Thứ Năm, 25 tháng 11, 2021

Đường xưa dấu cũ


Nhật ký ghi nhanh một cuộc đi đường theo vệt đường hành quân cũ lên Điện Biên Phủ


2-10-1963:
Thế là cuộc đi bắt đầu. Chúng tôi đi trở lại Điện Biên Phủ, qua một số đoạn của con đường hành quân cũ để sống lại không khí chiến dịch cách đây thoắt đã hơn 9 năm trời, thu thập tài liệu cho một cuốn sách về Điện Biên Phủ.
Trưa nắng, chiếc xe con thong thả qua cầu sông Cái. Đã là mùa cạn, bãi to ra, sông bé lại, nhưng nước vẫn đỏ ngầu. Chiếc xe con vun vút tiến tới cầu sông Đuống, mắt không kịp nhìn rõ hình thù những sân bay, trạm biến thế, kho dầu, nhà máy diêm, nhà máy gỗ, nhà máy gạch xung quanh.
Khi xe tới địa phận Phúc Yên cũ thì nhiều thứ xúc động làm tôi bồi hồi, tôi theo dõi từng đoạn phong cảnh mà ôn lại kỷ niệm những năm xưa, giới thiệu với các bạn cùng đi.
Đây là Cổ Loa, một nơi trong khu căn cứ của Trung ương trước khởi nghĩa, nơi hẹn hò của các cán bộ bắt liên lạc, trao công tác, nhận giấy in cho báo Cờ Giải phóng, phát báo Cờ Giải phóng, nơi anh Văn Tiến Dũng nghỉ khi ốm, nơi anh Nguyễn Lương Bằng chuyển súng gặp tuần phiên, nơi ta trừng trị Lý Khanh, tên việt gian bán nước, v.v… Ơ mà kia trong Cổ Loa nhiều lò gạch quá và có thêm những nhà gì ở chỗ chợ kia – Có lẽ cửa hàng mậu dịch, hiệu sách nhân dân. Con đường ấy anh Trường Chinh và tôi đã đi nhiều lần. Một lần trời mưa, hai anh em ướt sũng đã đi trên đường kia. Xa xa kia có những tòa nhà lớn và đẹp quá… Xưởng Phim Việt Nam đang xây dựng, bây giờ Đông Anh thuộc về Hà Nội rồi, đường vào xưởng phim đẹp quá, nên thơ quá, hai hàng phi lao lả lướt làm duyên, vài cái xe hơi đỗ nép bên bờ, mấy tay lái xe đang hút thuốc lá tán chuyện, chờ gì thế chả biết ?
Và đây, trại “Hàn Thắng”, nhà địa chủ mà tôi vào vũ trang thuyết phục – còn đây “Quán-quốc-tế”, quán cơm của một bà già yêu nước, nơi trạm giao súng, giao tài liệu cho chiến khu, nơi đón các đại biểu đi dự đại hội Quốc dân ở Tân Trào đấy.
Dọc con đường này, đầu 1945 nhan nhản những người đói ở Thái Bình đi kiếm ăn, những con người “xấu số” cả một cuộc đời dốc sức ra vật lộn giành sự sống, rồi cuối cùng phải kết thúc cuộc đời thảm thương một cách đau khổ, lẻ loi lạnh lẽo khắp nơi, cả ở đây, rải rác bên quán chợ, gốc cây vệ đường, ven cống… Xa xa kia gốc gạo ba đê đây, nơi ấy cũng hẹn hò trao thư, đón cán bộ, nơi đó đã một lần tôi đèo xe đạp anh Lê Đức Thọ đến nhận tài liệu cũng nơi ấy tập hợp quần chúng biểu tình khởi nghĩa chiếm Đông Anh đấy. Ngày nay cây gạo “ba đê” cao hùng dũng không còn nữa, chỉ còn thấy một cái gốc lớn chằng chịt những rễ ngoằn ngoèo gân guốc nằm nghiêng kềnh ra đấy thôi – chả biết bão đổ hay người ta phá đi, chắc là bão thôi.
Đây nữa nơi gọi là “vực dê, ao cá”, nơi mà khi khởi nghĩa Đông Anh, tôi cũng biết ra lệnh cho cuốc đường lên hạ cây xuống ngăn cơ giới của giặc, nơi mà khi chiếm được huyện xong trở về chúng tôi đứng nhìn nước lụt mênh mông dâng lên khắp vùng này, làm cho chúng tôi như đứng trên hòn đảo, nơi mà chúng tôi hội ý để vừa lập chính quyền vừa lập tức phải cứu dân bị lụt.
Xa kia huyện Đông Anh rồi đấy. Ở đó trước kia là một phố huyện lèo tèo âm thầm, có nhà máy xe lửa nhỏ, nơi anh Trường Chinh đi lại với các đồng chí công nhân, nơi mà các đồng chí công nhân đã lặng lẽ cùng chúng tôi phối hợp cướp huyện, lập chính quyền.
Bây giờ trông kìa: ghê quá! Bên trái một trạm biến thế điện lớn quá, hiện đại quá, đầy cả những cột, những củ sứ, những đường dây lằng nhằng; xa xa là những cột điện cao thế loại lớn đứng sừng sững như những vị anh hùng cổ tích dang hai tay ra làm phép… Bên phải thì toàn nhà là nhà, đỏ chói, phấp phới, mở rộng kéo dài mãi.
Nắng rực rỡ lấp lánh đầy trời. Những kỷ niệm cũ trở về ấm áp và thân thiết lạ thường. Một loạt cái tên làng Chài, bến Hối, làng Bỏi, làng Ruộng, làng Vân Nội, v.v… với những hình dáng cây gạo, cây muỗm, bến đò, quán nước, những cảm giác khoan khoái khi đi xa trở về “cơ sở”, ngồi ăn cơm độn nói chuyện tin vui, sưởi nắng bắt rận… những cảm giác rờn rợn khi ngồi đò đầy qua sông gió lớn, khi đọc ký hiệu “gió đông to” ở điếm canh đê (ký hiệu báo động: phong trào bị khủng bố), khi nghe tin Nhật khủng bố Vân Nội, tin anh Hoàng Văn Thụ hy sinh, v.v… lại dồn dập trở về một lúc làm cho sức sống trong người căng lên trong khoảnh khắc và tôi có cảm giác kỳ thú là vừa khái quát được một quá trình biến hóa diệu kỳ của một đoạn thời gian liền mấy chục năm.
Chà cuộc đi còn dài quá, kỷ niệm chỉ kịp nhớ lại ở từng cây số, từng 10 cây số mà không tính từng thước, từng bước được. Giá có thời gian tính lại từng bước thì mỗi bước cũng là một kỷ niệm hay, cả kỷ niệm lớn và kỷ niệm nhỏ, như kỷ niệm hai cô nhổ mạ đòi đuổi tôi mà xách hộ cái làn… tài liệu bí mật ở cánh đồng Vân Nội chẳng hạn… nhưng thôi, còn phải đi chứ.
Ảnh : Sau chiến thắng Điện Biên phủ, rời Đại đoàn 312
 3-10-1963:
Tối qua, chúng tôi ngủ ở Việt Trì trong một khu công nhân, nhà một cô cháu gái của tôi. Ở Việt Trì, tôi có một cái thú vị: có một cháu gái cùng với chồng làm việc ở nhà máy Miến Mỳ chính, một cháu giai cùng với vợ làm việc ở nhà máy Điện.
Tất cả bốn đứa đại khái đều vào loại cán bộ kỹ thuật trung cấp. Cháu gái tôi khi bắt đầu kháng chiến còn mặc “juyp” và khóc nhè. Nó học ở Việt Bắc, lớn lên ở đó, biết chăn trâu, cày ruộng, lấy măng và… cãi nhau bằng tiếng Thổ rất đanh đá. Hiện nay nó có một con gái nhỏ rất ngộ và giống nó hồi bé quá. Cháu gái tôi hoạt động công đoàn khá tích cực, tối hôm qua là rằm tháng Tám nó phải vất vả tổ chức Tết cho các cháu. Chồng nó là một đảng viên khóa với tôi, nó đang được dự lớp cảm tình Đảng. Cháu giai tôi thì hòa bình lập lại tôi mới gặp, hiện vợ nó đang có mang sắp đẻ. Gặp cậu ta, cậu ta cũng khoe: chi bộ đang nghiên cứu lý lịch một lần nữa để xét kết nạp vào Đảng.
Cách đây 9 năm khi hòa bình mới lập lại, tôi có đi qua đây, Việt Trì còn là một bãi cỏ lau rậm rạp hoang vắng, vài cây gạo cao đứng lẻ loi khẽ đung đưa cành lá một cách uể oải, cỏ lau rập rờn lả lướt nhịp nhàng với những làn sóng đều hòa trên con sông vắng lạnh. Lúc ấy tôi đứng trước gió mát từ hai con sông đưa lại, thấy cô đơn hiu quạnh quá. Ngày nay, từ xa, tôi đã trông thấy nhịp cầu khỏe mạnh cắt nét xám sẫm cứng cỏi trên nền trời, vô số những nón trắng lấp loáng dưới nắng thu. Ngay đầu cầu, bia kỷ niệm đồng chí Trần Quốc Bình, một công nhân Trung Quốc hy sinh khi giúp ta làm cầu với những cây hoa xanh tốt rực rỡ xung quanh gợi nên trong lòng người qua cầu những tình cảm mến phục, ấm áp và mạnh mẽ lạ thường. Đi vào Việt Trì, tôi như bị cuốn vào sự tấp nập, náo nhiệt hăng say của một công trường đang hoàn thành – các nhà máy (7 nhà máy chính) nối nhau trên một quãng dài hơn hai cây số, các khu nhà công nhân cao 3 tầng, 4 tầng (đã có đến 20 cái) chen lẫn với một số nhà gianh tản mạn trên các đồi đất bị phá ra đỏ chói, các xe lu đang lăn đường, tiếng còi tàu hỏa giục giã, v.v… Các cháu tôi còn chỉ chỗ kia là trường cấp hai đang xây, chỗ này đang san nền xây rạp chiếu bóng, v.v… Tôi đã nghe nói nhiều về khu công nghiệp Việt Trì thế mà qua đây tôi cũng có một cảm giác thú vị lạ kỳ. Tôi không có cảm giác bồi hồi xúc động hay cảm phục ngạc nhiên trước những công trình xây dựng, mà tôi thấy thú vị như chính tôi đang tự bắt tay làm được một việc gì mà kết quả đang hiện ra một cách rõ ràng, ngày càng lớn. Tôi đứng xem công nhân khu tập thể đang đánh bóng chuyền trong sân giữa hai tòa nhà bốn tầng, nghe những tiếng reo vui mà phảng phất như đứng ở một phố nào đó ở Mạc Tư Khoa năm nọ - Đến khi tôi đến nhà cháu gái tôi (nó còn đang ở nhà gianh) thì lại phảng phất như đang đi ở một ngõ nào trên Việt Bắc năm xưa, hồi kháng chiến. Tôi cố nhớ lại cảm giác 9 năm trước đây tôi đứng trước Việt Trì hoang vắng, nhưng những hình ảnh đó đến với tôi lại chỉ xa lạ như trong tiểu thuyết hay phim ảnh mà thôi.
Cháu gái tôi là một thanh niên hăng hái, nhưng đôi lúc cũng xốc nổi so sánh đời sống Việt Trì với Hà Nội và cũng còn thấy nhiều sự phiền lòng: Nhà máy chưa sản xuất đều, đời sống chưa ổn định, thiếu nguyên liệu, công nhân kỹ thuật có khi phải đi bốc vác, v.v… Tôi biết cũng không cần giải thích gì cho cháu cả nhưng tôi vẫn cảm thấy hơi bừng bực trong người, tôi tiếc rằng nó chưa thấy được cái tự hào của một công nhân khu công nghiệp Việt Trì, trong khi Việt Trì là một niềm kiêu hãnh của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Thật ra các cháu tôi chắc chỉ mới hiểu điều đó qua lý lẽ. Chúng tôi sống gần hết cuộc đời với những mơ ước được có những cái gì như khu Việt Trì. Các cháu thì lại sống gần phần lớn tuổi trưởng thành với những học tập kỹ thuật và mơ ước táo bạo hơn, nhưng đôi khi còn ích kỷ hẹp hòi. Chắc rồi về sau các cháu sẽ hiểu hơn.
Tôi nói chuyện tôi đi Điện Biên Phủ - Tôi muốn nói lên cho các cháu nghe sự liên quan giữa Điện Biên Phủ và Việt Trì. Nhưng điều đó thấm thía trong tôi, song tôi nói ra chắc lại nhạt nhẽo vô cùng, nên tôi lại thôi không nói gì – Các cháu chỉ biết là tôi đi “công tác” qua vào chơi. Các cháu mừng vui thú vị, thế thôi – Nhưng thực ra sau 9 năm, đi xem lại Điện Biên Phủ, lại đi qua Việt Trì đang xây dựng công nghiệp. Sự việc đó kỳ diệu bao nhiêu các cháu ơi.
Trưa hôm nay chúng tôi đi Yên Bái…  
4-10-1963:
Chà hôm qua và hôm nay chúng tôi đi nhiều đường đất quá, tất cả đến 300 cây số từ Việt Trì qua Yên Bái, qua Ba Khe, qua Phú Yên, Tả Khoa đến Cò Nòi – Nà Sản. Quãng đường rừng này trước đi phải hành quân mất độ 10 đêm, nay ngồi xe đi hơn một ngày, lại còn dừng lại xem bao nhiêu là nơi, nói bao nhiêu là chuyện. Chúng tôi đã qua đường số 2, con đường vô cùng quen thuộc và thân thiết đối với tôi. Những năm 1950 đến 1953 – 1954, có đến hàng trăm lần tôi đi xe đạp dọc con đường này, lên dốc, xuống dốc, tránh ổ gà, v.v… rất thành thạo, có lúc tưởng sau này khi kháng chiến thành công, tôi có thể trở thành “cua-rơ” xe đạp hạng cừ. Cũng trên dọc đường này tôi cũng đã có đến hàng chục lần vứt xe đạp tránh vào trong những hầm ếch đào sẵn ven đồi để tránh máy bay địch bắn phá dọc đường; và cũng trên dọc đường này đã nhiều lần tôi được làm quen với các ông lái chè vì các ông ấy mỗi lần nghỉ đều thích đánh giá và hỏi han về các xe đạp của bạn đường. Nói chung đường số 2 bây giờ chưa có gì thay đổi lớn về hình dáng, nhưng đây đó hình như đang có một sự sống mới nổi lên rạo rực, rộng lớn và mạnh mẽ. Chỗ ngã ba Phú Hộ vẫn có quả đồi với hàng cây rất đẹp của một con đường đồn điền khi trước. Nhưng hàng quán bớt đi, vì hiện nay với phương tiện ô-tô hàng và đường xe lửa, đây không thành một trạm nghỉ ngơi cần thiết nữa. Tuy vậy, trông vệt đường nhẵn nhụi, cỏ bên đường đầy bụi và bẩn thỉu thì ta đoán ngay được xe cộ đi lại chỗ ngã ba này nhiều biết bao nhiêu.
Chúng tôi qua Chân Mộng, Trạm Thản, không còn dấu vết gì của một trận đánh lớn nữa. Cách đây 9 năm thì dọc đường xác xe tăng, ô-tô nằm ngang, nằm ngửa, nằm nghiêng đủ kiểu, nhưng nay chỉ thấp thoáng đôi chỗ còn vài mắt xích xe tăng chỏng chơ lấp trong cỏ rậm. Nghe nói các hợp tác xã thủ công đã tìm thấy ở đây một kho nguyên liệu sắt thép dồi dào và đã ra công khai thác. Chỉ còn bên phải đường, một nghĩa trang liệt sĩ với đài kỷ niệm lớn đứng trầm ngâm yên lặng ở một chân núi vắng vẻ trang nghiêm. Chúng tôi trao đổi đôi câu về trận đánh lớn này, về sự cơ động linh hoạt, tinh thần dũng cảm của bộ đội ta và lòng xốn xang nhớ lại những lúc nhận nhiệm vụ tác chiến cực kỳ khó khăn trước đây. Lúc trước một trung đoàn đang tiến quân vào Tây Bắc đã có nhiệm vụ quay ngoắt trở lại hành quân thần tốc ngày đêm về giáng cho địch một đòn nên thân ở đây. Thế là Bộ Chỉ huy Pháp tưởng đánh vào lưng quân ta để đỡ đòn cho Tây Bắc, ai ngờ ở Tây Bắc, chúng vẫn bị ăn đòn nặng, mà chúng lại còn bị một nhát vào sườn điếng người. Quân đội Viễn chinh Pháp chạy về đến Hà Nội mà còn ghê người về cái quãng đường số 2 khủng khiếp ấy. Sự kiện ấy đã qua đi hơn 10 năm (từ 1952) thế mà khi qua đây tôi chợt thấy nó còn mới mẻ như mới hôm qua.
Dọc đường đi chúng tôi còn thấy đường vào nhà máy chè Phú Thọ, trước đây vẫn gọi là con đường “chè” nối liền đường số 2 với Thanh Cù, Vũ Yển, “thủ đô” của chúng tôi lúc đó, thấy những khu rừng thí nghiệm có biển đề “Khu thí nghiệm cải tạo rừng” với những hàng cây trồng rất đều, đẹp, bát ngát. Những “khu rừng cây mẫu” mà chúng tôi không hiểu tác dụng của nó lắm và rất nhiều đường ngang lớn đỏ lòm và lầy lội – đường lâm trường, thấp thoáng còn có nhiều khu nhà lớn, có bãi vô-lây có dây phơi quần áo, gợi nên hình ảnh những doanh trại trong rừng của chúng tôi ngày trước.
Đến Đoan Hùng chúng tôi nghỉ một chút để uống nước, định kiếm mua mấy quả bưởi Phủ Đoan nhưng chẳng có vì chúng tôi không ra tận bến phà, chúng tôi rẽ đi Yên Bái ngay. Ở đây phong cảnh vẫn ra chiều vắng vẻ nhưng bên cạnh bến phà cũng có mấy ngôi nhà lớn, màu đỏ làm sáng cả một vùng. Hồi kháng chiến có một lần tôi đi khai hội ở Bộ tổng tư lệnh mang tài liệu mật về đơn vị, đồng chí cần vụ thì lại hỏng xe phải tụt lại từ bên kia Đèo Khế. Một mình tôi đạp ra bến Bình Ca đi đò dọc về đến đây vào ngủ trọ một hàng cơm ở bến Đoan Hùng này. Buồn ngủ quá, tôi đã phải đặt “túi dết” làm gối đầu, quai “túi dết” quàng vào cổ, tháo dây súng ngắn quàng vào tay, súng lên đạn sẵn, khóa an toàn, buộc dây màn vào xe đạp dựng bên cạnh, lại buộc một dây nữa vào bánh xe đạp và cũng quàng vào cổ. Sáng hôm sau, cô con gái của quán trọ đánh thức tôi dậy, cứ đứng trố mắt mà nhìn tôi tháo các thứ dây dợ chằng vào người mà tủm tỉm cười. Về sau tôi cứ phân vân mãi không biết cẩn thận thế có khỏi thừa hay không?
Chúng tôi đã xếp chút ít thời gian vào xem công trường Thác Bà. Trong khi chờ đợi tìm người quen để nhờ đưa đi xem, chúng tôi bị hút ngay vào không khí vui tươi tấp nập của công trường. Hàng trăm nữ công nhân qua lại với xe bò, xe ô-tô, có cô trên người còn đang khoác cả những dây an toàn bằng da to tướng, có cô đi bốt cao cổ, có cô vừa đi vừa đá cầu. Đoán biết chúng tôi là “khách tham quan”, các cô chào hỏi ríu rít và không quên tán vài câu: “Các bác chụp cho chúng cháu mấy cái ảnh đang lao động đi” “chụp ảnh công trường phải có công nhân mới đẹp chứ!”.
Chúng tôi chịu là các cô lắm mồm và các cô vui lắm vì chúng tôi chưa kịp trả lời, các cô đã cười át cả tiếng chúng tôi rồi.
Gặp một thanh niên người nhỏ nhắn mặt rám nắng, quần áo cũng lôi thôi lem luốc như người khác, đội cái mũ cắt to vành, cầm cuộn dây. Một đồng chí trong đoàn chúng tôi là cán bộ phụ trách ở trường đại học bách khoa giới thiệu đấy là sinh viên bách khoa đi thực tập đấy. Về sau chúng tôi còn thấy nhiều người nữa như thế.
Đồng chí phó giám đốc công trường là cán bộ bộ đội chuyển ra (đồng chí Giám đốc thì đi họp vắng, cũng là cán bộ cao cấp ở bộ đội cũ) nên rất niềm nở nhiệt tình đón chúng tôi và say sưa giới thiệu. Đồng chí ấy biết chúng tôi không có mục đích đi sâu nghiên cứu mà chỉ đi xem có tính chất du lịch mà thôi. Đồng chí ấy nói rất nhanh, nhưng toàn những con số là con số. Hồ chứa nước của thủy điện Thác Bà chiếm diện tích của hai huyện rộng khoảng 80 km2, chứa được chừng 5 tỷ thước khối nước. Phải đắp một đập chính ngang sông và 16 đập phụ nối liền các khe núi. Đập chính phải đắp dài 500 m nối liền hai quả núi hai bên sông, chân đập phải dày đến 250 m. Phải đào xuống đáy sông sâu thêm 18 m, trong đó 14 m là đá, đập sẽ cao hơn mặt nước độ 60 m. Công trình này do các đồng chí Liên-xô giúp đỡ - đã có bốn, năm đồng chí lên đến nơi bắt đầu làm việc. Dự tính đến năm 1966 sẽ lắp tuyếc bin đầu tiên. Sẽ có ba tuyếc bin mới, tuyếc-bin 36.000 kW. Như thế công suất của đập thủy điện này là hơn 10 vạn ki-lô-oát. Sau này còn lấp một bến tàu đánh cá và do đó phải đắp một con đê quai mất độ 5 triệu thước khối đất. Ngay từ bây giờ khắp diện tích hồ 80 km2 phải nhổ hết cây rừng thì sau mới thả cá được, v.v… và v.v…
Chúng tôi đứng xem những khu công trường, những nhà máy đổ bê-tông đang xây, những cột dây điện cao thế để dẫn điện từ Việt Trì về cho công trường, những xe húc, xe xục, xe vận tải, những người đo đạc,… Tiếng máy, tiếng xe và tiếng các cô công nhân cười rất trái ngược nhau mà lại cũng rất nhịp nhàng với nhau. Nghe những con số, nhìn những máy móc phức tạp, lại nghe những vấn đề phức tạp về tổ chức, kỹ thuật nguyên liệu, thiết bị, những khó khăn về chính trị, tư tưởng của công trường, tôi cũng như đang nghe những vấn đề quen thuộc phải căng đầu giải quyết trước đây khi đi vào chiến dịch. Nhưng trước đây chiến dịch căng thẳng gay go chỉ độ mấy tháng, còn bây giờ công trường này hàng vạn người, triển khai từ 1960 mà có lẽ đến 1970 mới xong. Chà! một chiến dịch kiểu mới ghê hơn nhiều. Ngày xưa là oanh liệt, ngày nay còn oanh liệt hơn chứ.
Chỗ Thác Bà này cây cỏ đẹp lắm, sau này nhà máy Thủy điện hoàn thành thì chắc là phong cảnh rất nên thơ. Ngay từ bây giờ mấy ngôi biệt thự nho nhỏ xinh xinh núp dưới những cây cổ thụ lớn, mái ngói lóe lên như những bồn hoa rực rỡ xinh xắn bên cạnh dòng sông êm đềm, nước trắng và những triền núi xanh tươi với những làn mây nhẹ trắng mỏng như tơ nõn, cũng đã đầy vẻ hấp dẫn rồi.
Tối, chúng tôi đến Yên Bái, thấy nhà ga lớn, đường sắt chằng chịt, chúng tôi đi xem bên Ao Lâu. Thế là một lô tên địa phương và bến đò quen thuộc lại tranh nhau hiện lên và chúng tôi cũng tranh nhau nhắc lại: Nào là bến Mậu A, phố Hóp, ngòi Hóp, Cổ Phúc, Gốc Bàng, v.v… của chiến dịch Lý Thường Kiệt 1951. Nào là bến Hiền Lương, bến Văn Phu với những tên Đại Lịch, Đồng Bồ, Thượng Bằng La của chiến dịch Điện Biên Phủ. Bây giờ trông thấy ga Yên Bái tấp nập, tôi lại nhớ đến một buổi chiều vắng lắm tôi và đồng chí cần vụ đuổi theo bộ đội trên con đường sắt bỏ lâu ngày từ Yên Bái đi Cổ Phúc. Hai anh em vừa đi vừa chạy, thỉnh thoảng cũng tinh nghịch dắt nhau đi trên hai thanh đường ray – Mà cỏ mọc trùm cả lên. Thỉnh thoảng đôi bìm bịp sợ hãi bay vù từ đường vào bãi rậm. Lúc ấy cũng nghĩ đến khi đường sắt có tàu chạy rộn rã như bây giờ. Cũng như bây giờ nghĩ đến Thác Bà 10 năm sau. Cứ từng 10 năm một nghĩ tới thì dài, nhưng ngoái lại thì cũng chẳng bao xa – Bao nhiêu là đổi thay phấn khởi.
Bến đò Ao Lâu, nơi đây một lần đi chiến dịch Tây Bắc về tôi phải đi suốt đêm để kịp vượt đò trước sáng, tới Yên Bái mệt quá ăn bát bún riêu mà tưởng như một thứ yến sào gì đó hiếm có trên đời.
Cũng nơi đây một lần trời mưa mù chúng tôi hành quân qua phố ban ngày. Có một anh chàng bé nhỏ, chúa lười ngụy trang, hôm ấy anh chàng lại cố đi mượn vải dù khoác kín mít người để đi qua phố. Ai nấy ngạc nhiên về sau mới biết đêm qua anh ta ngã rách mất nửa cái quần, anh ta phải ngụy trang để qua phố cho oai.
Vẫn 4-10-1963
Hôm nay sáng sớm chúng tôi đã từ Yên Bái ra đi từ sáng sớm và con đường ngày hôm nay đi thì một phần rất lớn là con đường chúng tôi đã hành quân qua trong những chiến dịch Tây Bắc và Điện Biên Phủ. Chúng tôi tới Ba Khe, chỗ ngã ba : một đường đi Nghĩa Lộ và một đường đi Phù Yên qua đèo Lũng Lô là con đường 13B ta làm trong năm 1953 để chuẩn bị đánh Nà Sản và sau này đánh Điện Biên Phủ. Ba Khe trước có một cái đồn mà đơn vị chúng tôi tiêu diệt năm 1951 trong chiến dịch Lý Thường Kiệt. Chỗ ngã ba này bây giờ gọi là ngã ba Vực Tuần, có một phố nhỏ, có trường học, cửa hàng mậu dịch, biển chỉ đường, rõ ra một nơi sầm uất ở giữa núi rừng. Nhưng có một điều tôi không biết trước là vừa rẽ đi một tý thì có một nông trường. Đây là khu “Nông trường bộ”. Các đồng chí ở nông trường này trước cũng là bộ đội (sư đoàn 320) lập nên, gọi là nông trường Trần Phú. Có đồng chí Tốn trước là quản lý tiểu đoàn bây giờ là Trưởng phòng Kế hoạch của nông trường ra gặp chúng tôi nói chuyện. Nông trường này rộng ghê gớm: bề ngang từ chỗ cách Yên Bái 8 cây số vào đến gần Nghĩa Lộ dọc từ Ba Khe đến tận Phù Yên (Quang Huy) – Như thế đi từ đầu đến cuối nông trường có đến hàng 100 cây số. Nhưng đó là phạm vi của nông trường thôi chứ diện tích canh tác thì ít hơn nhiều. Nông trường đang giồng chè, chè ngon lắm. Chúng tôi đi vào con đường đèo Lũng Lô chỉ thấy đường quanh co rậm rạp, không nhớ lại được trước đây như thế nào. Vì trước đây, chúng tôi toàn đi đêm và khi đó chỉ thấy vách núi, dân công còn đang đốt đuốc phá đá, trên đường cái có ô-tô chạy ầm ỳ. Đường này bây giờ vẫn còn rậm rạp nhiều thỉnh thoảng có một đội bảo dưỡng đường đang làm việc. Đỉnh đèo có một “công trường” cưa xẻ. Ở đây lẻ tẻ từng đội thợ đang lầm lì làm việc trong rừng. Những gỗ xẻ xong được xếp cạnh đường – chắc có ô-tô sẽ đến chở về xuôi.
Ngày xưa chúng tôi từ trong rừng hiểm hóc lội bùn, lội suối hàng mấy ngày đêm đi ra đến đoạn đường mới làm này có chiến sĩ sướng quá nằm lăn ra đường hát om lên, vừa hát lại vừa nguyền rủa quân giặc, vừa hét lên: “chuyến này thì Tây chết với ông”.
Ngày nay chúng tôi từ những đường lớn hơn, nhẵn hơn, quang hơn, thẳng hơn đi vào đây tất nhiên không có cảm giác mới lạ như vậy nhưng nghĩ lại những kỷ niệm đó mới thấy con người ta nhìn sự vật bao giờ cũng có một sự tương đối rất hay. Ngày xưa, lấy tay đục được đường mà đi thì sung sướng la hét lên như vậy. Ngày nay, máy xúc, máy đào, máy khoan, mìn nổ thì nhiều lúc lại thấy những khó khăn đến bực mình khó chịu. Tất nhiên khối lượng và tính chất công việc ngày nay khác xa trước đây. Nhưng nếu có trông trước trông sau độ 10 năm, nhìn ra xa chung quanh mình độ vài trăm cây số thì có lẽ dễ thấy mình thanh thản hơn, yên tâm suy tính công việc hơn.
Chúng tôi “đổ dốc” Lũng Lô xong, lại “đổ dốc” đèo Ban thì ra đến cánh đồng Quang Huy. Ở đây tôi để ý tìm một bản cũ trước đây bị máy bay bắn cháy, nơi tôi buộc ngựa vào một cái cột nhà bị cháy cụt và ngồi cuốn thuốc lá hút, nghỉ cùng bộ đội và có một người đến tìm tôi chào và tự giới thiệu: “Em là thiếu nhi cũ của anh đây, bây giờ em là trung đội trưởng”.
Đó là một thanh niên khá tuấn tú, khỏe mạnh, cân đối cử chỉ dứt khoát, đẹp và vẻ quân nhân. Về sau này trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi đã phải đau lòng nghe tin chú thiếu nhi cũ của tôi hy sinh anh dũng.
Tất nhiên bây giờ tôi không thể tìm lại được cái chỗ chúng tôi đã ngồi nói chuyện với nhau khá lâu trong đêm hành quân cách đây hơn 10 năm rồi.
Đến phố huyện Phù Yên, chúng tôi nghỉ ăn cơm. Trong phố, hai cô thiếu nữ Thái, ngực đeo huy hiệu đoàn viên Thanh niên Lao động rất mới, lưng đeo giỏ đang chờ ở cửa hàng mậu dịch, tay cầm phiếu vải, các cô nói chuyện với chúng tôi một cách dè dặt. Đến lúc hỏi các cô có là dân quân không thì câu chuyện của chúng tôi trở nên thân mật hơn. Chung quanh nhiều thanh niên đi lại vui chơi – đó là những thanh niên của các đội bảo dưỡng đường, quê tận Hưng Yên, Thái Bình lên đây để có mặt thanh niên ở nơi cần và nơi khó.
Chúng tôi lại đi để leo qua một đèo dài nữa là đèo Phiêng Ban. Đỉnh đèo Phiêng Ban rất nên thơ, trước đây tôi chỉ qua ban đêm (3 lần tất cả) nhưng cũng biết nó là nên thơ. Ngày nay đi giữa ban ngày ngắm rõ phong cảnh thì thấy trước đây tôi đã đánh giá không sai. Đó là mấy quả đồi quang nối liền nhau, ven đường thỉnh thoảng có chòm cây cổ thụ cao đẹp, nhiều tảng đá lớn nằm rải rác xen lẫn với những lùm cây nhỏ xanh tươi. Trước kia khi hành quân qua đèo thì chỗ này bao giờ cũng là chặng nghỉ tương đối lâu. Chúng tôi uống nước hút thuốc lào, nói chuyện thăm hỏi nhau, có người rút sáo tre ra thổi vài bài, có người tranh thủ làm một giấc ngắn.
Một lần khi đoàn chúng tôi đã lên đường đi rồi, bước chân rậm rịch, súng va lách cách, lá ngụy trang kêu rào rào, còn một đơn vị khác đang nghỉ lại, một đồng chí đang thổi sáo bài sa mạc. Hình như tiếng sáo véo von mà tỏa ra ở nơi núi cao sông rộng thì nó hùng tráng hơn, trong sáng hơn, thấm thía hơn. Cho nên tôi thấy tiếng sáo dìu dặt du dương cũng rất ăn khớp với cảnh hành quân đêm rộn rịp.
Cũng trên đỉnh đèo này trong các chiến dịch máy bay địch bắn phá rất nhiều và đã có vài đồng chí cán bộ chiến sĩ hy sinh ở đây. Ngày nay đỉnh đèo không hoang vắng nữa, chúng tôi thấy khá nhiều nhà, chúng tôi liền đỗ lại trước một căn nhà năm gian bên cạnh một sân phơi khá rộng. Lại đúng ngay vào đó là trụ sở của hợp tác xã Văn Ban. Đây là hợp tác xã của đồng bào miền xuôi. Các anh chị em ở đây quê ở Văn Giang lên, kết nghĩa Văn Giang với Phiêng Ban nên gọi là Văn Ban, hiện nay hợp tác xã có 5 đội sản xuất trong đó một đội thủ công chúng tôi gặp 3 cô thanh nữ, 1 bác già và mấy thanh niên. Họ cho biết tuy còn nhiều khó khăn như thu hoạch đã khá và đời sống có cơ sở có thể phát triển vững chắc được. Các cô cho biết thỉnh thoảng họ cũng về quê chơi. Nếu không gặp xe hơi đi nhờ thì họ đi bộ hai ngày ra đến Yên Bái (đi khỏe thật) lên tàu hỏa về Hà Nội rồi đi bộ một lúc (độ 20 cây số) là về đến nhà. Chúng tôi được mời vào trong nhà uống nước. Chuyện trò râm ran đến gần một tiếng đồng hồ. Chúng tôi vui vì thấy nơi đèo hoang vắng đang được khai phá, tài nguyên của Tổ quốc đang được tìm tòi. Các anh các chị ở đây vui vì gặp người từ ở “xuôi” xa xôi lên qua thăm hỏi. Mãi đến khi có một người cưỡi ngựa lộp cộp qua đây chúng tôi mới lên đường. Cùng một lúc hình ảnh kháng chiến gian khổ khi xưa gợi lại, hình ảnh lao động cần cù khai phá ngày nay hiện ra sôi nổi và qua câu chuyện qua hình ảnh đoàn xe của chúng tôi, tất cả chúng tôi bàn tới chuyện ngày mai: từ Phiêng Ban sầm uất này sẽ nối liền với xuôi bằng những chuyến xe tấp nập khẩn trương ngày đêm.
Chúng tôi đi ra bến phà Ta Khoa, qua những chặng nghỉ của những cuộc hành quân năm trước. Tôi còn nhớ rõ một mép rừng tôi đã đi qua trong một đêm hành quân, rất nhiều đống lửa tiền trạm đang chờ đợi. Chà lúc ấy, gần sáng người đã mỏi, mắt đã cay, vai đã nặng trĩu xuống mà thấy trước mắt có đống lửa thì sung sướng vô cùng. Cái an ủi nhất đời lúc ấy là được hạ cái ba lô và súng đạn xuống, rút cái xẻng ra gạt qua chỗ đất, rải lá xuống, cắm cái cọc màn… Tôi đã được nghe thấy những chiến sĩ khi hỏi biết những người coi đống lửa không phải là của đơn vị mình thì cằn nhằn:
- “Mấy thằng tiền trạm nó mang nhẹ thành ra nó đi xa thế, không biết nó chọn địa điểm ở đâu?”
- “Đơn vị nào khôn thật có ngay tiền trạm ở đây? Mấy cậu tiền trạm nhà mình ngốc quá”.
- “Lần sau cứ làm một cái dây cho dài đúng 30 km buộc vào lưng nó thế là nó không đi quá được, ta ở đằng sau ta giật”.
Bến Ta Khoa hôm nay nước cạn sông hẹp có một đơn vị công binh đang học tập, anh em đang bơi. Qua phà xong, ở đoàn tôi xảy chuyện buồn cười: đồng chí họa sĩ đi trong đoàn trong khi chờ đò đem cả khăn mặt và áo may-ô ra phơi tranh thủ tý nắng rồi đi vẽ. Đến lúc xuống phà thì quên đi và vui vẻ như thường; ô-tô đã chuyển bánh được mấy trăm thước, đồng chí đó mới kêu toáng lên: “quên! quên!” – Ai nấy đều buồn cười nhưng hết sức lo ngại: chỉ vì việc cỏn con ấy mà có lẽ phải mất hàng tiếng đồng hồ: đường còn xa lắm, đã 4 giờ chiều rồi. Nhưng chợt có đồng chí nảy sáng kiến: bắc loa tay gọi sang bờ bên kia nhờ các đồng chí công binh chở chiếc thuyền cao su mang sang hộ - Các chiến sĩ công binh rất tích cực, 20 phút sau chúng tôi lại lên đường. Riêng tôi thấy rất vui: từ sáng đến giờ, gặp ai cũng thấy tốt, thấy đáng yêu cả, ở với nhau lâu ngày thì thế nào cũng thấy nhau có điều này điều khác. Nhưng mới gặp qua thì ai nói chuyện cũng hay, ai cũng biểu lộ tâm hồn cao đẹp, tinh thần hăng say tích cực. Như vậy rõ ràng con người lao động tốt thật và luôn luôn tốt.
Con đường từ Ta Khoa đi Cò Nòi rất nhiều kỷ niệm pháo binh – nhất là chỗ đèo Chen đã xảy ra đổ xe, các chiến sĩ pháo binh đã liều thân cứu pháo. Ở đoạn đường này đã nhiều lần các chiến sĩ pháo binh cao xạ căng thẳng rình nhau với máy bay địch. Và cũng quãng đường này bao nhiêu câu chuyện lún lầy, chống ngủ gật rất gian khổ của các chiến sĩ pháo binh đây.
Ngày nay con đường này chưa hoàn toàn tốt nhưng đã không còn chỗ lầy lún nữa. Chúng tôi qua phố Ta Khoa qua chỗ một đội địa chất lớn đang làm việc, cũng máy điện, máy khoan, ô-tô đầy cả một khu. Các đồng chí đó đang tìm mỏ đồng. Đến chập tối chúng tôi tới Cò Nòi. Từ đó chúng tôi đi trên đường cái số 6 (ngày xưa gọi là đường 41) quang, đẹp khá rộng và tốt. Tốc độ từ 25 km/giờ tăng lên đến 40 – 50. Từ Cò Nòi chúng tôi đi vào phạm vi những đội sản xuất như đội Ba Vì, đội Bình Minh… của nông trường Tô Hiệu trồng bông. Bông ở đây đại khái mỗi năm được khoảng 6 – 7 trăm tấn. Nhưng tôi nghe một đồng chí ở nhà máy dệt Nam Định nói bông ở đây cũng chỉ đủ cho nhà máy dệt Nam Định chạy từ 10 – 15 ngày. Nếu cần cho nhà máy dệt Nam Định (chưa nói đến nhà máy dệt 8/3) đủ chạy cả năm thì cũng cần phải có đến 20 nông trường rộng lớn như nông trường Tô Hiệu này.
Chúng tôi vào ăn cơm nhờ ở một đơn vị bộ đội. Các đồng chí ở đơn vị này rất niềm nở nhiệt tình, các đồng chí rất hoan nghênh chúng tôi đi để viết lại Điện Biên. Đây là một đơn vị tiền tiến – Các đồng chí đó tự túc được hai tháng lương thực và nhiều thành tích học tập, sẵn sàng chiến đấu tốt.
Tôi đi qua Hát Lót và đến ngủ ở Nà Sản. Hát Lót ngày nay sầm uất quá. Trong chiến dịch Tây Bắc khi đưa quân lên đánh Nà Sản tôi đã đi một đêm suốt từ dưới Yên Châu lên Hát Lót khoảng gần 50 km. Hôm sau mệt quá đến nỗi tôi phải vừa họp vừa ngủ và tôi chỉ tỉnh được mấy phút nhưng khi tiếng bom nổ nẩy cả đất chỗ tôi nằm lên, tỉnh ra phát biểu ý kiến xong lại ngủ…
Nà Sản năm 1952 – 1953 địch đóng tập đoàn cứ điểm với 28 cứ điểm lực lượng tương đương hơn chín, mười tiểu đoàn. Lúc ấy lực lượng ta đã cuối chiến dịch nên không giải quyết được… Nhưng tiếng Gò Hời, Bản Vạy… lại gợi lên những kỷ niệm, những kinh nghiệm.
Tối hôm qua chúng tôi nghe đài phát thanh tường thuật bóng đá trận “Thượng Hải – Đường Sắt” nhưng mệt quá, nhiều đồng chí đã ngủ trước khi trận đấu kết thúc.
5-10:
Hôm nay chúng tôi qua Sơn La vào thăm mộ anh Tô Hiệu, chỗ này người ta đang xây một cái lăng, nhưng kiểu lăng còn sơ sài và vụng về quá. Ở Sơn La đang có đại hội tỉnh Đảng bộ, phố xá rộn rịp, đầy băng cờ, khẩu hiệu. Chúng tôi đến xem nhà tù. Kể từ hòa bình lập lại, tôi trở lại xem nhà tù lần này là lần thứ ba. Hiện nay, các tòa nhà cũng vẫn chỉ còn là những đống đổ nát, ta đang có ý định xây dựng lại một ít. Các di tích bây giờ được chú ý gìn giữ và có ghi chú để giới thiệu. Bây giờ tôi cũng mới biết cái nhà tù này được xây từ năm 1907 từ lúc tỉnh Sơn La còn gọi là tỉnh Tả Bú. Và cho đến 1930 thì được mở rộng thành hình đầy đủ như dấu vết ngày nay, chúng tôi xem “ca-sô” (hầm xà lim) nghe kể lại cuộc đấu tranh oanh liệt của tù chính trị ngày 13-5-1941: 156 người phải nhốt xuống các nhà hầm chỉ đủ cho độ 20 người trong các xà lim chật hẹp này; các đồng chí đã nhịn ăn 12 ngày và bị bọn công sứ, cai ngục bắt nhịn nước 6 ngày. Tôi đã biết nhiều chi tiết về cuộc đấu tranh này mà bây giờ nghe lại vẫn thấy rưng rưng khó chịu trong người. Chúng tôi lại nghe kể cuộc tuyệt thực thứ hai (31-8 đến 4-9-1943) sau vụ vượt ngục của anh Nguyễn Văn Trân, anh Đ. v.v… và tôi cũng có tham gia cuộc tuyệt thực này.
Sau đó tôi dẫn anh em đi xem và kể thêm một số chuyện cụ thể của nhà tù hồi đó nữa (tôi ở nhà tù Sơn La từ năm 1942 đến đầu năm 1944) chúng tôi xem nơi giam cuối cùng của anh Tô Hiệu, xem cây đào Tô Hiệu, xem nhà làm gạo và giếng nước của nhà tù.
Chúng tôi cũng đi quanh đồi để ngắm thêm ngôi nhà bốn tầng đồ sộ của Ủy ban hành chính khu tự trị Tây Bắc, nhà giao tế và nhà của Khu ủy. Chúng tôi ngủ trưa ở Sơn La và chiều lên Thuận Châu nghỉ ngơi lấy sức để hôm sau vượt đèo Pha Đin vào thẳng Điện Biên Phủ.
Tối ở Thuận Châu, chúng tôi ôn lại những kỷ niệm về cuộc hành quân của các đơn vị lên Điện Biên Phủ hồi năm 1953 – 1954.
6-10:
Dọc đường từ Sơn La đi Thuận Châu chúng tôi đã thấy những cơ sở của hợp tác xã Ninh Thuận (Ninh Giang, Thuận Châu). Đi khỏi Thuận Châu một đoạn, gần đến chân đèo Pha Đin thì tôi để ý tìm tòi một chỗ kỷ niệm trong cuộc hành quân đi Điện Biên Phủ của tôi. Lúc ấy bộ đội đi đường rừng từ Ta Bu đến Thuận Châu, trú quân cách Thuận Châu mấy cây số. Đêm ấy vừa lúc tối mịt thì chúng tôi đổ ra đường cái. Chúng tôi hành quân rất vui vì đường lớn, ít dốc, có ô-tô chạy ầm ầm, có máy bay địch lượn, có dân công ríu rít. Tôi và một số cán bộ cưỡi mấy con ngựa chạy nước kiệu lướt qua các đơn vị, vó ngựa nện xuống đường đá lốp đốp nghe vui tai. Chiến sĩ hào hứng hét lên:
- “Như hệt phim Nam chinh Bắc chiến”.
Đến gần nửa đêm thì bỗng đằng sau tôi có ánh đèn rồi tiếng còi ô-tô, hai chiếc xe díp con vừa sát đến chỗ tôi thì có tiếng máy bay. Ô-tô tắt đèn tắt máy nép vào bên đường. Tôi ghìm ngựa quay lại, bỗng tôi nghe tiếng miền Trung quen quen: “Độ đấy à?”. Tôi lại gần, té ra anh Văn (Đồng chí Võ Nguyên Giáp). Tôi mừng quá vì như thế là gặp nhau cả ở đây rồi. Chiến dịch này thì phải biết. Tôi vội xuống ngựa, chào anh Văn và sau đó chúng tôi đứng ngay bên đường nói chuyện, máy bay vẫn lượn và thả đèn dù sáng rực cả đường. Cán bộ bảo vệ đến yêu cầu chúng tôi đi sâu vào bụi cây bên đường cho đỡ lộ. Nhưng anh Văn bảo thôi cứ đứng mép đường tốt hơn.
Máy bay lại vòng lại thả đèn dù lần thứ hai, các cán bộ bảo vệ vội đến can thiệp cho là quãng đường này trống, có thể nó thấy bộ đội ta hành quân cần phải tránh ra xa ngay và các đồng chí yêu cầu anh Văn lên xe, để xe lợi dụng đèn dù không cần bật đèn, phóng thật nhanh qua khu vực nguy hiểm. Anh Văn tiếc rẻ bắt tay tôi và hẹn sẽ gặp lại ở địa điểm mới cách Tuần Giáo 15 km trên đường đi vào Điện Biên Phủ.
Xe anh Văn đi được mấy phút thì máy bay lại quay trở lại thả đèn dù lần thứ ba. Chúng tôi cũng thúc ngựa chạy nước kiệu đi ven đường. Đèn dù tắt được một lúc thì lại nghe tiếng máy bay bay đến rồi thấy một thứ tiếng rào rào như nước chảy. Bộ đội nằm nép cả xuống, tôi vội nhảy xuống ngựa và chưa kịp nằm thì nghe đánh bục một cái và mấy đống lửa bùng ngay lên bên cạnh nóng rát cả người, tôi chợt hiểu ngay là bom na pal. Tôi vội kéo con ngựa ra xa và tìm khe để nằm xuống đề phòng nó ném bom nổ. Lại một loạt bom nữa nổ và tiếng lửa cháy sèo sèo. Một anh cán bộ kêu to lên “Anh Độ bỏ ngựa ra sao cứ giữ bên cạnh lộ hết bây giờ!”.
Quả thật tôi nằm, nhưng con ngựa vẫn đứng và cứ vùng vằng. Tôi đành phải bỏ ra nhưng lo quá: “chăn màn buộc hết cả trên yên ngựa”. Về sau phải đi tìm con ngựa, mệt quá. Máy bay địch hung hăng thế nhưng cả đoàn quân ta đi cũng chả ai việc gì.
Đến chân đèo Pha Đin chúng tôi rẽ vào thăm hợp tác xã Bình Thuận (Thái Bình – Thuận Châu) chúng tôi gặp đồng chí Xường, phó chủ nhiệm hợp tác người Vũ Tiên, hợp tác xã này gồm dân 6 huyện của Thái Bình có hơn 200 gia đình và ngót 100 thanh niên, tất cả hơn 1000 nhân khẩu. Có hơn 300 héc ta đất canh tác. Trước, hợp tác xã cấy lúa nương nhưng không đủ phân, sản lượng mỗi năm đều sút đi rất nhiều, nay chuyển sang giồng cây Màng tang (menthol). Cây này đẹp lắm, lá như lá đào, dáng cây lại như cây phi lao – mọc rất nhanh, một năm lên cao được đến 3, 4 thước. Đồng chí Xường dẫn chúng tôi đi xem một cái nhà mới dựng có hai nồi nấu dầu màng tang mới lắp xong, hợp tác xã này sẽ chuyển hướng giồng cây công nghiệp – hiện đã có 3 ô-tô vận tải, 200 bò, 300 lợn, v.v… có một trường cấp hai dạy hơn 200 em. Hôm nay chủ nhật, các thày giáo nghỉ ngơi ăn mặc đẹp đẽ. Các cô xã viên đang ngồi ăn khoai lót dạ buổi sáng ríu rít gọi mời chúng tôi. Trong phong cảnh có vẻ phồn thịnh, đồng chí Xường nói với chúng tôi về nhiều khó khăn, nhưng với giọng rất tin tưởng vào tương lai hợp tác xã.
Lên đỉnh đèo, chúng tôi kể lại cho nhau nghe các chuyện vượt đèo trong chiến dịch. Lần ấy đơn vị tôi lại không qua đèo theo đường cái mà vòng vào một con đường qua các bản Mèo ở phía Tây đèo. Khi đến gần chân đèo bên kia chúng tôi trú quân ở mép rừng suốt ngày nghe bom rít trên đầu, vì máy bay địch cứ lượn qua đầu chúng tôi trút bom xuống mấy đoạn đèo hiểm yếu phía Bắc.
Lần này thong thả qua đèo, tôi mới biết là đèo này có đến 3 đỉnh.
Đến đỉnh thứ ba, một cảnh tượng bất ngờ hiện ra: một khu nhà ngói nhỏ, mái đỏ chói hiện lên rực rỡ giữa vùng cỏ gianh xanh bát ngát và giữa màn sương mù trắng đục (ở đỉnh đèo này có khi sương mù suốt ngày). Chúng tôi vội đỗ lại và vào xem. Đây là một đài khí tượng mới xây, còn chưa hoàn thành. Chúng tôi gặp một thanh niên ở xuôi (Nam Định) lên công tác ở đây. Anh chàng này chắc đang bất mãn về cảnh đèo heo hút gió này. Anh ta nói chuyện nghe rợn cả người:
- Ở đây ăn hết có 6 đồng một tháng vì chỉ mất có tiền gạo còn không có cái gì ăn khác cả, muốn lấy cái gì ăn thì phải đi một ngày đường – có lấy thịt mang về đến nhà thì thiu ra rồi, nuôi gà thì gà rù, nuôi lợn không có gì cho lợn ăn, trồng rau không có nước tưới, muốn có nước phải leo 3 km đường dốc,
- Ở đây chẳng có bạn bè với ai, chỉ có cọp, cọp về luôn, có khi ngồi ngoài đồi làm việc, cọp đi diễu quanh nhà. Có khi sáng sớm dậy thấy vết chân cọp đầy cả ở hè. Có được hai khẩu súng trường cổ lỗ sĩ với 6, 7 viên đạn, nhưng chắc đạn thối, v.v…
Chúng tôi ngán ngẩm quá với cái anh chàng “không có lối thoát này” – Chúng tôi đi, thử chú ý kiểm tra xem những lời anh chàng này có đúng không, xe mới lượn mấy vòng đèo thì chúng tôi đến một cơ sở của một bộ phận công nhân giao thông, có một căn nhà gỗ 5 gian lợp gianh chắc chắn xinh xắn cổng đề mấy chữ “Cung I – hạt I – Lai Châu”. Xem ra đi đường cái vòng vèo cách “tòa” nhà ngói kia chỉ độ gần 2 km. Đứng ở đây ngửa cổ còn nhìn thấy mái ngói đỏ chói đằng kia.
Ở đây có vườn hoa (dù chỉ là hoa mào gà, vạn thọ) có chuồng gà, chuồng thỏ, có giồng chuối, có vườn rau muống, v.v… Chúng tôi gặp hai thanh niên một anh ở Thanh Liêm, Hà Nam, một anh ở Xuân Trường, Nam Định. Các anh bảo: ở đây tuy vắng vẻ nhưng khá dễ chịu. Ở đây có 11 người cả nam cả nữ, hôm nay các cô đi Tuần Giáo họp đại hội thanh niên lao động, đồng chí hạt trưởng ở đây đã 12 năm lấy vợ người địa phương, v.v…
Chúng tôi bàn tán rất sôi nổi về cái anh chàng bất đắc chí ở ngôi nhà ngói trên kia – Chúng tôi đã đi qua 35 km đường đèo.
Buổi trưa chúng tôi ăn cơm ở Tuần Giáo và đi thẳng vào Điện Biên Phủ. Chúng tôi đã đi qua các hợp tác xã Quyết Tiến ở bản Xuân Tre ngay chỗ cây số 15, nơi rẽ vào chỉ huy sở của Bộ tư lệnh chiến dịch hồi 1953, 1954, nơi đó Bộ tư lệnh chiến dịch họp cán bộ trong một hang đá để phổ biến quyết tâm lần thứ nhất. Hợp tác xã toàn người Thái Bình này đang làm làng mới, chúng tôi thấy mấy thanh niên đang đánh ping pong trong một căn nhà câu lạc bộ lợp gianh, một em bé gái độ 7, 8 tuổi cứ ríu rít mời “các anh bộ đội vào nhà em chơi”. Chúng tôi lại đi qua hợp tác xã Tiền Phong ở Mường Ảng, cũng toàn người Thái Bình, bên cạnh đó có một “trường Đoàn”. Hôm nay họ cũng đang họp đại hội Đoàn thanh niên lao động, rất nhiều các cô các cậu, mặc quần áo chủ nhật lịch sự, đẹp đẽ và tươi vui. Trường này của công trường 426 là công trường làm đường bằng máy móc ở khu vực này (gọi là đội thi công cơ giới). Sau đó chúng tôi qua đèo Tầng Quái dài 9 km rồi đi vun vút vào Điện Biên Phủ. Đường bây giờ tốt gần như đường số 6 chứ không chật hẹp như hồi trước chúng tôi hành quân: trâu chặn xe ô-tô, ô-tô húc trâu, v.v…
Chúng tôi đến Điện Biên Phủ một buổi chiều nắng đẹp có cuộc đấu bóng rất sôi nổi ở sân vận động của bộ đội.
8-10:
Thế là tôi ở Điện Biên Phủ đã được hai ngày. Ngày hôm qua chúng tôi đi lại gần khắp Điện Biên Phủ, chúng tôi thăm nhà bảo tàng. Tiếc rằng “nhà bảo tàng” còn bé quá và ở một chỗ không thích hợp lắm. Chúng tôi thăm các nghĩa trang liệt sĩ ở chân đồi A1, ở chân đồi Độc Lập và ở gần Him Lam. Chúng tôi muốn lên các đồi xem lại, nhưng chỉ lên được đồi A1; các đồi khác rậm quá và vẫn chưa hết mìn. Ngay khi chúng tôi đang ở dưới chân đồi Him Lam đứng ngắm lên sườn đồi, nơi dựng cái bia chỗ Phan Đình Giót hy sinh thì xa xa có tiếng nổ - Anh em bảo “mìn đấy!” và kể chuyện là mới cách đây một tuần có một cụ già chăn trâu lạc lối vẫn bị vướng mìn nổ. Trên đồi A1, hiện nay có một đài kỷ niệm khá lớn và có một căn nhà gỗ làm nên để bảo quản xác cái xe tăng địch phản kích lên bị ta bắn vỡ. Bên cạnh có hai mộ của hai đồng chí hy sinh ở đây. Đồng chí Lê Sơn trước là cán bộ tiểu đoàn đánh A1 dẫn chúng tôi đi xem cái hầm ngầm ở A1 và nơi nổ quả bộc phá 1000 cân nổi tiếng hiện nay thành một cái giếng cạn sâu thẳm, cỏ mọc chung quanh.
Chúng tôi đi qua cầu Mường Thanh xem lại hầm Đờ-cát. Chỗ này trải qua mưa nắng đã nhiều, nay chỉ còn mấy phiến sắt cong nằm xiêu vẹo và một vài vết lồi lõm trên đất mà thôi.
Quanh đó rải rác hai chiếc xe tăng nằm trơ trẽn vô duyên và bất lực. Một chiếc thì có một thanh niên ngồi vắt vẻo vừa đọc sách vừa trông hai con trâu gặm cỏ hiền lành bên cạnh, trên chiếc khác một bác nông dân đang đùa với mấy đứa nhỏ - một đoàn em gái chăn trâu qua đấy, những con trâu béo núc ních đi qua nhìn những chiếc xe tăng bằng con mắt bình thản, hình như chúng đã quá quen thuộc với hai đống đen đen trên bãi cỏ ngon của chúng rồi, đối với chúng bây giờ không có gì đáng để ý cả.
Chúng tôi đi xem chỗ các đồng chí ta xây bệ bảo quản một khẩu pháo 155 hỏng và đi qua sân bay lên phía đồi Độc Lập. Trên đồi Độc Lập, chỗ mà ngày xưa bộ đội ta đánh phá hàng rào bị lạc hướng cứ dọc theo hàng rào phá mãi, thì nay thấy sắn lên nườm nượp rất xanh và rất đẹp, ở ngay chân đồi Độc Lập có hai căn nhà lá, cùng với bờ dâu, vườn rau, bụi mía. Nhìn qua, tôi bỗng có ngay cảm giác là khu nhà này của người ở Thái Bình lên. Quả nhiên đó là 2 gia đình ở Trà Hương, Kiến Xương, Thái Bình lên thật. Ở Điện Biên Phủ và chung quanh Điện Biên Phủ nhiều người Thái Bình lắm. Khi chúng tôi thăm một suối nước nóng ở gần bản Noong Luông (phía dưới Hồng Cúm) thấy có một số nhà bên suối, tôi hỏi thăm một bà Mé Thái: bản gì? Bà cụ bảo “Bản Thái Bình”. Tôi nghĩ mãi sao lại có tên lạ thế. Về sau đến gần hỏi mới rõ đó là cơ sở của hợp tác xã đồng bào Thái Bình lên tên là “Hợp tác xã A1” - Ở đây có hai hợp tác xã như vậy. Ngoài này là hợp tác xã A1 và trong Mương Phăng cách Điện Biên Phủ 15 km chim bay về phía đông, nơi chỉ huy sở của Chiến dịch cũ có HTX gọi là Tô Vĩnh Diện.
Chúng tôi cũng vào cả Mương Phăng, đi theo con đường kéo pháo cũ, ở đó hiện nay có một cơ sở chăn nuôi của bộ đội, ô-tô phải đi toàn số 1 – Trong vùng Mương Phăng này có một hợp tác xã mua bán vào đó tôi lại thấy một cô người huyện Vũ Tiên, Thái Bình bán hàng và nói tiếng Thái rất thạo, có một rừng ổi rất lớn, đang mùa ổi, chúng tôi ai nấy đều ăn căng bụng và vác một vác tướng mang về - ổi rất ngon – Cách chỗ chỉ huy sở cũ là một đội sản xuất của hợp tác xã Tô Vĩnh Diện. Đó là đội 3, một số thanh niên ở đây còn nhớ nhà tợn, có cậu xin đi phép xong ở nhà luôn – Các cô kêu buồn vì vắng quá muốn ra Điện Biên chơi phải đi mất hơn một buổi leo qua dốc Tà Lèng nơi có trận đánh nổi tiếng của dũng sĩ đâm lê Hoàng Văn Nô. Tôi hỏi xem anh chị em có biết lịch sử của mảnh đất này không? Ai nấy đều nói rất rõ là có hầm của Đại tướng chỉ huy đánh Điện Biên, nhưng anh em không biết ở chỗ nào? Vì thực ra rất ít người biết, chúng tôi cũng tìm mãi mới được một đồng chí ở phòng Văn hóa huyện trước là bộ đội đã biết chỗ này và vẫn lui tới luôn mới nhớ được chỗ mà dẫn đường. Đó là một khu rừng rất đẹp và rất hiểm trở. Phải đi qua một hẻm núi khá dài mới vào đến chỗ ở thật kín đáo mà lại nên thơ nữa. Đây là chỗ chỉ huy sở thứ 3 và cũng là chỉ huy sở ở lâu nhất của Bộ tư lệnh mặt trận. Chúng tôi dò theo gờ đất mà đoán những chỗ nền nhà, chỗ miệng hầm và chỗ hội trường, v.v… chứ thật ra một người bình thường đi qua rất khó mà tưởng tượng được trước ở đây đã có lúc cuộc sống sôi nổi như một thành phố : có khai hội, có đánh bài, có chiếu bóng, v.v… kéo dài mấy chục ngày. Cứ qua chỗ nào có cánh đồng hơi rộng tôi cũng tưởng tượng ra chỗ duyệt binh chiến thắng ngày trước, nhưng rút cục nhiều chỗ quá, không biết là nó ở đâu. Trong chỉ huy sở anh nào cũng tìm một vài chỗ và nhất định chỗ này là bãi chiếu bóng hồi đó và không ai chịu ai.
Chúng tôi xem cả hồ Huổi Phạ, nơi định lấy nước tưới cho những cánh đồng phía đông Mường Thanh, qua chỗ công trường định làm thủy điện ngay đầu con sông Nậm Rốm.
Chúng tôi có một buổi tối gặp các đồng chí trong huyện ủy kể lại chuyện xưa. Chúng tôi gặp đồng chí Khảo hiện là phó bí thư huyện ủy. Trước đây đồng chí là cán bộ dân vận của sư đoàn 316, gặp đồng chí Đôi, người Thái, Hồng Lêch (xã Thanh Yên) hiện là huyện ủy viên. Các đồng chí kể lại nông nỗi gian truân khi địch nhảy dù, những kinh nghiệm công tác của các đồng chí. Qua đó tôi biết thêm một chuyện là trong lúc ta đánh Điện Biên Phủ như thế các đồng chí này đã tổ chức được những đội du kích hoạt động trong lòng địch. Đội du kích Long Nhai nhiều thành tích nhất có hơn 20 người được phát 15 khẩu súng.
Chúng tôi biết thêm những sự phân biệt giữa Thái trắng và Thái đen: Thái trắng không “tăng câu” (khi lấy chồng dựng búi tó ngược lên) mặc áo trắng, áo hoa, áo cắt vai, khăn phiêu trắng; Thái đen có “tăng câu” áo đen (cũng có cả áo hoa) áo không cắt vai, khăn phiêu đen, v.v…
Chúng tôi cũng có đi chơi vào bản nhưng gặp lúc dân bản đi làm vắng cả, ít gặp người. Có điều thú vị là ngay từ đầu bản tôi đã được thấy tất cả các vật liệu chiến tranh của quân đội viễn chinh Pháp đều rất được việc trong các hoạt động đời sống ở đây. Chúng tôi qua sông Nậm Rốm ở một chỗ sâu phải đi mảng kéo dây. Dây để kéo mảng ở đây là những sợi dây dù chắp lại rất chắc – 9 năm rồi đấy! gặp mấy người gánh nước bằng thùng, dây thùng cũng là dây dù. Một nhà có một nửa thùng phuy ét xăng bổ dọc làm một cái máng lớn bắc trên sàn đổ đất vào giồng hành ; các thứ đựng nước ở đầu nhà là bi đông ét xăng của ô-tô, của tàu bay, các thứ vỏ đạn đại bác – đuôi bom làm giá chậu rửa mặt mà chậu rửa mặt là cái mũ sắt, có một nửa quả bom làm máng cho lợn ăn – Các chân cột đều được bọc bằng vỏ hộp đựng đạn đại bác có cả một cái cối giã gạo mỏ chày cũng bịt bằng vỏ viên đạn 105 ly bằng đồng sáng loáng; có một cái xe bò mà bánh xe là bánh xe tăng rất nặng nề. Nhiều nhất là dây thép gai; rào vườn cũng dây thép gai, rào nhà cũng dây thép gai, chuồng lợn, chuồng gà, chuồng trâu đều có vẻ như cứ điểm phòng ngự của Pháp cả, dây thép gai dày đặc. Thế mà mỗi nhà còn rất nhiều cuộn vất lăn lóc hoặc xếp gọn gàng dưới sàn nhà để dự trữ nữa. Chúng tôi vào một nhà chơi còn thấy trong nhà hai tấm vải bạt lớn còn nguyên giải giữa nhà…
9-10:
Chúng tôi đi Tây Trang để thăm qua đồn biên phòng trên đó xem con đường mà địch định rút lui năm 1954 nó thế nào? Trên con đường này hiện đang có rất nhiều công nhân làm đường, dọc đường rất nhiều những “doanh trại” của các đội công nhân, tiếng mìn nổ liên tiếp. Đặc biệt đội công nhân này có rất nhiều phụ nữ, và rất trẻ. Nam cũng như nữ trông ai cũng khỏe mạnh tuấn tú cả, có nhiều cô đã trắng trẻo mặt hiền dịu mà lại đang đứng chênh vênh trên sườn núi giữ choòng và quai búa để đục lỗ mìn, trông rất hiên ngang, nhiều đồng chí cứ tấm tắc: Trông như những nàng Tiên.
Đồn biên phòng Tây Trang thì thật là “biên phòng”, đồn ở giữa một khu đồi cao, cỏ gianh bát ngát; hai cái vọng gác đặt bên đường cái lại có cái chỏm như mũi mác coi cổ kính, tưởng như cái đồn này đặt ra từ ngày nào lâu lắm còn lại đến bây giờ. Khi trở về chúng tôi vào thăm đền Bản Phủ, nơi di tích lịch sử nổi tiếng của Điện Biên Phủ. Chúng tôi phải chui qua nhiều bụi tre gai rậm rịt mới vào được đến một khu hoang tàn có một căn nhà gỗ rộng lớn nhưng đã đổ nát. Tuy nhiên cứ xem những cây cổ thụ quanh đây, xem quy mô những bụi tre gai khắp vùng này, xem cách bố cục những bãi phẳng những ao hồ chung quanh thì thấy rõ ở nơi này trước đây quả là một khu vực được xây dựng đồ sộ uy nghiêm. Chúng tôi nghe những truyền thuyết “đạn vàng đạn bạc”, để thu lượm cho quyển sách về Điện Biên Phủ càng thêm phong phú.
Chiều nay tạm gọi là hết chương trình. Tôi ngồi nghỉ ngơi trên sân nhà khách, ngắm nghía lại Điện Biên Phủ cho kỹ lần nữa rồi mai về. Quả đồi mà tôi ngồi hiện nay là quả đồi mâm xôi ở giữa ba cái đồi D và hai cái đồi C. Ở đây có thể nhìn thấy đồi E sân bay, nhìn thấp thoáng cái làng bản ở trong thung lũng, nhìn thấy phố huyện, cái doanh trại bộ đội, nhìn thấy dãy núi Pú Tà Cọ phía Tây Điện Biên. Hôm nay cũng như mấy ngày qua Điện Biên nắng đẹp lắm. Và bây giờ khắp Điện Biên cũng đang tắm mình trong ánh nắng rực rỡ. Nhưng màu xanh, tươi hẳn lên và thắm lạ lùng, màu tường vàng, mái đỏ thì sáng rực lên chói lọi như có ý muốn lấn át cả màu xanh bát ngát chung quanh; dãy núi xa xa thì màu xanh lại sẫm lại và như hiện lên dưới một tấm màn trắng rất mỏng, cứ yên lặng kiên nhẫn nằm dài, thỏa mãn như chưa hề bao giờ phải suy nghĩ về sự thay đổi. Mấy cây trẩu ngay trước mắt chúng tôi thân và lá như viền nắng tô điểm vào cả bức tranh rộng rãi những nét khỏe và đẹp. Trước mắt chúng tôi là con đường cái chạy dọc cánh đồng Điện Biên. Thỉnh thoảng một xe ô-tô ì ì chạy bốc bụi đỏ tung lên, những anh bộ đội đi tập về vừa đi vừa hát, những anh công nhân qua lại vẻ tất tả vội vàng, vài anh cán bộ đạp xe ngược xuôi, các cô nông trường viên, công nhân xây dựng áo màu, quần đen dài và những cô gái Thái đi chợ, hàng khuy bạc lấp lánh trước ngực, váy dài tha thiết, điểm vào giữa dòng người những nét dịu dàng thân thiết và đầm ấm lạ thường. Ngồi trước cảnh này, vừa có cảm giác là ngồi gần một thị trấn sầm uất, lại vừa có cảm giác ngồi bên một công trường lớn, lại có cảm giác ngồi trước một hội mừng công, một cuộc họp mặt ấm cúng của một gia đình, một đoàn thể nào…
Tôi biết chắc rằng ở những dãy núi yên lành kia, ở con đường thanh bình này, ở những nơi bây giờ có mái ngói chói lọi kia, hơn 9 năm trước đây đã bao nhiêu là mồ hôi, nước mắt, máu xương, sắt thép, tiếng nổ, lửa khói, bao nhiêu cánh tay đào đắp, bóp cò súng ném lựa đạn không mệt mỏi, bao nhiêu tâm hồn căng thẳng, hàng vạn con người mình đầy khói súng và bùn đất bụi bặm, mồ hôi… Và tôi cũng còn nhớ như in buổi chiều mùa hè năm ấy tôi đi thăm lại chiến trường sau chiến thắng: những đoàn tù binh, những đám thương binh địch, những cỗ pháo bị phá hủy, những hầm hố nham nhở và một chiếc xe vận tải của ta vừa vô ý vấp mìn bị lật tung và nằm nghiêng ra đó, bao nhiêu tiếng reo vui, bao nhiêu phát súng chào bắn vô kỷ luật lên giời, mấy đàn quạ nháo nhác và hăm hở kiếm mồi, những mùi nồng nặc của thuốc súng, bông băng, mồ hôi, mùi khét lẹt của đám cháy, mùi hôi thối của các xác chết… Thế mà bây giờ hình dung lại cố tưởng tượng xem nó đã như thế nào ở con đường kia, ở những mái nhà kia, ở những đám khói xanh uốn éo kia, tôi không nghĩ ra được, trong người tôi cứ có một cảm giác bướng bỉnh rằng những điểm tôi nói trên là chưa hề bao giờ đã xảy ra. Điện Biên Phủ vốn nó vẫn thế này đây! nó không bao giờ có những chuyện kia đâu. Tôi lại ngồi tưởng tượng lại những cảnh, những nét tôi vừa gặp qua: trong nông trường mấy đồng chí phụ trách đang vội vã giở sổ báo cáo đồng chí Trung ương ủy viên lên thăm: Nông trường có 2367 nông trường viên, có 1509 trẻ con 80 cụ già, năm 1963 có 59 % gia đình đẻ con như vậy nhân số tăng 19 % so với dân số nông trường. Nông trường quy hoạch có 3000 héc-ta, nhưng thực tế đang sử dụng 2000. Đang trồng cà phê 350 héc-ta, trồng lúa 650 héc-ta, trồng ngô xuân, ngô thu, mía, cam, táo… đang thí nghiệm sản xuất sữa trâu, sữa bò, có 19 máy kéo, đã cơ giới hóa toàn bộ cày bừa, v.v… Mấy đồng chí khác hối hả gọi anh em chạy đi lấy kem của nông trường về nơi khách dưới xuôi lên ăn tạm cho vui… Nông trường hiện đang gặp khó khăn, tính toán không khéo thành ra cả năm thì lãi mà hiện tại thiếu tiền, lương thực thì đủ, nhưng điều hòa không khéo có lúc phải ăn toàn ngô, v.v…
Ở Huyện đội, các đại biểu xã và các dân quân tiền tiến đang họp đại hội tổng kết thành tích công tác, đồng chí Đôi huyện ủy viên trước đây là du kích trong kháng chiến đang động viên hội nghị. Các cán bộ ở huyện đội đang bận bịu chuẩn bị quà tặng cho các anh chị em đi về và sửa soạn bữa liên hoan… Trong doanh trại bộ đội, ban chỉ huy đang hội ý tình hình, tính toán đường hành quân và thời gian xuất phát, xe cộ bảo đảm cho sáng sớm mai một tiểu đoàn đi diễn tập… Trong bản, một cán bộ cải tiến quản lý hợp tác xã đang cùng một xã viên ngồi trên một khúc gỗ vừa chẻ lạt vừa nói chuyện, trong nhà khác một chị đi lấy chồng ở Lai Châu đem con về thăm anh giai, đang chờ anh đi làm đồng về; trên con sông Nậm Rốm, một anh bộ đội phục viên nay là nông trường viên vừa cùng vợ đi phép ở xuôi về, nhất định không đi mảng, cứ lội bừa xuống sông, đi đến lúc ướt va-ly đành phải đi mảng vậy, làm ông lão coi mảng cười chế giễu và chị vợ thì vừa cười vừa bực mình với chồng; mấy cô gái xinh xinh đang đi gánh nước; ven sông Nậm Rốm, bộ đội, nhân dân đang cuốc đất tưới rau. Các cửa hàng Điện Biên đang tấp nập chuẩn bị cho phiên chợ ngày mai, cửa hàng lâm thổ sản đang quét lại cái chuồng khỉ…
Còn chúng tôi đang ngồi ở một căn nhà ngói sạch sẽ, nhà khách của bộ đội Điện Biên có đèn điện, gường nệm, chuồng xí máy, nhà tắm có “hoa sen”,…
Ấy thế đấy, bây giờ không sao hình dung ra được cách đây hơn 9 năm ở đây nó thế nào, mà cách đây 9 năm, lúc chúng tôi lặn lội ở những chiến hào bùn ngập đến đầu gối, ngồi bó gối trong những chiếc hầm chật chội hội ý, bàn kế hoạch tác chiến, thỉnh thoảng lại phải lắc đầu giũ áo vì một quả bom hay một quả đạn pháo vừa nổ choáng tai… hay lúc đứng giữa cảnh ngổn ngang của bãi chiến trường, lo tính việc thu dọn cho nhanh, lấp hào, khơi mương cho nhân dân kịp làm mùa, thì chúng tôi có nghĩ đến tương lai sau 10 năm, cũng không làm sao nghĩ ra được bây giờ nó lại thế này: nông trường, doanh trại, phố huyện, máy kéo, cửa hàng mậu dịch với các chuồng múa khỉ, v.v…
Ấy thế là cứ ngồi cứ nghĩ, nghĩ đến 10 năm, 20 năm về trước, 10 năm, 20 năm về sau, tôi nghĩ đến những đồng chí mà tôi quen biết cũng như những đồng chí chưa quen biết hiện nay đã nằm yên trong các nghĩa trang, tôi biết lúc ấy các đồng chí đó cũng đã cùng chúng tôi nghĩ đến tương lai…
Nhưng tiếc thay người ta chỉ sống thực với hiện tại mà không bao giờ sống thực với dĩ vãng và tương lai cả. Những khi trong con người có cả một cuộc sống phong phú trong tâm hồn về dĩ vãng và về tương lai thì thú vị thật, thấy mình cao lớn quá, lâu dài quá, bất diệt. Chính các đồng chí đã khuất đi rồi, lại đang sống trong chúng tôi lúc này và sẽ sống mãi mãi về sau. Trên đồi A1 kia, trong các nghĩa trang liệt sĩ kia, mỗi năm thầy giáo lại dẫn một lớp trẻ em mới đến thăm, nói lại chuyện cái hầm A1 và chiều hôm nay tôi cũng vừa thấy hàng trăm em học sinh cấp 2 mặt mũi nghiêm trang một cách ngây thơ dọn sạch cỏ ở trước nghĩa trang bên bụi tre ngà…
Cũng là những đoạn thời gian 10 năm, 20 năm, nhưng có những đoạn mà nhìn lại người ta không thấy có một chút gì đổi thay trong số phận con người. Nhưng những đoạn 10 năm, 20 năm vừa qua, tôi đã cảm thấy những đảo lộn lớn lao, tôi đã thấy những con người đói lả tàn rụi trên đường đi kiếm sống, thấy những người hăng say đục núi làm đường, lại thấy những người đang đeo dây an toàn treo mình trên cái cột điện cao, những người đang tính toán nồi nấu dầu, diện tích canh tác, con số chăn nuôi… Trong các đoạn đó từ 1945 đến 1954, đến 1963, Điện Biên Phủ hiện lên như một cột mốc dấu rực rỡ, chói lọi.
Và trong khi kết thúc chuyến đi, lại đường xưa, xem dấu cũ, tôi vẫn cứ bồi hồi và vấn vương với những chuyện 10 năm, 20 năm…

        (Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét