Thứ Hai, 25 tháng 7, 2022

Chặng cuối đường Trường Sơn


Đến tỉnh Sông Bé, ta thường được giới thiệu một sơ đồ của chặng cuối đường Hồ Chí Minh. Đó là sơ đồ vùng Lộc Ninh ở phía Bắc tỉnh Sông Bé, giáp biên giới Căm-pu-chia, chỗ có một ngã ba đường 13 (Sông Bé – Kratié) và đường 14B (đi từ Lộc Ninh ra vùng Tây Nam Đắc Lắc). 

Nhìn vào sơ đồ, thấy các ký hiệu chi chít với nhau trên một vùng đất mỗi bề độ vài chục cây số. Các ký hiệu chồng chéo lên nhau chỉ rõ hàng chục kho tàng các loại vật tư chiến tranh: kho đạn, kho súng, kho xăng, kho xe, kho lương thực, kho thuốc, kho quân trang; hàng chục ký hiệu bệnh viện, trạm sửa chữa, xưởng vũ khí, các trung tâm thông tin, hàng chục cơ quan Tham mưu, chính trị, hậu cần, các loại trường học, các khu vực hội trường đánh dấu những hội nghị lớn, các tuyến đường vận tải toả ra các chiến trường khắp ngả, cả đường xe cơ giới, đường xe tăng và đường xe đạp thồ, đường đi bộ. Có mấy ký hiệu đáng chú ý là cơ quan Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền, cơ quan chỉ huy sở của Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tổng kho tiếp nhận các loại hàng từ hậu phương lớn chuyển đến. Tất cả đều được giấu kín dưới những tán lá của các cánh rừng già và của cả những khu rừng chồi (rừng gồm những chồi mọc từ các gốc cây gỗ lớn đã được khai thác). Nếu kể cả khu nhà lớn ở sân bay đầu thị trấn Lộc Ninh, nơi trong những năm 1973 – 1974 được coi như trụ sở của chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, nơi liên lạc hàng không với phái đoàn quân sự của ta ở Tân Sơn Nhất, nơi tiếp đón các khách quốc tế thuộc Ủy ban Quốc tế kiểm soát đình chiến, thì toàn bộ khu Lộc Ninh là căn cứ quan trọng của cách mạng miền Nam, bao gồm các cơ quan chính trị, quân sự đầu não và các căn cứ hậu cần lớn nhất. Đồng thời đó cũng là chặng cuối đường Trường Sơn kể từ những năm 1970 đến 1975.
Đây là khu di tích lịch sử quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khu di tích này bao gồm một hệ thống các di tích rất phong phú, đa dạng có quy mô lớn của từng di tích và cả khu di tích. Tất cả các cơ quan đều được xây dựng công phu, các nhà cửa, các công sự phòng không, phòng pháo và các thiết bị sinh hoạt chu đáo. Chính ở khu vực này đã diễn ra những hoạt động khẩn trương sôi nổi của mấy năm cuối cuộc chiến tranh: các cuộc họp lớn gồm hàng mấy trăm đại biểu, các cuộc đón tiếp anh chị em bị địch bắt được trao trả về, các cuộc gặp gỡ và thăm hỏi quan trọng, các cuộc họp để bàn bạc và quyết định những kế hoạch tấn công, nổi dậy - Ở đây còn di tích rõ rệt khu vực Bộ Chỉ huy Miền từ sau chiến dịch Nguyễn Huệ 1972, sau khi giải phóng Lộc Ninh và vây hãm địch ở An Lộc, là nơi chỉ huy chiến dịch giải phóng thị xã Phước Long cuối 1974 – và sau đó căn cứ này mở rộng thành cơ quan chỉ huy chuẩn bị và tiến hành chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975 - Ở đây còn nền nhà, vườn cây của các nhà các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà, v.v…
Tôi là người trong cuộc, mà nay đi thăm lại vài nơi, tôi cũng bị bất ngờ trước quy mô rộng lớn và phức tạp của khu căn cứ - Tổng kho là nơi tiếp nhận các loại lương thực vật tư từ hậu phương là điểm đặc biệt quan trọng. Ngoài tổng kho chung còn có tổng kho xăng dầu hết sức lớn, sức chứa ngót 2 triệu lít gồm 7 bồn xăng, mỗi bồn đường kính 10 m, chôn sâu dưới đất 3,5 m. Lại còn các khu tập kết xe tăng, tập kết các binh đoàn phía Bắc Sài Gòn để sẵn sàng tiến quân giải phóng Sài Gòn. Ở khu vực này, tôi đã trải qua những ngày vừa sung sướng vừa căng thẳng: sau Hiệp định Paris, theo dõi nhận định tình hình địch phá hoại hiệp định và hoạt động các phương châm kế hoạch đối phó. Cũng ở khu này đến 1973, tôi thay mặt Bộ chỉ huy Miền tổ chức Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua lần thứ ba của toàn Miền, tôi cũng thay mặt Bộ chỉ huy tiếp anh chị em được trao trả, trong đó có một tốp chị em tổ chức thành một đơn vị nghệ thuật gọi là “Đoàn nghệ thuật nữ tù”, tôi đã được xem chị em biểu diễn nhiều buổi, các tiết mục tự các chị em sáng tác và dàn dựng với toàn bộ trang phục và đạo cụ làm từ trong tù, các chị mang theo. Trong các cuộc tiếp xúc, tôi đã được cảm nhận sâu sắc tinh thần bất khuất kiên cường, tính lạc quan cách mạng của chị em, tôi đã cảm nhận thấy rõ rệt tinh thần hy sinh vô bờ bến và cuộc đấu tranh quyết liệt của anh chị em ta khi còn trong tay kẻ thù. Cũng ở đây, được chia sẻ niềm vui giải phóng, niềm vui chiến thắng với anh chị em và nung nấu được ý chí tiến công để hoàn thành nhiệm vụ vào giai đoạn chót của cuộc kháng chiến.
* * *
Xét theo lịch sử phát triển của đường Trường Sơn hay đường Hồ Chí Minh, ta có thể thấy:
Lúc đầu đường Trường Sơn vươn sâu vào miền Nam nhưng chưa hình thành được khu vực chặng cuối của con đường một cách rõ rệt. Đó là thời gian những năm đầu của những năm 60. Thường thường người và của đi đến một vùng nào đó của Nam Tây Nguyên rồi toả ra các chiến trường B1 (khu 5) khu 6 và Nam Bộ (B2).
Đến những năm cuối của những năm 60 và đầu những năm 70 thì chặng cuối hình thành ở vùng Bù Gia Mập – Bù Đốp (Bắc Phước Long - thuộc Sông Bé hiện nay). Rồi từ 1972 thì chặng cuối đường Trường Sơn vươn tới Lộc Ninh và cố định ở Lộc Ninh cho đến 1975. Chặng cuối đường Trường Sơn này nối liền với khu căn cứ của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền và sau đó trở thành chỉ huy sở cơ bản của Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh. Các cơ sở của chặng cuối đường đồng thời là những cơ sở của căn cứ Hậu cần chiến dịch Hồ Chí Minh (đầu 1975) hoàn toàn giải phóng miền Nam.
Ở đây “chặng cuối” gặp nhau cả về không gian và thời gian. Nó là “chặng cuối” của đường Trường Sơn bắt đầu từ vùng sông Bến Hải và cũng là nơi hình thành “chặng cuối” của cuộc kháng chiến kéo dài 20 năm và 30 năm.
* * *
Các đồng chí Tỉnh uỷ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Sông Bé cùng với các đồng chí Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ chỉ huy Quân khu 7 có ý định cùng ngành văn hoá bảo tồn và tôn tạo khu di tích quan trọng này để lưu giữ những dấu tích có ý nghĩa lịch sử trong đại của cách mạng Việt Nam.
Những dấu tích này là những chứng tích của tài năng bố trí và tổ chức căn cứ cách mạng là sự hoàn chỉnh các kinh nghiệm về tổ chức căn cứ cách mạng và về khoa học, nghệ thuật quân sự của Đảng ta và nhân dân ta. Về mặt văn hoá, có thể xây dựng ở đây một khu du lịch và sinh hoạt văn hoá giáo dục truyền thống đặc sắc nhiều nội dung phong phú. Từ ở đây, người đến thăm có thể thấy được tính chất gian khổ, lâu dài, quyết liệt của toàn bộ cuộc kháng chiến, thấy được sự nỗ lực và hy sinh của nhân dân cả nước từ các tỉnh miền biên giới phía Bắc đến nhân dân các tỉnh miền Trung và miền Nam, thấy được những sự kiện chính trị quân sự dồn dập những năm cuối cuộc kháng chiến và những sự kiện đó có sự nối tiếp liên tục của lịch sử hàng chục năm trước đó.
Ở đây có thể có những sự nghỉ ngơi thú vị, những hưởng thụ văn hoá đầy hấp dẫn với các phong cảnh độc đáo và các đặc sản về trái cây của một vùng màu mỡ. Nhưng cái quan trọng là người ta có thể sống lại trong một thời gian ngắn cuộc sống hào hùng của các chiến sĩ mọi binh chủng, các tướng lĩnh các cấp trong thời kỳ chiến đấu và chiến thắng oanh liệt.
Ý định nói trên là một ý định tốt đẹp nhiều ý nghĩa tích cực – Khu vực Lộc Ninh có những chất liệu phong phú và đặc sắc rất bổ ích cho việc sinh hoạt văn hoá giáo dục truyền thống cách mạng một cách sâu sắc cho nhiều thế hệ.
Xin chúc ý định nói trên của tỉnh Sông Bé và Quân khu 7 sớm thành hiện thực góp phần vào việc xây dựng đất nước anh hùng và giàu đẹp một cách xứng đáng.

8.1986

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét