Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2023

Về vấn đề xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở

Mấy năm gần đây, vấn đề xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở được nổi lên thành một chủ trương công tác rất lớn, một chủ trương chiến lược của ngành văn hoá.

Tình hình đó biểu hiện tinh thần tích cực thực hiện một điểm trong Nghị quyết Đại hội IV của Đảng. Đối với việc này, Hội đồng Bộ trưởng cũng ghi trong Nghị quyết 159 nói về công tác văn hoá và trong những năm 1984 – 1985, Bộ Văn hoá coi đó là một trong mấy trọng tâm công tác lớn. Việc xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở không thể chỉ riêng ngành văn hoá làm được, ngành văn hoá là ngành chủ quản chăm lo việc chỉ đạo nghiệp vụ, thi đua và thúc đẩy một số lớn hoạt động. Còn toàn bộ công việc này phải là việc của tất cả mọi ngành, và như ta thường nói là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân.
Đối với nhiệm vụ cách mạng xây dựng một nền văn hoá xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta hiện nay, việc xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở có nhiều ý nghĩa lớn:
- Trước hết xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở là bước đi ban đầu của việc xây dựng một nền văn hoá mới và con người mới xã hội chủ nghĩa.
Về mặt hiệu quả, nó tác động trực tiếp, ngay lập tức đời sống mọi tầng lớp nhân dân lao động, tới mỗi người dân, mang lại cho nhân dân những yếu tố hạnh phúc của đời sống, đó là những tri thức, tư tưởng, tình cảm tốt đẹp, những niềm vui.
Nó tạo ngay một tính tích cực chủ động của nhân dân để thúc đẩy, hình thành và phát triển ý thức làm chủ tập thể về văn hoá của nhân dân.
Về mặt xây dựng những yếu tố vật thể của bộ mặt văn hoá, nó yêu cầu những công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản và vật tư dễ kiếm, nó yêu cầu không cao về cán bộ chuyên môn, nó huy động được sự đóng góp ngay của nhân dân. Từ đó, ta chỉ cần một thời gian ngắn đã có một bộ mặt văn hoá mới mẻ và tiến bộ trong toàn xã hội.
- Hai là xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở là cụ thể hoá việc tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng ở cơ sở,
- Và sau nữa, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở là tiến hành hàng ngày hàng giờ cuộc đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa về văn hoá, văn nghệ ở mọi nơi trong cả nước.
* * *
Đứng về ý nghĩa đường lối mà xét, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở là sự thể hiện một cách nhất quán yêu cầu tính nhân dân của nền văn hoá mà ta cần xây dựng.
Ngay từ Đề cương về cách mạng văn hoá Việt Nam của Đảng (năm 1943), trong khẩu hiệu “Dân tộc, Khoa học, Đại chúng” thì Đại chúng hoá là “chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hoá phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng” (Đề cương).
Trong bài diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm 40 năm bản Đề cương về cách mạng văn hoá Việt Nam của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã giải thích thêm :
“Ở một nước thuộc địa còn nhiều tàn tích phong kiến như nước ta hồi đó, đông đảo nhân dân, nhất là công nhân, nông dân bị mù chữ không có điều kiện tiếp thu tinh hoa văn hoá của dân tộc và của loài người. Văn học, âm nhạc, hội hoạ, v.v… và các thể loại văn hoá khác không phục vụ nhân dân mà chỉ cốt phục vụ cho giai cấp thống trị. Nói chung, quần chúng lao động bị gạt ra ngoài đời sống văn hoá.
Văn hoá mới phải là văn hoá của nhân dân, phục vụ nhân dân, làm cho mọi người biết đọc, biết viết, có học, biết thưởng thức và tham gia sáng tạo nghệ thuật và dần dần chiếm lĩnh các giá trị tinh thần mà dân tộc và loài người tạo ra” (Trường Chinh. “Về cách mạng tư tưởng và văn hoá”. Nxb Sự thật, 1984, tr. 22).
Đại hội lần thứ III của Đảng (1960) nhấn mạnh về yêu cầu xây dựng nền văn nghệ mới như sau:
“Trong sự nghiệp xây dựng nền văn hoá mới, việc phát động một phong trào quần chúng rộng rãi làm văn nghệ có ý nghĩa rất quan trọng. Từ trong phong trào này, sẽ nẩy nở những tài năng mới làm cho đội ngũ những người làm công tác văn nghệ đông đảo hơn lên, sáng tác, biểu diễn và phê bình văn nghệ được dồi dào thêm, sinh hoạt văn nghệ trở nên phong phú”
“Ra sức cải tiến việc phát hành và việc tổ chức đọc sách báo, phát triển việc nghe đài truyền thanh, làm cho sách báo và truyền thanh thật sự trở thành món ăn tinh thần của đông đảo quần chúng” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam – Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam xuất bản 9-1960, tr.76).
Nghị quyết Đại hội IV của Đảng (tháng 12-1976) về phần văn hoá có những đoạn như sau:
“Phát triển văn hoá tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, đẩy mạnh phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng. Nâng cao không ngừng trình độ thưởng thức và năng lực sáng tạo nghệ thuật của quần chúng, thoả mãn ngày càng đầy đủ nhu cầu thưởng thức và hoạt động văn hoá của nhân dân trên khắp mọi miền đất nước”.
“Xây dựng nếp sống mới văn minh, trật tư, tươi vui, lành mạnh trong xã hội, đưa cái đẹp vào cuộc sống hàng ngày, vào lao động sản xuất. Xây dựng nhiều công viên, cung văn hoá, cung thiếu nhi, câu lạc bộ, nhà văn hoá. Chú ý tổ chức tốt đời sống văn hoá ở các vùng kinh tế mới, ở các nông trường, công trường, lâm trường, ở các vùng dân tộc, ở miền núi và hải đảo” (Báo Nhân dân, ngày 25 – 26 tháng 12-1976).
Rõ ràng Nghị quyết đã yêu cầu “nâng cao không ngừng trình độ thưởng thức và năng lực sáng tạo nghệ thuật của quần chúng” và “đưa cái đẹp vào trong cuộc sống hàng ngày, vào lao động sản xuất”. Những yêu cầu đó đòi hỏi “phải tổ chức tốt đời sống văn hoá ở các vùng”… và như vậy khái niệm “đời sống văn hoá” ra đời đặt thành một nhiệm vụ lớn của việc xây dựng nền văn hoá mới.
Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng còn nói rõ hơn và cụ thể hơn những ý đó:
“Sự nghiệp văn hoá phải phục vụ lợi ích của nhân dân lao động, phục vụ Tổ quốc, phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
“Vận động một cách kiên trì và sâu rộng để tạo ra nếp sống mới có văn hoá trong xã hội, đưa cái đẹp vào cuộc sống hàng ngày, vào lao động sản xuất. Ở các thành phố, thị xã, thị trấn, cần có kế hoạch xây dựng công viên, cung văn hoá, cung thiếu nhi. Ở các khu nhà tập thể, xí nghiệp, hợp tác xã, trường học, chú ý xây dựng câu lạc bộ, nhà văn hoá. Hết sức quan tâm tổ chức tốt đời sống văn hoá ở các vùng kinh tế mới, các nông trường, lâm trường, công trường, ở các vùng dân tộc, ở miền núi và các hải đảo. Ngoài những trung tâm và công trình văn hoá quy mô lớn cho cả nước, ở từng vùng, tỉnh thành, huyện và xã, ấp, làng, bản, cần xây dựng những công trình văn hoá quy mô vừa và nhỏ mang màu sắc địa phương khác nhau, thể hiện tính phong phú của nền văn hoá chung của dân tộc ta. Đó là một phương hướng quan trọng nhằm xoá bỏ dần sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa miền xuôi và miền núi”.

Đường vào làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây. Ảnh : Trần Độ.
 Đến Đại hội V của Đảng (1982), những tư tưởng của Đại hội IV được phát triển thêm, cụ thể hoá thêm và đã trở thành ý đồ, chủ trương công tác cụ thể hướng dẫn hành động cho các cấp lãnh đạo quản lý và ngành văn hoá.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng nêu rõ:
“Một nhiệm vụ của cách mạng tư tưởng và văn hoá là đưa văn hoá thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của nhân dân. Đặc biệt chú trọng đời sống văn hoá ở cơ sở, bảo đảm mỗi nhà máy, công trường, nông trường, lâm trường, mỗi đơn vị lực lượng vũ trang, công an nhân dân, mỗi cơ quan, trường học, bệnh viện, cửa hàng, mỗi xã, hợp tác xã, phường, ấp, đều có đời sống văn hoá. Tổ chức tốt hơn nữa đời sống văn hoá ở thành phố, thị xã, làm cho thành thị xứng đáng giữ vai trò tiêu biểu cho nền văn hoá mới. Hết sức chăm lo xây dựng đời sống văn hoá ở nông thôn, chú ý đến vùng căn cứ cũ, vùng có đồng bào các dân tộc. Xây dựng một số công trình như nhà văn hoá, rạp chiếu bóng, thư viện, sân vận động, v.v… ở huyện lỵ và các xã trong huyện, tạo thành một mạng lưới có chức năng xây dựng, phát triển và truyền bá nền văn hoá mới ở nông thôn” (Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ V của Đảng. Tập I. Nxb Sự thật, Hà Nội. 1982, tr. 101).
Như vậy rõ ràng là suốt mấy chục năm qua, mỗi khi nói đến văn hoá, văn nghệ, Đảng ta đều nhấn mạnh yêu cầu văn hoá, văn nghệ phải vì nhân dân và do nhân dân, phải đem đến cho nhân dân lao động những giá trị văn hoá cao của dân tộc và của nhân loại, phải tạo mọi điều kiện để nhân dân lao động hoạt động văn hoá, tích cực phát huy khả năng sáng tạo văn hoá.
Chính vì thế, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở là một trong những nội dung quan trọng của đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng, nó phải là một chủ trương chiến lược hướng dẫn các hoạt động văn hoá, chỉ đạo công tác văn hoá. Nói đến việc xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, ta gặp hai vấn đề, cần quan niệm cho rõ. Trước hết thế nào là đời sống văn hoá. Đời sống văn hoá là một mặt của đời sống nhân dân. Vậy nhân dân có những mặt đời sống gì nữa? Có thể nói đến đời sống riêng, đời sống gia đình, đời sống xã hội. Cũng có thể nói đời sống kinh tế, đời sống chính trị. Nhưng theo một quan niệm về văn hoá thì bất cứ hành vi sống nào cũng có văn hoá cả. Con người đã sống là phải lao động, phải giao tiếp, quan hệ. Qua lao động, giao tiếp con người tự bồi dưỡng mình, sáng tạo ra con người mới. Cho nên đời sống văn hoá chính là những hành vi sống biểu hiện một trình độ văn hoá, nó bao gồm các hoạt động của xã hội, của tập thể, của từng cá nhân nhằm một mục đích văn hoá tức là hoàn thiện con người. Nói có đời sống văn hoá là nói phải có những hoạt động giáo dục, hoạt động thông tin, hoạt động văn nghệ, hoạt động nâng cao tri thức xưa và nay, xây dựng phong tục tốt đẹp, giữ gìn, nâng cao sức khoẻ, kế hoạch hoá gia đình, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan,…
Như vậy đời sống văn hoá không phải chỉ là những công tác văn hoá và hoạt động văn hoá mà đời sống văn hoá bao gồm những hoạt động văn hoá và công tác văn hoá. Có các hoạt động văn hoá và công tác văn hoá thì mới tạo ra và thúc đẩy việc xây dựng và nâng cao đời sống văn hoá được. Ngành văn hoá có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn và chỉ đạo các hoạt động văn hoá, một trách nhiệm nặng nề và có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng đời sống văn hoá. Tuy vậy đời sống văn hoá không phải chỉ là công tác văn hoá, nó phải có công tác văn hoá và phải có cả những hiệu quả của công tác văn hoá được biểu hiện ra.
Đời sống văn hoá không đồng nghĩa với văn hoá quần chúng. Muốn có một đời sống văn hoá phải có hai loại hoạt động từ hai chiều nhập lại:
- Một chiều là từ những hoạt động của các tổ chức chuyên nghiệp cấp trên. Những hoạt động này truyền bá các giá trị văn hoá cao cho nhân dân lao động,
- Một chiều khác là những hoạt động tự thân của nhân dân lao động để sáng tạo văn hoá.
Như vậy đời sống văn hoá bao gồm công tác văn hoá, muốn xây dựng đời sống văn hoá phải có các công tác văn hoá. Đời sống văn hoá không phải chỉ là công tác văn hoá và càng không phải chỉ là công tác văn hoá quần chúng.
Phân tích một cách toàn diện và bản chất, ta thấy xây dựng đời sống văn hoá chính là xây dựng quyền làm chủ tập thể và tư cách làm chủ tập thể của nhân dân về văn hoá, là nâng cao đời sống của nhân dân, là thực hiện khẩu hiệu chiến lược của Đảng “Vì hạnh phúc của nhân dân”.
* * *
Phải xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở. Vậy cơ sở là ở đâu? Muốn thực hiện việc đưa văn hoá, đưa cái đẹp vào cuộc sống hàng ngày, đến với mỗi người dân thì phải xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.
Trong Văn kiện Đại hội V của Đảng có nêu lên một loạt cơ sở như: Nhà máy, công trường, lâm trường, nông trường, đơn vị lực lượng vũ trang, công an nhân dân, cơ quan, trường học, bệnh viện, cửa hàng, xã, hợp tác xã, phường ấp.
Điều này nhấn mạnh tinh thần Nghị quyết Đại hội V của Đảng là phải làm cho văn hoá tới được khắp nơi, những nơi xa nhất, những nơi nhỏ nhất, đến từng người dân. Nhưng để thực hiện tốt chủ trương xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở phải có sự phân tích hợp lý cơ sở là gì và ở đâu?
Cơ sở theo nghĩa thông thường là tổ chức thấp nhất và cơ bản nhất của một hệ thống. Nó không phải chỉ có mặt thấp nhất, nó còn phải là đơn vị cơ bản, là nền tảng cho cả hệ thống tổ chức vì trong đơn vị cơ sở và dưới đơn vị cơ sở còn có thể có những bộ phận tổ chức nhỏ nữa, thấp nhất.
Nếu liệt kê và phân loại các đơn vị cơ sở thì ta có thể có:
- Loại đơn vị cơ sở của hệ thống hành chính, lãnh thổ,
- Loại đơn vị cơ sở của hệ thống kinh tế nông nghiệp, hệ thống kinh tế công nghiệp, của hệ thống phân phối lưu thông, v.v…
- Loại đơn vị cơ sở của các hệ thống xã hội như hệ thống giáo dục, y tế, các cơ quan, đoàn thể.
Trong các loại đơn vị này, có loại đơn vị rất nhỏ chỉ có từ 5 đến 7 người, có loại đơn vị rất lớn gồm hàng vạn người. Một con người có thể đồng thời là thành viên của đơn vị này và của đơn vị khác. Một con người có thể lao động sản xuất ở một đơn vị kinh tế, nhưng sống và hoạt động xã hội lại ở một đơn vị hành chính – lãnh thổ cách xa hẳn nơi sản xuất.
Ta cần quan niệm “cơ sở” thế nào để việc tổ chức đời sống văn hoá tác động được đến mọi đối tượng. “Cơ sở” phải có những tiêu chuẩn, những yêu cầu bảo đảm được mục tiêu và điều kiện cho việc tổ chức đời sống văn hoá. Muốn đạt được mục đích của việc xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, tất yếu phải tổ chức và xây dựng được các loại thiết chế văn hoá, có thể gọi là một hệ thống thiết chế văn hoá hoặc một mạng lưới thiết chế văn hoá. Trong các Nghị quyết của Đảng có nói đến các loại thiết chế này. Nhà văn hoá, câu lạc bộ, rạp chiếu bóng, thư viện, sân vận động, công viên, v.v… và chức năng của các thiết chế là xây dựng, phát triển và truyền bá nền văn hoá mới.
Mỗi thiết chế phải bao gồm ba mặt:
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ chế tài chính,
- Tổ chức bộ máy và cán bộ,
- Các hình thái hoạt động và nội dung của chúng.
Không có đủ ba mặt ấy, không thể coi là một thiết chế văn hoá.
Một cơ sở có đời sống văn hoá phải có điều kiện để có được một mạng lưới (hay hệ thống) các thiết chế văn hoá. Vì chỉ có cái thiết chế văn hoá mới là nơi toả ra những giá trị văn hoá đến tận mỗi người trong nhân dân, là nơi thu hút và có điều kiện cho mỗi người tham gia hoạt động văn hoá, hoạt động sáng tạo.
Như vậy một cơ sở để tổ chức đời sống văn hoá là một cơ sở:
- Có một địa bàn rõ rệt, có quy mô hợp lý,
- Một cộng đồng dân cư cơ bản ổn định có những mối quan hệ văn hoá mật thiết tạo nên những nhu cầu và nguyện vọng thống nhất,
- Một cơ cấu tổ chức (Đảng, chính quyền) cơ bản ổn định.
Trong ba điều kiện trên thì điều kiện dân cư là điều kiện quan trọng nhất. Một cộng đồng dân cư nào đó, cư trú trên một diện tích địa lý nào đó và gắn bó với nhau bằng một loại tổ chức nào đó. Cho nên cơ sở để tổ chức đời sống văn hoá là cơ sở dân cư.
Cơ sở dân cư này có thể là:
- Một xã hoặc một cụm xã,
- Một phường hoặc cụm phường,
- Một thị trấn hoặc thị xã,
- Một công trường, nông trường,
- Một khu tập thể.
Đó là những cơ sở dân cư có một địa bàn nhất định và gắn bó với nhau. Trong cơ sở dân cư này có thể bao gồm nhiều đơn vị cơ sở thuộc các hệ thống khác nhau, nhưng vì ở chung một chỗ nên có những nhu cầu nguyện vọng giống nhau về mặt văn hoá.
Theo một thống kê và căn cứ vào quan niệm cơ sở dân cư như trên, ta có thể ước lượng cả nước có từ 10.000 đến 13.000 cơ sở, mỗi cơ sở có độ từ 4000 đến 5000 người. Đó là một quy mô rất thích hợp cho việc tổ chức đời sống văn hoá, nghĩa là thích hợp để tổ chức và xây dựng một mạng lưới thiết chế văn hoá ở cơ sở (thư viện cơ sở, đài truyền thanh cơ sở, nhà văn hoá – câu lạc bộ cơ sở, v.v…).
Tuy nhiên, tuỳ tình hình cụ thể ở địa phương có thể linh hoạt quy định. Ví dụ: ở miền núi các thôn bản trong một xã cách xa nhau nhiều; có những xã số người ít hơn xã ở miền xuôi nhưng diện tích lại bằng một huyện (tức là mấy chục xã) ở miền xuôi.
Nếu cơ sở dân cư là một thị trấn hay một phường thì diện tích cư trú rất nhỏ mà mật độ dân cư rất lớn. Nếu lấy một cụm xã làm cơ sở thì có khi khu vực địa bàn khá lớn (đường kính khu vực có thể từ 7, 8 đến 10 km) và số dân có thể lên đến vài chục ngàn. Con số từ 4000 đến 5000 người chỉ là con số ước lượng một cách lý thuyết định ra một mức cơ bản để xem xét mà thôi, và thiết chế văn hoá ở từng địa phương cụ thể có quy mô, hình thức nội dung thích hợp, không thể đồng loạt giống nhau. Trong cơ sở dân cư có thể có các đơn vị cơ sở thuộc các hệ thống khác nhau, như trong một xã có thể có nhiều hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp, mua bán, có một hai trường học, có những cơ sở trạm, trại, kho, xí nghiệp của các ngành kinh tế xã hội.
Trong một thị trấn huyện thì số đơn vị cơ sở lại càng nhiều hơn, như bệnh viện, cửa hàng, trường học và các đơn vị cơ sở của ngành từ Trung ương đến tỉnh nằm tại Huyện. Tuy vậy những cư dân của tất cả các loại đơn vị cơ sở đều có một sự gắn bó với nhau và sinh ra những nhu cầu và nguyện vọng văn hoá giống nhau như những nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, những nhu cầu xây dựng nếp sống hàng ngày, v.v… và đó là điều kiện để những người cùng cư trú trong một cơ sở dân cư gắn bó với nhau về mặt văn hoá.
Tóm lại: cơ sở để xây dựng đời sống văn hoá phải là một cơ sở dân cư.
                                         * * *
Như vậy vấn đề “Xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở” là một bộ phận nội dung của đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng được thể hiện nhất quán qua suốt mấy chục năm. Nó là tư tưởng tính nhân dân của nền văn hoá mới mà ta xây dựng. Tư tưởng đó được thể hiện ra thành một chủ trương chiến lược chỉ đạo các mặt công tác văn hoá. Để nắm rõ vấn đề này cần phân tích hai quan niệm cơ bản của vấn đề “đời sống văn hoá là gì?” và “cơ sở là gì?”. Quan niệm rõ hai vấn đề trên mới nắm được đúng tinh thần của đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà văn, 2012)

2 nhận xét: