Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

Thư tâm huyết


Nhà văn Võ Bá Cường
...
Trong những giờ phút nghiêm trọng ấy, ông đã lựa chọn cách viết một lá thư không gửi cho Bộ Chính trị mà chỉ gửi cho anh Ba, anh Năm, anh Sáu, vừa mang tính chất chung, gửi cho các anh tức là gửi cho Bộ Chính trị, nhưng nó mang tính chất cá nhân với tinh thần suy nghĩ của một đứa em đối với các anh lớn. Tướng Độ thấy cách này là thỏa đáng nhất, hay nhất. Lá thư dài mười bốn trang, viết trong một tháng. Nguyên văn như sau:  


“Kính gửi: Anh Ba, anh Năm, anh Sáu (Anh Ba là đồng chí Lê Duẩn, anh Năm là đồng chí Trường Chinh, anh Sáu là đồng chí Lê Đức Thọ).
Vừa qua trong mấy tháng, tôi đã đọc Nghị quyết 22, nghe báo cáo một số tình hình, đi chơi thăm các tỉnh ở Việt Bắc, Nam Hà, Thái Bình, được nghe chuyện cụ thể của một số cán bộ kể có ý muốn phản ánh các khía cạnh của tình hình. Tôi được Trung ương cho đi chơi thăm nước Cộng hòa Dân chủ Đức, lúc về tôi qua Moscow vài ngày, Bắc Kinh vài ngày.
Qua tất cả cả các sự quan sát, thấy và nghe được, tôi chưa chú ý đi sâu nghiên cứu có hệ thống được một số vấn đề nào nhưng tổng hợp những điều đã thấy và nghe được, tôi có một số cảm giác, ấn tượng. Tôi không muốn chờ đợi mà tôi muốn báo cáo với các anh những cảm giác, ấn tượng và có đôi chút suy nghĩ sơ bộ với các anh. Tôi không có tham vọng đề đạt một ý kiến to tát nào. Vì tôi chắc Bộ Chính trị đã nắm tình hình và đã suy nghĩ rất nhiều, đã được nghe nhiều ý kiến, đã có nhiều dự án.
Tôi chỉ muốn để các anh thấy thêm một số khía cạnh, có tác dụng làm phong phú thêm cho sự suy nghĩ, nói cách khác là tôi cũng nêu lên những thắc mắc, những mong mỏi, những câu hỏi để các anh suy nghĩ giải đáp trong lúc các anh cũng đang giải đáp những vấn đề đã đặt ra.
I
Ở miền Bắc đang có nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội và cả trong các tổ chức Đảng, trong bộ máy chính quyền. Và những hiện tượng tiêu cực trong tổ chức Đảng và chính quyền tác động nhiều trong xã hội. Điều đó ai cũng thấy. Thế nhưng vấn đề là tại sao nó lại biến chuyển chậm chạp ? Sự biến chuyển chậm chạp này đã tạo nên một tình trạng giảm sút lòng tin trong cán bộ, trong đảng viên, trong nhân dân và đáng lo ngại hơn cả là trong thanh niên. Tôi đã gặp một số thanh niên, họ nói thực lòng : “Họ tin và họ phục lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc. Nhưng đứng trước hiện tại và tương lai họ giảm sút lòng tin”.
Giảm lòng tin vào những mục tiêu cụ thể của các sự nghiệp, giảm lòng tin vào lý tưởng, vào đường lối.
 Những hiện tượng tiêu cực của xã hội (và trong Đảng, trong chính quyền) làm vẩn đục sự trong sáng và đẹp đẽ của những lý tưởng, đầu độc những lòng say mê hăng hái có tính chất lãng mạn cách mạng, tạo nên một triết lý “sống tiêu cực” tạo nên “một thế lực xã hội” bao vây và xô đẩy những tâm hồn trung thực.
Tình trạng trên có những nguyên nhân và khuyết điểm là sự kém cỏi trong sự lãnh đạo quản lý xã hội. Nhưng có phải nó còn đang phản ánh một cái mâu thuẫn gay gắt giữa những nhu cầu ngày càng cao do được kích thích bởi sự phát triển văn hóa và tình hình phát triển của thế giới với sự thiếu thốn cùng cực của cơ sở vật chất của ta ? Tức là mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất phát triển nhanh và sức sản xuất không theo kịp. Có phải một mặt ta phải khắc phục tình trạng quản lý kém và đồng thời phải tìm cách nhanh chóng nâng cao cơ sở vật chất của ta lên không?
Về mặt quản lý có nhiều vấn đề nhưng hình như ta đang có hiện tượng:
- Đẻ ra nhiều tổ chức quá làm cho bộ máy ngày càng nặng nề cồng kềnh mà lại vướng víu lẫn nhau?
- Đã nhiều tổ chức mà ít luật pháp, ít điều lệ quy định cụ thể rõ ràng, để bắt buộc chức trách, để buộc mọi người phải tự giác tôn trọng,
- Tổ chức thiếu ổn định, thay đổi luôn. Tình trạng đó biểu hiện ở một vài hiện tượng cụ thể,
- Kỷ luật lao động lỏng lẻo,
- Tùy tiện, đẻ ra tình trạng mà ta gọi là “cửa quyền”, bất cứ một nhân viên nhỏ nào cũng “sáng tác” ra những quy tắc cụ thể của mình, gây rất nhiều chậm trễ rắc rối trong công việc,
- Mơ hồ, trống rỗng, không cụ thể, ví dụ về luật lệ giao thông : rất ít những biển có ký hiệu luật lệ cụ thể mà nhiều khẩu hiệu vớ vẩn :
“Cấm bóp còi inh ỏi”,
“Cấm phóng nhanh vượt ẩu”,
“An toàn là bạn, tai nạn là thù”.
Thế nào là còi inh ỏi và không inh ỏi. Thế nào là phóng nhanh ? Trong khi đó có những ký hiệu cấm còi, cấm vượt, hạn chế tốc độ có tính chất quy ước quốc tế rồi?
- Nhiều công việc chưa có nội dung, quy tắc cụ thể đã có nhiều tổ chức, nhiều hội đồng nên có thể nói hữu danh vô thực,
- Nhiều phê phán, mà ít phạt nghiêm, thưởng phạt khen chê, không dứt khoát, không rõ ràng. Đãi ngộ vật chất người có công lẫn lộn với trao quyền chức cho những người không có năng lực,
- Đội ngũ “về hưu”, về hưu về công tác lao động chức quyền xã hội lại vẫn là “vai vế trong Đảng” thì có hợp lý hay không?
- Báo chí thường phản ảnh không thực chất tình trạng thực tế nhất là của các sinh hoạt đoàn thể (và đáng chú ý hơn cả là Đoàn thanh niên và đội Thiếu niên tiền phong).
Theo tôi thấy cần phải xác định và tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc, ví dụ :
- Khi nào có nội dung nhiệm vụ cụ thể xác định được các quy tắc quyền hạn quan hệ, có điều lệ cụ thể về hoạt động cụ thể hãy nên tổ chức,
- Phải làm thế nào có một sự tập trung có hiệu lực trong từng bộ phận và trong cái toàn thể để tránh tình trạng :
+ Đường lối, nghị quyết hay nhưng tổ chức thực hiện (kế hoạch, chương trình) dở,
+ Chủ trương cấp trên giải quyết nhanh linh hoạt dễ dàng, nhưng chuyển xuống đến bộ máy là cứ dằng dai kéo dài, thậm chí không giải quyết được. Cần phân biệt “cố vấn, nghiên cứu” với chỉ đạo thực hiện.
* * *
Trước mắt tôi nghĩ không biết có nên giải quyết gấp, chấn chỉnh mấy mặt bằng luật pháp có hiệu lực.
- Luật pháp về trật tự xã hội để củng cố trị an và củng cố quan hệ sản xuất,
- Trừng trị thật nặng những kẻ dựa vào chức quyền để làm giàu và những kẻ bất kể động cơ gì xâm phạm đến tự do thân thể danh dự và tài sản của người khác một cách bất hợp pháp,
- Tạo những điều quy chế có tính chất phổ cập thường xuyên ở các nơi công cộng và có lực lượng quần chúng tham gia tích cực xây dựng,
- Nghiêm ngặt ban hành và tổ chức thực hiện, chấn chỉnh các phương tiện để duy trì tốt luật giao thông.
Tôi thắc mắc trong lịch sử, có những lúc những tên độc tài có thể biến chuyển tình hình xã hội trong một thời gian ngắn.
- Na-pô-lê-on trong mấy tháng chuyển một đội quân ô hợp thành một đội quân thiện chiến,
- Pierre đệ nhất của Nga cũng biến chuyển nước Nga lạc hậu trong vòng một số năm.
Tất nhiên ta không bắt chước bọn phát xít độc tài. Nhưng ta phải suy nghĩ xem bí quyết của chúng ở chỗ nào, mà có thể nhanh chóng thay đổi tình hình một xã hội?
Thông thường là ở thưởng phạt thật nghiêm khắc, có nhiều vụ thưởng phạt điển hình được truyền tụng, có những biện pháp mạnh, vừa có tính cổ vũ vừa có tinh cảnh cáo, tạo thành một sức mạnh “xã hội”.
Ở Đức, hậu quả của các chế độ Bismach, Friederich, Hitler còn lại phần tích cực là tính kỷ luật rất cao trong nhân dân Đức. Đó là một sự thật khách quan ta phải thừa nhận.
Cho nên ta cần có những luật pháp, những bộ luật và những lực lượng có hiệu quả thi hành những điều luật đó. Đó là các cơ quan thanh tra kiểm soát, đó là các lực lượng Công đoàn, Thanh niên, Thiếu niên và cả Phụ nữ.
Muốn cho thật có hiệu lực, phải thanh Đảng thật nghiêm túc và có thể “công khai”. Hiện ta đang có cuộc học tập vận động có tính chất thanh Đảng đấy ! Nhưng tôi cảm thấy chưa đủ liều lượng. Cần tập trung :
- Đưa ra khỏi Đảng : những người lười biếng, những người lợi dụng chức quyền ăn cắp làm giàu, móc ngoặc với gian phi. Những người đã hết khả năng lãnh đạo,
- Cần có danh hiệu “Cựu Đảng viên” cho những ai không có khuyết điểm nhưng hết khả năng công tác và lãnh đạo, đã về hưu ... để có đãi ngộ mà không cần giao chức quyền, không cần tham gia sinh hoạt lãnh đạo để giảm bớt chất ì trong các tổ chức Đảng.
Nên thực hiện chế độ thẻ đảng viên. Cần có cuộc vận động tương tự trong Đoàn thanh niên và cũng nên có vận động phát huy đổi thẻ Đoàn viên với những nội dung có tác động tích cực thúc đẩy các yếu tố tích cực.
* * *
Tất nhiên có hàng loạt việc phải làm nhưng tôi “cảm thấy” cần tập trung có trọng điểm, tập trung và biện pháp mạnh để thực hiện một sự kiên quyết nghiêm túc và có hiệu lực, có tác dụng cổ vũ nhân dân, củng cố lòng tin, nhằm biến chuyển nhanh chóng tình hình trong thời gian ngắn. Phải có những việc làm có tác động mạnh mẽ, sôi nổi về tinh thần và cổ vũ những yếu tích cực. Nhưng dù sao đó cũng là một mặt có tính chất ở “thượng tầng kiến trúc”. Còn vấn đề có ý nghĩa cơ bản ở “hạ tầng cơ sở” là vấn đề xây dựng kinh tế, vấn đề tạo cơ sở vật chất.
Tôi xin có mấy ý kiến như sau:
II
Về vấn đề này tôi không dám có những ý kiến gì nhiều. Vì thật ra là rất dốt, lại xa các công việc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã 10 năm nay. Nhưng cũng có những cảm giác và ấn tượng muốn trình bày với các anh.
Đi tham quan nước Đức, chỉ đi chơi có tính chất du lịch, chủ yếu là quan sát và đọc tài liệu giới thiệu đơn giản. Nhưng qua hệ thống đường xá qua cơ sở các thị xã, thị trấn, thành phố họ đã có và đang xây dựng, qua các di tích lịch sử về nền văn hóa và cả về công nghiệp của họ thì tôi có ấn tượng tương đối rõ ràng về cái gọi là :
Xây dựng chủ nghĩa xã hội sau khi đánh đổ chính quyền của tư bản chủ nghĩa và xây dựng xã hội không qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa.
Nó có hàng loạt vấn đề về quy luật đặt ra. Những quy luật cơ bản là những gì. Và những quy luật của công việc xây dựng xã hội chủ nghĩa là những gì.
Có lẽ khi Đảng ta đặt vấn đề “Bước đi ban đầu” có lẽ đã phát triển lên một quy luật rồi chăng?
Nếu chủ nghĩa tư bản có một thời kỳ tích lũy tư bản, hết sức tàn khốc mà cũng dài lâu mới có của cải vật chất để phát triển và mới có những cơ sở vật chất, những vốn về tổ chức, về kỷ luật, về kỹ thuật cho tư bản chủ nghĩa phát triển và những cái đó lại là những vốn hết sức quan trọng tạo điều kiện cho việc xây dựng xã hội chủ nghĩa sau này, thì chủ nghĩa xã hội với những yêu cầu về phân phối của nó rõ ràng đòi hỏi một cơ sở vật chất thế nào đây.
Có phải nội dung của bước đi ban đầu là tạo một cơ sở vật chất tối thiểu, để làm đà cho sự phát triển xã hội chủ nghĩa không? Và yêu cầu của cái cơ sở vật chất tối thiểu ấy là gì?
Ví dụ lấy con số về yêu cầu điện đầu người và thép đầu người thì con số: 1500 kW/giờ đầu người/năm và 100 kg gang thép đầu người là con số yêu cầu tối thiểu hợp lý chăng?
Chủ nghĩa tư bản tạo cơ sở vật chất bằng tích lũy tư bản tàn khốc. Vậy chủ nghĩa xã hội không qua tư bản chủ nghĩa phải tạo cơ sở vật chất bằng gì? Có lẽ cơ bản bằng tích lũy lao động tập thể.
Thế nhưng đặc điểm cơ bản và cũng là điều kiện tiên quyết cốt tử cho các nước thuộc địa tiến lên xã hội chủ nghĩa là có phe xã hội chủ nghĩa, có Liên Xô. Ngoài ra còn có thế giới thứ ba, có cách mạng khoa học kỹ thuật thế giới. Và riêng Việt Nam mình lại có hai miền, nhiệm vụ giải phóng dân tộc và dân chủ nhân dân chưa hoàn toàn xong. Tác động của chủ nghĩa thực dân mới về kinh tế miền Nam thế nào ta đánh giá chưa rõ (sẽ phát biểu phần sau). Vậy thì ta làm gì ?
Yêu cầu gay gắt là trong một số năm ta phải làm những việc mà tư bản chủ nghĩa làm bằng mấy trăm năm. Ta làm thế nào và khai thác đặc điểm của thời đại ra sao? Tôi cũng thấy rõ Trung ương ta đang đặt vấn đề như vậy:
- Dựa vào phe xã hội chủ nghĩa,
- Khai thác cách mạng khoa học kỹ thuật,
- Lợi dụng cả tham vọng của những nước tư bản tương đối tiến bộ hoặc cả những bọn tư bản đế quốc mà tạm thời chưa phải là kẻ thù trực tiếp.
Nhưng qua những tài liệu tôi được đọc và báo cáo tôi được nghe. Tôi có “cảm giác” ta chưa thật mạnh bạo tập trung và dứt khoát, linh hoạt.
Còn nhiều lúng túng trong việc xác định quy luật của kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Ví dụ : Quy luật của Stalin phát biểu thì có phải đấy là quy luật, hay đấy là yêu cầu của chủ nghĩa xã hội.
Lại lấy ví dụ về quy luật giá trị thì trên thực tế thị trường thế giới chủ nghĩa tư bản dùng giá trị sử dụng làm phương tiện để thu lợi nhuận, thì giá trị sử dụng hàng hóa của tư bản lại cứ phát triển tiến bộ, còn ta giá trị sử dụng là mục đích trực tiếp của sản xuất thì giá trị sử dụng hàng hóa lại không cao, riêng Việt Nam thì cứ theo “quy luật” thụt lùi, trước tốt sau xấu? Đó là hiện tượng gì?
Riêng tôi càng thấy lúng túng nhiều trong việc nhận thức những cái gọi là quy luật này. Có điều rõ ràng là tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa chỉ có thể phát huy nhiều, phát huy đầy đủ khi nào ta có một nền công nghiệp khá. Hiện nay ta vừa phải tạo cơ sở vật chất cho nền công nghiệp đó vừa phải rèn luyện con người và tổ chức xã hội chủ nghĩa cho phù hợp với nền công nghiệp đó.
Cơ sở vật chất của chủ nghĩa tư bản nó buộc con người phải sống cho phù hợp và nó cuốn tổ chức xã hội phải phù hợp với cơ sở vật chất phát triển của nó. Nhưng chủ nghĩa xã hội ta lại chuẩn bị cho con người và tổ chức xã hội để đẩy mạnh công nghiệp hóa và có lẽ đó cũng là nhiệm vụ của vô sản chuyên chính chăng?
* * *
Bây giờ yêu cầu cấp bách có nên đặt vấn đề ta cần phải có những chính sách hết sức táo bạo như kiểu Lênin định ra “Chính sách kinh tế mới”, sau khi kết thúc nội chiến ở Nga với một nền kinh tế xơ xác tiêu điều không?
Tôi nói “như kiểu” nghĩa là với một tinh thần mạnh dạn táo bạo và dứt khoát như vậy, chứ không phải theo nội dung của Lê Nin lúc đó, vì điều kiện lịch sử đã khác nhau hẳn. Ví dụ như thế này : Ta phát huy hết mức cái ưu thế về tài nguyên phong phú của ta, có những chính sách táo bạo mạnh dạn thu hút sự đầu tư của các nước anh em chủ yếu là các nước có kỹ thuật cao mà lại cần đến tài nguyên của ta. Thu hút mạnh dạn đầu tư của các nước tư bản chủ nghĩa chưa phải thù địch (như Thụy Điển, Pháp, Nhật). Có thể ta chịu thiệt đi một ít kể cả những thứ quý giá, kể cả một số mặt về lâu dài. Nhưng ta tập trung giải quyết mấy yêu cầu cốt tử của ta để đạt cho bằng được trong một thời gian ngắn, coi như ta phải bán tài nguyên quý đi để đạt được những yêu cầu cơ bản trước mắt là những yêu cầu cơ bản nền tảng cho lâu dài. Chứ nếu cái gì ta cũng muốn giữ cả vừa cứ nhập nhằng thì e rằng có khi thiệt (chứ không đến nỗi mất) cả chì lẫn chài.
* * *
Tôi có những suy nghĩ đại khái như thế này:
Ta cần hết sức tập trung vào điện, thép và dầu (Tôi chưa rõ ý nghĩa của cái “cơ khí là then chốt” lắm) bằng cách cho các nước đầu tư vào đứng ra làm, ta giữ vững chủ quyền về chính trị và kinh tế, làm sao sau một thời gian họ có lãi đến mức nào đó thì cái đó trở lại hoàn toàn thuộc về ta. Ví dụ như dầu có thể trao hẳn cho Nhật Bản làm cái gì đó với những điều kiện nào đó và đồng thời đòi Nhật phải giải quyết giúp ta những mặt khác.
Còn những cái khác ta làm như đổi. Ví dụ nước anh em nào cần đồng, titan... thì mời anh em đem kỹ thuật phương tiện và nhân viên đến xây dựng cơ sở khai thác và khai thác đi nhưng đổi lại, anh em làm cho tôi các cơ sở khai thác và chế biến quặng sắt, đúc thép, các cơ sở nhiệt điện, thủy điện... với yêu cầu ta đạt được mục tiêu của ta, bạn có lãi có lợi (và tất nhiên về chỗ đó: đồng, apatit, titan ... ta chịu thiệt). Sau một thời gian bạn đã có lãi rồi thì tất cả vẫn là của ta. Ta còn có thêm crom, chì, kẽm thậm chí cả cái thứ “đất nặng” quý giá tôi nghĩ ta vẫn có thể đổi. Làm như vậy tôi tưởng tượng ra quang cảnh là tự các bạn mang xe cộ phương tiện vật liệu xây dựng đến, huấn luyện cho công nhân ta. Sau 10, 15, 20 năm thì những thứ đó là của ta và trước mắt thì cũng là làm thay đổi quang cảnh của đất nước.
* * *
Lại một suy nghĩ nữa về ta khai thác lợi thế thiên nhiên của ta.
Ví dụ: ta mời nước nào giỏi về tổ chức du lịch (tôi thấy CHDC Đức cũng khá giỏi về cái này) ta trao cho họ tổ chức du lịch ở Vịnh Hạ Long, ở rừng Cúc Phương. Họ xây dựng tổ chức khách sạn và họ thu tiền ta chỉ lấy một tỉ lệ thuế đủ cho họ thu lãi và vốn của họ.
Sau mấy chục năm ta cũng sẽ thu hồi cố nhiên việc này phức tạp và cũng không biết có nước nào họ thích thế không? Ví dụ ta lại dùng hình thức kết nghĩa giữa các tỉnh của hai nước, ta đưa công nhân của ta sang họ. Ví dụ đưa sang với thời gian 10, 15, 20 năm với những điều kiện:
- Họ phải để thời gian huấn luyện 2 - 3 năm;
- Số người đưa sang có tỉ lệ nam, nữ và người yếu (thương binh còn khỏe), người lớn tuổi...;
- Có những quy chế đi lại trong thời gian làm việc;
- Quy chế đối với những gia đình lập trong thời gian đó (việc học tập của các cháu...).
Tôi không biết vấn đề này có liên quan gì đến quốc thể không? Và đúng là giữa các nước xã hội chủ nghĩa chưa bao giờ có vấn đề như thế này. Nhưng nếu ta không câu nệ, có thể đưa sang trên dưới độ triệu người thì ta phát huy được lực lượng ta, ta tích lũy vốn, người, kỹ thuật cho ta sau này. Tạo công ăn việc làm được cho số người càng đông của ta…
Đây có thể là một ý nghĩ ngây thơ, nhưng riêng chủ quan với cách suy nghĩ của tôi, tôi cũng thấy thiết thực và có thể là một hình thức rất mới mẻ, rất mới mẻ của sự hợp tác giữa các nước xã hội chủ nghĩa chăng?
Tôi cứ tưởng tượng thế này. Hiện nay một số nước xã hội chủ nghĩa anh em khó có thể giúp ta như Cuba được, mà Cuba cũng lại nghèo và nước nhỏ. Cách giúp là “hai bên cùng có lợi” mà bên bạn đã có lợi thì bên ta phải thiệt.
Nhưng nếu thu hút được đầu tư của bạn vào thì có thể tạo nên nhiều cái lợi khác cho ta. Ví dụ nếu cùng một lúc có hàng chục, vài chục công trường lớn của bạn triển khai thì riêng những việc bạn phải làm đường, đem vật liệu vào xây dựng cũng là tăng thêm của cải cho ta.
Nếu trong vòng 5 - 7 năm ta đưa sức điện của ta lên 10 tỷ kW/giờ và sau 10, 15 năm ta cố có lấy 50 - 60 tỷ kW/giờ thì mới được. Trước mắt phải xây dựng thật nhiều điện chạy than và dầu, trong khi đó ta làm các công trình thủy điện và chạy nguyên tử. Nếu không có cách tập trung rất lớn thì không có cách nào giải quyết.
Tôi không biết hiện nay mỗi năm mình phải nhập bao nhiêu sắt thép nhưng nếu trong vòng 3 - 5 năm mình có sắt thép không phải nhập. Sau đó lại có thể phát triển thêm việc xây dựng và đẩy mạnh chế tạo máy thì ta mới có đà để thúc đẩy các việc khác, nếu nói cơ khí là then chốt mà không có sắt thép thì có vẻ gay go.
Việc xây dựng cơ bản hiện nay đang phát triển rộng khắp mà thiếu sắt thép cũng gay go. Ngoài ra có thể thu xếp để đổi thế nào đó thu hút được việc chế tạo phân bón và phát triển công nghiệp hóa. Tôi nghĩ rằng khi ta đã có điện và thép đến một mức nào đó là ta có thể phát triển toàn diện sang các ngành khác và lúc ấy có thể có đà để có thể phát tiến nhanh chóng được.
* * *
Trên đây là nói về những vấn đề có liên quan đến những chính sách lớn có một tinh thần táo bạo và dứt khoát nhằm có cách để nhanh chóng đẩy mạnh mọi mặt khai thác và tạo ra những cơ sở vật chất cần thiết của thời kỳ ban đầu và tôi có thể quan niệm bước đi ban đầu có thể bao gồm một kế hoạch 5 - 7 năm hoặc hai kế hoạch ngắn hơn.
Mặt khác cần có một chính sách cụ thể để sử dụng quy luật, quy luật giá trị, kết hợp với động viên tinh thần làm chủ của nhân dân để nâng cao chất lượng sản phẩm như:
- Chính sách khen thưởng rộng rãi và kỷ luật nghiêm ngặt đối với các hợp tác xã gia công,
- Chính sách thưởng phạt rộng rãi nghiêm minh với các xí nghiệp quốc doanh,
- Chính sách thu thập ý kiến người sử dụng (kiểu trưng cầu ý kiến) thường xuyên căn cứ vào đó mà xác định việc khen thưởng và kỷ luật.
Nói chung, trong bộ máy quản lý và điều khiển việc sản xuất cũng như trong bộ máy chính quyền của ta, việc thưởng và phạt có vẻ còn quá ít. Nên có những quy định về mặt này và có một thời gian thi hành rất kiên quyết dứt khoát. Dưới chính quyền vô sản chuyên chính phải quan niệm thưởng phạt là một biện pháp giáo dục quan trọng, sự thưởng phạt nghiêm tăng thêm tinh thần tự giác của nhân dân, cán bộ. Ở nước Cộng hòa Dân chủ Đức, mọi người đều chấp hành khá nghiêm túc các quy định về trật tự vệ sinh công cộng và giao thông, trong đó có một tâm lý rõ rệt là ngại công an phạt, đồng thời với ý thức là cần tôn trọng tự do người khác.
Thưởng phạt rõ rệt và quyết liệt mới là cách giáo dục tinh thần trách nhiệm, có hiệu lực nhất, mới góp phần hết sức quan trọng loại dần hiện tượng trì trệ, tùy tiện, làm ăn lơ mơ, đủng đỉnh. Đó là biện pháp quan trọng nhất để nâng cao kỷ luật lao động và từ đó nâng cao năng suất lao động.
Có biện pháp thưởng phạt, mỗi khi thưởng và phạt có kèm vài câu nhắc nhở thì sẽ có hiệu lực hơn 100 lần việc cứ họp suốt tuần, học hết tài liệu nọ đến tài liệu kia.
Tôi quan niệm giáo dục không phải chỉ là lên lớp học tập và có lẽ cũng không phải chủ yếu là lên lớp và học tập. Muốn tạo nên một tập quán xã hội, một tư tưởng xã hội thì phải tạo hành động quen thuộc thường xuyên hàng ngày và muốn thế phải có quy tắc cụ thể và những quy tắc đó ai vi phạm nhất định phải trừng phạt.
Mọi người đi tàu hỏa hết sức “tự giác” đúng giờ đến ga khi tàu chạy (mà không cần ai giáo dục mục đích ý nghĩa cả) là vì không đến đúng giờ thì bị “sự trừng phạt đau đớn ngay”: lỡ tàu.
Phải làm cho bộ máy xã hội chạy một cách quyết liệt, lạnh lùng như đoàn tàu hỏa chạy vậy, buộc mọi người phải đúng giờ ra ga …
Tôi cảm thấy đây cũng là sự mong muốn của đa số đảng viên, cán bộ, thanh niên và nhân dân tôi gặp. Họ cũng muốn tôi phản ánh nhiều tình hình cụ thể với Bộ Chính trị với ý định để Bộ Chính trị nắm tình hình nhiều hơn.
Tuy các anh đã thấy được những tình hình cơ bản, nhưng hiện nay mọi người trung thực đều nóng lòng mong đón một cái gì đổi mới, chuyển biến gì mạnh mẽ, loại trừ mau chóng được một số mặt tiêu cực trong xã hội, đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên. Tôi cũng muốn qua những ý kiến trên đây mà phản ánh với các anh một cách như vậy.
Chín Vinh


Ngồi đọc lá thư này ở thời điểm cách xa nhau 32 năm, Tướng Độ thấy mình bắt mạch rất đúng những đòi hỏi cuộc sống trước hết nói về chỉnh đốn Đảng.
Ông viết: “… Muốn cho thật có hiệu lực, phải thanh Đảng thật nghiêm túc và có thể “công khai”. Hiện ta đang có cuộc học tập vận động có tính chất thanh Đảng đấy! Nhưng tôi cảm thấy chưa đủ liều lượng. Cần tập trung : Đưa ra khỏi Đảng những người lười biếng, những người lợi dụng chức quyền ăn cắp làm giàu, móc ngoặc với gian phi. Những người đã hết khả năng lãnh đạo”. Điều ấy ông đưa ra vào đầu 1974, mãi tới 1983 (sau 9 năm) Trung ương mới có Nghị quyết về việc làm trong sạch Đảng và cuối 1993 mới thực sự có Nghị quyết về chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những phần tử thoái hóa biến chất.
Rõ ràng là lúc đó một số đảng viên đã biến chất, có người lợi dụng vào “tổ chức” trên danh nghĩa mà đứng trên cả Đảng thao túng hết mọi thứ. Kỷ luật trong Đảng ngày một lỏng lẻo. Do lỏng lẻo mà có những cán bộ của Đảng tùy tiện đẻ ra một thứ “cửa quyền”, nhân viên cũng sáng tác ra những quy tắc cụ thể của mình, gây ra rất nhiều phức tạp để chậm chễ công việc.
ớng Độ rất chú ý đến việc làm sao Đảng huy động được các nguồn trí tuệ trong xã hội để giải quyết các vấn đề xã hội đặt ra, trong đó có ngun trí tuệ quan trọng là các cơ quan “khoa học”, cán bộ khoa học.
Trong thư ông nhấn mạnh về tổ chức cán bộ. Ông cho đây là đầu mối của các vấn đề. Ông đòi hỏi phải phê phán và xử lý nghiêm những cán bộ đảng viên hư hỏng thoái hóa biến chất…
Sau này Tướng Độ có viết hồi ký. Trong những trang hồi ký đó ông muốn gửi vào đấy những tâm sự, gửi niềm tin của mình vào Đảng, mong có sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.
Xem những trang viết đầy tâm huyết của ông mới thấy nỗi đau của ông là nỗi đau của người lính suốt cuộc đời đổ xương máu giành lấy độc lập. Ông muốn lưu lại chút lòng trung hậu của người lính cho dân cho nước.
Quê ông lập đền thờ doanh điền Nguyễn Công Trứ, người có công khai khẩn vùng ven biển để “yên nghiệp dân nghèo”. Theo như Tướng Độ hiểu Nguyễn Công Trứ chẳng bao giờ cách biệt với dân, suốt đời thương dân, lo nước, đã đem hết tài năng nghị lực phục vụ cho nước. Về mặt này, tư tưởng ông là nhất quán.
Lần này ông có đến Đông Quách, Tiền Hải thắp hương Nguyễn Công Trứ. Ông biết cuộc đời cụ Trứ thật lắm gian nan, thật nhiều cơ cực. Chỉ vì một việc đề cử người làm quan tri huyện Tiền Hải cụ đã bị Minh Mạng nghi ngờ tấm lòng trung, bị giáng bốn cấp xuống làm tri huyện. Rồi sau này cụ còn bị đày đi làm lính thú ở Quảng Ngãi. Cụ được phục chức chưa được bao lâu, khi Tự Đức lên ngôi, cụ xin về nghỉ. Khi nhân dân huyện Tiền hải đón cụ về dự lễ lập sinh từ thờ cụ thì Tự Đức nghi ngờ, triệu cụ (lúc bấy giờ cụ đã là một ông già 75 tuổi) về kinh thẩm vấn.
Tướng Độ đứng trước sinh từ Nguyễn Công Trứ, ngẩng mặt nhìn trời xanh mà than trước sự cay đắng cuộc đời này dành cho cụ. Rồi Tướng quân đọc vang bốn câu thơ của cụ Trứ viết lúc sa cơ lỡ vận :
Tuổi tác tuy rằng chửa mấy mươi,
Đổi thay mắt đã thấy ba đời.
Ra trường danh lợi vinh liền nhục,
Vào cuộc trần ai khóc với cười”.
Vậy là lúc sinh thời Nguyễn Công Trứ bị đối xử bất công, nhưng giờ đây vẫn còn chịu sự đánh giá vô lý khác, đó là cụ Trứ phạm tội “đàn áp nông dân khởi nghĩa’.
Bằng cuộc đời mình, Nguyễn Công Trứ đã dựng lên phong cách sống “hùng tâm tráng chí” trong sáng hồn nhiên. Tướng Độ hiểu Nguyễn Công Trứ, từ một chàng trai nhà nghèo hăm hở chí công danh trở thành một ông già ngật ngưỡng trong buổi trở về.
Ông già ấy đã đi qua 26 chức vụ khác nhau, từ chức Hành tẩu đến Bộ Thượng thư. Dù ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông thực sự là một ông quan thời xưa có đủ phẩm chất tốt đẹp Trung – Dũng – Nhân – Trí – Tín, thế mà ba lần ông bị “mại trại” vu cáo buôn lậu làm phản.
Giai đoạn lịch sử ấy, có nhiều ông quan lâm vào cảnh như thế, buồn nản cáo quan về nghỉ. Thậm chí có người chống lại triều đình. Nhưng Nguyễn Công Trứ đã không làm như vậy, ông vẫn nén chịu oan ức giữ lấy đạo “Vi thần”. Tướng Độ luôn lấy đó làm gương.


 (Trích Nhớ Nhà văn Trần Độ, Nxb Văn học, 2013)

4 nhận xét:

  1. Cụ Độ rất nhạy bén, nhìn xa trông rộng. Điều cụ phát hiện từ những năm 1973, 74 đúng với cả bây giờ. Khó là "người ta" không biết mà chả chiu nghe, rồi khi biết mà không chịu làm. Chả hiểu thế là thế nào?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sinh lão bênh tử, đa phần con người đều có giai đoạn phát triển và đi xuống. Có những con người quá dựa vao thành công quá khứ để áp đặt cho hiện tại và tương lai nhưng lại thiếu đi trí óc và tầm nhìn. Cụ Độ là người có tầm nhìn vĩ đại nhưng đại đa số đông đảo còn lại thì quá đông thì cũng đành bất lực. Có lẽ phải đến khi xã hội đi vào đỉnh điểm các mâu thuẫn thì lúc đó người ta mới sống chết để thay đổi, để tồn tại?

      Xóa
  2. Đám mới bây giờ thường chỉ đội mũ cộng sản thôi.
    Thực sự thì tên gọi là cộng sản - cộng hòa, hoàng quốc - dân chủ... gì cũng được, cái tiêu chí làm người của dân Việt ta là: Yêu nước, thương nòi.

    Trả lờiXóa