Thứ Hai, 15 tháng 1, 2024

Kháng chiến qua những lá thư

        
         Sau khi khởi nghĩa giành chính quyền ở Đông Anh thắng lợi ngày 21/8/1945, chính quyền cách mạng được hình thành. 

 

          Ông Lê Đình Thiệp, Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời đầu tiên của huyện Đông Anh. Bà Nguyễn Thị Phúc Hằng được giao chức Phó Chủ tịch Ủy ban lâm thời huyện Đông Anh, Phó Bí thư huyện ủy, trực tiếp việc đi về các thôn làng làm công tác vận động, hướng dẫn và tổ chức thành lập các ủy ban lâm thời của địa phương. 


         Khi công tác đang tiến triển thì cuối năm 1945, Trung ương yêu cầu rút bà đưa lên huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên làm Bí thư Phụ nữ, Thường vụ huyện ủy để giúp tổ chức Đảng củng cố chính quyền, đưa công tác quần chúng phát triển,… cho đến giữa năm 1946, bà được đưa về làm Bí thư Phụ nữ Đống Đa, Thường vụ khu ủy.


         Đầu năm 1947, khi trận chiến đấu ở Liên khu I ngày càng ác liệt, bà Nguyễn Thị Phúc Hằng theo cơ quan Phụ nữ cứu quốc rút ra khỏi Hà Nội đi lên vùng Phú Thọ. Trong lá thư đề ngày 20/3/1947, bà viết cho ông Trần Độ lúc này đã lên Chiến khu Việt Bắc: “Điệp ở chỗ con đường lên Tuyên Quang, cách tỉnh Phú Thọ 10 cây số đúng, đi đến chỗ cây số 10 hỏi vào ấp cụ Ba Long thì tiện ấy sẽ bảo hộ chị Dư hay Luyến người ta đều biết cả, còn đến đây Điệp đã tìm được liên lạc với tỉnh bộ Phú Thọ rồi”.


         Sau đó ít lâu, bà theo cơ quan Phụ nữ cứu quốc về ở Chợ Chu (một thị trấn của huyện Định Hóa ở phía bắc tỉnh Thái Nguyên). Ở khu vực này có nhiều cơ quan, bộ phận của ngành quân nhu Quân đội. Lá thư đề ngày 07/4/1947, bà viết: “Điệp lại đi Đại Từ đong thóc hộ anh Châu (Đại tá Trần Dụ Châu, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu, bị tước quân tịch và bị tử hình năm 1950 về tội tham nhũng) ở quân nhu và chỗ ở thì xa,… Điệp đi với chị Mỹ (bà Trương Thị Mỹ) là nó có nhiều sự thuận tiện cho nên Điệp mới nói lý do gì mà Độ đã giữ Điệp ở vào một chỗ chu đáo rồi sao lại còn đi đâu. Mấy hôm nọ, chị Mỹ vẫn ở Phú Thọ, còn bây giờ không hiểu chị ở vào chỗ nào nhưng Điệp muốn tìm chị cũng dễ thôi”.


        Tuy khó khăn là vậy, bà vẫn nhiệt tình công tác, cố gắng vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giao. Trong lá thư có đoạn, bà viết: “Một vài ngày nữa thì Điệp cũng đi lên chợ Chu Dã, có anh Châu là quân nhu Cục trưởng cho đi và ít lâu nay thì anh Châu vẫn nhờ Điệp đong thóc hộ quân nhu”.


          Đến tháng 6/1954 bà chuyển sang làm cửa hàng trưởng cửa hàng lương thực Thanh Cù (xã Vũ Yẻn, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ). Tháng 10/1954 bà được giao chức Phó Chủ nhiệm, quyền Chủ nhiệm Công ty Bách hóa Phú Thọ, Bí thư Chi bộ Đảng.


Ảnh chụp với các đồng chí lãnh đạo Thành phố Hà Nội năm 1984


         Cho đến tháng 11/1955 bà được chuyển về Hà Nội. Người cán bộ tiếp nhận xem giấy tờ của bà, băn khoăn “Ở Hà Nội, chị không đủ khả năng làm Chủ nhiệm đâu…”. Bà không suy nghĩ nhiều, tiếp ngay lời người cán bộ tổ chức: 


        "Làm cách mạng thì việc gì cũng là đóng góp, tôi không lo ngại có hay không đủ khả năng, chỉ biết cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ” và thanh thản nhận chức Cửa hàng trưởng Cửa hàng lương thực ở phố Hàng Chiếu – một trong những cửa hàng gạo lớn nhất của thành phố lúc bấy giờ.


           (Trích Bà Nguyễn Thị Phúc Hằng, Nxb Phụ nữ, 2013)

1 nhận xét:

  1. Thật giản dị - Người cách mạng chân chính sẵn sàng làm bất cứ việc gì!

    Trả lờiXóa