I
Mùa xuân 1975 đến và qua đi để lại trong lịch sử của Việt Nam và của thế giới một mốc son chói lọi: Ở Việt Nam, một thắng lợi trọn vẹn của độc lập, tự do; ở thế giới, một thắng lợi của chính nghĩa và nhân phẩm.
Ngày tháng cứ qua đi, những ý nghĩa của thắng lợi mùa xuân 1975 cứ còn vang mãi, vang xa mãi... Những nhiệm vụ mới, tình hình mới, những vấn đề mới cứ đặt ra dồn dập, nhưng ý nghĩa của thắng lợi vẫn cứ như ánh sáng lấp lánh, chói lòa ngày càng rực rỡ hơn.
Lịch sử đã sang trang. Từ sau mùa xuân 1975, toàn bộ cuộc sống của mọi người Việt Nam đều gặp một sự đảo lộn sung sướng: bước vào một
cuộc sống hòa bình xây dựng trong độc lập, tự do, cả nước sum họp một nhà,
giang sơn liền một dải tuy vẫn phải đối phó với một kiểu chiến tranh nhiều mặt
với những thế lực phản động. Đất nước chuyển mình vào một thời kỳ lịch sử mới.
Thời gian cứ qua đi. Có những sự việc đã bị quên, nhưng có những sự việc còn nhớ mãi, càng nhắc sự việc càng lớn thêm lên. Nhớ khổ nhục, đau xót, hận thù, ta nhắc mãi những chiến công, những đóng góp, hy sinh và những yêu thương. Thời gian cứ đi, nhưng những cảm xúc, những tình cảm, những suy tư cứ lớn lên mãi, dài mãi ra và dày dặn mãi lên, phong phú mãi lên.
Những căm thù trước đây xoay quanh máu lửa tang tóc nay có thể còn được hun đúc cho sâu sắc hơn trước những nét nham nhở trên mình đất nước khắp nơi, ở những tan vỡ của những cuộc đời, ở những ân hận cháy lòng của những tuổi già và của những ngơ ngác, hoang mang của các mái đầu xanh non dại.
Những giọt nước mắt tức tưởi trước đây chỉ rơi dè dặt dưới bụi dừa nước, trong hầm bí mật, nay nó sẽ rơi trước lăng Bác và long lanh dưới ánh nắng của khoảng trời Ba Đình lồng lộng.
Thời gian cứ qua đi. Có những sự việc đã bị quên, nhưng có những sự việc còn nhớ mãi, càng nhắc sự việc càng lớn thêm lên. Nhớ khổ nhục, đau xót, hận thù, ta nhắc mãi những chiến công, những đóng góp, hy sinh và những yêu thương. Thời gian cứ đi, nhưng những cảm xúc, những tình cảm, những suy tư cứ lớn lên mãi, dài mãi ra và dày dặn mãi lên, phong phú mãi lên.
Những căm thù trước đây xoay quanh máu lửa tang tóc nay có thể còn được hun đúc cho sâu sắc hơn trước những nét nham nhở trên mình đất nước khắp nơi, ở những tan vỡ của những cuộc đời, ở những ân hận cháy lòng của những tuổi già và của những ngơ ngác, hoang mang của các mái đầu xanh non dại.
Những giọt nước mắt tức tưởi trước đây chỉ rơi dè dặt dưới bụi dừa nước, trong hầm bí mật, nay nó sẽ rơi trước lăng Bác và long lanh dưới ánh nắng của khoảng trời Ba Đình lồng lộng.
Những niềm vui sướng trước đây thường tắc nghẹn ở từng nơi hoặc
chỉ bừng nở vội vàng, thì nay có thể tràn ngập không gian đất nước – khắp cả Hà
Nội, đồng thời ngập cả Sài Gòn, dạt dào ở sông Hồng, đồng thời rộn rã khắp Cửu
Long, …
Những sum họp trước đây ngắn ngủi, bất ngờ hoặc chỉ
gián tiếp qua những tờ giấy mỏng, thì nay được hẹn trước, được thể hiện trong
những vòng tay, những bông hoa, những kỷ vật, những buổi liên hoan và những
cuộc kể lể tâm tình vô tận, nhắc đi nhắc lại nhiều lần và trong những dự kiến
tương lai.
Còn những suy tư? Chà, nghĩ giận mình có cái đầu quá
nhỏ, có cái tay còn quá chậm, quá ngắn không đủ sức để nghĩ cho hết cái cần
nghĩ và ghi cho hết những cái đã nghĩ.
Trước đây, đánh Pháp và đánh Mỹ ta phải suy tư không
biết bao nhiêu mà kể. Nhưng tất cả những cái suy tư, dù sao cũng còn có tính
chất ngắn hạn, nhằm vào một mục đích vĩ đại nhưng khá cụ thể: tập trung mọi
cách đánh cho xong giặc Mỹ, quét cho sạch ngoại xâm để nước nhà hoàn toàn và
thật sự độc lập, tự do – vẫn phải nghĩ đến những bước kế tiếp sau, thì hãy cứ
nghĩ phương hướng đó đã...
Nhưng nay, bao nhiêu việc cấp bách đã đặt ra: nào
công ăn việc làm cho hàng triệu người, nào những hậu quả đau đớn và bẩn thỉu
của bọn xâm lược để lại trong mỗi gia đình, mỗi tâm hồn con người, nào cải tạo
những nếp sống, những nếp nghĩ không còn phù hợp nữa, nào tổ chức lại mọi việc
theo quy mô cả nước, nào những nhu cầu cấp bách: sách học, cơm áo, vải mặc,
củi đốt, phân bón, giống má, nguyên liệu cho những công trình cấp bách, v.v…
Nhưng lại còn phải nghĩ các bước đi cho 10 năm, 20
năm, cho 50 năm, cho 100 năm sau, bước đi của đất nước, của nền kinh tế, của
những con người, những thế hệ. Muốn tính được bước đi đó, muốn giữ vững non
sông đất nước, lại còn phải xem lại đất nước ta hơn 4000 năm qua ra sao, hơn
100 năm qua thế nào và nhất là hơn 30 năm qua ta đã làm những gì. Những điều đó
tiếp tục trong tương lai ra sao? Hình thành trong đầu óc những lớp người hôm
nay hai mươi tuổi, mười tuổi và cả những lớp người đến nay chưa ra đời nữa, ra
sao? Tài nguyên đất nước có những gì? Trong thế giới hiện nay, đất nước ta đi
lên ra sao? Kinh nghiệm nào hay, kinh nghiệm nào dở? Những thất bại và thành
công? Phấn khởi, vui mừng, cảm động, náo nức và những lo nghĩ, suy tư, những
bực bội, những sốt ruột, vừa làm mở mang tâm trí lại vừa quặn thắt nỗi lòng.
Nhưng dù sao một suy nghĩ bao trùm vẫn là một suy
nghĩ cho riêng ta, riêng dân tộc ta, riêng giai cấp công nhân cách mạng, cho
hiện tại, cho tương lai và cho chung cả nhân dân thế giới: Đó là suy nghĩ về
“Sức mạnh Việt Nam”,
sức mạnh của cách mạng và sức mạnh phản cách mạng, sức mạnh Việt Nam và sức
mạnh đế quốc Mỹ trong thời đại này.
Chắc các bạn đã đi qua một số vùng trên khắp đất
nước, qua những vùng mới giải phóng ở miền Nam? Hoặc ít nhất bạn cũng đã được nghe kể lại, đọc báo, xem ảnh. Chà, biết bao
nhiêu cảm tưởng, bao nhiêu nhận xét, bao nhiêu suy luận, bao nhiêu thu hoạch?
Nhưng có một điều cảm tưởng rõ rệt nhất và chung
nhất là ta thấy được rõ hơn, cụ thể hơn, chi tiết hơn, sâu sắc hơn cái sức mạnh
vật chất, tiền của của đế quốc Mỹ, cái thâm độc, xảo quyệt của thực dân kiểu
mới với các loại triết lý, học thuyết chống cộng phản động của nó. Nếu ta không
phải là người đã trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu và chiến thắng vĩ đại này,
thì ắt là ta phải lóa mắt, ngoẹo đầu về những sức mạnh “không tưởng tượng được”
của nền văn minh và kỹ thuật Hoa Kỳ, sẽ rùng mình kinh sợ
trước những cái xảo quyệt, tàn bạo và rồi tự hỏi “làm thế nào để có thể sống
sót, để có thể chống nổi những cái đó?”, chứ chưa kể đến đánh bại nó. Chính
những bọn tay sai của Mỹ đã thực sự tin tưởng sức mạnh đó, cũng không giải
thích nổi tại sao chúng lại thua và không giải thích nổi cái số phận “đuôi chó”
của chúng. Rất nhiều người có lương tri sống trong những vùng địch chiếm và hoặc
ở nơi này, nơi khác của thế giới đều tỏ ra đồng tình với mục đích chiến đấu của
chúng ta, cảm phục cuộc chiến đấu của ta, nhưng cũng đã từng “không tưởng tượng
nổi” thắng lợi cuối cùng của ta. Thậm chí, có những người biết rõ Mỹ xâm lược
và theo Mỹ là tay sai, là việt gian, nhưng cũng tự nhủ rằng: Mỹ nó mạnh thế,
không thể không theo Mỹ và rồi tự an ủi bằng câu “gặp thời thế, thế thời phải
thế” với một tinh thần tiêu cực hoặc với một tiếng thở dài, xuôi tay cho “thế
sự” và “sức mạnh Hoa Kỳ”.
Thế đấy! Thế mà ngày nay cả 50 triệu người của cả
dân tộc ta đang giày xéo lên những hình bóng của thứ sức mạnh ghê gớm ấy, đang
ca hát, đang khôi phục, đang xây dựng. Nhân dân lao động đã vào cái gọi là
“dinh Độc Lập” để tận mắt xem bọn tay sai sống trên nhung lụa như thế nào? Trẻ
em nhảy nhót trên những xác xe tăng gục đổ, la hét và đùa vui. Cả dân tộc ta
vụt đứng lên y hệt như một người có phép thần và đã khuất phục được một loài
quỷ khát máu và tàn bạo mà mọi người không ai không kinh sợ. Không những thế,
ta còn đem cái thân xác thất bại của loài quỷ đó phơi bày cho cả thiên hạ xem.
Và những người trung thực bỗng thấy thêm lòng can đảm, thêm niềm tin nụ cười
hướng đến tương lai, để gạt bỏ những sự hù dọa của bọn hung nô của thời đại.
Quả thật, kẻ địch của ta đã có một sức mạnh ghê gớm.
Nhưng nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam
lại có sức mạnh lớn lao hơn, kỳ diệu hơn và đã thắng chúng một cách vẻ vang
trọn vẹn, dứt khoát rõ rệt. Chúng cũng không thể cãi bài bây mà xí xóa thất bại
của chúng được. Kể ra khó mà nói là kẻ địch yếu. Chúng có một loại sức mạnh của
chúng. Nhưng Việt Nam
lại có một loại sức mạnh của Việt Nam.
Và sức mạnh Việt Nam thắng sức mạnh
của đế quốc Mỹ. Vậy sức mạnh Việt Nam
phải cao siêu hơn, kỳ diệu hơn : đó là sức mạnh cách mạng, sức mạnh của thời
đại, sức mạnh của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, sức mạnh của lòng yêu nước nồng nàn,
của tinh thần đoàn kết sâu sắc. Sức mạnh đó biểu hiện tập trung vào sự lãnh đạo
tài tình và niềm tin sâu sắc mạnh mẽ. Sức mạnh đó được tích lũy từ thế hệ này
qua thế hệ khác.
Trong những ngày hội của non sông, trên khắp nẻo
đường đất nước, trong các phòng họp, trên các công trường, đồng ruộng…, chúng
ta đã gặp bao nhiêu gương mặt khác nhau. Có những gương mặt của niềm hân hoan
trọn vẹn: thắng lợi, sum họp, chung thủy. Có những gương mặt của niềm vui
chung và nỗi đau riêng: có những gương mặt của nỗi băn khoăn chính đáng và
không chính đáng. Có
những gương mặt của sự hối tiếc chua cay. Có những gương mặt của sự bàng hoàng,
bỡ ngỡ và bệnh hoạn, có cả những gương mặt của sự luyến tiếc lạc lõng, của sự
chán chường, uất hận, ngán ngẩm.
Những nét chung của các gương mặt là một ánh sáng của
niềm vui rạng rỡ và tự hào, là một hào quang chung của mùa xuân đất nước, ánh
sáng đó chói lọi có độ khuyếch tán ghê gớm, làm sáng cả những đôi mắt u buồn,
làm rạng rỡ cả những nụ cười còn e ấp. Trong vừng ánh sáng bao la đó, ta lại
chú ý thấy các gương mặt của nhiều thế hệ liên tục trong ngót một trăm năm qua.
Những gương mặt ấy biểu hiện nhiều giai đoạn đấu tranh khác nhau tích lũy lại;
sau mỗi gương mặt ẩn giấu bao tình cảm phong phú, bao suy tư khác nhau. Những
tình cảm và những suy tư, có điều đồng nhất và có điều không đồng nhất, nhưng
đều chứa đựng một màu sắc chung: gương mặt Việt Nam. Những gương mặt của Việt Nam quằn quại khổ cực xưa kia, những gương mặt của Việt Nam quật cường, anh dũng và kiên trì đấu tranh không mệt
mỏi, những gương mặt của Việt Nam tự hào, chiến thắng và tin tưởng. Tất cả những gương
mặt đều rực lên ngọn lửa của tương lai, đều lấp loáng hiện lên hình ảnh muôn
màu ngàn vẻ của con đường cho Việt Nam tiến bước đến hùng cường, hạnh phúc… Nhưng lại chính vì
vậy, bên cạnh ánh sáng của tự hào tin tưởng cũng còn phảng phất nhiều bóng mây
của một sự “chưa bằng lòng”. Trong cuộc đấu tranh lâu dài vừa qua, ta có những
kinh nghiệm hay và kinh nghiệm dở, trong cả những trận chiến đấu ở tuyến lửa,
cũng như trong cả việc xây dựng đời sống ở hậu phương. Nhưng cái “chưa bằng
lòng” với hiện tại và với những bước đi sắp tới mới là điều bận nhiều tâm trí,
làm vấn vương nhiều tình cảm.Ta hãy đi tìm những gương mặt của nhiều thế hệ. Đây là những gương mặt của các đồng chí của “thời dựng Đảng”, những người học trò và đồng chí đầu tiên của Bác Hồ. Hiện nay, đó là những gương mặt của các đồng chí lãnh đạo tuổi đã suýt soát bảy mươi. Những cụ già khác vào tuổi đó đều đã trải qua sống dưới nhiều chế độ áp bức và khủng bố, ngày nay được nhìn thấy độc lập, tự do, trông thấy con cháu đều thật sự “đã nên người”, có kiến thức, có việc làm, biết tự hào thì các cụ vẫn tự nhủ lòng “bây giờ nhắm mắt cũng yên tâm, vui lòng, hả dạ”. Nhưng còn các đồng chí lãnh đạo của chúng ta thì ba bốn chục năm tranh đấu đã qua, lại chỉ chứa chất thêm trong đầu bao nhiêu dự tính ngày càng phong phú, càng tha thiết cho những năm sắp tới. Những dự tính đầy ứ và nóng bỏng, mà sức lực không còn như xưa, thời gian để thực hiện những dự tính thì còn quá ngắn. Phấn khởi và tự hào về thắng lợi càng dạt dào, tin tưởng vào tương lai càng vững chắc; thì những lo âu để vạch ra những dự tính, tìm những phương pháp và những con người đủ khả năng và tin cậy để thực hiện các dự tính đó lại càng nặng trĩu, càng gay gắt và càng sôi bỏng. Những gì các đồng chí đó đã cảm thụ và nhận thức được trong gông cùm, trong máu lửa vẫn cứ như những giọt thép chảy đốt cháy tâm can. Những người kế thừa cảm thụ nhận thức ra sao đây? Những chân lý đơn giản: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”, “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa”, đạo đức “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”, “Đoàn kết là sức mạnh”, lại cũng là những chân lý vĩ đại. Nó đơn giản vì ai cũng nói được. Nhưng nó vĩ đại bởi vì muốn thực sự nhận thức được nó và toàn tâm thực hiện nó lại phải có phẩm chất, nghị lực phi thường.
Lịch sử 4000 năm của dân
tộc đã được 50 năm qua làm cho rạng rỡ như bây giờ. Nhưng không phải và không
thể cứ sống như bây giờ: hàng năm vẫn còn những ngày tháng giáp hạt thiếu ăn,
nhà ở của nhân dân còn thiếu thốn, chật chội, còn có chỗ tối tăm; bữa ăn chưa
đủ định lượng, chưa ngon, đa số trẻ em còn chưa có chỗ học đàng hoàng và chỗ
chơi tử tế, trong cuộc sống người ta còn ganh tỵ, hách dịch, việc làm còn trì
trệ, thậm chí còn có người ăn cắp, hối lộ, trốn việc, có người trù móc nhau,
lừa lọc, tranh giành, bất mãn… Nhìn rộng ra thì cả thế giới cũng đang tiến lên
những con đường phong phú và phức tạp. Chủ nghĩa xã hội trở thành một xu thế
của lịch sử, đồng thời là ước mơ, khát vọng của loài người. Nhưng con đường đi
lên chủ nghĩa xã hội lại không thể không trải qua những bước đi khác nhau:
nhanh hay chậm, thành công hay thất bại; thậm chí cả việc vừa xã hội chủ nghĩa
lại vừa không phải là xã hội chủ nghĩa, hoặc xã hội chủ nghĩa thật, cũng có xã
hội chủ nghĩa giả. Kẻ thù của chủ nghĩa xã hội ra sức xuyên tạc, bịa đặt, vu
khống, chê bai, khoét sâu khuyết, nhược điểm, lợi dụng mâu thuẫn “đâm bị thóc
chọc bị gạo”, luôn luôn tìm sơ hở để phản kích ác liệt, v.v…
Toàn bộ thế giới đang sôi sục cách mạng và toàn bộ cuộc sống của dân tộc
đang có những đòi hỏi gay gắt đều đè nặng vào những khối óc trái tim của những
con người đã bốn, năm mươi năm vốn đã chứa đựng những lo âu như vậy.
Bên cạnh những gương mặt “Thời dựng Đảng” có những
gương mặt của nhiều lớp người trong “Thời giữ nước”. Những gương mặt này vừa
phản ánh sự chia sẻ những lo âu với những suy tư thiết thực của công việc hàng
ngày dồn dập và nặng nề. Công việc dựng nước hiện nay đòi hỏi những kiến thức khoa
học và bản lĩnh cụ thể, nhưng những đồng chí có cỡ tuổi 50, 60 này thì lại chưa
kịp có điều kiện, thời gian để mà thu thập và trau dồi cho mình. Kèm theo lớp
các đồng chí này, lại có lớp người khá đông (và rất đông nữa kia) đem tuổi trẻ
cống hiến cho những ngày chống Mỹ ác liệt và gian khổ nhất. Nhưng nay trở về
với công việc lao động xây dựng, lại gặp bao nhược điểm và những sự trớ trêu. Nhược điểm chung là
nhược điểm về tổ chức, phân bổ, sắp xếp. Nhược điểm từng người là nhược điểm về
sức khỏe, về tay nghề và những sự trớ trêu nó cứ từ những nhược điểm ấy sinh ra
làm cho nhiều người day dứt, băn khoăn và có cả những người bỗng phân vân về
“số mệnh”!?
Sau cùng là những gương mặt măng tơ của hiện tại và
của tương lai đất nước. Trong những gương mặt này có những gương mặt còn chưa
vướng chút “bụi trần”, có những gương mặt đã bắt đầu hằn lên những suy tư của
thời đại, có những gương mặt thấp thoáng bóng mây của những chuyện riêng tư đầy
mâu thuẫn đau khổ, có những gương mặt còn đượm nặng những nét bàng hoàng bỡ ngỡ
của một sự đổi thay long trời lở đất, có gương mặt còn vương nặng những hối
tiếc hoặc đau buồn của quá khứ.
Tất cả những gì chứa đựng trong tâm hồn ẩn sau các
gương mặt nói trên lại cũng là những gì đòi hỏi ở các lớp người đi trước phải
suy tính, phải giải đáp. Nhưng tất cả những gì mà lớp người đi trước đã cảm thụ
và nhận thức được lại phải có cách truyền sang một cách ăn ý, ân cần cho những
lớp trẻ hiện nay. Tất cả các thế hệ, các lớp người hiện nay đã đứng trước một
mối quan hệ rất thiêng liêng, sâu sắc. Nó không phải chỉ là mối quan hệ trong
một gia đình “lớp trẻ nuôi dưỡng và đền ơn lớp già”; lớp già khuyên răn dạy dỗ
lớp trẻ - theo kiểu ngày xưa. Ngày nay, lớp già có chức năng và trách nhiệm của lớp già đối với Tổ quốc, với nhân dân và
lớp trẻ. Lớp trẻ phải tiếp thụ được những đau khổ và vẻ vang, những thất bại và
thành công của lớp trước, lại phải có chức năng tiến lên phía trước tiếp thu
những cái gì sẽ có của tương lai để làm “đội quân xung kích” thực hiện một cách
sáng tạo những phương hướng của lớp đi trước đề ra và phải tự rèn luyện mình để
dần dần kế thừa, thay thế những lớp người đi trước một cách liên tục vững chắc
và mạnh mẽ. Đó là mối quan hệ thiêng liêng và sâu sắc. Đó là mối quan hệ truyền
thống cách mạng, mối quan hệ của tình yêu dân tộc và tình yêu giai cấp, mối
quan hệ nặng tinh thần trách nhiệm trước tổ tiên, trước non sông đất nước và
trước Bác Hồ kính yêu.
Bác Hồ nói : “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác
cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Ngày nay, non nước đã được giữ vững, ta lại
phải nhớ câu Bác Hồ dặn lại trước lúc Bác đi xa: “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây
dựng hơn mười ngày nay!” và “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một
việc rất quan trọng và cần thiết”.
Lớp trẻ ta bây giờ bắt đầu phải bảo nhau: Bác Hồ và
các chú đi trước đã có công giữ nước, nay chúng ta phải cùng nhau dựng nước to
đẹp hơn mười lần xưa để Bác được vui lòng. Bác Hồ vẫn yên nghỉ nơi Quảng trường
Ba Đình theo dõi các bước đi của con cháu.
Chúng ta phải cùng nhau, nghĩa là phải là một khối
đoàn kết nhất trí góp sức mỗi người một phần, cái phần đó, mỗi người ta cố gắng
cho nó được nhiều, được to, dù rằng so với lịch sử từ trước đến nay cũng như so
với không gian của Tổ quốc chỉ là phần rất nhỏ bé. Nhưng chúng ta phải cùng
nhau!
Trong sự quan hệ cùng nhau của nhiều thế hệ này,
không khỏi không nảy sinh những mâu thuẫn. Những ưu tư, kinh nghiệm và những
mong ước sâu xa của những lớp người đi trước, thì lớp đi sau cũng khó mà hiểu
được cho hết ngay một lúc, còn những ước mơ táo bạo, những kiến thức mới mẻ,
những sức lực dồi dào và những mong muốn phong phú của lớp người đi sau, thì
lớp người đi trước cũng không thể nào hiểu hết được và cũng không thể nào hiểu
được sâu sắc.
Nhưng đã là quan hệ cùng nhau thì chỉ có quyền cùng nhau bổ sung, cùng
nhau bồi đắp cho nhau, chứ tuyệt nhiên không có sự chê bai và phủ nhận.
Ta thường nghe những dư luận:
- Đảng lãnh đạo chiến tranh giỏi, lãnh đạo kinh tế,
văn hóa không giỏi,
- Đảng lãnh đạo chính trị
giỏi chứ lãnh đạo khoa học kỹ thuật, chuyên môn không giỏi.
Phải trên một chân lý hiển nhiên là có Đảng lãnh đạo
mới có nền kinh tế và văn hóa như ngày nay. Có Đảng lãnh đạo nước ta mới có một
trình độ khoa học và kỹ thuật như ngày nay. Và trên cơ sở chân lý đó, có những
yêu cầu nâng cao sức lãnh đạo và trình độ lãnh đạo của Đảng về các mặt kinh tế,
văn hóa, khoa học kỹ thuật thì tạm coi là một ý kiến tích cực. Nhưng từ những ý
kiến đó mà đi tới một sự chê bai, châm chọc, thậm chí phủ nhận sự lãnh đạo của
Đảng thì là những ý kiến phản động mà kẻ thù của ta cũng mong muốn khêu gợi
lên.
Chia ra việc Đảng lãnh đạo mặt này, mặt khác cũng là
một khía cạnh của sự chia ra các thế hệ của lớp tuổi.
Mỗi lớp tuổi có những chức năng, những trách nhiệm
và những ưu thế, những kinh nghiệm khác nhau. Nhưng không phải tất cả mọi người
trong một lứa tuổi đều có những điểm giống nhau tất cả. Quả vậy, có những người
già quá nhanh trước tuổi, có những người tuổi thì già mà bản lĩnh, đạo đức thì
lại kém cả những người bình thường trong tuổi thanh niên. Có những thanh niên
có thể đã gánh vác những việc lớn lao già dặn, nhưng cũng có những thanh niên lại
sống một cuộc sống già cỗi quá ông già.
Vì vậy, ta cần thấy hết ưu thế chung của thanh niên,
nhưng cũng phải thấy có những thanh niên tiêu biểu cho những ưu thế đó và những
thanh niên không chịu biết đến những ưu thế của mình. Có những thanh niên xuất
sắc và những thanh niên trung bình và những thanh niên đã sớm chôn vùi tuổi
xuân. Ta cần thấy trong lớp người lớn tuổi quả đã có những người đã mòn mỏi, đã
suy nhược, đã cằn cỗi. Nhưng những gì là ưu thế chung của lớp người lớn tuổi
thì lại là những ưu thế hết sức mạnh mẽ, vững vàng và được hình thành qua đấu
tranh, qua thực tiễn đã thành ra cuộc sống hẳn hoi.
Những luận điệu cứ muốn gạt bỏ những người già (mà
thực tế không thể gạt được) là một luận điệu sai lầm. Nhưng những luận điệu cứ
cho trẻ là trẻ con, non nớt chưa làm việc được thì cũng quá cũ kỹ và trì trệ.
Trong cuộc sống luôn có lớp người trẻ, lớp người già, có lớp người đi sau, lớp
người đi trước. Và điều đó cứ làm bản thân tôi luôn luôn triền miên suy nghĩ.
Đó cũng là vì tôi thuộc loại người vừa đi trước vừa đi sau, già thì chưa già
quá mà trẻ thì không còn trẻ nữa. Đã từ lâu không có cái thú làm cha, mà cũng
đã từ lâu đã có cái thú làm ông. Các anh lớn gặp tôi thì đã nói mày còn trẻ lắm,
nhưng các thanh niên mới gặp tôi đã từ lâu không gọi là chú nữa mà kêu là thưa
bác, cả chung quanh họ hàng tôi đã có một đội ngũ cháu gọi bằng ông đông không
đếm xuể nữa. Các cháu nhỏ đã nhìn tôi bằng con mắt tò mò như muốn tìm những gì
là thần bí cổ xưa trong các câu chuyện xảy ra từ lúc chúng chưa ra đời. Nhiều
chuyện chúng nó nghe mà không hiểu. Cũng như nhiều chuyện các cháu làm bây giờ,
tôi cũng cứ băn khoăn “Không hiểu tại sao nó làm thế?”.
Đã nhiều lúc tôi biết rõ tôi có những việc làm,
những thói quen, những lời nói hoặc cả những thú vui mà con cháu có thể cười
thầm hoặc bàn tán cười vui khi vắng mặt tôi. Tôi nhìn vào người già có những
điều tôi cho là lẩn thẩn, nhưng rồi lại giật mình không biết mình đã có những
gì mà bọn trẻ cho là lẩn thẩn, là “khốt ta bít” chưa? Cũng nhiều khi tôi làm
cái việc gọi là tìm hiểu tuổi trẻ. Nhưng tìm hiểu tuổi trẻ qua tuổi già thật
khó, thậm chí tìm hiểu tuổi trẻ ngày nay qua tuổi trẻ của mình cách đây hơn 30
năm thì càng khó khăn vô cùng. Có lẽ nó cũng tương tự như người không biết âm
nhạc mà tìm hiểu cảm xúc của các nhạc sỹ khi nghe nhạc hoặc không biết hội họa
mà tìm hiểu cảm xúc trước màu sắc, hình khối của các họa sỹ vậy. Tuy nhiên tôi cũng mơ hồ
cảm thấy có những điều suy tư khác nhau giữa các lớp người. Nhưng sự khác nhau
này thì nhiều lắm! Nhưng có thể khái quát lấy vài nét chung như thế này:
- Lớp người lớn tuổi đi trước thì nhìn vào cơ đồ sự
nghiệp của nước nhà gây dựng được đến ngày nay, thấy ở đó biết bao xương máu,
bao cay đắng, bao tâm huyết của bao nhiêu lớp người… mà tâm tư suy nghĩ không biết rằng những người kế
thừa có tiếp tục phát triển được sự nghiệp như ý Bác Hồ mong muốn, xứng đáng
với những vinh dự, vẻ vang đã đạt được hay không?
- Lớp người mới lớn lên, có hoài bão có chí khí nhìn
vào những cục diện lớn thì hoặc thiếu tự tin ở kinh nghiệm tài năng của mình ;
hoặc quá tin vào kiến thức và sức bật mạnh mẽ của mình mà tâm tư lo ngại những
“ông già” ngày càng chậm chạp, bảo thủ, không đưa được đất nước bay bổng trên
những cánh ước mơ vĩ đại,
- Thường thường những người trẻ tuổi ít tự tin ở tài
năng và kinh nghiệm quán xuyến toàn diện, nhưng lại nhiều tự tin vào lĩnh vực
cụ thể mà mình được học tập, nghiên cứu và hoạt động. Và trong mỗi lĩnh vực,
những người trẻ tuổi đều có cảm giác bức bối chật hẹp chưa thỏa được lòng vùng
vẫy: chật hẹp về đời sống, chật hẹp về điều kiện làm việc, chật hẹp về sự chỉ
đạo cụ thể, vướng víu trong các mối quan hệ hiệp đồng… Vì vậy một tâm trạng
chờ mong, ao ước ở sự lãnh đạo chung, có được những bí quyết thần tình gì hoặc
có một cái gì mới mẻ hơn, gỡ được nhiều những gút mắc, vướng víu để tất cả được
thoải mái vùng vẫy bay xa.
Không thể lấy những ngày tuổi trẻ của thời kỳ cách
đây 20 – 30 năm để hiểu được những ngày tuổi trẻ hiện nay, nhưng những người
lớn tuổi lại có thể do kinh nghiệm dày dạn của mình, hiểu được những tác động
khác nhau đến tuổi trẻ mà bản thân tuổi trẻ ngày nay khó nhận ra. Tuổi trẻ ngày nay đang
lớn lên trong một hoàn cảnh lịch sử rất phong phú mà cũng rất phức tạp.
Cả thế giới đang trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa
tư bản chuyển sang chủ nghĩa xã hội, trong đó các cuộc cách mạng dân tộc và
cách mạng xã hội chủ nghĩa diễn ra liên tục, sôi nổi và rất nhiều hình vẻ, màu
sắc khác nhau. Chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa tư bản tìm mọi cách phản kích
điên cuồng. Những nước xã hội chủ nghĩa hình thành có những mối quan hệ mới, có
những quan hệ dân tộc và những quan hệ giai cấp, có những con đường phát triển khác
nhau.
Cả thế giới cũng lại đang đứng trước một cuộc cách
mạng khoa học kỹ thuật lớn lao sôi nổi chưa từng có; sự phát triển của khoa
học tự nhiên ảnh hưởng vào khoa học xã hội. Có những điều mơ hồ mới nảy sinh
trong khoa học xã hội, về học thuyết đấu tranh giai cấp và chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa tư bản tận
dụng những thành tựu của khoa học tự nhiên để tăng cường bóc lột và cũng tăng
cường những cuộc phản công thâm độc vào các trào lưu cách mạng.
Tuổi trẻ nước ta sinh ra trong một nước mà nền sản
xuất còn thấp, kinh tế còn nghèo nhưng lại được tiếp thu những kiến thức khoa
học thật rộng rãi, thật mới mẻ, được tiếp xúc hàng ngày với bao nhiêu lý thuyết
khoa học thật và giả, bao nhiêu quan hệ rối rắm mới lạ. Đời sống vật chất và
những điều kiện đời sống tinh thần trước mắt không phù hợp chút nào với những
kiến thức và những nhu cầu ngày càng cao, càng nhiều về cả vật chất lẫn tinh
thần và cả những quan hệ xã hội ngày càng nhiều nội dung tế nhị và phong phú.
Vì vậy trong các loại tâm tư có cả những tâm tư về đời sống, về điều kiện làm
việc và về quan hệ xã hội. Nhưng tất cả các loại tâm tư thì lại đều nhân danh
lý tưởng, nhân danh sự nghiệp cho nên nhiều khi những tâm tư đó cũng mâu thuẫn
đối chọi nhau, vướng mắc nhau không thoát ra được.
Ngay cả trong những lớp người lớn tuổi, tâm tư cũng
đủ loại đủ kiểu như vậy. Những yếu tố tiêu cực như nấm độc cứ len lỏi khắp nơi.
Chỉ những chỗ nào, lúc nào ánh sáng của lý tưởng, của sự nghiệp chân chính
chiếu rọi vào thì mới hạn chế được những nấm độc của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ,
của những thói tự cao tự đại và bảo thủ lạc hậu. Ánh sáng đó là mặt trời, mặt
trời chân lý, mặt trời của lý tưởng của sự nghiệp. Dù sao nó cũng cứ vằng vặc
sáng soi khắp chỗ, dù sao cũng có đội ngũ những con người chân chính gương cao,
mây mù che lấp nó chỉ là những đám mây tạm thời giao động, không bền vững, luôn
luôn bị ánh sáng chói lọi xé tan ra và những làn gió đấu tranh quét sạch đi;
mây mù tan ra rồi lại tụ lại, bị gió quét đi rồi lại bay quẩn. Nhưng nó cũng
chỉ là những đám mây và mặt trời vẫn cứ là mặt trời.
Tôi vẫn cứ bị triền miên lôi cuốn vào những suy tư
như vậy. Và mỗi năm tháng qua đi thì lại càng nhiều sự kiện xảy ra như những
luồng nước xoáy liên tiếp bổ sung vào dòng sông suy tư. Trong các suy tư ấy,
những gương mặt đáng yêu của tuổi trẻ vẫn lấp loáng hiện lên. Đằng sau những
gương mặt đáng yêu đó, tôi cũng thấy rất nhiều tia nắng mặt trời và cũng không
ít những đám mây bay vơ vẩn.
Tôi nghĩ đến cả bao nhiêu thế hệ, nhưng những điều
sâu đậm vẫn là những ngày tháng thanh xuân của các thế hệ. Bác Hồ và các đồng
chí lãnh đạo cao tuổi bắt đầu sự nghiệp vĩ đại của mình vào những ngày tháng
của tuổi thanh xuân. Tố Hữu và cả một lớp người như anh cũng thấy:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ,
Mặt trời chân lý chói qua
tim”.
từ những
năm của tuổi 20.
Và bao nhiêu là lớp tuổi 20 đã qua đi trong những năm đầu chống Pháp,
chống Mỹ. Bao nhiêu những lớp tuổi 20 đã hiến dâng cuộc sống cho Tổ quốc và
ngày nay, bao nhiêu là những năm tháng của tuổi 20 ẩn giấu trong vầng trán viền
quanh bằng tóc bạc, đằng sau những đôi mắt nhăn nheo, sâu thẳm.
Và bây giờ đây vẫn trùng trùng điệp điệp bao nhiêu
lứa tuổi 20 đang tiến bước trên con đường của sự nghiệp vĩ đại: Độc lập và xã
hội chủ nghĩa. Trong những gương mặt của tuổi 60 có cả những ánh lửa của tuổi
20 trước đây và tuổi 20 hiện nay, vẫn ửng hồng ánh nắng hạ của mặt trời chân lý
từ mấy chục năm nay hiện về. Không thể nào khác được – không thể chia cắt lịch
sử, chia cắt các thế hệ liên tục.
Sức mạnh tổng hợp Việt Nam
hiện nay phải là sức mạnh tổng hợp của nhiều thế hệ, của nhiều lớp tuổi 20 liên
tục, chồng chất, tích lũy lại. Tất cả các lớp tuổi thanh xuân đều chứa đựng bao
nhiêu điều tươi tắn, say đắm và tưng bừng. Nhưng sự nghiệp vẻ vang và vĩ đại
cũng bắt đầu từ đó. Những cống hiến long trời lở đất cũng là của sức trẻ trong lứa
tuổi 20.
Kẻ địch muốn nô dịch dân tộc ta cũng tìm trăm phương
nghìn cách để làm thui chột, hủy hoại, đầu độc những mầm mống ước mơ lành mạnh,
những mầm mống lý tưởng sống cao đẹp, những mầm mống tài năng xuất chúng của
các lứa tuổi thanh xuân.
Tất cả các lứa tuổi 20 đã qua đều đã cống hiến những
ngày tháng tươi đẹp nhất cho lý tưởng và sự nghiệp vẻ vang ngày nay. Những sự
cống hiến đó đã từng diễn ra trong hầm sâu ngục tối, trong những phòng tra tấn
quỷ khiếp, thần kinh, trên các chiến hào, trên các chặng đường đói khát, trên
các vách núi, bên các khe sâu, trong hầm bí mật, bên những bãi tha ma hoang
lạnh, ven các rừng dừa nước âm u và những bãi cát nóng bỏng trưa hè, trên biển
cả mênh mông và dòng sông khúc khuỷu. Những cống hiến đó đã diễn ra trên máy
chém, trên pháp trường và rất nhiều trên các chiến trường. Ngày nay, Tổ quốc và
chủ nghĩa xã hội đang kêu gọi những cống hiến trên các công trường, các đồng
ruộng, trong các phòng thí nghiệm, trong những điều kiện cực kỳ khó khăn, ở những
nơi cực kỳ hoang vắng và thiếu thốn.
Điều kiện đã khác nhau, mục tiêu cụ thể và nhiệm vụ
đã khác nhau, nhưng tất cả những phẩm chất yêu cầu ở tuổi trẻ vẫn không khác,
vẫn có một cái gì chung nhất. Không thể coi những phẩm chất của tuổi trẻ xưa
kia đem xếp vào bảo tàng đồ cổ vì những cống hiến ngày nay không cần đến nó.
Cũng không thể cho rằng với những điều kiện và nhiệm vụ ngày nay không thể có và
không cần có những phẩm chất anh hùng và kỳ diệu của những lớp tuổi trẻ trước
đây. Tuổi trẻ có nhiều lớp, nhưng vẫn là tuổi trẻ. Tuổi trẻ của cách mạng vẫn
là tuổi trẻ của cách mạng. Ta thử cùng nhau suy nghĩ những mặt gì chung nhất
cho tuổi trẻ các thế hệ? Những mặt đó đã đưa các lớp tuổi trẻ trước đây vào những sự tích anh
hùng và đang đưa, sẽ đưa tuổi trẻ ngày nay vươn lên cao ngang tầm lịch sử đẹp
đẽ và vẻ vang của dân tộc để tiến lên cao mãi.
Chúng ta đã bước vào một bước ngoặt vĩ đại trong sự
nghiệp cách mạng vẻ vang, bước vào một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên xây dựng nước
Việt Nam xã hội
chủ nghĩa thống nhất, hòa bình, giàu mạnh. Tuy có giai đoạn mới, có nhiệm vụ
mới nhưng cả nước ta vẫn đang liên tục đi trong một dòng lịch sử sôi sục. Chúng
ta có thế hệ “thời dựng Đảng” kế tiếp đến thế hệ “giữ nước” và bây giờ chúng ta
có thế hệ “xây dựng nước”. Ba thế hệ hòa vào với nhau thành một thế hệ lớn:
“Thế hệ chiến thắng và xây dựng nước”. Những thế hệ tiếp sau cùng đang hình
thành và sẽ còn nối tiếp mãi mãi. Chúng ta sẽ có một chuỗi các thế hệ vô cùng
tận. Nhưng điều quan trọng là chúng ta đang ở trong những thế hệ bắt đầu một kỷ
nguyên mới của Tổ quốc.
Đại hội Đảng lần thứ IV sẽ như một ngọn đèn pha cực
mạnh, cực sáng chiếu rõ những năm tháng chiến thắng vẻ vang, chiếu rõ con đường
đi tới tương lai và những hình ảnh của một tương lai đẹp đẽ. Ngọn đèn đó còn là
một tiêu điểm tập kết các thế hệ, đồng thời chỉnh đốn đội ngũ hành quân mạnh mẽ
vào chặng đường đi tới tương lai, chiếu rõ lên những dự tính và những mơ ước
hào hùng.
Hơn 30 năm qua, ta đã từng hành quân trên suốt chặng
đường lịch sử với một lòng quyết tâm và trí thông minh, tình đoàn kết, lòng
thương yêu. Với một ít vốn liếng của cải vật chất bé nhỏ, ta đã làm nên sự
nghiệp nghiêng trời lệch đất, đánh dấu một mốc quan trọng cho cả lịch sử loài
người. Vậy thì với chặng đường tương lai sắp tới, chúng ta có cả một kho tàng vốn
liếng phong phú và quyết tâm, kiến thức và kinh nghiệm, chúng ta có thể tin
tưởng một cách vững chắc vào chặng đường tương lai. Chỉ cần tất cả các thế hệ
tuổi trẻ của chúng ta biết trân trọng giữ gìn và phát huy cao độ những vốn
liếng tinh thần và vật chất ta đã có. Riêng tôi, tôi náo nức kết thúc mấy dòng
suy nghĩ này với một lòng tin tưởng cũng tươi đẹp như đã tin tưởng trong những
ngày sôi nổi cách đây hơn 30 năm. Và dòng lịch sử chắc cũng không thể nào chảy
khác đi được.(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét