Sau khi bố tôi mất, mẹ tôi ở vậy nuôi con, lặn lội và bao dung như bản chất bà vẫn có.
Vào khoảng 1940, tôi được tham gia một cuộc mít tinh bí mật tại địa phương. Cái cớ để tổ chức cuộc họp là kỷ niệm danh nhân Lý Thường Kiệt hay Phạm Ngũ Lão, lâu ngày tôi không còn nhớ rõ, nhưng chỉ là một trong hai nhân vật lịch sử nổi tiếng đó. Lần đó, tôi thấy vai trò của bà chị tôi cực oai. Bà là người sắp đặt công việc, điều động nhân lực lại còn là đại diện cho Đảng Cộng sản đứng lên diễn thuyết trước thiên hạ. Trong khi chuẩn bị, bà giao nhiệm vụ cho tôi là huy động thanh niên đi bảo vệ cuộc mít tinh, vì rất có khả năng bị khủng bố. Đám trai trẻ chúng tôi được thế thì khoái trá bàn nhau mỗi thằng sắm một cái gậy tre gộc để nếu xảy ra bất trắc thì dùng làm vũ khí chống trả. Quần áo thì cứ đồ nâu sẫm dễ kiếm và cũng tiện cho việc đi đêm. Cả nhóm chúng tôi hào hứng sôi nổi, bí mật thì thào, trao đổi, kín kín, hở hở ở nhà tôi. Mẹ tôi cứ lặng thinh như không hay biết gì cả.
Gần đến ngày tổ chức, bỗng cụ hỏi thật tự nhiên:
- Này, chúng mày cho mẹ đi với chứ?
Điều chắc chắn là cụ chưa biết các con mình làm gì. Song lòng cụ có niềm tin vững chắc là bọn con mà tham gia thì việc đó là cần và cụ muốn cùng có mặt bên các con. Bà khẩn khoản :
- Cho mẹ đi với.
Chị tôi khéo léo khước từ.
- Mẹ ạ, nhà chỉ ba mẹ con. Em nó và con đã nhận phần việc, không thể không có mặt. Mẹ cũng đi nữa thì đêm hôm nhà bỏ không ai trông sao? Bọn con đinh ninh có mẹ ở nhà mới dám nhận việc đấy chứ.
Nghe con gái trình bày như một sự phân công thỏa đáng, bà cụ lẳng lặng thu dọn nhà cửa. Nhìn vẻ nhẫn nhịn của bà thật đến rầu lòng. Chúng tôi ra đi với ánh mắt mẹ thỏa thuận và khuyến khích. Trước nay vẫn vậy, cụ như hiểu công việc của các con là quan trọng và tự nguyện giữ kín cho con cái. Cảnh chúng tôi đi đêm đi hôm, thất thường, cụ chẳng cật vấn, phàn nàn lấy một lần. Ánh mắt bao dung của bà làm hai mẹ con thành đồng hội đồng thuyền.
Cuộc mít tinh đêm ấy tập hợp ngót ngàn người tham dự. Thật là hùng vĩ ! Quang cảnh chưa hề có. Bọn tuần phiên ở địa phương cũng đã đánh hơi được nên chúng ập tới xua đuổi và tìm cách bắt giữ những người chủ mưu. Cũng nhờ có bố trí các trạm gác ở mỗi ngả đường nên có báo động là bà con cứ theo lối đã được phân định mà thoát, chỉ một hai người lớ ngớ bị bắt giữ nhưng không bị lộ vì họ chỉ là phần tử thấy lạ thì đi theo. Tôi chạy thoát sang thôn bên, đến nhà một người bạn thân, tính xin trú qua đêm. Song phút chộn rộn qua, lòng tôi cứ nóng như lửa đốt vì lo cho mẹ. Bên thôn tôi tiếng chó sủa dữ quá về phía khu vực nhà tôi. Bạn tôi bàn tính hay dở và khuyên tôi ở lại đến sáng hãy tính. Tôi không thể dằn lòng được nên quyết xin bạn ra về. Sự băn khoăn về mẹ làm tôi lao đi quên hết ngại ngùng. Đến cổng nhà, tay vừa đụng vào cánh cửa, tôi chưa kịp lên tiếng gọi thì lập tức cánh cửa mở và trước mắt là mẹ. Bà kéo ngay tôi vào nhà và giục :
- Thay quần áo đi ! Lấy đồ trắng mặc vào rồi lên giường nằm đó.
Tôi xúc động líu ríu làm theo, lòng thắm đậm niềm vui sướng được mẹ chăm chút như vậy. Hẳn là khi xảy ra chuyện, nghe chộn rộn bà đã lo lắng lắm, đã đứng sau cánh cửa chờ con từ lúc ấy đến giờ, đã tỉnh thức, bảo vệ con cái. Khi tôi vừa cởi bộ quần áo nâu, bà liền lấy đem giấu xuống ao bên nhà để phi tang ngay. Đêm ấy, chị tôi không về. Chốc chốc mẹ tôi lại hỏi :
- Thế chị con đâu ?
- Con không biết, hai chị em mỗi người chạy một ngả.
Càng về khuya mẹ tôi càng lộ vẻ bồn chồn lo lắng. Tôi phải trấn an:
- Mẹ ơi, chị con thành thạo mọi việc. Chính chị đã bày vẽ cho bọn con tránh tuần phiên. Vì vậy con tin là chị ấy thoát yên lành, mẹ đi nghỉ đi, sáng sẽ hay. Mẹ như thế làm chị con lo lắm đây !
Sáng tinh mơ đã có một người gõ cửa hỏi mua gio. Trước nay chưa bao giờ có ai hỏi sớm như thế.
- Nhà có gio đấy, mời chị vào.
Chị là người mua gio thật hay là kẻ dò la ? Tôi đang băn khoăn suy tính để đối phó, thì người đi mua hàng sà tới nhét vào bàn tay tôi mảnh giấy. Đó là tin chị tôi nhắn về: “Chị đang ở điểm X, mẹ và em hãy yên tâm, chiều chị về”.
Mãi hai ngày sau, tri huyện mới đi ô tô về làng lùng sục đe nẹt. Ngày ấy, cứ ô tô về làng là có chuyện nghiêm trọng. Hai chị em tôi cũng lo thắt ruột, bàn tính mọi việc nếu xảy ra điều chẳng lành ! Song cả hai chúng tôi còn có ý định bám một thời gian nữa mới thoát ly.
Ở làng có một người bạn gái nhỏ hơn chị tôi mấy tuổi cùng hoạt động. Chị này đến nhà tôi, vẻ hớt hải, hối thúc :
- Thôi chết, tại sao giờ này chị Thư còn ở nhà ? Tụi nó đến bắt bây giờ ! Đi ngay đi chớ. (Thư là bí danh của chị tôi thời ấy).
Miệng nói, chân bước, chị đã xông ngay vào buồng rút hết quần áo của hai chị em tôi nhét vào chiếc thúng mang theo.
Hai chị em tôi chỉ còn kịp xin phép mẹ :
- Chúng con đi ít lâu, mẹ nhé !
Mẹ tôi bình thản đáp :
- Ừ các con đi đi, yên tâm mà làm việc. Nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng để thua chị kém em. Ở nhà mẹ tự lo liệu được. Không phải bận tâm gì về mẹ cả.
Miệng an ủi chúng tôi, bà cụ tranh thủ xếp gọn lại quần áo chúng tôi vào vội trong thúng. Tôi nhìn mẹ, lòng xót xa như xát muối :
- Thôi mẹ ơi, cứ xem như ngày nào con lên Hà Nội đi học. Đi rồi lại về với mẹ thôi mà.
Song, chuyến báo động đó không do địch lùng sục. Đúng như chị tôi đã cãi lại rằng tình hình đang yên tĩnh, chưa có dấu hiệu gì tỏ ra bị lộ, cứ lưu lại ít ngày nữa xem sao! Mà có tình hình gì nữa thì cũng không thể phó mặc quần chúng mà đi như thế. Chị kia cứ khăng khăng phải tránh đi mà tính toán đối phó nắm phần chắc hơn là để bị động với chúng. Về sau mới vỡ nhẽ là vì tình yêu mà chị ta đã bày ra chuyện như thế. Tôi cũng mới hay là được chị ấy yêu nồng nhiệt đến thế.
Lúc này và cả một thời gian dài sau này, chính chị tôi giao công việc cho tôi. Chị đã là Đảng viên và trực tiếp dìu dắt tôi. Tôi thấy chị thỉnh thoảng lại đi vắng lâu, có khi đến hàng tuần lễ nhưng không rõ chị làm gì. Sau mới hay lúc đó, chị ấy đã là Tỉnh ủy viên. Những chuyến đi vắng nhà qua đêm là chị lên xứ ủy nhận chỉ thị. Trở về chị lại giao nhiệm vụ mới cho tôi và tôi dốc sức hoàn thành trách nhiệm, quên cả nguy hiểm.
Đơn vị hành chính thời đó trên xã có tổng - trên tổng là phủ. Tôi được giao nhiệm vụ tổ chức thanh niên ở xã, rồi thống nhất tổ chức thanh niên các xã lại thành đơn vị tổng và tôi được anh chị em bầu làm bí thư tổng. Đó là thời kỳ của tổ chức Thanh niên Dân chủ sau chuyển thành Thanh niên Phản đế. Tôi lại đứng ra liên hệ với các tổng khác, lập ra tổ chức thanh niên của phủ. Lúc hoạt động ở xã, tôi được chị gái giao nhiệm vụ lên nói chuyện ở nhiều buổi mít tinh, quanh các chủ đề truyền thống đấu tranh dành và bảo vệ độc lập dân tộc, tình hình thế giới và cảnh nước nhà lúc đó. Các cuộc nói chuyện của tôi gây được ấn tượng mạnh đồng thời tôi lại mở rộng được việc kết nạp hội viên mới. Rồi một hôm bỗng chị tôi hỏi :
- Thế chú có muốn tham gia một tổ chức cao hơn không ?
Tôi liền thắc mắc hỏi lại :
- Thế em chẳng tham gia tổ chức là gì ?
Chị bảo :
- Tổ chức cao hơn kia.
- Cao hơn là tổ chức gì ?
Tôi cứ cật vấn chị như vậy. Sở dĩ tôi hỏi là vì bấy lâu vẫn tưởng mình là cộng sản rồi, còn gọi tên này tên khác chẳng qua là cách gọi do yêu cầu giữ bí mật. Chị tôi liền bảo : đó là Đảng Cộng sản, em có muốn tham gia tổ chức Đảng không ?
- Thế thì em mong quá.
Thâm tâm tôi có chút bị hẫng vì bấy lâu vẫn tưởng mình là cộng sản. Song nỗi mừng thì vô hạn. Nghe thế, chị chẳng nói chẳng rằng trao tôi cuốn điều lệ Đảng. Mấy hôm sau, chị tôi bảo :
- Đi họp với chị !
Tôi băn khoăn hỏi :
- Họp gì thế chị.
- Đi rồi khắc biết.
Đến nơi, mới vỡ lẽ ra là họp chi bộ. Có khoảng năm sáu người, trong số đó có: chị Trương Thị Mỹ. Buổi họp đã tuyên bố kết nạp tôi là Đảng viên dự bị (lúc này vào khoảng đầu năm 1941). Thế là thoát ly vừa được hai tháng, tôi đã được vinh dự đứng trong hàng ngũ tiên phong. Hai đồng chí phụ trách vùng tôi thời ấy là các anh Đào Năng An và Nguyễn Thượng Mẫn. Cả hai tỏ ra quan tâm đến lớp trẻ, đặc biệt là thanh niên có học hành ít nhiều. Tôi thuộc thành phần học sinh đáng lẽ phải dự bị trong sáu tháng, nhưng hai anh đã xét công nhận chính thức, đặc cách cho tôi trước thời hạn.
Trở thành Đảng viên chính thức, tôi được phân công phụ trách một vùng với các chi bộ các xã ở trong phủ. Thời đó phủ Kiến Xương có một phủ ủy tức là Ủy ban chấp hành Đảng trong phủ. Tôi được bầu vào phủ ủy và được chỉ định làm phó bí thư. Sau đó anh bí thư bị bắt, tôi trở thành bí thư phủ ủy. Đến cuộc họp toàn tỉnh mà sau này lịch sử Đảng bộ Thái Bình gọi là Đại hội, chủ toạ cuộc họp có đưa ra một danh sách đề cử vào ban chấp hành mà chân tỉnh ủy viên dự khuyết là Tạ Ngọc Phách (tức là tôi : Trần Độ). Danh sách đề cử đó được hội nghị tán thành. Tôi sau đó được phân công phụ trách thanh niên của tỉnh Thái Bình và là người bí thư tỉnh đoàn đầu tiên ở địa phương.
Với danh nghĩa là tỉnh ủy viên dự khuyết, phụ trách thanh vận, tôi tự tin hơn và cũng dám hoạt động mạnh hơn. Tôi phát triển nhiều cơ sở thanh niên, đặc biệt là dám xông vào vận động số thanh niên trung học ở thị xã. Tôi ra được tờ báo của Thanh niên. Tiếp theo là tổ chức Đại hội Đoàn thanh niên toàn tỉnh. Chưa kể việc tôi đi vận động nhiều cuộc đấu tranh khác. Chỉ trong vòng hai tháng mà tôi làm được như vậy kể cũng nhiều. Để phát triển thanh niên thị xã, nhất là số trung học, tôi thích dùng cách kỳ bí ảnh hưởng của tiểu thuyết trinh thám. Tìm đối tượng thân quen mà tôi tin tưởng bồi dưỡng kỹ càng rồi sắp xếp cho họ bắt mối rộng ra. Cùng nhiệt huyết như nhau, nên công việc nhân mối cứ tăng theo cấp số nhân. Trong số này có con trai nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan tức Nguyễn Tài Khoái. Tiếp xúc với Khoái, tôi giao trách nhiệm nhân mối thêm. Khoái vui vẻ nhận lời. Chính từ đấy mà tôi với bà Lê Minh gián tiếp biết nhau, nói cho đúng là qua Khoái tôi biết bà ấy, chứ bà không biết tôi. Được hơn một tháng, mấy vị làm hăng quá gần như công khai nên công việc bại lộ và bị bắt giữ. Trong số bị bắt này có cậu con trai ông Nguyễn Công Hoan - lúc này ông đang dạy học ở Thái Bình. Một số cậu khác cũng thuộc các gia đình công chức trong tỉnh. Điều đó đã làm tay công sứ Pháp ở Thái Bình phải suy tính và hắn đã ra lệnh thả hết.
Có thể nói hoạt động cách mạng của tôi bắt đầu năm 1938 là năm phong trào dân chủ lên cao, báo chí ra nhiều, cùng với việc ra đời Mặt trận Bình dân. Từ thoái trào cách mạng sau Xô Viết Nghệ An 1930, đến lúc này lại nổi lên cao trào đòi dân chủ khá mạnh và khá rộng …
Năm 1939, tôi làm báo “Người mới” cùng ông Nguyễn Thượng Khanh tức Trần Mai Ninh ở Hà Nội. Trong cuộc ruồng bố của thực dân Pháp năm đó, tôi bị chúng bắt giữ. Nhưng không có chứng cứ gì để buộc tội, chúng phải thả tôi ra. Tôi lại đi học tiếp. Cuối 1939 đầu 1940, những người tôi thân quen bị bắt nhiều. Cảm thấy mình bơ vơ trơ trọi giữa nơi đô hội này, tôi sinh chán học, bỏ học về quê hoạt động và được kết nạp Đảng năm 1941. Cho đến cuối 1941 đầu 1942, tôi lại bị bắt bị khảo tra ác liệt và chúng đưa ra tòa án Thái Bình xử tôi 15 năm tù. Trước tòa tôi đã mạnh dạn vạch trần tội ác kẻ đi đô hộ và Chính phủ Nam triều và tôi chống án. Chúng phải gởi hồ sơ của tôi về tòa Thượng thẩm Hà Nội để xử lại. Đó là vào mùa thu 1942.
Khởi đầu quãng đời hoạt động của tôi đã diễn ra như vậy. Giữa lúc phong trào bình dân đang lên cao cuốn hút lớp trẻ vốn sẵn sự quan tâm đến thời thế và tương lai đất nước.
Chúng tôi, lớp trẻ được học hành ít nhiều, đến với cách mạng như một lẽ sống, tự nhiên, thoải mái, phần nào còn hứng thú vì tính ly kỳ, cái mạo hiểm của công việc cách mạng. Người ta bảo thanh niên đồng nghĩa với cách mạng, kể cũng có cơ sở.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Chúng tôi, lớp trẻ được học hành ít nhiều, đến với cách mạng như một lẽ sống, tự nhiên, thoải mái, phần nào còn hứng thú vì tính ly kỳ, cái mạo hiểm của công việc cách mạng. Người ta bảo thanh niên đồng nghĩa với cách mạng, kể cũng có cơ sở.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét