Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2021

Mới và cũ, một điều kỳ diệu


Tôi muốn nói và rất cần nói về một người. Anh có tên nhưng tôi không muốn nhắc tên anh, vì anh không muốn nhiều người biết, tôi tôn trọng ý muốn ấy của anh. 

Tôi biết anh rất ít vì anh đã sống một cuộc đời bốn mươi lăm năm, mà tôi chỉ ngồi với anh chưa đến hai tiếng đồng hồ, ăn với anh một bữa cơm. Nhưng tôi lại thấy có vẻ biết anh rất nhiều, tôi cảm thấy tôi hiểu anh khá kỹ lưỡng, khá sâu sắc. Cái điều mà tôi hiểu anh, tìm thấy ở anh, đối với tôi hết sức quan trọng, tôi thấy niềm vui, tôi thấy cả hạnh phúc của tôi ở đó. Tôi thấy một niềm tự hào lớn lao về nó. Tôi được biết công trình sản phẩm của trí tuệ, tâm hồn và sức lao động của anh, trước khi gặp anh tôi tự thấy đã hiểu anh ít nhiều khi tôi gặp được công trình sản phẩm đó.
          Đó là một trại giam giữ và cải tạo phạm nhân.
         Trại này cũng có tên của nó và được nhiều người biết đến rồi. Nhưng tôi đặt cho nó một tên riêng, là Trại S. mà không nhắc đến tên thực của nó: tôi tôn trọng ý muốn của anh, vì anh là Giám đốc trại này.
        Những phạm nhân ở trại này, bằng sức lao động của mình và bằng cả những tài năng và ý thức cải tạo của mình đã tạo ra một cơ ngơi. Cơ ngơi đó vừa được coi như một nông trường chuyên trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả có thu hoạch khá lớn, nghĩa là như một cơ sở kinh tế, lại như một công viên lớn có nhiều hồ bơi, nhiều đường đi sạch sẽ đầy hoa, trái, có khách sạn, có những công trình kiến trúc vừa xinh vừa độc đáo, có những khu vực giải trí như vườn thú, quán giải khát, phòng chiếu vi-đê-ô, … có hồ nuôi cá cảnh, có hàng ngàn chim bồ câu bay, lượn. Nó là công viên, mà tôi chưa gặp ở đâu kể cả ở thành phố lớn, một công viên được tổ chức chu đáo và chăm sóc tốt đến như vậy. Do vậy, nó là một điểm du lịch, không cần quảng cáo cũng thu hút hàng nghìn người đến thăm thú và giải trí trong những ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ.
         Kiến trúc sư ở đây tự tạo cho mình một phong cách riêng vừa khiêm tốn, vừa cầu kỳ, vừa hài hoà với cảnh quan, với thiết bị sinh hoạt khá hoàn thiện.
        Tất cả mọi thứ ở đây không thể là sản phẩm của sự lao động khổ sai, đầy ải, mà là kết quả của một sự lao động, trong đó nhất định phải có lòng say mê cái đẹp, sự yêu quý và trân trọng nghệ thuật. Một cảnh quan rộng lớn vừa đẹp lộng lẫy vừa được xếp đặt ngăn nắp, hợp lý, sang trọng, gợi lên nhiều cảm xúc sảng khoái, thoải mái vui tươi, yêu đời, yêu cuộc sống, mà đó lại là sản phẩm của một cơ sở, một tổ chức có cái tên và tính chất khắc nghiệt: “Trại giam giữ và cải tạo” những phạm nhân. Sự trái ngược ấy gieo vào đầu ta vô số câu hỏi “tại sao?”.
        Tại sao một trại giam lại tạo nên một công trình đầy ý nghĩa văn hoá này? Tại sao lại làm được và làm để làm gì?
        Tất nhiên cũng có một số ý kiến nhận xét đầy tính “cao đạo” nhưng có vẻ khắt khe và không “hợp thời”. Người ta cho rằng Ban giám đốc đầy đoạ quá đáng phạm nhân, bắt phạm nhân lao động quá nhiều và nặng nề, đã bóc lột phạm nhân. Công trình có trình độ “cao cấp” là nhằm để phục vụ cho một số người hưởng lạc. Ban giám đốc muốn “chơi trội”, muốn “tâng công” với lãnh đạo, v.v… và v.v…
        Trừ những loại người muốn dùng nhiều mỹ từ cách mạng để che giấu những ác ý của mình thì những nhận xét trên có thể xuất phát từ những tâm hồn luôn luôn yêu thương và tôn trọng lao động và những con người lao động, dễ bất bình và căm ghét sự bóc lột và sự hưởng lạc, nhưng lại chưa đủ nhạy cảm để hiểu được đúng và sâu sắc như thế nào là chủ nghĩa xã hội, thế nào là “vì hạnh phúc của nhân dân, của con người”.
        Tôi không có đủ điều kiện tìm hiểu trực tiếp và kỹ càng quá trình xây dựng các công trình nói trên, nhưng tôi có thể nắm bắt được những điều mới mẻ. Khi tôi chưa gặp anh Giám đốc, một người Phó của anh đã cho tôi biết : những công trình này đã được xây dựng liên tục từ 10 năm nay. Thoạt đầu chỉ từ ý định đào một cái ao trên vùng đồi đá, đất sỏi để thả cá cải thiện đời sống cho mọi người. Với những kinh nghiệm sống và chiến đấu trong rừng, các anh phụ trách phán đoán có thể làm được việc đó. Thế là một cái ao đầu tiên được đào xong. Điều kỳ diệu ở đây là các anh không chỉ bằng lòng với một cái ao thả cá. Với những vật liệu tại chỗ có thể biến chế được, các anh đã đẽo đá thành gạch để kè chung quanh ao và cái ao bỗng trở thành cái hồ xinh đẹp. Tiếp sau đó, tự bản thân cảnh quan cái hồ đòi hỏi phải trồng cây, có cây ăn trái, có cây bóng mát và cây hoa, cây cảnh. Cái đẹp bao giờ cũng gợi thêm cái hài hoà cân đối. Hồ nước này đòi hỏi những công trình kiến trúc chung quanh. Vậy là một cái nhà thuỷ tạ bằng gỗ ra đời ở đầu hồ. Có nhà thuỷ tạ thì phải có hoạt động của nhà thuỷ tạ...  Và cái yếu tố đầu tiên dẫn đến sự quy hoạch một khu vực văn hoá như ngày nay đã hình thành.
       Tôi không được phép tiếp xúc với phạm nhân, nhưng tôi có quyền quan sát. Theo sự quan sát của tôi, phạm nhân lao động cần cù, không có sự quát tháo, không có roi vọt, không có chửi bới. Trước đây tôi đã là tù nhân của đế quốc Pháp, tôi có thể so sánh và nhận biết được phạm nhân ở đây đang lao động với sự hiểu biết cái cần thiết và mục tiêu ích lợi của công việc mình làm.
         Ít nhất họ cũng lao động với một sự giác ngộ về nghĩa vụ. Và nếu chăm chú quan sát tất cả sản phẩm, từ con đường đến gốc cây, từng bờ tường, từng cái bàn, cái ghế trong nhà hoặc ngoài trời, từng cánh cửa, từng chi tiết trang trí, chỉ cần có thiện chí một chút, ta dễ dàng nhận thấy rõ ràng có lòng yêu lao động, yêu thành quả lao động của mình, yêu cái đẹp trong lao động thắm đượm trong từng sản phẩm, từng chi tiết đó. Thú thật tôi chưa hề thấy một sự chăm chút kỹ lưỡng như vậy nơi các công trình công cộng ở các cấp tỉnh, thành và cả một số công trình ở cấp Trung ương.
         Tất nhiên phạm nhân ở đây phải lao động theo những mệnh lệnh và có mệnh lệnh là có sự cưỡng bức, nhưng rõ ràng họ lao động với một tinh thần kỷ luật khá cao. Tôi có hỏi thăm xem phạm nhân có lợi dụng sự lỏng lẻo trong khi lao động để trốn không ? Các anh chị phụ trách trả lời : “Có, nhưng số vụ càng ngày càng giảm. Vài năm gần đây, mỗi năm chỉ có năm đến bảy vụ, sáu tháng gần đây, có sáu trường hợp, thì nhờ nhân dân, nhờ gia đình phạm nhân, trại lại thu về được năm, chỉ còn một chưa tìm thấy”.
          Nguồn lợi kinh tế chủ yếu của trại là các sản phẩm cây công nghiệp: cà phê, tiêu, trái cây. Với cách tổ chức lao động tốt, nguồn lợi này là nguồn cung cấp vốn cho những ý định xây dựng khá lớn, nhưng đồng thời nó cũng là nguồn lợi đảm bảo cuộc sống khá vững chắc cho phạm nhân. Có những phạm nhân tay nghề khá, hàng tháng thu hoạch thêm (có thể gửi về cho gia đình) hai đến ba nghìn đồng. Ngày tết, ngày lễ, gia đình phạm nhân đến thăm có thể ở lại ăn tết với phạm nhân hai ba ngày, có đủ chỗ tử tế và các điều kiện, phương tiện để hưởng một cái tết gia đình đoàn tụ. Tôi hỏi các cây trái có bao giờ bị mất trộm, trái cây có bị vặt non không? Các anh phụ trách cho biết: “Không bao giờ. Và tất cả trái cây đều được tổ chức thu hoạch và phân chia công khai, tất cả phạm nhân đều được bảo đảm phần quyền lợi của mình, cho nên càng giữ gìn tốt, nguồn lợi càng lớn và phần phân phối cho mỗi người càng khá hơn”.

Tre và thuyền bên bờ sông Hồng. Ảnh: Trần Độ
 Những điều tôi được nghe anh nói là như thế này:
         - Tôi là Giám đốc một trại giam giữ và cải tạo, nhưng tôi phản đối một quan niệm, một nhận thức sai lầm. Đó là quan niệm cho rằng một trại giam chỉ cần giam và giữ, không để cho phạm nhân trốn, thế là đủ. Tôi không quan niệm thế, tôi tập trung nỗ lực của tôi vào sự cải tạo. Vì sao? Những con người phạm tội là những con người hư hỏng về nhiều mặt. Ở đây, ở cái đất mà tôi phụ trách, những người phạm tội phần lớn đều hư hỏng cả ba mặt: ma tuý, trộm cướp và truỵ lạc. Vì họ hư một mặt mà kéo ra cả ba mặt, hư mặt này kéo theo hư mặt khác. Cuộc sống của họ hư hỏng cả về thể chất và tinh thần. Nhưng họ cần sống, ta phải làm cho họ sống được. Cải tạo theo tôi quan niệm không phải chỉ là giáo huấn lý lẽ, mà là tạo ra cho họ những điều kiện để họ có thể sống lương thiện, không rơi vào những sự hư hỏng nữa. Anh thử nghĩ xem một đám người về thể chất thì gầy yếu, run rẩy, ngồi đâu muốn gục đó, về tinh thần thì rã rời, chán nản. Vậy mà anh cứ tập trung bắt người ta nghe các thứ thuyết giáo về cách mạng, về chính trị, thử hỏi vào đầu sao được, nó chỉ có thể trượt đi, thậm chí nó còn phản tác dụng khiến họ mệt mỏi thêm, chán ngán thêm. Tôi cho rằng muốn họ sống được thì phải thương thật sự, nghĩa là phải biết họ cần gì để sống, phải làm cho họ muốn sống và phải nghĩ đến cách giúp cho họ tự sống lấy. Mình không thể sống thay họ được. Họ đã lâm vào tình trạng không sống nổi và hết muốn sống rồi. Phải thương họ thật, thế thì trước hết phải nuôi thật, nghĩa là giúp họ có được những điều kiện ăn, ở khá đôi chút để họ hồi phục cả về tinh thần và thể chất. Và quan trọng hơn cả là phải dạy thật, nghĩa là phải dạy chữ, dạy nghề, cho họ có hiểu biết và có tay nghề để họ tự sống được. Chính vì vậy tôi cho là những tiêu chuẩn để xác định “đã được cải tạo” đại thể phải như sau: nếu chưa biết chữ, phải học để đạt được mức đọc thông viết thạo, làm được bốn phép tính, đại khái ngang trình độ lớp ba, lớp bốn. Đồng thời phải học được một nghề, như nề, mộc, sắt,… đến mức có thể độc lập hoàn thành được sản phẩm để kiếm sống, có đủ trình độ để tham gia một tổ chức nào đó. Do vậy, khi tổ chức công trường, tập hợp những phạm nhân có tay nghề, khi giao nhiệm vụ cho những người này, Trại yêu cầu cùng với việc hoàn thành sản phẩm, còn phải hướng dẫn cho ba bốn người học nghề có thể tham gia vào quá trình sản xuất ở những khâu đơn giản hoặc những chi tiết đơn giản nào đó. Có như thế người làm sản phẩm mới được coi là hoàn thành nhiệm vụ. Và những người học nghề được học tập một cách có thứ tự và có kế hoạch. Tất cả những quy định cụ thể đó đều xuất phát từ một quan điểm nhất quán : thương thật và dạy thật để người được cải tạo đạt được những tiêu chuẩn cải tạo thật sự.
        Anh còn cho biết thêm: do những hoạt động kinh tế có hiệu quả của Trại, các phạm nhân đều có thu nhập. Ngoài những nhu cầu bảo đảm cuộc sống trong trại, có những phạm nhân hàng tháng còn có tiền gửi về cho gia đình, có người có thể gửi được vài ba ngàn đồng. Nhiều phạm nhân hết hạn ở Trại, tha thiết xin ở lại làm công nhân cho Trại, hiện đã có hơn một trăm người như vậy. Họ đều có vốn, cơ sở nhà cửa và có thu nhập hàng tháng đủ sống sung túc.
         Anh nói thêm với tôi:
        - Tôi huy động và tận dụng sức lao động của phạm nhân, tôi tôn trọng cả trí tuệ của họ. Tôi yêu cầu họ cần tôn trọng mọi kỷ luật của Trại. Nhưng trong hoạt động kinh tế của Trại, tôi yêu cầu họ tham gia ý kiến. Tôi không ngại nghe những ý kiến đóng góp rất phong phú, tôi khuyến khích cả những ý kiến tranh cãi, dù là khác ý kiến tôi mà có hiệu quả kinh tế thực sự, tôi còn khen và thưởng nữa.
        Anh Giám đốc có vóc dáng thô nặng của người lao động, có một lý lịch đơn giản: đi bộ đội chiến đấu, làm Công an, rồi trở thành cán bộ Công an. Nhưng ở anh lại có một điều kỳ diệu hấp dẫn tôi mãnh liệt : khi anh đi bộ đội, anh chưa biết chữ, trong kháng chiến anh được học đến lớp 3 và bây giờ anh đang học bổ túc lớp 7. Hôm tôi ở chỗ anh, tôi đang say nói chuyện với anh, anh báo cho tôi biết rằng tối nay anh xin vắng mặt vì anh phải đi học, các tối trong tuần anh đều phải đi học. Anh ham học, đó là một điều thú vị. Nhưng điều thú vị hơn là anh được học hành ít như vậy mà sao anh nói lên được những ý nghĩ lẽ ra phải được nghe ở những người đọc nhiều sách, có trình độ học vấn cao, có nhiều kiến thức về xã hội và về con người. Những ý nghĩ mà anh thổ lộ với tôi đều có sự sắc sảo do nghiền ngẫm lâu ngày, là kết quả của những trăn trở tìm tòi, chính thế mà nó được diễn đạt đơn giản, chắc chắn, đầy tự tin sâu sắc. Nó được trình bày rành mạch như những chân lý đã được xác nhận, được khẳng định vững chắc. Tôi cho rằng đó là tư duy mới. Nó là kết quả của tấm lòng nhân hậu, một ý thức và một tình cảm thương con người thật sự. Nó mới vì nó đúng, nó vượt ra ngoài những khuôn sáo, những nếp nghĩ hẹp hòi cứng nhắc và quen thuộc, nó muốn vươn tới những tầm cao của cuộc sống. Những điều anh bài bác, anh gọi đó là những quan niệm và nhận thức sai lầm lạc hậu. Và anh đưa ra những ý nghĩ mới. Điều kỳ diệu khác nữa ở anh là với những ý nghĩ ấy, anh lại có nghị lực, có quyết tâm thực hiện những điều đó, những điều anh dự định. Anh có khả năng tổ chức, điều hành, làm cho nó thành hiện thực. Anh đã phải chịu đựng và chống trả những ý kiến nhận xét bất công. Anh nói với mọi người rằng : anh đau buồn vì Bác Hồ không còn nữa, anh tin chắc rằng nếu Bác Hồ còn sống, Bác Hồ sẽ khen ngợi anh và anh cũng tin chắc rằng Bác khen anh là khen thật sự. Đó là niềm an ủi của anh.
* * *
  Những điều tôi được nghe và thấy khiến tôi rất xúc động: tôi đã được gặp một tấm lòng, một quan điểm, những quan niệm đầy sức thuyết phục. Đó là một tấm lòng nhân hậu, một quan điểm nhân đạo, coi trọng con người, những quan niệm về lao động cải tạo và lao động thẩm mỹ, trình độ thẩm mỹ cao của người lao động và của sản phẩm có sức cải tạo lớn hơn, mạnh hơn, đi sâu vào ý thức con người hơn.
          Rất có thể có những người có trách nhiệm phụ trách các loại cơ sở khác nhau chưa muốn học tập, chưa chịu thừa nhận kinh nghiệm của anh vì họ đều thấy hình như anh có thuận lợi hơn họ. Anh có trong tay một lực lượng lao động lớn, anh có toàn quyền sử dụng và do đó ý định của anh được thực hiện dễ dàng. Tôi thừa nhận mỗi cơ sở có những điều kiện rất khác nhau, không thể có kinh nghiệm một cách rập khuôn được. Nhưng rõ ràng là ở đây có kinh nghiệm hay, mà ai muốn học được những kinh nghiệm này thì phải có một sức mạnh: đó là một quan niệm mới mẻ, là nghị lực và say mê, là năng lực tổ chức và điều hành, là sự dám nghĩ xa, nghĩ cao và dám hành động để đạt tới cái xa và cái cao đó. Đó chính là chỗ phân biệt cái mới và cái cũ. Tôi tin rằng cái mới như ở cơ sở S. này cũng còn có ở nhiều nơi khác. Muốn đổi mới, phải nhìn rõ được cái cũ, biết và dám chỉ ra cái cũ, phê phán, bài bác cái cũ. Đó là điều kỳ diệu rất gần gũi, rất hiện thực.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012) 

1 nhận xét:

  1. Đúng là : "Cầu phật tại tâm ". Xã hội cần những con người dám nghĩ, dám làm.

    Trả lờiXóa