Thứ Hai, 30 tháng 10, 2023

Những lần gặp tướng Trần Độ



Minh Diện
Tôi gặp tướng Trần Độ lần đầu tiên vào mùa khô năm 1973, tại Đại hội anh hùng  dũng sĩ Quân giải phóng miền Nam ở rừng cao su Lộc Ninh. 


Hồi ấy Bộ tư lệnh Công Binh B2 chịu trách nhiệm làm hội trường và xây dựng hầm hào, nhà  cửa cho đại biểu về dự Đại hội. Nhiều nhà văn, nhà báo cũng về lấy tài liệu viết gương chiến đấu của các Anh hùng, dũng  sĩ. Tôi lúc đó vừa làm báo Công Binh vừa là người của Phòng chính trị ra phục vụ Đại hội.


Một buổi sáng tôi đang khệ nệ vác cái loa to đùng từ Phòng chính trị ra hội trường thì gặp chiếc xe zeep đi cùng chiều. Chiếc xe dừng lại, vị thủ trưởng ngồi trên xe bảo tôi: “Chú mày lên xe đi luôn!”. Tôi lên xe, ông hỏi: “Quê chú em  ở đâu?”. Tôi nói: “Báo cáo thủ trưởng, em quê Thái Bình!”. Ông nói: “Tớ cũng dân Thái lọ!” và cười rất tự  nhiên.
Đến nơi tôi không kịp chào ông, vội lao vào công việc. Khi khai mạc  Đai hội, nghe giới thiệu tôi mới biết đó là ông Chín Vinh, tức thiếu tướng Trần Độ - phó chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, mà sau này được phong hàm trung tướng và giữ nhiều chức vụ quan trọng của đảng và nhà nước.
Hôm đó trong giờ giải lao, tướng Trần Độ nói chuyện rất thoải mái với các nhà văn, nhà  báo. Ông nói viết về anh hùng dũng sỹ phải viết trung thực, đừng phóng đại tô mầu, thổi phồng thành tích. Làm như vậy khi về đơn vị anh em người ta mắc cỡ với bạn bè đồng đội. Cũng đừng nhồi nhét những suy nghĩ chủ quan của mình vào người ta. Ông nói, tôi đã đọc nhiều bài báo, viết người lính trước khi nổ súng còn suy nghĩ miên man, thậm chí còn xác định lập trường tư tưởng? Có nhà văn miêu tả anh hùng dũng sỹ như Tề Thiên Đại Thánh. Tôi không nhớ tác giả nào viết về anh hùng Trần Dưỡng, rằng anh ấy điểm hỏa một khối bộc phá 10 kg rồi dùng sức đẩy của khối bộc phá đó bay qua mấy lớp hàng rào kẽm gai!...
Bế mạc Đại hội, ông Tám Tường - Chủ nhiệm chính trị bảo tôi: “Cậu mang cái  casette AIWA chiến  lợi phẩm mới thu được trong trận Bù Bông biếu anh Chín Vinh. Nói quà của Phòng  chính trị”. Tôi làm theo lệnh thủ trưởng Tám Tường. Tướng Trần Độ  nói: “Đây là xương máu của anh em chiến sỹ, mình không thể nhận!”. Tướng Trần Độ nói rất thật lòng, không hề khách sáo.
Hai mươi hai năm sau. Một hôm dự họp ở Ban tư tưởng Trung ương bộ phận phía Nam, ông Ba Trí - chuyên viên Ban tư tưởng nói với tôi: “Minh Diện à, anh Chín Vinh đang điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy!”. Ông Ba Trí chỉ thông báo như vậy, không nói gì thêm. Tôi gọi điện cho Tổng biên tập Dương Xuân  Nam hỏi có nên vào thăm  tướng Trần Độ - nguyên Trưởng ban tư tưởng Trung ương. Dương Xuân  Nam bảo: “Không được lấy danh nghĩa  báo Tiền Phong làm bất cứ việc gì liên quan đến nhân vật ấy!”. Tôi rủ ông Trần Quang - trưởng ban đại diện báo Tiền Phong tại thành phố Hồ Chí Minh đi cùng tôi với danh nghĩa cá nhân.
Chúng tôi lên phòng 11 lầu 10 thăm tướng Trần Độ. Trong căn phòng nhỏ có hai chiếc giường, ông nằm một chiếc, một chiếc dành cho người phục vụ. Ông mặc bộ bà ba màu xám nhạt – loại quần  áo của bệnh viện cho bệnh nhân, người ông gầy ốm, gương mặt hốc hác, mái tóc bạc gần hết. Thấy chúng tôi, ông ngồi dậy bắt tay cười hỏi: “Hai chú là ai, mình không nhớ!?”. Tôi nói: “Thưa anh Chín, em là Minh Diện quê Thái Bình, đã gặp anh trong Đại hội anh hùng năm 1973 tại Lộc Ninh!”. Tướng Trần Độ: “À, nhớ rồi, nhớ rồi, bây giờ làm ở báo nào?”.
Chúng tôi hỏi thăm tình hình bệnh tật của  tướng Trần Độ, ông nói ông bị tiểu đường từ khi còn chiến tranh, bây giờ trở nên trầm trọng, ông mới phải cắt bỏ hai ngón chân vì hoại tử. Ông nói, mong sức khỏe khá lên một chút sẽ ra Hà Nội xin gặp mấy anh trong Bộ Chính trị để trình bày bức xúc của mình về những nguy cơ làm biến chất đảng và những bất cập trong quản lý chính quyền, tệ sính thành tích, nịnh  hót, nói hay làm dở, và vô cảm trước dân…
Lúc chia tay, tướng Trần Độ nói với chúng tôi: “Là người cầm bút phải cố gi cho ngòi bút ngay thẳng, biết là khó lắm nhưng phải cố các cậu ạ!”. 
Từ ngày ấy đến khi tướng Trần Độ mất, tôi không được gặp ông thêm lần nào. Tôi nhớ mãi cử chỉ chân thành của ông khi ông từ chối nhận chiếc máy ghi âm chiến lợi phẩm mà thủ trưởng Phòng chính trị Bộ tư lệnh công binh B2 bảo tôi mang biếu ông năm 1973.

(Trích Nhớ Nhà văn Trần Độ, Nxb Văn Học, 2013)

1 nhận xét:

  1. Có lẽ lần anh Diện đến thăm cũng là lần tôi và anh Chiến vào thăm chú ở Chợ Rẫy. Con người ấy dù bệnh tật vẫn lạc quan, yêu đời. Chú kể chuyện rí rỏm, hài hước, gần gũi.
    Lần nào chú vào Nam, anh em tôi cũng được theo tháp tùng; khi thì lên thăm phòng tranh tại gia của Trần Hậu Tuấn (chú đã lưu bút: "Cảm ơn Tuấn đã giữ được những di sản văn hóa vô giá" khi xem nhà tưởng niệm họa sĩ Bùi Xuân Phái và nhiều tác phẩm của nhiều họa sĩ VN nổi tiếng); khi thì đi nghe Tôn Nữ Nguyệt Minh biểu diễn chương trình sau 10 năm quay lại; khi thì đến thăm nhà vườn của chú Lê Quý Quỳnh, chú Quỳnh còn biếu cả lọ nọc ong chúa...).

    Trả lờiXóa