Thứ Tư, 5 tháng 1, 2022

Ba vấn đề của nếp sống mới


Xây dựng nếp sống mới có nhiều vấn đề nhưng có ba vấn đề mà rất nhiều người quan tâm. Những vấn đề này thường được thảo luận từ nhiều năm, cho đến nay nhiều ý kiến đã được tập trung lại. Những ý kiến ấy đã hướng vào những quan điểm tương đối thống nhất và những nội dung lý lẽ rõ ràng.

Dưới đây, xin phát biểu về ba vấn đề đó là: Cưới, nhảy múa và mốt thời trang, với những nội dung ý kiến phản ánh những quan điểm đã được tập trung lại và có cơ sở thống nhất.
Nội dung các vấn đề đó như sau:
I. Cưới
Cưới là một sự kiện cực kỳ quan trọng của mỗi đời người. Nó đánh dấu một sự chuyển đoạn cơ bản của đời người: từ sống một mình chuyển sang sống có lứa đôi: xây dựng gia đình.
Lịch sử nhân loại cũng như lịch sử mỗi dân tộc đều có lịch sử của những nghi thức cưới. Đã có nhiều nghi thức và tục lệ mất đi và cải biến, lại có nhiều nghi thức tục lệ mới xuất hiện, rất phong phú, rất độc đáo. Từ những nghi thức và tục lệ phong phú và độc đáo đó, ta có thể tìm thấy nhiều ý nghĩa.
Dịp quan trọng này gọi là Lễ cưới hay Đám cưới? Tôi đề nghị gọi là Đám cưới. Trong đám cưới có phần nghi lễ. Nhưng toàn bộ đám cưới không phải là một lễ. Đề nghị bỏ đi những chữ dùng không đúng như Lễ tuyên hôn, Hội hôn,… nó sai và lố bịch.
Ta cần cùng nhau quan niệm cho đúng ý nghĩa và yêu cầu của Đám cưới để tránh một tình trạng khó khăn là: nhiều người đòi phải có một mẫu hình Đám cưới hoàn toàn tốt đẹp mà tất cả mọi người đều chấp nhận vui vẻ. Đó là điều thực ra không thực hiện được. Có lúc mọi người quan niệm tiết kiệm là yêu cầu cao nhất và bao trùm của đám cưới, nên thanh niên đã phàn nàn là khô khan và không vui. Một ông trong Ủy ban Nếp sống mới chủ trương Đám cưới chỉ có đăng ký với chính quyền xong là xong. Một bà cũng trong Ủy ban Nếp sống mới đáp lời ngay là: nếu như thế, con trai ông có hỏi con gái tôi, tôi cũng không gả cho nhà ông!
Cũng có chủ trương đề ra những chỉ tiêu để quy định cho Đám cưới, như không dùng quá 10 hay 20, 30 kg thịt, quá mấy bao thuốc lá, khách mời không quá 30, hay 50 người, v.v…
Thực ra đó là những ý kiến chủ quan định áp đặt cho cuộc sống, nó cứng nhắc và vô lý.
Cũng có nhiều ý kiến rất khó chịu với kiểu cô dâu mặc áo cưới kiểu váy nhiều tầng, đội mũ “công chúa” và má phấn môi son, rất khó chịu với Đám cưới có dàn nhạc và cho là hiện tượng quá quắt: “thậm chí có dàn nhạc sống”!
Chúng ta cần và nên quan niệm như sau:
Đám cưới là sự kiện quan trọng của đời sống con người, nó cần được đánh dấu một cách có ấn tượng sâu sắc. Nó cần có sự công nhận trang trọng của chính quyền và cần có sự công nhận vui vẻ, hân hoan của xã hội.
Cho nên hai yêu cầu cơ bản của Đám cưới là “Trang trọng và Vui vẻ” – tương ứng với hai yêu cầu đó, nó cần có phần nghi thức và phần họp mặt vui vẻ.
Phần nghi thức là phần pháp lý, tức là phần tổ chức đăng ký. Phần này cần được tiến hành trang trọng, nghiêm túc. Phần này biểu thị trách nhiệm và sự chăm lo, tôn trọng của chính quyền đối với hạnh phúc của nhân dân. Cơ quan chính quyền có trách nhiệm chính, tổ chức nghi thức một cách trang trọng, lịch sự, chu đáo. Đại diện chính quyền phải tỏ ra tôn trọng thanh niên, cần ăn mặc chỉnh tề, ứng xử lịch sự, chu đáo, nơi tổ chức được trang hoàng đẹp đẽ, trang trọng. Giấy đăng ký phải đẹp, bền. Như vậy nó mới xứng với sự quan tâm của đôi trai gái và gia đình họ trong ngày quan trọng của đời họ. Quốc hội sắp thông qua Luật hôn nhân và gia đình mới. Luật này sẽ xác định và bảo đảm điều này.
Phần họp mặt vui vẻ là phần có tính chất hội hè, thân mật, nhất thiết cần có, nên có. Đã có sự hội hè vui vẻ thì tiết kiệm là một lời khuyên, chứ không thể là những quy định cụ thể và cứng nhắc. Bởi vì có thể đối với gia đình này chi một lúc 500 đ hoặc 200 đ là không tiết kiệm, nhưng đối với một gia đình khác chi vài ngàn là tiết kiệm. Hơn nữa có nhiều gia đình đã có ý thức chuẩn bị cho Đám cưới từ nhiều tháng, nhiều năm trước. Những tâm lý tiến hành Đám cưới cho thật to để sĩ diện, đi vay lãi nặng để tổ chức đám cưới, là những tâm lý cần phê phán và khắc phục. Đã là hội hè vui vẻ, cần nhiều hình thức tổ chức phong phú, tạo sự hân hoan, tưng bừng, hấp dẫn. Không thể quy định chương trình chi tiết và cứng nhắc. Muốn vui vẻ, thân tình, thông thường phải có họp mặt, giao tiếp chuyện trò, quà tặng kỷ niệm, ca nhạc, chúc tụng, v.v… Nhiều người lẫn lộn phần nghi thức và phần hội hè, thường quên phần nghi thức, quên trách nhiệm của chính quyền, mà lại chỉ khe khắt với hội hè, biến hội hè thành những nghi thức khô khan.
Vì vậy:
1. Điều quan trọng nhất đối với Đám cưới là phần nghi thức, các cơ quan chính quyền và cơ quan văn hoá của Nhà nước phải lo cho phần nghi thức được tốt đẹp.
2. Phần hội hè là phần tương đối tự do của gia đình, nên đề ra những phương hướng để khuyên nhủ, khuyến khích là tiết kiệm, lành mạnh, nhưng phải đạt được yêu cầu vui vẻ, hân hoan, thân ái, hình thức tổ chức cần phong phú mà không nên máy móc, rập khuôn.
3. Mọi người cần tôn trọng đôi trẻ, ai cũng phải ăn mặc chỉnh tề, đẹp đẽ, cử chỉ trang trọng lịch sự. Nhân vật trung tâm là cô dâu và chú rể, nhân vật quan trọng là đại diện chính quyền và gia đình. Không nên quan niệm giản dị là xuề xoà, luộm thuộm và tuỳ tiện. Cô dâu chú rể, nhất là cô dâu cần ăn mặc đẹp và trang điểm. Nhưng không nên lố lăng, loè loẹt, cần phải có ý thức về sự thanh lịch, trang nhã của dân tộc.
Hiện ta có nhiều địa phương đã có những kinh nghiệm hay về tổ chức đám cưới, nhưng những quan niệm toàn diện như trên chưa được thể hiện đầy đủ. Cũng cần phải có những quan điểm thống nhất để đánh giá các kinh nghiệm cho tốt tránh tình trạng đề cao những chi tiết không đáng đề cao và phê phán những chi tiết không đáng phê phán.
Những ý kiến trên phản ánh đúng tinh thần hướng dẫn của Bộ Văn hoá về tổ chức Đám cưới. Đó là một hướng dẫn hợp lý, tốt, rất đáng làm theo.
Tuy nhiên, khi thực hiện hướng dẫn đó, ta thường gặp những vấn đề:
1. Thế nào là trang trọng – có người cho rằng cần phải có quy định chi tiết về sự trang trí của Phòng kết hôn hoặc phải có Phòng kết hôn cố định; cần quy định cụ thể đại diện chính quyền ăn mặc thế nào, quy định cụ thể số người dự. Có coi đó là lễ kết hôn không?, v.v…
Ta nên suy nghĩ một cách nghiêm túc và linh hoạt, tổ chức đăng ký kết hôn là một nghi thức, một thủ tục pháp lý nhất định phải có, quan niệm đó là một “lễ” cũng được, yêu cầu quan trọng nhất của nghi thức này là thái độ trân trọng của chính quyền đối với hạnh phúc của người dân, tôn trọng nhân phẩm của người dân. Cho nên nghi thức phải được cử hành một cách trang trọng, nghĩa là: chỗ cử hành phải được sạch sẽ, người chủ trì phải chỉnh tề nghiêm túc. Còn như chỗ cử hành là ở đâu? Phòng khách, phòng họp của Ủy ban hay phòng khánh tiết, phòng họp nhà văn hoá, đều được cả. Nếu nơi nào có điều kiện dành riêng một chỗ trang trọng để làm việc này cũng không sao, nhưng không phải là bắt buộc phải có. Còn trang trí thì quan trọng là cho trang trọng, không nên tuỳ tiện, làm nhàm là được. Có cờ càng tốt, có quốc huy cũng được, không có cũng không sao. Không phải là quy tắc gì bắt buộc. Người chủ trì là đại diện chính quyền, là Chủ tịch càng tốt. Người chủ trì ăn mặc chỉnh tề như trong ngày hội, ngày tết và tuỳ điều kiện từng nơi, còn như có cravát hay không có cravát cũng không phải là quy tắc. Khi tiến hành nghi thức, cha mẹ, bạn bè cô dâu chú rể muốn tham dự cũng được và không tham dự cũng không có gì trái luật.
2. Nghi thức đăng ký kết hôn được tổ chức gắn liền với tổ chức liên hoan vui vẻ cũng được, mà tổ chức một nơi rồi liên hoan nơi khác, hoặc đăng ký kết hôn trước một ngày hoặc mấy ngày sau đó cũng được, vẫn là hai phần của Đám cưới. Không có gì phải gò bó. Nơi tổ chức liên hoan vui vẻ nếu điều kiện tiện lợi, tiến hành ngay ở bên chỗ nghi thức đăng ký cũng được, ở một nơi khác cũng không sao, được tiến hành ở nơi công cộng như Nhà hát, Trụ sở uỷ ban hoặc tại nhà cô dâu hoặc nhà chú rể cũng được. Việc gọi là “rước dâu” cũng tuỳ theo điều kiện hoàn cảnh mà thực hiện: đi bộ, đi xe đạp, đi ô tô, đi thuyền,… đều được.
Nói tóm lại, Đám cưới phải có hai phần: phần nghi thức và phần vui hội. Đó là “mô hình”, nếu ai thích mô hình, không nên đặt ra những quy định chi tiết cứng nhắc và đòi hỏi “mô hình” là khuôn mẫu có những chi tiết như vậy để áp dụng vào bất cứ đám cưới nào và đám cưới ở đâu, thì đó là việc hoàn toàn không cần thiết và không nên làm một tý nào.
Nhất định cuộc sống phát triển sẽ làm cho Đám cưới ngày càng tốt đẹp, ngày càng trang trọng và vui vẻ, tạo thành nét đẹp văn hoá trong cuộc sống xã hội ta.
II. Nhảy múa
Trong tiếng Việt ta, có chữ Nhảy để chỉ hoạt động của đôi chân và chữ Múa chỉ hoạt động của đôi tay. Cả hai chữ “nhảy”, “múa” đều dùng để dịch một chữ quen thuộc của thế giới danser của Pháp và танцевáть của Nga. Nay ta nên dùng từ 2 âm tiết “nhảy múa” để chỉ hoạt động danser và танцевáть. Như vậy là hợp lý và dễ hiểu.
* * *
Dân tộc Việt Nam vốn từ xưa hầu như không có “nhảy múa”, chỉ có những “trò diễn” và những nghi thức trong các sinh hoạt văn hoá, trong lễ hội. Những trò diễn và nghi thức ấy chứa đựng nhiều yếu tố nhảy múa. Người Việt không có thói quen nhảy múa cùng nhau trong sinh hoạt vui chơi hàng ngày.
Các dân tộc thiểu số anh em khác thì có nhiều dân tộc có nhảy múa.
Thời kỳ cận đại, người Việt làm quen với nhiều điệu nhảy của châu Âu và ta thường gọi là “nhảy đầm” vì lúc đó có lẽ ta chỉ thấy “Tây nhảy với Đầm” cho nên gọi tắt là “nhảy đầm”. Về sau ta có nói chữ cho thanh lịch hơn và gọi là “khiêu vũ”, gọi là “Quốc tế vũ”. Những điệu nhảy ấy thông thường có các điệu Van (Valse), Tăng gô (Tango) và Phốc trốt (Foxtrot),… tuỳ theo giai điệu và tiết tấu của âm nhạc. Phổ biến và tiêu biểu là Van và Tăng gô – Có lẽ ta cứ gọi đó là loại nhảy Van, Tăng gô, dễ nghe và dễ hiểu hơn là “Quốc tế vũ”.
Sau nữa có các điệu nhảy nhộn nhịp hơn, mạnh mẽ hơn như Rumba, Rốc, v.v… Nhưng đến gần đây thì có hẳn một loại nhảy khác mạnh hơn, tự do hơn, có điệu cuồng loạn hơn, là những điệu nhảy xuất phát từ những điệu nhảy dân gian ở châu Phi, châu Mỹ La tinh bị biến thể đi.
Do đó, gần đây ta nghe nói đến nhảy múa, ta hay bị ấn tượng đó là sự cuồng loạn, là sự lắc lư thân hình một cách thô tục,… và nhiều người không muốn chấp nhận sự nhảy múa.
* * *
1. Thực ra nhảy múa là một sinh hoạt văn hoá có ích và cần thiết cho đời sống. Nó vừa có tác dụng làm cho cơ thể thân hình phát triển tốt, có nhiều khả năng cử động nhanh nhẹn, mềm mại, vừa có tác dụng làm cho người ta giao tiếp thuận lợi vui vẻ, chưa quen thì dễ quen, quen rồi thì dễ thân. Khi người ta nhảy múa thường có cảnh quan được trang hoàng nhiều màu sắc đẹp và kết hợp với âm nhạc, âm thanh, tất cả tạo cho người ta những giờ phút sống tưng bừng, khoái hoạt có ý nghĩa thư giãn rất lớn.
2. Gần đây ý kiến phản đối “nhảy múa” hầu như còn rất ít. Tuy vậy, cũng phải nói thêm những hiện tượng tiêu cực, những hành vi xấu xa xuất hiện chung quanh sự “nhảy múa” không phải là do bản thân sự “nhảy múa” đẻ ra một cách tất yếu. Trình độ văn hoá và đạo đức của xã hội càng cao thì sự “nhảy múa” càng đẹp và càng bổ ích. Nhảy múa là nhu cầu chính đáng của tuổi trẻ. Trách nhiệm của xã hội là giúp cho tuổi trẻ thoả mãn nhu cầu của mình theo một định hướng tiến bộ và lành mạnh.
3. Có điều, nhiều người thường có câu hỏi, nhảy múa thì được rồi, nhưng nhảy múa cái gì (điệu gì) và nhảy múa như thế nào? Bởi vì trong các điệu nhảy múa hiện có do một số tổ chức phổ biến, có những điệu nhiều người không muốn chấp nhận, có những điệu không thoả mãn nhu cầu sinh hoạt văn hoá, đó chỉ là những điệu nhảy múa biểu diễn được biến thể đi.
Nhảy múa trong sinh hoạt văn hoá, nên gọi là “nhảy múa vui chơi”. Có người gọi nó là nhảy múa sinh hoạt, e không đúng. Còn gọi là nhảy múa tập thể thì lại càng không đúng. Tập thể chỉ nói lên ý nhiều người và khác với một người hoặc ít người. “Nhảy múa vui chơi” nói được rõ mục đích, yêu cầu, tính chất của thể loại. “Nhảy múa vui chơi” (hoặc chỉ đơn giản gọi là nhảy múa) có những yêu cầu:
- Có âm nhạc (tiết tấu) quen thuộc, dễ nhớ,
- Động tác đơn giản, người tham gia có thể không cần tập luyện, chỉ cần nghe nhịp là tham gia nhảy múa được,
- Sự nhảy múa có thể thu hút rất đông người, có khi toàn thể người có mặt, có khi chỉ cần có một nhóm người không hạn chế, thậm chí có khi chỉ một đôi, vài đôi nhảy múa cũng được; có thể nhảy múa từng đôi nam nữ, từng vòng tròn đông người, hoặc rất đông người, người nhảy múa có thể tự do biến thể các động tác cho đẹp hơn, thích thú hơn.
Như vậy, nó chống lại mọi sự gò bó, mọi cứng nhắc và mọi cầu kỳ về động tác, về âm nhạc.
4. Trong các địa phương trên đất nước Việt Nam, trong các dân tộc thiểu số anh em của đại gia đình dân tộc anh em hoàn toàn có những điệu nhảy múa đáp ứng đầy đủ những yêu cầu như trên. Đó là “xoè” (xoè đoàn kết) của người Thái Tây Bắc, điệu “xoang” của người Tây Nguyên, điệu Lăm-thôn của người Khơ-me đồng bằng Nam Bộ.
Hãy phát động những cuộc nhảy múa các điệu trên một cách kiên trì, bền bỉ. Điều đó sẽ tạo nên một sinh hoạt văn hoá gần gũi, quen thuộc và mới mẻ. Trong cuộc sống, những giai điệu, tiết tấu và động tác sẽ được biến đổi phù hợp với tâm lý thị hiếu mới làm cho điệu nhảy múa phát triển, hiện đại hoá phù hợp với yêu cầu thời đại và hoàn toàn không sợ lạc hậu. Như thế ta tạo ra được sinh hoạt văn hoá hiện đại mà có bản sắc dân tộc rõ rệt, ta biến một giá trị văn hoá của một hai dân tộc thiểu số thành giá trị phổ biến của toàn dân tộc, ta hiện đại hoá nâng lên tầm cao mới một giá trị văn hoá dân tộc. Đó là cách làm, hướng đi hay nhất, hay hơn cách làm là vay mượn các điệu nhảy múa nước ngoài, tuy nhiên ta không loại trừ việc học để biết các điệu nhảy múa mới, rồi phải tổ chức tập huấn nhiều lần vẫn không thay thế được các điệu nhảy múa nước ngoài.
Thanh niên ta nhất định sẽ được nhảy múa và nhất định ta có những điệu nhảy múa của ta đẹp, lành mạnh, vui vẻ.
III. Mốt thời trang
Ở đây tạm dịch chữ mốt (mode) là thời trang, trang ở đây là trang phục, trang sức vừa là trang điểm – trang cho hợp thời và kịp thời, nói là “tạm dịch” vì thực ra chữ mode có nghĩa rất rộng. Có nhiều “mốt” mới ở nhiều lĩnh vực chứ không phải chỉ có “mốt” ở trong trang. Cũng có người gọi trang bằng cụm từ nặng nề và cầu kỳ “tạo dáng cá nhân”. Có thể có mốt phong cách, mốt ngôn ngữ,…
Có thời người ta thích “mốt công nông” hay “mốt quần chúng”, ăn mặc xộc xệch, hút thuốc lào, nói năng giản dị và thô tục, hay chửi thề, thích dùng các từ ngữ của dân gian, ngồi xổm, vén quần gãi, v.v… và cứ tưởng càng xuề xoà, thô tục thì càng quần chúng. Người ta còn thích mốt súng, đã súng lục thì đua nhau tìm cho được “côn bát” (tức là súng côn 12) và đeo súng phải có thắt lưng to và hơi trễ xuống dưới rốn – và lại dính vào trang. Có lúc người ta còn đua khoe nguồn gốc nghèo khổ, hèn kém, khoe và tự hào về sự “thấp văn hoá” kể cả sự dốt nát.
Mốt hay thành phong trào và mốt cũng không phải chỉ là sự ưa thích của thanh niên.
* * *
1. Trước hết, mốt là một hiện tượng văn hoá nó thường gắn liền với các trào lưu chính trị - xã hội, với những biến động của xã hội, có ảnh hưởng sự phát triển tâm lý của các nhóm xã hội khác nhau, nó là một hiện tượng tự nhiên, xuất hiện tự nhiên, có lúc phát triển mạnh có lúc lại xẹp xuống do nhiều yếu tố phức tạp tác động: thái độ của xã hội, điều kiện vật chất để phát triển, tâm lý, v.v…
Không nên chủ quan mong muốn một cách áp đặt : không cho xuất hiện hiện tượng “mốt”, bóp chặt hoặc xoá bỏ hiện tượng “mốt”.
Nên đối xử với hiện tượng mốt như một hiện tượng bình thường tự nhiên. Hiện tượng mốt không phải hoàn toàn vô hại và kẻ địch các loại tìm mọi cách lợi dụng. Kẻ xấu có thể ghi được vài điều lợi, nhưng thông thường các hiện tượng “mốt” không thể gây được sự đảo lộn xã hội, nếu không có yếu tố xã hội – chính trị khá phức tạp hơn và quan trọng hơn.
2. Hiện tượng mốt thường gắn liền với tâm lý ham cái mới, ham cái lạ, ham thay đổi. Nó cũng gắn liền với ý thức ham cái đẹp. Nếu không được hướng dẫn tốt, những người say “mốt” có thể phạm vào những lãng phí không cần thiết, tạo nên sự lố bịch trong thị hiếu thẩm mỹ. Có thế thật, nhưng không nên quan trọng hoá hiện tượng “mốt”, coi như nó có thể phá hoại hoặc đảo lộn xã hội, gây mất trật tự và an toàn xã hội. Có lúc, chính những cách đối phó thô bạo quá đáng tạo nên sự mất trật tự và an toàn xã hội.
3. Mốt thời trang là nhu cầu đặc biệt của thanh niên. Vì thanh niên, hơn ai hết, ham cái mới, ham cái đẹp. Đúng hơn là ham cái mà họ tưởng là đẹp. Hiện tượng mốt, nếu đối xử đúng thì có mặt tích cực của nó : làm cho bộ mặt cuộc sống ngày càng mới, càng đẹp, làm tâm hồn con người phong phú hơn, vui tươi hơn – thanh niên muốn mốt thời trang đẹp là để tạo nên sự đẹp đẽ trong quan hệ người và người. Vì họ nói “ăn cho mình, mặc cho người”. Mặc đẹp, trang điểm đẹp là để tôn trọng người khác, để người khác thưởng thức cái đẹp, mọi người thưởng thức cái đẹp của nhau, nhất là ngoài đường, ở những nơi công cộng. Có thể nào coi một người tự làm xấu mình đi, lại được coi là người biết tự trọng và tôn trọng người khác?
4. Để hướng dẫn cho mốt thời trang đi đúng hướng, phát huy tác dụng tích cực của nó, phải có một công phu giáo dục rộng lớn, đồng bộ và toàn diện trong đó giáo dục thẩm mỹ và giáo dục đạo đức giữ vai trò quan trọng nhất.
Sự giáo dục trên phải được tiến hành bởi nhiều hệ thống giáo dục, đặc biệt giáo dục mầm non và phổ thông. Các hệ thống giáo dục cơ bản ấy đặt nền tảng cho tâm hồn và nhân cách con người; nền tảng cho ý thức dân tộc, giai cấp, tiến bộ. Có nền tảng đó mới có điều kiện phát huy các hệ thống giáo dục khác như giáo dục văn hoá, giáo dục nghệ thuật và mọi công tác tuyên truyền hướng dẫn khác, của thông tin đại chúng.
Không thể coi việc hướng dẫn mốt là một số công tác riêng biệt, càng không phải là những biện pháp hành chính thô bạo và áp đặt.
Đi đôi với sự hướng dẫn giáo dục, phải tạo các điều kiện vật chất cụ thể để phát huy tác dụng hướng dẫn thiết thực hơn.
         Nếu bình tĩnh và khách quan suy nghĩ, ta không có điều gì lo ngại quá đáng về hiện tượng mốt - thời trang. Mốt là một hiện tượng xã hội – văn hoá, nó tiến bộ cùng với sự tiến bộ chung của xã hội.

         (Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét