Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

Đôi điều tâm sự


(Lược ghi bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ tư ngành văn hóa, nghệ thuật  tỉnh Nghệ Tĩnh, ngày 13/9/1987)

Trước đây khi làm công tác quân sự, rồi chính trị trong quân đội, do nhiệm vụ, tôi thường hay đi nói chuyện. Được đi nhiều nơi, chuyện trò với nhiều tầng lớp, thật thú vị. Và gần đây, khi từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên đều sôi nổi bàn về việc đổi mới tư duy, tôi càng thấy những cuộc gặp gỡ chuyện trò, được đi nói chuyện, nói rồi nghe, nghe, nói, làm, rồi lại nói... thấy vỡ ra nhiều điều, tôi càng thấy thú vị và thú thật lại càng... thích nói chuyện.

Có thật là văn nghệ cũng cần đổi mới không nhỉ? Đặt câu hỏi này ra trong tình hình đang tiến triển của sự đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực, xem ra có vẻ “hợp thời” đấy! Nhưng nên nhớ sự “hợp thời” ở đây hoàn toàn không phải một cái “mốt”, là sự “chả nhẽ” hình thức nào, mà là sự đổi mới dứt khoát phải có, vô cùng cần thiết và không thể khác. Có người còn muốn rõ ràng hơn, cụ thể hơn liền dùng cặp từ “giải phóng” để nói về sự đổi mới, như “giải phóng tiềm năng sáng tạo”, ... chẳng hạn.

“Giải phóng”, thế thì từ trước đến nay chúng ta bị tù hay sao mà nay đòi giải phóng? Cố nhiên chẳng ai hiểu theo nghĩa như thế nhưng quả thực trước đây trong văn nghệ chúng ta có những yếu kém và sai trái, có những cái lạc hậu và lỗi thời đã hạn chế tiềm năng sáng tạo, nay phải đổi mới tháo gỡ để mở ra thời kỳ phát triển mới, một chặng đường cách mạng mới cho sự hoàn thiện.
Vậy đổi mới tư duy trong văn nghệ là thế nào? Quan điểm, quan niệm cũ, mới ra sao? Cần phải thực hiện ở những khâu nào, mặt nào? Rồi lại quan hệ giữa các khâu các mặt ấy, cái nào chính, thứ tự tầm quan trọng của từng khâu ra sao? Cái đích cần đạt tới và hoàn thiện là gì? ... Tóm lại đổi mới tư duy không chỉ là khẩu hiệu, không chỉ là những chữ chung chung, mà nó phải thành “những việc cần làm ngay” và cả những việc liên tục, lâu dài mãi mãi, như là khi nào còn là con người thì phải hoàn thiện bộ mặt tinh thần của con người, còn cộng đồng, còn xã hội thì còn phải hoàn thiện bộ mặt tinh thần của cộng đồng, của xã hội vậy.
Và cũng như tất cả mọi công việc trên đời thường là có rất nhiều mặt, nhiều khâu tạo thành nhưng trước hết và bao giờ cũng là từ con người. Mà con người ở đây chính là bản thân văn nghệ sĩ - những chủ thể sáng tạo, là lực lượng sáng tác. “Đối với trí thức, điều quan trọng nhất là đảm bảo quyền tự do sáng tạo, đánh giá đúng năng lực và tạo điều kiện cho năng lực được sử dụng đúng và phát triển. Phá bỏ những quan niệm hẹp hòi không thấy trí thức ngày nay là những người lao động xã hội chủ nghĩa, được Đảng giáo dục và lãnh đạo, ngày càng gắn bó chặt chẽ với công nhân và nông dân”. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI đã chỉ ra như thế nhưng làm thế nào để tạo ra những điều kiện (vật chất, tinh thần) cho quyền tự do sáng tạo? Rồi lại cần có những biện pháp xây dựng, đấu tranh cụ thể ra sao để xóa bỏ những quan niệm hẹp hòi? Trả lời, rồi phấn đấu làm được chừng đó yêu cầu thật chẳng ít công việc và công sức. Nhưng không làm thế thì làm thế nào để khơi nguồn cho sự sáng tạo?
 Đây là mới nói về những điểm cần giải quyết trong nhận thức của mọi người đối với trí thức trong đó có văn nghệ sĩ. Thế còn bản thân văn nghệ sĩ thì sao? Cũng không ít những dằn vặt, mắc mớ, khó khăn trong nhận thức của chính họ.
Ta đã gặp không ít trường hợp có những suy luận vô lý về một vài tác phẩm văn nghệ. Những suy luận ấy quy nạp những câu, những chữ, những hình vẽ, những nốt nhạc nào đó thành những “cái gì đó” chống đối, âm mưu, ... Những điều đó thành sự “hù dọa”, làm các văn nghệ sĩ sáng tác luôn phải lo sợ một “cái gì đó” rất mơ hồ mà rất cụ thể, đi tới tự ức chế sức sáng tạo bay bổng của mình.
Cái vỏ bao thuốc lá Tam Thanh người ta vẽ cái cửa động, việc rõ ràng đơn giản thế, vậy mà cũng có người thì thầm vẽ ông nọ ông kia, ám chỉ cái này cái khác thì có khổ cho người ta không!
Không nên kiêu ngạo và huyễn hoặc mình nhưng người nghệ sĩ chân chính cần ý thức được vị trí cao quý của mình trong nền văn hóa dân tộc và trong tình cảm của nhân dân, Có lần tôi làm Trưởng đoàn một đoàn các văn nghệ sĩ xuống thăm một địa phương. Khi giới thiệu đoàn với những chức danh lãnh đạo và hành chính thì công chúng phản ứng bình thường. Nhưng khi giới thiệu các văn nghệ sĩ với những tác phẩm tiêu biểu và quen biết của họ thì công chúng xôn xao hẳn lên. Họ ùa lại với văn nghệ sĩ, xem mặt, xin chữ ký, đòi chụp ảnh chung, đòi hẹn gặp lại, v.v... Như vậy nhân dân thực sự mến yêu các văn nghệ sĩ và mến yêu các tác phẩm của họ với một tình cảm xứng đáng, một tình cảm thật vô tư mà sâu sắc. Có địa phương, nhân dân còn đòi dựng tượng “cái ông nhạc sĩ” có bài hát tuyệt hay về quê hương họ đang đứng cạnh tôi kia kìa! ... Thế đấy!
Tiếp theo là việc xem xét đánh giá những tác phẩm đã có, cả về chất lượng nội dung và trình độ nghệ thuật; dự kiến nhng yêu cầu cao hơn như thế nào cho các tác phẩm trong tương lai. Đánh giá hay dự kiến đều cần có những tiêu chuẩn, mà đã đổi mới thì không thể căn cứ vào những cách đánh giá và những tiêu chuẩn đã lỗi thời. Xây dựng tiêu chuẩn mới như thế nào cũng là cả một vấn đề lớn, khó, đòi hỏi nhiều suy ngẫm, khảo cứu, đối chiếu công phu.
Thế nào là hấp dẫn sâu sắc quý giá và thế nào là hấp dẫn rẻ tiền?
Ở khâu này cũng cần đòi hỏi nhiều công phu khảo sát, xem xét đến những chuyển biến trong thị hiếu của công chúng. Còn những gì thuộc thị hiếu lạc hậu, tầm thường, những gì là nhu cầu tinh thần mới mẻ, sâu sắc cần phải đáp ứng. Về phía văn nghệ sĩ cũng cần có những điều kiện trao đổi học hỏi, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, sự từng trải mới có đủ bản lĩnh nhận ra cái gì là hấp dẫn sâu xa, cái gì là hấp dẫn rẻ tiền.
Xin lấy ví dụ: Bóng đá sở dĩ hấp dẫn hàng trăm triệu con người trên khắp hành tinh là bởi trước hết ở đấy có đấu sức, đấu tài, đấu trí, có thắng, có bại, có vô vàn những tình huống bất ngờ, không bàn thắng bàn thua nào giống nhau và bao trùm lên là vẻ đẹp dẻo dai, tài trí, dũng mãnh của con người... Tác phẩm văn chương nghệ thuật cũng cần có những yếu tố hấp dẫn tương tự thì mới lôi cuốn người ta. Nhưng cũng lại thấy không chỉ có thế. Tôi đã từng được xem không ít những cuốn sách, bộ phim trinh thám, tình ái hết sức rắc rối, ly kỳ mà không tạo được những cảm xúc vui, buồn, đắm say trong chiều sâu tình cảm, tâm lý; không khiến mình phải thao thức suy nghĩ đến khó dứt... Đấy chỉ là những hấp dẫn chốc lát rẻ tiền, dễ nhàm chán chóng quên và dĩ nhiên không để mất thì giờ xem lại hoặc tiếp tục xem những tác phẩm ly kỳ rắc rối, tương tự khác. Thưởng thức văn nghệ cũng như quan hệ bầu bạn giữa con người. Con người nào từ nói năng phong độ đến tâm tình, suy nghĩ sâu xa, ý nhị thì gặp một lần rồi không những mong gặp lại, mà còn nảy sinh nhu cầu kết bạn. Còn ngược lại thì… Tất nhiên mọi việc, đều cũng sẽ ngược lại!…
Như trên tôi đã nói, văn nghệ sĩ thật quý và hiếm, cần được hết sức coi trọng. Trình độ thưởng thức văn nghệ của công chúng ngày càng phải được nâng cao, phong phú. Nhưng muốn làm thế thì không thể không nhìn lại, không bàn và làm cho ra nhẽ về tình trạng phân phối, phổ biến các tác phẩm trên các mặt xuất bản, biểu diễn, triển lãm, tiêu thụ các giá trị nghệ thuật, cơ chế tổ chức và kinh tế tài chính của nó. Và tất cả những cái này không nằm ngoài chương trình kinh tế xã hội, những chính sách kinh tế, chính sách xã hội. Vậy cuối cùng bao trùm lên là cần phải xem đến sự lãnh đạo và quản lý của các cơ quan có trách nhiệm của Đảng và Nhà nước.
Chúng ta cần bắt đầu đi từ những quan điểm, quan niệm nghĩa là đi từ cách nghĩ, bởi lẽ nghĩ mà đã không đến thì làm sao hành động đến được?
Chính sách xã hội là gì? Thật khó có thể kể ra hoặc nói gọn trong một câu được, nhưng trước tiên cần biết đấy chính là những điều quan hệ đến toàn bộ không gian và thời gian sống của con người. Và con người thì như chúng ta đều thấy đấy là vốn quý nhất của xã hội, nó vừa là động lực phát triển xã hội, lại vừa là mục đích của mọi xây dựng xã hội. Bởi thế chừng nào còn coi nhẹ chính sách xã hội tức là coi nhẹ yếu tố con người. Chương trình, chính sách kinh tế là cực kỳ quan trọng, nhưng xét cho đến cùng thì cái đích phục vụ của nó vẫn phải là những chương trình chính sách xã hội, đấy là sự công bằng, nhà ở, cơm ăn, áo mặc, niềm vui, nỗi buồn, ... của mỗi con người. Nó không phải là những việc “thêm vào”, “bên cạnh” hay “cái đuôi” của chính sách kinh tế, mà là mục đích, là ý nghĩa cao cả, sống còn của mọi chính sách kinh tế.
Thuyền trên sông Ca Long, Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Trần Độ.
Thế còn bản chất và vai trò của văn nghệ là gì? Trước khi đi vào những vấn đề này có lẽ cũng cần bàn rộng ra một chút trên một vài quan niệm về lao động chất xám. Bây giờ, không ai không biết cả lao động chân tay (cơ bắp) và lao động trí óc (chất xám) đều là lao động và đều được coi trọng. Nhưng không phải không có những nơi thiên lệch đến mức chỉ coi lao động chân tay mới là lao động. Còn lao động trí óc ư? Khó xác định quá, nhất là khi phải định mức, đánh giá thi đua, đây là chưa nói đến lúc còn nhìn lao động trí óc như một sự nhàn nhã, chơi chơi thế nào ấy! “Cái thằng cha gì mà kỳ cục. Đã cặm cụi suốt ngày trên bàn giấy, về nhà lại còn chúi đầu vào sách vở tới khuya. Coi chừng chuyên môn thuần túy đó”.
Có một bà mẹ thấy các con gái lớn chỉ ngồi đọc sách ghi chép, thì thường phàn nàn với người khác: “Cả ngày nó có làm được gì đâu?”. Đối với bà là phải xách nước, quét sân, giặt giũ, làm bếp mới là làm việc. Còn đọc sách, suy nghĩ thì không phải là làm việc. Có thể có không ít bà mẹ và những người khác vẫn suy nghĩ như vậy.
Thật tình lâu nay không ít những người lao động trí óc bị đặt dưới những cách nhìn như thế. Văn nghệ cũng bị ức chế không ít bởi những quan niệm đơn giản, phiến diện, thậm chí cũng thực dụng. Đơn giản thì cho rằng văn nghệ thuộc loại phù phiếm, có cũng được, không cũng được, là cái sự thêm vào cho vui khi no đủ. Thực dụng thì lại nhìn nó ở góc độ công cụ, chỉ để phục vụ một công việc, một nhiệm vụ gì đó như một kiểu “ăn theo”. Từ đó sinh ra những định nghĩa văn nghệ là cái này, văn nghệ là cái kia, nghĩa là chỉ đứng trên góc độ phương tiện mà định nghĩa, chứ còn bản chất nó là gì, vai trò tồn tại đích thực của nó trong việc tạo nên bộ mặt tinh thần một dân tộc, một xã hội; giá trị tinh thần của toàn nhân loại tích lũy từ nhiều đời, đó là sức sáng tạo tinh thần mạnh mẽ của con người, ... thì lại ít bàn đến để quan niệm sao cho đúng đắn.
Hãy thử tưởng tượng nếu mỗi con người chỉ có phần thể xác thì nó có khác động vật khác bao nhiêu? Đấy là còn chưa kể chính bởi có một đời sống tinh thần truyền nối, giúp vào việc biến đổi và tạo dựng thể chất qua bao nhiêu đời, con người mới có được làn da, vóc dáng, dung mạo đến ánh mắt, nụ cười, giọt nước mắt thương cảm, … của con người ngày hôm nay.
Vậy thì văn nghệ, về bản chất chính là “vật liệu” tạo nên con người, nó chính là con người, chứ còn là cái gì cao quý, thiêng liêng hơn nữa? Và nếu có lúc, có khi “dùng” văn nghệ để phục vụ một nhiệm vụ nào đó, dù quan trọng đến đâu cũng không thể quên bản chất, vai trò này của nó. Mà cũng không thể “dùng” nó hữu ích nhất khi hiểu được bản chất của nó. Bản chất đích thực bao giờ cũng giữ vai trò quyết định tạo nên sức mạnh và tồn tại. Sử dụng sai bản chất thì tác dụng sẽ ngược lại là lẽ cố nhiên!
Cũng cần phải xây dựng được những quan niệm đúng đắn về tính đặc thù của lĩnh vực văn nghệ.
Văn nghệ có đặc thù quan trọng bậc nhất là đặc thù tình cảm. Bằng những tình cảm nhạy bén, những cảm hứng sâu sắc, độc đáo, người nghệ sĩ bước vào sáng tạo tác phẩm. Và cũng chính từ những cảm hứng tình cảm độc đáo ấy, văn nghệ tác động vào tình cảm người thưởng thức, giúp họ bằng những xúc động sâu sắc, lớn lao mà nhận thức thế giới, nhận thức lẫn nhau và nhận biết cả chính mình, những nhận thức vừa sâu xa vừa toàn diện, vừa vững bền. Và cũng chính là từ tình cảm – cái phần sống vô cùng đa dạng, phong phú, tinh tế, uyển chuyển trong con người – nó đòi hỏi ở văn nghệ một đặc thù nữa là đặc thù sáng tạo, mới mẻ, độc đáo, đa dạng liên tục, không rơi vào sáo mòn, nhàm chán thì mới đáp ứng được sự phong phú, đa dạng, tinh tế, uyển chuyển của tình cảm con người.
Chính bởi bản chất, vai trò và những đặc thù như vậy mà “không thể có hình thái tư tưởng nào thay thế được văn học nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người” (Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI).
Vì thế đối xử với văn nghệ là đối xử với tình cảm. Người làm văn nghệ phải được bồi dưỡng nâng cao tình cảm, phải được tin cậy và xóa bỏ ranh giới giả tạo giữa lãnh đạo, quản lý văn nghệ với văn nghệ sĩ.
Đã đến lúc trong trường Đảng các cấp phải xây dựng được chương trình có hệ thống, sâu sắc về văn hóa, văn nghệ để có thể đào tạo được những cán bộ lãnh đạo, quản lý hiểu biết văn nghệ bằng cả tri thức và tình cảm ; đủ trình độ nhận biết, phát hiện, giúp đỡ những tài năng trở thành nhà văn hóa, văn nghệ có tầm cỡ quốc gia, có uy tín quốc tế, thành niềm tự hào của nhân dân, là trụ cột để xây dựng, bồi đắp nền văn hóa, văn hiến của đất nước.
Chỉ có bằng sự hiểu biết đúng đắn, người lãnh đạo, quản lý mới xây dựng được lòng quý trọng chân thực với công việc và con người hoạt động văn nghệ mới có thể tránh được những can thiệp thô bạo, những trù úm, phán xét cá nhân tùy tiện, độc đoán hẹp hòi. Văn nghệ sĩ cách mạng cũng là người cách mạng, vậy thì tại sao đã có lúc họ chỉ có việc là lao vào làm, còn số phận, kết quả công việc lại để cho người không làm, ít hiểu biết phán xét, duyệt, phê? Có phải đã có lúc chúng ta để rơi vào tình trạng hình như chúng ta có hai Đảng: Đảng làm (vì chính những văn nghệ sĩ cũng là đảng viên hoặc quần chúng của Đảng có tổ chức, có lý tưởng) và Đảng duyệt!
Có một lần tôi được mời đến xem một vở kịch. Giấy thì ghi là mời xem, nhưng yêu cầu ngầm trong đó là nhờ tôi duyệt, chờ ý kiến tôi để phân xử một cuộc tranh cãi, kiện tụng ầm ĩ nào đó, vì tôi là lãnh đạo, quản lý mà! Ngay sau khi xem, tác giả vở kịch chạy đến nói với tôi:
- Anh có biết khi biểu diễn, tôi ở đâu không? ... Tôi nấp sau cánh gà đấy...
- Để làm gì? - Tôi hỏi.
- Để quan sát anh! - tác giả nói - Chết, cứ theo dõi từng cái ho, cái khịt mũi, cái lắc đầu, cái cười, cái ngáp, v.v… của anh mà toát hết cả mồ hôi!
- Ôi, thế dễ thường tôi sung sướng hơn anh đấy à? - Thú thật tôi gần như mếu khi hiểu ra sự tình - Tôi còn toát mồ hôi gấp mấy anh ấy! Này nhé, nếu vở hay nhưng vì tôi dốt, tôi chê, đến khi dân xem họ khen hay thì tôi chui đi đâu? Hoặc giả nếu vở dở, nhưng hợp với cái “gu”, cái trình độ của tôi, rồi bốc lên, tôi khen, đến khi dân xem, họ nhận thấy là dở thì tôi phải chui đi đâu? Sống với dân hay là sống với ai?
Tình trạng bi hài trên của người lãnh đạo, quản lý sẽ thật khó bảo rằng sẽ không xảy ra nữa nếu chúng ta còn thiếu hiểu biết, thiếu lòng tin, bao biện và không mở rộng trao đổi, đối thoại chân thành, thẳng thắn, công khai trên báo chí, không xác định được những tiêu chuẩn thẩm định, giá trị đích thực của văn nghệ.
Đổi mới tư duy trong văn nghệ cũng có nghĩa là phải đấu tranh ngay trong quan niệm về bản chất và vai trò văn nghệ, đồng thời còn phải đấu tranh chống những sản phẩm văn nghệ phản cách mạng, phản tiến bộ, phản dân tộc, phản nhân đạo đã và đang thâm nhập vào nhân dân ta bằng nhiều con đường. Là cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cái thật và cái giả, cái đẹp và cái xấu, cái cao thượng và cái dung tục, hèn hạ… Nghĩa là chỗ nào cũng cần phải có những quan niệm mới mẻ. Cuộc đấu tranh và xây dựng vì sự sống của tinh thần của con người này buộc chúng ta phải thực hiện bằng được một phương hướng cần thiết và duy nhất là: nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật, bởi lẽ cuộc đấu tranh này không thể thắng lợi bằng những phương thức đấu tranh của quân sự, chính trị hay kinh tế.
Đó là tránh nhiệm của văn nghệ sĩ, của trí thức nói chung, của các cơ quan quản lý văn nghệ, trách nhiệm của toàn xã hội. Tôi xin được nhấn mạnh là của toàn xã hội, và nếu rành rẽ cụ thể ra thì phải nói là của tất cả các ngành hoạt động trong guồng máy xã hội, nhà nước; bởi lẽ văn nghệ, với bản chất và vai trò của nó đã góp phần tạo ra con người - vốn quý, động lực và cũng là mục tiêu - cho tất thảy mọi ngành hoạt động.
Những hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng có thể làm ra kinh tế (tất nhiên là phải bằng hoạt động văn nghệ, văn hóa chứ không phải đi buôn và đánh xổ số, ...). Đấy cũng là khả năng cần tính đến, nhưng dẫu sao đấy không phải là cái chính lẫn cả nhiệm vụ xây dựng con người. Và các ngành hoạt động khác đã coi con người – “sản phẩm” của văn hóa, văn nghệ – là vốn quý nhất, lẽ nào lại không dốc lòng giúp đỡ, phục vụ mà có thể coi nhẹ, thờ ơ với văn nghệ?
Lẽ cố nhiên trước hết và cao hơn cả là trách nhiệm của cơ quan lãnh đạo. Đây cũng còn là khâu chúng ta cần phải thông qua từng bước hoạt động, vừa hoạt động vừa tổng kết, suy ngẫm và không ngừng đổi mới để đáp ứng ngày một cao hơn sự phát triển văn hóa, văn nghệ.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét