Cục sắt
Năm 1944 tôi ở trong “Công tác Đội” của Trung ương
và nhiều khi làm bảo vệ cho anh Trường Chinh. Từ hồi học qua lớp học quân sự mười
lăm ngày, tôi đã mê súng lắm. Tôi cứ nghĩ, giá có một khẩu súng lục giắt trong
người mà đi công tác thì thích phải biết.
Có một lần ở hội nghị, gặp anh Hoàng
Quốc Việt, thấy anh đeo một khẩu súng lục ở sau lưng, báng chĩa ra ngoài vạt áo
cánh nâu, tôi mon men đến gần khẩu súng xin xem. Vừa mới sờ vào đến đầu báng,
anh Việt quát khẽ: “Ấy cẩn thận!” làm tôi giật bắn người lên. Anh rút khẩu
súng ra, chỉ mũi súng xuống đất, bật cái “cối xay” ra và lấy hết đạn, đút đạn
vào túi, rồi mới đưa súng cho tôi xem. Vừa làm, anh vừa giảng giải, làm như thế
để tránh những vô ý đáng tiếc và đấy cũng là nguyên tắc dùng súng.
Thế rồi đến mấy đêm liền tôi toàn chiêm bao thấy
súng. Đó là khẩu “Xanh-tê-chiên”. Anh Trường Chinh cũng có một khẩu như thế,
nhưng cối xay chỉ lắp có năm viên đạn. Tôi thắc mắc và gọi nó là “súng ngũ !”
vì tôi đinh ninh là súng lục thì phải có sáu viên đạn.
Thường thì tôi không được giữ khẩu súng này. Chỉ khi
nào đi đường, có nhiệm vụ bảo vệ, tôi mới được đeo và đi trước. Anh Trường
Chinh dạy tôi cách dùng, nhưng tôi chưa được bắn bao giờ cả. Hồi ấy mọi việc
đều phải bí mật, thế nên khẩu súng cũng có tên bí mật: “cục sắt”. Mỗi lần đến
đâu làm việc xong, lúc ra đi anh Trường Chinh lại nhắc tôi: “Có nhớ cục sắt
không đấy!”. Đeo
nó thì lỉnh kỉnh lắm. Ấy thế mà hồi ấy chúng tôi giấu khéo đáo để.
Tôi vẫn mơ tưởng đến ngày mình được dùng riêng một
khẩu. Anh Trường Chinh cho biết là có một khẩu “Mô-gie” (Mauser) nhỏ không đạn
và không có băng. Tôi bèn hỏi xem, rồi tôi xin cất giữ. Nói thế, nhưng tôi cũng
hay giắt cạp quần luôn. Tôi nghĩ thỉnh thoảng có gặp nước bí cứ giơ ra mà dọa
cũng có thằng mất vía. Và hễ có dịp ngồi giữa cánh đồng vắng là vội giở ra ngắm
nghía. Tôi vẫn băn khoăn, không biết bắn làm sao cho trúng được. Nhưng tôi lại
tin ở uy lực của tiếng nổ nhiều hơn là bắn trúng, nên vẫn tin tưởng ghê lắm.
Về sau khẩu súng của anh Trường Chinh giao lại cho
anh Văn Tiến Dũng lúc ấy là Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ, vì anh Trường Chinh có khẩu
Brao-ninh (Browning) nhỏ hơn. Bữa giao súng cũng vui. Tôi có trách nhiệm đi
giao, còn người nhận là đồng chí Đ. Chúng tôi gặp nhau ở một bãi ngô bên bờ
sông Đáy thuộc địa phận Bắc Ninh. Tôi giảng giải về khẩu súng một cách tỷ mỉ,
lại nhấn mạnh nguyên tắc dùng súng và làm thị phạm nhiều lần cho đồng chí Đ. xem.
Tôi cũng không tiếc lời nói thêm về nhiều loại súng lục và tính năng, tác dụng
của mỗi loại. Đồng chí Đ. có vẻ phục lắm. Nhưng điều thích thú nhất là chỉ ba
hôm sau, chúng tôi được tin anh Văn Tiến Dũng dùng khẩu súng đó bắn chết tên
trương tuần làng Sen Hồ. Tiếc là sau đó anh Dũng cũng bị bắt và khẩu súng đó bị
tước mất. Từ đó chúng tôi không gọi cục sắt nữa.
Thử súng
Đôi lúc có những chuyện éo le thật kỳ cục! Súng có nhiều khi thử thì tịt, nhưng tự nhiên nó lại nổ. Và có lúc thử thì nó nổ, nhưng khi lâm sự nó lại câm bặt. Đó cũng là nỗi gian truân của những ai đã từng dùng các khẩu súng “tiền bối”, khi lực lượng của ta còn nhỏ bé lắm.
Lúc ấy anh Trường Chinh có một khẩu Brao-ninh nhỏ và
bảy viên đạn. Tôi thích bắn lắm, nên cứ “tán” anh là cần thử. Tôi lý luận: “Có
bảy viên, thử bắn hết bốn, còn ba viên mà ăn chắc, còn hơn là có cả bảy viên mà
cứ thấp thỏm không biết nó có nổ hay không”. Anh đồng ý. Tôi đã bố trí cuộc thử
súng một cách công phu. Giữa trưa vắng, nhân dịp đi công tác qua một cánh đồng
rộng, tôi tìm một cái khe sâu có cống gần đó để thử. Kết quả là bắn mấy lần,
đạn vẫn không nổ. Anh Trường Chinh xem xét lại và giảng cho tôi biết là cò súng
hỏng vì ngắn quá không đập mạnh vào đít đạn được. Sau đó ít lâu anh có một khẩu
Brao-ninh lớn hơn và tốt hơn, tôi đã trộm bắn thử một lần ở bờ sông Hồng trong
một đêm mưa gió, và đêm đó, bắn xong tôi ôm súng nằm ngủ sung sướng vô cùng.
Từ đó chúng tôi liên tiếp có súng mới.
Tôi được phát một khẩu “Bát” cóc gậm, không biết ở chi bộ nào đào được, không băng, không đạn, mãi về sau ở chiến khu gửi súng “Bát” mới về cho các đồng chí Trung ương, tôi mới xin được ở anh Trường Chinh một băng, anh Việt một băng, thế là súng đâm ra oai. Trong các cuộc hội họp với quần chúng và các cuộc mít tinh khẩu súng này “uy tín” lắm. Thế nhưng lại xảy ra một chuyện đáng buồn cho tôi. Tôi quý súng quá, nên cứ loay hoay tháo ra lau suốt ngày, tháo cả những bộ phận không đáng tháo. Thế là cuối cùng súng mắc cái bệnh là bật cái “búa” nện cò, nó không dừng nữa mà cứ bật lại. Tôi đành cất vào một cái thúng, đành đi công tác tay không. Nhưng hễ đi công tác về, lại sốt ruột không chịu được, và lại đem ra tí toáy. Thế rồi không biết tôi vô ý lên đạn trước khi đi hay ở nhà có “ma” nào đã nghịch vào đó. Cái búa vừa bật lên là đánh “đoàng” một cái, giật mình, súng văng một nơi, người thì bàng hoàng, bối rối, không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Bà cụ chủ nhà rú lên và xô vào ôm lấy tôi, tưởng tôi chết. Chị chủ nhà thật là nhanh trí, chị xuống ngay bếp đập vỡ cái nồi rang và chị xót xa nói với mấy người hàng xóm chạy sang:
- Khổ quá lại mất mấy hào chỉ, cái nồi rang!
Lúc ấy bà cụ đã hoàn hồn, đang vuốt ve tôi và cười thầm ở trong buồng. Sau này chị chủ nhà lại được một mẻ cười no – chị rất hay cười. Và câu chuyện “cái nồi rang” ấy được kể lại cho bà con hàng xóm nghe sau khi khởi nghĩa đã thành công. Ai nấy đều lắc đầu:
- Thế lúc ấy anh Tâm chết lăn ra đấy thì chị làm thế
nào?
Chị lại cười:
- Thì đành phải chờ đến tối đem lấp ở luống khoai
chứ làm thế nào! Ba hồn bảy vía anh Tâm có khôn thiêng thì cũng chả nỡ trách
đâu nhỉ!
Tôi cũng chỉ còn biết cười ngượng nghịu.
Pháo tép và đạn thật
Khẩu Brao-ninh nhỏ (cỡ 6,35) của anh Trường Chinh về sau anh Lim dùng. Và có một hồi tôi còn được nhận một khẩu pạc-họoc (hồi ấy tôi gọi là “súng thập” – bắn giật như súng trường và bắn liên thanh được) và ít lâu sau thì trao cho anh Cả (đồng chí Nguyễn Lương Bằng). Lúc ấy nó chỉ có mỗi hai viên đạn. Sau khi Nhật đảo chính Pháp xong, quân đội Pháp và những đội khố xanh tan rã. Ta nhân cơ hội ấy tìm cách thu thập lấy vũ khí của những toán quân tan rã ấy. Vì vậy thỉnh thoảng lại có một vài khẩu súng trường từ ở xuôi chuyển lên chiến khu để cung cấp cho các đội du kích. Một hôm anh Cả phụ trách chuyển hai khẩu súng. Anh cho anh Lim vào làng C.L. (thuộc phạm vi anh Thiệp phụ trách) để tìm hai thanh niên cứu quốc vác súng đi qua địa phương này. Cố nhiên là súng phải bó kín lắm. Thế nhưng hành động của anh Lim và hai anh thanh niên kia hớ hênh thế nào mà làm cho tuần phiên và một đám thanh niên khác trong làng biết và họ đuổi theo để bắt. Hai anh thanh niên vác súng chạy trước, anh Lim đi sau hộ vệ. Anh Lim thấy thế nguy rút súng ra bắn. Nhưng súng bé quá họ không nom thấy, tiếng nổ lại đánh “tẹt” một cái, chẳng ra oai phong gì. Thế là bọn tuần phiên la hét lên: “Đ… mẹ nó, súng giả đấy, pháo tép đấy” và họ càng đuổi hăng hơn trước. (Về sau anh Lim kể lại, có phàn nàn: đạn nó chỉ ra xa bằng cái đòn gánh). Thế là chúng bắt được cả ba anh và đem về gốc cây đa đầu làng để xét hỏi. Tên trương tuần hung hăng nhất đòi khám, hai anh thanh niên không cho khám, nói là hai bó chiếu thôi.
Chắc chúng có theo dõi từ trước, nên tên tuần hỏi :
- Còn thằng già mặc áo cánh trắng và gi-lê nữa đâu?
Vừa nói xong thì bỗng có một giọng nói rất bình tĩnh
và oai vệ ngay đằng sau:
- Đây, thằng già áo cánh trắng và gi-lê đây! – Và
quả nhiên có một ông già, trán cao da trắng, đôi mắt ẩn sâu trong hai hốc mắt,
trông thật tinh nhanh, quắc thước. Ông già ấy bước đi đường hoàng. Cả bọn bị
bất ngờ nên hoang mang, tự nhiên tránh dạt cả ra cho ông già đó (tức anh Cả)
vào. Tôi còn nhớ đại khái anh Cả kể lại như sau:
“Tôi nắm chắc được rằng trong tình thế lúc ấy, quần
chúng còn nhiều hoang mang, cơ sở thống trị của bọn đế quốc không vững, ta có
nhiều điều kiện thuyết phục quần chúng. Tôi lại thấy trong đám anh em ấy toàn
là nông dân nghèo khổ nên tôi cứ đến để thuyết phục và để cứu cho các anh em ta
và mấy khẩu súng.
Tôi cứ đàng hoàng bước vào giữa vòng vây, nhưng tôi cũng cẩn thận, đứng tựa lưng vào gốc cây đa to. Trong lúc mọi người ngơ ngác, tôi cũng đứng im và bình tĩnh đưa mắt nhìn một lượt, để nắm lấy thế chủ động. Tôi tin rằng, nếu bí lắm phải bắn mấy phát súng giải vây thì lập tức có quần chúng của ta giúp ngay. Vì ngay sau đó một chút, đám người vây chúng tôi cứ đông dần lên và tôi cũng đã trông thấy lác đác có những anh em trong thanh niên cứu quốc rồi. Khi mọi người vẫn im lặng và tôi thấy thời cơ đã thuận lợi, tôi mới cất tiếng hỏi:
“Các anh muốn gì đấy! Các anh có biết chúng tôi là
ai không? Các anh có biết chúng tôi làm gì không?”.
Không ai trả lời cả. Được thế, tôi tấn công luôn:
“Chúng tôi là Việt Minh đây!”
Câu nói ấy có tác động rất lớn. Tôi nghe thấy nhiều
tiếng à và tiếng thở dài khác nhau. Tên trương tuần biến sắc mặt. Tôi lại tấn
công tiếp: “Việt Minh bây giờ là một sức mạnh to lớn. Chúng tôi cũng có súng
lớn đây này”. Tôi rút khẩu pạc-họoc ra. Khẩu súng dài ghê. Tôi kẹp tay vào nách
chĩa mũi súng ra rất oai, rồi nói tiếp: “Súng này không phải như pháo tép
đâu”. Tôi thấy cần phải làm hăng hơn để gây áp lực thì mới thuyết phục được.
Tôi kéo quy-lát lách cách, nhưng không ngờ là có hai viên đạn, tôi chỉ lắp
trong súng này có một viên, và quên mất, thành ra kéo quy-lát một cái, viên đạn
bật ra ngoài và như vậy là súng lại rỗng không. Tôi hơi bối rối, nhưng cũng rất
nhanh trí lái lại tình hình ngay, tôi nhặt viên đạn từ dưới đất lên kẹp vào hai
đầu ngón tay giơ lên cao và dõng dạc nói: “Đây anh em trông cho rõ, đạn thật
chứ không phải đạn giả đâu nhé”. Sau đó tôi đút viên đạn vào túi và bình tĩnh
diễn thuyết tiếp. Tôi nói rõ mục đích của Việt Minh, nói rõ sự thất bại của bọn
đế quốc và sự lớn mạnh của lực lượng cách mạng ta.
Sau đó tên trương tuần còn giở giọng: “Ấy xin cụ ở lại để chúng tôi mời
ông lý ra nói chuyện, chứ chúng tôi không dám tự tiện ạ…” Nhưng nó bị quần
chúng la ó ngay: “Thôi đừng vẽ chuyện! Để cụ đi cho được việc của cụ”. Và rồi mọi người
bảo nhau giải tán. Tôi nói như ra lệnh cho anh Lim và hai anh kia đi trước còn
tôi đứng lại. Anh em kia đi được một lát, tôi còn dặn thêm: “Nếu anh này cố
tình muốn đuổi theo gây chuyện thì chúng tôi buộc lòng phải đối phó và lúc
ấy đừng trách Việt Minh nhé”. Nhiều người vâng dạ tử tế. Thế là giải thoát được
cả. Chúng tôi đi thong thả một lúc, rồi bảo nhau rẽ đường tắt đi thật gấp để
tránh mọi bất trắc. Đúng là uy tín Việt Minh lớn thật!”.
Chuyện ấy xảy ra ngay trên đất anh Thiệp phụ trách
nên về sau anh Thiệp lại cũng kể thêm: Trong khi xảy ra chuyện ấy thằng lý
trưởng làng C.L. biết chuyện, nhưng không dám ra, chỉ nằm nhà dậm dọa: “Được
cứ để chúng nó đấy, rồi ông bảo”. Nhưng có cái nguy cho anh Thiệp là anh Văn
Tiến Dũng lúc ấy vừa trốn ở nhà tù Bắc Ninh ra, lại ốm nặng và đang nằm ngay ở
một nhà gần chợ C.L. Anh Thiệp một mặt huy động anh em ra để ứng phó cho anh
Cả, một mặt phải cõng anh Dũng đi vào một nơi kín đáo hơn. Và cuối cùng mọi
việc đều êm thấm cả.
Khẩu súng liên thanh
Một hôm tôi nhận được tin hỏa tốc gọi đến X.T. Chả là ở đó anh em thanh niên lấy được tại đồn Yên Phụ một khẩu súng lớn lắm mà không biết dùng. Anh em mời tôi tới ngay để huấn luyện. Họ đã nghe đồn rằng tôi học quân sự ở trường Hoàng Phố về. Thế mới chết tôi chứ! Dạo ấy cứ nghe nói học quân sự tức là học ở trường Hoàng Phố, mặc dù cũng không ai biết trường Hoàng Phố là của ai và ở đâu.
Tôi phấn khởi ra đi và cũng có phần kiêu hãnh về vai
trò quan trọng của mình, tuy về “vũ khí học” tôi chỉ mới biết tháo và… làm
hỏng súng lục, còn súng trường thì cũng chưa tháo bao giờ!
Đến nơi, bốn anh em thanh niên khệ nệ khiêng ra một
khẩu súng to quá, đặt trên một cái bệ bốn chân kềnh càng nặng lắm (về sau thì
tôi biết đấy là khẩu đại liên Nhật). Anh em nói là từ lúc lấy về đến bây giờ cứ
để nguyên thế, chưa ai biết tháo lắp ra làm sao và anh em hỏi tôi nên làm thế
nào. Tôi bối rối quá, nếu bây giờ nói là không biết gì thì vừa trơ, lại vừa làm
nhụt nhuệ khí chung đi. Tôi cứ vừa sì sụp uống bát nước, vừa đi đi lại lại ngắm
nhìn khẩu súng, làm ra bộ còn đang bận uống nước mà bát nước thì nóng, chứ
không phải là đang nghĩ mẹo xem nên làm thế nào và đang nhìn kỹ xem nên mó vào
đâu trước. Trong lúc ấy một anh đem băng đạn ra, một anh khác chạy lại kéo
quy-lát đánh soạch. Tôi liếc nhanh, thấy rõ chỗ mở rồi, tôi vội xua tay ngăn
lại: “Ấy! ấy! đừng lắp đạn nguy hiểm”. Thế rồi tôi đặt bát nước xuống bàn và
rất đĩnh đạc lại kéo cái quy-lát lên xuống mấy cái có vẻ thành thạo trước những
cặp mắt khâm phục của anh em. Tôi quay lại hỏi:
- Các cậu lắp được đạn rồi chứ?
- Được anh ạ, chỉ chưa biết tháo lắp và lau súng
thôi, anh lau hộ nhé!
- Thôi được, súng còn tốt đấy! – Tôi ra nheo mắt
soi vào nòng – Chưa phải lau đâu. Bây giờ các cậu lấy ghẻ sạch lau hết mỡ chung
quanh đi, thông qua cái nòng một cái, đem cất kỹ đi và che đậy cẩn thận, lúc
nào dùng sẽ hay, nghe chửa?
Anh em nghe theo một cách dễ dàng và yên trí rằng
những lời tôi nói là những chỉ thị đúng đắn và quý báu nhất.
Về sau, trong cuộc biểu tình khởi nghĩa cướp chính
quyền, anh em thanh niên X.T. được “khênh” khẩu súng này đi đầu đoàn biểu tình.
Đi được một đoạn lại hạ xuống, ngỏng súng lên trời bắn một loạt bốn năm viên
kêu tằng tằng. Thật là phấn khởi. Mọi người coi việc đó là một việc trịnh trọng
và vui thú lắm. Khi đi thì cứ bốn người ôm bốn chân, chứ có biết tháo ra vác
như quân ta bây giờ đâu.
Đến huyện, sau khi thuyết phục để tước khí giới Nhật không được, thì cuộc chiến đấu đã nổ ra. Anh em vẫn coi tôi là chỉ huy quân sự, nên đến hỏi ý kiến xem “súng liên thanh” đặt ở đâu. Tôi kéo bừa khẩu súng đặt ngay ở cổng huyện chĩa vào sân huyện mà bắn. Bắn thì khi nổ khi hóc, nhưng anh em thấy tôi bận chỉ huy nhiều mặt khác, nên đều tự kéo ra chữa rồi lại bắn chứ không gọi đến tôi nữa. Ấy thế mà được việc. Sau đấy bảy tên Nhật chết hết. Nhưng chả biết chúng có trúng viên đại liên nào không. Dẫu sao khẩu súng ấy cũng đã làm trọn vai trò của nó rồi.
Sau khi cướp được huyện, tuyên bố lập chính quyền và
lập một Trung đội Giải phóng quân, khẩu đại liên ấy được giao cho Trung đội đó.
Toàn thể anh em trong Trung đội đều coi đó là một điều vinh dự. Súng xưa ít
thế, súng nay rất nhiều! Nếu mỗi chiến sĩ ta đều yêu súng, quý súng, thì mỗi khẩu súng không chỉ
phát huy tốt được tác dụng của nó, mà còn có cả chuyện để nói với ta. Và tôi
chắc là chúng ta có cả một rừng chuyện về rừng súng của ta hiện nay!
Kỷ niệm ngày 22-12-1959
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Chuyện xẩy ra mới khoảng 75 - 76 năm mà nghe như chuyện cổ tích! Chúng ta càng phải quý trọng và bảo vệ những gì mà chúng ta có ngày nay.
Trả lờiXóa