Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2024

Chung quanh vấn đề xây dựng huyện: Quy hoạch tổng thể và Quy hoạch văn hoá ở huyện


Để thực hiện việc xây dựng các huyện mạnh, việc quy hoạch trở thành một vấn đề nóng hổi.


Tôi có đôi lần được tiếp xúc với một số quy hoạch của huyện. Tôi không phải là chuyên gia quy hoạch, nhưng những lần tiếp xúc với các quy hoạch đó làm nảy ra trong suy nghĩ của tôi một vài quan niệm về quy hoạch. Tôi xin nêu vấn đề để trao đổi với các bạn gần xa.
- Quy hoạch tổng thể,
- Quy hoạch văn hoá.
1. Ở một số “quy hoạch tổng thể”, tôi chỉ thấy quy hoạch tổng thể về kinh tế. Nghĩa là trong quy hoạch, nêu lên la liệt các thứ “mục tiêu quy hoạch” về các thứ “cây, con” và “ngành nghề”. Ví dụ: Mục tiêu quy hoạch bao gồm sản lượng lúa và năng suất lúa, sản lượng đay, dâu tằm, lạc, đỗ, v.v… và số đàn heo, sản lượng thịt, có nơi có muối, cá thì có sản lượng muối, cá, v.v…
Trong những quy hoạch này nói rõ lên sự liệt kê các khả năng tài nguyên nông nghiệp của một huyện, mà chưa chỉ ra được ý đồ xây dựng cơ cấu công – nông nghiệp trong huyện. Quy hoạch chưa chỉ ra mục tiêu trung tâm, mục tiêu mũi nhọn và chỉ ra từ mục tiêu ấy sẽ chỉ đạo các ngành nông nghiệp phát triển ra sao để tạo ra những ngành công nghiệp cần thiết và sự tác động qua lại giữa các ngành của nông nghiệp để tạo nên một nền nông nghiệp toàn diện. Quy hoạch cũng chưa chỉ ra được mối quan hệ, tác động qua lại giữa các ngành của nông nghiệp với các ngành công nghiệp để hình thành nên cơ cấu công – nông nghiệp hợp lý. Quy hoạch chỉ mới là một bản tính cộng của mục tiêu kinh tế.
Tổng thể không phải chỉ là một sự cộng lại. Tổng thể phải là một cái gì hoàn chỉnh. Cái hoàn chỉnh ấy chứa đựng cái kết cấu hữu cơ của các bộ phận. Đó là chưa kể cái tổng thể kinh tế - xã hội phải bao hàm cái kết cấu kinh tế - xã hội, các mục tiêu xã hội nhằm bảo đảm hạnh phúc cho từng con người mới. Xét cho cùng mọi hoạt động kinh tế, xã hội phải nhằm vào một mục đích “vì hạnh phúc của con người” - một mục đích chân chính và cao cả của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.
2. Có lẽ cũng vì quan niệm về quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội chưa rõ nên khi bàn quy hoạch, phân tích những căn cứ để quy hoạch thường chỉ nêu lên và phân tích những yếu tố địa lý, đất đai, nguồn nước, tài nguyên và lao động. Các bản quy hoạch chưa có phân tích những yếu tố có tính chất xã hội. Và khi phân tích tiềm năng lao động thì cũng chỉ mới trình bày các con số phân tích về số lượng. Lẽ ra căn cứ để quy hoạch kinh tế - xã hội cần phải chú ý đến những nhân tố xã hội, như: lịch sử truyền thống của địa phương; sự biến động về các hình thức và cơ cấu dân cư; các yếu tố kinh tế tác động đến sự phân bố dân cư và sự phân bố dân cư tác động đến các mặt xã hội. Chưa phân tích sự biến động về trình độ học vấn, về tâm lý, nguyện vọng và khả năng sáng tạo của các tầng lớp nhân dân. Tóm lại là chưa chú trọng phân tích “sức mạnh văn hoá, sức mạnh con người” như đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn có nhắc đến. Đồng chí Lê Duẩn nói:
“Sức mạnh kinh tế không thể tách rời sức mạnh văn hoá, sức mạnh con người và sức mạnh của văn hoá của con người phải được hiện thực hoá trong sức mạnh kinh tế. Tách kinh tế với văn hoá và con người là không nắm được vững các quy luật phát triển kinh tế - xã hội” (Lê Duẩn. Nắm vững quy luật cải tiến quản lý kinh tế. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984).
Ở đây chúng ta cần thấy “sức mạnh văn hoá” phải được hiện thực hoá trong “sức mạnh kinh tế” thì sức mạnh kinh tế phải bao gồm sức mạnh văn hoá và phát triển sức mạnh văn hoá. Mà sức mạnh văn hoá chính là sức mạnh của truyền thống lịch sử, của trí tuệ, tư tưởng và tình cảm trong từng con người, xây dựng và phát triển kinh tế phải có tác dụng phát triển và nâng cao sức mạnh đó trong con người và sức mạnh con người đó sẽ lại thể hiện trong sức mạnh kinh tế và chính vì vậy văn hoá vừa là mục tiêu vừa là động lực của cách mạng, vì thế mà ta phải tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng. Các bản quy hoạch đều có căn cứ ở những bản điều tra cơ bản về con người, về văn hoá và xã hội.
Theo tôi, ta cần gấp rút bổ sung mặt này cho các công việc quy hoạch.

Cổng chùa Quán Thánh. Ảnh : Trần Độ.
3. Về quy hoạch văn hoá, có những bản quy hoạch chỉ mới thể hiện sự quy hoạch các công trình văn hoá. Như vậy là rất hay, nhưng còn thiếu nhiều. Sự quy hoạch xây dựng công trình văn hoá cũng chỉ mới phác ra các mục tiêu số lượng: xây dựng bao nhiêu nhà văn hoá, bao nhiêu thư viện mà chưa xác định sự phân bố và thứ tự ưu tiên phù hợp với tình hình cụ thể. Quy hoạch phải bao gồm cả mục tiêu, sự phân bố và thứ tự việc làm, tức là bước đi để đi tới mục tiêu. Cần có quan niệm toàn diện hơn, đầy đủ hơn:
a) Trước hết, cần có sự phân tích tình hình xã hội trong địa phương, tình hình phân bố dân cư, cơ cấu dân cư, quá trình biến động dân cư, tình hình tâm lý, tín ngưỡng, nguyện vọng, sự biến động ở các tầng lớp khác nhau để làm cơ sở cho việc xác định các mục tiêu tư tưởng, văn hoá.
b) Phải xác định các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn về tư tưởng và văn hoá, có thể có mấy loại mục tiêu:
- Mục tiêu tư tưởng – làm sao cho từng bước chủ nghĩa Mác – Lê-nin thực sự thống trị, chủ đạo trong xã hội, mục tiêu này cụ thể hoá trên các mặt đối với các nhóm xã hội khác nhau,
- Mục tiêu đời sống văn hoá ở cơ sở - xác định mức độ từng bước làm cho đời sống văn hoá ngày càng phong phú và có trình độ cao,
- Mục tiêu nâng cao trình độ thưởng thức hưởng thụ văn nghệ và trình độ hoạt động sáng tạo.
Phải lấy những mục tiêu tư tưởng, văn hoá như trên để xác định các quy hoạch chung về xây dựng các loại công trình văn hoá, nhưng phải có quy hoạch cụ thể trên các mặt, có thể phác ra như sau:
- Quy hoạch về bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hoá và thắng cảnh,
- Quy hoạch xây dựng các thiết chế văn hoá (nhà văn hoá, thư viện, nhà truyền thống, đài truyền thanh, các câu lạc bộ, v.v…) và các công trình nghệ thuật (tượng đài, bích hoạ, hoành tráng, đài kỷ niệm, công viên,… kết hợp với quy hoạch và di tích) cùng các cơ sở dịch vụ, các loại cửa hàng,…
- Quy hoạch xây dựng lực lượng hoạt động văn hoá, nghệ thuật, bao gồm việc đào tạo dài ngày và kế hoạch bồi dưỡng ngắn ngày liên tục, chính sách, chế độ đối với các hạt nhân hoạt động,
- Từ đó có quy hoạch về tài chính bao gồm các nguồn thu, từ nhân dân đóng góp, từ ngân sách và từ bản thân các hoạt động có thu của ngành văn hoá, để định ra được mức chi hàng năm cho các mặt văn hoá.
Có như vậy, ta mới có thể hình dung được tương đối rõ rệt bộ mặt văn hoá của địa phương biến đổi từng năm như thế nào, mới có cơ sở đầy đủ và chắc chắn để định ra những việc cụ thể, mức chi cụ thể cho từng kế hoạch kinh tế - xã hội hàng năm, mới dự kiến được các loại diễn biến tư tưởng cụ thể và có được mức chủ động trong công tác tư tưởng – văn hoá.
Trên đây là một số ý kiến nảy ra trong khi tiếp xúc với một số tình hình thực tiễn, chưa phải là kết quả của sự nghiên cứu nhiều mặt, nhiều đơn vị và phân tích sâu sắc. Xin cứ nêu lên để có thể trao đổi thêm với các bạn gần xa.
3-1985

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét