Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2022

Nhớ lại những việc cũ

... Đầu năm 1937, được giác ngộ cách mạng, tôi và một số chị em tổ chức Hội tương tế ái hữu ở làng. Đến năm 1938, tôi được điều ra tổ chức một nhóm bí mật, đến giữa năm, anh Nguyễn Thành Diên điều tôi hoạt động thoát ly: làm giao thông viên từ Đào Xá (Gia Lương, Bắc Ninh) lên Chợ Trám (Bắc Giang), sau lại đi tuyến Đào Xuyên về Chợ Đậu (Gia Lâm cũ nay thuộc huyện Mỹ Văn, Hưng Yên). 



            Lúc đầu, tôi rất bỡ ngỡ nhưng thâm tâm tôi tự nhủ phải làm cho bằng được và thực tế tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Rồi Xứ ủy lại điều tôi làm giao thông cho Xứ ủy liên lạc với đồng chí Hoàng Văn Thụ. Đường đi khá xa: từ Hà Đông về huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, toàn đi bộ, đôi khi anh Hoàng Văn Thụ hỏi đùa rằng có còn rụt rè, sợ hãi nữa không… Tôi trả lời rằng tôi rất phấn khởi được làm nhiệm vụ này. Cuối năm 1939, tôi được điều về bán hàng cơm trước cửa ga Văn Điển lấy chỗ cho cán bộ qua lại và ăn uống. Khi đó các anh Hoàng Văn Thụ, Trần Quốc Hoàn, Hoàng “mắt lửa” thường qua lại quán cơm này. Giữa năm 1940, tôi về cơ quan in báo đoàn thể đóng vai người chủ của gác nhà số 2 Hàng Nón (Hà Nội), nhiệm vụ của tôi là mua giấy, mực in, nấu cơm cho anh em và giao chuyển truyền đơn sau khi in xong. Trong cơ quan thường xuyên có bốn người: anh Lưu Quyên, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Xuân Thành và tôi.

Chân dung năm 1974.
Một hôm, Nguyễn Xuân Thành và tôi đi rải truyền đơn. Rải xong, mỗi người đi một ngả. Nguyễn Xuân Thành bị mật thám bắt và đem về trụ sở tra tấn. Hai hôm sau, không chịu được gian khổ, Nguyễn Xuân Thành đã đưa mật thám về số 2 Hàng Nón để bắt tôi. Trong khi đang bắt tôi và khám nhà thì hai anh Lưu Quyên và Hoàng Minh Chính vừa bước chân đến nhà dưới, thì chủ nhà tầng một báo rằng trên gác đang bị khám xét, hai anh liền quay ra luôn nhưng không kịp vì mật thám bắt đưa hai anh về Sở Mật thám. Từ đó đến khuya, mật thám tra tấn hỏi công việc của tôi. Tôi trả lời chỉ là người giúp việc nấu cơm, không biết gì ngoài khác. Bọn quỷ dữ tra tấn tôi dí điện vào những chỗ hiểm của phụ nữ, đưa các anh cùng bị bắt lên đối chất, nhưng các anh chỉ nhận tôi là người nấu cơm giúp việc mà thôi. Chúng điều cả anh Hoàng “mắt lửa” từ Sơn La về Hà Nội để đối chất với tôi. Chủ nhà cũng bị mật thám gọi đến để khai thác. Hàng tháng trời tôi chỉ một mực khai là con sen, không biết gì khác. Hàng tháng trời tôi bị tra tấn dã man, đến mức anh Trần Quốc Hoàn xót xa nói nhỏ với tôi rằng chị khai cho khéo để đỡ bị đòn, chúng tôi chỉ khai chị là người giúp việc thôi.

Tòa án binh Pháp đã xử vụ chúng tôi. Tòa án thấy hồ sơ của tôi không đủ chứng cứ kết tội nên trả lại cho mật thám điều tra bổ sung. Tôi lại bị chúng tra tấn, nhưng tôi vẫn một mực giữ vững lời khai như trước. Khi tòa án binh xét xử chúng tôi, tên chánh mật thám La-lec và thằng Sinh đến tòa thề rằng chúng mất bao công sức mới bắt được tôi. Tòa tuyên án tôi 5 năm tù khổ sai, 5 năm biệt xứ, rồi đưa tôi về giam giữ tại Hỏa Lò. Trong nhà tù này, tôi tham gia cùng chị em đấu tranh đòi quyền lợi như được gặp người nhà, được xem sách báo, ốm được đi nhà thương, v.v… Chúng tôi phải dùng hình thức tuyệt thực buộc cai ngục phải nhân nhượng. Tôi bị giam từ 1941 đến 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp thì được thả. Về nhà được một tuần lễ thì anh Trần Quốc Hoàn ở Xứ ủy viết thư cho tôi rằng Đảng rất cần tôi làm công tác. Tôi được đi dự lớp huấn luyện do anh Hoàng Quốc Việt tổ chức, sau một tháng tôi được điều về chỗ anh Xuân Thủy làm giao thông cho tờ báo Cứu Quốc… 
Cách mạng tháng Tám nổ ra, tôi tham gia lãnh đạo khởi nghĩa tại huyện Đông Anh. Khởi nghĩa thắng lợi, tôi được cử làm Phó Bí thư – Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời huyện Đông Anh. Cuối năm 1974, tôi làm Thư ký Công đoàn ngành Thương nghiệp Hà Nội đến cuối năm 1978 tôi được nghỉ hưu.


(Trích cuốn Bà Nguyễn Thị Phúc Hằng, Nxb Phụ nữ, 2013)

1 nhận xét: