Trung tướng TRẦN ĐỘ
(Bài đăng trên Tạp chí Quân đội Nhân dân, số 298, ngày 9-7-1984)
(Bài đăng trên Tạp chí Quân đội Nhân dân, số 298, ngày 9-7-1984)
Tôi gọi anh là một ANH BỘ ĐỘI vì anh là một Đại tướng. Cũng không phải vì anh là Đại tướng, mà trước hết anh là một nhân cách lớn, một tâm hồn lớn, một nhà chiến lược xuất sắc, một nhà tư tưởng vững chắc và sắc sảo.
Anh sống với Quân đội Nhân dân Việt Nam không lâu, nhưng anh có một vai trò hết sức lớn lao trong sự trưởng thành và các thắng lợi của Quân đội. Anh mất đi đã 17 năm rồi. Tôi nhận được tin anh mất đột ngột. Trong lúc chúng tôi đang chờ đợi anh từ Hà Nội vào chiến trường B2 để cùng chúng tôi hoạch định và điều khiển cuộc tổng công kích Xuân 1968. Hôm ấy, một buổi tối mùa thu, trời mát, như thường lệ, tôi đang ngồi trong lán nhỏ với ngọn đèn con, xem tin tức thì anh Ba Long (tức Lê Trọng Tấn) cầm đèn đến tìm tôi. Tôi hơi ngạc nhiên và ngờ rằng trên chiến trường ở tình huống gì đột xuất. Anh Ba Long thông báo và hội ý với tôi chăng? Anh bước vào trong lán tôi, đặt đèn lên bàn, ngồi vào ghế ghép bằng mấy thanh tre trước mặt tôi rồi thở dài, nói một câu bằng một giọng trầm trầm:
"Có một tin buồn lớn, ông Chín ạ!". Tôi giật mình và gai người lên. Tôi thoáng nghĩ đến Bác Hồ, vì lúc đó chúng tôi được tin Bác không được khỏe và vẫn luôn luôn lo lắng về sức khỏe của Bác. Nhưng sau một giây, anh Ba Long nói tiếp: "Anh Nguyễn Chí Thanh mất rồi!". Tôi "a" lên một tiếng rồi lặng người, có một cái gì sụp đổ trong lòng. Vì chúng tôi đang chuẩn bị đón anh Thanh vào (lần thứ hai) mà chúng tôi biết là anh đang chuẩn bị lên đường. Chúng tôi mong anh rất nhiều vì chúng tôi đang đứng trước một kế hoạch vĩ đại: chuẩn bị cho Xuân 1968. Anh Thanh vào chiến trường từ năm 1964, đến năm 1966 anh yếu mệt phải trở ra Hà Nội điều trị. Lúc đó tình hình chiến trường diễn biến rất phức tạp. Anh Thanh là chỗ dựa vững chắc và tin cậy của chúng tôi. Giờ đây để nhớ lại ngày chúng tôi cùng chuẩn bị lên đường đi B sau 20 năm và để chuẩn bị kỷ niệm những ngày lễ lớn: 10 năm Đại thắng và 40 năm thành lập Quân đội, tôi sống lại những xúc cảm đó, tôi hầu như mới nghe tin anh mất hôm qua. Tôi ghi lại những kỷ niệm nhỏ trong những dịp được làm việc với anh Thanh khi còn trong quân đội.
"Có một tin buồn lớn, ông Chín ạ!". Tôi giật mình và gai người lên. Tôi thoáng nghĩ đến Bác Hồ, vì lúc đó chúng tôi được tin Bác không được khỏe và vẫn luôn luôn lo lắng về sức khỏe của Bác. Nhưng sau một giây, anh Ba Long nói tiếp: "Anh Nguyễn Chí Thanh mất rồi!". Tôi "a" lên một tiếng rồi lặng người, có một cái gì sụp đổ trong lòng. Vì chúng tôi đang chuẩn bị đón anh Thanh vào (lần thứ hai) mà chúng tôi biết là anh đang chuẩn bị lên đường. Chúng tôi mong anh rất nhiều vì chúng tôi đang đứng trước một kế hoạch vĩ đại: chuẩn bị cho Xuân 1968. Anh Thanh vào chiến trường từ năm 1964, đến năm 1966 anh yếu mệt phải trở ra Hà Nội điều trị. Lúc đó tình hình chiến trường diễn biến rất phức tạp. Anh Thanh là chỗ dựa vững chắc và tin cậy của chúng tôi. Giờ đây để nhớ lại ngày chúng tôi cùng chuẩn bị lên đường đi B sau 20 năm và để chuẩn bị kỷ niệm những ngày lễ lớn: 10 năm Đại thắng và 40 năm thành lập Quân đội, tôi sống lại những xúc cảm đó, tôi hầu như mới nghe tin anh mất hôm qua. Tôi ghi lại những kỷ niệm nhỏ trong những dịp được làm việc với anh Thanh khi còn trong quân đội.
Anh Thanh nhận nhiệm vụ phụ trách công tác chính trị
trong quân đội từ 1950. Trong chiến dịch đánh địch ở Hoà Bình, tôi được nghe
một giai thoại về anh và giai thoại này gây ấn tượng sâu trong tôi về một nhân
cách, một bản lĩnh. Tôi rất thú vị. Truyện kể rằng: Trên một quãng đường bộ
đội hành quân ra trận, con đường gặp một suối chảy ngang không có cầu, ai nấy tự
xắn quần lội suối mà đi. Có một anh cán bộ (cỡ đại đội, tiểu đoàn gì đó) đi
giày da, đến bờ suối, đứng loay hoay chờ đợi tìm cách qua suối mà không phải
cởi giày. Bỗng anh thấy một người mặc áo cánh nâu bạc màu, hơi đứng tuổi, đen
đủi, khỏe mạnh, vững chắc. Anh cán bộ chắc rằng đây là một bác nông dân đi làm dân
công hoặc người địa phương gần đó. Anh ta liền kéo bác nông dân lại và nằn nì “Cậu
chịu khó cõng tớ qua suối một tý”. Bác nông dân vui vẻ nhận lời, ghé lưng, vén
quần cõng anh cán bộ qua suối. Sang bờ bên kia, anh cán bộ được đặt xuống, phấn
khởi vỗ vai bác nông dân và định cám ơn nồng nhiệt. Nhưng bỗng bác nông dân nắm
tay anh cán bộ kéo lại và hỏi giọng nghiêm, nhưng không gay gắt:
- Này, cậu có biết mình là ai không?
Anh cán bộ ngớ ra và còn chưa kip phật ý về thái độ “không thoả đáng” của bác nông dân với một cán bộ chỉ huy, thì bác ta đã nói:
Anh cán bộ ngớ ra và còn chưa kip phật ý về thái độ “không thoả đáng” của bác nông dân với một cán bộ chỉ huy, thì bác ta đã nói:
- Mình là Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính
trị - lần sau đừng bắt người khác phải cõng nữa nhé!
Câu chuyện chỉ được kể đến thế. Tôi cứ tưởng tượng nếu
tôi rơi vào tình trạng anh cán bộ kia thì không biết tôi sẽ phải xử sự thế nào?
Nhưng tôi chắc “kỷ niệm” đó đối với anh ta trong suốt cả cuộc đời không thể có
lúc nào phai nhạt được. Cách xử sự của anh Thanh thật độc đáo. Anh không từ chối
cõng anh cán bộ qua suối, có lẽ anh cũng hồn nhiên nghĩ rằng giúp đỡ một người
theo yêu cầu của anh ta lúc này là bình thường, và anh không biết mình là cấp
trên thì cứ mặc anh ta. Nhưng rồi anh cũng nghĩ rằng cán bộ chỉ huy ra trận mà
cứ quan cách, bắt người khác phải phục vụ mình vô tội vạ thì thật không tốt.
Hành động của anh có bài học kép : một là trong Quân đội Nhân dân, Chủ nhiệm
Tổng cục Chính trị vẫn là một người lao động bình thường, có thể làm những việc
bình thường, đồng thời biết nhắc nhở đồng đội phạm sai lầm. Hai là đã là cán bộ
chỉ huy trong Quân đội Nhân dân thì không được tùy tiện yêu cầu người khác phục
vụ mình vô tội vạ. Tôi cho rằng anh cán bộ được cõng kia và mọi người biết
chuyện này đều phải suy nghĩ về bài học cụ thể nói lên phẩm chất cao quý của
Quân đội Nhân dân, chứ không thể chỉ là một cái giật mình choáng váng suốt đời
vì tội phạm thượng quá lớn!
Đi chiến dịch này tôi đã được cùng đi với anh Thanh
một chặng đường dài suốt từ căn cứ của Bộ Tổng tư lệnh ở địa phận tỉnh Thái
Nguyên đến một huyện phía Nam của tỉnh Phú Thọ ở hữu ngạn sông Hồng.
Tôi không có dịp hỏi lại anh Thanh xem chuyện kể trên
có thực hay không? Rất có thể là một chuyện bịa. Nhưng nếu người bịa chuyện
này nhất định phải là người nắm vững, hiểu rõ tính cách anh Thanh. Câu chuyện
rất “Nguyễn Chí Thanh”. Nếu đó là chuyện bịa, thì câu chuyện ấy đã được hư cấu
rất nghệ thuật vậy.
Trong thời gian chuẩn bị chiến dịch Tây Bắc năm 1952,
anh Thanh đến kiểm tra công tác ở Sư đoàn tôi. Tôi hướng dẫn anh Thanh đi mấy
Trung đoàn, xem xét tình hình ở mấy tiểu đoàn, mấy đại đội. Suốt thời gian anh
Thanh ở Sư đoàn, lúc nào tôi cũng ở bên anh. Tôi nhớ lại những ngày đó với một
ấn tượng sâu sắc về phong thái làm việc của anh, cảm kích mạnh mẽ về một tác
phong làm việc rất nghiêm túc, rất thoải mái, rất thân tình và chân tình. Anh với
tôi đến các đơn vị như đến thăm các gia đình bạn bè quen thuộc. Không một nghi
thức gò bó, không có những buổi báo cáo chính thức trang trọng, không có những
cuộc xét hỏi gay go. Đi đến nơi gặp cán bộ, chiến sĩ hỏi những chuyện thường
ngày, hỏi những điều cần kiểm tra cũng bình thường như hỏi chuyện ăn ngủ vậy.
Kết thúc thời gian kiểm tra, cũng không có cuộc tập
họp cán bộ “nghe huấn thị”. Chỉ có trong bữa ăn cơm cuối cùng trước khi ra về,
anh vừa ăn vừa bảo tôi:
“Này Độ này, tình hình của Sư đoàn khá đấy. Không khí
đoàn kết tốt. Cậu có nhiều sáng kiến trong công tác đấy. Mình có cảm tưởng cậu
đang ở độ tuổi phát triển mạnh mẽ đang “en fleurs” (độ nở hoa). Nhưng trong khi
làm việc, cậu nên chú ý có tính kiên trì cao hơn nữa, nghĩa là định ra việc gì
cố làm cho đến đầu đến đuôi, đạt được kết quả sau cùng. Không nên cứ tung việc ra nhiều mà không kiên trì rút cục cuối cùng
không thu được kết quả cụ thể gì”.
Thế thôi, anh nói bình thản, tự nhiên và thân tình như
một người anh bàn chuyện nhà cửa với một đứa em. Nhưng sao những lời đầm ấm và
nghiêm khắc ấy tôi nhớ mãi suốt những năm tháng sau đó và cho đến bây giờ, mỗi
khi có sáng kiến về một công tác gì, tôi lại nhớ hai chữ “kiên trì” của anh
Thanh. Đối với tôi, hai chữ đó có ý nghĩa rộng và sâu hơn nhiều. Nó yêu cầu sự
nhìn xa trông rộng, yêu cầu sự tính toán kế hoạch? Yêu cầu có ý thức về sự
nhất quán trong ý đồ công tác, chứ không phải chỉ có nghĩa là cố gắng “kiên trì”
một cách bo bo những ý định của mình. Trong đời tôi, tôi cũng được nhiều sự phê
bình và góp ý kiến. Nhưng, những trường hợp tiếp nhận một ý kiến phê bình và ý
kiến đó khắc sâu mãi trong tâm trí thì cũng không nhiều. Ở chiến dịch nào tôi
cũng có lần được phê bình như vậy. Nhưng sự đầm ấm chân tình của anh Thanh lay
động tôi mạnh mẽ. Anh Thanh không phê bình gì tôi gay gắt, không chỉ ra khuyết
điểm gì nặng nề, nhưng lại nêu một ý kiến có tác dụng hướng dẫn sự suy nghĩ của
tôi rất lâu dài.
Những kỷ niệm đằm thắm nhất của tôi với anh Thanh là
thời gian chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ.
Trước hết là kỷ niệm về việc
chuẩn bị đi B. Hồi ấy vào khoảng đầu năm 1964, trong một hội nghị Trung ương, lúc
giờ nghỉ giải lao, anh Thanh vỗ vai tôi, kéo tôi đi chơi trong sân và chỉ nói một câu : “Này,
chuẩn bị đi B nhé!”.
Tôi cũng trả lời thản nhiên, coi như sự việc không thể
nào khác được : “Vâng, bao giờ đi, anh?”. Anh trả lời : “Cứ chuẩn bị đi!”. Thế
thôi. Lúc ấy, đối với mỗi người cán bộ, đảng viên trong Quân đội ở miền Bắc, ai
cũng chờ đợi một sự việc thiêng liêng và bí mật, nhưng rất tự nhiên là “Đi B”.
Anh Thanh không hề nói một câu gì giải thích hay phân
tích mà chỉ có một câu đơn giản như vậy thôi. Nhưng đối với tôi và đối với tâm
trạng tôi lúc ấy, nó đầy đủ ý nghĩa như một sự trao nhiệm vụ long trọng và sâu
sắc của Đảng, của cấp trên, đầy đủ ý nghĩa những lời phân tích tình hình và
những lời động viên chiến đấu.
Anh Thanh sau này thông báo cho tôi biết anh đã chọn
một nhóm cán bộ đủ điều kiện để tham gia việc xây dựng lực lượng vũ trang chủ
lực và chỉ huy việc tác chiến tập trung vì tình thế cách mạng miền Nam lúc ấy đã đặt ra như vậy. Chúng tôi hiểu khá rõ và
khá sâu sắc nhiệm vụ và sứ mạng của mình không cần có sự giải thích nào khác.
Về mặt riêng tư, khi tôi hỏi ý kiến anh Thanh là nên
chuẩn bị để đi như thế nào? Ý tôi muốn hỏi có nên bố trí một thư ký đi giúp
việc không ? Thì anh Thanh lại nhẹ nhàng gạt đi và bảo tôi: “Đừng chuẩn bị gì
cả, mình đã bảo mua cho các cậu mỗi người một đồng hồ và một bút máy đi để làm
việc. Còn riêng cậu thì kiếm một máy ảnh thật tốt nhé”. Về sau tôi mới biết
thêm, anh Thanh cũng rất thích chụp ảnh.
Vì điều kiện tổ chức đi, anh Thanh và anh Lê Trọng Tấn
đi trước tôi vài tháng, anh Hoàng Cầm và tôi đi sau… Anh Văn Phác cũng vào
trước tôi, khi tôi vào tới nơi, đến thẳng địa điểm của Trung ương Cục thì đã
gặp anh Văn Phác đang ở đó. Chúng tôi mừng rỡ gặp nhau. Nhưng anh Văn Phác lại
kéo tôi ra ngay một chỗ và tâm sự: “Anh Sáu bắt tôi làm bí thư cho anh ấy (anh
Sáu là tên bí danh của anh Thanh). Tôi cười, bảo Văn Phác: “Thế mà lúc đi, mình
hỏi anh ấy có bố trí bí thư đi theo giúp việc không, thì anh ấy lại bảo không
cần!”.
Anh Văn Phác tâm tình thêm với tôi: “Anh ấy khôn lắm,
anh ấy gọi tôi lên nói gọn thon lỏn một câu: “Cậu làm bí thư cho mình”. Thế
thôi, không hỏi ý kiến, không giải thích gì cả. Tôi cứ thế phải tự giác mà nhận
nhiệm vụ. Giá lúc đó anh ấy lại hỏi ý kiến hay giải thích và tôi được trình bày
thì có khi tôi không nhận. Nhưng thế này tự mình phải thấy rõ sự cần thiết mà
làm thôi. Nhưng tôi chỉ đề nghị anh là tôi xin làm một thời gian thôi, khi anh
Sáu tìm được người khác thì cho tôi làm việc khác”.
Tôi chú ý và nhớ mãi, rất lâu về sau này câu anh Văn
Phác khen: “Anh ấy khôn lắm!” - Tôi thấy quả tình anh Thanh khôn thật, nghĩa
là anh ấy xử lý rất hợp lý và chính xác, đúng như anh Văn Phác đã phân tích với
tôi.
Thì ra, có những lúc trao nhiệm vụ cho cán bộ không
cần nói nhiều, cấp trên cần có sự tin cậy đầy đủ vào trình độ ý thức và sức suy
nghĩ của cán bộ, và như vậy lại có tác dụng nâng cao tinh thần trách nhiệm của
cán bộ lên rất nhiều. Những cách xử lý của anh Thanh không phải là có một sự
tính toán cụ thể, mà là một cách xử lý tự nhiên hồn hậu, cách xử lý đó là kết
quả tất nhiên của một tâm hồn nhân hậu, có tình yêu mến và tin cậy cán bộ một
cách sâu sắc.
Thực tình, tôi không dám tự nhận là bạn của anh Thanh,
nhưng những ngày tháng cùng sống và làm việc với anh ở chiến trường B2, tôi
thấy thoải mái, phấn khởi như sống với một người bạn, tuy rằng tôi công tác
dưới sự chỉ đạo của anh. Tôi “tâm đắc” ở anh nhiều điểm, đặc biệt nhất là tôi
thấy ở anh một cách tư duy biện chứng khoáng đạt và sáng suốt. Tôi thấy ở anh
một nhà “chiến lược bẩm sinh” và một phong cách làm việc tiên tiến và ưu việt,
một tính tình hồn hậu, quả đoán và tự tin một cách mạnh mẽ.
Trong khi chỉ đạo các đơn vị hoạt động, cách tư duy và
lòng tin của anh truyền cho các cán bộ cấp dưới một quyết tâm và lòng tin tưởng
lớn. Có lần, sau khi bàn với một số chỉ huy đơn vị về phương thức tác chiến,
anh dặn thêm: “Các cậu về cứ thế mà làm, hễ không thành công cứ về đây lấy đầu
tớ mà chặt”. Đó là một câu nói nhuộm vẻ hài hước, nửa đùa nửa thật, nhưng nó
biểu lộ một sự tin tưởng vào các ý kiến chỉ đạo của mình hết sức mạnh mẽ. Tôi
ngồi nghe tự nhiên cũng thấy lòng tin được nâng cao lên rất nhiều. Có những lúc
bàn bạc công việc một cách hăng say anh có những ý kiến mà chúng tôi chưa thông
lắm, còn muốn cãi, nhưng hết giờ, anh hồ hởi nói: “Thôi, nghỉ ăn cơm đã, xong
rồi tớ cho các cậu tha hồ cãi và các cậu hãy cẩn thận, tớ sẽ đập cho các cậu
tơi bời và bẻ gẫy vụn các cậu ra cho mà coi”.
Câu nói đầy vẻ hăm dọa ấy không làm chúng tôi sợ hãi
mà ngược lại, gây cho chúng tôi rất nhiều hào hứng tranh cãi và cảm thấy cái
không khí tinh thần đồng chí cùng nhau tìm chân lý một cách đầy nhiệt huyết mà
lại thân tình. Anh hay nói năng mạnh mẽ, hùng hồn, nhưng không ai thấy sợ anh
cả, chỉ thấy thích tranh cãi với anh cho ra nhẽ. Anh không có vẻ gì là cần cù
chăm chỉ cả, thỉnh thoảng rỗi việc anh lại rủ chúng tôi: “Đi ra rẫy chụp ảnh
đi” và chúng tôi kéo nhau đi chơi. Nhưng thực ra những lúc ấy anh vẫn đang suy
nghĩ với một tinh thần trách nhiệm rất cao, vì có lúc đang đi chơi, đột nhiên
anh lại gợi ý hỏi một câu về tình thế chiến lược, hoặc về một công tác nào đó.
Anh thường khuyến khích chúng tôi viết bài cho các báo và bản thân anh cũng luôn
viết bài. Những bài bình luận quân sự đầu tiên của anh, anh ký tên “Hạ sĩ
Trường Sơn” có tiếng vang rất lớn ngay. Anh ký đùa là Hạ sĩ, còn thực ra các
bài của anh đều chứa đựng những ý kiến của một Đại tướng thật sự. Tư duy của
anh luôn là tư duy chiến lược. Anh luôn luôn nghiền ngẫm về sự so sánh lực
lượng địch ta bằng những con số chiến lược: Tổng quân số, tổng số đơn vị, cách
phân phối trên toàn chiến trường, những số liệu về bảo đảm hậu cần toàn chiến
trường trong từng chiến dịch và trong một năm. Anh tìm ra những tỷ lệ khái quát: Ta thương vong một thì địch thương vong bao nhiêu, ta mất một súng thì thu
được mấy súng. Trong một trận đánh bao nhiêu viên đạn thì ta diệt được một địch… Anh chuyển những con số tính toán ấy thành những câu chuyện hàng ngày và có
lúc là những chuyện vui. Ví dụ anh bảo chị Ba Định là cứ mỗi khi có trận đánh,
ta tiêu diệt một tiểu đoàn địch, thì chị Ba phải làm khao Bộ chỉ huy Miền một
bữa bánh bao và như vậy một tháng, một năm, ăn bao nhiêu lần bánh bao là ta
tiêu diệt bằng ấy tiểu đoàn địch. Mỗi khi anh tìm các số liệu kiểu đó, tôi lại
ngạc nhiên, vì anh chưa hề học về chiến lược quân sự ở trường lớp nào, không
biết anh có đọc sách lúc nào không, nhưng tôi thấy cứ như anh nhắc cho tôi ôn
các bài tập về chiến lược mà tôi đã được học ở một lớp trong Viện Hàn lâm Quân
sự của Liên Xô.
Tôi nhớ nhất năm 1965 và 1966,
khi Mỹ đổ bộ, trực tiếp đưa 20 vạn quân vào tham chiến ở Việt Nam, tình thế
chiến trường đặt ra một loạt câu hỏi:
- Phải chăng tương quan lực lượng đã thay đổi có lợi
cho địch (Mỹ - Ngụy)?
- Phải chăng ta phải thay đổi phương châm chỉ đạo,
không thể tiếp tục tấn công mà phải quay về phòng ngự?
- Mỹ nó có hỏa lực mạnh, cơ giới nhiều, biên chế đầy
đủ, ta đánh cách nào, có thể đánh tiêu diệt được không?
Qua nhiều lần trao đổi phân tích,
những ý kiến của anh hình thành ra những tư tưởng chỉ đạo rất sắc bén. Những ý
kiến đó làm bản thân tôi nhận thức được tình thế chiến trường hết sức sáng sủa
và tăng quyết tâm, tin tưởng lạ lùng. Những ý kiến đó về sau rất nhất trí với
nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Đó là những ý kiến đại thể…
- Mỹ vào Việt Nam, trong thế bị động, thế thua, tương quan lực lượng
không thay đổi căn bản được,
- Do đó, ta cứ tiếp tục tấn công, chỉ có tấn công mới
tiếp tục giữ thế chủ động và tiếp tục làm cho Mỹ - ngụy bị động, suy yếu,
- Mỹ có cách đánh của Mỹ, ta có cách đánh của ta. Ta
phải bắt Mỹ đánh theo cách đánh của ta chứ không để Mỹ kéo ta vào cách đánh của
nó.
Cố nhiên trong khi thảo luận, cũng nhiều đồng chí có
những ý kiến phong phú, nhưng ấn tượng đọng lại trong tôi vẫn là, những ý kiến
đó đều xuất phát từ những lời phát biểu đầu tiên của anh Thanh, rồi chúng tôi
phát triển thêm, bổ sung cho ý kiến hình thành rõ rệt.
Cũng dịp này, các chỉ huy đơn vị về họp có nói “Xin
Quân ủy Miền cho các phương châm tác chiến”. Anh Thanh trả lời nửa đùa nửa thật: “Phương châm tác chiến nó nằm ở mặt trận ấy, các cậu ra đó mà lấy”.
Quả thật sau đó, những khẩu hiệu “Vành đai diệt Mỹ”, “Nắm
thắt lưng Mỹ mà đánh”, “10 kinh nghiệm đánh Mỹ của Củ Chi” ở chiến trường dội
về, chúng tôi phải rất khẩn trương làm việc, phổ biến các kinh nghiệm đó cho
kịp thời và rộng rãi. Những tư tưởng chỉ đạo đúng đã khai thác được tiềm năng
sáng tạo trong nhân dân và chiến sĩ mạnh mẽ đến như vậy. Cũng trong những buổi
đi chơi, đột nhiên anh Thanh lại gọi tôi, nói một câu lửng lơ: “Này Độ này,
thế mà lại hóa ra hay đấy!” Tôi không hiểu, hỏi lại. Thì té ra anh ấy lại đang
suy nghĩ về tình thế chiến lược. Anh phân tích: “Tớ bảo thằng Mỹ đem quân nhảy
vào mà hóa ra hay. Ta sẽ nhất định thắng và
khi ấy trắng ra trắng, đen ra đen, không nhập nhằng gì nữa. Ta thắng là thắng
thẳng thừng với quân Mỹ. Nếu nó không vào, khi ta thắng, nó lại nói phét là tại
quân Mỹ không vào nên Việt Cộng mới thắng được. Nay nó đã vào. Ta với Mỹ đã mặt
đối mặt rồi nhé. Mỹ thua là thua Việt Cộng đứt đuôi con nòng nọc, không cãi
được vào đâu nhé ! Cậu bảo thế chả là hay à?”. Ý kiến của anh vừa giản dị vừa
sâu sắc, nó cũng giảm nhẹ đi rất nhiều những lo âu trong tôi khi tôi phải cùng
các anh trong Bộ chỉ huy tính toán bao nhiêu vấn đề để đối phó với một tình thế
chiến tranh ngày càng căng thẳng và phức tạp. Tôi cảm thấy đó là một ý kiến độc
đáo, rất biện chứng, rất lạc quan anh hùng. Tính lạc quan anh hùng của anh rất
ồn ào sôi nổi, nhiều lúc giản đơn hóa sự việc đi nhiều, nhưng cũng rất thú vị.
Tôi vừa vào tới nơi hôm trước thì hôm sau anh bảo tôi
chuẩn bị đi dự Đại hội Thanh niên giải phóng. Anh bảo tôi: “Cậu nên đi và cần
phải đi, ở đó cậu sẽ gặp những thanh niên anh hùng rất thú vị, mình vừa dự Đại
hội Phụ nữ, thật là tuyệt vời. Mình gặp một cô nữ du kích ở Trà Vinh - chắc cô
ấy cũng sẽ dự Đại hội thanh niên - rất đặc biệt. Cô ta mới 19 tuổi, người hiền
khô (anh bắt đầu nói kiểu Nam bộ), hiền lắm, thế mà đánh giặc 110 trận rồi nhé.
Napoléon suốt đời đánh có 100 trận mà cô này mới 19 tuổi đã đánh nhiều trận hơn
Napoléon rồi. Cậu thấy dân ta có ghê không nào?”. Tôi có gặp cô du kích đó. Cô
là Tô Thị Huỳnh, đến năm sau được tuyên dương Anh hùng các lực lượng vũ trang
Giải phóng. Tôi hỏi chuyện cô, thì thấy có những chi tiết không hẳn như anh
Thanh nói. Số trận cô đánh, đánh có nhiều thật, nhưng là những trận đánh du
kích, một trận vây bót, một trận phục kích bắn một phát cũng là một trận. Còn
Napoléon, đối với hắn, mỗi trận đánh phải kể là một chiến dịch. Còn Tô Thị
Huỳnh thì có hiền gì đâu, trông cô to lớn lực lưỡng, có đôi mắt xếch rất dữ
tướng. Trong Đại hội thi đua, cô nghe những thành tích của anh hùng Bi Năng Tắc,
người ở khu 6 (nay là tỉnh Thuận Hải) ăn lá bép sáu tháng để đánh giặc. Cô rất
khâm phục và so sánh như sau: “Thành tích của bác Bi Năng Tắc mới đáng kể là
thành tích. Bác gian khổ quá trời, chứ chúng cháu đánh giặc như đi chơi ấy mà,
đánh xong về nhà, tối má lại nấu cháo gà cho ăn, thành tích chả đáng kể”. Tuy
tình hình có như vậy thật, nhưng tôi vẫn thừa nhận về căn bản những nhận xét
hào hùng của anh Thanh là sự thật, một sự thật hào hùng của đất Thành đồng Tổ
quốc.
Trong cách phân tích, nhận định tình hình, anh không
quan tâm những chi tiết lặt vặt mà anh thường chỉ quan tâm tới những điều cơ
bản nhất, bản chất nhất, anh nắm được những cái đó thật nhanh và thật tài tình.
Chính vì vậy trong cuộc sống hàng ngày, anh hay bị chúng tôi dùng mẹo: Anh
thích đánh tu lơ khơ - mà tu lơ khơ là một trò chơi phải tính toán vặt. Anh hay
bị thua. Nhóm anh đủ một cỗ bốn người để chơi: Anh, anh Văn Phác, đồng chí bảo
vệ, đồng chí bác sĩ. Khi tôi khuyên các cậu ấy là không nên kéo dài cuộc chơi
buổi tối để bảo đảm giấc ngủ cho anh Thanh, đồng chí bảo vệ nói vui với tôi: “Anh
yên tâm, chúng tôi đánh bài với anh Sáu, chúng tôi có “chính sách” cả đấy”. Và
đồng chí ấy giải thích thêm: “Có chính sách nghĩa là hôm nào anh Sáu làm việc
nhiều, mệt mà không dứt được công việc, cứ tiếp tục suy nghĩ, chúng tôi để anh
Sáu được nhiều, để anh ấy thoải mái vui vẻ trở lại. Còn hôm nào xét thấy cần
anh ấy nghỉ sớm, chúng tôi hè nhau, đánh cho phe anh ấy thua ba ván liền là anh
ấy chán, đòi đi ngủ ngay. Chúng tôi ba đứa hùa nhau, cho nên muốn thua, được
như thế nào cũng được tất”. Tôi có thể tin chắc là anh Thanh không hề biết đến
mưu mẹo ấy của chúng tôi.
Anh rất hồ hởi sòng phẳng trong cuộc sống. Anh thấy
chúng tôi tráng phim, in ảnh, anh cũng tham gia, rồi những khi có ảnh, anh cũng
ngồi ôm chậu nước ngâm ảnh để bình luận, khen chê, say sưa. Có lần anh in được
mấy ảnh do anh chụp, khi có ảnh, anh gọi anh em lại bên và chìa tấm ảnh ra hỏi:
“Thế nào? được không?” Tất nhiên các anh em đều khen đẹp. Đến lượt tôi được
hỏi, tôi cũng lấy cái tính sòng phẳng của anh và trong khi vui vẻ, tôi cũng có
ý muốn trêu tức anh xem sao, tôi trả lời: “Cũng xoàng!” Anh buồn xỉu ngay.
Nhưng rồi anh không hề giận tôi và từ đó lại tỏ ra hay hỏi ý kiến tôi về ảnh
hơn. Một lần, tôi giới thiệu với anh một cách chi tiết, cụ thể nguyên lý cấu
tạo ống kính máy ảnh. Anh rất thú vị khen tôi trình bày dễ hiểu, cụ thể, làm
anh nắm được kiến thức rất nhanh và rõ. Nhưng rồi sau đó anh quên ngay vì tôi
biết anh còn mải nghiền ngẫm những tính toán chiến lược của anh, anh không thể
quan tâm để ghi nhớ những điều chi tiết về kỹ thuật của một môn “chơi” như vậy
được.
Tôi để ý thấy khi họp, hoặc khi nghe báo cáo ít khi thấy
anh ghi chép cẩn thận. Sổ công tác của anh thường còn rất nhiều giấy trắng. Ngồi
nghe, anh hay lấy một, hai tờ giấy trắng vừa nghe anh vừa vẽ những hình ảnh rất
khó hiểu lên những tờ giấy đó. Hình như mỗi điều gì anh nghe được phải biến hóa
ngay thành những suy nghĩ của anh để anh phát biểu. Anh nghe không phải để ghi
nhớ những điều nghe được, mà anh nghe để làm bật ra những suy nghĩ khác trong
đầu. Tôi cho rằng anh rất năng động và có một cách tư duy luôn độc lập và sáng
tạo. Lúc anh phát biểu, anh cũng cứ cầm bút vạch đi vạch lại trên giấy trắng,
tô lại nhiều lần những đường nét anh đã vạch ra trước đó. Cứ như là ở đó hiện
lên những dòng chữ, anh cần đọc nó để phát biểu vậy. Trong cặp anh luôn có một
tập giấy chứa đựng những điều trong một bài anh đang viết dở. Tôi rất yêu tâm
hồn anh, anh luôn luôn say mê, ồn ào và dứt khoát. Anh luôn độc lập suy nghĩ
nhưng không hề bài bác những ý kiến khác anh. Anh luôn luôn kiên trì ý kiến, nhưng
rất sẵn sàng tuyên bố rút lui ý kiến khi anh thấy ý kiến ấy không đứng vững.
Anh giữ ý kiến hay rút lui ý kiến cũng đơn giản, dứt khoát và hồn nhiên, không
có gì phải quanh co, phải tránh né.
Tôi rất yêu anh ở chỗ cách sống của anh rất hồn hậu và
hiền hòa. Cách tư duy biện chứng của anh giúp anh giải quyết rất hài hòa, rất
đẹp những mặt mâu thuẫn trong cuộc sống của anh với nhiều vai trò xã hội khác
nhau. Anh nhận rõ trách nhiệm lãnh đạo cao của anh nhưng không bao giờ anh tỏ
ra phải nhấn mạnh đến uy thế của cương vị anh trong cử chỉ, trong ăn mặc cũng
như trong đối xử. Anh rất có ý thức về uy tín của anh trong lĩnh vực tư tưởng.
Nhưng anh lại không muốn mọi người tiếp thụ tư tưởng của anh một cách thụ động,
miễn cưỡng. Anh muốn mọi người sẽ được sự thuyết phục đầy đủ những tư tưởng của
Đảng qua anh. Có lần anh đến nói chuyện ở một Hội nghị cán bộ. Khi anh bước lên
diễn đàn, mọi người rào rào dở sổ, sắp bút để chờ ghi chép. Anh cười vui: Tôi
nói, các đồng chí cần chú ý nghe và suy nghĩ tốt hơn là cắm cúi ghi.
Làm việc dưới sự chỉ đạo của anh, tôi còn tâm đắc điều
này: Cách làm việc của anh tạo cho cấp dưới phát huy khả năng sáng tạo và nâng
cao tinh thần trách nhiệm, biết có ý thức trách nhiệm về những quyết định của
mình, không ỷ lại, không dựa dẫm.
Một lần, Quân ủy Miền có quyết định chủ trương xây
dựng Chi bộ 4 tốt trong các lực lương vũ trang. Sau khi có Nghị quyết về vấn đề
ấy, tôi bàn với các anh ở Cục Chính trị Miền, vạch một kế hoạch để thi hành nghị
quyết đó. Khi có kế hoạch rồi, tôi báo cáo xin anh bố trí thời gian để chúng
tôi trình bày và anh góp ý kiến. Anh liền gạt đi mà bảo rằng: “Thôi việc đó là
thuộc chức trách các cậu. Các cậu nghĩ sao cứ làm vậy rồi rút kinh nghiệm sau.
Việc gì các cậu cũng cứ báo cáo, trình bày, chờ ý kiến mình, thì các cậu đâm ỷ
lại ra”. Sau đó, anh nói như tâm tình tiếp: “Thật ra, chúng mình làm việc, mỗi
người có những mặt mạnh yếu khác nhau, mỗi người có một quá trình tích lũy
riêng. Các cậu ở đơn vị dưới đã lâu, có khi về khả năng suy nghĩ tổ chức thực
hiện những việc cụ thể, mình không bằng các cậu được đâu. Trong khi bàn về
những chủ trương chung, mình đã phát biểu hết ý kiến, các cậu nhất trí tán
thành nghị quyết của tập thể là được. Sau đó, chính là trách nhiệm các cậu phải
triển khai thực hiện, đừng chờ đợi mình nữa. Từ nay cứ thế mà làm!” Tôi nghiệm
ra ý kiến của anh rất chính xác. Nghe anh nói như vậy, tự nhiên tôi thấy tôi có
trách nhiệm nặng hơn, phải suy nghĩ, cân nhắc nhiều hơn và cũng tự tin hơn, yên
tâm hơn. Sau này, trong nhiều việc khác, có khi anh hỏi, hoặc có khi tôi tranh
thủ chủ động báo cáo với anh. Nhưng về những việc trong phạm vi trách nhiệm của
tôi, tôi cảm thấy không bao giờ anh bác một ý kiến nào, phần lớn là anh nghe,
chấp nhận và im lặng, coi như để biết vậy thôi, thỉnh thoảng anh khuyến khích
và tán thưởng một vài việc.
Năm 1965, chúng tôi tổ chức Đại hội mừng công toàn
Miền lần thứ nhất, để tuyên dương anh hùng các lực lượng vũ trang Giải phóng.
Trong việc chuẩn bị, anh tham gia rất sát với chúng tôi, từ việc hướng dẫn địa
phương báo cáo, nghe các chiến sĩ thi đua báo cáo thành tích, bàn tiêu chuẩn,
tuyển chọn cụ thể, đến việc viết bản tuyên dương, định kế hoạch và làm việc với văn nghệ sĩ để viết các truyện anh hùng,
v.v... Anh đều tham gia tích cực và có tác dụng hướng dẫn cả một tập thể cán bộ
cơ quan chính trị rất có hiệu quả.
Anh đặc biệt chú trọng cùng chúng tôi duyệt văn bản
tuyên dương, trong đó tóm tắt thành tích các anh hùng, vì bản này viết rất khó.
Làm sao thật ngắn gọn mà nổi bật được những thành tích, nói lên bản chất anh
hùng của chiến sĩ mà không khoa trương thổi phồng, lại có giọng văn cổ vũ lòng
người. Làm xong Đại hội, anh khen ngợi ban tổ chức trong không khí thân tình: “Các
cậu bây giờ khá thật, lần đầu tiên tổ chức một Đại hội anh hùng mà ta làm được
khá chu đáo, tốt đẹp. Như vậy là giỏi lắm.
Trong thời kháng chiến chống Pháp, khi mình phải chịu trách nhiệm tổ chức Đại
hội anh hùng ở Việt Bắc, mình cứ búi sùm sùm, bao nhiêu là cố vấn giúp đỡ mà
còn vất vả trầy trật. Sau Đại hội này các cậu có thể tổ chức các Đại hội khác
không khó khăn gì”.
Thật vậy, sau đó, năm 1970, chúng tôi tổ chức Đại hội Anh
hùng lần thứ hai, và năm 1973 tổ chức Đại hội Anh hùng lần thứ ba, chúng tôi
coi như đã có bài bản, kinh nghiệm triển khai việc chuẩn bị và tổ chức bình
tĩnh yên tâm hơn, không có vấp váp gì. Nhưng Đại hội sau, anh Thanh không còn nữa.
Tuy nhiên chúng tôi làm việc vẫn cảm thấy như anh Thanh vẫn gần đó, vẫn là chỗ
dựa cho chúng tôi và chỉ dẫn chúng tôi.
Tôi tâm đắc điều đó mãi đến bây giờ và tôi vẫn cho
rằng anh Thanh có một phong cách làm việc tiên tiến và ưu việt, nó mang tính
khoa học sâu sắc và nó rất phù hợp với yêu cầu hiện nay. Phát huy tinh thần làm
chủ tập thể của từng cấp, phát huy tinh thần trách nhiệm của các cấp để nâng
cao tính chủ động, sáng tạo, độc lập suy nghĩ của các cấp, khắc phục được tính
ỷ lại của cấp dưới và tính bao biện áp đặt của cấp trên. Chính nhiều văn kiện
của Đảng hiện nay đang yêu cầu xây dựng một phong cách làm việc như vậy. Phong
cách đó phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa. Anh Thanh sớm có phong cách ấy, vì
vậy anh Thanh rất tiên tiến vậy.
Bây giờ chúng ta có 40 năm lịch
sử Quân đội và 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy. Chúng ta cũng có bằng
ấy năm để mà thấy được bao nhiêu điều tốt đẹp về những con người “Anh bộ đội”. Hiện
nay chúng ta có những Anh bộ đội, là những vị tướng mà tuổi quân chiếm một nửa
hoặc hai phần ba cuộc đời. Cũng có những Anh bộ đội mà tuổi đời mới bằng trên dưới
một nửa tuổi của Quân đội. Có những binh đoàn có thể có “Anh Bộ đội Ông” chỉ
huy “Anh bộ đội Cháu”, “Anh bộ đội Bố” chỉ huy “Anh bộ đội Con”.
Thế mà hồi ở B2, các cô cậu chiến sĩ Giải phóng cứ kêu
chúng tôi là mấy chú, chúng tôi cứ uốn nắn mãi, dở cả các bài bản chính quy ra
để uốn nắn, cũng không được. Rồi về sau, chính chúng tôi cũng kêu các chiến sĩ
là “mấy đứa” một cách ngon lành, vui vẻ. Cuộc đời hơn 30 năm trong quân đội của
tôi đầy ắp kỷ niệm sâu sắc được tiếp xúc với nhiều bậc đàn anh đáng kính. Các
anh để lại cho tôi biết bao bài học của cuộc đời cách mạng. Nhưng dịp này tôi
thích chọn kỷ niệm về anh Thanh mà ghi lại. Bởi vì tôi rất yêu anh. Bởi vì
trong cương vị của anh, cái phẩm chất “Anh bộ đội Cụ Hồ” biểu hiện ra trong quy
mô chiến lược, trong những mối quan hệ lớn hơn, nhưng nó vẫn thắm đượm những gì
gần gụi, bình dị. Cái xuất sắc và cao đẹp của anh biểu hiện ra trong những cái
bình dị, và một cách bình dị. Tôi cứ tưởng tượng nếu anh là một cán bộ trung
đội, đại đội, hoặc cán bộ trung đoàn, sư đoàn, anh cũng sẽ sống và làm việc như
vậy, anh sẽ giải quyết các nhiệm vụ công tác và chiến đấu của anh như vậy thôi,
nghĩa là trung thực, quyết liệt, hồn hậu, nhân ái, năng động, sáng tạo và nhất
là biện chứng.
Nhân cách và tâm hồn anh rất đẹp.
Vì vậy tôi phải dùng chữ ANH BỘ ĐỘI viết hoa để nói về
anh, một “Anh bộ đội Cụ Hồ” thật sự…
Tôi xin thắp nén hương tưởng nhớ Anh, Anh Nguyễn Chí
Thanh - ANH BỘ ĐỘI viết hoa của tôi!
Tháng 5 – 1984
Một “Anh Bộ đội già”
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Một “Anh Bộ đội già”
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Rất cảm phục nhân cách và phong cách lãng đạo của Đại Tướng Nguyễn Chí Thanh qua bài viết này.
Trả lờiXóa