Thứ Hai, 5 tháng 9, 2022

Về nhu cầu văn hoá và thị hiếu nghệ thuật


I. Ý nghĩa của việc nghiên cứu nhu cầu văn hoá và thị hiếu nghệ thuật
Thoả mãn nhu cầu vật chất và nhu cầu văn hoá ngày càng cao của nhân dân lao động, như mọi người đều đã biết, vừa là mục đích của chủ nghĩa xã hội, vừa là quy luật của chủ nghĩa xã hội. 


Thoả mãn nhu cầu vật chất là điều không thể không có để đảm bảo cuộc sống cho nhân dân. Nhưng chủ nghĩa xã hội có một mục đích cao hơn, lớn hơn là đem lại hạnh phúc cho nhân dân, làm cho mỗi con người được phát triển toàn diện, ngày càng được nâng cao về tâm hồn, tư tưởng, tình cảm, nhân cách, làm cho mối quan hệ giữa người và người ngày càng cao đẹp. Cho nên thoả mãn nhu cầu văn hoá chính là nhằm để thực hiện mục đích cao cả đó.
Chúng ta cần đứng trên quan điểm đó để đặt vấn đề nghiên cứu nhu cầu văn hoá của nhân dân.
Hiện nay có rất nhiều người nói đến và quan tâm đến nhu cầu văn hoá của nhân dân, nhưng có thể nói rằng sự quan tâm đó còn xuất phát từ những quan điểm chưa đầy đủ. Thông thường có nhiều người chỉ hiểu nhu cầu văn hoá (lòng mong muốn, nguyện vọng, những đòi hỏi) là nhu cầu được thưởng thức văn nghệ, được xem cải lương, nghe ca nhạc, xem phim. Và thoả mãn nhu cầu văn hoá nghĩa là phải tổ chức được nhiều cuộc biểu diễn văn nghệ, xem phim. Cũng có nhiều người hiểu nhu cầu văn hoá rộng hơn, nó có bao gồm cả vui chơi, giải trí, hoạt động văn hoá, và do đó cũng hiểu nhu cầu văn hoá là tổ chức được nhiều tụ điểm, nhiều chương trình vui chơi giải trí và hoạt động văn hoá.
Nếu dừng lại ở chỗ nhận thức như vậy thì không đủ và có khi còn nguy hiểm.
Nhu cầu văn hoá của con người phát sinh và phát triển hoàn toàn khác với nhu cầu vật chất, ngay trong từng nhu cầu vật chất cũng bao hàm nhu cầu văn hoá.
Ăn là một nhu cầu vật chất, nhưng không phải cứ tạo ra bất cứ cái gì để ăn là thoả mãn nhu cầu ăn. Ăn cái gì? Chất lượng dinh dưỡng như thế nào? Điều đó cũng nói lên một yêu cầu văn hoá (khoa học). Lại còn ăn như thế nào? Ăn ngon, ăn với những dụng cụ đẹp, chỗ ăn đẹp, và ăn trong quan hệ giữa người với người tốt đẹp nữa. Đó cũng là nhu cầu văn hoá trong việc ăn.
Nhu cầu văn hoá được hình thành và phát triển trong một cơ chế phức tạp và tinh vi. Đại thể có thể thấy nó hình thành theo sự phát triển tâm sinh lý của từng lứa tuổi, từng loại người, bị chi phối bởi các điều kiện kinh tế - xã hội, được phát triển do sự thoả mãn nhu cầu. Sự phát triển tâm sinh lý lại phụ thuộc vào tình hình thoả mãn nhu cầu. Sự thoả mãn nhu cầu ở mức độ này lại tạo ra nhu cầu ở mức độ cao hơn. Sự thoả mãn nhu cầu này lại đẻ ra nhu cầu khác.
Có sự xuất hiện những nhu cầu tốt mà thoả mãn nó làm cho con người tốt hơn. Cũng có sự xuất hiện những nhu cầu không tốt mà nếu có thoả mãn loại nhu cầu này thì làm cho con người ngày càng xấu đi.
Ví dụ: nếu những cái gọi là nhu cầu như nhu cầu đánh bạc, rượu chè, mê tín, vui chơi bừa bãi được thoả mãn thì chỉ làm cho xã hội rối loạn, đạo đức bị phá hoại, và bản thân cả thể lực con người ngày càng bị phá hoại.
Vấn đề nhu cầu văn hoá gắn liền với việc thoả mãn nhu cầu văn hoá, không phải cứ theo công thức nhân dân có nhu cầu gì thì tổ chức và tạo điều kiện thoả mãn nhu cầu đó. Thoả mãn nhu cầu không thể chỉ có nghĩa là đáp ứng những đòi hỏi. Thoả mãn nhu cầu văn hoá cho nhân dân phải là một quy trình hoạt động được lãnh đạo đầy đủ, có tính toán nhiều mặt trên cơ sở một sự nhạy cảm đầy đủ đối với nguyện vọng của nhân dân, trên cơ sở một phương hướng chính trị kiên định và một sự hiểu biết về văn hoá, nghệ thuật rộng rãi và linh hoạt. Không phải nhân dân đòi hỏi cái gì thì đáp ứng cái đó. Nhiều khi cơ quan lãnh đạo và cơ quan văn hoá chủ động tổ chức một loạt hoạt động văn hoá thu hút nhân dân tham gia mà nhân dân chưa hề biết. Những hoạt động đó lại mang lại niềm vui lớn cho nhân dân và trở thành nhu cầu tốt đẹp cho nhân dân.
Thoả mãn nhu cầu văn hoá là thực hiện một sự nghiệp giáo dục cực kỳ to lớn. Thoả mãn nhu cầu văn hoá phải nhằm mục đích xây dựng con người mới, làm cho con người được sống có hạnh phúc, có niềm vui, luôn luôn được phát triển về kiến thức, tư tưởng, tình cảm, tâm hồn, nhân cách. Nhu cầu văn hoá về bản chất là nhu cầu của con người, đầy tính người, là nhu cầu của mỗi con người tự hoàn thiện mình tự nâng cao mình, đó là nhu cầu nâng cao kiến thức, nhu cầu cân bằng lao động và tái sản xuất sức lao động, nhu cầu tự biểu hiện mình trong sáng tạo, nhu cầu thư giãn, thay đổi các loại lao động để con người phát triển có thể lực, trí tuệ và tình cảm.
Vì vậy cần phải phân tích, tìm hiểu thực chất của nhu cầu văn hoá, cơ cấu của nhu cầu văn hoá, quy luật hình thành và phát triển của nhu cầu văn hoá. Nhận thức được rõ những điều trên rồi lại phải nhận thức rõ những đặc thù của sự thoả mãn về số lượng, không phải chỉ là đáp ứng các đòi hỏi.
Nhu cầu văn hoá có thể được thoả mãn bằng chất lượng trí tuệ, chất lượng nghệ thuật, chất lượng tổ chức, v.v… Thoả mãn nhu cầu văn hoá phải có hiệu quả nâng cao trình độ của nhu cầu, tạo ra những nhu cầu mỗi ngày một phong phú và tinh tế hơn.
Phải biết nhận định những nhu cầu nào cần được thoả mãn và những cái gì gọi là nhu cầu không thể thoả mãn, mà còn phải cần được loại bỏ khỏi cơ cấu nhu cầu của xã hội và của từng lớp người. Phải nhận định được những nhu cầu nào cần được ưu tiên thoả mãn.
Nhưng thoả mãn nhu cầu văn hoá phải đồng thời mang lại niềm vui và mang lại lợi ích cho người cần được thoả mãn. Cũng không thể hiểu ý nghĩa giáo dục một cách máy móc và cứng nhắc, cứ chủ quan áp đặt các loại hoạt động văn hoá để “thoả mãn” nhu cầu của nhân dân mà thực tế lại làm cho nhân dân càng chán, càng cảm thấy bị cưỡng bức, áp đặt, càng thấy khô khan, nặng nề.
Cơ quan văn hoá khi nào nhận thức sâu sắc những điều nói trên với nội dung phong phú của nó mới có ý thức đầy đủ trong việc tổ chức thoả mãn nhu cầu văn hoá của nhân dân, như vậy mới là ta nâng cao trình độ hoạt động văn hoá lên một mức cao hơn.
Có thể cho rằng toàn bộ ý nghĩa của việc nghiên cứu nhu cầu văn hoá là như vậy.
Chúng ta cần có sự phân tích ý nghĩa, tính chất của nhu cầu văn hoá, chúng ta tìm hiểu sự hình thành và phát triển của nhu cầu văn hoá, từ đó chúng ta xác định phương thức thoả mãn nhu cầu văn hoá trên quan điểm “thoả mãn nhu cầu văn hoá để xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa”.
Chúng ta có thể đặt một vấn đề thực tiễn để cố gắng giải quyết cụ thể và thiết thực. Nhưng để giải quyết cụ thể và thiết thực, ta cần cùng nhau đứng vững một cách nhất trí trên những quan điểm đúng đắn và cơ bản.
* * *
Nhu cầu văn hoá gắn chặt với một vấn đề là thị hiếu. Có vấn đề thị hiếu thẩm mỹ và vấn đề thị hiếu nghệ thuật.
Thị hiếu thuộc về phạm trù mỹ học. Nhưng khi ta bàn về nhu cầu văn hoá tự nhiên, ta phải bàn ngay đến vấn đề thị hiếu vì một bộ phận quan trọng của nhu cầu văn hoá là nhu cầu sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật. Người ta có nhu cầu nghệ thuật, nhưng người ta thích thứ nghệ thuật nào lại là vấn đề có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục. Có thể nói thị hiếu là nhu cầu của nhu cầu. Ta tìm hiểu vấn đề nhu cầu văn hoá, không thể nào không tìm hiểu vấn đề thị hiếu thẩm mỹ và trước hết là thị hiếu nghệ thuật. Nếu chúng ta có thể tương đối dễ dàng trong việc phân biệt những nhu cầu tốt và những nhu cầu không tốt thì chúng ta sẽ khó khăn nhiều trong việc phân biệt thị hiếu tốt và không tốt, lành mạnh và không lành mạnh, rẻ tiền hay đắt tiền, v.v…
Hiện nay thường ngày chúng ta hay trao đổi vấn đề thị hiếu, chúng ta cũng hay phê phán các khuynh hướng “nghệ thuật chạy theo thị hiếu tầm thường”. Đồng thời chúng ta lại phải thừa nhận một sự cần thiết là nghệ thuật phải đáp ứng công chúng.
Chúng ta vẫn gặp những tình hình khó xử, có những tác phẩm hoặc những thủ pháp nghệ thuật bị các nhà phê bình và giới nghệ thuật chuyên nghiệp lên án thì công chúng lại đòi hỏi và hoan nghênh. Ngược lại công chúng lại thờ ơ và không hoan nghênh những tác phẩm nghệ thuật mà các tác giả tốn nhiều công sức và tự hào, thậm chí cả những tác phẩm được các Ban giám khảo cho các giải thưởng cao. Cũng không ít tác phẩm có sự đánh giá nhất trí giữa giới chuyên nghiệp và công chúng. Đồng thời có những tác phẩm được loại công chúng này đánh giá cao thì loại công chúng khác lại đánh giá thấp. Chúng ta thừa nhận phải có sự phong phú đa dạng trong sáng tạo và trong thưởng thức nghệ thuật. Nhưng chúng ta cũng rất cần thiết có một phương hướng nghệ thuật thống nhất, có một công chúng nghệ thuật thống nhất. Chỉ có thể có sự phong phú đa dạng trên cơ sở một phương hướng chính trị và nghệ thuật thống nhất. Chúng ta không thể chấp nhận một tình trạng rối loạn và hỗn độn trong sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật. Tình trạng đó tất yếu dẫn đến phá vỡ sự thống nhất chính trị và tư tưởng trong nhân dân, huỷ hoại thị hiếu nghệ thuật tốt đẹp đi tới huỷ hoại cả những tình cảm, những hoài bão tốt đẹp trong tâm hồn công chúng.
Vì vậy chung quanh vấn đề thị hiếu ta cũng cần phân tích được tính xã hội và tính cá nhân của thị hiếu, tính lý trí và tính tình cảm, tính bản năng trong thị hiếu. Chúng ta cố gắng tìm những dấu hiệu để giúp chúng ta phân biệt thị hiếu thấp (kém phát triển) và thị hiếu cao (phát triển), thị hiếu không lành mạnh và thị hiếu lành mạnh, thị hiếu tốt và thị hiếu xấu.
Sứ mạng của các nghệ sĩ là tạo ra cái tốt, cái đẹp cho nghệ thuật, để nghệ thuật đem lại cái tốt đẹp cho tâm hồn con người. Nhiệm vụ của các cơ quan quản lý và hoạt động văn hoá phải có căn cứ vững chắc để tổ chức sự truyền bá các sản phẩm nghệ thuật tốt đẹp trong công chúng. Chúng ta cần có một số căn cứ thống nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho ta phân tích được các thị hiếu trong sáng tạo nghệ thuật và trong công chúng thưởng thức nghệ thuật. Sự hình thành và phát triển các thị hiếu nghệ thuật có thể có một số quy luật của nó. Một trong những điểm tất yếu là nó phụ thuộc vào tình hình thoả mãn nhu cầu văn hoá. Đó cũng là điều ta cần nhận thức. Từ đó ta biết loại trừ những thị hiếu xấu, hạn chế những thị hiếu kém, khuyến khích và phát triển các loại thị hiếu tốt đẹp, tiên tiến, lành mạnh. Sự tác động qua lại giữa nghệ thuật và công chúng là một tác động mạnh mẽ sâu sắc, nó rất biện chứng. Trong trường hợp này có công chúng nào thì có nghệ thuật đó. Trong trường hợp khác thì nghệ thuật nào có công chúng đó. Ta phải làm sao cho đồng thời nghệ thuật tạo ra công chúng của mình và công chúng lại tạo ra nghệ thuật của mình. Chỉ có như thế, chúng ta mới đem lại hiệu quả thực sự cho các hoạt động văn hoá, các hoạt động nghệ thuật trên quan điểm xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.
* * *
Chúng ta cố gắng tìm những căn cứ lý luận để giúp ngành văn hoá hiện nay phân tích được những vấn đề của nhu cầu và thị hiếu một cách đúng đắn trên cơ sở những quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, để có thể chỉ đạo, tổ chức mọi hoạt động văn hoá, hoạt động nghệ thuật đạt được hiệu quả tích cực. Điều này có ý nghĩa to lớn và quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng con người mới, nền văn hoá mới ở nước ta. Nó thể hiện một số vấn đề có ý nghĩa đường lối là xây dựng quyền làm chủ của nhân dân trong lĩnh vực văn hoá, thực hiện một tinh thần dân chủ trong các hoạt động văn hoá.
Điều này cũng có ý nghĩa rất thiết thực đối với công tác văn hoá của ngành văn hoá. Có thể nói đây là vấn đề trung tâm, có ý nghĩa chỉ đạo đối với các hoạt động văn hoá, kể cả việc xây dựng nếp sống mới và xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.
II. Mấy vấn đề nhu cầu văn hoá
Trước hết, chúng ta phải xác định nhu cầu văn hoá là gì? Theo nghĩa rộng nhất, nhu cầu văn hoá là những nhu cầu của con người (chỉ có con người mới có nhu cầu đó và thoả mãn nhu cầu đó theo cách con người).
Ở một cấp độ khác, nhằm phân biệt nhu cầu văn hoá với một số nhu cầu mang tính sinh vật ở con người, có thể nói nhu cầu văn hoá là những nhu cầu của con người, mà khi được thoả mãn con người sẽ phát triển.
Tuy nhiên, ở đây chúng tôi muốn nói việc xây dựng một quan niệm về nhu cầu văn hoá một cách cụ thể hơn, có tác dụng thực tiễn hơn là một quan niệm mang tính chất triết học. Do đó, chúng tôi không đề cập đến lịch sử của vấn đề, cũng không quá lệ thuộc vào quan niệm về nhu cầu văn hoá của nước này hay nước khác mà xin đưa ra một quan niệm bằng cách thử thiết lập một cơ cấu của nhu cầu văn hoá. (Tất nhiên, có nhiều cách thiết lập cơ cấu của nhu cầu này và cách nào cũng đều mang tính tương đối, nghĩa là không thể gồm được hết những biểu hiện phong phú của nhu cầu văn hoá).
Nhu cầu văn hoá bao gồm: nhu cầu thông tin, nhu cầu nâng cao kiến thức nghệ thuật, nhu cầu vui chơi, giải trí, nhu cầu thực hành các khuôn mẫu ứng xử,… Có thể sắp xếp liệt kê trên thành 3 loại nhu cầu sau:
1) Nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị nghệ thuật.
2) Nhu cầu sáng tạo và thực hành các khuôn mẫu ứng xử.
3) Nhu cầu sáng tạo và tham gia các trò chơi, các hội lễ.
Tất cả các nhu cầu đều phải được thoả mãn bằng phương thức thẩm mỹ, gây khoái cảm thẩm mỹ, tác động vào chính trị, tư tưởng, tình cảm và đạo đức của con người.
* * *
Có một vấn đề mà chúng ta cần phải phân tích khi bàn về nhu cầu : đó là nhu cầu hợp lý. Cần phải xem xét vấn đề này trên hai phương diện :
Thứ nhất là ở phương diện kinh tế - xã hội (hay là phương diện định lượng). Ở phương diện này, người ta xem xét bằng cách tìm mức chênh lệch giữa nhu cầu lý tưởng của nhân dân (tức là những ý muốn, đòi hỏi cao nhất của các cá nhân) với trình độ hiện thực của kinh tế - xã hội (tức là khả năng đáp ứng nhu cầu lý tưởng cho nhân dân đến mức nào). Thông thường mức chênh lệch đó là rất cao, vì thế người ta phải tìm ra một mức hợp lý, mức này nằm giữa trình độ hiện thực của kinh tế - xã hội và nhu cầu lý tưởng, để một mặt, nền kinh tế - xã hội phải có những nỗ lực để đáp ứng nhu cầu cho nhân dân ở mức cao hơn, mặt khác điều chỉnh nhu cầu lý tưởng của nhân dân cho phù hợp với trình độ kinh tế - xã hội ; những nhu cầu ở mức đã được điều chỉnh là những nhu cầu hợp lý.
Thứ hai là ở phương diện chính trị, tư tưởng (nói cách khác là phương diện định tính và định lượng).
Những nhu cầu không phù hợp với lý tưởng, đạo đức xã hội chủ nghĩa, với truyền thống dân tộc, những nhu cầu mang tính bản năng có tác dụng hạ thấp hoặc phá hoại nhân cách xã hội chủ nghĩa, huỷ hoại thể lực và trí tuệ của con người lành mạnh, v.v… là những nhu cầu không hợp lý. Rõ ràng không thể nào chấp nhận những nhu cầu loại này.
Tóm lại, khi xét nhu cầu hợp lý hay không hợp lý, chúng ta cần xét nó trên cả hai phương diện.
* * *
Một vấn đề quan trọng và thiết thực đối với chúng ta chính là làm thế nào để thoả mãn nhu cầu?
Chúng ta rất cần thống nhất một quan niệm là thoả mãn nhu cầu văn hoá không phải là một sự ban ơn, không phải là sự chăm lo phúc lợi đơn thuần, lại càng không phải là việc làm máy móc phi chính trị, ai cần gì thì đáp ứng nấy, … mà thoả mãn nhu cầu văn hoá là chăm lo đến hạnh phúc của nhân dân, là thực hiện một sự nghiệp giáo dục toàn diện và cao cả, là để nâng cao đời sống của nhân dân, là để giữ gìn và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc, là để phát triển tính quốc tế của văn hoá, là để thực hiện quyền làm chủ văn hoá của nhân dân.
Muốn thế, những người quản lý văn hoá phải hiểu rõ nhu cầu văn hoá của nhân dân, dự kiến sự phát sinh, hiểu rõ quy luật vận động, phát triển của nhu cầu, xác định được nhu cầu hợp lý, v.v… lấy đó làm những căn cứ để định những chủ trương và biện pháp thích hợp mà thoả mãn nhu cầu.
Ở đây, chúng ta cần chú ý mấy đặc điểm có tính quy luật của nhu cầu văn hoá: nhu cầu văn hoá xuất hiện cùng một lúc ở nhiều khía cạnh, nhiều mặt. Nhu cầu này được thoả mãn lại làm nảy sinh ra nhu cầu khác, nhu cầu xuất hiện ở người này lại lây sang người khác theo kiểu tác động dây chuyền.
Ví dụ: Tham quan du lịch là một nhu cầu; nhưng nhu cầu này bao gồm đồng thời một loạt nhu cầu: xem cảnh đẹp, hiểu biết về lịch sử, địa lý, được nghỉ ngơi, giải trí (thư giãn), ăn uống các món đặc sản, giao tiếp bạn bè, v.v… Hiểu rõ điều này sẽ có ý nghĩa về phương pháp đối với những người tổ chức đáp ứng nhu cầu là phải tổ chức thoả mãn cùng một lúc nhiều mặt, nhiều khía cạnh của nhu cầu văn hoá.
Hoặc, một số bạn đến một cơ quan văn hoá, lúc đến chỉ là yêu cầu có chỗ để chơi, để nói chuyện tâm tình, … nhưng khi đã tới rồi, người ta lại bị thu hút vào nhiều hoạt động khác. Khi ấy, nhiều nhu cầu khác được gợi dậy làm cho mục đích đến cơ quan văn hoá ấy của đối tượng ấy biến đổi một hay nhiều lần. Ví dụ: Từ nhu cầu ban đầu là đi chơi thôi, nhưng sau đó người ta lại trở thành người hâm mộ một loại hình nghệ thuật nào đấy, hoặc môn thể thao nào đó, hoặc một sinh hoạt tư tưởng nào đó, v.v… Những người quản lý các cơ sở hoạt động văn hoá cần thấy được đặc điểm này. Không nên chỉ hiểu và thực hiện chức năng của các cơ quan văn hoá một cách máy móc, hẹp hòi. Không nên chỉ dừng lại ở quan niệm đơn giản là “chỉ cần thu hút tập hợp được quần chúng, để khỏi lang thang ngoài đường là tốt rồi”. Bởi vì, như vậy tức là người quản lý văn hoá sẽ đi tới chỗ chỉ tạo ra được những loại hoạt động, để thu hút mà bỏ mất nhiệm vụ “định hướng” của mình.
Rất cần quan tâm đến một ý kiến cho rằng: đã là nhu cầu thì phải được đáp ứng, phải được thoả mãn. Vì nếu không được thoả mãn thì nhu cầu ấy sẽ “xì” sang nhu cầu khác, có khi còn nguy hại hơn cả nhu cầu đó lúc ban đầu. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là cứ nhu cầu nào xuất hiện là chúng ta phải tổ chức thoả mãn (bởi vì có nhu cầu hợp lý, không hợp lý, có nhu cầu chính đáng, nhu cầu không chính đáng). Quan điểm của chúng ta là thoả mãn nhu cầu chính đáng một cách đầy đủ, có chất lượng thì sẽ đẩy lùi, triệt tiêu được những nhu cầu không chính đáng. Ví dụ: Có những người uống rượu là một nhu cầu; đối với những người này, chúng ta cần đáp ứng không phải bằng cách cho họ nhiều rượu, mà phải nâng cao đời sống văn hoá của họ (bằng cách thu hút họ tham gia những hoạt động văn hoá lý thú, bổ ích) thì sẽ hạn chế được nhu cầu uống rượu đó.
Trong việc thoả mãn nhu cầu, chúng ta phải chú ý đến những nhu cầu chưa được bộc lộ tiềm ẩn. Hiện nay các cơ quan quản lý văn hoá của chúng ta mới chỉ biết được những nhu cầu đã được bộc lộ ra: nhu cầu xem phim, xem sân khấu, đòi vui chơi, giải trí, … mà chưa biết được cái tuy chưa bộc lộ ra ngoài nhưng trong đời sống nó thực sự là những nhu cầu (nói cho đúng là chúng ta chưa quan tâm, chưa nắm bắt được những nhu cầu này). Ví dụ : chúng ta thường quan niệm nhân dân thành phố Hồ Chí Minh không thích kịch nói, không có nhu cầu xem kịch nói, chỉ có nhu cầu xem cải lương thôi. Nhưng đến lúc có kịch nói với trình độ nghệ thuật cao thì nhu cầu xem kịch nói lại bộc lộ một cách rất mạnh ở công chúng thành phố này.
Chúng ta cần phải chống quan liêu, bao cấp và ban ơn trong việc xác định và thoả mãn nhu cầu. Trên thực tế có hiện tượng này, ví dụ ở nhiều địa phương, lãnh đạo rất quan liêu với nhu cầu của nhân dân, nghĩa là không biết và cũng không cần biết nhân dân cần gì. Điều đó dẫn tới hiện tượng “bao cấp” là lãnh đạo thích gì, cần gì thì nghĩ rằng dân cũng thích, cũng cần cái đó. Hoặc có hiện tượng rất phổ biến là đồng chí lãnh đạo địa phương nào thích gì thì ở đó cái đấy được đề cao. Ví dụ : đồng chí nào thích bóng đá thì dù tốn kém mấy, bóng đá ở địa phương ấy cũng vẫn được quan tâm, đầu tư và phát triển, hoặc nếu đồng chí nào lại thích cải lương thì ở đó cải lương sẽ trở thành loại hình nghệ thuật độc tôn.
Muốn thực hiện được việc thoả mãn nhu cầu theo những quan điểm đã nêu trên thì chúng ta cần phải làm gì?
Thứ nhất, là cần phát triển công tác điều tra, nghiên cứu xã hội học để có những phân tích đánh giá thực trạng của nhu cầu. Mặc dù có thể những số liệu thu được chưa nói hết, chưa hoàn toàn đúng với sự thật, nhưng không thể phủ nhận giá trị của nó.
Thứ hai, là phải phát huy mạnh mẽ tác dụng của các thiết chế văn hoá. Bởi vì, thực chất của việc thoả mãn nhu cầu văn hoá chính là nâng cao chất lượng của các hoạt động văn hoá, đó cũng là yêu cầu của Nghị quyết Đại hội V của Đảng đã nêu lên. Muốn thế, không có cách nào khác là phải tìm hiểu, điều tra nhu cầu, xác định nhu cầu hợp lý, … từ đó mà đề ra nhiều hình thức, biện pháp thoả mãn nhu cầu ấy một cách thích hợp.
Ở đây, cần chú ý một điểm là nhu cầu văn hoá xuất hiện trong mỗi người như là một nhu cầu sống, một nhu cầu tình cảm, nhiều khi nó bộc lộ ở trạng thái cuồng nhiệt. Người ta tự thoả mãn nhu cầu của mình cũng tự nhiên như người ta sống và có khi bỏ qua cả sự tính toán, phân tích và cân nhắc. Cho nên, việc tổ chức thoả mãn nhu cầu không chỉ đơn thuần dựa trên cách tính toán bằng những công thức toán học. Cần phải thu thập số liệu, phân tích và dự báo, nhưng mặt khác, cần phải có trình độ nhận thức cảm tính nhanh chóng (nhạy cảm). Cụ thể là người tổ chức các hoạt động văn hoá phải có sự đồng cảm nhanh chóng với sự xuất hiện và sự phát triển các nhu cầu trong công chúng, phải biết suy nghĩ về nó trên cơ sở một quan điểm tình cảm : tôn trọng đối tượng, tôn trọng con người, tổ chức thoả mãn nhu cầu văn hoá của công chúng là đem lại nguồn vui cao đẹp cho mọi người. Có như vậy mới có thể thực hiện chức năng giáo dục của hoạt động văn hoá một cách có hiệu lực nhất và nhiều khoái cảm nhất, làm cho người được giáo dục chỉ thấy “được” một cách vui vẻ, hào hứng mà không cảm thấy bị sai khiến, bị áp đặt, v.v…
Một điểm nữa là chúng ta nên tạo điều kiện để nhân dân phát huy tính tích cực của họ bằng các loại hoạt động văn hoá tự nguyện. Các loại hoạt động này vừa tạo điều kiện cho nhân dân bộc lộ nhu cầu, lại vừa dùng sức mạnh tổng hợp của nhân dân để thảo mãn nhu cầu. Hình thức này đã được các phường, các quận, các nhà văn hoá ở thành phố Hồ Chí Minh làm rất tốt, rất sáng tạo : đó là những câu lạc bộ sở thích. Sở dĩ các đồng chí đó làm được như vậy là do đã “bắt mạch” được nhu cầu của quần chúng, quần chúng cần gì, nếu xét thấy hợp lý là lập nên câu lạc bộ sở thích đó ngay và những câu lạc bộ sở thích đó thu hút rất nhiều người tham gia với sự nhiệt tình và tích cực.
Trên đây là mấy vấn đề xung quanh nhu cầu văn hoá, chủ yếu là những quan niệm, nhiệm vụ và phương thức tổ chức để thảo mãn nhu cầu. Tuy nhiên, ở đây chỉ mới nêu ra những vấn đề chung có tính nguyên lý, chưa đề cập nhiều đến những vấn đề cụ thể. Chúng ta sẽ có dịp tiếp tục nghiên cứu vấn đề này kỹ hơn ở các chuyên đề cụ thể.
III. Mấy vấn đề về thị hiếu nghệ thuật
Khi nói đến thị hiếu nghệ thuật không thể không đề cập đến thị hiếu thẩm mỹ. Tuy nhiên, ở đây chúng ta chưa bàn toàn bộ vấn đề của thị hiếu thẩm mỹ mà chỉ mới hạn chế vào việc xem xét thị hiếu nghệ thuật, tức là mới chỉ nghiên cứu thái độ thẩm mỹ của người thưởng thức nghệ thuật đối với các môn nghệ thuật.
Vậy thị hiếu là gì ?
Về vấn đề này đã có nhiều ý kiến, nhiều cách phát biểu khác nhau, nhưng theo chúng tôi, có thể hiểu nó một cách đơn giản như sau : Thị hiếu là một kiểu ưa thích nào đó. Như vậy, thị hiếu không đồng nhất với sở thích mà là một kiểu ưa thích. Từ “kiểu” ở đây – theo chúng tôi – đã chỉ rõ thêm cái hướng của sự ưa thích, nó biểu thị khả năng đánh giá, xúc động và cảm nhận theo một lý tưởng thẩm mỹ nào đó.
Những khả năng đánh giá, xúc động và cảm nhận của chủ thể bao giờ cũng bộc lộ đồng thời trước một đối tượng thẩm mỹ và tạo ra một sự ưa thích ngay lập tức, theo một kiểu nào đó. Ví dụ : khi gặp một bức tranh chẳng hạn, thị hiếu (tức là kiểu ưa thích) của ta lập tức xuất hiện ngay, ta thấy ngay trạng thái khoái cảm hay khó chịu, chối bỏ, …
Tóm lại, có thể hiểu thị hiếu là một kiểu ưa thích nào đó, kiểu ưa thích này thường bộc lộ ngay lập tức, nó biểu thị toàn bộ khả năng đánh giá, cảm xúc của chủ thể. Thị hiếu biểu thị tâm hồn, đạo đức và trình độ nhận thức thẩm mỹ và nó cũng biểu thị lý tưởng thẩm mỹ của người thưởng thức.
Về mặt lý luận, chúng ta cần tìm hiểu và xác định cho rõ mối tương quan giữa tính xã hội và tính cá nhân trong thị hiếu nghệ thuật.
Thị hiếu nghệ thuật vừa có tính xã hội, vừa có tính cá nhân, không thể quên một mặt nào. Không thể quan niệm được rằng trong một tập thể nào đó hay một xã hội, chỉ có một kiểu ưa thích, ai cũng giống hệt như nhau. (Và nếu có thực như vậy thì ta có một tập thể hoặc một xã hội mà đời sống tinh thần đơn điệu và buồn chán vô cùng). Nhưng cũng có thể quan niệm thị hiếu chỉ là vấn đề của cá nhân, là “nhân tâm tuỳ thích” không cần bàn và mọi người đều phải chấp nhận tất cả mọi kiểu ưa thích của mỗi người.
Thị hiếu là biểu hiện một trình độ tinh thần gồm cả chính trị, tư tưởng, đạo đức, tình cảm, thẩm mỹ, tâm lý. Trình độ đó, trước hết phải là trình độ xã hội, trình độ của một xã hội, nó phải có những cái chung của xã hội. Nhưng cái chung lại bao hàm những cái riêng. Xã hội bao gồm các cá nhân, các cá nhân lại có hàng loạt yếu tố khác nhau : điều kiện tâm sinh lý, lứa tuổi, môi trường sống, thể lực, trình độ học vấn, điều kiện quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, tính tình và hàng loạt những quan niệm nhận thức khác nhau trong mỗi lĩnh vực và giữa các lĩnh vực.
Thị hiếu thẩm mỹ và thị hiếu nghệ thuật tồn tại luôn luôn ở hai mặt hay hai cấp : xã hội và cá nhân. Về mặt xã hội, thị hiếu nghệ thuật biểu hiện trình độ tinh thần của xã hội, nó là biểu hiện của lý tưởng thẩm mỹ, đạo đức, đồng thời là biểu hiện của lý tưởng xã hội. Xã hội xã hội chủ nghĩa nhất thiết không thể chấp nhận và kiên quyết ngăn ngừa, bài trừ những loại thị hiếu nghệ thuật biểu hiện lý tưởng của giai cấp bóc lột.
Xã hội xã hội chủ nghĩa chấp nhận mọi giá trị văn hoá tiến bộ chống lại các tư tưởng phản động nói trên, đặc biệt đề cao lý tưởng tôn trọng con người, tôn trọng lao động, tôn trọng tập thể.
Đó là một điều có tính nguyên tắc.
Nhưng thị hiếu nghệ thuật đồng thời là vấn đề của từng cá nhân với tất cả tính phong phú, đa dạng của nó trong phương hướng chính trị chung. Sự phong phú đa dạng này xuất hiện cả trong sáng tác và trong thưởng thức. Nguyên lý chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tinh thần các Nghị quyết của Đảng ta đều thừa nhận và khuyến khích sự phong phú này. Bởi đó là quy luật của sự sáng tạo và quy luật của nghệ thuật.
Trong xử sự hàng ngày, nhiều người hay mắc thái độ chủ quan đối với vấn đề này. Mỗi người đều có quyền có thị hiếu cá nhân của mình và vì vậy cũng phải có trách nhiệm tôn trọng thị hiếu cá nhân của người khác. Mỗi người công dân trong xã hội xã hội chủ nghĩa đều phải biết bảo vệ những nguyên tắc xã hội của thị hiếu và biết chấp nhận sự phong phú của thị hiếu. Những người lãnh đạo vừa có tư cách người lãnh đạo vừa có phần có thị hiếu cá nhân của mình.
Không ai áp đặt thị hiếu cá nhân cho công chúng và đòi hỏi mọi người phải tuân theo thị hiếu của mình. Người lãnh đạo lại càng phải như thế. Nhưng không ai được nhân danh thị hiếu cá nhân để truyền bá loại thị hiếu của những lý tưởng phản động.
Cái mối quan hệ giữa các mặt này hết sức phức tạp và linh hoạt, nó có sự chuyển hoá hết sức nhạy bén. Bởi vì những người lãnh đạo chính vì nhờ trách nhiệm của mình trong cuộc sống mà thị hiếu được bồi dưỡng rèn luyện tốt hơn. Nhưng không vì vậy mà mọi thị hiếu của người lãnh đạo trở thành mẫu mực được cả vì không phải cứ lãnh đạo tốt thì sáng tác nghệ thuật và thưởng thức nghệ thuật đều tốt cả.
Cho nên về vấn đề này, yêu cầu chung là mọi người đều cần phải nhận thấy có vấn đề tính xã hội và tính cá nhân của thị hiếu nghệ thuật, có mối quan hệ giữa hai mặt đó. Và đó là một tồn tại khách quan của một hiện tượng xã hội.
Về mặt thực tiễn, vấn đề làm chúng ta quan tâm nhất là thế nào là thị hiếu lành mạnh hay không lành mạnh, thế nào là thị hiếu “rẻ tiền” hay “đắt tiền”, thế nào là thị hiếu thấp hay thị hiếu cao ? …
Trên thực tế, chúng ta thường gặp những hiện tượng này, nhưng chưa lý giải chúng được một cách rành rọt. Sở dĩ như vậy vì chúng ta chưa tìm ra được những dấu hiệu, những tiêu chí cụ thể để phân biệt điều đó.
Chúng tôi cho rằng ở thị hiếu nghệ thuật có hai loại vấn đề :
- Vấn đề thị hiếu thấp và thị hiếu cao,
- Vấn đề thị hiếu không lành mạnh và thị hiếu lành mạnh.
1. Trước hết chúng ta cần phải phân biệt thị hiếu thấp (hay thị hiếu kém phát triển) và thị hiếu cao (hay thị hiếu phát triển).
Thị hiếu thấp là loại thị hiếu thô kệch, do chưa được nâng cao trình độ thẩm mỹ, chưa biết phân biệt cái nào là đẹp thật, cái nào là không đẹp. Vì thế ở những người mà thị hiếu thấp thường thích những cái không đẹp, vì tưởng rằng nó đẹp (nhưng cái ấy đối với những người có thị hiếu cao hơn lại thấy nó lố bịch và nó buồn cười, nó cầu kỳ).
Xin lấy một ví dụ : Ở nông thôn chúng ta, nhất là ở miền Bắc, nông dân xây nhà rất nhiều. Tuy nhiên kiểu nhà của họ chỉ loanh quanh trong một hai kiểu, thêm nữa là họ hay vẽ rồng, phượng, chim bồ câu, thậm chí cả ký hiệu Ô-lem-píc lên đầu nhà, màu sắc thì loè loẹt, v.v… - tiền nhiều, gạch ngói nhiều nhưng nhà cứ được xây kiểu như vậy, rất đáng tiếc.
Như vậy, có thể gọi thị hiếu thấp là thị hiếu của những người chưa được tiếp xúc nhiều với cái đẹp thực sự, vì thế, nó thô sơ, kệch cỡm.
Ngược lại, thị hiếu cao (hay thị hiếu phát triển) là thị hiếu của người đã có học vấn, có trình độ kiến thức cao, tiếp xúc với cái đẹp thực sự được nhiều. Ở những người này, thị hiếu tinh tế hơn, sâu sắc hơn (nhất là ở những người được giáo dục thẩm mỹ). Thị hiếu cao hay thấp phụ thuộc vào trình độ kiến thức, trong đó kiến thức về ngôn ngữ các loại hình nghệ thuật là yếu tố rất quan trọng. Bởi vì, nếu thưởng thức nghệ thuật mà không hiểu ngôn ngữ nghệ thuật thì không biết thưởng thức.
Muốn hiểu được ngôn ngữ nghệ thuật thì ngoài việc được giảng, được giới thiệu và phân tích ra, nhất thiết phải tiếp xúc nhiều với thứ ngôn ngữ nghệ thuật ấy. Ví dụ : Nếu một người nào đó mà ít tiếp xúc với tuồng thì dù có được nghe giảng về tuồng bao nhiêu buổi đi chăng nữa, anh ta cũng không thể thấy thích thú được.
Một ví dụ khác : Nhiều người chưa hề được nghe giảng một buổi nào về nghệ thuật chèo, nhưng họ rất thích và rất hiểu chèo. Sở dĩ như vậy là người ta được xem nhiều lần từ ngày còn bé, những làn điệu, âm sắc của nhạc chèo, những điệu bộ uyển chuyển, màu sắc duyên dáng của sân khấu chèo đã tự nhiên thấm vào người họ, tạo thành một sự thích thú lúc nào không biết.
Thị hiếu còn phụ thuộc vào trình độ chính trị - tư tưởng. Bởi vì trình độ chính trị - tư tưởng chính là sự biểu thị lý tưởng xã hội, mà lý tưởng xã hội lại chi phối lý tưởng thẩm mỹ. (Nếu người nào đó cho rằng lý tưởng chính trị này tốt đẹp thì người đó sẽ có một lý tưởng thẩm mỹ phù hợp với lý tưởng chính trị ấy). Nó phụ thuộc vào kinh nghiệm sống, tuổi đời, vào sự phát triển tâm sinh lý của con người, nó phụ thuộc vào tần số tiếp xúc với nghệ thuật, và cuối cùng, phụ thuộc vào sự trong sáng tâm hồn của chủ thể. Bởi vì một hiện tượng thẩm mỹ trong sáng có thể sẽ trở thành vẩn đục bởi những chủ thể mà tâm hồn của họ không trong sáng.
Chúng ta vẫn thường gặp phải những hiện tượng như vậy. Ví dụ : một cảnh tượng hay trên sân khấu biểu thị một tình yêu rất trong sáng nhưng những người xem mà tâm hồn không trong sáng sẽ lập tức thấy ở những cảnh tượng ấy sự khêu gợi những cái thú tính ở con người.
Trong tất cả những yếu tố trên, trình độ học vấn, trình độ kiến thức có ý nghĩa quyết định và trình độ chính trị - tư tưởng có ý nghĩa cơ sở. Trên thực tế thì có nhiều đồng chí có trình độ chính trị kiên định, nhưng nếu không có trình độ học vấn và không có kiến thức về ngôn ngữ nghệ thuật thì cũng không thể có thị hiếu cao, phát triển mà thường là bị rơi vào loại thị hiếu hơi thô thiển.
Khi nói có vấn đề thị hiếu cao và thị hiếu thấp không có nghĩa là chúng ta đặt vấn đề bài trừ thị hiếu thấp, mà còn phải nâng cao thị hiếu ấy lên. Nhiều lúc, nhiều nơi đối với thị hiếu thấp này, cũng có nhiều khía cạnh mà chúng ta phải đáp ứng. Nếu chúng ta không chiếu cố đến loại thị hiếu này thì chúng ta sẽ xa rời công chúng, mất công chúng. Về vấn đề này xin dẫn chứng một câu của Lê-nin nói với Lu-na-sa-xki về tình hình điện ảnh sau Cách mạng tháng 10, đại khái là: công tác điện ảnh của các đồng chí phải tập trung và chủ yếu là làm và chiếu phim thời sự, tài liệu nhưng trong mỗi buổi chiếu, tôi không phản đối các đồng chí có thể chiếu những phim tầm thường để thu hút khán giả.
Tư tưởng này của Lê-nin rất tuyệt vời. Một mặt, ông yêu cầu phải nâng cao, phải giáo dục khán giả ; mặt khác, ông lại rất quan tâm tới một tình hình, một tình trạng xã hội là đa số công nhân chưa có học vấn, chưa được giáo dục thẩm mỹ, chưa được bồi dưỡng thị hiếu theo lý tưởng thẩm mỹ xã hội chủ nghĩa. Vì thế Lê-nin cho phép chiếu những phim tầm thường. (Tầm thường ở đây có nghĩa là nó không đạt được mục đích giáo dục và có khi nó cũng không có trình độ thẩm mỹ cao, … nhưng là những phim mà người dân quen xem, thích xem).
Như vậy, trong vấn đề thị hiếu cao và thị hiếu thấp thì chúng ta không thể và không nên bài bác thứ thị hiếu thấp. Vấn đề ở chỗ chúng ta làm thế nào để nâng cao loại thị hiếu thấp ấy.
2. Nhưng, thị hiếu lành mạnh và thị hiếu không lành mạnh thì lại là một vấn đề khác.
Thị hiếu không lành mạnh có loại ở mức cao là thị hiếu độc hại, ở mức thấp là thị hiếu xấu.
Sở dĩ có sự phân biệt như vậy là vì có tác phẩm nghệ thuật xuất phát từ thị hiếu độc hại, tức là xuất phát từ những âm mưu chính trị độc hại, nó có thể mang sự độc hại đến ngay lập tức cho khán giả. Thế nhưng, cũng có những tác phẩm xuất phát từ thị hiếu xấu, nhưng tác hại của nó khó nhận thấy hơn, nó bị chen lẫn với yếu tố nghệ thuật thực sự, … nó cũng thuộc về loại không lành mạnh.
Loại thị hiếu không lành mạnh (độc hại và xấu) này tác động xấu đến sự phát triển tinh thần của con người.
Ở đây, khi chúng ta nói đến thị hiếu không lành mạnh là nói tới thị hiếu của người sáng tạo và của công chúng (chứ không phải chỉ nói tới thị hiếu của công chúng).
Khi bàn về thị hiếu không lành mạnh này thì lại có thể nói rằng : chủ yếu là nói đến vai trò của những người sáng tạo. Bởi vì những người sáng tạo, những người sản xuất mà thị hiếu không lành mạnh thì sẽ sản xuất ra những tác phẩm nghệ thuật mang theo những thị hiếu không lành mạnh ấy và chính những tác phẩm ấy sẽ đầu độc thị hiếu của công chúng. Rõ ràng là sở dĩ trong công chúng xuất hiện thị hiếu không lành mạnh là do xã hội đã xuất hiện và lưu hành những tác phẩm nghệ thuật không lành mạnh.
Ơ đây, chúng tôi thử đưa ra mấy dấu hiệu để chúng ta có thể phân biệt thị hiếu lành mạnh và thị hiếu không lành mạnh.
+ Dấu hiệu thứ nhất là những tác phẩm nghệ thuật nào, những thủ pháp nghệ thuật nào (vì nhiều trường hợp, tác phẩm nói chung thì tốt hoặc là lành mạnh nhưng lại có những thủ pháp không lành mạnh vì lý do này hoặc lý do khác) có tác dụng khơi động bản năng sinh vật, nói rõ hơn là bản năng thú vật trong con người thì chúng là những tác phẩm, những thủ pháp “không lành mạnh”. Những tác phẩm này, những thủ pháp nghệ thuật này có khi thô tục, thoả mãn nhu cầu sinh vật và kích động những bản năng thú tính của con người như khiêu dâm, như kích tính tàn bạo trong con người, … đó là những dấu hiệu của sự không lành mạnh.
Ngược lại những tác phẩm nghệ thuật, những thủ pháp nghệ thuật nhằm hướng con người tới chỗ cao đẹp, nó bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn và nhân cách của con người (hướng tất cả những cái đó tới chỗ cao đẹp) là những tác phẩm xuất phát từ những thị hiếu lành mạnh.
Có thể lấy ví dụ ở những tác phẩm nổi tiếng thế giới về hội hoạ và điêu khắc : Mặc dù đó là những tranh, tượng khoả thân, nhưng người ta không thấy ở đó sự khiêu dâm, mà trái lại, người ta tìm thấy ở đó những khoái cảm thẩm mỹ, những tình cảm cao thượng.
Nghệ thuật balê cũng vậy, có thể nói rằng đi xem balê chúng ta như được lên thiên đường. Bởi vì người xem được sống trong cái không khí tràn ngập những âm thanh, đường nét, màu sắc tuyệt vời và những con người - những tài năng tuyệt vời thể hiện những khả năng phi thường của cơ thể con người. Khi đoàn balê Cu Ba biểu diễn ở Hà Nội, tôi đã tận mắt chứng kiến sự thán phục của một số người già ít tiếp xúc (và có thể là chưa bao giờ tiếp xúc) với nghệ thuật balê. Điều này là gì ? Nếu không phải là sức mạnh giá trị chân chính của tác phẩm nghệ thuật.
Như vậy, khi trình độ, chất lượng nghệ thuật của tác phẩm đã cao đến mức có sức mạnh chinh phục con người thì nó tạo nên một thị hiếu cao đẹp trong khán giả. Sở dĩ như vậy là do bản thân tác phẩm nghệ thuật ấy xuất phát từ một thứ thị hiếu rất cao, rất lành mạnh (chứ không phải là nó xuất phát từ những thị hiếu rẻ tiền).
+ Dấu hiệu thứ hai là căn cứ vào những tiêu chuẩn chính trị, đạo đức. Quan điểm chính trị, đạo đức xã hội chủ nghĩa hay phi xã hội chủ nghĩa sẽ quy định lý tưởng thẩm mỹ của chủ thể.
Giá trị, đạo đức xã hội chủ nghĩa của chúng ta là độc lập dân tộc, hoà bình, dân chủ, là lao động, tập thể, … Đó là những cái mà chúng ta coi là cao đẹp, cao cả, là thiêng liêng, là lý tưởng và những cái gì phù hợp, đề cao những giá trị này thì được coi là cái đẹp.
Ngược lại, có những tiêu chuẩn chính trị, đạo đức phi vô sản, ca ngợi ăn bám và phi lao động, nó theo lối sống buông thả, không mục đích, không lý tưởng, tôn sùng lòng ích kỷ cực đoan, ích kỷ hại người, nó tôn sùng bạo lực, kích động xung đột và chiến tranh, chống độc lập dân tộc và ca ngợi nô dịch, … Tất cả những tiêu chuẩn chính trị, đạo đức này đã đẻ ra lý tưởng thẩm mỹ phản động là : những kẻ ăn bám thì đẹp (những kẻ nô dịch và chỉ biết sai phái kẻ khác là đẹp), những kẻ nhờ bóc lột mà có những tài sản lộng lẫy là đẹp, …
Rõ ràng là có sự ngược nhau của hai lý tưởng thẩm mỹ này (do có sự ngược nhau về quan điểm chính trị - đạo đức) đây cũng chính là tiêu chuẩn để đánh giá giá trị của tác phẩm nghệ thuật và nó cũng là dấu hiệu để chúng ta phân biệt tác phẩm nào thuộc về thị hiếu lành mạnh và tác phẩm nào thuộc về thị hiếu không lành mạnh.
+ Dấu hiệu thứ ba là dấu hiệu dựa trên cơ sở tính truyền thống, tính dân tộc.
Những tác phẩm nào biểu hiện, củng cố và phát triển bản sắc của dân tộc thì lành mạnh. Ngược lại, những tác phẩm, những thủ pháp nghệ thuật phủ nhận, phá vỡ các giá trị truyền thống của dân tộc là không lành mạnh.
Tuy nhiên, hiện nay truyền thống dân tộc đang còn là vấn đề hết sức phức tạp. Chúng ta đang đứng trước một thực tế là chúng ta đang tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, tức là phải thực hiện một sự thay đổi triệt để, toàn diện, sâu sắc, từ gốc đến ngọn ; thế nhưng chúng ta lại phải lưu trữ, củng cố và phát triển truyền thống dân tộc. Chính do vấn đề tưởng như là mâu thuẫn này mà đã có ý kiến cho rằng : Đã thay đổi từ gốc đến ngọn, toàn diện và sâu sắc, lại còn cố giữ truyền thống dân tộc thì làm sao mà thay đổi được ? Và muốn thay đổi như vậy thì phải phủ nhận triệt để truyền thống dân tộc.
Nhưng truyền thống dân tộc lại là một vấn đề mà không ai có thể phủ nhận được, điều này rất rõ, chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội là xây dựng chủ nghĩa xã hội cho dân tộc Việt Nam, mà dân tộc Việt Nam tồn tại và phát triển có sự liên tục của nó không thể nào cắt đoạn được. Chúng ta phải thực hiện sự liên tục lịch sử của dân tộc mình, bằng cách giữ gìn và phát huy một cái gì đấy, mà bây giờ chúng ta có thể gọi đó là bản sắc dân tộc Việt Nam (Bản sắc dân tộc là gì là một vấn đề rất lớn, chúng ta đang nghiên cứu tiếp tục để có thể chỉ ra một cách cụ thể hơn).
Trên đây là những dấu hiệu để chúng ta có thể phân biệt các loại thị hiếu và có thể có một số căn cứ để đánh giá một số hiện tượng nghệ thuật. Tuy nhiên đây là việc làm rất khó, trên thực tế không phải ai và không phải lúc nào chúng ta cũng có thể phân biệt hay đánh giá một cách dứt khoát : tác phẩm này là không lành mạnh - phải cấm, tác phẩm kia là lành mạnh – cho lưu hành, …
Ví dụ : Trong các tác phẩm điện ảnh, khi biểu thị tình yêu mà không có hôn nhau thì khán giả không chịu được (thậm chí còn tỏ thái độ phản đối), do đó phải có cảnh hôn nhau, âu yếm nhau, … Nhưng quả thật, có cảnh thì có gây cho người xem khoái cảm thẩm mỹ về tình yêu, nhưng cũng có cảnh lại tác động kích thích những cái không lành mạnh trong con người. Vậy thì đâu là ranh giới của hai hiệu quả này, tiêu chí nào, dấu hiệu nào có thể xác định ranh giới ấy ?
Trong con người bao giờ cũng tiềm ẩn những yếu tố thú tính và thủ pháp nghệ thuật phải như thế nào đó để không đánh thức những cái đó dậy, như vậy mới được gọi là lành mạnh. (Cũng có những trường hợp tác giả không có ý định đánh thức bản năng của người xem, nhưng do khán giả thiếu bản lĩnh, do không có tâm hồn trong sáng nên lại tự đánh thức những bản năng đó, điều này thì cũng khó đổ lỗi cho tác giả được).
Nói tóm lại, đây là vấn đề hết sức khó khăn, chúng ta khó có thể đưa ra những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể để phân biệt, đánh giá tác phẩm nghệ thuật một cách dứt khoát, rành mạch. Tuy nhiên, dấu hiệu đã đưa ra ở trên chí ít có thể chỉ ra cho chúng ta một phương hướng để phân biệt và đánh giá.
Đương nhiên, cách nhận định, đánh giá phải dựa trên cơ sở am hiểu nguyên lý mỹ học Mác – Lê-nin và kiến thức về các ngôn ngữ nghệ thuật. Nói cách khác, người đánh giá phải là người có những cơ sở ấy. Bởi vì, nếu không hiểu ngôn ngữ nghệ thuật thì làm sao lại có thể đánh giá nghệ thuật được.
Tôi lại lấy lại ví dụ về nghệ thuật balê : Trong múa balê, những động tác của thân thể con người chính là phương tiện biểu hiện, đó chính là ngôn ngữ của balê. Nếu người xem không có kiến thức về nó mà lại góp ý rằng không được hở đùi, hở vai, … thì nghệ thuật balê sẽ không còn phương tiện để biểu hiện …
Vì thế, người đánh giá cần phải đánh giá tác phẩm nghệ thuật trên cơ sở hiểu biết về ngôn ngữ nghệ thuật ấy, cần tránh lối đánh giá suy luận, vũ đoán. Trên thực tế, không ít người có cái lối đánh giá vũ đoán và “bao cấp” ấy, nghĩa là từ một người có thẩm quyền nào đó đánh giá một tác phẩm hay một thủ pháp nghệ thuật một cách vũ đoán, rồi sau đó không ai dám nói khác đi nữa, …
Đến đây tôi lại nhớ đến một câu của đồng chí E. Sê-vác-nát-de (hiện là Ủy viên Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, trước đây là Bí thư thứ nhất Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Gru-di-a) đại ý là : tôi là Bí thư thứ nhất nhưng tôi cũng là một khán giả, thính giả bình thường. Cho nên mỗi khi thưởng thức nghệ thuật thì tôi phát biểu ý kiến rất dè dặt, … Sở dĩ đồng chí phát biểu như vậy là do nhiều khi đồng chí ấy phát biểu với tư cách là một khán giả bình thường thì mọi người lại tưởng rằng đó là chỉ thị của đồng chí Bí thư thứ nhất. (Trong cuộc sống phải có chỗ phân biệt là mỗi đồng chí lãnh đạo cũng là một khán giả bình thường, như thế tức là đồng chí đó có cách thưởng thức của mình và người khác có cách thưởng thức theo kiểu khác và rất có thể cả hai cách cùng là một thị hiếu lành mạnh cả. Trong thực tế lại còn những trường hợp có người chỉ biết là lấy thị hiếu của các đồng chí lãnh đạo để buộc tất cả người khác theo thị hiếu ấy).
Hiện nay, các cán bộ quản lý văn hoá và các nghệ sĩ sáng tạo cần phải trau dồi và nâng cao hơn nữa thị hiếu nghệ thuật của mình. Bởi vì chính họ đã tạo ra tác phẩm chọn lọc để phổ biến tác phẩm cho công chúng, và tạo thị hiếu cho công chúng. Cho nên (ít nhất là giai đoạn hiện nay) trong mối quan hệ giữa nghệ sĩ - nghệ thuật – công chúng thì phải nhấn mạnh cái vế “nghệ thuật nào công chúng ấy”, cố nhiên cho đến một chừng mực nào đó, một giai đoạn nào đó, thì cái vế “công chúng nào nghệ thuật ấy” mới có thể có sự cân bằng trở lại.
Như vậy, trong quan hệ giữa thị hiếu của người sáng tạo và thị hiếu của công chúng, chúng ta nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người sáng tạo. Nghệ thuật là cái gì đó có sức thu hút, chinh phục người ta, chứ không phải là một sự áp đặt, cưỡng bức. Không thể bắt công chúng thưởng thức cái mà họ không thích. Nhưng nếu chỉ chạy theo thị hiếu của công chúng, chỉ nhấn mạnh một chiều rằng “công chúng sẽ bỏ phiếu bằng đôi chân” thì cũng không thoả đáng. Ở chỗ này, chúng ta phải cân nhắc mối quan hệ này một cách rất cẩn thận : cân nhắc trên cơ sở tư tưởng chỉ đạo là đề cao vai trò, trách nhiệm của người quản lý về sáng tác. Về vấn đề này cần quan tâm một cách nghiêm túc ý kiến của Lê-nin : “Anh phải thực hiện vai trò giáo dục của anh, nhưng anh phải thấu hiểu thị hiếu của công chúng và đáp ứng thị hiếu đó, để thực hiện sự giáo dục chứ không phải đáp ứng để phát triển thứ thị hiếu thấp, không lành mạnh”.
Cũng như đối với nhu cầu văn hoá, thị hiếu nào cũng cần được đáp ứng nhưng đáp ứng bằng những tác phẩm có thị hiếu cao, lành mạnh để hạn chế, đẩy lùi, triệt tiêu thị hiếu không lành mạnh.
Ta có thể lấy một ví dụ chung quanh vấn đề nhạc nhẹ : Trong nhạc nhẹ có thị hiếu lành mạnh và thị hiếu không lành mạnh (chứ không phải cứ nhạc nhẹ là không lành mạnh). Nhạc nhẹ là một nhu cầu của thanh niên, nếu ta thoả mãn nhu cầu này bằng cách đáp ứng thị hiếu một cách cẩu thả thì rất dễ dẫn đến những nguy cơ xã hội không tốt. Nhưng nếu chúng ta đáp ứng nhu cầu này bằng cách đáp ứng thị hiếu bằng những tác phẩm nhạc nhẹ có trình độ thẩm mỹ cao thì thu hút được thanh niên lại vừa hạn chế, triệt tiêu được thị hiếu không lành mạnh trong họ.
Điều quan trọng quyết định đến thị hiếu của công chúng là chất lượng của tác phẩm nghệ thuật. Nếu chúng ta có những tác phẩm nghệ thuật có trình độ nghệ thuật cao, nhất định chúng ta có thể đưa thị hiếu của công chúng lên những trình độ cao. Ví dụ : Thanh niên hiện nay rất ít đi xem chèo ở các rạp hát. Thế nhưng những trích đoạn nổi tiếng của chèo mà lại do các diễn viên nổi tiếng đóng thì thanh niên lại công nhận là rất hay và thích thú, v.v…
Thoả mãn thị hiếu là một việc làm hết sức phức tạp và tế nhị. Chúng ta phải đứng trên nguyên tắc thoả mãn, đáp ứng là đồng thời, là thống nhất với nâng cao.
Thị hiếu nào cũng cần phải được đáp ứng, dù thị hiếu thấp, thậm chí nhiều khi là những thị hiếu tầm thường, tuy nhiên, không phải đáp ứng để thoả mãn các thị hiếu đó mà đáp ứng là để nâng cao thị hiếu của công chúng lên.
Đẩy lùi và triệt tiêu những thị hiếu xấu và không lành mạnh bằng trình độ nghệ thuật cao của các tác phẩm nghệ thuật là trách nhiệm lớn lao của những nghệ sĩ sáng tạo và những người quản lý văn hoá.
Để nâng cao thị hiếu nghệ thuật của công chúng, một phương hướng quan trọng cần chú ý là khêu gợi, khuyến khích tính chủ động trong thưởng thức nghệ thuật của công chúng, khắc phục tính thụ động. Thông thường nhiều người quan niệm thưởng thức nghệ thuật chỉ là để giải trí, nên tìm đến nghệ thuật với một thái độ chờ đợi, thụ động : tác phẩm, buổi diễn xuất hiện thế nào thì biết thế, rồi tất cả qua đi một cách dễ dàng và đơn giản. Do thái độ thưởng thức như vậy, người thưởng thức không huy động ý thức để chủ động tìm hiểu và phân tích mọi mặt tác phẩm như nội dung tư tưởng, ý định tác giả như thế nào. Nếu vai trò của ý thức được nâng cao, người thưởng thức có nhiều năng lực tiếp thu trong thưởng thức thì thu được nhiều hiệu quả hơn. Ngược lại, còn người thưởng thức một cách thụ động, nhưng bản năng không được đánh thức dậy, thì tạo nên một sự thưởng thức ít hiệu quả và nhiều khi có tác hại. Người thưởng thức có ý thức chủ động để gặp gỡ những điều cao đẹp mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm, phát huy mạnh mẽ được tác dụng tích cực của tác phẩm, thúc đẩy sự phát triển ý thức của con người và do đó nâng cao phát triển thị hiếu lành mạnh cao đẹp của con người. Đấy thực sự cũng là một nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở tổ chức hoạt động văn hoá.
IV. Thử bàn về một số vấn đề thời sự của thị hiếu nghệ thuật
Đây là những vấn đề cụ thể, thực tiễn rất phức tạp và khó bàn, nhưng cũng xin thử nêu một số ý kiến.
1) Vấn đề thứ nhất là những vấn đề xung quanh sân khấu cải lương, tuồng, chèo.
- Về cải lương : Muốn hay không, chúng ta cũng đang đứng trước thực trạng là cải lương đang tồn tại và nó đang có một sức sống. Không những ở miền Nam mà cả ở miền Bắc, ở một số tỉnh miền Bắc như Hà Nam Ninh, Thái Bình là đất gốc chèo, nhưng cải lương vẫn ăn khách hơn và các đoàn cải lương doanh thu vẫn cao hơn các đoàn chèo. Chúng ta không thể phủ nhận hay bài bác nghệ thuật này. Tuy cũng cần phải nghiên cứu để có thể đánh giá chính xác giá trị nghệ thuật của nó, việc làm này xin dành cho các nhà nghiên cứu sân khấu tiếp tục, ở đây chúng ta không bàn kỹ vấn đề này.
Điều quan trọng ở đây là nhất thiết không nên để có tình trạng độc tôn của cải lương dù là ở tỉnh nào, địa phương nào. Nói cách khác là để tránh tình trạng ở một địa phương nào đó chỉ phát triển nghệ thuật cải lương, nhân dân chỉ biết có cải lương chứ không biết có cái gì khác. Không những đối với cải lương mà đối với các loại hình nghệ thuật khác cũng vậy, không nên để phát triển một cách độc tôn. Cần phát triển nhiều loại hình khác để chúng ta có thể xây dựng được thị hiếu phong phú hơn và tạo ra những nhu cầu mới cho công chúng.
Điểm thứ hai đối với cải lương là rất cần phải phê phán những thủ pháp nghệ thuật có thể nuôi dưỡng những thị hiếu không lành mạnh trong công chúng. Trong thời gian vừa qua, chúng ta cũng có những tác phẩm cải lương rất có giá trị, nhưng cũng có không ít những vở do thêm thắt những thủ pháp rẻ tiền nên trở thành những tác phẩm rẻ tiền.
Những thủ pháp rẻ tiền ở đây chủ yếu là những thủ pháp gây cười rẻ tiền ; nó không cần thiết cho nội dung, làm loãng và làm lệch nội dung. Nếu chúng ta không phê phán, không uốn nắn cái này thì nó sẽ phát triển không tốt và nó tạo cho công chúng một thị hiếu có thể nói là không lành mạnh ; người ta cười bất cứ giá nào, thậm chí ngay cái đáng buồn cười thì nó cũng trở nên lệch lạc, thô kệch.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên lưu ý tới khuynh hướng chạy theo những kỹ xảo biểu diễn, cần chống những thị hiếu tôn thờ những kỹ xảo biểu diễn này.
Nói tóm lại, ở cải lương thì chúng ta nên tập trung chủ yếu vào việc khắc phục những hiện tượng có thủ pháp rẻ tiền, có như vậy thì nghệ thuật cải lương của chúng ta mới không bị hạ thấp.
- Về tuồng, chèo : Thực ra hai thể loại nghệ thuật này đang đứng trước tình hình rất khó khăn, những ý kiến dự đoán rằng chúng sẽ chết. Nhưng chúng tôi tin rằng, chúng không chết và ngược lại sẽ sống mãi, nếu chúng ta biết giải quyết một số vấn đề về tuồng, chèo cho nó đúng đắn.
Hiện nay, đối với tuồng, chèo phải lưu ý đến hai vấn đề quan trọng sau :
- Phải có chính sách để bảo đảm các tác phẩm cổ điển. Ở đây, bảo tồn có nghĩa là chúng ta phải trau chuốt nó, chăm chút đến nó và nâng nó lên trình độ nghệ thuật cao, cao đến mức kỳ diệu. Nếu làm được như vậy thì tự nó, nó sẽ chinh phục được mọi người.
Có một thực tế là các nhà hát không muốn diễn các tác phẩm tuồng, chèo cổ điển vì nó không có khách, như thế trang phục, đạo cụ của vở diễn cũng bị mòn hỏng và điều chủ yếu là diễn viên không được rèn luyện (tức là trình độ biểu diễn vở này ngày càng kém xa trình độ biểu diễn của các nghệ nhân trước đây). Như vậy là những tác phẩm nghệ thuật này ngày càng bị xuống cấp về mặt nghệ thuật, điều này cũng có nghĩa là chúng ta đã không bảo tồn được những giá trị nghệ thuật truyền thống này.
Do đó, muốn bảo tồn thì phải có chính sách cụ thể, nếu cứ buông thả cho các nhà hát thì không thể nào bảo tồn được. Cần phải làm cho các tác phẩm như “Quan âm Thị Kính” (chèo), “Sơn Hậu” (tuồng), v.v… mỗi khi trình diễn thì trình độ nghệ thuật của nó (kể cả âm nhạc, vũ đạo và diễn xuất) làm cho người xem phải mê mẩn, làm cho người xem bị chinh phục hoàn toàn. Làm được như vậy thì tuồng, chèo của chúng ta sẽ sống mãi. Vì trên thế giới cũng có những tác phẩm cổ điển mà người ta diễn đi diễn lại trong hàng trăm năm, nhưng càng ngày càng hay và càng thu hút khán giả. Đó là hòn ngọc quý của tài sản nghệ thuật thế giới. Chúng ta phải phấn đấu để tuồng, chèo trở thành như vậy, còn nếu cứ để cho các tác phẩm nghệ thuật của chúng ta bị xuống cấp thì đó là một mối nguy cơ.
- Vấn đề thứ hai là hiện nay tuồng, chèo đang cố tìm cách cải tiến để phù hợp với cuộc sống hiện đại. Quan sát các hoạt động của tuồng, chèo, ta nhận thấy có ba hướng tìm tòi và mỗi hướng đều có những thành công nhất định. Tuy nhiên đó cũng mới chỉ là những thành công bộ phận và không ổn định.
Hướng thứ nhất là lấy chuyện nước ngoài, nhiều mầu sắc lịch sử và dân gian, rồi dùng nghệ thuật tuồng, chèo để biểu diễn ; tuồng thì có “Ô-ten-lô”, “Ê-đíp làm vua”, chèo thì có “Vòng phấn Cáp-ka”, “Nàng Si-ta”, v.v… Quả thật trong những vở này có những đoạn, có những yếu tố có thể gây sự xúc động, làm cho người ta có khoái cảm thẩm mỹ, … Nhưng không thể là một hướng chủ đạo được, bởi vì không lẽ từ nay trở đi tuồng, chèo chỉ diễn tích nước ngoài thôi ? Vì vậy, làm theo hướng này, chúng ta mới chỉ đạt được thành công bộ phận, không ổn định, nó chưa giải quyết được vấn đề.
Hướng thứ hai là các thể loại này chỉ xoay quanh đề tài lịch sử (kể cả những sáng tác mới về đề tài lịch sử). Hướng này cũng có nhiều thành công, nhiều vở diễn được giải thưởng nhưng điều đó chỉ chứng tỏ rằng nghệ thuật tuồng, chèo chỉ thích hợp với thời đại xưa, chỉ thích hợp với những độ dài của giai đoạn lịch sử có những nhân vật như : vua, quan, tướng, v.v… chứ nó không có khả năng thể hiện đề tài hiện đại.
Hướng thứ ba là sáng tác những vở có nội dung cuộc sống mới, cuộc sống hiện đại. Ở những vở này, có sử dụng một số hình thức và một số “mảng”, “miếng” cũ. Việc sử dùng này có chỗ thích hợp, có chỗ thì không và dần dần nó cũng bị nghèo nàn đi. Ngay cả những vở không phải đề tài cuộc sống mới như “Tiếng trống Mê Linh” thì thật ra đoạn “Trưng Vương đề cờ” là dùng mảnh miếng của “Đào Tam Xuân loạn trào”. Vở “Cô gái Kinh Bắc” (đề tài lịch sử cận đại) thì lại dùng mảng miếng của Đổng Mẫu trong “Sơn Hậu”.
Những trường hợp như vậy ta thấy nó một cái gì lặp lại và đã là lặp lại thì còn gì là nghệ thuật nữa.
Thật ra, những hình thức, những mảng, miếng ở các vở tuồng cổ điển chỉ phù hợp với những nhân vật, những tình huống trong xã hội cổ, chứ nó khó phù hợp với những nhân vật, những tình huống hiện đại. Vì thế, hướng này khó thành công. Ở đây, tôi cho rằng phải làm sao tìm được bản chất phương pháp nghệ thuật của tuồng, chèo, nắm được quy luật sáng tạo của nó, rồi dùng phương pháp ấy, quy luật ấy để áp dụng sáng tạo những vở tuồng, chèo phản ánh cuộc sống mới. Ví dụ : trong tuồng, chèo, các nhân vật được khái quát rất thần tình : nữ thì có “nữ lệch”, “nữ chín”, nam thì có “kép xanh”, “kép đỏ”, “kép rừng”, “kép vần”, … vua thì có “minh quân”, “hôn quân”, tôi thì có người trung, kẻ nịnh, v.v… Mỗi nhân vật này đều được cách điệu hoá cao độ cả về hoá trang, trang phục, cử chỉ, động tác, … Vậy chúng ta phải làm sao khái quát được trong xã hội hiện nay có những nhân vật điển hình nào và mỗi nhân vật đấy thì trang phục điển hình là gì, đạo cụ, động tác, cử chỉ điển hình như thế nào ? Ví dụ : Phải khái quát hoá như thế nào để biểu hiện được những nhân vật mới của xã hội chúng ta như : ông tướng, ông bí thư, ông chủ tịch, ông chuyên viên, cô cán sự, cô giáo, người cán bộ khoa học, v.v…
Chúng ta có thể thấy trong tuồng “Đồ”, đã có được những thành công rõ rệt. Ở tuồng “Đồ” những nhân vật như thày bói, thày cúng, tri huyện, lý trưởng và cả những kẻ buôn bán là những nhân vật rất gần với nhân vật hiện đại, nhưng tuồng “Đồ” đã tìm được cho họ những cách điệu rất tuồng. Ví dụ như vở “Nghiêu, Sò, Ốc, Hến” là một vở rất hay về phương diện sáng tạo.
Trên đây là những suy nghĩ để chúng ta có thể tìm cách hiện đại hoá tuồng, chèo. Tuy nhiên đây là một việc làm phức tạp và lâu dài. Trước mắt, khi chúng ta chưa hiện đại hoá được như vậy thì cần phải chú trọng đến việc bảo tồn các tác phẩm tuồng, chèo cổ điển. Theo tôi đó cũng là cách phát triển tuồng, chèo chứ không nhất thiết chỉ có hiện đại hoá bằng cách thể hiện cho được cuộc sống hiện nay mới gọi là phát triển.
2) Vấn đề âm nhạc và múa :
- Trong âm nhạc, vấn đề mà nhiều người quan tâm và băn khoăn nhất là vấn đề nhạc nhẹ. Đã có thời kỳ có nhiều ý kiến phê phán, bài bác nhạc nhẹ, chúng tôi cho như thế là cực đoan.
Nhạc nhẹ là một thể loại trong toàn bộ các thể loại âm nhạc. Vì thế chúng ta phải coi nó là một sự cần thiết và không thể không có nó. Nhưng cũng như đối với cải lương, không nên để cho nó phát triển đến mức độc tôn (dù chỉ trong âm nhạc).
Chúng ta cần phải chú ý đến tính dân tộc của nhạc nhẹ là phải từ những giá trị âm nhạc cổ truyền của dân tộc mà phát triển lên. Không nên quá sùng bái nhạc nhẹ thế giới coi nhạc nhẹ thế giới là mẫu mực, là tất cả. Đó là một cực đoan và một sai lệch lớn, thực ra trong nền âm nhạc dân tộc của ta, không ít những tác phẩm mang chất nhạc nhẹ, vì thế chúng ta phải có trách nhiệm là cho nhạc nhẹ Việt Nam phát triển. Không nên cho rằng Việt Nam không có nhạc nhẹ, chỉ có nhạc nhẹ của thế giới mà thôi.
Hiện nay, có một số thanh niên say mê nhạc nhẹ thế giới nhưng rất mù quáng ; họ chạy theo nhạc nhẹ như chạy theo một thứ “mốt”, không cần biết hay dở đến mức nào, chỉ cần kiếm được băng nhạc của các ban nhạc nhẹ nổi tiếng và càng mới thì càng được coi là sành sỏi, … Chúng ta cần chống cái lối thưởng thức này bằng cách phát triển các thể loại âm nhạc khác : ca khúc, hợp xướng, nhạc cổ truyền, nhạc cổ điển, nhạc thính phòng, v.v… Có như thế, chúng ta mới tạo nên những nhu cầu về thị hiếu phong phú đối với các thể loại âm nhạc.
Một ý nữa là chúng ta nên phát triển việc diễn tấu các ban nhạc thế giới bằng nhạc cụ dân tộc và ngược lại là dùng nhạc cụ thế giới để diễn tấu các bản nhạc Việt Nam. Chúng ta không tán thành những ý kiến cực đoan cho rằng : đã là nhạc cụ dân tộc thì chỉ đánh các bản cổ điển của dân tộc thôi chứ nếu đánh các bản nhạc thế giới (nhất là nhạc nhẹ) thì sẽ lố bịch, không được ! … Trên thực tế, chúng ta đã từng nghe đàn bầu diễn tấu nhạc thế giới rất hay, rất được ca ngợi. Vì thế, không nên quan niệm rằng một bản nhạc Việt Nam mà lại diễn tấu bằng pianô là “lai căng” ! Rõ ràng vấn đề không phải là đánh bằng nhạc cụ gì, mà là ở chỗ giai điệu, tiết tấu, tâm hồn, tình cảm của tác phẩm và trình độ sử dụng nhạc cụ như thế nào.
- Về nhảy múa : chúng tôi đề nghị phải gọi là nhảy múa chứ nếu chỉ dùng “nhảy” hay “múa” đều không đủ. Bởi vì thông thường chúng ta vẫn quan niệm múa chủ yếu là dùng đôi tay và nhảy là dùng đôi chân, …
Ở đây, xin đề cập đến hiện tượng “nhảy múa vui chơi” mà trước đây nhiều người gọi là “nhảy múa tập thể”.
Thực ra đây là 2 loại nhảy múa khác nhau : “nhảy múa tập thể” là tiết mục múa đông người, như vậy nó có người xem và người diễn. Còn “nhảy múa vui chơi” là loại hoạt hoạt động mà ai cũng có thể tham gia được, và người ta nhảy múa là để vui chơi chứ không phải là để biểu diễn cho người khác xem.
“Nhảy múa vui chơi” là một sinh hoạt văn hoá có ích (nó có ích cho sự giải trí, có ích cho sự rèn luyện thân thể và có ích cho sự giao tiếp). Vì thế không có gì phải bài bác nó cả.
Ở “nhảy múa sinh hoạt”, chúng tôi thấy cần phải bàn nhiều đến vấn đề tính dân tộc.
Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam không có truyền thống nhảy múa. Nếu dân tộc Việt (Kinh) thì điều đó có thể đúng, nhưng ở các dân tộc anh em sống trên đất Việt Nam thì điều đó không đúng. Họ có nhảy múa và “nhảy múa vui chơi”, rõ rệt nhất là “xoè Thái” ở Tây Bắc, “xoan” ở Tây Nguyên, “lăm vông” của đồng bào Khơ-me ở đồng bằng sông Cửu Long, …
Điều đó có nghĩa là dân tộc Việt Nam chúng ta cũng có “nhảy múa vui chơi”. Chúng tôi cho rằng chúng ta có thể bắt đầu từ những điệu múa ấy để vui chơi với nhau, rồi trong quá trình hoạt động - nhảy múa, do nhịp điệu thời đại tác động mà tiết tấu âm nhạc múa sẽ biến đổi và nó kéo theo những sự biến tấu của những động tác nhảy múa. Đến một lúc nào đó sự biến đổi ấy sẽ phù hợp với không khí hiện đại và sẽ tạo nên được những điệu múa dân tộc mà hiện đại.
Nhiều đồng chí lãnh đạo ở các địa phương không phản đối việc nhảy múa, nhưng các đồng chí đó đều băn khoăn là nhảy múa điệu nào ? Không thể phản đối bài bác việc các đồng chí biên đạo sáng tác và phổ biến cho thanh niên những điệu “múa tập thể”. Nhưng trên thực tế thì những điệu múa này rất khó phổ biến và không thực sự thu hút được thanh niên. Vì thế, chúng ta nên nhảy múa những điệu tiêu biểu mà đại gia đình các dân tộc trên đất nước Việt Nam đã có. Những điệu này quen thuộc, dễ truyền bá và thực sự chúng là những kiểu “nhảy múa vui chơi” mà ai cũng có thể tham gia được. Âm nhạc của những điệu múa này đơn giản, chỉ cần nghe ít phút là người ta có thể nhảy múa ngay. (Thực ra việc nhảy múa là xuất phát từ âm nhạc, múa là ca hát bằng người ; nếu chỉ hát bằng miệng thôi thì chưa đủ diễn tả các cảm hứng, do đó người ta cần phải nhảy múa và nhảy múa ấy chính là sự tiếp tục ca hát. Điều này mang lại cho con người những thích thú cả về tinh thần cũng như về thể chất).
Lại có những ý kiến cho rằng bây giờ muốn giao lưu với quốc tế thì chúng ta phải học những điệu nhảy quốc tế. Chúng tôi không tán thành ý kiến này. (Tất nhiên chúng ta cần biết một số điệu nhảy phổ thông của thế giới nhưng chúng ta không nên cho rằng muốn nhảy múa thì chỉ có các điệu nhảy thế giới).
Thực ra, để giao lưu với quốc tế thì trước mắt ta phải là ta đã, rồi ta mới giao lưu với bạn. Đây là một quan niệm cần phải được thống nhất. Xin lấy một ví dụ : Ta đi sang nước bạn thì phải học và ứng xử theo phong tục tập quán nước bạn, nhưng khi bạn sang ta thì ta lại phải theo phong tục của họ để đón tiếp. Vậy tại sao mình không biết yêu cầu bạn theo phong tục, tập quán của mình ?
Vì thế, không còn quan niệm là cứ giao lưu quốc tế thì nhất thiết chúng ta phải học các điệu nhảy quốc tế. Ta phải có điệu của ta và họ mời ta nhảy điệu của họ thì ta mời họ nhảy điệu của ta. Như thế mới gọi là giao lưu văn hoá, mới tránh được tình trạng nô lệ, phụ thuộc vào thế giới. Do đó, chúng ta nên phát động một phong trào nhảy múa xuất phát từ những điệu nhảy múa dân tộc và đến một lúc nào đó chúng ta sẽ có những điệu “xoè”, điệu “xoan” phù hợp với tiết tấu và tâm hồn hiện đại. Đó chính là bản sắc dân tộc. Nhờ bản sắc này chúng ta mới có thể giao lưu với thế giới mà không sợ lầm lẫn hay bị mất cái của ta.
3) Xin nêu một vài ý kiến về thủ pháp nghệ thuật trong điện ảnh, chủ yếu là những động tác và những hành vi biểu lộ tình yêu.
Vấn đề biểu lộ tình yêu trong tiểu thuyết, trong điện ảnh, trong sân khấu là cần thiết và nó là yếu tố không thể không có. Sự bộc lộ tình yêu trong đời sống cũng như trong nghệ thuật ngày càng biến chuyển, ngày càng hiện đại.
Thật vậy, trước đây ở những năm 1955 – 1956, khi xem phim Liên Xô, thấy người ta hôn nhau thì có những khán giả còn lấy quạt che mặt, không dám nhìn ; nhưng bây giờ thì ngược lại, trên phim yêu nhau mà không hôn nhau thì lại có khán giả phản ứng, …
Như vậy, những hình thức biểu hiện tình yêu trong nghệ thuật cũng có sự phát triển của nó. Nhưng đối với chúng ta thì sự bộc lộ tình yêu dù có sự hiện đại hoá cũng phải giữ được bản sắc dân tộc. Cái bản sắc dân tộc ở đây có thể coi là cái mà các cụ xa xưa gọi là “một vừa hai phải”, tức là cái có mức độ, là cái dịu dàng, kín đáo.
Trong điện ảnh hay trên sân khấu thì các động tác ôm, hôn để biểu hiện tình yêu là cần thiết, nhưng cần phải vừa phải, đúng mức độ cần thiết của nó. Thực tế của chúng ta còn có nhiều tác phẩm biểu hiện các động tác này dài quá mức cần thiết và nhiều khi không cần thiết, nó làm loãng và lệch nội dung của tác phẩm. Điều quan trọng hơn là sự biểu hiện này phải cần thiết cho nội dung, nó phải làm cho nội dung thêm súc tích, thêm giá trị tư tưởng của tác phẩm.
Chúng ta không nên chỉ coi đó mới là những thủ pháp để gây hấp dẫn. Sự thật, cũng có khuynh hướng cho rằng ở điện ảnh, sân khấu cần có những pha hấp dẫn, có thế mới thu hút được người xem. Bởi vì người ta cho rằng nếu tác phẩm có tư tưởng tốt nhưng mà khô khan, không hấp dẫn thì công chúng không xem và như thế là không giáo dục họ được. Nhưng chúng ta có nhất thiết phải làm như vậy không ? Chúng tôi nghĩ rằng đó là những kinh nghiệm giúp chúng ta suy nghĩ để chúng ta tránh khỏi cách đánh giá vũ đoán, bài bác một cách thô bạo. Điều chủ yếu là chúng ta phải có bản lĩnh dân tộc của chúng ta.
Một vấn đề nữa là thái độ của chúng ta như thế nào đối với các hình ảnh hở hang loã thể trong nghệ thuật ?
Thực ra, trong đời sống hiện nay, người ta quan niệm về vấn đề này ít khắt khe, ít kiêng kỵ hơn. Ví dụ : Phụ nữ của ta bây giờ đi tắm biển mặc áo tắm là chuyện bình thường, … Do đó, thái độ của công chúng đối với các hình ảnh khoả thân trong các tác phẩm nghệ thuật cũng đúng mức, không có thái độ bài bác vô lý.
Nhưng ở ta, có một số tác phẩm, những hình ảnh khoả thân xuất hiện do xuất phát từ thị hiếu chưa thật lành mạnh, nên để gợi lên cho người xem những ý nghĩ dâm dục. Bản thân sự khoả thân không có lỗi, điều chủ yếu là ở thị hiếu và tài năng của người sáng tạo.
Lại lấy ví dụ về các tranh tượng khoả thân ở các nhà bảo tàng nổi tiếng trên thế giới : người xem khó có thể bị vẩn đục bởi những ý nghĩ dâm dục, mà ngược lại xuất hiện những khoái cảm, tình cảm thẩm mỹ, tự hào bởi vẻ đẹp kỳ diệu của con người.
Tuy nhiên, người thưởng thức cũng phải có thị hiếu lành mạnh thì mới có thể có thái độ đúng đắn đối với hiện tượng này. Muốn thế, công chúng cần phải được giáo dục nâng cao học vấn, nâng cao kiến thức, cần được rèn luyện về chính trị, tư tưởng và đạo đức. Điều quan trọng là các nghệ sĩ sáng tạo cần giữ được sự trong sáng của tâm hồn và có bản lĩnh cao trong sáng tạo. Những cái đó chính là nền tảng cho sự phát triển của thị hiếu lành mạnh ; ngược lại, nếu thị hiếu không được rèn luyện, giáo dục thì nó sẽ phát triển theo hướng bản năng thú vật của con người, trở thành thị hiếu thô thiển, không lành mạnh.
4) Cuối cùng, xin nêu một vài ý kiến về loại truyện, tiểu thuyết ly kỳ, phiêu lưu.
Loại này, bao gồm cả truyện khoa học viễn tưởng, truyện cổ tích, thần thoại và cả những truyện phản gián, hình sự, v.v… Phải nói rằng đây là một thể loại có sức hấp dẫn thực sự mạnh mẽ, khó có thể cưỡng lại nó.
Không nên quan niệm một cách cực đoan là cứ ai thích loại này thì người đó có thị hiếu rẻ tiền. Bởi vì loại truyện này không phải là loại truyện vô bổ như một số người vẫn thường quan niệm, nó nêu lên được những giá trị đạo đức, nói lên được những phẩm chất của con người. Tất cả những cái này được thể hiện một cách hấp dẫn.
Chúng ta không nên bài bác loại tác phẩm này. Tuy nhiên, do loại sách này bán chạy và đem lại lợi ích rõ rệt cho một số nhà xuất bản, nên có thời kỳ các tác phẩm loại này xuất hiện ngày càng nhiều, có xu hướng lấn át các loại sách khác. Do vậy không nên để cho loại truyện này trở thành độc tôn. Đúng là truyền đạt được tư tưởng một cách hấp dẫn thì tác phẩm thể loại này là tác phẩm có trình độ nghệ thuật cao, nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ dùng những thủ pháp gây hấp dẫn ấy mới có thể truyền đạt tư tưởng. Người ta có thể thể hiện một cách sâu sắc những tư tưởng mà không cần phải dùng những thủ pháp trên. Đó là những tác phẩm có trình độ nghệ thuật cao hơn. Ví dụ: Tiểu thuyết của L. Tôn-xtôi, nhiều truyện ngắn của một số nhà văn cổ điển thế giới, rõ ràng ở đây không có những cốt truyện ly kỳ, không có những pha gay cấn, nhưng người đọc vẫn say mê chúng. Đó là người ta say mê cái đẹp của ngôn ngữ, vì tầm cao của tư tưởng, vì cách biểu hiện tâm lý sâu sắc, …
Chúng ta không nên sùng bái thể loại này và không nên để cho nó lấn át các thể loại khác. Ở đây vai trò của các nhà xuất bản rất quan trọng. Bên cạnh việc thu lãi, các nhà xuất bản cần có trách nhiệm đưa ra những sản phẩm để điều chỉnh thực tiễn trong xã hội; nhà xuất bản nên cân nhắc, chọn lọc khi xuất bản sách loại này với các sách văn học khác một cách hợp lý.
         Thư viện, báo chí cũng có trách nhiệm này. Các cơ quan này cần hướng dẫn để thị hiếu của công chúng phát triển phong phú, tránh tình trạng chỉ thích loại sách phiêu lưu, ly kỳ còn các loại sách văn hoá khác thì không thích.

         (Trích Anh bộ đội, Nxb Văn Học, 2017)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét