Sinh ra trong Cách mạng tháng 10, trải qua Cách mạng
tháng 10, trải qua xây dựng chủ nghĩa xã hội một thời gian dài và trải qua cuộc
chiến đấu chống phát xít Đức, Nhật, khoa học quân sự Xô viết ngày càng hình thành
rõ rệt, ngày càng hoàn thiện, bây giờ nó thành một thứ khoa học quân sự ưu việt
trên thế giới.
Đây là vấn đề hết sức rộng lớn và phức tạp. Nay nhân
dịp kỷ niệm Cách mạng tháng 10, nhân được đọc một số ít tài liệu đơn giản và
khái quát nói về vấn đề khoa học quân sự xô-viết, tôi có ghi chép lại theo sự
hiểu biết và thu hoạch của tôi. Xin sắp xếp lại cho tương đối có hệ thống như
sau để các bạn đọc tham khảo và nếu có thể góp ý kiến thảo luận thì càng hay.
I- Khoa học
quân sự là gì?
Khoa học quân sự là gì? – Là những tri thức về tính
quy luật của chiến tranh trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định, về hệ thống
phương pháp chuẩn bị và tiến hành chiến tranh. Khoa học quân sự bao gồm nghệ
thuật quân sự, vấn đề tổ chức và huấn luyện bộ đội vũ trang, những vấn đề về
lực lượng kinh tế và tinh thần của 2 phía : ta và địch. Có thể nói cho rõ hơn :
khoa học quân sự xô-viết bao gồm các vấn đề thuần tuý quân sự như nghệ thuật
quân sự, tổ chức huấn luyện các bộ đội vũ trang và cả các vấn đề về lực lượng
kinh tế và tinh thần của hai phía : ta và địch.
Chú ý: Trái hẳn với khoa học quân sự xô-viết, nền
khoa học quân sự tư sản chỉ quan niệm bó hẹp trong vấn đề nghệ thuật quân sự mà
thôi.
Cũng có thể nói: khoa học quân sự xô-viết nghiên cứu
quy luật của chiến tranh, tiến hành cả một hệ thống công việc chuẩn bị và tiến
hành chiến tranh.
Tính quy luật của chiến tranh là do tính quy luật của
sự phát triển của xã hội có giai cấp sinh ra, nên bản thân khoa học quân sự là
một khoa học xã hội, bởi vì: - Chiến tranh có quy luật của nó, do quy luật của
xã hội mà sinh ra. Thí dụ: trong xã hội còn có giai cấp đối kháng thì còn có
chiến tranh. Lại thí dụ: phương pháp tiến hành chiến tranh là do trình độ kinh
tế, trình độ sản xuất của xã hội quyết định, như khi sản xuất xã hội mới đến trình
độ tên, nỏ, giáo, mác thì người ta đánh nhau bằng tên, nỏ, giáo, mác; khi máy
móc, điện khí xuất hiện thì đánh nhau bằng đại bác, máy bay, xe tăng.
Khoa học quân sự là một hình thái ý thức trong thượng
tầng kiến trúc của xã hội, nghĩa là nền kinh tế xã hội thế nào thì có nền khoa
học quân sự như thế; nó không phải là một vấn đề gì riêng biệt tách khỏi được
đời sống xã hội và cơ sở kinh tế của xã hội.
Trong lịch sử phát triển của xã hội, nội dung hay định
nghĩa về khoa học quân sự cũng thay đổi theo sự phát triển của phương thức sản
xuất, của chế độ kinh tế và chế độ chính trị, tính chất và mục đích chiến
tranh.
Ngày xưa, trong thời đại phong kiến, kinh tế còn thấp
kém nghệ thuật chiến tranh chủ yếu chỉ bó hẹp trong mưu trí, hành động của
tướng soái, cho nên mưu trí, hành động của các tướng soái quyết định chiến
tranh thắng bại.
Ngày xưa vấn đề hậu phương giản đơn hơn, không như bây
giờ vấn đề tổ chức hậu phương rất phức tạp, phải nghiên cứu tổ chức chu đáo,
quy mô rất nhiều, cho nên khi việc tiến hành chiến tranh còn đơn giản thì khoa
học quân sự cũng chưa thể hình thành.
Trên thế giới hiện nay có hai hệ thống xã hội, có 2 hệ
thống tư tưởng nên có 2 khoa học quân sự đối lập nhau.
Sự khác nhau về nguyên tắc giữa 2 thứ khoa học ấy là ở
chỗ giải đáp những vấn đề: Quy luật phát triển của xã hội, bản chất và nguyên
nhân gây ra chiến tranh, sự tồn tại và ý nghĩa của quân đội như thế nào?
Cơ sở lý luận, tư tưởng, những nguyên tắc của mỗi hệ
thống khoa học quân sự trước hết là do cách giải đáp những vấn đề căn bản ấy
quyết định. Giải đáp đúng thì khoa học quân sự sẽ đúng, sẽ thắng, giải đáp sai
sẽ thất bại.
Thí dụ: giai cấp tư sản nói rằng xã hội không phát
triển nữa, đến xã hội tư bản là cùng cực rồi, do đó chúng cho chiến tranh vẫn
còn và quân đội cũng sẽ còn mãi.
Ta thì cho rằng xã hội sẽ phát triển tới xã hội cộng
sản chủ nghĩa, tới thế giới đại đồng, không có giai cấp đối kháng nữa, không ai
xâm lược ai nữa, khi ấy chiến tranh sẽ hết và cũng sẽ không còn quân đội nữa.
Giải thích về bản chất và nguyên nhân chiến tranh, ta
cho rằng vì xung đột giai cấp nên gây ra chiến tranh, còn giai cấp đối kháng
thì còn chiến tranh, vì vậy cần phải tiêu diệt giai cấp.
Giai cấp tư sản lại giải đáp cách khác, chúng bảo: “Bản
tính loài người đều đã có sẵn bản năng tự vệ, bản năng hiếu chiến nên hay gây
ra chiến tranh, muốn trừ bỏ chiến tranh thì phải cải tạo tính hiếu chiến của
con người, như vậy sẽ hết chiến tranh, v.v…”.
Ta cần nghiên cứu rõ hơn cơ sở lý luận của khoa học
quân sự xô-viết.
II- Cơ sở lý luận của khoa học quân sự xô-viết
Cơ sở lý luận của khoa học quân sự xô-viết có thể gồm
mấy vấn đề sau đây:
A- Quy luật phát triển của xã hội và cách mạng
xã hội chủ nghĩa:
Lê-nin đã phát triển một cách sáng tạo học thuyết của
Mác và Ăng-ghen trong những điều kiện mới, tìm ra quy luật phát triển của xã
hội trong thời đại của chủ nghĩa đế quốc. Người đã chứng minh: “Chủ nghĩa tư
bản nhất định sẽ bị tiêu diệt”, và đi đến kết luận rằng: “Do quy luật phát
triển không đều của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội không thể thắng lợi đồng
thời ở tất cả các nước mà lúc ban đầu có thể thắng lợi ở một số nước hay ở một
nước cá biệt”.
Chỗ quan trọng của luận điểm này là: vì cách mạng xã
hội chủ nghĩa lúc đầu chỉ có thể thắng lợi ở một số nước hay một nước cá biệt,
nên một thời gian dài nó còn nằm giữa vòng vây của chủ nghĩa tư bản, luôn luôn
bị chủ nghĩa tư bản tìm cách tiêu diệt, tấn công nên phải đặt vấn đề bảo vệ lấy
thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa xã hội. Do
đó phải tổ chức và chuẩn bị công cuộc bảo vệ chủ nghĩa xã hội, phải xây dựng
lực lượng vũ trang, phải xây dựng khoa học quân sự mới, phù hợp với tính chất
đấu tranh vũ trang của quần chúng lao động giành tự do của mình, chống bọn đế
quốc gây chiến và xâm lược.
Lê-nin cùng những bạn chiến đấu và học trò của Người
đã xây dựng những nguyên lý, lý luận chuẩn bị và tiến hành chiến tranh bảo vệ
Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng khoa học quân sự xô-viết, Người đã dựa trên
cơ sở học thuyết của Mác về các vấn đề chiến tranh và quân đội, đề ra những
điểm lý luận về chiến tranh chính nghĩa và không chính nghĩa trong thời đại đế
quốc chủ nghĩa về những quy luật chung và những đặc điểm riêng của chiến tranh
hiện đại. Những điểm lý luận này đã và đang giúp cho khoa học quân sự xô-viết
khám phá đến cùng những quy luật khách quan quyết định thắng lợi trong chiến
tranh và hướng dẫn sử dụng những quy luật đó.
Vì vậy ta phải nghiên cứu một số điểm khái quát về
những điểm lý luận đó.
B- Học thuyết về chiến tranh của chủ nghĩa Mác
– Lê-nin:
a) Học thuyết của Mác chỉ rõ: “Chiến tranh là một
hiện tượng cố hữu của xã hội có giai cấp đối kháng, là một hiện tượng lịch sử;
khi nào xã hội loài người hết giai cấp đối kháng thì cũng hết chiến tranh”.
Nói chiến tranh đây là nói những cuộc chiến tranh có
tổ chức, có lực lượng vũ trang chuyên môn; trong thời đại cộng sản nguyên thuỷ
chỉ có những cuộc tranh giành nhỏ, không có tổ chức và người chuyên môn tiến
hành, nên chưa gọi là chiến tranh được.
Luận điểm này trái hẳn luận điểm của tư sản, chúng nói: “Không phải vì có giai cấp mà có chiến tranh”, “Chiến tranh không thể hết
được, còn loài người thì còn chiến tranh”, nghĩa là chúng cho rằng “chiến tranh
là một hiện tượng cố hữu của loài người”.
Mác và Ăng-ghen nói: “Chiến tranh cũng như các hiện
tượng xã hội khác đều có cái bắt đầu và cái kết chung của nó”. Các Người xác
định: “Chiến tranh là một hiện tượng lịch sử của xã hội sinh ra theo với sự
xuất hiện chế độ tư hữu tư liệu sản xuất và công cụ sản xuất và phân biệt làm
hai giai cấp đối kháng”.
Các Người lại nêu rõ: “Chiến tranh có quan hệ với
phương thức sản xuất, với kết cấu giai cấp trong xã hội” và đã chứng minh một
cách hết sức rõ ràng “ảnh hưởng có tính chất quyết định của phương thức sản
xuất đối với phương pháp tiến hành chiến tranh”.
b) Chiến tranh là tiếp tục chính trị bằng thủ đoạn bạo
lực:
Lê-nin và Sta-lin phát triển thêm những điểm về chiến
tranh trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản, đề ra một loạt vấn
đề cần giải quyết để bảo vệ nước xã hội chủ nghĩa.
Lê-nin vạch ra: “Đứng về bản chất mà nói: chiến
tranh là thủ đoạn bạo lực của giai cấp nào đó dùng để tiếp tục chính trị của
họ. Giai cấp thống trị dùng những thủ đoạn kinh tế, tư tưởng, ngoại giao để
thực hiện chính trị của họ. Lê-nin nói: “Chính trị thi hành một thời kỳ dài
trước chiến tranh của một nước nào đó, một giai cấp nào trong nước đó, cũng là
chính trị của giai cấp đó tiếp tục trong chiến tranh, không thể nào tránh
được”.
Ví dụ: chính trị của một nước đế quốc là chiếm lợi
nhuận, tăng lợi nhuận thì đến khi nó phát động chiến tranh, nó cũng chỉ có mục
đích ấy thôi.
Chính trị của giai cấp vô sản và nhân dân Việt Nam, trước khi nổ ra chiến tranh là giành độc lập, tự do,
hạnh phúc thì khi nổ ra chiến tranh cũng là nhằm để thực hiện mục đích ấy.
Thực dân Pháp trước sau gây chiến tranh cũng chỉ nhằm
mục đích thực dân thôi, mặc dù chúng nêu lên
luận điệu: “Phải mang quân sang An-giê-ri để giữ trật tự, v.v…”, chúng ta cũng
thừa biết tâm địa dã man của chúng.
Cho nên có thể nói rằng: chính trị là xâm lược thì
chiến tranh cũng là xâm lược, chính trị là áp bức bóc lột thì chiến tranh ấy
cũng là áp bức bóc lột.
Cần chú ý tới luận điểm của Cơ-lau-dơ-vích (Clausevitz)
một nhà quân sự tư sản nổi tiếng của Đức, Cơ-lau-dơ-vích cũng nói: “Chiến
tranh là tiếp tục chính trị”, nhưng luận điểm của Lê-nin với luận điểm của
Cơ-lau-dơ-vích khác nhau một trời một vực.
Lê-nin phân tích luận điểm của Cơ-lau-dơ-vích: “Nó
chỉ dựa vào những lời tuyên bố về chính trị, mà không dựa vào bản chất chính
trị; nó không đóng được “cái dấu giai cấp” vào bản chất chính trị của chiến
tranh, nên cái chính trị của nó là đầu đề lừa bịp, bào chữa cho mục đích thối
tha của giai cấp thống trị”.
Lê-nin lại nói : “Đi tìm bản chất chính trị của một
cuộc chiến tranh rất khó, vì khi nổ ra một cuộc chiến tranh do đế quốc thủ mưu,
chúng đều dùng những lời hoa mỹ để che phủ cái mục đích chính trị đê hèn của
chúng”.
Lê-nin kết tội Cơ-lau-dơ-vích:
“Dùng lý luận có vẻ khoa học ấy để che giấu bản chất giai cấp của các cuộc
chiến tranh do giai cấp tư sản tiến hành”.
Lê-nin nhấn mạnh: “Đứng về bản chất mà nói, chiến
tranh là một thủ đoạn của giai cấp nào đó để tiếp tục chính trị của họ, muốn
hiểu rõ bản chất đúng và nguyên nhân phát sinh của chiến tranh thì phải nghiên
cứu chính trị (đối nội và đối ngoại) trước chiến tranh của mỗi giai cấp hay
nước nào đó”.
Lê-nin dạy rằng: “Nếu chính trị đang thi hành là của
một nước đế quốc thì chiến tranh ấy là chiến tranh đế quốc, nếu chính trị đang
thi hành là dân tộc giải phóng, tức là chính trị biểu hiện lợi ích của nhân
dân, biểu hiện cuộc đấu tranh của nhân dân chống bọn thực dân, thì chiến tranh
đó là chiến tranh dân tộc giải phóng”.
“Nếu như nội dung chủ yếu của chính trị của giai cấp
vô sản thực hiện trong cuộc đấu tranh giai cấp chống giai cấp tư sản là yêu cầu
được giải phóng thoát khỏi sự nô dịch của tư sản thì cuộc cách mạng của giai
cấp vô sản và cuộc nội chiến chống giai cấp tư sản chính là tiếp tục của cái
chính trị đầy sứ mệnh giải phóng đó”.
Nguyên lý của Lê-nin và ý kiến
của Cơ-lau-dơ-vích khác nhau về bản chất.
Cơ-lau-dơ-vích tách rời kinh tế và chính trị ra với
nhau, do đó bóc mất nội dung giai cấp trong đó đi, còn chính trị cũng tức là
nhập nhằng coi chiến tranh là biểu hiện lợi ích của toàn thể xã hội.
Cơ-lau-dơ-vích giải thích chính trị như thế là để che đậy nội dung giai cấp của
cuộc chiến tranh cướp bóc của bọn vương hầu, công khanh Đức mà thôi, tả vẽ
những cuộc chiến tranh đó như những công cụ của chính trị toàn dân.
Cơ-lau-dơ-vích không phân biệt chiến tranh theo tính chất của nó, hắn không
thừa nhận cuộc chiến tranh chính nghĩa của các dân tộc bị áp bức, những cuộc chiến
tranh giải phóng dân tộc. Do đó mà nhận định về tính chất chiến tranh một cách
rất hồ đồ. Bọn tư tưởng gia của giai cấp tư sản lấy cách nói hồ đồ đó làm chỗ
dựa để phủ nhận chiến tranh chính nghĩa của nhân dân bị áp bức và hợp pháp hoá
mọi cuộc chiến tranh cướp bóc của chủ nghĩa đế quốc.
Chiến tranh không thể nào thoát khỏi chính trị, người
chỉ đạo chiến tranh phải là người chỉ đạo chính trị.
Do đó, khoa học quân sự xô-viết không phải chỉ bao gồm
những vấn đề thuần tuý quân sự, không bó hẹp trong những vấn đề chiến lược,
chiến thuật mà phải gồm cả những vấn đề chính trị, những vấn đề kinh tế, …
Vì vậy thắng lợi của chiến tranh không phải chỉ do
phương châm tiến hành chiến tranh quyết định, tức là chỉ do vũ khí hay tổ chức
chiến tranh quyết định, mà là do quy luật của một cuộc đấu tranh giai cấp; nói
cho rõ hơn thắng lợi của chiến tranh không phải chỉ do vũ khí và tổ chức chiến
tranh quyết định, mà là do những quy luật riêng của chiến tranh mà những quy
luật ấy lại do những quy luật phát triển chung của xã hội quyết định. Cho nên
nghiên cứu chiến tranh không thể tách rời khỏi sự nghiên cứu xã hội; chính vì
nắm được nguyên lý này nên khoa học quân sự xô-viết đã nắm được bản chất của
vấn đề.
c) Chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi chính
nghĩa. Lý luận về chiến tranh chính nghĩa và
phi chính nghĩa đã nêu một cách chính xác, khoa học tính chất chính trị của
chiến tranh hiện đại và chiến tranh của các thời đại trước.
Vì chiến tranh là tiếp tục của chính trị, mà chính trị
thì có nhiều thứ khác nhau, trên thế giới có hai loại chiến tranh, tìm ra 2 thứ
chiến tranh để xét các cuộc chiến tranh hiện có, sẽ có và xét lại các cuộc
chiến tranh trước đây.
Trong cuốn lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô đã phân biệt
rõ hai thứ chiến tranh:
- Chiến tranh chính nghĩa không có tính chất cướp
đoạt, hoặc gọi là chiến tranh giải phóng, mục đích của nó hoặc là để bảo vệ
nhân dân chống với mưu đồ xâm lược và nô dịch của ngoại quốc, hoặc là để giải
phóng các nước thuộc địa và phụ thuộc ra khỏi sự áp bức của chủ nghĩa đế quốc.
- Chiến tranh phi chính nghĩa có tính chất cướp đoạt,
mục đích của nó là xâm lược và nô dịch các nước khác, nô dịch nhân dân các nước
khác hoặc nhân dân trong nước.
Nguyên lý này rất quan trọng, vì nó phát triển lý luận
chủ nghĩa Mác lên một bước, làm cho ta có thể xác định được tác dụng và ý nghĩa
của mỗi một cuộc chiến tranh trong lịch sử phát triển của xã hội, xác định được
thái độ và sách lược của giai cấp công nhân và Chính Đảng Mác-xít đối với một
cuộc chiến tranh cụ thể nào đó.
Ví như chiến tranh Ai Cập, chúng ta có nhận định được
xác thực không hồ đồ. Anh – Pháp đánh Ai Cập tức là Anh – Pháp làm một cuộc
chiến tranh phi chính nghĩa, Ai Cập chống lại, tức là chiến tranh chính nghĩa,
chúng ta xác định thái độ và ủng hộ Ai Cập, phản đối Anh – Pháp, hoặc như việc
Thổ khiêu khích Xy-ri cũng vậy, chúng ta ủng hộ Xy-ri, phản đối Thổ.
Từ chỗ phân biệt tính chất giai cấp của chính trị, còn
phải phân biệt chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi chính nghĩa, để khỏi
hồ đồ. Có những cuộc chiến tranh lúc đầu là chính nghĩa, nhưng đến lúc nào đó
nó biến chất đi trở thành chiến tranh phi chính nghĩa.
Thí dụ: Na-pô-lê-ông lúc đầu được nhân dân tán thành,
coi là anh hùng cứu quốc, nhưng khi hắn đi xâm lược các nước khác, cuộc chiến
tranh mà hắn tiến hành đã trở thành phi chính nghĩa. Cho nên không mơ hồ lúc
nào cũng tôn sùng Na-pô-lê-ông là anh hùng của nước Pháp và thế giới như những
sử gia tư sản Pháp thường viết.
Nước ta ca tụng Trần Hưng Đạo lúc chống quân Nguyên là
rất đúng, nhưng khi nhà Trần đem quân xuống đánh Chiêm Thành thì không có gì
đáng kiêu hãnh và ca tụng.
Do thế, chế độ xã hội chủ nghĩa, về bản chất của nó,
không bao giờ tiến hành chiến tranh phi
chính nghĩa, vì mục đích chính trị của chế độ xã hội chủ nghĩa bao giờ cũng là
bảo vệ quyền lợi nhân dân lao động. Lúc nào bắt buộc phải chiến tranh thì đó là
nhằm mục đích tự vệ, đó là chiến tranh chính nghĩa.
Ví dụ: trước đây Liên Xô kéo quân qua các nước đánh
vào Bá-linh, đó là hành động chính nghĩa nhất, vì cuộc chiến tranh ấy nhằm giải
phóng châu Âu ra khỏi ách phát-xít. Sau đó các nước Liên Xô giải phóng đều trở
nên độc lập và hùng cường. Đó là một cuộc chiến tranh chính nghĩa to lớn nhất
trong lịch sử từ trước tới nay vậy.
Khi xảy ra vấn đề Hung-ga-ri, có người mơ hồ: không
biết nó ra thế nào, bảo Liên Xô không xâm
lược ai, không đem quân đến nước nào, sao bây giờ lại thế? – Liên Xô không hề
xâm lược Hung-ga-ri mà là do lời yêu cầu của nhân dân Hung-ga-ri tiến vào đất
Hung-ga-ri, bảo vệ nền độc lập cho Hung-ga-ri. Cho đến bây giờ thì chắc ai cũng
đã thấy rõ tính chất của sự việc đó.
Phải đi từ vấn đề chiến tranh là tiếp tục chính trị
(và đó là vấn đề bản chất của chế độ) mà phân tích vấn đề mới tìm ra cách nhận
xét đúng được.
Người cộng sản phản đối tất cả các cuộc chiến tranh
phi chính nghĩa, nhưng lại thừa nhận tính chất chính nghĩa và tính chất hợp
pháp của cuộc chiến tranh của các giai cấp bị áp bức chống lại bọn đi áp bức
họ.
Lê-nin có nói: “Những người xã hội chủ nghĩa vĩnh
viễn đứng về phía những người bị áp bức, cho nên họ không thể phản đối những
cuộc đấu tranh có mục đích dân chủ và xã hội chủ nghĩa chống bọn đi áp bức”
(trong Lê-nin toàn tập).
Người cộng sản rất yêu hoà bình, nhưng yêu hoà bình
khác cái gọi là “hoà bình chủ nghĩa”, khác với cái mà giai cấp tư sản thường
đưa ra để xoá nhoà các thứ chiến tranh có tính chất khác nhau để che đậy dã tâm
nô dịch nhân dân lao động.
Giai cấp tư sản nêu lên những luận điệu xuyên tạc hoặc
hồ đồ là: đã là chiến tranh thì chiến tranh nào cũng phải chống, đã là hoà
bình thì thế nào cũng là hoà bình. Nó mang quân đến đánh người ta, người ta
chống lại, chúng nó bảo là ta không “hoà bình”. Luận điệu của nó: chiến tranh
xảy ra là vì cả hai bên, bên này đánh nhưng bên kia cũng kháng cự lại, nếu
không thì không xảy ra chiến tranh được.
Ta hiểu ý nghĩa của hoà bình, có thái độ phân biệt với
mọi thứ hoà bình, như thằng Diệm bảo: cũng thống nhất bằng phương pháp “hoà
bình”, nhưng phương pháp của nó là miền Bắc chịu đi, tổng tuyển cử dưới sự kiểm
soát của Liên Hiệp Quốc tức là Mỹ thì không thể nghe được.
Hiểu được những điểm trên, chúng ta sẽ có cơ sở phân
tích được cuộc chiến tranh nào được nhân dân ủng hộ, lực lượng của từng bên một
như thế nào, do đó thấy rõ lực lượng của chiến tranh chính nghĩa, thấy rõ lực
lượng và yếu tố quyết định thắng bại trong cuộc chiến tranh, do đó vạch ra
phương hướng chuẩn bị và tiến hành một cuộc chiến tranh chính nghĩa theo phương
pháp nào, dựa vào lực lượng gì?
d) Những lý luận sai lầm và phản động của bọn tư sản
về chiến tranh: Giai cấp tư sản phải che giấu mục đích thật của chiến tranh đế
quốc nên chúng đưa ra những luận thuyết vớ vẩn để lừa bịp mọi người.
Chúng cho rằng: con người sinh ra đã có bản chất hư
hỏng, không có đạo đức, nên phải có chiến tranh để khai hoá cho người có luân
lý, đạo đức, nếu một thời gian lâu không có chiến tranh thì loài người sẽ hỏng,
lúc đó lại phải có chiến tranh mới nâng cao đạo đức lên được. Đó là thuyết
“chiến tranh luân lý học”.
Chúng cho rằng: loài người là một sinh vật, từ lúc
sinh ra đã sẵn có tính hiếu chiến, sở dĩ có chiến tranh là vì loài người có
tính chất hiếu chiến, người ở với nhau cũng như loài lang sói, nên chiến tranh
là một quy luật tự nhiên, muốn trừ chiến tranh thì phải tìm cách trừ tiệt tính
hiếu chiến, đó là thuyết “chiến tranh sinh vật học”.
Chúng còn cho rằng: chiến tranh là một hiện tượng
vĩnh viễn. Chúng xuyên tạc thuyết cạnh tranh sinh tồn của Đác-uyn về sinh vật
học ; theo chúng đứa nào sống được là do nó khoẻ, cạnh tranh để mà sống, đứa
nào yếu thì chết, đánh được đứa khác để sống thế là khôn, “khôn sống, mống
chết”, còn loài người còn cạnh tranh và còn chiến tranh mãi mãi.
Chúng cũng đẻ ra thuyết dân tộc ưu đẳng và dân tộc hèn
kém. Chúng nói rằng: trời phú cho dân tộc ưu đẳng phải đi khai hoá các dân tộc
hèn kém, chỉ có dân tộc ưu đẳng mới có quyền làm bá chủ thế giới. Trước đây bọn
phát-xít Hít-le tuyên truyền cho giống Nhật-nhĩ-man (Germany), ngày nay bọn Mỹ đang tuyên truyền cho giống
Anglo-Xaxon.
Chúng lại đưa ra thuyết: thế giới chủ nghĩa rất phản
động. Chúng nói rằng thời đại này không nên giữ ranh giới quốc gia làm gì, đó
là nguyên nhân tranh chấp nhau gây ra chiến tranh xâm lược chỉ bằng xoá toẹt
ranh giới đi, để Mỹ đứng đầu hết, không phải giữ chủ quyền quốc gia làm quái gì
nữa, tức khắc hết chiến tranh.
Thuyết Man-tuýt về nhân khẩu thừa cũng là một thuyết
được thịnh hành. Chúng nói: nhân loại sinh đẻ mãi thì sống ở đâu, sống bằng
gì, đất chỉ có như thế, thức ăn vật dụng chỉ có thế, nên cần phải có chiến
tranh để giải quyết bớt đi, mới sống yên ổn được (theo chúng nói: người đáng
chết là những người nghèo khổ). Chúng đã có giải thích: sở dĩ phải đem quân đi
đánh nước khác vì nước đó nhiều người, đất lại nghèo, phải đánh nhau để tìm đất
sống (thuyết của bọn quân phiệt Nhật Bản).
Tóm lại là chúng quan niệm chiến tranh như sau: nói
chiến tranh dính đến kinh tế, chính trị là sai hết, chiến tranh chẳng qua chỉ
là một hiện tượng sinh vật, một hiện tượng luân lý mà thôi, nên khoa học quân
sự không cần biết đến chế độ kinh tế, chính trị, nó chỉ cần tìm nguyên nhân các
cuộc chiến tranh trong tính hiếu chiến của một số tướng soái, trong vấn đề địa
hình, khí hậu của nước nào đó.
C- Học thuyết về quân đội của chủ nghĩa Mác –
Lê-nin
Quân đội là công cụ chủ yếu của Nhà nước, cùng ra đời
với Nhà nước và Quân đội có tính chất giai cấp.
Quân đội phải có tính chất giai cấp, phải phù hợp với tính
chất Nhà nước, Nhà nước thi hành chính trị của giai cấp nào, Quân đội phải thi
hành chính trị của giai cấp ấy (một giai cấp hay một liên minh giai cấp).
Giai cấp tư sản nói Nhà nuớc và Quân đội là của “toàn
dân”, làm nhiệm vụ chính trị của “toàn dân”. Chỉ là láo toét, là lừa bịp. Sự
thực trong chế độ tư sản, Nhà nước là của tư sản, Quân đội là quân đội của tư sản.
Trái lại trong chế độ ta, Nhà nước là của giai cấp vô sản và nhân dân lao động,
nên Quân đội cũng là của giai cấp vô sản và nhân dân lao động.
Đồng chí Sta-lin nói: “Những quân đội tồn tại dưới
chế độ tư bản cho đến nay vô luận thành phần
thế nào đều là quân đội để xác lập chính quyền tư bản cả. Trước kia nó đã là và
bây giờ nó cũng vẫn là quân đội của giai cấp tư sản”.
Lê-nin nói: “Quân đội là công cụ ngoan cố nhất để bảo
vệ chế độ cũ, là trụ cột vững chắc nhất của giai cấp tư sản để giữ vững kỷ luật
cho giai cấp tư bản, ủng hộ sự thống trị của giai cấp tư sản ràng buộc và giáo
dục nhân dân lao động chịu làm nô lệ các nhà tư sản”.
Giai cấp tư sản lập nên Quân đội,
chúng lấy người ở đâu? Sĩ quan thì chúng lấy trong giai cấp tư sản, địa chủ,
binh sĩ thì lấy trong quần chúng lao động.
Tại sao giai cấp tư sản có thể lợi dụng được Quân đội
do đại đa số là nhân dân lao động họp thành? Chúng dùng các thủ đoạn để đầu độc tư tưởng binh sĩ, những tư tưởng chủng tộc
hẹp hòi sô-vanh, những thứ tư tưởng thù hằn nhân loại. Đi đôi với dùng tiền
tài, khoái lạc mua chuộc, lưu manh hoá, truỵ lạc hoá binh sĩ, chúng còn dùng
những hình thức cưỡng bức, làm cho người binh sĩ biến thành những con vật dễ
sai khiến, phục tùng một cách mù quáng.
Do vậy, nên trong lòng Quân đội tư sản nảy sinh ra một
mâu thuẫn giai cấp, phản ánh mâu thuẫn của xã hội, đồng thời nó cũng hình thành
ngay giữa nội bộ Quân đội tư sản:
- Chỉ huy là giai cấp tư sản, chỉ huy bằng những thủ
đoạn của giai cấp tư sản,
- Binh lính là những người bị áp bức, vào quân đội
cũng vẫn tiếp tục bị áp bức để bảo vệ quyền lợi cho bọn đi áp bức mình và giai
cấp mình.
Nhận rõ điều này để chúng ta không được đánh giá thấp
những thủ đoạn lừa bịp của giai cấp tư sản, nhưng cũng không đánh giá thấp mâu
thuẫn trong nội bộ chúng, đồng thời cũng nghiên cứu vấn đề tổ chức xây dựng
quân đội ta theo phương hướng tư tưởng và nguyên tắc của ta, ngoài ra khi đánh
nhau với quân đội tư sản, chúng ta cần biết tìm cách khoét sâu mâu thuẫn nội bộ
của chúng.
Quân đội ta là quân đội của nhân dân, vì nhân dân.
Hồng quân cũng như quân đội của các nước xã hội chủ
nghĩa, đều có ba đặc điểm. Ba đặc điểm ấy phân biệt Hồng quân căn bản khác tất
cả những quân đội tư sản. Ba đặc điểm ấy tạo nên một nguồn sức mạnh và uy thế
cho Hồng quân.
1- Quân đội là quân đội của công
nhân và nông dân được giải phóng, nó là quân đội của Cách mạng tháng 10, đội
quân của nền chuyên chính vô sản.
Chỉ có chúng ta công khai tuyên bố tính chất giai cấp
của quân đội, bởi vì nó chỉ rõ rằng quân đội ấy là của ai, bảo vệ quyền lợi cho
giai cấp nào và chống lại giai cấp nào, còn bọn tư sản không bao giờ dám nói
tính chất giai cấp của quân đội nó.
2- Là quân đội của tình quan hệ hữu hảo giữa các dân
tộc, bảo vệ tự do độc lập cho các dân tộc.
3- Là quân đội được xây dựng và củng cố trên tinh thần
chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Ba đặc điểm ấy chỉ rõ bản chất, mục đích dứt khoát rõ
ràng của quân đội, bản chất mục đích ấy không mâu thuẫn với thành phần quân
đội, nên nó không có mâu thuẫn nội bộ, đó là điều căn bản khác quân đội tư bản.
Quân đội là công cụ chủ yếu để tiến hành chiến tranh.
Trong khi tiến hành chiến tranh, có quan hệ rất nhiều
mặt: kinh tế, chính trị, v.v… nhưng quân đội vẫn là công cụ chủ yếu, nếu không
có quân đội thì không thể thắng được.
Đặt quan hệ cho đúng giữa các vấn đề kinh tế, chính
trị, quân đội trong chiến tranh cho đúng để tích cực xây dựng quân đội. Xây
dựng quân đội phải trên cơ sở một nền chính trị, kinh tế vững mạnh, không phải
chỉ xây dựng kinh tế, chính trị là thắng lợi mà phải xây dựng quân đội mạnh mẽ
nhịp nhàng với trình độ phát triển kinh tế, chính trị của nhà nước, không để
nảy mâu thuẫn, không ăn khớp với nhau. Ví dụ : chế độ kinh tế đang đi vào hướng
xã hội chủ nghĩa mà quân đội nảy sinh nhiều tư tưởng cá nhân tư hữu, như thế là
có mâu thuẫn, ta phải giải quyết mâu thuẫn ấy bằng cách nâng cao giác ngộ xã
hội chủ nghĩa cho quân đội.
Quân đội tư sản xây dựng theo cách khác. Trong việc xây
dựng quân đội giai cấp tư sản cũng lồng quan
điểm mua bán, tính toán rẻ đắt. Mỹ đưa ra thuyết “thanh gươm, cái mộc” nghĩa là
không quân, hải quân, nguyên tử thì của Mỹ, còn lục quân là của các nước khác,
chúng ra sức phục hồi quân đội Đức, Nhật và xây dựng các nguỵ quân. Vì vậy nên
quân đội các nước với quân đội Mỹ có một mối mâu thuẫn gay gắt, trong chiến
tranh Triều Tiên đã có những việc như quân đội các nước ném lựu đạn vào trại
pháo binh của Mỹ làm 50 tên chết, Mỹ phải ra một đạo luật xử tử lính nào
đánh trộm sĩ quan, v.v…
Giai cấp tư sản biết rõ quân đội là công cụ chủ yếu để
tiến hành chiến tranh, nhưng chúng lại không làm sao giải quyết được đúng sự
quan hệ giữa quân sự và các mặt kinh tế, chính trị, không sao khắc phục được
những mâu thuẫn nội bộ quân đội, cho nên chúng không thể giải quyết đúng được
các vấn đề về khoa học quân sự.
III- Những
nguyên lý của khoa học quân sự xô-viết
Do giải đáp đúng đắn các vấn đề có tính chất nguyên
tắc trên kia nên khoa học quân sự xô-viết xác định chiến tranh có những quy
luật khách quan quyết định sự thắng bại và có thể tìm thấy những quy luật khách
quan đó, vận dụng được những quy luật khách quan đó một cách đúng đắn thì nhất
định thắng lợi.
Các nhà quân sự trước đây đã tìm được nhiều quy luật
nhỏ, quy luật từng mặt của chiến tranh như Tôn Tử nói: “Biết mình biết người
trăm trận đánh trăm trận thắng” hoặc họ đã tìm được những quy luật chiến thuật
như: vấn đề địa hình, mỗi thứ địa hình có một cách đánh khác, v.v…
Khoa học quân sự xô-viết tìm ra được những quy luật
chung hơn, cơ bản hơn, quyết định được thắng lợi chung của chiến tranh. Khoa
học quân sự xô-viết làm được việc đó vì nó đã giải đáp được đúng những vấn đề
trên, đánh giá chính xác những mối quan hệ có liên quan đến sự thắng bại của
cuộc chiến tranh. Có thể kể ra mấy điểm lớn sau đây:
1- Vai trò của quần chúng nhân dân và yếu tố tinh thần
trong các cuộc chiến tranh hiện đại.
Lê-nin nói: “Thời kỳ mà chiến tranh do những người
đánh thuê hoặc những người đại biểu cho giai cấp gần gụi nửa vời với nhân dân
tiến hành đã qua rồi không thể trở lại nữa. Hiện nay tất cả các cuộc chiến
tranh đều là do nhân dân tiến hành”.
Các cuộc chiến tranh ngày nay (có tính chất chính
nghĩa hoặc phi chính nghĩa), vì vũ khí ngày càng hiện đại, quy mô chiến tranh
ngày càng lớn đều lôi cuốn nhân dân vào chiến tranh càng nhiều, nên vai trò của
nhân dân càng quan trọng.
Nhìn vào cuộc kháng chiến của ta vừa qua, tuy về quy
mô chiến tranh là một cuộc chiến tranh nhỏ, nhưng xét về mặt huy động nhân dân
tham gia đã thấy rõ tính chất của cuộc chiến tranh ngày nay. Ta lại càng thấy
rõ vai trò quyết định thắng lợi của quần chúng nhân dân và yếu tố tinh thần.
Đánh nhau không phải chỉ là sự thử thách giữa hai quân
đội, mà còn là sự thử thách về tinh thần và sức mạnh của nhân dân đôi bên, cho
nên Lê-nin nói: “Việc quần chúng hiểu mục đích và nguyên nhân của cuộc chiến
tranh có một ý nghĩa rất lớn và bảo đảm thắng lợi”.
2- Nguyên lý về vai trò quần chúng và yếu tố tinh thần
phụ thuộc vào nguyên lý sau đây:
Kết cấu kinh tế, chính trị của xã hội, trình độ phát
triển sức sản xuất, bản chất chiến tranh và tính chất, mục đích chính trị của
chiến tranh quyết định phương pháp tiến hành chiến tranh và những hành động
quân sự.
Lê-nin nói: “Trong chiến tranh hiện đại, tổ chức kinh
tế có một ý nghĩa quyết định”.
“Muốn tiến hành chiến tranh thực tốt, thì cần phải có
một hậu phương có tổ chức vững chắc, một quân đội giỏi nhất, những người trung
thành nhất sẽ bị địch tiêu diệt ngay nếu họ không được cung cấp lương thực, vũ
khí và huấn luyện tới một mức nhất định”.
Nền kinh tế của đất nước trở thành một trong những yếu
tố cơ bản quyết định quá trình và kết quả của chiến tranh, nhưng không phải chỉ
có số lượng của nền kinh tế mà đủ đánh giá khả năng kinh tế của một nước, mà
còn do tính chất của tổ chức kinh tế của xã hội (do chế độ kinh tế và chính
trị) và sự bố trí sức sản xuất về địa lý.
Không phải giai cấp tư sản hoàn toàn không biết điều
đó, chính nó cũng biết, cho nên hiện giờ nó cũng tích cực chuẩn bị kinh tế,
chính trị để chuẩn bị chiến tranh, nhưng dù thế nào, mâu thuẫn nội bộ cũng vẫn
cứ còn và phát triển, dù một lúc nào đó nó còn lừa bịp được nhân dân, nhưng
chiến tranh càng kéo dài, mâu thuẫn nội bộ càng phát triển càng đục khoét lực
lượng của chúng.
Những ảnh hưởng quyết định của kinh tế luôn luôn biến
đổi trong quá trình chiến tranh, nếu chiến tranh kéo dài, mâu thuẫn trong chế
độ kinh tế, chính trị của giai cấp tư sản ngày càng phát triển lên sẽ làm yếu
kinh tế và tinh thần quân đội. Ngược lại, chế độ kinh tế tốt, bảo đảm hậu
phương vững vàng, do đó ảnh hưởng đến quá trình phát triển chiến tranh.
Liên Xô dựa trên quyền công hữu tư liệu sản xuất cho
phép lợi dụng một cách tốt đẹp nhất những khả năng kinh tế hiện có để tiến hành
thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Những nước có chế độ kinh tế tốt sẽ chuyển yếu thành
mạnh, những nước có chế độ không tốt sẽ chuyển mạnh thành yếu.
Liên Xô không đánh giá thấp khả năng kinh tế của các
nước tư bản, nhất là khi họ đã quân sự hoá bộ máy kinh tế, nhưng khoa học quân
sự xô-viết đã tính sẵn đến những mâu thuẫn không thể khắc phục được trong nền
kinh tế của chủ nghĩa tư bản trong thời kỳ tổng khủng hoảng, cũng như trong chế
độ chính trị của họ.
Vì lẽ đó, Liên Xô tin vào khả năng kinh tế của mình, nền
kinh tế không có khủng hoảng của Liên Xô sẽ tích luỹ sức mạnh tiềm tàng cho
Liên Xô. Nhân dân Liên Xô yêu mến chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ tuyệt đối trung
thành với Tổ quốc và sẽ đoàn kết, chiến đấu với một sức mạnh phi thường.
Trái lại, bọn tư bản không đặt tin tưởng vào chế độ
của chúng, không đặt tin tưởng vào nhân dân, chúng phải tìm một vũ khí nào, một
cách tổ chức quân đội nào cho thật lợi hại, v.v… để có thể tiến hành chiến
tranh và quyết định thắng lợi được.
Đứng về một mặt nào mà nói, mục đích chiến tranh quyết
định phương pháp tiến hành chiến tranh. Nhìn qua cuộc kháng chiến của ta, ta
thấy mục đích của ta là bảo vệ Tổ quốc, ta cần tiêu diệt thật nhiều sinh lực
địch, nó sẽ phải rút, nên cách đánh của ta là vận động, du kích không cần đóng
đồn, không phải lập tuyến – trái hẳn với thực dân Pháp. Vì vậy ta thì tập trung
được lực lượng mà địch thì phải phân tán không tập trung được. Cuối cùng tiêu
diệt được nhiều sinh lực của chúng, làm tương quan lực lượng thay đổi, chúng
đành phải thất bại.
Đến bây giờ ta đã có khu vực hoàn chỉnh, ta bảo vệ
nước ta chống xâm lược, nên ta phải bảo vệ cách khác, phải tổ chức phòng thủ.
Nhưng khi nói đến phương pháp và hình thức tiến hành
chiến tranh thì phải thấy nó lại còn cần phù hợp với điều kiện từng hoàn cảnh
cụ thể, với trình độ kỹ thuật và khả năng thực tế. Nó lại chuyển biến cho kịp
với tình hình kinh tế biến chuyển.
Hiện nay vũ khí mỗi năm một mới, kỹ thuật và điều kiện
vật chất tinh thần của con người cũng phải mỗi ngày một phát triển lên cho kịp.
Cơ-lau-dơ-vích cũng có nói một câu khá hay: “Quyết
định thắng lợi trong chiến tranh không phải là những phương tiện, mà là cách
dùng những phương tiện ấy”.
Mỹ nghiên cứu một phương thức:
“Chiến tranh bấm nút điện” chỉ cần ngồi một chỗ bấm nút điện sẽ biết được sự biến diễn tình hình
ngoài mặt trận, v.v…
Ở Điện Biên, thực dân Pháp phòng ngự cứ điểm Him Lam
bằng nhiều thứ vũ khí tối tân như súng bắn ban đêm, có hồng ngoại tuyến, máy
nghe tiếng động ngoài hàng rào, v.v… nhưng cuối cùng chúng không sử dụng được
và thất bại nhục nhã.
Như vậy yếu tố quyết định không phải chỉ là vấn đề
phương tiện mà còn là vấn đề sử dụng những phương tiện thế nào, tinh thần người
sử dụng nó ra sao, tổ chức sử dụng nó thế nào, nhất là tinh thần người sử dụng.
Ta phải tiến cho kịp kỹ thuật hiện đại nhưng không
khinh thường những thứ hiện có trong tay chúng ta, chúng ta phải căn cứ vào
hoàn cảnh cụ thể của ta mà tiến lên.
Đi từ nhìn kết cấu kinh tế, chính trị của xã hội, từ
mục đích, tính chất chiến tranh, nhìn lại yếu tố quần chúng nhân dân và yếu tố
tinh thần, chúng ta càng thấy rõ: dựa vào nguyên lý đó ta chuẩn bị và tiến
hành chiến tranh sẽ có những cơ sở thực tế rõ ràng, có cơ sở để tin tưởng. Còn
bọn đế quốc xâm lược có biết như thế cũng không làm sao được, chúng không thể
có yếu tố nhân dân, yếu tố tinh thần vững chắc, chúng không dám nhìn vào những
nguyên lý đầy tính chất khoa học nói trên. Chúng ta hoàn toàn có thể dựa vào
những nguyên lý đó để chuẩn bị và tiến hành chiến tranh. Nhưng chúng ta một mặt
phải tận dụng khả năng hiện có của chúng ta, một mặt phải nhìn vào mặt phát
triển của kỹ thuật để xây dựng quân đội, chuẩn bị công cuộc quốc phòng cho hợp
với tình hình cụ thể và khả năng thực tế của ta. Có như thế mới là thấy rõ tinh
thần của nguyên lý trên đây: sức mạnh của ta là ở tính chất của chế độ kinh
tế, nhưng cũng ở cả số lượng về kinh tế nữa. Tùy hoàn cảnh cụ thể mà vận dụng
nguyên lý cho đúng. Không phải thiếu số lượng mà ta không tiến hành được chiến
tranh, nhưng số lượng phát triển được là do tính chất chế độ kinh tế, chính trị
quyết định.
3- Chiến lược phải phụ thuộc vào đường lối chính trị
(chính lược).
Nói chung, những nguyên tắc lãnh đạo về mặt chiến lược
và chiến thuật trong lĩnh vực đấu tranh giai cấp đã trở thành cơ sở tư tưởng
cho nghệ thuật quân sự xô-viết nói chung và chiến lược nói riêng.
Ví dụ: Sta-lin phân tích chính lược của giai cấp công
nhân đề ra những điều kiện để đảm bảo chỉ đạo chiến lược như:
a) Trong một thời cơ quyết định,
tập trung chủ lực vào chỗ yếu nhất của địch, tức là chọn kẻ thù cho trúng, từng
thời kỳ biết bố trí lực lượng cách mạng,
b) Chọn thời cơ quyết chiến,
c) Quán triệt phương châm đã định,
d) Điều động dự bị đội, phối hợp tiến công và phòng
ngự một cách chính xác.
Đó cũng chính là những nguyên tắc
chỉ đạo chiến lược về mặt quân sự.
Một mặt khác, ta thấy chính lược quy định chiến lược
như sau:
- Khi còn thế giới tư bản bao vây các nước xã hội chủ
nghĩa thì nhiệm vụ chính trị của ta là phải bảo vệ nước xã hội chủ nghĩa, làm
cho nó đứng vững, vì vậy phải có chiến lược quân sự bảo vệ lấy nước xã hội chủ
nghĩa,
- Chúng ta không xâm lược ai, nhưng không để ai xâm
lược, vậy thì ta không xây dựng quân đội để xâm lược mà để tiêu diệt kẻ xâm
lược (không phải chỉ chống bọn xâm lược mà còn phải tiêu diệt chúng),
- Ta xây dựng miền Bắc, tiến lên xã hội chủ nghĩa và
đấu tranh thống nhất nước nhà bằng phương pháp hoà bình, vậy thì mọi chiến lược
và hành động quân sự phải phù hợp với đường lối đó. Chính vì thế mà phương châm
chiến lược của ta là: tích cực phòng ngự.
Vì vậy, khi tiến hành chiến
tranh, phương châm chiến lược của ta sẽ trở thành của toàn quân, toàn dân, mọi
người nô nức thực hiện, do đó có sức mạnh vô cùng. Đường lối chính trị mà đúng
thì chiến lược của ta nhất định sẽ đúng.
Các nhà quân sự của ta phải là những người thấm nhuần
mục đích chính trị hơn ai hết.
Chủ nghĩa đế quốc cũng biết như thế, nhưng chúng gặp
những mâu thuẫn không thể giải quyết: vì dã tâm của chúng là xâm lược, nhưng
chúng lại phải lừa dối nhân loại, chúng không thể nói rõ mục đích chính trị của
chúng được. Những hành động của chúng phải phù hợp với dã tâm của chúng, đến
khi lộ ra thì chúng sẽ bị phản đối và không thể có sức mạnh tiếp tục chiến
tranh được.
Ví dụ: chiến tranh Pháp ở Việt Nam, chiến tranh Mỹ ở Triều Tiên nhằm mục đích nô dịch,
nên hành động của chúng là ăn cướp, bắn giết, đàn áp, v.v… Chúng không thể
nghiên cứu một chiến lược nào cứu vãn được sự cô lập và suy nhược của chúng cứu
vãn được tinh thần quân lính của chúng.
Nguyên lý này cũng là một quy luật khách quan của
chiến tranh, quy luật này ta lợi dụng được đầy đủ, còn các nhà quân sự tư sản
biết mà chịu, không thể dùng nó làm cơ sở lý luận của chúng được.
4- Những hoạt động chiến đấu của bộ đội phải đầy tính
chất kiên quyết và tinh thần tích cực, để sử dụng cho hợp lý quan hệ giữa tấn
công và phòng ngự.
Lê-nin chỉ thị: nghệ thuật quân sự xô-viết phải thấm
nhuần tinh thần tích cực, tính chất kiên quyết, tinh thần dũng cảm và tính chất
tiến công trong cuộc đấu tranh vũ trang. Nhưng lại cần phải biết phòng ngự
trong những điều kiện cần thiết. Đang phòng ngự nhưng khi có điều kiện và hoàn
cảnh tấn công thì phải tấn công.
Việc không ngừng tấn công là để đạt tới thắng lợi hoàn
toàn, có những lúc vì khó khăn phải phòng ngự thì phải kiên quyết mau chóng tạo
điều kiện tấn công (phòng ngự tạm thời là để tiêu hao địch, chiếm lĩnh trận địa
hoặc cần phải ngừng tiến công lại củng cố chỗ đã chiếm được, lấy sức đưa thêm
lực lượng mới để lại tiếp tục tấn công).
Lê-nin nói: “Không phải chỉ đánh quỵ mà còn phải tiêu
diệt địch vì do bản chất đấu tranh giai cấp mà có tinh thần tiến công đó”. Vì
vậy nói chung cả nghệ thuật khoa học quân sự xô-viết phải thấm nhuần tinh thần
tiến công, nhưng trên cơ sở tinh thần tiến công mà đặt quan hệ giữa tấn công và
phòng ngự cho phù hợp.
Đây cũng là điều chứng tỏ tính ưu việt của khoa học
quân sự ta. Giai cấp tư sản không thể hiểu được và không thể có được cái quan
hệ ấy được.
Pháp chỉ chú trọng phòng ngự. Đức chỉ chú trọng tấn
công.
Còn ta: cần phòng ngự trong trường hợp cần thiết
phòng ngự, khi có điều kiện, phải chuyển sang tấn công ngay. Vì vậy khi phòng
ngự phải phòng ngự tích cực, phòng ngự là để chuẩn bị tấn công.
Mỹ chưa có một điều lệnh phòng ngự rõ ràng, bởi vì nó
cho rằng không ai đánh nó nên nó không phòng ngự, bây giờ nó mới xoay sang
phòng ngự nhưng các nhà khoa học quân sự Mỹ cũng không thích phòng ngự cho lắm.
Vì chúng chỉ nuôi một mục đích chiến tranh là xâm lược, nên cách suy xét về
tiến công, phòng ngự của chúng rất chủ quan phiến diện.
Không nên nhầm lẫn chính sách hoà bình và chiến lược
có tính chất phòng ngự của ta, với tinh thần tiến công trong chiến tranh nhất
là trong chiến thuật và chiến đấu, bởi vì chiến lược là do đường lối chính trị
quyết định, nhưng trong hành động quân sự người chỉ huy và binh sĩ phải thấm
nhuần tư tưởng tấn công, trên cơ sở tấn công mà tích cực phòng ngự.
5- Vấn đề hậu phương và tiền tuyến trong chiến tranh
hiện đại ; vấn đề hiệp đồng binh chủng, phối hợp các hình thức chiến tranh.
Chiến tranh hiện đại là chiến tranh phối hợp các binh
chủng, quân chủng, phối hợp đấu tranh vũ trang với các hình thức đấu tranh khác
(đấu tranh tư tưởng, chính trị, kinh tế, ngoại giao).
Chiến tranh hiện nay vạn nhất không ngăn chặn được, sẽ
mang tính chất hết sức tối tân với những vũ khí : nguyên tử, khinh khí, hoá
học, hoả tiễn, v.v… có sức giết người hàng loạt, sức tàn phá rất lớn, tốc độ
rất nhanh, tung thâm sâu, chính diện rộng, tiêu thụ lớn, thử thách về tinh thần
lớn.
Nó đòi hỏi hậu phương vững chắc
về tinh thần, kinh tế, chính trị, bảo đảm luôn luôn tiếp sức cho tiến công,
tiêu diệt địch ngay cả ở hậu phương nữa.
Tác dụng của mỗi thứ vũ khí có một mặt của nó, có cái
có hoả lực mạnh nhưng không cơ động, có cái cơ động nhưng không chính xác hoặc
phá hoại được nhưng không có thể chiếm đóng, v.v… vì vậy phải hiệp đồng chặt
chẽ, đánh giá đúng mức tác dụng của từng binh chủng, quân chủng mới có thể thu
được thắng lợi.
Giai cấp tư sản theo đuổi mục đích kiếm lợi nhuận sản
xuất máy bay, tàu chiến, kéo bè trong chính phủ, trong Bộ chỉ huy quân sự,
tranh cãi nhau về tác dụng của không quân, của hải quân, bóp méo sự thật hoặc
cố tình nhắm mắt trước sự thật, đánh giá lệch lạc tác dụng của binh chủng, quân
chủng.
Chỉ có chúng ta mới có thể đánh giá đúng được.
Đế quốc sử dụng pháo phải để thật xa mà bắn, ta thì
lại có thể kéo vào sát lô cốt, chỉ có ta mới dũng cảm sử dụng bộc phá. Đế quốc
biết bộc phá là lợi hại nhưng không sử dụng
được là vì chúng không có đủ tinh thần. Cho nên chúng không đánh giá được pháo
binh cho đúng, cũng như chúng đánh giá quá cao không quân, đánh giá không đúng
vai trò bộ binh. Đã như thế, chúng cũng không thể có một quan niệm và một tổ chức
hợp đồng cho chính xác được.
Do chỗ lực lượng tiềm tàng về chính trị và kinh tế một
nước có tác dụng quyết định đến quá trình và kết quả của chiến tranh nên cuộc
chiến tranh hiện đại không phải chỉ gồm có những hành động quân sự. Vì chiến
tranh sẽ tàn phá rất nhiều, sẽ động đến sinh mệnh và tinh thần hàng chục triệu
con người, cần phải có sự bền bỉ dẻo dai to lớn và nhất trí giữa tiền tuyến với
hậu phương chặt chẽ, cho nên các hình thức đấu tranh khác đều có ý nghĩa rất
lớn. Vì vậy khoa học quân sự không phải chỉ nghiên cứu hành động quân sự mà
phải nghiên cứu nhiều vấn đề, phối hợp nhiều ngành.
Những nguyên lý nói trên cũng có thể được trình bày
một cách khác trong học thuyết “Những nhân tố thường xuyên quyết định thắng
lợi” mà đồng chí Sta-lin tổng kết.
Nói những nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi
tức là không thể thừa nhận có những nhân tố ngẫu nhiên bất ngờ nào quyết định
được thắng lợi của cuộc chiến tranh, ví dụ như: tài của một vài tướng chỉ huy,
một thứ vũ khí bí mật nào, v.v…
Ngày nay, những nhân tố ngẫu nhiên chỉ còn có tác dụng
ít thôi, không quyết định được thắng lợi.
Học thuyết đó tóm tắt trong câu: “Vận mệnh của chiến
tranh không phải do những nhân tố tạm thời hay ngẫu nhiên phát sinh như tính
bất ngờ quyết định, mà là do những nhân tố thường xuyên có tác dụng quyết định: sự vững chắc của hậu phương, tinh thần quân đội, số và chất lượng các Sư
đoàn, trang bị của quân đội, năng lực tổ chức chỉ huy của các cấp chỉ huy, …”.
Trong 5 nhân tố đó, nhân tố hậu phương là nhân tố quan
trọng nhất. Hậu phương có vững mạnh thì mới tạo điều kiện vững mạnh cho những nhân
tố khác. Vì tinh thần quân đội, số, chất lượng các Sư đoàn, trang bị quân đội,
năng lực chỉ huy có tốt không, có cung cấp được vật chất không, có bảo đảm được
tổ chức đào tạo cán bộ và động viên tinh thần không? Hậu phương có vững
mạnh không lại là do chế độ kinh tế,
chính trị thế nào, lạc hậu hay tiền tiến?
Sta-lin nói: “Không có một hậu phương vững chắc thì
bất cứ một quân đội nào trên thế giới cũng không thể thắng lợi được (tất nhiên
đấy là nói thắng lợi lâu dài, bền vững). Hậu phương có ý nghĩa trọng yếu hàng
đầu đối với tiền phương, là vì hậu phương và chỉ có hậu phương mới có thể không
những chỉ cung cấp các thứ nuôi sống người mà còn cung cấp cả người chiến sĩ,
tinh thần và tư tưởng cho tiền phương nữa”.
Khái niệm về sự vững chắc của hậu phương bao hàm tất
cả mọi thứ sinh hoạt và hoạt động của một nước đầy đủ, tức là bao gồm chế độ xã
hội và nhà nước, kinh tế, chính trị, hệ thống tư tưởng của một nước, dân khí,
tinh thần tổ chức và tinh thần kiên định của quần chúng lao động nước đó. Tác
dụng của những lực lượng tiềm tàng về kinh tế và tinh thần của một nước chính
là biểu hiện ở sự vững chắc của hậu phương.
Nhưng cần chú ý là phải luôn bồi dưỡng những nhân tố
thường xuyên quyết định thắng lợi và khi có những nhân tố đó đến mức độ nào đó
thì tức là có khả năng thắng lợi, nhưng khả năng thắng lợi không phải là bản
thân thắng lợi mà phải giỏi biến khả năng đó thành hiện thực. Ở đây đòi hỏi sự
nỗ lực lãnh đạo của các cấp.
Đồng chí Sta-lin bàn về cuộc chiến tranh giữ nước vĩ
đại, có nói: “Quân địch vẫn mong rằng Hồng quân bị tan rã tức khắc ngay từ khi
gặp trận đánh đầu tiên, không thể có sức chống lại được. Nhưng mà kẻ địch đã
lầm to. Nó không thể đánh giá được sức mạnh của Hồng quân, không thể đánh giá
được sự vững chắc của hậu phương Xô-viết, không đánh giá được ý chí tranh thủ
thắng lợi của nhân dân các dân tộc trong nước ta, không thể tính đến được rằng
hậu phương của phát-xít Đức ở châu Âu hết sức lung lay không thể nào dựa vào được
và cuối cùng nó cũng không tính đến nguy cơ suy nhược ngay trong nội bộ nước
Đức và quân đội của chúng”.
IV – Tính ưu việt của khoa học quân sự xô-viết
1- Vấn đề này cơ bản ở chỗ nào?
Ở chỗ : các nhà tư tưởng và lý luận của giai cấp tư
sản không thể nào giải thích được đúng đắn nguyên nhân, nguồn gốc tính chất của
chiến tranh, ý nghĩa sự tồn tại và tính chất của quân đội, do đó không thể nào
đặt được vấn đề khoa học quân sự cho đúng và càng không thể nào giải quyết được
vấn đề đó cho đúng. Cho nên khoa học quân sự của họ không thể so sánh với khoa
học quân sự xô-viết được.
Họ tách hiện tượng chiến tranh ra khỏi những hiện
tượng về kinh tế và chính trị, tách vấn đề quân sự ra khỏi các vấn đề kinh tế
và chính trị. Họ không đánh giá được đúng sức lực của bản thân họ (chế độ tư
bản chủ nghĩa) và không đánh giá được đúng sức lực tiềm tàng của chế độ xã hội
chủ nghĩa, cho nên họ không thể nào giải quyết được đúng đắn vấn đề hậu phương
và tiền tuyến, vấn đề nhân dân và quân đội, vấn đề giá trị của các binh chủng,
quân chủng, các vũ khí, vấn đề quan hệ giữa tấn công và phòng ngự; không đánh
giá được yếu tố tinh thần trong chiến tranh, v.v…
Nghĩa là họ không nắm được và không sao nắm được những
quy luật khách quan của các vấn đề quân sự, vấn đề chiến tranh. Họ bảo: hoặc
nó không có quy luật gì - chỉ là may rủi - hoặc có quy luật nhưng không làm sao
nhận xét thấy được (như bọn lý luận gia quân sự tư sản Ai-xen-hao và Đa-lét
đang tranh cãi nhau hiện nay).
Trái lại, ta nhận định rằng: chiến tranh cũng có quy
luật, có những quy luật chung và quy luật riêng, thảng hoặc còn có quy luật nào
chưa biết thì nhờ ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, nhất định chúng ta cũng
sẽ khám phá ra được hết.
Một sĩ quan Liên Xô đã đi tới kết luận: “Bất cứ một
khó khăn nào trong chiến tranh cũng đều có cách giải quyết, chỉ có là ta chưa
tìm ra mà thôi”. Tuy là câu nói thường, nhưng nó cũng tỏ rõ được tính chất của khoa
học quân sự xô-viết.
Bọn tư sản không tin điều đó, nên chỉ rút hẹp phạm vi
khoa học quân sự vào những học thuyết quân sự chuyên nghiên cứu những phương
pháp tiến hành chiến tranh và những hành động quân sự rồi trở thành kinh điển,
giáo điều với những học thuyết đó, họ đành giam mình trong những sự luẩn quẩn
đó không thoát ra được.
2- Do những lý do trên, tính ưu việt của khoa học quân
sự xô-viết còn biểu hiện ngay cả trong khái niệm của khoa học quân sự
Khoa học quân sự xô-viết gồm có:
- Tình hình kinh tế chính trị phía ta và địch,
- Tổ chức, trang bị bộ đội, chuẩn bị đất nước và lực
lượng vũ trang vào chiến tranh của ta và phải nghiên cứu địch,
- Các vấn đề về nghệ thuật quân sự.
Khái niệm về nghệ thuật quân sự của ta bao gồm:
Chiến thuật là gồm có phương pháp chuẩn bị và tiến
hành chiến đấu.
Nghệ thuật tác chiến: quyết định phương pháp chuẩn bị
và tiến hành chiến dịch để thực hiện những mục đích chiến lược trong chiến
tranh.
Chiến lược là căn cứ vào chính sách của Nhà nước quyết
định phương pháp tổ chức, huấn luyện và sử dụng bộ đội vũ trang để chiến thắng
quân địch trong toàn bộ cuộc chiến tranh và trong những chiến cục và chiến dịch
có tính chất chiến lược.
Đối với những nhà tư tưởng và lý luận quân sự của giai
cấp tư sản thì khoa học quân sự chỉ là sự ngẫu nhiên của các tướng soái, họ cho
thiên tài của các tướng soái là quyết định hoặc họ chỉ chú trọng đi tìm xem có
một thứ vũ khí nào có thể định đoạt được thắng lợi, một phương pháp tác chiến
nào, cứ theo đó tự nhiên mang lại được thắng lợi.
Khoa học quân sự của nó co hẹp vào chỗ đó – nhưng như
thế không phải là nói những kẻ đang gây chiến tranh thế giới mới là Anh, Mỹ bây
giờ ngoài nghệ thuật quân sự ra, chúng nó không thấm nhuần ý nghĩa kinh tế và
lực lượng tinh thần nhân dân. Chính đế quốc Anh, Mỹ đang ra sức chuẩn bị kinh
tế và chính trị cho một cuộc chiến tranh mới, nhưng mà chế độ kinh tế tư bản và
trạng thái sản xuất mang theo một chế độ chính trị đầy đấu tranh giai cấp tàn
khốc và mục đích phi chính nghĩa của chiến tranh làm cho những nhà lý luận quân
sự của giai cấp tư sản không thể nào lợi dụng được đầy đủ lực lượng tiềm tàng
về kinh tế và tinh thần.
Kết quả đó làm cho khoa học quân sự của giai cấp tư
sản bị hạn chế trong phạm vi những vấn đề thuần tuý quân sự. Họ luẩn quẩn loanh
quanh với nào là học thuyết Cờ-lau-dơ-vích, nào là “xe tăng quyết định hết
thảy”, nào là “không quân quyết định hết thảy”, nào là lý luận “chiến tranh
chớp nhoáng”, v.v… hoặc là quân đội Đức thì đánh giá quá cao tấn công, quân đội
Pháp lại đánh giá quá cao phòng ngự hoặc là lý luận về phòng ngự cơ động của Mỹ
để lừa bịp các nước chư hầu (âm mưu của Mỹ bày cho các nước châu Âu thực hiện chiến
lược “phòng ngự cơ động”, đánh lâu dài, bị tàn phá kiệt quệ, tất nhiên phải kêu
gọi Mỹ giúp đỡ, tạo cơ hội cho Mỹ nhảy vào kiếm lợi).
Thực ra những lý luận của họ tìm ra cũng đều bị thực
tế về sản xuất kinh tế chi phối, nhưng nó rất phiến diện vì nó không thể nắm
được quy luật. Chúng phải có những lý thuyết cho phù hợp với tình hình kỹ
thuật, nguyên tử, hoả tiễn. Nhưng chúng lại phiến diện không đánh giá được mọi
mặt.
Sta-lin có chỉ ra rằng: “Chiến lược của Đức lại rất
thiếu kém vì chỗ dựa của nó là đánh giá khả năng và lực lượng của đối phương
không đủ, mà lại đánh giá lực lượng của mình quá cao; chiến thuật của chúng thì
cứng nhắc như chết, bởi vì chúng hết sức đem điều này điều nọ trong thao diễn
mà lồng bừa vào những sự biến trên mặt trận. Lúc nào tình hình cho phép thực
hiện đầy đủ thao diễn, người Đức hành động rất thông thạo, đúng và chặt chẽ, đó
là chỗ mạnh của họ. Khi nào tình hình biến hoá phức tạp và bắt đầu không phù
hợp với điều này điều nọ của thao diễn nữa, mà yêu cầu phải có những quyết định
độc lập chưa hề quy định trong thao diễn thì người Đức đành bó tay vô kế. Đó là
nhược điểm căn bản của họ”.
Vì vậy khoa học quân sự tư sản chỉ có thể dẫn đến
những thắng lợi tạm thời mà không giải quyết được toàn bộ cuộc chiến tranh hiện
đại.
Ví dụ cuộc kháng chiến Việt Nam, lúc đầu đồng chí Trường Chinh có so sánh hơn kém và
các điều kiện thắng lợi hết sức rõ ràng, bây giờ ngẫm lại ta đều thấy đúng:
“… Vậy muốn biết ta và Pháp ai sẽ thắng, ai sẽ bại,
chi bằng so sánh một cách khách quan những ưu điểm và nhược điểm của hai bên
xem sao.
Những ưu điểm của ta là:
a) Mục đích chiến tranh là chính nghĩa (chống xâm
lược, giành tự do),
b) Toàn dân đoàn kết (trong Mặt trận dân tộc thống
nhất chống thực dân Pháp xâm lược),
c) Tinh thần quân và dân ta cao (ai nấy thi nhau anh
dũng phấn đấu cho sự nghiệp cứu nước),
d) Quân đội ta chiến đấu trên đất nước mình, bênh vực quyền
lợi cho nhân dân mình, nên được ba điều lợi là: quen khí hậu (thiên thời),
thuộc địa hình (địa lợi) và nhân dân ủng hộ (nhân hoà),
e) Có nhiều bạn đồng minh (nhân dân Pháp, nhân dân các
thuộc địa Pháp, lực lượng hoà bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới
ủng hộ).
Những nhược điểm của ta là:
a) Vũ khí ít và kém,
b) Bộ đội ít và chưa thao luyện,
c) Trình độ tổ chức thấp (nhất là về quân sự và kinh
tế),
d) Tuyên truyền quốc tế xoàng.
Những nhược điểm của địch là:
a) Mục đích chiến tranh phản động (xâm lược, áp bức,
bóc lột, nhiều người ghét),
b) Nội bộ chia rẽ (phe chủ chiến, phe chủ hoà, phe
phản động, phe tiến bộ, chống nhau lung tung),
c) Tinh thần binh sĩ bạc nhược (nhiều việc đã tỏ ra
lính Pháp sợ chết, đã có lính nguỵ, lính lê dương và lính thuộc địa Pháp đào
ngũ sang phe ta),
d) Đi xâm lược nước ngoài, nên gặp ba điều bất lợi là: không hợp thuỷ thổ, khí hậu (thiếu thiên thời), không thuộc địa hình (thiếu
địa lợi); không được nhân dân ủng hộ (thiếu nhân hoà),
e) Ít người giúp, nhiều kẻ thù (Anh, Mỹ có thể giúp đỡ
Pháp một phần vũ khí, đạn dược, tài chính, v.v… nhưng không thấm vào đâu với sự
chi phí của Pháp, vừa phải băng bó những vết thương chiến tranh của nước Pháp,
vừa tổn phí ở Đông Dương, vừa phải chống nhau với nhân dân các thuộc địa châu
Phi và ngay với phong trào phản chiến trong nước),
g) Số lính có hạn lại phải phân tán ra khắp khối Liên
hiệp Pháp để chống giữ.
Những ưu điểm của Pháp là:
a) Vũ khí nhiều và tốt,
b) Quân đội nhiều và thao luyện,
c) Trình độ tổ chức cao,
d) Tuyên truyền quốc tế rộng.
So sánh những chỗ hơn, chỗ kém của hai bên, ta nhận
thấy năm điều:
Một là, những chỗ hơn của Việt Nam tức là những chỗ kém của Pháp, những chỗ hơn của Pháp
tức là những chỗ kém của Việt Nam.
Hai là, Pháp nhiều nhược điểm hơn Việt Nam.
Ba là, Pháp có nhiều nhược điểm hơn ưu điểm.
Bốn là, những ưu điểm của Việt Nam phần nhiều là ưu điểm về chính trị; những ưu điểm
của Pháp phần nhiều là ưu điểm về quân sự.
Năm là, những ưu điểm của Việt Nam đều là gốc, những ưu điểm của Pháp đều là ngọn. Thật
thế, có nhiều vũ khí hiện đại hoá, tướng sĩ đông và thao lược, trình độ tổ chức
cao và tuyên truyền quốc tế rộng, nhưng mục đích chiến tranh là ăn cướp, ít bạn
nhiều thù, nội bộ chia rẽ, lủng củng, nhân dân không ủng hộ, thực lực khô kiệt
thì những chỗ hơn trên kia cũng vất đi!
Kinh nghiệm các cuộc chiến tranh trong lịch sử và nhất
là kinh nghiệm sốt dẻo của cuộc đại chiến mới đây đã chỉ rõ như thế. Nước Đức
của Hít-le, nước Nhật phát xít là những nước thế nào? Không phải là những nước
có nhiều vũ khí tốt, tướng sĩ tài, tổ chức cao, tuyên truyền giỏi hay sao?
Nhưng chính vì mục đích chiến tranh là xâm lược, phản động, quân và dân không
một lòng, tinh thần binh sĩ đồi bại, u mê, bị cả thế giới văn minh phản đối,
v.v… nên chỉ có thể hùng hổ chiến thắng lúc đầu. Về sau càng đánh càng kém, đến
nỗi tan rã và ngã gục. Bài học lịch sử ấy, thực dân Pháp nên học lấy mà tỉnh
ngộ cho mau, nếu không tiền đồ của nước Pháp rất mờ mịt.
Một điều đáng chú ý là ta đánh lâu thì do sự cố gắng
của toàn dân ta, những chỗ hơn của ta càng ngày càng tăng, những chỗ kém của ta
càng ngày càng giảm. Trái lại, địch càng đánh, chỗ hơn của địch càng ngày càng
giảm, chỗ kém của địch càng ngày càng tăng. Một vài ví dụ dễ hiểu nhất: ta
càng đánh, tướng sĩ càng thao luyện, vì kinh nghiệm và dày dạn thêm ; địch càng
đánh tình hình kinh tế, tài chính càng nguy khốn. Ta càng đánh, nhân dân Pháp
và nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới càng đồng tình và ủng hộ ta, các dân
tộc thuộc địa Pháp càng nhân cơ hội Pháp đem quân sang đánh ta mà nổi dậy chống
Pháp, bạn đồng minh của ta ngày càng đông. Pháp càng đánh, tinh thần binh sĩ
Pháp càng chán nản, mệt mỏi, tan rã.
Xem đó, ta càng đánh càng khoẻ,
địch càng đánh càng yếu. Tuy lúc này lực lượng vật chất của ta (vũ khí, quân đội, kinh tế,
v.v…) còn kém địch, nhưng lực lượng tinh thần của ta (lòng dũng cảm, tình đoàn
kết của quân và dân ta, sự giúp đỡ về tinh thần của thế giới đối với ta, v.v…)
rất dồi dào. Và sau này, đánh lâu thì chẳng những lực lượng tinh thần của ta
phát triển mà lực lượng vật chất của ta cũng tăng cường. Mục đích đánh lâu
chính là để phát huy mọi lực lượng vật chất và tinh thần, bồi bổ chỗ hơn, giảm
bớt chỗ kém, để từ thế thua kém địch chuyển sang thế mạnh hơn địch, đặng giành
thắng lợi cuối cùng.
Tóm lại, so sánh ta và địch, ta dám nói quyết rằng:
“Rồi đây nhất định ta sẽ thắng” (Trích “Kháng chiến nhất định thắng lợi” của
Trường Chinh).
Đó là ta lấy lý luận Mác – Lê-nin làm cơ sở để phân
tích tình hình, đề ra phương hướng một cuộc đấu tranh và đó cũng là đã làm theo
phương hướng khoa học quân sự xô-viết vậy.
3- Tính ưu việt của khoa học quân sự xô-viết còn biểu
hiện ở chỗ nó rất tiến bộ, được nhân loại tán thành, nó rất khoa học, luôn luôn
có sức mạnh, giải quyết đúng đắn các vấn đề bảo đảm thắng lợi cuối cùng.
Nó tiến bộ vì nhiệm vụ của nó nhằm bảo vệ Tổ quốc xã
hội chủ nghĩa, bảo vệ thế giới xã hội chủ nghĩa, nó không xâm lược ai. Nó bảo
vệ hoà bình, dân chủ thế giới. Nó nhằm tiêu diệt những lực lượng gây chiến, cho
nên nó thể hiện nguyện vọng của toàn dân Liên Xô và các nước Dân chủ nhân dân
và đại đa số nhân dân trên thế giới.
Tính chất cuộc chiến tranh Liên Xô tiến hành trong thế
giới đại chiến là một cuộc chiến tranh chính nghĩa, ngày nay Liên Xô càng mạnh,
Liên Xô càng tỏ ra kiên quyết bảo vệ hoà bình, mà làm như vậy, Liên Xô càng
được nhân dân thế giới ủng hộ.
Khoa học quân sự Liên Xô là tiến bộ vì nó chỉ nhằm
nghiên cứu giải quyết những vấn đề bảo đảm một cuộc chiến tranh chính nghĩa.
Trái lại, khoa học quân sự của giai cấp tư sản là phản
động, nó chỉ nghiên cứu các vũ khí, các phương pháp tác chiến bộc lộ tính chất
xâm lược, tư tưởng chủng tộc, tư tưởng thế giới chủ nghĩa và các thứ tư tưởng
phản động khác, vì quyền lợi của một số ít người là bọn tư sản độc quyền.
Khoa học quân sự xô-viết có đầy đủ tính chất khoa học,
vì:
- Nó phản ảnh quy luật khách quan một cách chuẩn xác,
- Nó nêu rõ những quy luật chủ yếu của chiến tranh,
chiến tranh và quân sự liên hệ mật thiết với vấn đề chính trị; nêu rõ tính
chất phụ thuộc của chiến tranh và các vấn đề quân sự vào những khả năng kinh tế
và tinh thần nhân dân của các nước tham chiến.
Khoa học quân sự xô-viết khẳng định chiến tranh có quy
luật, nhất định tìm ra được, dựa vào quy luật chung mà tìm ra quy luật riêng.
- Có tinh thần và thái độ sáng tạo, áp dụng phê bình,
tự phê bình giải quyết nhiều vấn đề một cách sáng tạo.
Trái với khoa học quân sự tư sản ở chỗ: ta là khoa
học thật, còn khoa học quân sự tư sản có vẻ khoa học đấy, nhưng thật ra nó
không khoa học, người ta gọi là giả khoa học, chúng cho rằng thắng bại của
chiến tranh là do may rủi, cho những hiện tượng chiến tranh là không thể biết
được, không theo một quy luật nào. Cách xem xét của chúng là duy tâm, chủ quan,
nó tách vấn đề chiến tranh và quân sự ra khỏi vấn đề kinh tế, chính trị do đó
thuần tuý quân sự, đi đến bệnh giáo điều, máy móc, giáo khoa thừa. (Máy móc ở
chỗ : đề ra một phương pháp tác chiến nhất định rồi cho rằng cứ tiến hành đúng
như phương pháp ấy thì sẽ thắng).
Chúng nêu ra thần thuyết về giống người ưu đẳng và
giống người hèn kém - giống người ưu đẳng thì tiến hành chiến tranh nhất định
được. Chúng kìm hãm binh sĩ của chúng trong vòng mê tín, ngu muội.
Chúng mong vào khả năng giải quyết chớp nhoáng của
chiến tranh nguyên tử, dựa vào yếu tố ngẫu nhiên, khả năng của một vài tướng
soái, một vài thứ vũ khí mà không dựa vào lực lượng quần chúng, không tính đến
khả năng kinh tế, chính trị. Vì vậy, khoa học quân sự của chúng chỉ khoa học về
hình thức. Bộ đội thì hiện đại, trang bị, chỉ huy bằng những phương tiện tối
tân, nhưng cái gọi là khoa học quân sự thì lại là giả khoa học, là duy tâm.
Suy rộng ra, ta có một khoa học quân sự riêng của giai
cấp vô sản, đứng đầu là khoa học quân sự xô-viết, nó đã tiến đến một trình độ
rất cao, nghiên cứu nhiều vấn đề tiên tiến, nó luôn luôn đi kịp với sự phát
triển của kỹ thuật, khoa học hiện đại nhất.
Ngay từ trước, các nước trong phe ta đều dựa vào những
nguyên lý của tư tưởng Mác – Lê-nin để tiến hành chiến tranh giữ nước. Các nước: Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, … đều đi theo một quy luật tương tự giống nhau là ta
từ yếu chuyển sang mạnh rồi thắng lợi. Địch từ mạnh đạt được những thắng lợi
tạm thời rồi chuyển sang yếu và cuối cùng thất bại. Đó là bởi vì chế độ kinh
tế, chính trị quyết định quá trình phát triển của chiến tranh. Lúc đầu chiến
tranh, chúng ta đều có khó khăn, nhưng càng ngày lực lượng ta càng tăng, mà
địch thì càng sa sút cả về vật chất lẫn tinh thần, rút cục cuối cùng tương quan
lực lượng thay đổi, ta lại nắm phần thắng lợi về ta.
V- Nghiên cứu khoa
học quân sự xô-viết ta cần rút ra những vấn đề gì?
Nghiên cứu khoa học quân sự xô-viết, ta liên hệ với
tình hình ta, ta thấy ta cũng phải giải quyết rất nhiều vấn đề như: vấn đề ta
chuẩn bị đất nước như thế nào, các vấn đề quan hệ đến đường lối kinh tế, chính
trị, vấn đề địa hình (cải tạo địa hình thế nào, dựa vào địa hình, tổ chức phòng
ngự thế nào), vấn đề lực lượng dự bị, vấn đề dân quân, v.v… Những vấn đề đó có
các mặt chuyên môn phải đi sâu nghiên cứu lâu dài.
Ở đây ta thấy cần chú ý ngay mấy điểm:
1- Phải ra sức học tập lý luận Mác – Lê-nin để nắm
vững những vấn đề cơ bản về sự phát triển của tự nhiên và xã hội, trên cơ sở đó
mà hiểu những vấn đề khoa học quân sự.
Có cơ sở lý luận Mác – Lê-nin thì có nhiều vấn đề ta
chưa được học, nhưng cũng có cơ sở để tin tưởng, khi học rồi sẽ có cơ sở hiểu
biết nhanh hơn.
Thí dụ về vấn đề trong điều lệnh chiến đấu của Liên Xô
nêu ra: “xung phong hàng ngang vừa đi vừa bắn”, nếu điều kiện pháo ta nhiều
làm tê liệt đại bộ phận phòng ngự của địch và ta có xe tăng dẫn bộ binh xung
phong thì làm như thế được, nếu ta chưa có pháo và xe tăng nhiều thì đánh kiểu
khác.
Bây giờ nhiều thứ ta chưa có, nhưng không phải là mãi
mãi không có, ta phải nghiên cứu học tập trước nhiều vấn đề và phải biết có sở
lý luận của nhiều vấn đề để tiến cho kịp với tình hình chung. Một số đồng chí
không hiểu như thế nên cho rằng tập như vậy là không cần thiết.
Khoa học quân sự bắt nguồn ở lý luận Mác – Lê-nin nên
phải chú ý nghiên cứu lý luận Mác – Lê-nin, lấy đó làm gốc.
2- Trước mắt phải căn cứ vào yêu
cầu chiến tranh hiện đại mà rèn luyện quân đội cho có một tinh thần chiến đấu
thật cao, một trình độ kỹ thuật cao, một tinh thần kỷ luật thép, rất cao. Đó là
3 yêu cầu của chiến tranh hiện đại.
Phải chống hiện tượng giảm sút ý chí chiến đấu, không
ham học hỏi, bảo thủ, lười biếng, tự do tản mạn, xuề xoà.
Hiện giờ tinh thần chiến đấu,
trình độ kỹ thuật, tinh thần kỷ luật của ta có nâng cao một bước nhưng so với
yêu cầu chiến tranh hiện đại thì còn thấp, phải ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, trình
độ kỹ thuật, tinh thần kỷ luật của bộ đội, trước hết là yêu cầu cán bộ phải ra
sức nâng cao trình độ cho kịp.
3- Hiểu đầy đủ ý nghĩa việc xây dựng đất nước, có ý
thức đầy đủ về xây dựng đất nước tức là hiểu vấn đề xây dựng hậu phương vững
chắc để đảm bảo thắng lợi.
Về việc xây dựng đất nước có những việc bản thân bộ
đội tham gia xây dựng như doanh trại, công trình, nông trường, tham gia vào
công tác xây dựng kinh tế, v.v… lại có những việc khác như bảo quản vũ khí,
công tác tiết kiệm, sản xuất hàng ngày, v.v… đều có dính dáng một phần vào việc
xây dựng kinh tế, xây dựng hậu phương của ta, cho nên cần chỉ đạo bộ đội làm
tốt những công tác đó.
Nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội làm
cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất là nhiệm vụ của toàn Đảng và toàn dân.
Nhiệm vụ quốc phòng phải bảo đảm nhiệm vụ chung đó về mặt quân sự. Vì vậy vấn
đề khoa học quân sự cũng phải là một vấn đề được học tập nghiên cứu đầy đủ để
có cơ sở tìm hiểu và giải quyết các vấn đề trước mắt, đồng thời nó cũng là
nhiệm vụ học tập của các cán bộ quân đội để nâng cao trình độ và lòng tin tưởng
của mình, là nhiệm vụ học tập chung của những người có nhiệm vụ xây dựng đất
nước. Có như thế mọi công tác của ta mới toàn diện và tiến bộ một cách vững
vàng được.
Ghi lại sau
khi đọc các tài liệu:
- Chiến
tranh,
- Khoa học
quân sự,
- Nghệ thuật
quân sự.
trong Đại bách khoa
toàn thư Liên Xô.(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét