Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2022

Hai lần đi “vận động văn hóa”


I
Vào khoảng tháng 6 năm 1944, anh Trường Chinh (lúc ấy, đồng chí Trường Chinh là tổng bí thư của Đảng ta) bảo tôi đi gặp anh Lê Quang Đạo để anh Đạo bố trí cho dự một cuộc họp của nhóm Văn hóa Cứu quốc đầu tiên mới thành lập. Nhiệm vụ của tôi là nghe anh em thảo luận bản Đề cương văn hóa của Đảng để nắm tình hình về phản ánh, và từ đó sẽ làm cán sự liên lạc, giúp anh Trường Chinh và Thường vụ Trung ương trực tiếp chỉ đạo.


Tôi gặp anh Đạo ở Bắc Ninh. Hồi ấy, anh là xứ ủy Bắc kỳ, trực tiếp làm Bí thư thành ủy Hà Nội. Anh Đạo dặn tôi thêm một số việc và bảo:

- Hồi này ở Hà Nội, bọn mật thám lùng sục ráo riết lắm, cần cải trang cẩn thận.

Tôi nói cho anh biết sự bỡ ngỡ của tôi: chưa quen, ít kinh nghiệm công tác ở thành phố. Anh Đạo bảo:

- Được, cứ đi với mình!

Chúng tôi đóng bộ giống như những trưởng bạ, hộ lại hoặc hương sư ở nhà quê ra Hà Nội chơi, hoặc mua bán gì đó. Chúng tôi đều mặc áo the đen, quần trắng. Tôi đầu đội khăn xếp, tay xách ô vẻ mặt non choẹt, nhưng may có nước da hơi đen, tôi cũng ra dáng một tay trưởng bạ thực thụ. Anh Đạo đội mũ “cát” cũ màu trắng xỉn và hơi mốc, đeo kính trắng. Dáng điệu anh giống như một ông hương sư trầm tĩnh, đứng đắn. Gặp ai anh cũng chào hỏi trịnh trọng.

Thế là với bộ dạng như vậy, hai anh em chúng tôi ra Thanh Trì, đi đò dọc ngược sông Hồng để lên Vĩnh Tuy. Xuống đò, chúng tôi đứng ra một góc để khỏi phải bắt chuyện miễn cưỡng. Các bà, các chị kháo chuyện chợ búa, chồng con, chuyện vợ cả vợ lẽ, rồi đến chuyện trồng đay, nộp thóc cứ râm ran, ồn ào như cái chợ con. Mấy chàng thanh niên diện “sộp” đại loại cũng như chúng tôi, thì tỏ vẻ trầm ngâm, thỉnh thoảng liếc nhìn trộm chúng tôi như dò xét, nghi ngờ, nhưng lại kính trọng, nể vì. Có lẽ những chàng này ở quê ra tỉnh thăm người nhà, cũng có thể họ là những hộ lại, hương sư chính cống đang muốn tìm hiểu những người bạn đồng nghiệp, nhưng chúng tôi cũng phải đề phòng: biết đâu, đấy là bọn mật thám đang bám gót mình.

Càng về chiều, gió càng mạnh hơn. Trên cánh buồm tiếng gió cứ phần phật. Dưới nước tiếng sóng vỗ bồm bộp vào mạn thuyền sôi nổi hơn. Chúng tôi ra mũi đứng nhìn con thuyền đang lướt băng băng. Từng đợt sóng nhấp nhô chui lướt dưới chân chúng tôi, những mảng bọt đục ngầu lần lượt va vào mạn gỗ, tan ra và trôi đi. Chúng tôi thấy lâng lâng khoan khoái, nghĩ tới các nhà văn, nhà thơ mà tôi sắp được gặp mặt, sắp được nghe anh em thảo luận bàn bạc. Lòng dạt dào cảm hứng, anh Đạo đọc cho tôi nghe một bài thơ của Huy Cận và chúng tôi cùng nhau bình từng đoạn:

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Vẳng tiếng làng xa vãn chợ chiều…”

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa…”

Tôi bỏ khăn xếp ra, lồng vào cánh tay, đứng hóng gió và nghe anh Đạo kể chuyện, có xen kẽ những tiếng lóng. Qua những câu chuyện đó, tôi được biết: từ ngày anh Hoàng Văn Thụ còn hoạt động ở nước ngoài, có một lần qua một con sông, anh cũng đọc một bài thơ, sau này anh đọc lại cho anh Đạo nghe, rồi cũng bình từng đoạn và anh đã có nhiều suy nghĩ về sự nghiệp văn hóa của giai cấp vô sản, của dân tộc ta sau này. Năm 1940, khi anh Thụ đã về nước, hay đi lại qua làng Đình Bảng, Bắc Ninh – quê hương của anh Đạo. Lúc ấy anh Đạo còn làm nhiệm vụ bảo vệ cho anh Thụ. Đến thời kỳ làm bí thư thành ủy Hà Nội, thì anh Đạo càng được anh Thụ giúp đỡ nhiều về kinh nghiệm công tác, kinh nghiệm hoạt động văn hóa và con đường phát triển văn hóa của ta sau này. Gợi lại chuyện cũ, chúng tôi thấy nhớ anh Thụ quá. Tôi có cảm giác như anh đang dặn dò tôi: “Cuộc họp sắp tới tôi phải nghe như thế nào, nói như thế nào, suy nghĩ và làm việc như thế nào, cho đúng với tinh thần Đề cương Văn hóa của Đảng ta”.

Chiều mùa hạ, trời xanh ngăn ngắt. Xa xa phía chân trời mây trắng đùn lên cuồn cuộn tiếp nối nhau như những dãy núi tuyết trắng xóa lấp lánh viền bạc. Những rặng tre chạy dọc hai bên bờ tắm nắng vàng óng như dải lụa màu mỡ gà. Mặt sông Hồng mênh mang hùng vĩ. Gió lộng, buồm căng, con thuyền lướt sóng rào rào, đưa chúng tôi đi…

Tôi hình dung ra không khí cuộc họp sắp tới, đồng thời chuẩn bị sẵn phong cách đi đứng, nói năng khi đặt chân tới Hà Nội.

Đến nghĩa địa Phúc Thiện, gần làng Hoàng Mai, anh Đạo cẩn thận bảo tôi:

- Cậu tìm chỗ đứng vơ vẩn ở đây chờ tớ độ mười lăm, hai mươi phút. Tớ vào trước xem sao đã, không có lỡ ra có việc gì, mất cả hai thì hỏng. Uy (tức anh Vũ Quốc Uy) đã chuẩn bị “quần áo tây” cho cậu rồi – Anh Đạo mỉm cười nói tiếp – Sau đây cậu sẽ vào thay, bỏ cái lốt “lý đình dù” này, rồi đi.

Anh Đạo đàng hoàng đi vào trong xóm. Tôi đứng vơ vẩn ở ngoài đường. Vốn không công tác thạo ở thành phố, tôi thấy lúng túng trong việc phân biệt đâu là mật thám, đâu là người tò mò, đâu là khách qua đường. Tôi cứ lo lắng nhìn quanh. Trên đường kẻ đi, người lại tấp nập. Có người chăm chú nhìn tôi cứ như lần đầu tiên trông thấy một người kỳ lạ. Có người chỉ liếc mắt nhìn qua rồi đi thản nhiên. Loại người này làm cho tôi lúng túng hơn. Bọn mật thám cũng hay giả vờ như thế. Tôi suy nghĩ miên man, nên đóng vai gì bây giờ cho thích hợp người và cảnh. Lúc thì tôi làm ra điệu chuẩn bị để vào thăm mộ trong nghĩa địa, lúc ra dáng muốn sắm một thứ gì, lúc lại tỏ ra rỗi rãi đang ngẫm nghĩ sự đời. Thỉnh thoảng, có người tò mò lượn đến gần, nhìn chòng chọc vào mặt tôi. Tôi chuẩn bị đối phó. Người đó lại đi lảng ra, vội vã, quay đầu nhìn lại. Lúc ấy, thời gian trôi sao mà chậm thế! Trời tối hẳn, tôi vẫn chưa sắp xếp xong cương vị của mình để ứng phó với những sự việc bất ngờ. Tôi nóng lòng mong anh Đạo ra, để biết tình hình và cũng là để gỡ bí cho bản thân.

Còn về phần anh Đạo, thì sự thể thế này. Vào đến nhà anh Uy, anh thấy vắng vẻ, đã hơi rờn rợn. Chờ một lúc, bà cụ mẹ anh Uy ở đâu về, vẻ mặt buồn rầu, đau khổ và hoảng hốt. Anh Đạo nói ngay, muốn gặp anh Uy. Bà cụ níu anh lại, khẩn khoản mời anh ngồi chơi xơi nước. Nghe loáng thoáng vài câu, biết ngay là anh Uy mới bị bắt tối hôm qua, anh Đạo nóng ruột muốn bà cụ nói cho nhanh. Vì thường sau mỗi lần bắt người xong, mật thám đều gài người lại, phục ở xung quanh để tiếp tục bắt nữa. Chính anh Đạo đã bị một lần như vậy ở Hà Nội, phải dùng mẹo, lẩn ra sau nhà, leo qua tường chạy thoát. Lần này, thấy vậy anh Đạo lo lắng chuẩn bị xử trí ngay. Nhưng bà cụ muốn kể lể sự tình, nên cứ khẩn khoản mời anh ở lại. Anh Đạo nóng ruột, tìm mọi cách rời khỏi đó cho nhanh. Mặt khác, anh cũng rất lo cho tôi: không hiểu đứng ngoài đường một mình, tôi có để lộ thái độ gì không. Gặp mật thám theo dõi, phục bắt, tôi có đối phó được không. Và ngay lúc ấy, tôi có còn đi lại an toàn ở trước nghĩa địa không…

Anh Đạo nảy ra một kế. Anh không uống nước nữa đứng phắt ngay dậy, lấy mũ đội ngay vào đầu, sừng sộ như là gắt với bà cụ. Anh nói một thôi dài:

- Thế nghĩa là thế nào? Vô lý! Tại sao lại vô lý như thế? Thôi được cụ yên trí, cháu phải hỏi cho ra ngay mới được. Cháu biết vài chỗ có thể hỏi được. Cháu sẽ đi hỏi ngay. Thôi chào cụ. Cụ cứ yên trí. Thế này thì bực thật…

Anh vùng vằng đi ra thật nhanh. Anh quay lại chào cụ, nhưng để liếc nhìn xung quanh xem có đứa nào theo dõi không. Chắc có đứa theo dõi, nhưng với cách xử lý linh hoạt như vậy, anh đàng hoàng ra khỏi cạm bẫy của bọn mật thám. Anh đi mạnh bạo ra vẻ một người có uy thế, có thể đi tìm hỏi cho ra manh mối một vụ bắt oan!
Thế là, giữa lúc tôi đang đi lững thững trước nghĩa địa Phúc Thiện, bỗng có một người đi ập tới, nói vội vã, giọng bực tức:

- Thôi! ta đi thôi bác ạ, họ lại khất đến tháng sau.

Cái gì vậy? Tôi ngạc nhiên quay cổ lại, tưởng có người nhầm. Nhưng chỉ giây lát, khi câu nói chưa dứt, tôi đã hiểu ngay câu chuyện. Tôi xác định ngay vai trò đi đòi nợ hụt của tôi. Lập tức, tôi đóng ngay một vai “kịch cương”, đối đáp:

- Phiền phức quá! Cứ công đi công về cũng quá tội. Về nhà, cụ Bá lại không tin nữa cơ chứ.

Tôi cứ cằn nhằn, lẩm bẩm với cái giọng bực dọc như thế mãi. Đến lúc đã đi xa làng Hoàng Mai, anh Đạo bấm vào vai tôi, ra hiệu: - Thôi! Hình như anh đang phải cắn chặt môi để khỏi phì cười. Chúng tôi gọi xe tay đi cho nhanh về phía chợ Hôm, tìm chỗ tạm nghỉ một đêm. Đến gần chợ Hôm, chúng tôi xuống đi bộ qua vài phố vắng để xem xét có kẻ theo dõi đằng sau không? Và chúng tôi lại tiếp tục câu chuyện văn chương.

Đêm hôm ấy, chúng tôi ngủ nhờ nhà hiệu sách Bình Minh – một quần chúng cảm tình của Đảng – nơi anh Đạo thỉnh thoảng đi về qua. Trong nhà đông người, nhưng chỉ có anh chủ nhà biết chúng tôi, vì vậy chúng tôi vẫn phải “đóng kịch” là hai ông hương sư, bạn của chủ nhà ra chơi.

Sáng hôm sau, tôi tạm chia tay anh Lê Quang Đạo và hẹn một dịp khác tổ chức cuộc họp của các nhà văn, nhà thơ tìm hiểu, nghiên cứu Đề cương văn hóa của Đảng. Lúc ấy, tiến hành được một cuộc họp về văn hóa cũng đã đầy trắc trở và gian truân.

Trước khi rời Hà Nội, tôi mua mấy viên cồn, ít viên mực. Về tới An toàn khu, tôi báo cáo lại tình hình với anh Trường Chinh, rồi tiếp tục các công việc hàng ngày: liên lạc với nhà in, viết bài, bố trí hội nghị, đưa đón cán bộ, v.v… đồng thời chuẩn bị cho các công việc vừa làm dở dang kia. Tôi lo lắng băn khoăn, không hiểu lần sau có “thông đồng bén giọt” không?

II

Vài tháng sau, anh Trường Chinh đưa cho tôi “Đề cương văn hóa”, bảo tôi chép ra mấy bản, nghiên cứu cẩn thận. Đồng thời, anh cung cấp thêm tài liệu cho tôi tham khảo, đó là cuốn sách tiếng Pháp dày cộp nói về nghệ thuật và văn học của Mác và Ăng-ghen do Giăng Frê-vin biên soạn và đề tựa. Nhận được tài liệu, tôi rất phấn khởi, giấu kín trong người, nhưng lại lo lắng: không biết tìm đâu ra địa điểm thích hợp để nghiên cứu, kẻo lộ ra thì lắm chuyện rầy rà. Trong cái thời kỳ kẻ địch luôn dò la, lùng sục, bắt bớ ấy, nhà văn nhà thơ ngồi đọc một trang sách báo cách mạng cũng phải hết sức thận trọng ! Tôi tìm đến một gia đình ở làng Hải Bối bên bờ sông Hồng. Gia đình này có anh con trai là thanh niên Cứu quốc, ông bố có cảm tình với cách mạng, còn bà mẹ và những người khác trong nhà đều coi tôi như bạn buôn của anh con trai. Tôi nói với bà mẹ là tôi giận bố bỏ nhà ra đi, xin ở lại đây ăn tết với bạn – con trai bà – rồi sẽ đi kiếm việc làm. Vì vậy, tôi không thích giao du với ai, chỉ muốn được yên tĩnh, ăn và ngủ ở trong buồng riêng. Ông bố và con trai thì biết ý, đoán là tôi có việc gì quan trọng. Những người khác trong nhà cũng chiều ý tôi, nên đã sửa soạn cho tôi một chỗ khá yên tĩnh và bí mật. Tuy nhiên, tôi vẫn đề phòng, vì gia đình này giao thiệp rộng, khách tứ phương, bạn buôn bán qua lại nhiều. Được anh Trường Chinh thu xếp thời gian cho nghiên cứu tài liệu, tôi thấy cũng mừng, nhưng thỉnh thoảng lại bồn chồn, giật mình lo lắng cho anh. Vì ngoài những nhiệm vụ như làm đội trưởng đội công tác, giúp việc anh về công tác tuyên huấn… tôi còn trách nhiệm bảo vệ anh. Bây giờ tôi ngồi riêng ở một nơi, anh đi đâu, đi một mình, lỡ xảy ra việc gì thì tôi ân hận suốt đời. Ngồi một nơi yên tĩnh nghiên cứu tài liệu, nhưng lòng tôi vẫn bứt rứt không yên. Phần nghĩ đến anh, phần nghĩ đến bản “Đề cương văn hóa”.

Theo anh cho biết thì từ lâu anh đã suy nghĩ về bản “Đề cương” này. Năm 1937 – 1938 khi phong trào bình dân Pháp lên cao. Đảng ta đã xuất bản một số sách báo công khai. Cần phổ biến sách báo đó tới quần chúng công nông. Phải xóa nạn “mù chữ” mới giúp cho việc phổ biến chủ nghĩa Mác trong quần chúng. Vì vậy, lợi dụng lúc công khai, Đảng ta vận động và giúp đỡ một số trí thức thành lập Hội truyền bá quốc ngữ. Thế nên ý kiến của Lê-nin: “Vận động văn hóa trước hết là chống nạn mù chữ”, đã trở thành một hoạt động thực tiễn của Đảng ta.

Năm 39 – 40, Đảng rút vào bí mật, phương thức hoạt động có khác trước. Năm 1941, tại hội nghị trung ương lần thứ 8 họp ở vùng Pác-pó, được gặp Bác, anh Trường Chinh đã báo cáo tình hình hoạt động văn hóa. Bác có nhận xét và chỉ thị nhiều ý kiến. Từ năm 1941 trở đi, anh Trường Chinh càng chú ý thường xuyên theo dõi và nghiên cứu tình hình các sách báo xuất bản và văn hóa nói chung. Năm 1943, nước ta ở trong tình thế cách mạng sôi nổi, thời kỳ Đảng ta lãnh đạo các tổ chức quần chúng tích cực chuẩn bị đấu tranh vũ trang, tiến lên Tổng khởi nghĩa. Trên thế giới, cuộc chiến tranh chống phát-xít của Liên Xô đã có nhiều thắng lợi và mở ra nhiều triển vọng mới. Mặt trận Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với đường lối đứng đắn, đang thu hút rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân. Việc phát triển các tổ chức quần chúng ở thành thị, thu hút các quần chúng tiểu tư sản, trí thức, nhân sĩ yêu nước và các nhà tư sản dân tộc là một yêu cầu cấp thiết. Ở nông thôn, nhiều nơi Đảng ta cũng đã mở rộng mặt trận, thu hút cả một số hương lý, kỳ hào và địa chủ. Đội công tác chúng tôi cũng liên lạc với một số hương lý. Bên cạnh những khẩu hiệu về chính trị, kinh tế, các khẩu hiệu thể hiện đường lối văn hóa của Đảng ta trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ cũng đã được ra đời từ hai cuộc họp đầu năm 1943. Tại nhà cụ Bạch ở làng Võng La – tức làng Chài – huyện Đông Anh, tỉnh Vĩnh Phú, các anh Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt đã bàn bạc rất nhiều về những vấn đề trên. Sau đó anh Trường Chinh căn cứ vào ý kiến hội nghị đã khởi thảo Đề cương tại làng Phú Gia – bây giờ thuộc xã Phú Thượng – ngoại thành Hà Nội.

Tình hình ngày càng khẩn trương. Bọn phản động và kẻ địch ra sức chống phá phong trào cách mạng. Khởi thảo xong bản “Đề cương văn hóa”, nhưng không sao họp được, anh Trường Chinh đành gửi tới anh Hoàng Văn Thụ và anh Hoàng Quốc Việt xem để góp ý kiến. Các anh xem rất kỹ và có sửa chữa một vài chỗ.

Anh Trường Chinh đã hẹn là sẽ gặp trước khi tôi đi làm nhiệm vụ. Nhưng tôi chờ mãi vẫn chưa thấy. Mọi lần đi công tác, tôi thường đi trước anh dăm chục thước để sẵn sàng xử trí mọi bất trắc. Bây giờ anh phải đi một mình.

Trước đây đã có lần suýt nữa xảy ra tai họa. Hôm ấy, anh đi một mình trên đê sông Hồng. Anh cố ý đi sau một người dân đi đường để cảnh giác chú ý những điều khả nghi phía trước. Khi gần tới một điếm canh ở ven đê, anh thấy có xe đạp dựng ở ngoài cửa. Thấy khả nghi, anh đi chầm chậm, chuẩn bị ứng phó. Người dân đi đường vừa đi tới cửa điếm thì bốn, năm tên lính đoan từ trong điếm xô ra, túm lấy và khám xét. Lúc ấy, anh Trường Chinh đang mặc áo the dài, che ô, trong người có tài liệu và súng lục. Anh suy nghĩ: “Nếu cứ đi, có gì dùng súng đối phó, thì cũng nguy hiểm vì chúng đông người hơn, khó chạy thoát; lùi lại thì nhất định là lộ, và nếu theo kiểu “cổ điển” giả vờ đi ỉa thì chúng sẽ sinh nghi, sục ngay tới khám xét. Nhiều người bị bắt vì kiểu ấy rồi. Trong khoảnh khắc, anh nghĩ ra một mẹo độc đáo. Anh đứng dừng lại, nhìn chăm chú xuống bãi trồng đay ven sông, làm như vừa phát hiện ra điều gì. Anh bước thong thả vài bước nữa, đứng lại, cụp ô, chân hơi chạng, một tay chống nạnh, một tay cầm ô chỉ xuống đám người đang làm, chửi ầm ĩ:

- Các người làm ăn như thế kia à? Thế có chết người ta không? Làm đi chứ! Làm tử tế để có đay nộp cho các quan Nhật, không thì bỏ mẹ cả bây giờ.

Rồi anh xắn quần, vung ô, vừa chửi vừa đi xăm xăm xuống cánh đồng. Bọn lính đoan quay lại nhìn theo ngơ ngác. Những người làm dừng tay cũng nhìn lên ngơ ngác. Anh càng ra vẻ bực tức đi bừa xuống bãi đay, dừng lại nói láo quáo vài câu, ra vẻ dặn dò rồi đi thẳng ra bờ sông. Thỉnh thoảng, anh để ý nhìn lại xem bọn lính có đuổi theo không. Anh nhanh chóng tìm chỗ bãi dâu kín đáo, vắng vẻ, cởi vội áo the ra, xắn cao quần lên, chạy một mạch dọc bờ sông cho thật xa nơi nguy hiểm, rồi mau chóng lần vào chỗ tôi ở.

Lần này, tôi đã nghiên cứu tài liệu xong và gần tới ngày đi làm nhiệm vụ mà vẫn chưa thấy anh Trường Chinh đến chỗ tôi, như anh đã hẹn. Dạo ấy, anh rất bận, một bản in đá của báo “Cờ giải phóng” – tờ báo do anh Hoàng Văn Thụ sáng lập – phải in đến hai, ba thứ báo khác nữa, như báo “Kêu gọi lính” và báo của xứ ủy. Anh trực tiếp công tác với xứ ủy, thành ủy Hà Nội, với các mối binh vận, công vận và với cả những người Pháp dân chủ - thỉnh thoảng anh về Hà Nội gặp mặt những người Pháp dân chủ ở một ngôi nhà phía hồ Thuyền Quang. Anh vẫn thường lo lắng tới mối liên lạc với các nhà văn hóa, trí thức. Thỉnh thoảng anh cũng làm thơ, nhưng anh lại bảo tôi: “Có một người vừa gửi đến cho báo một bài thơ, mình đọc cậu nghe thử xem sao nhé!…”.

Đang lúc tôi mong chờ nóng ruột nhất thì anh Trường Chinh đến. Thấy anh bình yên vui vẻ, tôi mừng, nhưng dáng người, vẻ mặt anh rất mệt mỏi. Theo chương trình đã định, tôi trình bày sự hiểu biết của tôi về bản Đề cương văn hóa. Anh lắng nghe từng đoạn, anh bảo tôi dừng lại, hỏi cặn kẽ những vấn đề mấu chốt. Tôi biết anh rất mệt, mắt cứng đờ. Tôi hỏi về sức khỏe của anh. Anh cho biết: đêm qua, anh dự một cuộc họp căng thẳng từ chập tối cho đến sáng, họp xong, vội vã về đây. Anh bảo tôi tiếp tục trình bày, anh tiếp tục bổ sung ý kiến.

Hôm ấy đã sắp đến tết âm lịch. Tôi chuẩn bị lên đường, để tổ chức cuộc họp với các nhà văn, nhà thơ mà lần trước bị trắc trở. Tôi và đồng chí Hương – người trong công tác đội – hẹn gặp nhau ở một bến đò gần đấy. Đồng chí sẽ dẫn tôi đi.

III

Trong thời gian ở “công tác đội” của Trung ương tôi thường nhận được những sách báo từ Hà Nội chuyển về cho anh Trường Chinh. Nhờ đó, tôi cũng biết về những luồng tư tưởng của nhà xuất bản Hàn Thuyên, của nhóm Thanh Nghị, nhóm Tri Tân; về sự tan rã của nhóm Ngày Nay, Tự Lực văn đoàn; sự bế tắc và sa đọa của nhóm Xuân Thu nhã tập. Anh Trường Chinh thường viết bài trên báo bí mật phê phán những tư tưởng phản động của nhóm Hàn Thuyên.

Có một dạo, tôi thường bố trí những chuyến hàng gửi lên bộ phận trung ương ở chiến khu. Cùng với những súng ống, đạn dược, máy chữ, giấy, còn có nhiều gói sách báo văn học, nghệ thuật xuất bản ở Hà Nội. Đã có lần tôi chuẩn bị đi gặp một nhà trí thức có tiếng tăm ở Hà Nội, nhưng rồi về sau, không hiểu sao lại thôi.

Lần này, tôi đi với nhiệm vụ rõ ràng là gặp các anh em làm công tác văn hóa để truyền đạt bản Đề cương văn hóa của Đảng, và cùng anh em bàn việc phát triển tổ chức văn hóa cứu quốc, mở rộng ảnh hưởng của Đảng trong hàng ngũ các nhà văn hóa. Tôi sẽ gặp các anh Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nam Cao, Như Phong, Nguyễn Đình Thi. Từ ngày còn là một học sinh, tôi đã biết tiếng các nhà văn này. Năm 38… 39, khi còn đi học và bắt đầu giác ngộ cách mạng, tôi đã gặp anh Như Phong ở Hà Nội. Tôi tập viết những mẩu tả cảnh, dịch truyện ngắn, v.v… đem tới nhờ anh sửa chữa. Tôi được biết anh Nguyễn Đình Thi đã viết sách nghiên cứu về triết học… Tôi suy nghĩ lo lắng tới tác phong, thái độ của mình nên như thế nào cho phải khi gặp các anh ấy. Thật là một chuyện khó nghĩ. Trước là học trò, bây giờ lại đi giải thích cho thày! Tôi nghĩ tới các quan điểm “nghệ thuật vị dân sinh”, “nghệ thuật vị nghệ thuật” trong các cuộc tranh luận trước đây, tới các quan điểm văn hóa của Đảng mà tôi thường được các anh ở trung ương giáo dục, giúp đỡ.

Chiều mồng một tết, đồng chí Hương dẫn tôi ra Hà Nội. Anh người nhỏ nhắn, da hơi đen, môi dày, mắt hơi cận thị và hấp háy một cách tinh quái. Hương là một thanh niên tháo vát, nhanh nhẹn, sôi nổi, đã giúp nhiều cho công tác của trung ương. Đi với anh tôi vững dạ, tin tưởng. Anh dũng cảm, gan dạ, rất tài đánh lạc hướng mật thám, tuy đôi khi cũng hơi mạo hiểm.

Quả vậy, Hương đã dẫn tôi đi đàng hoàng, đôi lúc tôi hơi ngại. Anh bảo: “Cứ yên trí”, rồi hấp háy cặp mắt, nói tiếp: “Kia, kìa! chó kia kìa”. Tôi biết có mật thám theo dõi. Vài phút sau, chúng tôi đã rẽ đi một đường khác, mật thám bị chưng hửng.

Hương dẫn tôi đến một ngôi nhà ở phố Hàng Than để bắt liên lạc. Ngày tết, đường phố Hà Nội đầy xác pháo, từng tốp người con cháu ríu rít, mặc quần áo mới, dắt nhau đi. Người lớn vẻ mặt lặng lẽ, âm thầm như lo âu. Trẻ con cười nói hồn nhiên, nhưng đôi lúc hơi ngơ ngác… Cái tết của những người dân một thành phố đang bị phát-xít Nhật chiếm đóng. Trong lòng thành phố đang âm ỉ một ngọn lửa chỉ chờ ngày bùng lên và lan rộng. Ngọn lửa cách mạng.

Chiều hôm ấy, tôi tới nhà anh Tô Hoài ở làng Nghè – Nghĩa Đô, ngoại thành Hà Nội.

Chúng tôi họp trong căn buồng đầu của một ngôi nhà gỗ, lợp ngói. Trong buồng tối om, có một cái gường gỗ, một tấm ván kê lên làm bàn. Đó là bàn làm việc của anh Tô Hoài. Hồi ấy tôi cũng ước ao được một cái bàn, một nơi tĩnh mịch như thế để làm việc. Ngồi họp, tôi luôn nhắc tới anh Nguyễn Đình Thi và anh Như Phong. Tôi không rõ vì khó khăn gì mà các anh ấy không tới được, nên cũng hơi tiếc. Lâu lắm, bây giờ mới có dịp gặp lại các anh quen biết trước kia. Anh Nam Cao về quê ăn tết, không nhận được tin, nên cũng vắng mặt. Thành thử, hôm ấy, không kể tôi và anh Hương, chỉ có mấy anh Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Tô Hoài và một anh nữa – bây giờ tôi không nhớ rõ nữa. Cuộc họp lặng lẽ, bí mật, song vẫn sôi nổi. Chúng tôi ăn bánh chưng chấm nước mắm. Tuy vậy, anh Tô Hoài phải vất vả lắm mới “cung cấp” nổi. Với cái trán khá cao, nước da trắng trẻo, hay mỉm cười một cách dễ thương, anh Tô Hoài đề nghị phân tích sâu từng chi tiết. Anh Nguyễn Huy Tưởng người khá to lớn, mặt vuông có vẻ trầm ngâm, phát biểu từng ý kiến chắc nịch. Anh Nguyên Hồng, người bé nhỏ, rắn rỏi, nói rất sôi nổi. Chúng tôi bàn bạc với nhau rất nghiêm túc về đường lối văn hóa của Đảng, về tổ chức hội văn hóa cứu quốc, về những chuyện thời cuộc. Chúng tôi nhớ rất sâu sắc ba nguyên tắc trong nội dung Đề cương văn hóa: Dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa. Vì lúc ấy, ba nguyên tắc đó chẳng khác nào ba vị thuốc rất mạnh nhằm đúng những căn bệnh: lai căng, thần bí, bế tắc, mơ hồ, mê tín, viển vông… của thứ văn hóa nô lệ. Nó như ba mũi dao chích thẳng vào âm mưu nô dịch, lừa bịp, ngu dân của bọn đế quốc và phát xít, đâm thẳng vào bọn tay sai đang đội lốt mác-xít để lừa bịp quần chúng.

Sáng mồng ba tết, cuộc họp bế mạc. Trong lòng mỗi người chúng tôi đều tràn đầy niềm vui và tin tưởng: vừa giũ bỏ được những bối rối, ưu tư trước thời cuộc, vừa được vũ trang những quan điểm mới mẻ và đúng đắn về công tác và sự nghiệp. Tấm lòng mỗi người vốn đã hướng về cách mạng, giờ đây như được ánh sáng của Đảng rọi chiếu làm cho sáng hẳn lên. Con đường đi của mỗi người được xác định rõ ràng và dứt khoát.

Chúng tôi xiết chặt tay nhau, phấn khởi ra về để lao vào công tác, chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Hình ảnh cuộc họp đầu tiên ấy thật đơn sơ, song cũng thật sâu đậm. Nó mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm mỗi người chúng tôi.

Tháng 1-1965.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét