá trị tinh thần. Thí dụ: người thợ may may được một cái áo, cái áo là nhu cầu vật chất, nhưng người thợ luôn luôn có ý thức phải may cho đẹp, đó là nhu cầu sáng tạo giá trị tinh thần. Thêm nữa, trong thời gian nhàn rỗi, nhân dân cũng muốn tham gia các hoạt động nghệ thuật như: vẽ, nhảy múa, làm thơ, được sáng tạo giá trị tinh thần.
Công tác văn hoá vừa đem lại sản phẩm cho nhân dân hưởng thụ, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân tự hoạt động, sáng tạo. Văn hoá là công cụ của nhiệm vụ chính trị và bản thân cũng là một nhiệm vụ chính trị thoả mãn nhu cầu của nhân dân, nâng cao đời sống nhân dân. Thông qua đó mà tiến hành giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân.
Nhận thức phải chuyển vào tình cảm, khi đã chuyển vào tình cảm thì nhận thức mới thực sự sâu sắc. Muốn biến vào tình cảm phải qua các hoạt động văn hoá và đặc biệt qua hoạt động văn học, nghệ thuật.
Mỗi hoạt động văn hoá đều phải có ba mặt nói trên, không nên chỉ thấy một mặt.
IV. Các mặt hoạt động của công tác văn hoá – thông tin.
1. Câu lạc bộ: Bản thân câu lạc bộ không thể hiện cho một công trình kiến trúc mà là những hoạt động và tổ chức ngoài giờ làm việc để thoả mãn nhu cầu tinh thần cho nhân dân.
Hoạt động câu lạc bộ rất phong phú và là hoạt động tự nguyện. Có nhiều loại câu lạc bộ, thí dụ: câu lạc bộ của những người thích nghe nhạc, thích chơi cờ tướng, thích chơi tem, thể thao, v.v…
2. Nhà văn hoá là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hoá. Có hai hoạt động chủ yếu: hoạt động câu lạc bộ và các hoạt động văn học, nghệ thuật.
3. Cung văn hoá: Trình độ tổ chức và quy mô hoạt động lớn hơn nhà văn hoá. Cung văn hoá thường là những nơi tập trung hoạt động của các nhà bác học, trí thức, các nghệ sĩ nổi tiếng, hoạt động với đầy đủ cơ sở vật chất, có sân khấu cao cấp, phòng hoà nhạc đủ tiêu chuẩn để biểu diễn, …
Hiện nay, chúng ta mới có điều kiện xây dựng các nhà văn hoá.
Xây dựng công trình xã có hai cách: một là xây dựng công trình tổ hợp, hai là xây dựng nhiều công trình nhỏ riêng rẽ thành một trung tâm văn hoá.
Tổ hợp là một công trình trong đó có phòng biểu diễn có thể chiếu phim, phòng hội họp, phòng truyền thống, thư viện, nơi treo tranh ảnh, triển lãm,…
Trung tâm văn hoá là nhiều loại công trình và nhiều mặt liên hợp lại với nhau. Thí dụ: nhà biểu diễn, nhà bảo tàng, nhà thư viện, nhà triển lãm, thông tin,…
V. Bắt đầu xây dựng các công trình như thế nào?
Điều này rất linh hoạt. Có thể bắt đầu bằng bất cứ công trình nào với quan niệm hoạt động văn hoá có ba mặt như nói trên. Thí dụ: xã Thanh Lãng cho rằng việc cấp bách nhất là xây dựng thư viện. Khi thư viện đó hoạt động có tính chất toàn diện như tổ chức ở đó những buổi giới thiệu sách, tổ chức những buổi nói chuyện, buổi thu hoạch sách; phòng đọc sách trở thành câu lạc bộ liên hoan ca hát, … như vậy là rất tốt. Có một xã sử dụng tổ hợp rất hay: một phòng vừa là phòng đọc, vừa là câu lạc bộ, vừa là chỗ cưới. Bắt đầu xây dựng một nhà bảo tàng hay một hội trường rồi triển khai các hoạt động văn hoá như trên đây cũng được. Nên quan niệm các công trình và các hoạt động linh hoạt như vậy, các công trình có liên quan lẫn nhau, có ý nghĩa nhiều mặt, … thì đều có thể phát triển tốt.
Về hoạt động: đã xây dựng lên có hoạt động rồi, phải luôn luôn nuôi dưỡng sự hoạt động cho sinh động và ngày một tiến lên. Nếu chỉ thoả mãn với mức độ và hình thức hoạt động nào đó thì sau một thời gian nó sẽ lùi lại. Thí dụ: thư viện xã bây giờ có từ 1500 đến 2000 cuốn sách là tạm đủ và có thể hoạt động trong một thời gian. Nhưng một năm sau cũng chỉ có 2000 cuốn sách này, thậm chí lên 4000 cuốn sách cũng không thoả mãn nhu cầu của nhân dân trong xã. Vì vậy, phải nghĩ tới một hình thức khác để có thể sử dụng sách rộng rãi hơn nữa.
Hoạt động câu lạc bộ, văn hoá, văn nghệ phát triển ngày càng cao, ngày càng rộng thì sự nghiệp văn hoá càng phát triển. Nếu chúng ta tạo được nhiều công trình nhưng chỉ bằng lòng với mức hoạt động như hiện nay thì chỉ trong một vài năm tất cả sẽ xẹp xuống. Chúng ta lại phải quy hoạch và phát động lại, như thế không có ích mà lại có hại. Phải phát triển và chỉ có phát triển mới duy trì được nếu không sẽ thụt lùi trong việc chỉ đạo hoạt động cơ sở. Cần chú ý kinh nghiệm nói trên và đó cũng là quy luật của hoạt động văn hoá.
         
(Phát biểu ở Hội nghị quy hoạch văn hoá huyện - Tỉnh Vĩnh Phú. Báo Nhân dân số ra ngày 13-1-197926-1-1979)

          (Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét