Thứ Hai, 20 tháng 11, 2023

Những phát triển mới của chiến tranh du kích ở miền Nam Việt Nam


Chiến tranh du kích ở miền Nam hiện nay đang đóng một vai trò quan trọng.

Tư lệnh Lê Trọng Tấn và Chính ủy Chiến dịch Đồng Xoài Trần Độ năm 1965




Chiến tranh nhân dân phải bao gồm hai hình thái chiến tranh (hoặc hai thành phần) là chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy (tác chiến với những đơn vị tập trung. Ở đây, chúng tôi dùng chữ “chiến tranh chính quy” để nói các hình thức tác chiến của các bộ đội tập trung, chứ không phải theo nghĩa đúng của nó) thì chiến tranh du kích ở miền Nam Việt Nam đã tỏ ra là hình thái cơ bản và là hình thái chiến tranh có trước của chiến tranh nhân dân. Nó là cơ sở của chiến tranh chính quy (tác chiến tập trung), cùng với chiến tranh chính quy đóng vai trò quyết định trong toàn bộ cuộc chiến tranh. Chiến tranh du kích nói riêng và cuộc chiến tranh nhân dân hiện nay nói chung đều phát triển từ các cuộc đấu tranh cách mạng bạo lực của quần chúng. Cuộc đấu tranh đó bắt đầu là những cuộc đấu tranh hòa bình dùng bạo lực chính trị đòi thực hiện những quyền lợi dân tộc và dân chủ. Những cuộc đấu tranh đó bị khủng bố đàn áp, lực lượng cách mạng tổ chức tự vệ chống khủng bố. Sự khủng bố ngày càng tăng, các cuộc đấu tranh của quần chúng phải có tính chất vũ trang để chống lại và cuối cùng phát triển lên thành phong trào khởi nghĩa từng phần ở khắp nông thôn. Kẻ địch bị thất bại trước phong trào cách mạng, ngày càng tăng cường vũ trang đàn áp, tăng cường quân đội viễn chinh. Cuộc chiến tranh nhân dân toàn diện chống xâm lược cũng xuất hiện đầy đủ và ngày càng phát triển. Nhân dân tiến tới sử dụng cả bạo lực vũ trang và bạo lực chính trị để đánh bại kẻ thù. Như vậy có thể thấy chiến tranh du kích phát sinh trong phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng và phát triển qua các thời kỳ như sau :
- Thời kỳ những hành động tự vệ vũ trang trong các cuộc đấu tranh của quần chúng,
- Thời kỳ khởi nghĩa từng phần cướp chính quyền cơ sở ở nông thôn, bảo vệ và giữ các khu giải phóng,
- Thời kỳ chiến tranh du kích chống chiến tranh đặc biệt và bắt đầu tạo nên hình thái tác chiến tập trung,
- Thời kỳ chiến tranh du kích cùng với tác chiến tập trung, đánh lại chiến tranh xâm lược trực tiếp của Mỹ.
Các thời kỳ nối tiếp nhau thể hiện sự phát triển của chiến tranh du kích từ thấp đến cao, thể hiện những bước trưởng thành lớn lao của nó. Đồng thời đó cũng là sự phát triển của lực lượng cách mạng từ nhỏ đến lớn, từ tương đối ôn hòa đến quyết liệt, từ chỗ đấu tranh đánh bại những cuộc khủng bố đàn áp của cảnh sát, tiến lên tiến hành chiến tranh đánh bại một nửa triệu quân ngụy được Mỹ trang bị, huấn luyện và cố vấn ; cho tới ngày nay, đang đánh bại cả 1 triệu quân Mỹ, ngụy và chư hầu.
Hiện nay chiến tranh du kích đã phát triển đến một mức độ khá cao, thể hiện ra những đặc điểm như sau:
1) Chiến tranh du kích không phải chỉ đóng vai trò tiêu hao quấy rối với mức độ phối hợp, phù trợ cho chiến tranh chính quy mà đã mở diện tiêu hao sinh lực địch ra rất rộng (thường chiếm từ 1/3 đến 2/5 tổng số sinh lực địch bị diệt) và trong phạm vi chiến thuật phổ biến đã có những trận tiêu diệt các phân đội nhỏ của địch. Chiến tranh du kích không phải chỉ tiêu hao tiêu diệt sinh lực của ngụy mà còn tiêu hao tiêu diệt với mức độ khá lớn quân Mỹ và chư hầu là những đội quân được trang bị hiện đại có hỏa lực yểm trợ rất mạnh, hành quân với sự hiệp đồng đầy đủ các binh quân chủng. Chiến tranh du kích không phải chỉ tiêu hao tiêu diệt những bộ phận lẻ tẻ của địch mà còn có khi tiêu hao nặng từng đơn vị tiểu đoàn, bẻ gãy từng cánh quân càn quét của địch. Đồng thời trong việc phá thế kìm kẹp hỗ trợ quần chúng nổi dậy, chiến tranh du kích đã rất lợi hại trong việc tiêu diệt những bọn ác ôn kìm kẹp quần chúng. Đó là những đối tượng sinh lực địch mà các đơn vị tập trung khó tiêu diệt. Vì vậy việc tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch của chiến tranh du kích vừa có ý nghĩa về số lượng để ảnh hưởng tới thắng lợi chung về mặt quân sự của cuộc chiến tranh, vừa có ý nghĩa chất lượng có ảnh hưởng quan trọng đến mặt chính trị của cuộc chiến tranh nữa.
2) Chiến tranh du kích không những chỉ đánh được với bộ binh của địch mà còn đánh được với cả cơ giới thiết giáp và không quân của địch. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc chiến tranh cứu nước mà kẻ xâm lược có một quân đội hiện đại. Nó còn có ý nghĩa to lớn hơn là khi ta đánh quân đội viễn chinh Mỹ, một quân đội hiện đại hạng nhất và hay huênh hoang về ưu thế không quân và sức mạnh của thiết giáp.
Thực ra thiết giáp là một lực lượng xung kích rất lợi hại của lục quân và không quân có hỏa lực mạnh rất dễ bề khống chế trận địa, uy hiếp đối tượng, gây sát thương nặng. Nhưng xe tăng, xe bọc thép và máy bay lại không tránh khỏi có những nhược điểm không tài nào khắc phục được, chúng vẫn có thể bị đánh vỡ và đánh rơi. Du kích đã hiểu rõ được điều đó và có quyết tâm lớn. Du kích ở nhiều nơi với xã chiến đấu và vũ khí thô sơ, tự tạo đã hạ máy bay, đánh vỡ xe tăng. Xã Phú Mỹ Hưng (Củ Chi) trong 5 trận càn 6 tháng đầu năm 1966 đánh vỡ và đánh hỏng 99 xe cơ giới (trong đó đa số là xe bọc thép). Xã An Phú (Củ Chi), 6 tháng đầu năm bắn rơi 12 máy bay, bắn hư 19 chiến, các xã Thái Hòa (Bình Dương) – Tân Ninh (Kiến Tường), v.v… cũng là những xã đánh vỡ hàng mấy chục xe bọc thép, bắn rơi hàng chục phi cơ, v.v… Nên khả năng này phổ biến rộng rãi thì với hàng ngàn ấp, xã chiến đấu và hàng chục vạn du kích của ta ít ra mỗi năm buộc địch phải bổ sung hàng ngàn xe bọc thép và hàng ngàn phi cơ – đó là chưa kể số xe bọc thép và phi cơ bị diệt bởi các bộ đội tập trung của ta. Trong 18 tháng từ đầu năm 1965 đến giữa 1966, các lực lượng du kích đã bắn rơi và hỏng 1900 máy bay, diệt và bắn hư 1600 xe quân sự các loại.
Đây không những là một hiệu quả rất lớn về mặt tiêu diệt sức chiến đấu của địch, mà đối với một đội quân xâm lược hiện đại như Mỹ thì còn là việc tiêu diệt sức chiến đấu quan trọng, đánh vào tinh thần binh lính Mỹ, hạ uy thế không quân và thiết giáp của chúng, làm cho bộ binh của chúng mất tin tưởng vào những chỗ dựa của chúng, làm nổi bật lên nguyên lý con người quyết định chiến tranh chứ không phải vũ khí, phát huy sức mạnh vô địch rõ rệt của chiến tranh nhân dân.
3) Chiến tranh du kích không những ngăn chặn địch, chống càn tốt, bảo vệ xóm làng, bảo vệ đời sống và sản xuất của nhân dân mà còn phát triển thế tấn công liên tục đánh địch. Chiến tranh du kích đánh địch trên các đường giao thông thủy, bộ, tập kích ở các đồn bốt lẻ và khi địch đóng quân dã ngoại, đánh vào những căn cứ hậu phương, những kho tàng, chỉ huy sở của địch. Chiến tranh du kích còn tấn công địch bằng các hình thức vành đai chống Mỹ, bao vây đánh lấn, diệt ác ôn, phá thế kìm kẹp để phá chính quyền địch trong các vùng địch tạm chiếm, phát động quần chúng phá ấp chiến lược. Hơn nữa, chiến tranh du kích tấn công địch ngay ở trong các đô thị, những nơi trung tâm chính trị kinh tế của địch bằng những hành động biệt động, đặc công và nhất là bằng hành động của lực lượng nhân dân và vũ trang tự vệ, bằng các tổ du kích mật ngay trong và ngoài thành phố, gieo cho địch những nỗi hoảng sợ khủng khiếp.
Thế tấn công của chiến tranh du kích phát triển lên trong lúc lực lượng cách mạng có những đơn vị tập trung lớn nhỏ, có những bộ đội chủ lực hoạt động thành từng chiến dịch cho nên càng có tác dụng và ý nghĩa rất lớn. Nó làm cho địch phải đối phó khắp nơi, không có chỗ nào yên ổn, làm cho địch phải mất một tỷ lệ lực lượng khá lớn để bảo vệ đường giao thông, bảo vệ hậu cứ. Như thế là địch bị kìm chân, bị căng mỏng ra, nhiều quân mà hóa ít, lại luôn bị căng thẳng về tinh thần. Như thế, quân chủ lực và các lực lượng tập trung của ta lại càng nhiều cơ hội diệt địch, phát huy được nhiều tác dụng hơn, cơ động linh hoạt và chủ động hơn. Chiến tranh du kích phát triển thế tấn công mạnh mẽ của mình vào vùng tranh chấp và vùng địch tạm kiểm soát, biến hậu phương địch thành tiền tuyến, củng cố và mở rộng vùng giải phóng, bảo vệ và giải phóng nhân dân, phối hợp với những trận tấn công lớn của chủ lực, mở rộng địa bàn hoạt động cho bộ đội tập trung. Chiến tranh du kích và tác chiến tập trung cứ phối hợp nhịp nhàng với nhau như thế thì dù cho quân địch có bao nhiêu quân cũng chỉ càng ngập sâu trong vũng lầy không thể nào giành được thế chủ động và tìm được một thắng lợi có ý nghĩa nào trên chiến trường.
4) Chiến tranh du kích không phải chỉ có vũ khí thô sơ, cạm bẫy mà đã phát triển nhiều loại vũ khí thô sơ, cạm bẫy, tận dụng tất cả mọi khả năng đánh địch đồng thời kết hợp rộng rãi với những vũ khí hiện đại, những vũ khí tự tạo, vũ khí cải tiến.
Du kích Củ Chi đã tổng kết 10 kinh nghiệm nổi tiếng là ai cũng đánh được Mỹ, Mỹ nào cũng đánh được, cái gì cũng đánh được Mỹ, chỗ nào cũng đánh được Mỹ, lúc nào cũng đánh được Mỹ, Mỹ bao nhiêu cũng đánh được, cách nào cũng đánh được Mỹ, v.v… Những kinh nghiệm đó chứng tỏ khả năng phong phú vô tận của chiến tranh du kích.
Với kinh nghiệm lao động lâu đời và sáng kiến dồi dào của nhân dân, chiến tranh du kích có thể tận dụng tất cả các thứ có trong tay để sử dụng đánh địch. Chúng ta đã thấy các loại hầm chông, hố đinh, chông lan, chông đòn, chông hom, v.v… các kiểu cạm bẫy, lựu đạn, địa lôi, đạp lôi, … cho đến mang ênh, ong vò vẽ và đôi nơi thấy địch sợ rắn, cũng lợi dụng cả rắn để đánh địch, các em chăn trâu dùng trâu để đánh địch. Các địa phương còn tự tạo nhiều vũ khí đơn giản như súng ngựa trời, lựu đạn ve chai, hầm phạng. Rất nhiều nơi đã cải biên các loại vũ khí cướp được của địch để đánh địch, cho nên có cả vũ khí hiện đại như dùng bom bi, hỏa tiễn, bom lép, đạn pháo lép của địch để đánh địch. Du kích học tập nhiều kỹ thuật phức tạp để chống địch và đánh địch như dùng thủ pháo đánh xe tăng, dùng súng bộ binh bắn máy bay, dùng cả mìn đánh máy bay trực thăng, … Điểm đáng chú ý là nhân dân ta biết kết hợp nhiều thứ vũ khí trong một trận đánh, huy động nhiều người với trình độ khác nhau dùng các vũ khí khác nhau trong một trận đánh làm cho các vũ khí hỗ trợ bổ sung cho nhau phát huy được hết uy lực của nó và có những trận đánh tiêu diệt từng phân đội của địch (Quảng Nam, Củ Chi, Long An, Bình Dương). Với quyết tâm chiến đấu rất cao nên nhân dân ta có thể dùng bất cứ thứ vũ khí gì có thể đánh giặc được và phát huy hết uy lực của nó và đánh rất chính xác vào kẻ địch, có một hiệu suất chiến đấu cao nhất. Đó là chưa kể mưu trí sáng tạo của nhân dân ta còn dùng mẹo làm cho địch bắn vào nhau, điều khiển cho phi cơ địch thả bom phá đường giao thông của chúng, v.v… Vì vậy kẻ địch xâm lược càng hiện đại thì cũng chính chúng là người làm cho trình độ chiến tranh du kích chống xâm lược trở thành hiện đại. Mà cái khoa học hiện đại của chiến tranh du kích còn ưu việt rất nhiều ở chỗ lấy ít đánh được nhiều, lấy nhỏ đánh lớn, đánh được trúng, không bị cạn nguồn tiếp tế vũ khí, hiệp đồng “binh, quân chủng” rất giỏi. Đây cũng là một tính ưu việt tuyệt đối của chiến tranh du kích chống xâm lược, kẻ địch xâm lược không thể nào có được.
5) Ấp, xã chiến đấu trở thành hạt nhân của chiến tranh du kích ở nông thôn. Nó không phải chỉ là những thiết bị và tổ chức chiến đấu để “bảo vệ xóm làng” theo nghĩa thông thường của nó nữa. Nó là một thứ trận địa linh hoạt nhiều màu sắc của chiến tranh nhân dân chống xâm lược đánh bại mọi thứ binh chủng, vũ khí của địch, bảo vệ đời sống và sản xuất và tiến công tiêu diệt địch. Nó không phải chỉ là trận địa của các lực lượng vũ trang để tấn công và phòng ngự, mà nó còn là trận địa của tất cả nhân dân, là những thiết bị rất khoa học, rất mới mẻ để nhân dân tiếp tục sinh hoạt sản xuất trong điều kiện chiến tranh. Chính trong các xã, ấp chiến đấu, người ta bảo vệ trâu bò, thóc lúa của cải, mở lớp học và có cả liên hoan văn nghệ. Cánh đồng, vườn tược, mương máng cũng biến thành trận địa : trận địa sản xuất với ý nghĩa quân sự của nó, ở đó nhân dân vừa sản xuất vừa phòng chống được phi pháo và nếu cần có thể sử dụng các công sự đó để tấn công địch.
Các ấp xã chiến đấu ở miền Nam đã trải qua một quá trình phát triển khá gay go nhưng rất phong phú và nhiều ý nghĩa. Từ chỗ giải quyết ấp xã chiến đấu làm sao chống được bộ binh, rồi đến chống với trực thăng vận, thiết xa vận, tiến lên chống với sự đánh phá bằng phi cơ, pháo binh với mật độ cao của địch (có xã chịu đựng 3 năm hàng ngàn tấn bom đạn, có xã số bom ném xuống chia cho đầu người mỗi người phải chịu 3 – 6 quả bom. Có xã chịu đựng hàng vạn đạn pháo trong một trận càn khoảng một tháng) và đánh bại xe tăng thiết giáp, chống được gián điệp biệt kích. Chống các thứ giặc đã vậy, ấp xã chiến đấu còn phải bảo đảm cho nhân dân sinh hoạt, sản xuất, v.v… Muốn đạt được như trên phải giải quyết nhiều mâu thuẫn, khó khăn. Chống bộ binh thì phải chông mìn, cạm bẫy, chống xe tăng thì phải hầm ngang hố dọc, tránh phi pháo thì phải hầm trú ẩn. Muốn chiến đấu được thì phải có ổ, ụ chiến đấu, muốn sản xuất, sinh hoạt được phải có công sự tránh né khắp nơi, muốn tiến công địch thì phải có trận địa, có căn cứ tiến ra, v.v… Tất cả những cái đó phải kết hợp lại với nhau một cách khoa học, cái nọ không cản trở cái kia, mà còn củng cố lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau và ở nhiều nơi nhân dân ta đã giải quyết điều đó một cách tốt đẹp.
Quá trình xây dựng và củng cố ấp xã chiến đấu là một quá trình đầy gian khổ, mưu trí, dũng cảm, hy sinh ; đó cũng là một quá trình không ngừng nâng cao lòng căm thù giặc, nâng cao ý chí cách mạng, xây dựng đoàn kết nội bộ, nâng cao trình độ quân sự, biết phân tích đánh giá địch ta, biết vạch phương án kế hoạch, biết tổ chức chiến đấu và biết chiến đấu với những kỹ thuật ngày càng phức tạp. Đó cũng là một quá trình động viên, tổ chức lực lượng nông dân từ thấp đến cao, từ hẹp đến rộng, một quá trình nâng cao sức sáng tạo, tìm kiếm vũ khí, chế tạo, cải tiến vũ khí. Quá trình đó đã đi tới thực hiện việc quân sự hóa toàn dân, làm cho mọi sinh hoạt, lao động sản xuất và chiến đấu thống nhất lại với nhau thành một nếp sống chiến tranh nhân dân tuy khẩn trương gian khổ nhưng đầy chiến thắng vẻ vang. Ấp xã chiến đấu liên hoàn lại phát triển ra đã biến nhiều vùng nông thôn rộng lớn của chúng ta thành những trận địa chiến tranh nhân dân vô cùng kiên cố với nhiều khu vực có hàng trăm cây số giao thông hào, hàng chục cây số đường hầm, hàng vạn công sự các loại. Những công trình đó đã vượt xa cả công trình trận địa Điện Biên Phủ và đều do những bàn tay lao động cần cù với một tinh thần yêu nước sâu sắc của nhân dân ta tạo thành.
6) Chiến tranh du kích hiện nay vẫn tiến hành những cuộc chiến đấu phá hoại và quấy rối, bịt tai bịt mắt, chặt chân chặt tay quân địch. Nhưng những cuộc chiến đấu phá hoại bây giờ không phải chỉ có giá trị chiến thuật ngăn trở từng hành động, từng cuộc hành quân của địch mà việc chiến đấu phá hoại đã trở thành một mặt chiến đấu có tầm quan trọng chiến lược, đánh những đòn đau vào các nhược điểm của quân địch vào các âm mưu cả quân sự và chính trị của địch.
Những cuộc chiến đấu và phá hoại các đường giao thông vừa có thể tiêu diệt sinh lực địch, đánh phá các phương tiện chiến tranh của địch, lại vừa làm cho địch bị chia cắt cô lập, chúng rất giàu phương tiện vận tải trên không, dưới nước, trên bộ mà vẫn phải khốn đốn, không nối liền được với nhau, không tạo ra được những thế liên hoàn cần thiết. Đồng thời đánh phá giao thông đã làm cho quân địch phải dùng một tỷ lệ rất lớn quân chính quy, cơ động rải ra đường làm cho địch nhiều quân hóa ít. Những địa phương vừa đánh phá vừa tranh thủ làm chủ từng đoạn đường giao thông, lại còn phá vỡ cả âm mưu gom dân, lập ấp của địch dọc các đường giao thông, mở rộng và nối liền các khu giải phóng của ta, giải phóng và bảo vệ được nhân dân không cho địch cướp của bắt người để bù đắp vào tiềm lực chiến tranh của chúng bị hao tổn ngày càng lớn.
Trong cuộc chiến tranh như ở miền Nam hiện nay, sự xen kẽ địch ta ở mức độ cao, địch cũng cố tìm cách chia cắt ta và bảo vệ giao thông của chúng. Ngược lại ta chia cắt địch thì các khu vực của ta cũng nối liền. Nhưng ta lợi thế hơn địch ở chỗ khắp nơi ta có nhân dân, có du kích, còn địch thì muốn làm chủ đoạn đường giao thông nào thì không những phải rải quân đóng bót, lại còn phải hành quân mở đường, hộ tống. Càng rải quân ra, nhu cầu vận chuyển càng nhiều thì du kích ta lại càng nhiều cơ hội đánh phá. Địch càng ngày ở vào một vòng luẩn quẩn bi đát.
Các cuộc tập kích, đột kích, pháo kích vào các căn cứ hành quân, căn cứ hậu cần, sân bay, bến đậu của địch cũng là những hành động chiến đấu có ý nghĩa rất lớn, không những nó góp phần vào việc diệt sinh lực địch ; phá hủy phương tiện chiến tranh của địch mà nó còn làm cho địch ở vào một thế không ở đâu an toàn, ở đâu cũng bị đánh. Quân đội địch là một quân đội trang bị cồng kềnh, trú quân thì cần nhiều đất, hành quân cần nhiều đường, do đó không thể nào đủ sức để bảo đảm an toàn cho hết. Đồng thời khi một quân đội đã cần phải có nhiều phương tiện kỹ thuật và vật chất để có sức chiến đấu thì khi những phương tiện kỹ thuật và vật chất bị phá và thiếu đến một mức độ nào đó thì quân đội đó bị rối loạn và mất hết sức chiến đấu. Chính điều này làm nổi bật ý nghĩa chiến lược của việc đánh phá giao thông và đánh phá các cơ sở vật chất của quân Mỹ ngụy. Chiến tranh du kích ở miền Nam đã tỏ ra hoàn toàn có đầy đủ khả năng làm tốt việc này. Nếu sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện được chú trọng hơn thì ta sẽ có những đòn chí tử có ý nghĩa chiến lược giáng vào đầu quân Mỹ.
* * *
Trên đây là mấy điểm phát triển về quy mô và chất lượng chiến đấu của chiến tranh du kích ở miền Nam. Nhưng về mặt chung bao trùm toàn bộ vấn đề chiến tranh du kích, ta còn thấy những vấn đề lớn khác như :
1) Vấn đề tổ chức lực lượng tiến hành chiến tranh du kích. Qua thực tế ở chiến trường miền Nam, ta thấy rõ chiến tranh du kích là một kiểu chiến tranh về mặt chiến thuật thì dùng những lực lượng nhỏ phân tán, đánh linh hoạt, lợi dụng đến cao độ các yếu tố bất ngờ, nhưng về chiến lược thì lại tạo thành một thế tấn công toàn diện đánh vào quân địch, buộc chúng phải lâm vào một thế bị động rất khốn khổ. Thực tế đó cũng đã chỉ rõ lực lượng để tiến hành chiến tranh du kích là bao gồm tất cả các lực lượng vũ trang từ chủ lực đến bộ đội địa phương, dân quân du kích và toàn thể nhân dân, lại có các lực lượng đặc biệt như đặc công, biệt động, cũng là những lực lượng tập trung nhưng được tổ chức đặc biệt để đánh du kích. Các binh chủng của lực lượng tập trung như công binh, pháo binh, … cũng có thể đánh du kích.
Chiến tranh chính quy thì chỉ do các lực lượng tập trung tiến hành còn các lực lượng khác là phối hợp và phục vụ. Nhưng chiến tranh du kích thì do toàn thể các lực lượng (kể cả nhân dân) tiến hành. Nhưng ta cũng thấy rõ có một điều đã được xác định là các tổ chức du kích và dân quân là lực lượng cơ bản để tiến hành chiến tranh du kích. Du kích ở miền Nam được tổ chức như lực lượng vũ trang của cơ sở. Dân quân là lực lượng bán vũ trang. Du kích và Dân quân một mặt tự mình chiến đấu, nhưng một mặt lại là nòng cốt cho nhân dân chiến đấu. Du kích không thể và không được chiến đấu đơn độc. Du kích và Dân quân được tổ chức rất rộng rãi và có số lượng đông đảo, cho nên nó đóng vai trò là lực lượng cơ bản của chiến tranh du kích. Còn các lực lượng tập trung ở địa phương thì nhiều khi đánh theo kiểu du kích và tuy tổ chức tập trung nhưng cũng nhiều khi phân tán để đánh du kích. Các đơn vị chủ lực khi hoạt động tập trung cũng có những thành phần lực lượng đánh du kích như đặc công, công binh và cả trinh sát nữa. Cho nên nói phong trào Dân quân Du kích chưa phải là nói toàn bộ phong trào chiến tranh du kích. Nhưng nói phong trào chiến tranh du kích thì không thể không thấy phong trào Dân quân Du kích là phần cơ bản.
Như vậy là toàn bộ hệ thống lực lượng vũ trang của chiến tranh nhân dân không phải là chỉ đơn giản có ba thứ quân – tuy vẫn là có ba thứ lực lượng cơ bản. Tổ chức của ba thứ quân đã phát triển lên nhiều, gồm nhiều thành phần linh hoạt và kết hợp với nhau một cách khoa học, quan hệ với nhau một cách hữu cơ. Ranh giới giữa các thứ quân nhiều khi cũng khó phân biệt, ví dụ giữa bộ đội địa phương và du kích xã, lại có thứ du kích liên xã, nơi thì tổ chức thường xuyên, nơi thì luân phiên, vậy cũng khó mà nói Du kích liên xã là bộ đội tập trung và cũng khó mà nói là Du kích phân tán. Đứng riêng về tổ chức lực lượng chiến tranh nhân dân ở cơ sở (xã, ấp, thị trấn, khu phố) thì nhiều nơi đã có những kinh nghiệm tiên tiến và có thể phác họa ra như sau :
Ở cơ sở (rõ nhất là ở cơ sở nông thôn) có mấy tổ chức : tổ chức Du kích chia ra Du kích xã là những đơn vị nhỏ thoát ly, được trang bị tương đối đầy đủ và Du kích ấp không thoát ly được trang bị cũng khá. Đó là những đơn vị chiến đấu nòng cốt ở xã. Trong Du kích còn cả các lực lượng Du kích chuyên môn như công binh, đặc công và ở những nơi cần thiết có Du kích mật nữa. Tổ chức Dân quân là những đơn vị không thoát ly trang bị ít nhưng sử dụng nhiều thứ vũ khí ứng dụng có tham gia chiến đấu và tham gia rộng rãi các công tác phục vụ chiến đấu một cách tương đối thường xuyên. Ngoài ra, còn có các lực lượng nhân dân chiến đấu, gồm hầu hết nhân dân được tổ chức để tham gia chiến đấu bằng các thứ vũ khí thô sơ và ứng dụng vào phục vụ chiến đấu trong từng đợt hay từng trận.
Các hình thức tổ chức và các phong trào được phát động lên để tổ chức lực lượng thì mỗi địa phương một khác, nhưng đại thể đều hình thành ba tổ chức trên. Hội nghị Du kích chiến tranh toàn Miền lần thứ ba đã dựa vào kinh nghiệm trên mà xác định rõ tính chất tổ chức ba thứ lực lượng đó ở cơ sở. Đó là một phương thức động viên và tổ chức nhân dân tham gia chiến tranh chống xâm lược hợp lý nhất và tích cực nhất.
Tuy nhiên, việc tổ chức ra các lực lượng như trên không phải đơn thuần là công tác tổ chức hay công tác quân sự mà thực sự nó là một công tác vận động cách mạng rộng lớn. Nó phải được dựa trên công tác vận động nhân dân làm cách mạng, giác ngộ cách mạng cho nhân dân, phát động căm thù dân tộc và căm thù giai cấp, chỉ rõ quyền lợi trước mắt và quyền lợi lâu dài, quyền lợi của từng giới, từng địa phương quê hương với quyền lợi chung của dân tộc, của cả nước. Trên cơ sở đó mà tổ chức các đoàn thể cách mạng và trên cơ sở các tổ chức đoàn thể cách mạng mà tổ chức các lực lượng vũ trang và tổ chức nhân dân chiến đấu. Mặt khác, phong trào Dân quân du kích và nhân dân chiến đấu cũng là một phong trào chính trị có tác động trở lại để củng cố và phát triển các tổ chức đoàn thể cách mạng. Trong khi xây dựng các lực lượng vũ trang và bán vũ trang ở cơ sở phải đặc biệt chú ý vai trò phụ nữ. Phụ nữ miền Nam có một dũng khí cách mạng rất lớn, không những có khả năng xuất sắc trong đấu tranh chính trị và các mặt công tác cách mạng khác mà còn có khả năng chiến đấu vũ trang vô cùng to lớn. Đã xuất hiện nhiều anh hùng và dũng sĩ phụ nữ thật xuất sắc và đã có hàng vạn phụ nữ tham gia du kích dân quân, hàng triệu phụ nữ tham gia các công tác phục vụ chiến đấu, đã có nhiều cán bộ xã đội, huyện đội là phụ nữ. Nhiều nơi cũng thấy khả năng này nhưng chưa chú trọng tổ chức phụ nữ. Phụ nữ có thể không thích hợp với những đơn vị tập trung nhưng rất thích hợp trong các tổ chức Dân quân Du kích cơ sở. Nếu ta biết phát huy đúng mức vai trò của phụ nữ thì lực lượng Du kích có thể tăng lên gấp rưỡi và Dân quân có thể tăng lên gấp đôi ngay.
Vấn đề phương thức xây dựng lực lượng trên cơ sở phát động quần chúng phải được coi là một vấn đề nguyên tắc. Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã chỉ rõ là “Phải phát động phong trào du kích chiến tranh trên cơ sở phát động và tổ chức quần chúng cách mạng”.
Đồng chí Lê Duẩn có viết một câu có ý nghĩa tương tự : “Chúng ta không làm tròn nhiệm vụ xây dựng Dân quân du kích, Bộ đội địa phương, nếu việc động viên xây dựng đó tách ra ngoài chính quyền nhân dân ở hương thôn, ra ngoài phong trào nông dân ở hương thôn” (Giai cấp vô sản với vấn đề nông dân trong cách mạng Việt Nam, Nxb Sự thật, 1965, tr. 169).
Cho nên khái niệm “lực lượng vũ trang” của chiến tranh nhân dân cần phải được hiểu một cách đầy đủ hơn và linh hoạt hơn.
2) Một vấn đề chung khác là nội dung và hình thức của chiến tranh du kích ở miền Nam.
Chiến tranh du kích ở miền Nam phát triển trong một cuộc chiến tranh nhân dân chống lại chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới (cả hình thức đặc biệt và hình thức cục bộ). Do đó chiến tranh du kích lại cũng phát triển trong đường lối đấu tranh cách mạng chung là vũ trang và chính trị đi đôi. Đường lối đó thể hiện cụ thể ra cuộc đấu tranh chung với phương châm ba mặt tấn công (vũ trang, chính trị, binh vận) và trong các cuộc đấu tranh cụ thể với phương châm 3 mũi giáp công. Đấu tranh chính trị là quần chúng dùng bạo lực chính trị đấu tranh trực diện với quân thù đạt những yêu sách của mình, đấu tranh binh vận là làm tan rã hoặc làm giảm lực lượng quân sự địch bằng chính trị. Tất cả các hành động của quần chúng cách mạng nổi dậy và đều có ý nghĩa quân sự trong chiến tranh nhân dân. Trong nhiều cuộc chiến đấu với địch như chống càn, bao vây bức rút đồn bốt, v.v… ở các địa phương nông thôn thì khi đã có mũi vũ trang làm đòn xeo, các hành động đấu tranh chính trị binh vận tỏ ra có những hiệu lực quân sự rất lớn. Có khi chưa có vũ trang trực tiếp, nhưng do ảnh hưởng các cuộc chiến đấu ở nơi khác, đấu tranh chính trị binh vận mạnh mẽ cũng có tác động phối hợp về mặt quân sự. Các cuộc đấu tranh chính trị được tổ chức quân sự hóa, có tổ chức chỉ huy, có hiệp đồng, có tự vệ. Nhiều cuộc đấu tranh chính trị rất quyết liệt, quần chúng tay không đánh lộn với quân đội địch, có hy sinh, đổ máu, v.v… Như thế là chiến tranh du kích có những trận chiến đấu của các đội chuyên môn có kết hợp một cách gián tiếp với các cuộc đấu tranh chính trị và binh vận. Nhưng chiến tranh du kích ở các ấp xã trong nông thôn thì lại phổ biến thể hiện ba mũi tấn công, có khi là một phong trào, có khi là một tổ, một người cũng tấn công ba mũi. Mà nơi nào vận dụng ba mũi tấn công càng giỏi càng rộng rãi càng linh hoạt thì nơi đó phong trào chiến tranh du kích càng mạnh càng vững và càng phát triển tốt. Vậy chiến tranh du kích ở miền Nam (rõ nhất là ở nông thôn) không phải chỉ bao gồm có mặt chiến đấu vũ trang mà nó bao gồm nhiều hành động bạo lực không vũ trang của quần chúng nữa, tức là nó bao gồm mọi hành động khởi nghĩa của quần chúng cách mạng. Ta có thể lấy thực tế này để hiểu luận điểm của đồng chí Lê Duẩn là “chiến tranh du kích đã trở thành một phương thức khởi nghĩa của nhân dân các nước thuộc địa, nửa thuộc địa nổi dậy chống thực dân xâm lược”.
Vậy thì khái niệm “chiến tranh du kích” ở miền Nam (và khái quát hơn là trong cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh xâm lược của thực dân kiểu mới) cần phải mở rộng ra là bao gồm mọi hành động vũ trang, bán vũ trang, không vũ trang của nhân dân nổi dậy đánh bại quân đội xâm lược và tay sai. Nói như thế có được không ? Đó là vấn đề cần tiếp tục trao đổi. Đó là nội dung và đó cũng là hình thức của chiến tranh du kích. Từ vấn đề này thì việc chỉ đạo chiến tranh du kích ở các địa phương cũng không bó hẹp trong phạm vi quân sự, không phải chỉ (hoặc chủ yếu) là việc của các cơ quan quân sự. Mà cơ quan lãnh đạo chung các cấp ở địa phương phải là đầu mối chỉ đạo, đầu mối hiệp đồng mọi hành động đấu tranh của quần chúng.
Đây là một vấn đề mới, đã có nhiều kinh nghiệm nhưng kinh nghiệm cũng còn đang phát triển, cần theo dõi thêm.
* * *
Sau khi đã bàn về những điểm cụ thể trong sự phát triển mới của chiến tranh du kích như trên, ta không thể không bàn thêm vấn đề chỉ đạo.
Thực tế chiến trường miền Nam đã chỉ rõ muốn có phong trào chiến tranh du kích mạnh mẽ thì phải có hai yếu tố rất cơ bản là :
- Phải có đường lối cách mạng và phương pháp đấu tranh đúng đắn. Đường lối cách mạng xác định rõ mục đích và nhiệm vụ cách mạng ở miền Nam. Đường lối và phương pháp phải được quán triệt trong nhân dân, biến thành một quyết tâm rất lớn, rất nhất trí từ tổ chức lãnh đạo đến nhân dân,
- Phải có phát động quần chúng và tổ chức quần chúng để xây dựng lực lượng đấu tranh cho thích hợp, động viên được toàn dân tạo thành một lực lượng đấu tranh thật mạnh, thật lớn.
Thiếu một trong hai điểm này thì không thể có phong trào chiến tranh du kích.
Tất cả những nơi có xã chiến đấu tốt, có vành đai diệt Mỹ tốt, có lực lượng du kích và nhân dân chiến đấu tốt đều có những sự việc chứng tỏ ở nơi đó hai yếu tố trên được phát huy rõ rệt. Trước hết là các ủy ban Mặt trận địa phương đóng vai trò lãnh đạo rõ rệt, có quyết tâm rất cao không mệt mỏi tuyên truyền giáo dục mục đích nhiệm vụ cách mạng, tương quan lực lượng địch ta, phương pháp đấu tranh cách mạng trong quần chúng, luôn phát động căm thù, phát động truyền thống, phát huy thi đua, thu hút toàn thể nhân dân đoàn kết chặt chẽ chung quanh Mặt trận, nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất Tổ quốc. Các cơ quan lãnh đạo luôn luôn động viên nhân dân tham gia đánh giặc, tổ chức các phong trào như phong trào “tay cuốc tay súng”, phong trào “toàn dân giết giặc”, phong trào toàn dân làm xã chiến đấu, toàn dân bao vây đánh lấn, v.v… Từ những phong trào đó có các tổ chức thích hợp thu hút tất cả nhân dân, người thì động viên con em vào du kích, người thì trực tiếp đánh giặc, người thì vót chông, làm công sự, người thì lo cơm nước, thuốc men, v.v… Tất cả nhân dân đã có quyết tâm, căm thù giặc, lại được tổ chức hoạt động trong một bộ máy xếp đặt khéo léo nên những địa phương đó đã biến thành những trận địa cực kỳ vững chắc kiên cường, tuy nhiều ác liệt, gian lao nhưng đã chiến thắng vẻ vang và xứng danh thành đồng Tổ quốc. Những nơi nào chưa làm được như trên thì phong trào đánh giặc chưa giỏi mà việc bảo vệ nhân dân cũng không được chu đáo. Những kinh nghiệm đó là sự thể hiện các nguyên lý cơ bản của công tác vận động cách mạng vậy. Cũng từ những nguyên lý đó, ta có thể thấy muốn chỉ đạo xây dựng và phát triển phong trào chiến tranh du kích được tốt, các cấp lãnh đạo và chỉ đạo cần chú ý mấy điểm như sau :
1) Trước hết các cấp lãnh đạo và chỉ đạo cần nhận thức thật sâu, thật rõ vai trò và tính chất của chiến tranh du kích trong cuộc chiến tranh nhân dân ở miền Nam hiện nay. Cần phải nhận thức vai trò, tính chất chung, lại phải nhận thức cho hết những phát triển mới của nó, thấy hết khả năng của nó và những yếu tố cơ bản của nó. Có như thế mới khắc phục được những nhận thức lệch lạc như ỷ lại vào bộ đội tập trung, đánh giá quá cao tác dụng vũ khí của địch và những nhận thức thiếu sót về xã chiến đấu, về sử dụng các vũ khí trong chiến tranh du kích, về việc xây dựng lực lượng, về vai trò của nhân dân nói chung và của phụ nữ nói riêng về các mục tiêu chiến đấu và phương pháp chiến đấu của du kích. Cũng có nhận thức đúng đắn và toàn diện những vấn đề trên mới đặt vấn đề và giải quyết các vấn đề của chiến tranh du kích được thỏa đáng và đầy đủ, mới biết tích cực kiên trì phát động quần chúng nhân dân, quan tâm tổ chức và xây dựng tốt các lực lượng vũ trang và bán vũ trang ở cơ sở về cả chính trị và quân sự, biết quán triệt tư tưởng tấn công trong chiến đấu du kích biết coi trọng xã chiến đấu, thấy hết nội dung và yêu cầu của xã chiến đấu, biết phát huy sáng tạo trong việc tìm kiếm, chế tạo, cải tiến và kết hợp các thứ vũ khí khác nhau để đánh địch.
Và cũng chỉ có như thế mới phát huy được đầy đủ sức mạnh vô địch và vô tận của chiến tranh nhân dân, diệt được nhiều địch, bảo vệ được nhiều dân, giành thắng lợi.
2) Một việc rất căn bản là phải quán triệt mục đích cuộc chiến tranh của ta, nêu cao chính nghĩa của cuộc chiến tranh chống xâm lược của ta, nâng cao lòng tự hào dân tộc và tự hào giai cấp, nêu cao truyền thống cách mạng của nhân dân ; như thế có nghĩa là phải quán triệt nhiệm vụ và yêu cầu cách mạng trong giai đoạn hiện nay, quán triệt đường lối và phương châm đấu tranh, phân tích rõ so sánh lực lượng ta địch để đạt được một quyết tâm rất cao, một quyết tâm gang thép, quyết đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược. Quyết tâm của cơ quan lãnh đạo chỉ đạo phải được quán triệt nhanh chóng và đầy đủ trong nhân dân, biến thành quyết tâm chung của nhân dân. Phải tiến hành việc đó bằng một công tác tư tưởng nhạy bén và khẩn trương.
Quyết tâm là cơ sở chủ yếu cho mọi điều kiện để phát động chiến tranh du kích, huy động mọi tiềm năng chiến đấu của nhân dân. Nếu không có quyết tâm thì tất cả mọi việc đều khó, mọi thuận lợi cũng trở nên khó khăn.
Nhiều địa phương cơ quan lãnh đạo đã đề ra những khẩu hiệu đầy khí thế cách mạng cho công tác lãnh đạo :
Phân tích địch ta để đánh được địch,
Phân tích thuận lợi khó khăn để phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn.
Với tinh thần ấy, nên nhân dân ở các địa phương đã thấy được rất rõ địch thế nào ta cũng đánh được, khó khăn thế nào ta cũng có cách khắc phục. Quyết tâm là vũ khí cơ bản và mạnh nhất của chiến tranh du kích.
3) Phải quán triệt quan điểm quần chúng trong xây dựng lực lượng và chỉ đạo tác chiến. Quán triệt quan điểm quần chúng trong việc xây dựng lực lượng, phải biểu hiện trước hết ở việc hết sức quan tâm đến việc động viên và tổ chức quần chúng nhân dân vào trong các tổ chức cách mạng và tổ chức chiến đấu. Phải kết hợp chặt chẽ sự giác ngộ quyền lợi trước mắt (bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ sản xuất) với quyền lợi cách mạng lâu dài (độc lập, tự do, thống nhất). Phải kết hợp quyền lợi dân tộc và quyền lợi giai cấp, chỉ rõ chỉ có độc lập thật sự khi nào chính quyền vào tay nhân dân và nhân dân lao động được giải phóng, nông dân có ruộng đất. Phải biết rõ khả năng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu của mọi lớp người, tổ chức lại thành đội ngũ cho khoa học (Du kích vững mạnh chặt chẽ, Dân quân hùng hậu, nhân dân chiến đấu rộng rãi) thích hợp với khả năng và điều kiện từng người. Phải chăm lo bồi dưỡng cho các lực lượng đó về chính trị và quân sự, coi chính trị là chủ yếu, quân sự là quan trọng, thường xuyên củng cố tổ chức bồi dưỡng và mạnh dạn cất nhắc cán bộ. Phải thật sự coi trọng vai trò phụ nữ trong các tổ chức chiến đấu.
Quán triệt quan điểm quần chúng trong chỉ đạo tác chiến là phải khêu gợi và coi trọng sáng kiến của quần chúng thực hiện quân sự dân chủ một cách rộng rãi, thường xuyên để tìm ra được mọi cách đánh thích hợp với từng lớp người và từng người cụ thể, thực hiện quân sự hóa toàn dân, vũ trang hóa toàn dân. Dân tộc ta có truyền thống chống ngoại xâm rất lớn, rất dài và rất vẻ vang. Nhiều nơi đã có một nông dân hoặc một phụ nữ trong một trận từ chỗ chưa biết vũ khí biến thành dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt cơ giới địch, nhiều đội du kích được nhân dân phân tích địch tình, chỉ rõ địa hình, bày vẽ cách đánh, chứng tỏ khả năng chiến đấu vô tận  của nhân dân ta.
4) Phải quán triệt các tư tưởng chỉ đạo và phương châm tác chiến của chiến tranh du kích. Cụ thể là phải quán triệt tư tưởng tích cực chủ động tấn công, quán triệt phương châm cơ động linh hoạt bất ngờ và sáng tạo. Phải quán triệt phương châm kết hợp ba thứ quân, kết hợp ba mũi tấn công, phương châm ba vùng. Cuộc chiến tranh du kích của ta là một cuộc khởi nghĩa trường kỳ giành đi giật lại chính quyền với địch ở khắp nơi, kẻ địch lại là một tên đế quốc đầu sỏ nhiều tiền lắm súng, nhiều âm mưu tàn bạo quỷ quyệt. Cho nên ta phải thực hiện nguyên tắc khởi nghĩa của Lê-nin : “Tấn công, chỉ có tấn công”. Vì trong tình hình đấu tranh quyết liệt này dừng lại thế thủ là có nguy cơ bị tiêu diệt. Ta không đánh địch, địch cũng không tìm cách diệt ta. Cho nên tư tưởng tấn công, tấn công liên tục là một tư tưởng chỉ đạo lớn nhất của chiến tranh du kích chúng ta hiện nay.
Phải quán triệt các phương châm về ba thứ quân, ba mũi tấn công, ba vùng (giải phóng, tranh chấp và tạm chiếm). Nhưng vấn đề này đang diễn biến rất sinh động trên chiến trường hiện nay. Không kết hợp ba thứ quân thì từng thứ quân đơn độc không có sức mạnh, không kết hợp ba mũi thì mũi võ trang đơn độc, không phát huy được uy lực chính nghĩa của quần chúng, tách rời ba vùng không lấy việc tiến lên làm chủ vùng tranh chấp, đánh sâu vào vùng tạm chiếm làm phương hướng hoạt động thì sẽ rơi vào thế thủ, xa rời tư tưởng chỉ đạo là tấn công.
Ngoài ra, còn phải hết sức quan tâm đến phương châm diệt địch và xây dựng, bồi dưỡng lực lượng ta. Ta không có lực lượng thì không diệt địch được, có lực lượng mà không tích cực xây dựng bồi dưỡng thì không liên tục tấn công địch được.
5) Phải hết sức coi trọng việc tổ chức chỉ đạo để thực hiện tốt các kế hoạch tác chiến và xây dựng. Tổ chức chỉ đạo phải nắm các vấn đề :
- Xác định nguyên tắc, lề lối, quan hệ chỉ đạo, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, bảo đảm phát huy chức năng của mọi cơ quan, mọi ngành,
- Chú trọng sắp xếp cán bộ cho thích hợp, chú trọng mạnh dạn đề bạt và hết sức quan tâm việc bồi dưỡng cán bộ,
- Phải luôn nắm tình hình, có ý định, có kế hoạch, có hiệp đồng, có kiểm tra và đi sâu cơ sở - luôn tổng kết kinh nghiệm, phát động thi đua.
Đó là những vấn đề chủ yếu nhất của khâu chỉ đạo.
Rất nhiều sự thực đã nói lên là địa phương nào có quyết tâm cao, có tổ chức giỏi thì nơi đó luôn khắc phục được khó khăn nhược điểm, đưa phong trào tiến lên, chịu khó đi sâu tổ chức chỉ đạo thực hiện cũng là biểu hiện cụ thể của quyết tâm cao. Những địa phương nào chưa làm được như vậy thì gặp nhiều khó khăn, thậm chí có tổn thất.
Tóm lại về chỉ đạo hiện nay có thể nêu lên bốn quán triệt là : quán triệt quan điểm chiến tranh nhân dân, quán triệt quyết tâm, quán triệt quan điểm quần chúng, quán triệt tư tưởng chỉ đạo và phương châm và một tổ chức là tổ chức chỉ đạo thực hiện.
Chiến tranh du kích ở miền Nam hiện nay gồm nhiều vấn đề rất lớn và cũng đang có những phát triển lớn không thể nói hết ở đây. Nó là một trong những vấn đề cơ bản trong cuộc chiến tranh nhân dân của một dân tộc nhỏ mới được độc lập, chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của tên đế quốc Mỹ, đầu sỏ và mạnh nhất trong phe đế quốc. Cuộc chiến tranh này lại tiến hành trong nửa cuối của thế kỷ XX, với những phát minh khoa học và kỹ thuật quân sự rất cao. Vì vậy, bản thân cuộc chiến tranh nhân dân này cũng mang những yếu tố rất hiện đại, không phải là về mặt vật chất kỹ thuật mà là về mặt tinh thần, tư tưởng và tổ chức. Nó chứng tỏ đế quốc chủ nghĩa tuy nhiều tiền, nhiều súng, nhiều âm mưu tàn bạo và quỷ quyệt, nhưng cũng không khống chế nổi nhân dân bị áp bức trên thế giới nữa và còn bị nhân dân cách mạng đánh bại. Nó chứng tỏ lực lượng cách mạng của quần chúng nhân dân là vô địch. Nhân dân cách mạng là lực lượng quyết định hướng đi của lịch sử. Chúng ta có quyền tự hào một cách chính đáng về cuộc chiến tranh nhân dân của ta, về truyền thống cách mạng của dân tộc ta. Ở đây xin nêu lên một số thu hoạch tại chiến trường để đóng góp vào việc nghiên cứu học tập về đường lối quân sự của nhân dân ta, để được trao đổi thêm cho ngày càng được phong phú hoàn chỉnh. 
Tháng 11 năm 1966

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà văn, 2012)   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét