Thứ Hai, 10 tháng 1, 2022

Một niềm vui


       Trong Sở mật thám Thái Bình, tôi đã qua gần một tháng thử thách, tôi được cảm thấy rõ rệt nhất cuộc chiến đấu với kẻ thù, tôi cũng được cảm thấy rõ rệt nhất sức mạnh của mình, sức mạnh của cách mạng.

        Là một học sinh còn nhỏ tuổi, từ lúc giác nhộ, tôi chỉ biết một cách chung chung là “đấu tranh giai cấp thì quyết liệt gay go”. Nhưng tôi chỉ mới biết đấu tranh là đi lẩn tránh mật thám, làm mít-tinh, đánh lừa địch… Với tuổi mười tám đầy sức sống của mình, tôi vẫn cảm thấy mình chưa dùng hết sức và thấy kẻ địch còn tầm thường quá. Bữa bị bắt, sau khi sôi nổi diễn thuyết và đấu khẩu với bọn quan lại và tên chánh mật thám, tôi mới bắt đầu nghĩ đến cuộc đấu tranh trực tiếp này. Đêm đầu tiên, một mình nằm trong xà lim tối tăm, tôi không ngủ được với những mùi rệp, mùi gỗ mục, mùi hắc ín,  tôi nằm nghe tiếng muỗi, đuổi muỗi và nghe cả những tiếng rú ghê rợn trong phòng tra tấn ở chỗ nào đó. Tôi chỉ thấy tiếc đến bồn chồn cả ruột gan, gai rợn cả người, tiếc những chương trình kế hoạch và triển vọng công tác của mình: nào là tờ báo của Thanh niên với những hình vẽ, chữ in mỹ thuật và nội dung đặc sắc do tay tôi tạo nên, những mối học sinh tôi đang xây dựng, một đại hội đại biểu thanh niên toàn tỉnh, một phong trào thanh niên rộng rãi nhiều hình thức hoạt động phong phú, độc đáo. Những cuộc diễn thuyết đầy sức mạnh quyến rũ, thúc đẩy thanh niên, một đội ngũ thanh niên rộng rãi… Những buổi tra tấn nay mai chưa bận tâm tôi lắm. Tôi nhớ lại Lê-nin, Đi-mi-tơ-rốp, tôi tự tin ở tôi: “Chỉ có không biết và chỉ có thế đến chết thôi… Một tinh thần dũng cảm giản đơn mà cũng đầy sức mạnh”.

        Thế rồi cuộc chiến đấu diễn ra.

        Một kinh nghiệm sâu sắc và cơ bản mà tôi rút ra được là: “Cần có một quyết tâm hy sinh tính mạng, không thương tiếc thì có thể vượt qua được hết”.

       Có những lúc tên phó mật thám Tây lai với bộ mặt hung ác côn đồ, chửi bằng tiếng Việt Nam nhem nhẻm, vận dụng cả một thân hình to lớn của nó để quật lên mình tôi nào cặc bò, dùi cui, thước lim, roi điện, quả tạ, v.v… Những lúc nó điên cuồng nhất là những lúc tôi bình tĩnh nhất, vì lúc ấy tôi chỉ còn có một ý nghĩ: cứ thế này rồi quá đi là chết, thế mà chết là xong, xong hết.

       Mỗi khi tôi cảm thấy kẻ địch bắt được tôi, hành hạ tôi mà chúng nó lại bối rối, không yên, lo xa hơn tôi thì tôi cảm thấy mình chiến thắng và khi với tư cách của kẻ chiến thắng tôi có thể từ giã cuộc đời một cách nhẹ nhàng, thoải mái lạ lùng. Những buổi nhìn qua cửa sổ xà lim, tôi đã rất thơ mộng lẩm bẩm những lời từ giã đám mây bay, cành hoa phượng vĩ đỏ gắt như máu với lá xanh mượt dịu dàng như lụa, từ giã con chim lách chách trên cành, từ giã người mẹ hiền xa xôi. Tôi sẵn lòng từ giã hết không chút gì ân hận.

         Về sau này nếu có dịp nào tôi nghĩ lại lúc này chắc cũng sẽ tự ngạc nhiên với tất cả những ý nghĩ giản đơn, trẻ trung, tươi tắn của mình. Tôi lấy làm khó hiểu với những ý nghĩ tự tử của một số đồng chí. Tôi nghĩ ta có thể chết, nhưng hãy để cho kẻ thù nó tự ghi thêm tội ác của nó vào bản cáo trạng mà mình không nên hủy hoại đời mình. Tự mình phải phấn đấu để mà sống.

        Cố nhiên, bọn mật thám không hiểu hết ý nghĩ của tôi, nhưng cả bọn chúng đều lắc đầu trước thái độ bình thản của tôi và chỉ còn bám vào một thứ lý thuyết cũ kỹ của chúng là “Bọn cộng sản là một bọn cuồng tín” (!). Tôi cũng chẳng để thì giờ phân tích cái cuồng tín đó làm gì. Tôi vẫn say sưa thưởng thức cuộc sống của mình.
* * *

        Gần một tháng nay tôi đã bị chúng giam qua ba nơi. Mỗi nơi tôi cũng đều có những thưởng thức riêng của mình.

        Khi bị giam một mình ở xà lim, tôi luôn luôn căng thẳng chờ đợi. Thấy một hơi thuốc thơm, một tiếng chìa khóa, hoặc một tiếng giày êm, tôi đều chuẩn bị chờ đợi một trận đòn gay gắt. Tôi cố tình không để cho mình được yên. Tuy nhiên tôi đã sớm nắm được quy luật mà tạo cho mình những phút yên tĩnh. Ví dụ, sau trận đánh nó đẩy tôi vào xà lim và đóng cửa, tối thiểu sau đó mươi phút tôi được yên ổn, trong những bữa cơm, hoặc những lúc chúng nó rủ nhau đi chơi, đi lùng sục đâu đâu. Những lúc ấy ý nghĩ của tôi lại lan đến những nơi rất cao xa. Tôi tưởng tượng một cuộc trốn táo bạo, tôi tưởng tượng một chương trình hoạt động, nếu mình còn ở ngoài…

        Tôi phác một kế hoạch cụ thể cho một chi bộ nào đó của tôi phụ trách. Tôi tưởng tượng một cuộc họp mặt vui vẻ với một số bạn thân, v.v… Có lúc tôi tưởng tượng mình sống ở thời Tam Quốc, đời Đường, đời Tống và nếu có những thủ đoạn cao cường như Triệu Tử Long hoặc Tiết Nhân Quý, Lý Nguyên Bá, v.v… thì tôi sẽ làm gì.

         Những ý nghĩ ấy thường bị đứt quãng. Nhưng nó thường cũng được  nối lại một cách có hệ thống trong những giờ yên tĩnh tiếp sau.

        Có một dạo nó lại giam chung tôi vào nhà giam lớn cùng với các đồng chí khác, tôi đã sống trong những giờ phút tràn ngập tình thương yêu cách mạng. Tôi đã gặp các đồng chí già đến ngoài bốn mươi tuổi, các cụ già chủ các nhà cơ quan chứa cán bộ và các bạn trẻ cùng lứa tuổi của tôi. Hàng ngày tôi được gặp lại những bạn bè cũ của mình. Mỗi lần bị tra tấn về, tinh thần chiến đấu của tôi đều được khen thưởng. Hình thức khen thưởng rất đơn giản mà sâu sắc. Đồng chí T. ôm lấy tôi và cùng mọi người đỡ tôi nằm trên đùi mình xoa bóp. Mọi người chung nhau từng xu gửi mua dầu về xoa bóp cho tôi. Đồng chí T. già nói đùa: “Khổ thân thằng con tôi đẹp thế này. Con tôi mà tôi không nỡ đánh, tiên sư đế quốc, nó đánh con tôi thế này! …” và đồng chí âu yếm khuyến khích: “Con khá lắm! Như thế mới là làm cách mạng”. Những lúc ấy tôi vừa kiêu hãnh vừa sung sướng lại vừa muốn nũng nịu, nằm im trên bắp đùi xương xẩu của đồng chí già lặng ngắm những nét nhăn của đồng chí mà ôn lại cuộc đời chiến đấu của đồng chí, ôn lại những ngày sóng gió của cách mạng năm 1930 – 1931 mà đồng chí thường kể lại.

         Những giờ phút “yên tĩnh” – tức là chắc chắn không bị gọi đi tra tấn – tôi thường được ngồi giữa các cụ, các chị, để các cụ thì bới đầu bắt chấy, các chị thì cởi áo và bắt rận cho tôi. Các cụ vừa bắt chấy, vừa kể lể lo lắng cho sức khỏe của tôi. Tôi thường được bắt gặp những ánh mắt khâm phục nhưng cũng đượm chút âu yếm dịu dàng của các chị trẻ tuổi, những ánh mắt đưa nhanh nhưng rất xao xuyến và xúc động tôi mạnh mẽ. Có lần chị S. đã đón tôi ở cửa chuồng xí để đưa riêng cho tôi hai miếng kẹo lạc và nói như cầu xin và cũng như ra lệnh: “Ăn đi, cố ăn cho khỏe”. Suốt đời tôi sẽ không quên những miếng kẹo lạc thân tình ấy.

         Cho đến thời kỳ gay gắt của cuộc tra tấn, bọn mật thám giam tôi bằng một hình thức đặc biệt: ngoài giờ đánh đập ra, chúng xích chặt hai chân hai tay tôi lại và để nằm cò queo ở trong dãy nhà ga-ra để ô-tô. Ở đó tôi bị nhốt cùng với cái ô-tô. Cả ngày tôi chỉ có bị kéo đi đánh và đi ỉa mà thôi. Tôi chỉ thấy anh chàng lái xe hàng ngày đến ngồi ở cửa đọc chuyện kiếm hiệp và mấy đứa con lão đội L. gác nhà giam. Hai bữa ăn tôi đưa hai tay xích với nhau đón cơm từ tay một đồng chí trên nhà giam đưa xuống.

        Nhưng tôi cũng lại tìm thấy nhiều điều thú vị ngay với cuộc sống này và cũng ở đây tôi lại càng hiểu rõ thêm ý nghĩa của cuộc sống. Trước hết tôi làm quen được với anh chàng lái xe và mượn tạm được một bộ kiếm hiệp xem chơi, tôi ngắm nghía anh chàng lái xe để đoán hiểu về anh xem anh hiểu cuộc đời như thế nào? Anh ta là một người lớn tuổi, trạc độ ba mươi, nhưng trông còn trẻ lắm, mặt anh tròn, trắng và hơi xanh, có một bộ tóc rất dày và dài có “gọng kính” vắt nơi tai. Lông mày thưa làm cho bộ trán của anh kém thông minh. Mắt đã không to lại luôn đùng đục. Thoáng trông khuôn mặt anh có cặp môi dày và cái cằm vuông ra vẻ lắm. Nhưng nhìn kỹ thì cái trán và cặp mắt của anh nói lên rằng anh cũng chả có ý nghĩ gì xa xôi cho lắm. Anh có vẻ thú vị với cuộc đời của mình, sáng sáng anh đón tìm lão đội L. lấy chìa khóa mở nhà xe, vừa làm việc đó anh vừa huýt sáo, anh lau xe thật nhanh, thử máy xong, anh rửa tay và nằm ngửa trên mũi ô-tô đọc truyện kiếm hiệp, thỉnh thoảng lại rên rỉ vài câu vọng cổ. Anh có câu vọng cổ “đời em nổi trôi như chiếc thuyền không lái” làm tôi cũng phải thuộc lòng. Mỗi khi bọn chủ gọi anh thì anh dạ rất to và chạy rất nhanh, bất chợt chúng xuống thì anh đứng nghiêm kiểu nhà binh đánh oách một cái và nói như hét lên “bông-giua xếp” (Bonjour chef), rồi anh cười nịnh khành khạch. Anh không hỏi gì về tôi cũng như tôi nghĩ mãi, không biết hỏi gì về anh. Anh coi như không có tôi ở đó, nhưng tôi ngắm anh rất kỹ.

        Một hôm, tôi hỏi mượn anh quyển truyện thì anh lạ lùng nhìn tôi và hất hàm lấy điệu bộ cho ra vẻ đáng yêu: “Người anh em buồn à? Muốn đọc truyện à?”… Thế rồi anh cho mượn ngay và quảng cáo rất dài về quyển truyện đó. Anh tỏ ra cũng chẳng cần nghĩ rằng tôi có quyền đọc truyện hay không. Từ đó, mỗi buổi sáng anh ta vừa mở cửa lại vừa tươi cười hỏi: “Thế nào? Người anh em xà-và (bằng lòng) chứ?” Thế thôi, anh cũng không hiểu “người anh em” đó là thế nào? Tôi đã chuẩn bị một kế hoạch tuyên truyền cho anh, nhưng chuyện xảy ra cũng oái oăm: Từ sau khi xảy một chuyện này thì anh tránh mặt tôi.

       Hôm đó, như mọi lần, anh “bông-giua xếp” và cười nịnh khành khạch xong, thì tên chánh mật thám lại đến gặp tôi. Nó hỏi tôi:

       - Thế nào, mày có muốn chết không? Tao sẽ bắn mày.

       Tôi trả lời bình thản:

     - Tôi thì không muốn chết, nhưng còn muốn bắn hay không là tùy ở các ông.

      - Mày muốn sống thì mày phải nói.

      - Tôi nói rồi và không có gì để nói nữa.

      - Mày nói dối.

      - Đó là tùy ở các ông.

      Thằng chánh mật thám tức quá, nhưng không biết làm sao được, phải quay ra. Anh lái xe lúc ấy như người nằm mơ, anh bàng hoàng nhìn tôi, anh lại lấm lét nhìn tên mật thám. Anh lo sợ cho tôi, anh lại vừa thú vị vì tên chánh mật thám tỏ ra đuối lý, chịu thua. Mãi đến lúc tên chánh mật thám đã đi xa, anh mới quay lại nhoẻn miệng cười không tự nhiên chút nào:

     - Chịu các bố thật, cộng sản!

       Và từ đó anh không ngồi ở đầu xe nữa, không hát vọng cổ nữa. Chủ anh gọi thì anh chạy ra xa rồi anh mới “dợ” chứ không dạ nữa và khi chủ xuống thì anh “bông-giua xếp” không hùng dũng như trước nữa, cái cười nịnh của anh không khành khạch nữa mà nó héo hắt trên đôi môi dày của anh. Anh nhìn trộm tôi mà không gọi tôi là “người anh em” nữa, anh khẽ gật đầu “chào cậu”.

       Cuộc đời của tôi còn thú vị thêm ở chỗ làm quen được với hai em bé. Em Thủy và em Ngọc. Đó là hai con của lão đội L. Thủy là một cô bé mảnh khảnh, thùy mị, độ mười tuổi. Ngọc là một cậu bé béo khoẻ nhanh nhẹn và có vẻ ngỗ ngược độ lên 8, em của Thuỷ.

       Một hôm sau một trận đòn kịch liệt, tôi không đi được nữa, đội L. phải dìu tôi xuống. Chẳng những thế mồ hôi ra đầy người, hai chân và tay bê bết máu, vì thế đội L. dìu luôn tôi về gần nhà hắn để tôi tắm. Lúc ấy ngoài sân nhà hắn, vợ và hai con hắn đã chuẩn bị ăn cơm. Vợ hắn đã mời tôi ăn một bát cơm và em Thủy mang đến cho tôi. Tự nhiên tôi thấy một cái gì dịu dàng, đầm ấm trong đôi mắt rất trong của em Thuỷ và tôi không từ chối bữa cơm đó. Cũng nhân dịp ấy các em xúm vào hỏi tôi:

       - Cậu có đau không cậu?

       - Cậu là cậu giáo có phải không, cậu?

       - Tại sao cậu lại thế này hở cậu?

       Tôi chỉ biết cười và nói:

       - Lớn lên các em sẽ hiểu.

       Từ đó các em gọi tôi là cậu giáo và nhiều khi các em đã dẫn hẳn bạn của các em đi qua cửa nhà ô-tô mà giới thiệu với các bạn cậu giáo kỳ lạ này. Hàng ngày chúng thường đi qua nhiều lần. Và ngày nào chúng cũng tìm cách vứt vào cho tôi hoặc một miếng đường, cái kẹo, hoặc… một quả ớt. Chính đội L. cũng có thái độ dè dặt đối với tôi hơn.

        Những niềm vui bất ngờ và nhỏ nhẹ ấy đối với tôi thật nhiều ý nghĩa. Tôi cảm thấy đầy đủ ý nghĩa cuộc chiến đấu của mình. Tôi thấy rõ rệt những người bình thường vô tư chung quanh này cũng yêu cầu tôi chiến đấu, yêu cầu tôi chiến thắng Tôi không thể có những niềm vui và sự săn sóc kia, nếu tôi là người khuất phục, đầu hàng hoặc tự tử để trốn tránh đấu tranh. Trong người tôi càng phơi phới một niềm tin vui, càng kiên định một tinh thần chiến đấu. Tôi không thấy đầy đủ được một chí căm thù sâu sắc, nhưng tôi có một lòng tin và tràn ngập tình yêu. Tuy nhiên trong người tôi cũng ngân vang lên một cách hùng dũng bốn câu thơ của Tố Hữu:

Tôi chưa chết, nghĩa là chưa hết hận,
Nghĩa là chưa hết nhục của muôn đời.
Nghĩa là còn tranh đấu mãi không thôi,
Còn trừ diệt cả một loài thú độc.
* * *

      Tôi lại bất ngờ gặp một người bạn. Qua lời đội L. nói thì người bạn mới này là một tên tướng cướp lợi hại mới sa cơ. Trước mắt bọn mật thám thì tôi là một tên nguy hiểm về chính trị, còn người kia là một tên nguy hiểm về trị an. Nhưng hai người không dính dáng đến nhau nên nó nhốt chung một chỗ cho tiện.

      Anh ta đến với tôi vào buổi chiều, sau một trận tra tấn. Đó là một thân hình vạm vỡ, tròn trịnh, đầu anh ta cờm cợp tóc đen và rối xòa che cả tai và gáy, đôi lông mày rậm, cái trán ngắn và nhăn. Anh ta đen ngăm ngăm. Khi đến chỗ tôi, mặt anh ta đang nhăn như mếu, co rúm người lại thành một hình vòng tròn. Vẻ mặt anh ta đau khổ, rên hừ hừ, hừ hừ và dò đi bước một. Đến bữa cơm, anh ta kêu “chết mất”. Anh không ăn được cơm, tuy tôi khuyên giải mãi, anh ta cứ co rúm lại và rên rỉ mãi đến tối. Khi chỉ còn anh ta với tôi, anh mới rầu rĩ cất tiếng hỏi tôi:

       - Cậu ơi! cậu… cậu tội gì đấy?

      Đối với tôi, tướng cướp phải là một người bản lĩnh cao cường, nhảy qua nóc nhà như chơi, phóng dao như chớp, coi cái chết như thường. Nhưng ở đây tôi thấy một người nông dân bình thường, dáng điệu hơi thô kệch, rất sợ gian khổ, sợ tra tấn, tôi cũng hơi ngạc nhiên. Tôi cười và hỏi lại:

       - Tôi, tôi khó nói lắm! Bác là tướng cướp phải không?

      - Ấy nghề đời, đói ăn vụng túng làm liều, những tưởng trót lọt, ai ngờ mắc tội mắc nợ thế này.

       - Sao bảo “có gan ăn cướp có gan chịu đòn” kia mà.

       - Ái chà cứ nói thế da thịt nào không là da thịt, mình đồng da sắt gì cho cam. Hôm nay tôi mới nếm qua đòn xăng-tan. Chết! chết! Thật là “đòn xăng-tan” thật! Chắc cậu thư sinh thế này chưa biết mùi mẽ nó ra sao đâu nhỉ.

       - Tôi đã vô phép bác nếm gần một tháng nay độ 50 lần rồi.

       - Ủa! cậu nói thật hay nói dối đấy?

     - Thế bác không trông thấy ban chiều tôi ăn cơm không cầm được bát đấy à?

       - À! à! phải này cậu ơi, thế cậu không biết đau à?

      - Có chứ! sao lại không đau, nhưng bác bảo thế này là khổ lắm rồi à?

      - Thế cậu bảo còn thế nào là không khổ nữa. Chân xích tay xích, đánh vãi đái vãi cứt ra, ăn thì cơm hôi, rau bã, ngủ thì nằm đất nằm cát ruồi muỗi thế này. Khốn nạn cái thân, một mình ở giữa chỗ này, sống chết thế nào, vợ con không biết, cậu bảo thế không là trần đời khổ rồi còn gì nữa. Tôi nghe giọng cậu nói thì cứ y như là cậu không đau đớn, không khổ sở gì cả thì phải. Chả biết cậu nghĩ thế nào?

     - Không phải đâu bác ạ, tôi cũng biết đau, tôi cũng biết khổ, nhưng tôi có những ý nghĩ khác bác.

       - Cậu nghĩ thế nào?

      - Tôi là cộng sản (tôi thấy hình như anh ta giật mình lên trong bóng tối). Tôi làm cách mạng là để thay đổi cả cuộc đời bất công. Khi đi làm cách mạng tôi đã biết trước là có lúc sẽ bị bắt, bị tra tấn, bị tù đày và có thể là người ta sẽ bắn chúng tôi, giết chúng tôi. Nhưng chúng tôi thấy việc chúng tôi làm là đúng, là cần và chúng tôi tin chắc cuối cùng chúng tôi sẽ thắng, nên chúng tôi sẵn sàng tất cả. Đối với chúng tôi thế này là khổ và cũng không có gì là khổ cả…

      - …

      Anh ta yên lặng hồi lâu rồi mới nói:

     - Thế ra bụng dạ các cậu rộng bằng biển thật… bụng dạ bằng biển thật…

    Sau đó chính cậu thư sinh lại trở nên một người giàu kinh nghiệm giảng giải giúp đỡ “ông tướng cướp” đã đứng tuổi kia. Ông tướng cướp trở thành một người học trò ngoan ngoãn. Đêm ấy hai người nói chuyện nhiều và ngày hôm sau anh tướng cướp một thân một mình kia nhờ vào tôi mà có thuốc lào hút, vì tôi nhắn xin ở dưới nhà giam, anh ta lại càng phục tôi và tiếp tục khen tôi và các bạn tôi “bụng dạ rộng như biển”.

     Và trong khi giúp đỡ “người bạn” này tôi lại suy nghĩ về cái khác nhau giữa mình và anh bạn này. Tại sao tôi lại thấy những suy nghĩ của anh  ta là hẹp hòi thiển cận như vậy, tôi chẳng qua cũng chỉ là một con người, một con người hết sức bình thường, giống như rất nhiều người khác mà thôi. Cái phân biệt được tôi, các đồng chí của tôi với anh lái xe, anh tướng cướp và các em bé kia chính là mục đích cuộc sống, cách nhìn cuộc sống của tôi. Tôi càng suy nghĩ càng phân biệt được mình với kẻ thù một cách rõ rệt hơn càng củng cố ý chí chiến đấu.

     Niềm tin vui càng phơi phới trong lòng tôi. Sau này, phần thưởng sung sướng nhất của tôi là trước những con mắt hằn học của kẻ thù, tôi đã bảo toàn được lực lượng cách mạng, lại nêu cao được sức mạnh và vinh dự của người cách mạng trước quần chúng trong buổi xử án. Đó là niềm vui của người có một lý tưởng lớn lao của cuộc sống, của người hoàn thành nhiệm vụ, của người chiến thắng.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét