Trong thời gian gần đây, nhân những ngày kỷ niệm lớn
của dân tộc, của quân đội, nhiều người có viết và nói về đồng đội, về tinh thần
đồng đội, về tình cảm đồng đội.
Những điều tôi nghe được và đọc được gợi lên
trong tôi nhiều xúc động và cảm hứng đặc biệt. Nó đặc biệt vì nó rất phong phú,
nó đem lại những niềm vui sướng, lòng tự hào, sự phấn khởi yêu đời, làm cho ta
tin vào cuộc sống, tin vào con người và tin vào tương lai. Nhiều hoạt động văn
hóa hay nói đến “tình người” và “tình đời”. Tình đồng đội có lẽ là một dạng cao
cấp của tình người, nó là nét đặc thù của một nền đạo đức mới, của một tinh
thần nhân đạo mới.
Tình cảm đồng đội là một thứ tình cảm cao cả thường
nảy sinh ra khi người ta ở trong một đội ngũ, một tập thể có một nhiệm vụ
chung, một mục tiêu chung, người nọ quan hệ với người kia trên cơ sở cùng ý
muốn đạt tới mục tiêu chung, hoàn thành nhiệm vụ chung. Tình cảm đồng đội tự nó
có phần đối nghịch với thứ tình cảm ích kỷ cá nhân cực đoan. Tình cảm đồng đội
là một yêu cầu tất yếu của tập thể, trong nội bộ tập thể và là yêu cầu của cả
những người ngoài cái tập thể đó.
Mỗi lần xem đá bóng, tôi thường tiếp tục suy nghĩ về
cái tình đồng đội này. Trong đội bóng mỗi người có một vị trí, một nhiệm vụ
nhưng tất cả đều nhằm vào một mục tiêu chung : đưa bóng vào khung thành đối
phương ; bóng đến chân ai, người đó tìm mọi cách chuyền bóng thế nào để tạo ra
đường bóng thuận lợi nhất cho nó bay vào khung thành đối phương. Ai làm được
tốt như vậy thì không những đồng đội hoan nghênh mà cả công chúng khán giả cũng
hoan nghênh. Ai vớ được bóng dê dắt nhiều, định chơi trội, một mình bao sân,
một mình làm bàn, thường thất bại và thường bị công chúng la ó chê bai. Người
thủ môn phát bóng lên, người hậu vệ chuyền bóng lên, người đội trưởng tổ chức
tấn công đều tính toán đường bóng sao cho bóng đến chân người có điều kiện
thuận lợi nhất, thích hợp nhất để phát triển đường bóng tấn công. Đó vừa là vấn
đề nguyên tắc của chiến thuật nhưng cũng là vấn đề của tình đồng đội và tính
đồng đội của chiến thuật. Tình đồng đội càng cao, lòng tin vào nhau càng cao
thì đường bóng càng thực hiện được những yêu cầu cao của nguyên tắc chiến
thuật. Kỹ thuật cá nhân từng cầu thủ chỉ là điều kiện để thực hiện các nguyên
tắc chiến thuật. Chưa có đội bóng nào chỉ thắng bằng kỹ thuật cá nhân mà
phần lớn hay hầu hết các đội bóng đều thắng bằng lối chơi “gắn bó nhịp nhàng”,
lối chơi đầy tính đồng đội. Tính đồng đội tạo nên một sức mạnh mới và phát huy
cao độ sức mạnh của từng cá nhân.
Thực ra, cũng có người nhấn mạnh tính đồng đội (jeu d’équipe)
trong tổ chức công tác, tổ chức lao động, nhưng để tạo nên “cánh hẩu”, tạo “phe
cánh” gạt bỏ người không ăn cánh vì những động cơ kèn cựa cơ hội khác nhau. Dù
cho có như thế thì tính đồng đội cũng là một hiện tượng khách quan, không ai
bác bỏ được.
Tính đồng đội của các chiến sĩ cách mạng lại có ý
nghĩa cao đẹp gấp nghìn lần, triệu lần tính đồng đội nói chung. Vì đội ngũ cách
mạng bao gồm những chiến sĩ tự nguyện hiến dâng cả cuộc đời cho một lý tưởng
cao đẹp. Những người có một tinh thần tự nguyện cao cả, lại tập hợp trong một
đội ngũ lớn, nhằm một mục đích cao cả, điều đó lại làm nảy sinh nhiều khía cạnh
tình cảm cao đẹp lớn lao ở mỗi người để có sức mạnh chiến đấu. Tình đồng đội
trong quân đội cách mạng chính là thứ đồng đội như vậy.
Ở đây, tôi muốn vận dụng nhận thức như trên để hồi
tưởng lại một chuỗi năm tháng khá dài đã
qua mà tôi được sống hoặc được chứng kiến tình đồng đội cách mạng cao cả. Tôi
cũng muốn ngẫm nghĩ về loại câu hỏi mà tôi luôn luôn gặp phải.
“Có phải mỗi khi cách mạng đạt được thắng lợi lớn hơn,
cán bộ cách mạng có quyền, chức to hơn thì tình cảm cách mạng lại phai nhạt bớt
đi không ? – Tại sao tình cảm cách mạng ngày nay không thiêng liêng, không cao
đẹp bằng tình cảm những ngày đầu cách mạng, khi mà tình thế còn đen tối, gian
khổ ???”
Ngay từ khi còn tuổi thiếu niên, tôi đã được sống
trong thứ tình cảm kỳ diệu này. Lúc ấy tôi được chị tôi tổ chức tôi vào Đảng,
rồi tôi được chị tôi gọi tôi là đồng chí. Tôi xúc động đến phát khóc. Chị tôi
đối với tôi là một người cực kỳ yêu thương, hàng ngày vẫn chị chị em em thì
không xúc động, thế mà đến lúc gọi nhau là đồng chí thì lại rung động suốt mấy
hệ thống thần kinh ? Khi tôi bị bắt và bị tra tấn ở Sở mật thám Thái Bình – lúc
ấy tôi mới 17 tuổi – mỗi lần tôi bị đòn tra xong trở lại nhà giam, có một đồng
chí già (đồng chí Thử, nay đã mất) thường ôm tôi vào lòng, vuốt ve và nựng như
nựng trẻ : “Khốn nạn con tôi, nó đẹp đẽ thế này, suốt đời tôi không nỡ đánh nó
một tát, thế mà Tây nó đánh con tôi thế này đây. Tiên sư cha thằng Tây nhỉ, con
nhỉ ”. Các mẹ, các chị thì tíu tít, kiếm đâu được cả cua đồng, giã lấy nước bóp
chỗ đau cho tôi, vạch tóc bắt chấy, cởi áo bắt rận cho tôi. Một lần, tôi ra
chuồng tiêu đi tiểu gặp một chị (chị chủ nhà mà tôi bị bắt ở đó) đón sẵn ở cửa,
dúi vào tay tôi một gói nhỏ, nói vội : “ăn đi, ăn cho nó khỏe”. Đó là hai thanh
kẹo lạc bằng hai ngón tay, tôi không biết từ đâu chị có được. Mọi người trìu
mến, nâng niu, chăm sóc tôi vì tôi là đồng đội và tôi đã làm được việc mà đồng
đội mong chờ : “Không khai báo, không làm vỡ cơ sở” chứ chẳng phải vì tôi là
trẻ con, vì tôi đáng thương hay vì tôi đẹp. Ví thử tôi khai báo xem, tôi còn có
quyền được hưởng sự chăm sóc đó nữa không ? Trong kháng chiến, có những lúc
trên đường hành quân đi chiến dịch hay trên trận địa, chúng tôi ngủ chung, chỗ
ngủ quá chật, ba, bốn người phải nằm úp thìa vào nhau và giao ước khi nào muốn
trở mình thì phải gọi nhau, rồi hô hai ba cùng trở mình, không anh nào được tự
động trở mình một mình, thực ra không ai có thể một mình trở mình được. Tình
đồng đội đã gắn bó lúc ngủ, lúc ăn đến như vậy làm gì chả gắn bó nhau cả cuộc
sống. Tôi nghĩ chính tình cảm này là tiền đề cho những hành động anh hùng : lấy
thân mình lấp lỗ châu mai, lấy thân mình làm giá súng, lấy thân mình che đạn
cho đồng đội, vì sinh mệnh mỗi người trở thành một bộ phận nhỏ bé của sinh mệnh
lớn : tập thể.
Tình cảm đồng đội luôn mạnh mẽ và lấn áp mọi thứ suy
tính cá nhân : Mỗi khi có tai họa : mưa, bão hay bom pháo địch, mỗi người đều
nghĩ trước hết đến những đồng đội mình đã an toàn chưa, rồi mới nghĩ đến mình,
một mình núp dưới hầm không thể yên tâm nếu chưa biết rằng đồng đội chưa xuống
hầm hết, v.v… Những lúc ấy cái thứ tình cảm tuyệt vời ấy nó tự khắc phát ra từ
một năng lượng kỳ diệu nào đó, không hề qua một chút cân nhắc tính toán nào, nó
gần như bản năng “người” của mỗi người.
Tháng 4 năm 1984, tôi có dịp qua
Điện Biên Phủ, cũng là để thăm không khí chuẩn bị kỷ niệm 30 năm trận chiến
thắng lịch sử. Tôi được bố trí ở cái nhà khách 20 năm (nhà khách làm trong dịp
kỷ niệm 20 năm, còn nhà khách làm để kỷ niệm 30 năm thì lúc đó chưa xong) và
được giới thiệu đồng chí phụ trách nhà khách cũng là chiến sĩ Điện Biên. Chỉ
mới nghe như vậy, tự nhiên tôi đã cảm thấy như được về nhà, không còn có gì bỡ
ngỡ và lo ngại nữa.
Lúc đồng chí phụ trách đến chào và gặp tôi, đồng chí
ấy vẫn mặc bộ quân phục đã bạc màu, tôi cũng cảm thấy như gặp bạn thân từ lâu
và thân tình hỏi ngay :
- Ông về phụ trách nhà khách này lâu chưa ?
- Từ ngày xây nó đến giờ, cũng sư đoàn ta làm cả đấy
mà.
Tôi lại càng thấy gần gũi thân thiết hơn với người cán
bộ này. Là chiến sĩ Điện Biên đã là đồng đội rồi, lại ở “sư đoàn ta” nữa thì
gần gũi bao nhiêu. Tôi vội vã, vồ vập :
- Ông cũng 312 đấy à ?
- Không, tôi ở 316.
Đồng chí trả lời thản nhiên và coi như 316 và 312 thì
cũng thế cả, cũng là “sư đoàn ta” cả, cũng là “ta” cả. Tôi bỗng cảm thấy hơi
xấu hổ, tôi thấy mình ở cấp cao hơn mà dường như còn hẹp hòi, không rộng rãi
bằng đồng chí cán bộ này. Mình còn phân biệt 312 và 316. Còn đồng chí ấy thì sư
đoàn nào cũng “sư đoàn ta” cả. Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về cái tình cảm đặc biệt
thú vị này, nó thật trong sạch, thật tinh khiết và cao cả. Cũng có người nói :
“Có thể ông cán bộ ấy chẳng biết phân biệt 312 với 316 nữa, ông ấy nói thế”.
Tôi cho là đồng chí ấy không muốn phân biệt, chứ không phải không biết phân
biệt, bởi nếu không biết thì khi tôi hỏi : “Ông cũng 312 à” thì đồng chí ấy
“vâng” quách cho xong, sao còn nói lại : “Không, tôi ở 316”. Thế đấy.
Gần đây, tôi lại gặp một chuyện nữa không ra vui, cũng
không ra buồn, nhưng có ý nghĩa. Số là tôi có một người bạn tù ở Sơn La cũ đến
chơi. Anh đến chơi vào buổi sáng sớm, anh lại không vào chỗ tôi, không hỏi tôi,
anh lại đứng nói chuyện với những người khác trong nhà tôi ở ngoài sân. Đến giờ
đi họp, tôi ra xe để đi. Tôi thấy một người đàn ông chào tôi, tôi chào lại, rồi
tôi đi, vì thật ra tôi không nhớ được anh – cũng như rất nhiều đồng chí cũ cách
20 – 30 năm sau gặp lại khó nhận được ra ngay. Sau đó tôi liên tiếp nhận được
hai thư của anh đều do các con tôi chuyển cho tôi. Trong các thư đó anh trách
móc và phải nói là chửi mắng tôi thậm tệ. Trong thư anh tự giới thiệu xưng tên,
tôi mới nhớ ra anh là một bạn tù Sơn La, nhưng anh châm biếm gọi tôi là “ngài”
và anh cho là tôi đã “biến chất” trở thành một “quan cách mạng”, nên không thèm
biết gì đến bạn tù cũ, đến đồng chí, đồng đội cũ, v.v…
Kể ra tôi thấy anh hơi quá, vì anh đến nhà tôi, anh
chưa tìm gặp tôi để anh em gặp nhau nói chuyện như nhiều đồng chí khác đã làm.
Còn tôi thì không nhận được ra anh, tôi cũng tưởng anh là một người “khách nào
đó” đến “có việc gì đó” chào tôi, tôi chào lại thì là xong. Nhưng tôi không
thấy buồn, vì thực tình tôi không hề “biến chất” như anh tưởng, tôi vẫn còn
dành đầy đủ tình cảm tốt đẹp cho bao đồng chí đồng đội. Mỗi khi gặp được một đồng
chí cũ hoặc ở cơ sở của đồng chí ấy hoặc ở giữa đường hoặc ở giữa nhà, sau khi
đã hỏi han và nhận ra nhau thì niềm vui lớn nhất là ôn lại những kỷ niệm xưa.
Bao nhiêu cảnh đời cũ, hình ảnh các con người thân yêu cũ được gợi lại với tất
cả sắc màu rực rỡ và lung linh kỳ ảo, với bao nhiêu hương say ngây ngất … Tôi
cũng không hề giận anh, vì anh đã chửi mắng tôi thậm tệ. Vì tôi thấy anh đã
nhân danh những tình nghĩa cách mạng cao quý để chửi mắng một hiện tượng, cái
hiện tượng đó nó xuất hiện thật trước mắt anh và nó rất đáng phẫn nộ đối với
tình nghĩa cách mạng. Và ở đời này còn nhiều người coi trọng tình nghĩa cách
mạng, nghĩa là đời này còn tốt đẹp lắm, đáng mừng lắm.
Bài thơ, bài hát nói về tình đồng đội hay nhất có lẽ
là bài “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”. Những đơn vị nhỏ cũng là những đơn
vị mà tình đồng đội rõ nhất, sâu nhất, cao nhất : tiểu đội, khẩu đội, những tổ,
đội, trạm rồi đến đại đội, tiểu đoàn … Đúng là “năm anh em như năm ngón tay” và
“đã lên xe là cùng một hướng”.
Ảnh: Bạn bè, đồng đội đến mừng sinh nhật lần thứ 70 |
Ở đời, xưa nay cái tình nghĩa “sống chết có nhau” là
một tình sâu nhất, nghĩa nặng nhất. Ở các đơn vị nhỏ, nó thế thật. Mọi người
gắn bó với nhau hàng ngày, hàng giờ, khi ăn, khi ngủ, cả khi đi phép thăm nhà
và khi hết phép trở về đơn vị, cả khi nghĩ
đến người yêu và nhận thư người yêu, nghĩ đến cha mẹ và nhận thư cha mẹ.
Hồi nhỏ, còn đi học, tôi có một nhóm bạn cùng làng
chơi với nhau - và có một quy ước riêng là gọi lẫn bỗ mẹ nhau, anh chị nhau hết,
không có moa, toa, ma, ta (của tao, của mày) mà chỉ notre (của chúng ta). Oái
oăm thay, trong số bạn này lại có hai người : một người là chú, một người là
cháu họ (nhưng ngang tuổi) và đã chơi với nhau, thành ra người cháu cũng gọi bà
(mẹ của chú) là mẹ và chú cũng gọi chị (mẹ của cháu) là mẹ. Họ hàng nghe thấy
thì quở trách nhưng các bạn trong nhóm thì vô cùng thú vị và tự hào, hầu hết các
bạn trong nhóm này về sau đều thoát ly đi làm cách mạng hết. Một tình cảm trẻ
con ngây thơ nhưng cũng có ý nghĩa đồng đội rất thú vị.
Trước đây ở sư đoàn tôi, ý thức đồng đội được diễn dịch
ra ý thức “vì thắng lợi chung” hay là “Đoàn kết - chiến thắng”. Có lần, trong
một chiến dịch, trung đoàn A làm nhiệm vụ công kiên thiếu bộc phá, trung đoàn B
làm nhiệm vụ phục kích có bộc phá đã gói sẵn (để chuẩn bị chung cho chiến dịch)
ít có cơ hội dùng ngay đến, đã ngay trong đêm nổ súng cử cán bộ và chiến sĩ
vượt hàng chục cây số đường núi, đem bộc phá sang cho trung đoàn bạn để bảo đảm
“thắng lợi chung”. Trong một chiến dịch khác, sư đoàn tôi không thắng lợi đã
làm cuộc kiểm điểm nghiêm khắc ở các cấp và rút ra được khẩu hiệu truyền thống
“thắng không tranh công, thua không đổ lỗi”.
Hiện nay, trên các trận địa, các chốt, các điểm ở biên
giới, ở hải đảo, các cán bộ và chiến sĩ lại đang sống những giờ phút hào hùng
và mãnh liệt nhất của tình đồng đội. Các đồng chí đang chia nhau từng mẩu giấy,
từng giọt nước … để giữ vững trận địa, đang quên mình đi hoặc là đang có ý thức
xóa cái riêng mình đi cho cái lãnh thổ chung của Tổ quốc thiêng liêng. Ở những
nơi này, cuộc sống quyết liệt cũng đang tạo ra tình đồng đội mãnh liệt.
Từ một mối quan hệ tổ chức, quan hệ tập thể, quan hệ ý
thức, nảy sinh một tình cảm đẹp, và tất cả những điều đó lại tiếp tục sản sinh
ra những phẩm chất tốt đẹp khác ngày càng phong phú, ngày càng tốt đẹp cao cả
hơn.
Tình đồng đội cách mạng, cũng tức là tình đồng chí
cách mạng, tình cảm chiến đấu cách mạng là một thứ tình yêu thương cao cả vô
tư, không vụ lợi. Không những thế, nó còn mang tinh thần tận tụy, quên mình vì
người khác, thấy niềm vui của mình, thấy nỗi buồn, sự đau khổ, đau đớn của người
khác cũng là của chính mình. Người ta chia buồn, chia vui, an ủi nhau không chỉ
bằng lời nói, bằng tình cảm trừu tượng, dù là hết sức chân thành, mà bằng hành
động, bằng bản thân sự sống. Ở nhà tù Sơn La, tôi đã thấy chúng tôi nuôi nấng, săn
sóc anh Tô Hiệu những ngày cuối đời của anh. Không ai đi làm ngoài đồng, ngoài
rừng gặp cái gì ăn được, ăn ngon mà không nghĩ đến cách giấu diếm mang về cho
Tô Hiệu, từ ngọn rau, quả ớt, đến con cua, con ốc. Tôi đã thấy chúng tôi chăm
sóc nhau khi có người bị sốt rét ác tính (lúc ấy chúng tôi gọi là sốt rét đái
ra máu). Và một hiện tượng tương phản rõ rệt : ở trại lính, người bị sốt rét ác
tính thì 90 % là chết, còn ở trại tù cộng sản thì càng về sau thì hầu như không
có người chết. Sau này, chính các bác sĩ xác nhận một yếu tố quan trọng chữa
sốt rét ác tính là sự chăm sóc chu đáo. Cuộc sống đầy tình đồng đội cao đẹp còn
phát triển cao hơn, rộng hơn ở dọc đường Trường Sơn, ở các chiến trường B (B1,
B2, B3, v.v…) Mọi người chia nhau củ sắn, ngọn rau tàu bay, ngọn lá bép, cái
gậy, cái cọc võng, cái hố công sự và cao hơn là con cá, miếng thịt rừng, mảnh
giấy báo cuốn thuốc lá. Người ta khênh
nhau, dìu nhau ra phía trước, người ta lấy thân mình che cho nhau tránh bom,
tránh đạn, giành nhau cái nguy hiểm, cái thiếu thốn, cái vất vả và cả cái chết.
Người ta còn giành nhau nhận khuyết điểm, nhận kỷ luật. Người ta có thể khóc,
có thể đau khổ vì cái đau, cái thiếu của người khác. Ai cũng nghĩ bạn mình khỏe
mạnh, bạn mình an toàn có lợi cho mục đích chung hơn mình.
Người ta hồn nhiên thực hiện một chân lý đạo đức xã
hội chủ nghĩa : vì mỗi người đều quan tâm chăm sóc đến mọi người, hóa ra mỗi
người đều được mọi người chăm lo săn sóc.
Cố nhiên ở đây tôi “tinh cất” lấy những điều tinh hoa
nhất để nói lên cái bản chất tuyệt vời của tình đồng đội cách mạng. Và những
điều cao đẹp ấy thường cứ xuất hiện một cách tất yếu như quy luật ở những nơi
có chiến đấu, có đồng chí, có quân thù, có mục đích chung cao cả. Mục đích
chung cao cả bao giờ cũng có sức mạnh kỳ diệu lấn át các yếu tố cá nhân chủ
nghĩa, ích kỷ, danh lợi.
Cũng phải nói rằng không phải lúc nào cứ có tổ chức,
có tập thể, có mục đích chung là có tình đồng đội tốt đẹp. Có những yếu tố vun
đắp cho tình đồng đội tốt đẹp nảy nở, nhưng cũng có những yếu tố làm thui chột
tình đồng đội. Cây lúa nhờ có phân và nước làm cho tươi tốt, thì cũng có đủ
loại sâu bọ làm cho héo hon, chết hại. Trong những tập thể có loại sâu bọ “cá
nhân chủ nghĩa” thì mối quan hệ giữa người và người trở thành mối quan hệ ganh
ghét, tỵ nạnh, kèn cựa, lừa lọc, cạm bẫy, ngáng nhau, lật nhau, hất nhau. Vì
khi ấy trong một số người, cái yếu tố “cá nhân chủ nghĩa” bỗng nảy lên lấn át
cả mọi yếu tố khác, chi phối mọi ý nghĩ hành động. Những người ấy không còn
thiết tha với thắng lợi chung, với sự tiến bộ và thành tích của đồng đội, mà
chỉ sợ có một điều : sự thiệt thòi, sự sút kém của bản thân mình, vì vậy trong người
nảy sinh những tình cảm “phản đồng đội” rất tệ hại.
Trước đây, nếu tình nghĩa đồng đội có được là do cuộc
sống mạnh mẽ và cao đẹp vun đắp lên thì ngày nay những yếu tố “phản đồng đội” cũng
nảy sinh ra từ những phức tạp của cuộc sống, từ những đầu óc cơ hội và cá nhân
chủ nghĩa. Nhưng những điều đó cũng không có cơ sở để tồn tại và phát triển lâu
dài. Sự nghiệp cách mạng phát triển làm cho cuộc sống phát triển mạnh. Chính
cuộc sống phát triển mạnh sẽ lại vạch trần những yếu tố “sâu bọ” trong cuộc
sống, loại trừ nó và tình nghĩa lành mạnh có sức sống lớn đã trở thành một giá
trị tinh thần truyền thống của dân tộc, của quân đội, sẽ mãi mãi là những giá
trị ngày càng cao lớn cho ngày nay và cho ngày mai.
Kỷ niệm 40 năm lập nước
Tháng 9.1985(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét