Thứ Ba, 15 tháng 8, 2023

Cuốn Nhật ký màu xanh

Cuốn Nhật ký màu xanh của ông Trần Độ những năm 1947, 1948 mới được tìm thấy năm 2011. Trong hơn 40 trang viết, hầu như ông chỉ nói về công việc, những suy nghĩ về cuộc đời, con người, sự kiện… Thỉnh thoảng, ông nhớ đến người vợ và viết về người vợ: Bà Nguyễn Thị Phúc Hằng – lúc đó còn tên là Điệp.  

“…



25/7/1947

Đây không phải là Nhật ký, không phải là cuốn sách. Đây là một bầu tâm sự, cái tâm sự xanh xanh, sang sáng như một ánh đèn vui.

Cái bầu này là tôi. Cái bầu này lại là bạn tôi. Nó dốc ra, đổ vào nó nó lại uống đi. A! Còn cái gì phiền phức, lôi thôi, bát nháo bằng cái tâm sự của một thằng thanh niên? Đây là trước ngày rời bỏ Khu II, nơi có những mảnh thủ đô đẹp, nhộn tản mạn về, nơi chứa đầy cái thân ái, nơi làm ta thất bại sâu cay. Mai ra đi mang theo một mối buồn bực, ai hoài. Có người bảo cái tâm sự mình “chua” – chua như cà chua hay chua như chanh? Mình không biết, có lẽ nó chua thật. thì chua, nhưng có một mùi vị là được rồi.
Ảnh: Bút tích cuốn "Nhật ký xanh".

31/7/1947


Gia đình vẫn vui, nhộn và ấm cúng lắm. Sống mãi ở đấy thì làm gì? Lạ thật, hễ nhảy ra ngoài đường thì không sao, nhưng về đến nhà mình thấy uể oải, không có hứng thú và lại chỉ muốn chuồn ngay. Ở nhà làm gì? Phiền chị, phiền vợ, lại thêm rộn rịp suốt ngày không suy nghĩ được cái gì, không làm được việc gì cả.

Ai cũng nói “về gần nhà thì sướng bỏ mẹ đi”. , mình phản đối thì rõ ra thằng giả đạo đức. Phải, gần vợ, gần con thì ai không thích, ai không sướng nhưng còn Khu XI? Cái cảm tình nặng nề với các cán bộ, cái hoạt động ồn ào, cái say mê công tác… bao giờ quên được?


Lại nói chuyện gần gia đình. Thật ra mình thấy ngài ngại. Còn đâu những cuộc khai hội mà các cán bộ bốn phương đem những hương vị xa lạ về hòa lại nhịp nhàng và hứng thú. Còn đâu những cuộc thăm đón xa xôi mà cảm tình lúc ấy vượt lên, rộng rãi, bao la và cảm khái. Về gia đình, cái tình cảm tuy thân mật nhưng hẹp hòi quá. Giá được một hoàn cảnh thuận tiện là thỉnh thoảng về thăm nhà đôi chút, đều đặn và ngắn ngủi không hại tới công việc thì sung sướng bao nhiêu. Chứ còn gần luôn để làm gì? Mất thì giờ lắm đấy!

Mấy ngày gần đây sẽ làm gì? Trước khi nhận công tác sao mà mình nóng ruột bứt rứt. Giá nhận ngay đi cho dứt khoát rồi bắt tay vào việc hì hục mà làm thì thích đấy…

Có phải mình không tốt với gia đình không? Chưa chắc đã đúng, nhưng còn có cái gì nó rộng rãi khoáng đạt hơn kia.


Điệp ơi! Mày có như tao không, không thể kìm hãm những nóng ruột của ngày xanh được. Đời to quá, chúng mình mới sống có tí tẹo mà năm tháng cứ rút dần nhưng những cây số trên quãng đường trường. Chúng mình cứ lăn đi. Đây là cây số 25 rồi, còn bao nhiêu cây nữa thì xong đường hở trời?

02/8/1947


Tự nhiên mình thấy hăng hẳn lên, khoái chí hẳn lên, không còn thấy luyến tiếc Khu XI vui đẹp của mình nữa. A! Đi học! Nếu quả mình đạt được ý muốn đó thì thật thỏa mãn sung sướng. Đi! đi mãi, đi nhiều, đi không cần học cũng đã là học nhiều lắm. Thế là mấy ngày liền mình chỉ nghĩ đến sửa soạn đi. Viết thư cho những ai? Đem những gì đi? Dặn Điệp những gì? Nói với mẹ ra sao? Tưởng chừng như nay mai đi đến nơi. Mê mải với những chuyện ngông nghênh ấy, mình quên hết.


Có người khuyên ta đưa Điệp về ở bên cạnh để giữ tiền cho Phòng Chính trị. Thật là một mối băn khoăn lớn cho mình.

1) Mình có cảm tưởng như là mình ở Phòng Tuyên Truyền là một chuyện hết sức tạm bợ. Không biết rồi mình vọt đi đâu lúc nào.

2) Đưa về để vợ bên cạnh nó thế nào ấy mà rồi cứ đùa suốt ngày mất việc lắm. Mình cứ thấy như ai cũng có thể nói được mình, họ xa vợ, xa con làm ăn cặm cụi, mình có vợ kề bên thì hô hào họ hy sinh cái gì.

3) Đang sống nhờ vả ở gia đình chị Dzư vui vẻ và êm ấm, tự nhiên mình lên lại lôi đi, nó làm sao ấy! Để Điệp ở nhà thỉnh thoảng về thăm thú hơn!

Ai cũng cho là mình lãnh đạm với vợ con, có phải đâu? Nhưng...

14/8/1947

Hôm 09/8 xuống trường Huấn luyện Chính trị viên, giữa đường gặp anh Thọ. Anh Thọ khuyên học! Đó là điều mình đang dự định.

Thọ lại triết lý một hồi về vợ con. Kể cũng hay hay. Anh ta tâm sự: “Mỗi một lúc thấy đứt cái khuy áo hay bật đường chỉ quần mà phải cặm cụi khâu lấy thì lại thấy cô quạnh, hơi lạnh lạnh nơi lòng, muốn có ai an ủi, giúp đỡ ít nhiều”.

Phải... ý kiến anh Thọ thật hợp ý mình. Có lúc thấy cần có một người đàn bà ngay bên cạnh giúp đỡ những công việc thật đàn bà. Như thế lý thú thật. Ví dụ như mình mà có người chép hộ những cái gì mình muốn chép, thu xếp các thức lặt vặt, v.v... Nhưng khi gần nhau nhiều thì lại có những cái gì phiền phiền lộ ra, làm cho nhau khó chịu, ngay cả những cái quá săn sóc đến tủn mủn, nhấm nhắt cũng khó chịu. Tâm hồn thằng đàn ông là một cái gì rộng rãi, đại khái không vụn vặt tỉ mỉ hay thấy bị phiền. Đó là ý thứ nhất.

Vợ còn phải là một cái gì thuộc về mỹ thuật, nghĩa là phải đẹp. Đây là một điều kiện căn bản để suy ra những cái khác. Đó là một chuyện. Nhưng thực ra, cái tình yêu muốn cho đậm đà, ý nhị thì nó phải có cái dí dỏm, tình tứ ở trong. Kể ra đàn ông rất dễ tính mà rất khó tính. Mình lắm lúc thấy những cái “độc tài trẻ con” của một cô bé, hay cái hay trêu tức của cô ta thú vị lạ lùng. Giá mình có một cô vợ như vậy, mình có thể chiều được rất nhiều cái trẻ con của vợ, vì mình cũng có người nhớn đâu. Nhưng trái lại, mình phải là địa vị đàn anh, quyết định mọi việc quan hệ cho đời và cho mọi sự việc quan hệ đến đời...

Những cô vợ như trên thì lại thiếu cái tinh thần giác ngộ, yêu kính chồng, khuyến khích chồng, chịu hy sinh phần mình nhiều để giúp đỡ cho đời sống chồng, nhiệm vụ chồng. Nghĩa là thiếu hẳn cái phần “đời sống lý tưởng” với nhau. Và trái lại, khi có hiểu và trọng lý tưởng của chồng một cách thực sự, đúng mực thì người vợ lại không sao thỏa mãn được những tình cảm phức tạp, lắt léo của chồng.

Phiền thế đấy làng nước ơi!


Văn La, 16/11

Về nhà ông Hoan chơi từ hôm qua. Đây là chỗ bà ấy tản cư đến, cũng là ở ven sông Đáy, quê bà ấy ở bên kia.


Lúc này Điệp ở xa làm gì? Và nghĩ gì đến ta. Điệp đã là một đàn bà rồi. Yêu con hơn yêu chồng. Những cái nhí nhảnh, nhanh nhẹn, những cái hăng hái của một nữ chiến sĩ thấy không còn mấy. Điệp ẵm con, chăm con, thỉnh thoảng thở dài. Hỏi Điệp buồn gì? Điệp không nói. Còn buồn gì nữa? Trời ơi, xa nhà, gia đình không biết sống chết, tai nạn ra sao, nghèo nàn, tiền không có. Mà chồng, chồng thì cũng bơ vơ như ai? Tình cảm rất nhiều song sự săn sóc thực tế không có. Mình lại là một thằng rất ít chuyện với vợ. Hai tâm hồn trở thành xa lạ dần dần. Nhưng mà Điệp vẫn đáng thương, đáng kính. Mình không bao giờ nói với Điệp điều này. Điệp không hề phiền mình bao giờ. Mà mình nhiều khi hầu như quên phứt là đã có gia đình.

Mẹ ở xa, chả biết mặt cháu, không được ẵm cháu! Hỡi người mẹ già cả đời chỉ còng lưng vì đau khổ vì đơn độc. Mẹ hiểu sao được nỗi lòng phức tạp của thằng con mẹ. Gia đình mình sống rất tạm bợ, bấp bênh. Thế mà bà cụ Th. lại bảo những cấp chỉ huy đàng hoàng lắm đó. Bà chưa đi sâu vào cảnh đời đau đớn của các cán bộ cách mạng mà thôi.

Hy sinh tiền của, thân thế chưa đủ, cán bộ cách mạng còn hy sinh cả tình cảm. Còn ai nữa? Nghĩ gì về ta?

Hôm nay nắng đẹp quá, bờ sông Đáy mịn màng, những ruộng mía xanh tươi ai ơi là ai ơi!


   
(Trích Bà Nguyễn Thị Phúc Hằng, Nxb Phụ nữ, 2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét