Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2023

Mùa xuân bộ đội và bộ đội mùa xuân


         Viết nhân mùa Xuân 1960.

        Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, một lần cũng vào dịp mùa xuân, trên đường đi chiến dịch, tôi cùng đi với các đồng chí văn công. 
         Cuộc hành quân của bộ đội ta trùng trùng điệp điệp. Núi rừng như sôi động hẳn lên trong bước quân hành giữa muôn ngàn hơi thở của tuổi thanh xuân. Ai bước đi trong hàng quân như vậy cũng không thể không ít nhiều cảm xúc. Một cô văn công nhỏ tuổi nói như phát biểu cảm tưởng: “Quân đội ta trưởng thành nhanh quá!”.             Tôi hỏi đùa:
          - Trưởng thành là thế nào?
          - Trưởng thành là từ nhỏ bé mà lớn mạnh lên.
          - Thế lớn lên rồi có già đi không?
          - Có chứ ạ!
          - Thế già rồi thì bộ đội có râu hết à!?
          - Ứ… ừ! Có râu thế nào được. Bộ đội già nhưng trẻ mãi chứ!
        Chúng tôi cười vui vẻ. Câu nói vui tưởng vô nghĩa mà lại rất nhiều ý nghĩa.
         Vâng, bộ đội không già được, bộ đội mãi mãi trong tuổi xuân, bộ đội mãi mãi là mùa xuân. Xưa nay người ta nói xuân của đất trời, xuân của lòng người và tuổi xuân. Như vậy là đất trời có mùa, lòng người riêng rẽ có lúc buồn, lúc vui và tuổi xuân qua đi thì đến tuổi về già. Ấy thế mà bộ đội, vâng, bộ đội thì mãi mãi là xuân, luôn luôn là xuân và xuân cho đến khi nào… khi nào… không còn là bộ đội nữa. Cũng không phải chỉ vì bộ đội luôn luôn gồm có những người trẻ tuổi mới là xuân. Có thể có những tập thể gồm những người trẻ tuổi mà lại là đang kết thúc cuộc đời, hoặc đang sống trong sự tàn tạ suy yếu. Nhưng bộ đội ta, Quân đội nhân dân của ta, dù cho có bao gồm cả những người đã “tóc bạc da mồi” thì vẫn cứ bừng lên một mùa xuân bất diệt, một mùa xuân vĩnh viễn!
Mùa xuân không phải chỉ ở trong thân thể, trong bắp thịt, màu da, cũng không phải chỉ mùa xuân ở trong giọng nói tiếng cười, trong trái tim, tấm lòng, mà mùa xuân ở tất cả, ở tất cả con người và đời sống bộ đội, ở khắp cả, nhiều đến nỗi không còn biết nói riêng ở chỗ nào, cái gì là mùa xuân nữa.
Nói đến mùa xuân thường mọi người có rất nhiều ý niệm và ấn tượng phong phú: nó là tươi vui, ấm áp, là sức lực dồi dào, là hy vọng say sưa, là lá tươi hoa thắm, những cánh đồng xanh mướt và lộc cây mơn mởn, là những tia nắng ấm loang trên sông hồ, là những vần thơ, là những ngày hội hè náo nhiệt, những tiếng hát cười, lời hẹn hò ân ái, v.v… Bộ đội ta đã trải qua nhiều mùa xuân, nhưng điều thú vị hơn cả : bản thân đời sống bộ đội ta cũng là “một mùa xuân”. Thật vậy, bản thân đời sống bộ đội ta là một mùa xuân. Đó là một mùa xuân luôn bừng cháy trong từng tâm hồn, trong từng nhiệm vụ, từng khía cạnh của cuộc đời. Nó không phải là một cái gì kiểu cách, cao xa. Nó gần gũi và bình thường lắm lắm.
Lịch sử của bộ đội ta là một lịch sử oanh liệt và sôi nổi. Sau những ngày tháng Tám sôi sục là những ngày Nam Bộ kháng chiến nặng căm thù, nhưng đầy dũng khí của một dân tộc mới vùng lên. Những ngày đầu của Toàn quốc kháng chiến là những ngày vui đánh giặc. Tuy chết chóc, gian khổ, xương máu bày ra đè nặng lòng người, tuy nhiều trái tim bà mẹ đã rớm máu, nhiều trái tim người yêu đã nức nở nghẹn ngào, nhưng mỗi người đều cảm thấy đang được làm một cái gì mới mẻ vô cùng kiêu hãnh, vô cùng vinh dự.
Tôi còn nhớ ở mặt trận Hà Nội một đêm trăng, một anh học sinh là tự vệ khu phố, vồ lấy tôi reo lên: “Thú quá anh ạ! Anh vẫn còn sống kia à?”. Anh ta nai nịt gọn gàng, đeo một thanh kiếm rất dài. Anh chỉ còn mẹ và một em gái, anh vờ xin phép mẹ lấy xe đạp đèo em gái đi chơi. Khi đi xa nhà rồi, anh bỏ cô em gái lại, thuyết phục em rồi lên xe đạp đi mất. Cô em gái vừa khóc lại vừa vui sướng. Cô cũng muốn được làm một cái gì. Cả anh và cô em gái đều giải thích hành động và tình cảm của mình: “Tuổi trẻ phải như thế” một cách rất mơ hồ mà ý vị. Anh ta vào bộ đội với các bạn chiến đấu, sống như người vui vẻ cắp sách đến trường, ăn thịt bò khô và vui hát. Suốt trong kháng chiến anh đã từng khóc và chôn cất nhiều thi hài bạn của anh.
Trong kháng chiến đã biết bao nhiêu anh em trẻ tuổi khác khai tăng thêm tuổi, nằn nì với cán bộ để vào bộ đội, bao nhiêu anh em trốn cha mẹ, trốn chủ là địa chủ, phú nông để đi bộ đội, mỗi đơn vị đều có ít ra là hai, ba chú liên lạc bé con, không tính vào biên chế, tiêu chuẩn nào cả… Nhiều sĩ quan trường lục quân hiện nay trước đây chỉ là các em bé mồ côi đi theo bộ đội.
Kháng chiến đã trải qua những ngày gian khổ cùng cực. Nhưng bộ đội lại chính là nơi có nhiều tiếng hát nhất. Trong đầu óc tôi thường hiện lên rõ rệt như một cuốn phim câu chuyện của một anh bộ đội. Anh bị thương phải nằm viện quân y. Anh rất sốt ruột và mong chóng được về đơn vị. Buổi về đơn vị là một buổi chiều thu. Anh đi trên bờ đê sông Hồng. Trong túi anh đầy kẹo, thuốc lá làm quà cho anh em trong tiểu đội. Anh về đến khu vực đóng quân của đơn vị. Anh đang tần ngần thì nghe tiếng đồng ca một bài hát quen thuộc. Tiếng hát rộn ràng tưởng như khua động những ngọn tre xanh, làm lao xao những tàu lá cọ và những ngọn cau cao vút. Anh hướng về phía tiếng hát lòng đột nhiên sung sướng. Anh như trông thấy những tiếng hát ấy đang bay trong những làn khói xanh mềm mại và những dải sương trắng vạch ngang qua làng. Anh như trông thấy từng khóe mắt, từng miệng cười của anh em đồng đội, của tiểu đội trưởng, của tổ ba người của anh. Anh đã cảm thấy ngay như anh đang ở nhà sinh hoạt với tiểu đội chứ không phải là đi quân y về, thế là tự nhiên anh chạy té về phía tiếng hát, miệng anh cũng hát theo sung sướng… Tiếng hát trong đời bộ đội có rất nhiều chuyện, không biết bao nhiêu là chuyện. Mà đó chỉ là những tiếng hát nhịp điệu đều đều, giọng ồ ề, chân thật và kèm theo những tiếng vỗ tay rất đều, rất giòn mà thôi.
Mười năm kháng chiến quả là mười năm gian khổ. Nhưng trong mười năm ấy, anh bộ đội cũng có nhiều chuyện vui nhất.
Đi hành quân, đường trơn vác nặng, vượt nước lũ, trèo đèo cao có biết bao nhiêu là chuyện cười: ngã cũng cười, trượt chân cũng cười, có anh tuột bao gạo cũng cười, gặp dân công cũng cười, qua suối phải cởi quần cũng cười, anh cấp dưỡng lo mất nồi cũng cười, đi hành quân ban đêm, anh đi trước người cận thị vờ nhảy, anh cận thị vội nhảy theo, anh đi trước thấy đống phân trâu cúi xuống kêu: “Ơ anh nào rơi cái mũ nồi!” anh khác bị lừa cúi… nhặt. Có anh buồn ngủ quá khi bị dồn hàng đứng chờ đã vịn vào thân cây mà ngủ, cứ yên trí là vịn vai người đằng trước, thế rồi đơn vị đi xa mới chạy tóe phở, v.v… Những điều đó đều là một kho chuyện cười vỡ bụng.
Không phải tự nhiên bộ đội cười hát, mà tiếng cười giọng hát lại nảy nở ra ngay từ những chuyện bình thường không có gì đáng cười đáng hát, nhưng nó thấm cái lý tưởng chiến đấu của bộ đội vào rồi thì tự nó bật ra tiếng cười, tiếng hát. Những tiếng cười tiếng hát trong lành khỏe khoắn toát lên từ những câu ca dao đầy lạc quan và ý nhị:
Ra đường em chẳng yêu ai
Yêu anh bộ đội gánh hai cái nồi.
Và:
Trời mưa ướt áo, ướt quần
Làm sao ướt được tinh thần quân ta.
Và:
Đèo cao thì mặc đèo cao
Ta lên đến đỉnh ta cao hơn đèo.
Thế đấy! Leo đèo cao thì thấy mình cao hơn đèo, gặp trời mưa thì thấy mình còn cứng hơn trời, làm việc bình thường nhất vẫn thấy đáng yêu nhất. Ngồi trong hầm mà tưởng tượng ở lâu đài. Phá núi mà tưởng đang xây đắp thành phố. Đói ăn nõn chuối mà tưởng tượng là ăn bánh cuốn hảo hạng. Đeo lá ngụy trang mà tưởng là đeo cánh chim, nghe súng ta thì thấy vui như pháo hội, nghe súng địch thì rủa là “trống tế bố nó”. Chăm sóc súng như âu yếm vợ, trong nom đạn như trông nom con, v.v… Tất cả đều có một cái gì như trái ngược ấy đã tạo nên một sức mạnh phi thường, vượt qua những cái mà sức thường không tài nào vượt nổi. Tất cả hòa quyện lại thành ra một thứ tình yêu sôi nổi: yêu đời, yêu sự sống, yêu bạn bè, yêu sự nghiệp, yêu lý tưởng, quên gian khổ, vượt nguy hiểm, một tình yêu say sưa mãnh liệt, giản dị chất phác và vô cùng vững bền sâu sắc. Tất cả đều phơi phới một cách hồn nhiên và ấm áp. Tất cả đều trẻ trung và xuân sắc. Vì vậy bộ đội và mùa xuân tự nhiên có một cái gì rất giống nhau, hòa hợp nhau, thống nhất với nhau. Cái gì đó không phải chỉ là tươi vui, say sưa, ấm áp, phơi phới tình yêu. Nó còn là một cái gì đầy sức phấn đấu, đầy mới mẻ, tươi tắn, đầy hy vọng, đầy lạc quan phấn khởi. Phải, luôn luôn ta thấy ta đang bắt đầu, mà bắt đầu thì phải hết sức hăng hái, hết sức tin tưởng, vì cái sự việc bắt đầu ấy tràn đầy hy vọng, đầy mới lạ, lớn lao vui sướng vô cùng. Mùa xuân bắt đầu một năm, cái bắt đầu đầy tươi sáng đằm thắm; tuổi trẻ bắt đầu một đời người, cái bắt đầu đầy hy vọng, đầy sức sống.
Bất cứ lúc nào đời sống bộ đội cũng bừng lên một mùa xuân, một tuổi trẻ, không phải chỉ vì bộ đội là một tập hợp những người trẻ tuổi như một buổi chợ phiên hay một dạ hội, mà là một tập thể gắn bó với nhau bởi một lý tưởng vĩ đại và một kỷ luật chiến đấu chặt chẽ, một tình bạn chiến đấu nồng nhiệt. Chính cái lý tưởng “Vì nhân dân phục vụ” và cái tình bạn chiến đấu nồng nhiệt kia là những nguồn nhiệt lượng vô tận bừng cháy không ngớt, thôi thúc biết bao náo nức, phát tỏa ra bao nhiêu chói lọi trong đời sống bộ đội, làm cho đời sống bộ đội đầy gian khổ, vất vả nguy hiểm nhưng lại thắm đượm đầy chất vinh quang, cao cả mà trở thành nhẹ nhàng, thanh tú.
Cũng không phải chỉ có một cái gì nhẹ nhàng thanh tú mà còn có cái gì gai góc, phi thường. Cũng không cần phải kể lại chuyện La Văn Cầu, Trần Cừ, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, những người tuổi tác, chức vụ tuy có khác nhau, nhưng tinh thần hy sinh lại giống nhau như một. Tôi đã gặp những anh bộ đội người đồng bằng lên rừng sợ cọp, sợ trăn, nhưng thích ở bộ đội địa phương đồng bằng, không phải vì không có cọp, có trăn, mà là vì “ở đó ngày đánh sáu trận, luôn trực tiếp chiến đấu bảo vệ xóm làng, còn đi chủ lực lên Việt Bắc, sáu tháng mới đánh một trận, có nhiều khi chả thấy mặt Tây”.
Có anh rất ngại đi xa, nhưng trong những cuộc hành quân hàng trăm cây số đã đái vào chân mà đi, uống nước giải, lấy ghẻ bọc chân mà đi. Có anh đánh giặc bị thương tới hai, ba lần, được thưởng hai, ba huân chương, không bao giờ sờn chí, nhưng chỉ giận cán bộ nói mát một câu mà “hờn” cơm mấy bữa. Có anh đã nhịn đói hai ngày hai đêm tự băng bó vết thương, bò từ trong đồn địch mà ta đánh chưa được, qua bao gian lao nguy hiểm để về với đồng đội, nhưng cũng chỉ giận cán bộ không hỏi han đến công lao, mà không đi luyện tập. Có anh mỗi khi đi chiến dịch lại “diện” quần áo thật đẹp. Có anh đọc truyện của Goóc-ba-tốp, cũng lấy giấy bút ra tỳ trên mặt chiến hào mà viết thư cho bạn.
Một đêm trăng sáng trên đường hành quân đi Tây Bắc, một cán bộ đại đội trẻ gặp tôi trong một chặng nghỉ. Chúng tôi ngồi tâm sự trên một bãi cỏ bên bờ suối. Anh nói rằng: “Tôi có cảm giác là chuyến này sẽ phải hy sinh, khi đi tôi đã gửi lại cho vợ tôi cái đồng hồ của tôi, vợ tôi mới đẻ, con tôi “kháu” lắm. Tôi có hy sinh, các anh giúp đỡ nhé. Tôi chết hụt nhiều lần rồi. Lần này tôi có cảm giác thế, nhưng khó mà chết được tôi”. Anh nói chuyện bình thản và tươi vui. Tôi ôm lấy anh: “Ta không sợ chết! Nhưng cố mà sống chứ!”. Anh cười từ biệt tôi, xốc lại vòng ngụy trang, chào đúng điều lệnh, xin đi trước để làm nhiệm vụ tiền trạm. Tôi nhìn theo bóng anh, tự nhiên cảm thấy một cái gì rất đẹp, đẹp vô cùng; vừa suy nghĩ như một vị thiên thần vũ dũng, lại vừa xao xuyến, dịu dàng như đôi mắt một cô gái xinh đẹp.
Mùa xuân cứ đi!
Nhưng mùa xuân rất xuân phải là mùa xuân bộ đội!
Viết đến đây, kể cũng đã dài, vậy mà có cảm giác như mới bắt đầu vậy. Phải, đã là mùa xuân thì có khi nào lại tàn, đã là chuyện bộ đội thì có lúc nào lại hết. Đã là mùa xuân thì trời mưa phùn hoa cũng cứ nở, trời nắng ấm lộc cũng cứ xanh tươi, xuân là xuân trong nhựa cây dào dạt, xuân trong khí trời rộn rã.
Vì vậy bất kể là chiến tranh hay hòa bình, mùa xuân bộ đội vẫn cứ rất xuân. Mùa xuân tươi đẹp là vì đất trời, cây cỏ tươi đẹp. Vậy thì cây cỏ tươi đẹp là cây cỏ của mùa xuân. Bộ đội vẫn cứ mãi mãi là bộ đội của mùa xuân. Những cái chứa đựng trong tâm hồn bộ đội vẫn mãi mãi là những cái gì cao cả, to lớn, rộn ràng, vui vẻ. Chí khí anh hùng, hành động anh hùng của bộ đội tiếp tục xuất hiện trên các công trình lao động: lao động học tập, lao động xây dựng, lao động sản xuất. Trong những công việc bình thường vẫn lóe lên những hình ảnh sáng ngời từ dòng nhựa sống “rất xuân”. Đây thì xuất hiện những ngựa thiên lý, kia xuất hiện những cờ tiền tiến, cờ hỏa tiễn. Đã từng xuất hiện những đội quân lấy thân mình lấp đê vỡ, úp giữ mái nhà bị bão. Có Phạm Minh Đức không tiếc thân mình cứu nhân dân. Lại có những tổ lao động Pa-ven, tổ Ốt-trốp-ski. Nơi thì bắt mặt trời dừng lại, nơi thì lấy đuốc thay mặt trời, nơi thì kéo dài ngày ra hai mươi bốn tiếng, có nơi kéo dài ngày đến ba mươi sáu tiếng. Đã cùng nhân dân vắt đất ra sông, lại còn “ngăn sóng biển Thái Bình Dương, thay đổi bản đồ Tổ quốc”, biến đồi hoang thành vườn hoa, cây quả, v.v…
Cả một xã hội đang thay đổi từng giờ từng phút. Cánh đồng xanh càng ngày càng xanh biếc, những mái nhà đỏ tươi của xưởng máy, trường học, nhà thương, nhà hát, mỗi ngày mọc lên một nhiều, rải rác khắp nơi, xinh tươi rực rỡ. Những mảnh ruộng con đang thay đổi hình dáng để to ra. Những cảnh từng người lẻ loi làm việc giữa đồng biến mất, nhường chỗ cho từng đoàn, đội sản xuất nhộn nhịp tưng bừng.
Những tin tức từ miền Nam, những cuộc mít-tinh đấu tranh, những cuộc thi đua vì căm thù Phú Lợi,… Tất cả như đang giục giã mọi người phải làm gì đây để xây dựng miền Bắc vững mạnh, để nhanh chóng tống cổ đế quốc Mỹ ra khỏi nửa nước thân yêu, để nhân dân miền Nam nhanh chóng thoát khỏi cảnh dầu sôi lửa bỏng.
Và những buổi tiễn đưa vắng vẻ bên cầu đá, dưới gốc đa, đầu bờ tre trước đây đã thay thế bằng những cuộc tiễn đưa sôi nổi ở đình làng, ở trụ sở có quân nhạc, văn công, chiếu bóng. Những cuộc ra đi gói áo nắm cơm lòng nặng căm thù khi xưa thay thế bằng những cuộc ra đi từng đoàn mũ áo chỉnh tề thơm mùi vải mới, tươi vui phấn khởi. Tình hình chung thế đấy thôi, chứ còn mỗi người ra đi đều vẫn mang theo dòng máu của những người đã về, người mới tới cũng vẫn mang theo những dòng máu của những người cũ vẫn còn ở lại.
Bộ đội đang hình thành hai lớp người, kể về tuổi tác thì đó là anh em, hoặc chú cháu, bố gặp con, chào nhau vui vẻ, nhưng đều cùng ngượng nghịu. Phải, trong bộ đội hiện nay không phải ai cũng trẻ cả, lớp người lớn tuổi đang chăm lo cho lớp người trẻ, trao lại những kinh nghiệm, truyền thống, bản lĩnh cho lớp người kế tiếp, còn lớp người trẻ tuổi thì từ cái hăng hái bồng bột lúc ra đi, trải qua một thời kỳ thử thách ngắn ngủi cũng đang tự rèn luyện cho tuổi thanh xuân của mình hấp thụ lấy cái truyền thống mùa xuân của bộ đội. Trong mùa xuân thì một cây nhiều tuổi càng nhiều chồi lộc, càng tỏ ra cứng cáp mạnh mẽ, và cũng là cây của mùa xuân. Trong bộ đội tuổi thanh xuân không phải chỉ là của riêng lớp người măng trẻ.
Chúng ta đã từng thấy những cây bàng cao lớn, thường rùng mình rũ hết đám lá vàng khô trước làn gió mạnh để lại vươn lên những búp lá non tươi thắm. Trong bộ đội cũng có những người như cây bàng phải chờ các làn gió lạnh rũ cho hết những chiếc lá vàng của trì trệ, bảo thủ, già cỗi và luôn luôn mọc lên những mầm non lá mới. Có lúc nào đó, một anh cán bộ đã vỗ về, dỗ dành một đồng chí tân binh buồn khóc vì nhớ nhà hoặc chưa biết tập tành, chưa giữ được nội quy kỷ luật. Nhưng cũng có lúc nào đó một anh cán bộ khác hoặc cũng vẫn anh ấy thôi, phải chau mày suy nghĩ về một khả năng mới, một sáng kiến của một đồng chí tân binh.
Tôi vừa lượm được một chuyện lý thú: một đồng chí cán bộ trung cấp tuổi xấp xỉ tứ tuần, có con gái lớn mười sáu tuổi, đã có dịp sống chung với một tiểu đội có ba đồng chí tân binh, có một tân binh lớn tuổi nhất, buồn rầu, ít nói, hay ngủ gật, chậm chạp, lì xì, mọi người chê bai. Đồng chí cán bộ đã hết sức gần gũi, động viên chuyện trò tâm sự giáo dục về nhiệm vụ thanh niên, truyền thống đơn vị cho đồng chí tân binh kia. Kết quả đồng chí tân binh tập tành các môn đều đạt thành tích khá, trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát, vui vẻ.
Khi kể lại chuyện này, đồng chí cán bộ còn nói lên suy nghĩ về khả năng của tầng lớp thanh niên. Anh nói: “Anh em rất nhiều tâm sự, nhiều suy nghĩ, nhiều khát vọng, ước mơ, điều đó càng làm cho chúng tôi, những cán bộ tuy đã lớn tuổi, được rèn luyện, lại càng thêm náo nức, luôn luôn sống lại tuổi thanh xuân của mình, càng lo nghĩ đến trách nhiệm của mình”.
Tôi đã có dịp gặp chính tiểu đội kia. Tôi cũng đã gặp đồng chí H. hay ngủ gật và đồng chí L. là những tân binh rất thân với đồng chí cán bộ kể trên. Trong thời gian ở với nhau, các đồng chí tân binh đã có dịp đến nhà đồng chí cán bộ chơi và vẫn gọi đùa đồng chí cán bộ là bố - đơn vị đóng quân tại quê đồng chí cán bộ - Anh em trong tiểu đội đều kể lại tình bạn giữa đồng chí cán bộ với các đồng chí H., L.
Khi bắn tập, các đồng chí tân binh đã động viên khuyến khích đồng chí cán bộ: “Đấy, con lau súng, lau sạch đạn cho bố đây, còn điếu thuốc lá bố đưa chúng con hút rồi, bố vào cứ bình tĩnh mà bắn đấy nhé, nếu bố bắn trượt thì không khéo không được gọi là bố nữa”. Đồng chí cán bộ đã bắn trúng và cả tiểu đội đều vui vẻ.
Thật đúng như ý nghĩ của đồng chí cán bộ nọ. Những cây non chứa đựng đầy nhựa sống, ta phải chăm chút cho cây non mọc nhanh, rèn luyện cho cây non quen dạn với gió mưa, sương nắng để trở nên khỏe khoắn, nhưng những cây to cũng phải được rũ mạnh cho những cọng lá vàng úa rơi đi để cây càng cao cành mạnh mà đua nở nhiều búp non hoa thắm trong vườn xuân rực rỡ.
Tôi không muốn nói nhiều đến những hình ảnh anh bộ đội ngày nay. Tôi muốn suy nghĩ về một cái gì trừu tượng, mà chính cái trừu tượng ấy mới là mùa xuân của bộ đội. Cái trừu tượng ấy ta không nhìn thấy, nhưng nó giống như nhựa sống trong thân cây. Nó bị che khuất đấy thôi, chứ nó vô cùng cụ thể. Cho nên không thể gọi cái hoa, cái quả, cái lá non là nhựa sống; nhưng chính lại nhờ nhựa sống nuôi nấng mà hoa quả lớn lên.
Quân đội ta sôi nổi yêu đời, hướng về tương lai giống như hình ảnh một chiến sĩ hải quân trên boong tàu đang lướt nhanh đăm đăm nhìn về chân trời xa chói nắng, lộng gió và rực rỡ mây vàng. Quân đội ta đầy sự tích anh hùng, đầy những chuyện đậm đà tình yêu thương, trong sáng như đôi mắt trẻ thơ, ngọt ngào sâu sắc như tình mẫu tử, bát ngát rộn ràng như tình bạn trẻ. Quân đội ta bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, của con người, nhưng còn chăm sóc cả sự sống của cây cỏ, của hoa lá. Trong lịch sử, đã có những quân đội như quân đội của bọn đế quốc chỉ mang theo chết chóc, buồn thảm, chán nản. Nhưng ngày nay, quân đội ta, một quân đội cách mạng, chỉ mang theo sự sống và niềm vui.
Quân đội ta mang theo mùa xuân, là bộ đội của mùa xuân.
Quân đội ta là một cánh tay xây dựng xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa. Quân đội ta mang theo lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đang rèn luyện tu dưỡng nếp sống, đạo đức cộng sản chủ nghĩa. Nếu một xã hội mà tất cả mọi người lao động được hoàn toàn giải phóng, một xã hội chỉ có lao động, học tập, vui chơi, nếu xã hội đó là mùa xuân của nhân loại thì quân đội ta là đội quân của mùa xuân ấy. Cái trừu tượng tôi nói trên kia, chính là cái lý tưởng giải phóng nhân dân lao động, phục vụ nhân dân lao động xây dựng một xã hội mới mẻ. Cái lý tưởng có được là do Đảng ta sinh ra bộ đội và lãnh đạo, giáo dục bộ đội.
Chào mừng ánh nắng của mùa xuân một lời chào thân thiết!
Chào mừng và biết ơn từ tận đáy lòng Đảng Cộng sản – “ông Tạo hóa” – của mùa xuân đặc biệt của con người!
Chào mừng mùa xuân của nhân loại với tất cả nhiệt tình sôi nổi, hy vọng chứa chan và tất nhiên chào mừng mùa xuân rất tươi sáng của bộ đội cũng như chào mừng bộ đội của mùa xuân vĩnh viễn!

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét