(Bài viết cho Tạp chí Những vấn đề Hoà bình và xã hội
chủ nghĩa)
Mỗi dân tộc đều có một nền văn hoá của mình, nền văn hoá đó chứa đựng toàn bộ lịch sử đấu tranh, xây dựng, lịch sử tinh thần của dân tộc đó. Tuỳ từng giai đoạn lịch sử, khi dân tộc đó sống ở phương thức sản xuất (hay hình thái kinh tế - xã hội) nào thì nền văn hoá dân tộc ấy lại mang tính chất của phương thức sản xuất (hay hình thái kinh tế xã hội) ấy.
Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, khi nhắc đến khái niệm văn
hoá dân tộc và văn hoá xã hội chủ nghĩa, ta dễ rơi vào một quan điểm tách hai
khái niệm đó ra. Chẳng hạn, quan niệm như là có một thứ văn hoá dân tộc và có một
thứ văn hoá khác là văn hoá xã hội chủ nghĩa. Không thể quan niệm hai khái niệm
đó là hai lĩnh vực, hai nền văn hoá khác nhau được.
Ở Việt Nam, từ những năm 60 và 70, các văn kiện của Đảng
thường nêu “xây dựng nền văn hoá nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc”
với ý nghĩa văn hoá phải là văn hoá xã hội chủ nghĩa và cũng phải là dân tộc.
Nhưng nhiều nhà trí thức thấy công thức đó không hợp lý vì nó hình thành một cặp
phạm trù khập khiễng nội dung lại đi với tính chất. Từ Đại hội lần thứ VI
(1986) thì Đảng lại dùng công thức : “Xây dựng một nền văn hoá xã hội chủ nghĩa
đậm đà bản sắc dân tộc” như vậy thì công thức mới này hàm ý yêu cầu văn hoá là
văn hoá xã hội chủ nghĩa, nhưng phải có bản sắc dân tộc. Có thể có người hiểu yêu cầu xã hội chủ nghĩa là
yêu cầu thứ nhất và yêu cầu bản sắc dân tộc là yêu cầu thứ nhì, yêu cầu thêm mà
thôi. Và cũng có ý kiến là cần phải dùng công thức “xây dựng một nền văn hoá
dân tộc xã hội chủ nghĩa”.
Bất cứ dùng công thức nào thì về
cơ bản, xây dựng một nền văn hoá Việt Nam cần phải có hai bản chất, hay là
bản chất kép : dân tộc và xã hội chủ nghĩa.
Một nền văn hoá bao giờ cũng là của một dân tộc, mang
bản sắc của dân tộc đó. Nhưng lịch sử một dân tộc bao giờ cũng phát triển không
ngừng và nền văn hoá cũng luôn phát triển phù hợp với sự phát triển lịch sử. Quá
trình phát triển lịch sử của một dân tộc luôn là một quá trình đào thải những
giá trị lạc hậu, lỗi thời và trở thành phản giá trị, là một quá trình nâng cao
và làm phong phú thêm những giá trị tuy cũ nhưng thích hợp và tốt, đồng thời là
quá trình thêm vào những giá trị mới nảy sinh từ cuộc sống mới, các giá trị của
nhân loại và được dân tộc hoá.
Hình thái kinh tế xã hội xã hội chủ nghĩa là một bước
phát triển của lịch sử các dân tộc. Về bản chất văn hoá xã hội chủ nghĩa là một
nền văn hoá bao gồm sự dồn tích các giá trị văn hoá, tinh thần tốt đẹp đã có
trong lịch sử của dân tộc, bao gồm cả sự tích tụ các giá trị văn hoá đã có của
loài người. Vì vậy, tất yếu một nền văn hoá xã hội chủ nghĩa của một dân tộc là
nền văn hoá của dân tộc đó được phát triển lên, nó bao gồm cả những nhân tố dân
chủ, nhân đạo vốn đã có của nền văn hoá dân tộc được nâng cao lên đến trình độ
quốc tế của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Văn hoá dân tộc và văn hoá xã hội chủ nghĩa không phải
là hai cái riêng biệt kết hợp với nhau, hoà trộn vào nhau, mà nó là một, một nền
văn hoá của dân tộc được phát triển ở trình độ cao ở giai đoạn lịch sử nhất định
– giai đoạn xã hội chủ nghĩa. Không thể có một nền văn hoá xã hội chủ nghĩa nào
mà phi tính dân tộc.
* * *
Nền văn hoá Việt Nam có nhiều giá trị sâu sắc và phong phú. Theo quan điểm
của Đảng Cộng sản Việt Nam thì có thể tập trung vào những giá trị tinh thần lớn
là:
- Tinh thần yêu nước sâu sắc và giá trị nghệ thuật độc
đáo,
- Tinh thần nhân ái trong quan hệ giữa người và người,
- Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu giành độc
lập tự do và thích ứng với thiên nhiên.
Đó cũng là những giá trị tinh thần của một nền văn hoá
xã hội chủ nghĩa. Đồng thời trong kho tàng các giá trị của văn hoá dân tộc Việt
Nam cũng có những yếu tố, những mầm mống của các yêu cầu văn hoá xã hội chủ nghĩa
như tinh thần dân chủ, tinh thần quốc tế, tinh thần khoa học. Đó là những cơ sở
vững chắc và quý giá để văn hoá Việt Nam phát triển đạt tới văn hoá xã hội chủ nghĩa.
Từ tinh thần yêu nước sâu sắc của nhân dân Việt Nam đã đạt tới mức tựa hồ như huyền thoại. Đó là tinh thần
anh hùng cao cả có ý nghĩa đạo đức và thẩm mỹ sâu sắc. Đảng Cộng sản Việt Nam đã ý thức đưa chủ nghĩa anh hùng trong chiến đấu vào
chủ nghĩa anh hùng trong lao động xây dựng hoà bình. Những bước phát triển này
còn gặp nhiều trở lực do những khó khăn về nhận thức các quy luật kinh tế trong
xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng ta và Nhà nước chưa tạo được cho nhân dân một
phấn hứng mạnh mẽ để hướng vào các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế, chưa
giải phóng được các khả năng tinh thần của nhân dân bằng những chính sách kinh
tế có hiệu quả và chưa giải quyết được tốt mối quan hệ giữa các lợi ích của từng
cá nhân và toàn thể xã hội. Tuy nhiên, rõ ràng nhân dân Việt Nam có một sức mạnh tinh thần lớn còn tiềm ẩn rất dồi dào.
Một giá trị văn hoá lớn đáng quan tâm hơn cả của văn
hoá Việt Nam là tinh thần nhân ái. Nhân ái ở đây bao hàm cả tinh
thần nhân từ, nhân đạo, nhân văn, nhân tính. Nó không phải chỉ có ý nghĩa trong
mối quan hệ giao tiếp mà còn có ý nghĩa hoàn thiện tính người, phát triển tính
người, khắc phục sự tha hoá của con người.
Lòng nhân ái Việt Nam được rút ra từ những tinh thần của đạo đức Nho giáo và
Phật giáo với các yếu tố tiến bộ phù hợp với nguyện vọng chân chính của nhân dân.
Lòng nhân ái Việt Nam đã được “nhân dân hoá” trong quá trình thâm nhập vào đời
sống tinh thần nhân dân và trở thành cái mà tôi tạm gọi là một thứ “triết học dân
gian”. Chính nhân dân đã biến tinh thần hà khắc của sự phân ngôi thứ trong xã hội
: quân, thần phụ tử thành ra những tình cảm tốt đẹp mang tính người và tình người
sâu sắc. Yêu cha mẹ, ví : “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong
nguồn chảy ra”. Yêu mến thày dạy như câu : “Muốn sang thì bắc cầu Kiều, Muốn
con hay chữ thì yêu lấy thày”. Từ chỗ yêu thương cha mẹ, con người cần yêu mến,
kính trọng và nhớ ơn tổ tiên, uống nước nhớ nguồn. Vì nhớ ơn tổ tiên trong họ mạc
phải đùm bọc thương yêu nhau : “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “Nhiễu điều
phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Nho giáo yêu cầu người phụ nữ phải có đạo đức tam tòng
: ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con. Nhưng trong nhân dân,
người ta lại quan niệm hạnh phúc và đạo đức là : “thuận vợ, thuận chồng, tát bể
Đông cũng cạn”, hoặc : “chồng giận thì vợ làm lành”, v.v…
Những nguyên tắc đạo đức, khắt khe, bất bình đẳng của
Nho giáo, khi đi vào cuộc sống của nhân dân, biến thành những khát vọng và tình
cảm sâu sắc, nhân hậu, thành những chân lý sống đơn giản mà tốt đẹp.
Những nguyên tắc đạo đức của Phật giáo với sự tin tưởng
ở kiếp sau, ở sự cứu giúp của đấng tối cao, cũng biến thành những nguyên tắc sống
nhân ái hằng ngày của nhân dân như : Ở hiền gặp lành, Chị ngã em nâng, Thương
người như thể thương thân.
Tinh thần nhân ái trong văn hoá dân tộc Việt Nam là sự
tổng hợp và kết tinh các nguyên tắc đạo đức và nhân sinh quan của Nho giáo, Phật
giáo đã được truyền bá suốt hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc. Nó tổng hợp và
kết tinh không phải để biến thành cái gì cao siêu, trừu tượng và khắc nghiệt mà
nó được nhân dân hoá để trở thành những lẽ sống thường ngày đơn giản, nhân hậu
và thiết thực.
Tinh thần nhân ái này thực sự là nền tảng vững chắc để
phát triển lối sống và đạo đức xã hội chủ nghĩa, nhằm xây dựng một nền văn hoá
xã hội chủ nghĩa một cách thuận lợi.
Những yêu cầu khác của văn hoá xã hội chủ nghĩa đều có
những yếu tố và mầm mống từ các giá trị văn hoá cổ truyền của Việt Nam. Từ chỗ nhân dân Việt Nam đề cao lòng nhân ái, tôn trọng chữ nhân, nên cũng rất
khao khát và yêu mến một nền dân chủ và sự bình đẳng. Nhân dân Việt Nam rất thông minh và do trải qua một tiến trình lịch sử
lâu dài đấu tranh khắc nghiệt, nên rất yêu quý kiến thức khoa học, ham học hành
khai trí.
Nhân dân Việt Nam rất biết yêu mến các dân tộc khác và dễ dàng tiếp thu
những tinh hoa thế giới. Trong đấu tranh giành độc lập, nhân dân Việt Nam dễ dàng phân biệt những kẻ xâm lược và nhân dân ở các
nước đi xâm lược ; chống xâm lược nhưng lại đoàn kết với nhân dân ở các nước đi
xâm lược. Trong lịch sử lâu đời, nhân dân Việt Nam luôn đối xử hợp tình hợp lý với các thế lực xâm lược
phương Bắc và gần đây là đối xử hữu ái với nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ, …
* * *
Nền văn hoá Việt Nam thiếu, kém nặng nề về mặt công nghiệp hoá và khoa học
- kỹ thuật, nhưng lại hoàn toàn không thiếu những giá trị nhân bản. Đồng thời các
giá trị văn hoá cổ truyền của Việt Nam cũng chưa bị tính duy lý kinh tế của văn
minh công nghiệp phá vỡ những nền tảng của nó một cách nghiêm trọng. Mối quan hệ
hài hoà giữa con người và thiên nhiên (môi trường sống) cũng đã bị tổn thương bước
đầu. Cái nền tảng văn hoá dân tộc cổ truyền có thể trở thành yếu tố bảo thủ trì
trệ rất lớn. Nhưng ở nền tảng đó lại có nhiều gía trị nhân bản phù hợp với bản
chất của chủ nghĩa xã hội, cho nên sự nghiệp xây dựng một nền văn hoá dân tộc và
xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có nhiều điều thuận lợi.
Những yếu tố bảo thủ, lạc hậu là nghiêm trọng và thực
sự nặng nề. Nhưng với cách nhìn mới đối với các vấn đề chủ nghĩa xã hội, cách
nhìn mới đối với các mặt nhân văn, nhân bản của văn hoá xã hội chủ nghĩa, với
quan điểm mới về yếu tố con người, vai trò con người, không có sự máy móc, cứng
nhắc và thô thiển đối với các giá trị văn hoá cổ truyền thì sự phát triển văn
hoá Việt Nam trở thành một nền văn hoá dân tộc xã hội chủ nghĩa là có nhiều triển
vọng tốt đẹp.
Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh điều quan trọng đối với
sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phải khắc phục được những quan
niệm thô thiển về một thứ chủ nghĩa xã hội bình quân, một thứ chủ nghĩa xã hội
Nhà nước, quan liêu, bao cấp và duy ý chí.
Được như vậy một nền văn hoá xã hội chủ nghĩa đậm đà bản sắc dân tộc sẽ là một nền văn hoá xã hội chủ nghĩa ở trình độ cao vừa có bản sắc dân tộc vừa có bản chất xã hội chủ nghĩa đích thực, vừa vững vàng vừa sâu sắc.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Được như vậy một nền văn hoá xã hội chủ nghĩa đậm đà bản sắc dân tộc sẽ là một nền văn hoá xã hội chủ nghĩa ở trình độ cao vừa có bản sắc dân tộc vừa có bản chất xã hội chủ nghĩa đích thực, vừa vững vàng vừa sâu sắc.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét