Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

Chiến lược “Việt Nam hoá” chiến tranh của Mỹ đã thất bại, đang thất bại, nhất định thất bại


Ních-xơn bước vào Nhà trắng trong lúc hơn nửa triệu quân viễn chinh Mỹ đã bị bại trận. Giôn-xơn đang xoay xở tìm cách xuống thang chiến tranh sau khi đã đẩy hàng triệu thanh niên Mỹ sang Việt Nam để họ ngã gục trên chiến trường hoặc đã trở về Mỹ trên người đầy thương tật, với sự chán chường và nỗi khủng khiếp về cuộc chiến tranh mà họ đã bị lừa gạt. Tình hình nước Mỹ lúc này đang ngấm đòn.
         Hậu quả của chính sách “sức mạnh” của Mỹ hòng làm bá chủ thế giới bị phá sản thảm hại ở Việt Nam đang đưa nước Mỹ bước vào một khủng hoảng gay gắt, nghiêm trọng và toàn diện trên tất cả các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, tài chính và xã hội. Chính Ních-xơn lúc ấy đã cho rằng “chiến tranh sai lầm và tốn kém ở Việt Nam” đã đưa đến tình trạng vẫn theo lời Ních-xơn, “quốc hội Mỹ thì rối bời, nổi loạn, chính giới Mỹ thì bất đồng, ồn ào như chợ vỡ”.
Nhưng cho đến nay, nước Mỹ mới qua chưa hết một nhiệm kỳ tổng thống của Ních-xơn lại diễn ra những cảnh còn bi đát hơn rất nhiều lần những lời nhận xét chua chát nói trên của chính Ních-xơn. Rõ ràng là cái thực tế bi đát ngày nay của Ních-xơn đã thất bại như thế nào và hiện nay đang ở mức độ nào? Để trả lời câu hỏi thời sự này, thiết tưởng không gì bằng hãy xem qua lại sự thất bại thảm hại của Mỹ - nguỵ trong mùa khô 1970 – 1971 vừa qua.
I. Chiến lược “Việt Nam hoá” chiến tranh của Mỹ đã bị một đòn thất bại có ý nghĩa chiến lược trong mùa khô 1970 – 1971
Trong mùa khô 1970 – 1971, Mỹ đã tung ra chiến trường hơn 70 % quân chủ lực nguỵ, lại thêm một phần ba quân Mỹ trực tiếp phối hợp. Đó là cố gắng lớn nhất về quân sự của Mỹ - nguỵ trong thời gian tiến hành “Việt Nam hoá” chiến tranh. Đây cũng là cuộc phiêu lưu quân sự lớn nhất của Mỹ - nguỵ trong giai đoạn chiến lược hiện tại nhằm :
- Giành giật với ta một thắng lợi có ý nghĩa then chốt về quân sự. Mỹ - nguỵ cho rằng còn các đơn vị chủ lực hùng mạnh của ta ngày nào thì còn nguy cơ cho chiến lược “Việt Nam hoá” của chúng ngày ấy. Chỉ có phá được tuyến hậu cần chiến lược, phá được căn cứ kháng chiến của ta mới làm suy yếu được chủ lực ta, mới đẩy chủ lực ta ra xa các địa bàn mà chúng đang tiến hành “bình định” ở miền Nam Việt Nam,
- Bảo đảm cho cuộc “bình định nông thôn” của chúng được hoàn thành cả ba giai đoạn để làm cho nguỵ quân và nguỵ quyền Sài Gòn ở vào thế ổn định ít nhất trong vòng hai năm. Cùng lúc đó, Mỹ có thể giải vây cho bọn tay sai của chúng ở Lào và ở Căm-pu-chia đang bị lực lượng cách mạng vây khốn. Nếu cuộc phiêu lưu này thành công thì đó cũng là sự thành công của việc thí nghiệm dùng quân nguỵ Sài Gòn làm nòng cốt mở rộng chiến tranh xâm lược ra toàn Đông Dương,
- Ních-xơn hy vọng thắng lợi quân sự trên chiến trường sẽ tạo cho y chỗ dựa về chính trị ở nước Mỹ để tiếp tục thực hiện “học thuyết Ních-xơn”, tiếp tục kế hoạch “Việt Nam hoá” chiến tranh. Thắng lợi ấy sẽ là thực tế chứng minh rằng “học thuyết Ních-xơn đã thành công”, “Việt Nam hoá” chiến tranh đã thành công. Nó sẽ tạo vốn liếng cho Ních-xơn trúng cử một nhiệm kỳ tổng thống nữa trong năm 1972.
Những điều nói trên cho ta cơ sở để nhận xét rằng đây thực chất là cuộc khảo nghiệm có tính chất sống còn của chiến lược “Việt Nam hoá” chiến tranh. Đây cũng là cuộc thử thách rất quyết liệt đối với quân và dân ta. Đây là cuộc đọ sức lớn nhất giữa chủ lực ta với lực lượng lớn nhất của chủ lực nguỵ miền Nam, có sự phối hợp của quân Mỹ về không quân, pháo binh, hậu cần, … trong điều kiện “Việt Nam hoá” chiến tranh. Mỹ - nguỵ đã tính toán hết sức xảo quyệt để thực hiện cuộc phiêu lưu này nhưng chúng không thể nào tính toán được sức mạnh của chiến tranh cách mạng cho nên trên chiến trường Mỹ - nguỵ đã thua một keo rất nặng.
Trên hướng chiến lược trọng điểm là Đường số 9 – Nam Lào, Mỹ đã huy động hơn ba vạn quân cơ động chiến lược của quân nguỵ miền Nam gồm các sư đoàn mà chúng cho là thiện chiến và gần hết các đơn vị thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược, được trang bị mạnh, có 15.000 quân Mỹ đứng bên cạnh, với sự chi viện tối đa của không quân. Thế nhưng, cuộc hành quân đầy tham vọng này của Mỹ - nguỵ đã bị các lực lượng cách mạng của Việt – Lào đánh cho rối loạn từ đầu và sau đó nhanh chóng nện cho chúng những đòn tiêu diệt khủng khiếp, diệt ba trung đoàn và năm tiểu đoàn bộ binh, bốn trung đoàn và hai chi đoàn thiết giáp, tám tiểu đoàn pháo binh, 22.400 tên địch chết và bị thương, 1.000 tên bị bắt. Ta thu và phá 1.320 xe tăng, xe quân sự, hơn 700 máy bay, v.v… Thắng lợi của ta ở Đường số 9 – Nam Lào đã đánh dấu một thất bại thảm hại, một sự suy sụp mới của cả quân Mỹ lẫn quân nguỵ trên chiến trường miền Nam.
Trên hướng Đông Bắc Cam-pu-chia, Mỹ dùng toàn bộ quân chủ lực nguỵ thuộc quân đoàn 3 và một số đơn vị chủ lực thuộc quân đoàn 4 có sự phối hợp tích cực của không quân và pháo binh Mỹ. Cuối cùng, cái gọi là cuộc hành quân “Toàn thắng 1-71” của chúng đã trở thành “toàn bại”. Một chiến đoàn 18 tiểu đoàn bộ binh cùng với một trung đoàn và sáu chi đoàn xe bọc thép bị tiêu diệt, hơn 20 tiểu đoàn khác bị đánh thiệt hại nặng, hơn 1.770 xe tăng, xe quân sự bị phá huỷ, 120 máy bay bị bắn rơi, v.v… Tại đây, cũng như trên Đường số 9 và Nam Lào, quân nguỵ lúc ra quân thì cũng làm ra vẻ hùng hổ, nhưng khi bị đánh thì co lại, bỏ cả xe, cả pháo tháo chạy bạt mạng, hồn vía lên mây.
Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta phối hợp tiến công khá chặt chẽ với quân và dân Nam Lào và Đông Bắc Căm-pu-chia. Mặt trận đường số 9 Khe Sanh, Trị - Thiên, Khu 5, Tây Nguyên và một số vùng đồng bằng Nam Bộ đã đánh tốt, diệt gần tám vạn tên, làm cho Mỹ - nguỵ phải bỏ dở cuộc hành quân đánh ra vùng ba biên giới Việt – Lào – Căm-pu-chia. Chúng ta đã thực hiện phá lỏng, phá rã thế kìm kẹp của địch trên một diện rộng ở nhiều vùng đồng bằng và vùng rừng núi miền Nam, tạo nên một thế chiến đấu khá vững chắc, làm cho chương trình “bình định” của địch bị thất bại nặng ở nhiều vùng quan trọng. Cũng trong thời gian này, phong trào đấu tranh của các tầng lớp đồng bào yêu nước được đẩy mạnh ngay tại sào huyệt của Mỹ - nguỵ ở các thành thị, hướng vào các mục tiêu đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi vãn hồi hoà bình, đòi Mỹ cút về Mỹ, đòi thay đổi tên tổng thống độc tài, gian ác Nguyễn Văn Thiệu, … đã làm cho hậu phương địch càng rối ren, nguỵ quyền Sài Gòn càng lục đục, chia rẽ, đấm đá, đi đến gạt bỏ nhau, mâu thuẫn rất gay gắt.
Rõ ràng là trong mùa khô 1970 – 1971 này, chiến lược “Việt Nam hoá” chiến tranh của Ních-xơn đã bị đại bại về quân sự. Thất bại của Mỹ - nguỵ là thất bại rất nặng nề về chiến lược. Thất bại đó biểu hiện ra rõ nét ở những điểm sau đây :
- Một là, cái xương sống của chiến lược “Việt Nam hoá” chiến tranh là quân nguỵ miền Nam đã bị giáng một đòn búa tạ của các lực lượng cách mạng của ta. Chúng đang đứng trước một nguy cơ sụp đổ.
Về tổ chức, các đơn vị cơ động quan trọng của quân chủ lực nguỵ đều bị hao hụt quân số, vừa xộc xệch, vừa suy yếu, đến nay vẫn chưa củng cố lại được. Muốn đôn quân thì lại không bắt được đủ số lính thay thế, muốn tập trung cơ động nhưng lại sợ chương trình “bình định” tan vỡ.
Về biện pháp chiến dịch và chiến thuật thì cái bùa “bộ binh nguỵ Sài Gòn cộng hoả lực Mỹ” làm lực lượng chiến lược nòng cốt ở miền Nam và trên chiến trường Đông Dương rõ ràng đã “mất thiêng”. Cái mà Mỹ khen ầm lên nào là chiến thuật cơ động bằng máy bay lên thẳng, đóng chốt trên các điểm cao, co lại thành cụm lớn, đột kích bằng xe cơ giới, v.v… đều là những cái đã gây tai vạ khủng khiếp nhất đối với chúng.
Sự suy sụp về tinh thần của quân đội nguỵ Sài Gòn lại bắt đầu ngay trong bộ phận tinh nhuệ nhất và quan trọng nhất là lực lượng tổng dự bị chiến lược của chúng. Dân vệ sợ đôn lên bảo an. Bọn bảo an mất hồn khi phải lên các đơn vị chủ lực. Bọn chủ lực thì lo ngay ngáy phải đôn lên các đơn vị tổng dự bị chiến lược là loại quân dễ bị ăn đòn của chủ lực Quân Giải phóng nhất. Sợ ra trận, sợ hành quân xa, bỏ ngũ, tự thương, nằm co ro trong đồn bốt, làm binh biến, phản chiến đang lan tràn trong quân nguỵ, kể cả trong số những tên, những đồn bốt vào loại ác ôn trước đây.
Trong khi đó thì đối phương của chúng, các lực lượng cách mạng Việt Nam, Lào, Khơ-me chưa lúc nào sung sức bằng lúc này. Mùa khô 1970 – 1971 chẳng những đã tạo ra khả năng đánh tiêu diệt lớn của chủ lực ta, còn mở ra một hiện thực là chúng ta nhất định tiêu diệt được quân chủ lực nguỵ Sài Gòn, đánh bại hoàn toàn về quân sự chiến lược “Việt Nam hoá” chiến tranh của Ních-xơn.
- Hai là, Mỹ - nguỵ thất bại cả trên mặt trận “bình định nông thôn”. Chúng đã phải co kéo lực lượng quay về đối phó rất chật vật với phong trào chiến tranh du kích phát triển ngay tại những vùng mà bọn nguỵ vẫn khoe là “công cuộc bình định đang được hoàn tất”.
Thực tế là ngày nay bọn bảo an, dân vệ, kể cả một số đơn vị chủ lực nguỵ không đủ sức chống đỡ với phong trào chiến tranh nhân dân ở nhiều nơi. Cái mà địch gọi là “lực lượng lãnh thổ” này vốn đã yếu từ trước mùa khô 1970 – 1971 do bị bòn rút lực lượng ra Đường số 9 – Nam Lào và Đông Bắc Căm-pu-chia. Nay lực lượng này càng yếu hơn vì phải “lấp lỗ hổng” quân số cho các sư đoàn chủ lực nguỵ. Nhưng che được lưng thì lại hở sườn. Gần đây, Mỹ - nguỵ lại phải co kéo nhiều đơn vị chủ lực nguỵ về chữa cháy cho công cuộc “bình định”. Do đó, khả năng tập trung quân cơ động làm lá chắn vòng ngoài cho chương trình “bình định nông thôn” bị giảm sút rất rõ rệt so với đầu năm 1971. Trong khi đó, phong trào đấu tranh ở các thành thị miền Nam đang diễn ra sôi sục từng ngày, từng giờ với các hình thức đấu tranh rất phong phú, mục tiêu tập trung, khẩu hiệu hành động thích hợp và từ bước thấp đến bước cao. Đó lại thêm một nguy cơ mới nữa của chiến lược “Việt Nam hoá” chiến tranh.
- Ba là, sau mùa khô 1970 – 1971, tình hình quân sự của Mỹ ở Đông Dương sa sút một cách thảm hại. Bọn nguỵ Viên-chăn suy yếu hơn hồi cuối 1970, chúng đã mất đi nhiều vùng chiến lược quan trọng ở cả Bắc và Nam Lào, đặc biệt là vùng cao nguyên Bô-lô-ven mà hiện nay mưu toan chiếm lại của Mỹ và tay sai đã nhiều lần bị đánh lùi. Bọn phỉ Vàng Pao bị tổn thất nặng, quân Thái Lan không đủ sức tiếp tay cho bọn nguỵ Viên-chăn. Chính quyền tay sai Mỹ ở Viên-chăn tiếp tục tìm cách lấn át nhau, tranh giành quyền lợi trong lúc các lực lượng vũ trang yêu nước Lào tỏ ra vững mạnh hơn trước rất nhiều cả về thế và lực.
Tình thế của Lon Non – Ma-tắc còn xấu hơn.
Trước áp lực mạnh về quân sự của quân và dân Căm-pu-chia, Lon Non đang rất bị động đối phó. Lực lượng bị co kéo và khả năng yếu nên chúng chỉ có thể chống đỡ ở hướng nhất định. Quân nguỵ miền Nam đang lo cho thân phận nó chưa xong, rất khó có thể lại “dại dột” một lần nữa nhảy bổ vào cứu người bạn láng giềng bất đắc dĩ của nó.
Cho đến nay, chúng ta thấy được rõ như thế này : mùa khô 1970 – 1971 đã lật ngược mọi tính toán chiến lược của Mỹ - nguỵ :
a) Chúng muốn nâng quân nguỵ Sài Gòn lên một bước để làm một lực lượng chiến lược tin cậy có thể thay thế quân Mỹ thì đội quân đó lại bị một đòn quá nặng, hiện nay vẫn còn phải cấp cứu.
b) Chúng muốn làm suy yếu lực lượng chủ lực của đối phương bằng cách đẩy ra xa, cắt đường tiếp tế thì chủ lực của đối phương, sau những chiến thắng mùa khô của họ, lại càng tỏ ra có khả năng và sung sức hơn trước.
c) Chúng muốn tạo một thời gian tương đối ổn định để hoàn thành kế hoạch “bình định” mà kết quả vốn vẫn bấp bênh thì nay cái thời gian ổn định đó đã không có mà những kết quả bấp bênh lại đang bị lung lay dữ hơn, đến mức kẻ vốn lạc quan trước kia cũng phải lên tiếng báo động.
d) Chúng muốn đề cao uy thế của nguỵ quyền Sài Gòn, chứng minh hiệu quả của kế hoạch “Việt Nam hoá” với nhân dân Mỹ và thế giới thì nay nguỵ quyền Sài Gòn lại rã rời, thối nát hơn bao giờ hết, dư luận Mỹ và thế giới càng hoài nghi và đả kích kế hoạch “Việt Nam hoá” và cái gọi là “học thuyết Ních-xơn” hơn bao giờ hết.
Đó là những sự thật rõ ràng mà chắc chắn bản thân Ních-xơn và bè lũ tay sai cũng cảm thấy thấm thía hơn ai hết.
Mùa khô 1970 – 1971 đang đẩy Ních-xơn cùng cái học thuyết phản động của y dấn sâu vào cái ngõ cụt mà cách đây ba năm Giôn-xơn đã húc đầu vào, bị bươu đầu mẻ trán phải quay ra.
Thắng lợi mùa khô 1970 – 1971 của quân và dân ta là thắng lợi to lớn nhất sau thắng lợi Tết Mậu Thân 1968. Nó đánh dấu bước tiến mới quan trọng trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Nó chứng minh rõ rệt chiều hướng phát triển cơ bản của tình hình hiện nay là : ta đang ở thế thắng, thế thuận lợi, thế đi lên, Mỹ - nguỵ đang ở thế thua, thế khó khăn, thế đi xuống.
Tuy nhiên, Mỹ - nguỵ còn đang đổ tội cho nhau, đang tìm cách cứu gỡ. Chúng ta có thể khẳng định rằng, chúng càng cứu gỡ thì lại càng thua to lớn. Mùa khô 1970 – 1971 cũng chỉ là một tất yếu trong suốt quá trình Mỹ xâm lược và nhân dân Việt Nam, nhân dân Đông Dương chống xâm lược thôi. Chúng ta đã được chứng kiến một chuỗi dài những mưu đồ của Mỹ và cũng là một chuỗi dài những thất bại của Mỹ. Vì vậy, ý nghĩa thắng lợi mùa khô 1970 – 1971 của ta không thể tách rời khỏi ý nghĩa của toàn bộ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân cả nước ta.

Ảnh: Viếng liệt sĩ ở đền Bến Dược, Củ Chi
 II. Thắng lợi mùa khô 1970 – 1971 và ý nghĩa vẻ vang của cách mạng Việt Nam
Suốt trong 26 năm nay, đế quốc Mỹ đã gây ra không biết bao nhiêu tang tóc trên đất nước Việt Nam ta. Vì sao bọn xâm lược Mỹ đã dốc tiền, đổ của, tiêu phí hàng chục vạn sinh mạng thanh niên Mỹ để chống nhân dân ta bằng cuộc chiến tranh cục bộ với quy mô lớn nhất, dài nhất trong lịch sử chiến tranh xâm lược của nước Mỹ ? Vì sao từ thời tổng thống Tơ-ru-man, Ai-xen-hao, Ken-nơ-đi, Giôn-xơn đến Ních-xơn ngày nay, tên nào cũng vấp phải thất bại thảm hại, vẫn ngoan cố đeo đuổi giấc mộng xâm lược Việt Nam ? Không thể tìm ra nguyên nhân cơ bản, sâu xa của các vấn đề nói trên nếu như không bắt đầu từ sự phân tích chiến lược và chính sách toàn cầu phản cách mạng của đế quốc Mỹ.
Sau đại chiến thế giới lần thứ hai, đế quốc Mỹ trở thành một tên giàu mạnh nhất trong phe tư bản chủ nghĩa. Nó đeo đuổi chính sách làm bá chủ thế giới bằng sức mạnh kinh tế và quân sự. Việt Nam là một trong những mục tiêu Mỹ “quan tâm” nhất vì :
- Về kinh tế, đây là nơi giàu có về tài nguyên, lại phong phú về nhân lực,
- Về quân sự, đây là mảnh đất tiền tiêu của phe xã hội chủ nghĩa ở phía Đông Nam Á, lại là nơi nối liền phe xã hội chủ nghĩa với vùng Đông Nam Á đang sôi sục khí thế cách mạng,
- Về chính trị, đây là một nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, nơi có phong trào giải phóng dân tộc mạnh nhất đang là một tấm gương cổ vũ các dân tộc ở Á Phi và Mỹ la tinh. Cũng chính vì vậy, Việt Nam trở thành nơi tập trung các mâu thuẫn cơ bản của thế giới. Đó là :
- Mâu thuẫn giữa phe xã hội chủ nghĩa với phe đế quốc chủ nghĩa,
- Mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản trong các nước tư bản chủ nghĩa,
- Mâu thuẫn giữa các dân tộc bị áp bức với chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân,
- Mâu thuẫn giữa đế quốc và đế quốc, giữa tập đoàn tư bản lũng đoạn này với tập đoàn tư bản lũng đoạn kia trong các nước đế quốc chủ nghĩa.
Ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, đế quốc Mỹ dưới thời tổng thống Tơ-ru-man đã giơ bàn tay nhơ bẩn của nó can thiệp vào Việt Nam dưới danh nghĩa quân đội đồng minh vào tiếp nhận bọn Nhật đầu hàng, … Từ đó đến nay, đế quốc Mỹ ngày càng lộ rõ bộ mặt xâm lược bỉ ổi của chúng ở Việt Nam với âm mưu rất nham hiểm và thâm độc :
- Đè bẹp cách mạng Việt Nam, thôn tính một nước xã hội chủ nghĩa, dập tắt ngọn lửa giải phóng dân tộc đang soi rọi cho các nước thuộc địa và nửa thuộc địa vùng lên,
- Ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội đang lan tràn xuống phía Nam châu Á và một phần ở châu Phi, châu Mỹ la tinh đang sục sôi cách mạng,
- Lấy Việt Nam làm nơi thí nghiệm các chiến lược, chiến thuật của Mỹ để đàn áp phong trào cách mạng ở các nước mới trỗi dậy, thực hiện việc uy hiếp phe xã hội chủ nghĩa, đẩy lùi một bước ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới.
Chính từ đấy mà chúng ta hiểu vì sao đế quốc Mỹ đã tiến hành ở Việt Nam, một đất nước không rộng, người không đông, cuộc chiến tranh to lớn, ác liệt nhất, lâu dài nhất, sau đại chiến thế giới thứ hai. Và cũng rõ ràng là thắng lợi của cách mạng Việt Nam có một ý nghĩa quốc tế rất to lớn. Cách mạng Việt Nam vĩ đại ở chỗ nó đã đánh bại một tên trùm sỏ đế quốc giàu mạnh nhất trong phe tư bản chủ nghĩa để đem lại độc lập, tự do cho dân tộc mình. Cách mạng Việt Nam đã góp phần quan trọng làm thay đổi so sánh lực lượng trên phạm vi toàn thế giới và thông qua việc đánh bại đế quốc Mỹ, mà thúc đẩy các trào lưu cách mạng trong thời đại chúng ta tiến lên một bước mới.
Thất bại của Mỹ ở Việt Nam ngày nay là những thất bại có tính chất nối tiếp của các chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng áp dụng thí điểm trên chiến trường này. Đó là sự phá sản của chiến lược “phản ứng linh hoạt” (thời Ken-nơ-đi, Giôn-xơn) và chiến lược của Ních-xơn ngày nay.
Chặng đường mà cách mạng Việt Nam đã vượt qua để có được thắng lợi rất đáng phấn khởi như ngày nay là một chặng đường đầy gian lao, khó khăn, nhưng ý nghĩa của nó rất oanh liệt, rất vĩ đại. Ta có thể nêu lên mấy nét chính sau đây :
- Sau chín năm kháng chiến, ta đã đánh thắng thực dân Pháp bằng trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Thua trận, giặc Pháp buộc phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với miền Bắc hoàn toàn giải phóng, nửa nước còn lại, miền Nam sẽ tiến hành tổng tuyển cử tự do thống nhất hai miền.
Thất bại của thực dân Pháp cũng đồng thời là thất bại của bọn can thiệp Mỹ, kẻ đã đứng đằng sau giật dây và đài thọ lúc cao nhất tới 80 % chi phí chiến tranh cho Pháp xâm lược nước ta.
- Pháp thua, Mỹ nhảy vào hất cẳng Pháp, xé hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, phá tổng tuyển cử, dắt Ngô Đình Diệm từ Mỹ trở về lê máy chém khủng bố quần chúng cách mạng ở miền Nam.
Nhưng đồng bào ta nổi dậy đồng khởi năm 1959 – 1960 giành chính quyền ở nhiều vùng nông thôn, đẩy mạnh đấu tranh ở thành thị. Mỹ cho tay sai giết Diệm hòng cải thiện tình hình quân sự, chính trị ở miền Nam, nhưng khởi nghĩa của quần chúng và chiến tranh cách mạng càng phát triển.
- Năm 1963, sau trận Ấp Bắc (02/01/1963) đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận”, tiếp theo là các trận tiêu diệt lớn trong năm 1964 – 1965 ở Bình Giã, Ba Gia, v.v… chúng ta đã đánh bại cuộc “chiến tranh đặc biệt” của địch với sự tan rã rất nhanh cả đội quân nguỵ lúc ấy được Mỹ xây dựng đông tới 50 vạn tên, chưa kể tới gần 10 vạn “cố vấn” Mỹ.
- Giữa năm 1965, Mỹ vội vã đưa quân vào miền Nam cứu nguy. Bằng cuộc chiến tranh xâm lược cục bộ, leo thang ngày càng cao ở miền Nam và với cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc chủ yếu bằng không quân và hải quân với nấc thang cao nhất, Mỹ tin chắc sẽ biến được miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng trong vòng vài tuần, rồi 12 tháng, rồi kéo thêm 18 tháng. Cuối cùng đến 40 tháng mà hơn một triệu quân vẫn bị đại bại trên chiến trường hồi đầu xuân năm 1968. Mỹ phải xuống thang chiến tranh, mặc nhiên thừa nhận sự phá sản thảm hại của chiến lược chiến tranh cục bộ trước sự phẫn nộ cực độ của các tầng lớp nhân dân Mỹ. Một loạt danh tướng và nhân vật lỗi lạc ở Mỹ buộc phải về vườn như : tổng thống Giôn-xơn, người hùng nước Mỹ Mác Na-ma-ra, người giàu mưu trí nhất nước Mỹ Mác-xoen Tay-lơ, người tin cẩn nhất của quân lực Huê Kỳ Oét-mô-len, v.v…
Sau nhiều năm đánh Mỹ, thắng Mỹ, ta thấy rằng Mỹ đã thua hết keo này đến keo khác là do Mỹ đã đánh giá mình quá cao, đánh giá đối phương của chúng quá thấp. Cho nên, chúng đã liên tiếp bị hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, lần nào bị thua cũng rất đau mà phải chết cay chết đắng chấp nhận thất bại.
Chúng ta đã thắng Mỹ vì ta biết sức mình, biết chỗ mạnh tạm thời, chỗ yếu cơ bản của Mỹ. Chúng ta biết dần dần rút ra quy luật của chiến tranh để xây dựng thế và lực của ta ngày càng vững mạnh. Bằng sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn của chiến tranh nhân dân, ngày nay chúng ta đã chỉ cho đế quốc Mỹ đâu là giới hạn sức mạnh của chúng. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng đế quốc Mỹ đã đi từ bước leo thang này đến bước leo thang khác một cách trắng trợn, tàn bạo thì khi chúng buộc phải xuống thang không phải là một quá trình đơn giản. Mỹ buộc phải xuống thang, nhưng chúng rất ngoan cố và xảo quyệt. Chúng muốn dùng tiềm lực kinh tế, quân sự, dùng mọi mưu mô tàn bạo, gian ác và quỷ quyệt để đạt được những mục tiêu mà chúng trầy trật hơn chục năm nay không đạt được. Đó chính là cái tham lam cố hữu của chủ nghĩa đế quốc - nhất là đế quốc Mỹ.
Chính vì thế, trong lúc xuống thang, Ních-xơn đã tính toán nhiều cuộc phiêu lưu. Cuộc phiêu lưu này thất bại, chúng lại xoay sang cuộc phiêu lưu khác. Các cuộc phiêu lưu của Ních-xơn hiện nay cứ xoay quanh cái gọi là “chủ thuyết” của hắn thể hiện ra rằng một cuộc thí nghiệm lớn : “Việt Nam hoá” chiến tranh. Chúng đã thực hiện cuộc thí nghiệm này hơn hai năm rồi. Chúng đã phải nếm nhiều đòn thất bại nặng nề rồi. Nhưng, hiện nay chúng chưa từ bỏ. Cái âm mưu “Việt Nam hoá” của Ních-xơn tự nó đã mang nhiều tính chất thất bại. Sau mùa khô 1970 – 1971, chúng ta có một dịp tốt nữa để chỉ ra cho Ních-xơn và đồng bọn thất bước đường đi “tất bại” của cái âm mưu đó.
III. “Việt Nam hoá” chiến tranh là một chiến lược luẩn quẩn, lỗi thời, bế tắc
Đế quốc Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh ở Việt Nam bằng con đường “Việt Nam hoá” chiến tranh.
“Việt Nam hoá” chiến tranh là một bộ phận của “học thuyết Ních-xơn”, là chiến lược toàn cầu phản cách mạng mới của đế quốc Mỹ. Nó là sản phẩm trực tiếp của một loạt thất bại của Mỹ ở Việt Nam, một cuộc chiến tranh cục bộ lớn nhất của hơn nửa triệu quân Mỹ, của không quân và hải quân hiện đại của Mỹ đã bị đánh gục. Nó cũng là sản phẩm của tình hình so sánh lực lượng trên thế giới đã thay đổi. Ngày nay, trên thế giới đã xuất hiện những lực lượng cách mạng hùng hậu có thể đẩy lùi âm mưu của Mỹ gây chiến tranh hạt nhân, đánh bại những cuộc chiến tranh xâm lược cục bộ lớn nhất của Mỹ, bẻ gãy và đập tan những mưu toan đảo chính của Mỹ. Sức mạnh kinh tế và lối sống Mỹ đã mất sức hấp dẫn của nó vì chính bản thân nước Mỹ đế quốc chủ nghĩa đã suy yếu và đang lâm vào một cuộc khủng hoảng lớn và toàn diện. Đế quốc Mỹ, kẻ gây chiến và xâm lược lớn nhất, kẻ lật dổ và âm mưu diễn biến hoà bình lớn nhất, đã và đang phải lùi hết vị trí này đến vị trí khác bởi những đòn đả kích mạnh nhất, nhiều nhất từ nhiều phía tới. Trong đó chúng bị đánh đau nhất ở Việt Nam.
Như trên đã nói : Chiến lược “Việt Nam hoá” chiến tranh của Mỹ đề ra trong thế thất bại, buộc phải xuống thang chiến tranh. Nhưng, Mỹ lại đem đô la và súng đạn ra mua lấy máu nhân dân Đông Dương để quyết bám lấy chủ nghĩa thực dân mới của nó, dùng đô la và máu nhân dân Đông Dương để tiếp tục kéo dài và mở rộng chiến tranh xâm lược đầy tội ác ở miền Nam nước ta, ở Lào và Căm-pu-chia.
Chúng tính toán cụ thể là : Mỹ chỉ còn để lại một số ít quân yểm trợ, chủ yếu là dùng viện trợ kinh tế và quân sự ít hơn trước, mà vẫn duy trì được “thế mạnh” trên chiến trường với mục đích cuối cùng là thực hiện được chủ nghĩa thực dân mới của chúng ở Việt Nam. Ta thấy rõ đế quốc Mỹ leo thang thì rất tàn bạo, xảo quyệt, lúc xuống thang thật là ngoan cố, thâm độc. Ngoan cố ở chỗ đã thua còn tìm mọi cách phản kích lại ta để hòng thực hiện bằng được âm mưu kẻ cướp của chúng. Thâm độc ở chỗ chủ trương dùng người Việt đánh người Việt, lấy người Đông Dương đánh người Đông Dương.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Le-đơ tuyên bố với báo chí (ngày 26/9/1969) và trong diễn văn ngày 3/11/1969 của Ních-xơn, bọn xâm lược Mỹ đã đề ra bốn yêu cầu và nội dung sau đây cho cái chiến lược “Việt Nam hoá” của chúng.
Một là, ra sức xây dựng và tăng cường quân nguỵ lên 80 vạn tên trong năm 1969 và sau đó tăng lên hơn một triệu tên trong những năm 1970 – 1971. Bằng ba biện pháp : ráo riết bắt lính, thay đổi lại trang bị và vũ khí cho quân nguỵ (những thứ Mỹ đã dùng ở Việt Nam), huấn luyện cấp tốc cho quân nguỵ về kỹ thuật, chiến thuật (Mỹ đã thực hành trên chiến trường Việt Nam).
Mỹ tính toán khi quân nguỵ được xây dựng “mạnh” như vậy (nhất là chủ lực nguỵ mạnh) thì với sự chi viện tối đa của Mỹ về không quân và hậu cần, chúng có thể đủ sức đương đầu với các lực lượng cách mạng ở Việt Nam và Đông Dương. Quân nguỵ từ đây sẽ đóng vai lực lượng chiến đấu chủ yếu của chiến lược “Việt Nam hoá”.
Hai là, với lý luận của Kít-xinh-gơ, cố vấn đặc biệt của Ních-xơn, cho rằng “chiến tranh ở Nam Việt Nam phải là thứ chiến tranh giành dân chứ không phải chiếm đất”, bọn xâm lược Mỹ còn đặc biệt chú ý tạo ra một hệ thống nguỵ quyền mạnh bao gồm tay sai ở bên trên (nguỵ quyền trung ương) và ở các cơ sở địa phương. Chúng nhấn mạnh trước hết phải xây dựng “nguỵ quyền trung ương” mạnh ở Sài Gòn bằng mọi biện pháp, trong đó tập trung vào các mục tiêu sau :
a) Bằng mua chuộc, gạt bỏ, khủng bố, tóm lại bằng mọi cách cố tập hợp các lực lượng tay sai để làm chỗ dựa chính trị cho chính phủ độc tài quân sự do Nguyễn Văn Thiệu làm tổng thống. Bọn xâm lược Mỹ cho rằng chỉ có một chính phủ như vậy mới có đủ quyền hành và khả năng tiếp tục lãnh đạo, chỉ huy bọn nguỵ quân đương đầu với các lực lượng cách mạng trong giai đoạn quân chiến đấu Mỹ rút đi và là lúc tinh thần nguỵ quân bị thử thách mạnh nhất. Một chính phủ như vậy dù không được dân chúng tích cực ủng hộ thì nó cũng phải được “dân chúng tiêu cực chấp nhận”.
b) Củng cố và mở rộng quyền kiểm soát của nguỵ quyền trong nhân dân các thành thị và các vùng đông dân. Báo chí phương Tây đã nêu lên là bè lũ Ních-xơn đang “bảo đảm quyền lực dứt khoát của Thiệu ở Nam Việt Nam, bằng lửa cháy” và làm cho “chiến tranh tàn lụi bằng cách phá huỷ các làng mạc Việt Nam”.
c) Ngoài ra, Mỹ còn áp dụng một số biện pháp kinh tế và chính trị như “cải cách điền địa”, “chấn hưng kinh tế” cố gắng ổn định nền kinh tế, tài chính đang rối loạn, suy sụp của nguỵ quyền Sài Gòn.
Ba là, để thực hiện hai mục tiêu trên, Mỹ - nguỵ phải “bình định được nông thôn và kiểm soát được đại bộ phận dân chúng”. Chúng coi đây là cái biện pháp chiến lược chủ yếu của “Việt Nam hoá” chiến tranh, nhằm :
- Đánh bật lực lượng vũ trang của ta ra khỏi cơ sở nông thôn, từ đó tiêu diệt “hạ tầng cơ sở của Việt cộng” (tức là các cơ sở cách mạng),
- Vơ vét người và của phục vụ cho kế hoạch “Việt Nam hoá”,
- Một thế trận bao bọc bằng một hệ thống đồn bốt dày đặc lại có sự hỗ trợ của các hoạt động “bình định” thì, theo tính toán của Mỹ, quân nguỵ có thể đảm đương được nhiệm vụ phòng ngự trong “vỏ cứng” với sự chi viện của không quân và hậu cần Mỹ.
Bốn là, giành được thắng lợi về quân sự trên chiến trường trong điều kiện “Việt Nam hoá” ít tốn kém hơn, thương vong của quân Mỹ giảm đi nhiều sẽ tạo ra những thuận lợi làm ổn định tình hình chính trị và kinh tế của nước Mỹ. Do đó, có thể ngăn chặn được phong trào đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam của nhân dân Mỹ, của các chính giới Mỹ. Ních-xơn cho rằng chỉ có như thế mới tạo được chỗ dựa cho chiến lược “Việt Nam hoá” chiến tranh. Nếu quốc hội Mỹ quyết định rút quân nhanh, bớt viện trợ, cắt giảm nhiều về kinh tế cũng như quân sự cho Thiệu thì kế hoạch “Việt Nam hoá” của y nhất định thất bại.
Ngoài tập trung xây dựng bốn chỗ dựa nói trên cho chiến lược “Việt Nam hoá”, bọn xâm lược Mỹ vẫn tìm cách hạn chế, cắt đứt sự liên lạc, chi viện giữa hậu phương lớn với tiền tuyến lớn của ta, nhằm bao vây, cô lập, làm suy yếu lực lượng kháng chiến của quân và dân miền Nam ta.
Phải thấy rằng : Quả thật, Ních-xơn và bè lũ đã đặt vào chiến lược “Việt Nam hoá” tất cả tham vọng và ước mơ của chúng. Nhưng chiến lược này không thể có cơ sở gì để đi tới kết quả. Nó thực sự là luẩn quẩn, bế tắc và lỗi thời. Bởi vì :
- Nó biểu hiện một tinh thần ngoan cố, chủ quan của đế quốc Mỹ cố chống lại một trào lưu chung của thế giới mà hàng chục năm nay nó đã chống không nổi. Ngày nay, nó lại đang chống lại một trào lưu mới ngày càng mạnh. Đó là sự nhận thức rõ và kiên quyết vạch mặt chủ nghĩa thực dân mới, vạch mặt những thủ đoạn vừa xảo quyệt vừa trắng trợn của chính sách xâm lược kiểu Mỹ, của toàn thể nhân dân tiến bộ của toàn thế giới, của đại đa số nhân dân Mỹ, của cả những người Việt Nam trước đây còn mơ hồ về Mỹ, v.v… Trào lưu đó đã tạo ra một dòng thác mãnh liệt tăng thế, sức mạnh kháng chiến của nhân dân Việt Nam, xô đẩy đế quốc Mỹ xuống vực thẳm của thất bại, Ních-xơn dù lì lợm, gian hùng đến đâu cũng không thể thoát khỏi,
- Chiến lược “Việt Nam hoá” đã diễn ra như một loạt các cuộc cấp cứu của Mỹ đối với bản thân chính sách của nó : “Việt Nam hoá” để cứu vãn thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam bằng nửa triệu quân Mỹ - mà nửa triệu quân Mỹ ồ ạt vào Việt Nam là để cấp cứu cho âm mưu xâm lược bằng thực dân kiểu mới bị thất bại. Thế rồi lại mở rộng chiến tranh sang Căm-pu-chia để cứu vãn kế hoạch “Việt Nam hoá” đang gặp nguy cơ lớn vào đầu 1970. Đến 1971, lại mở rộng chiến tranh sang Nam Lào để cứu vãn một tình thế là Mỹ đứng trước cả một lực lượng cách mạng to lớn của ba nước Đông Dương đoàn kết chặt chẽ,
- Đế quốc Mỹ đã không tiếc công sức để huy động bộ máy tuyên truyền, chiến tranh tâm lý đồ sộ với quy mô thế giới để quảng cáo cho “học thuyết Ních-xơn” và chiến lược “Việt Nam hoá”, để cố vẽ nên một bức tranh lạc quan thắng lợi, tiến bộ, v.v… Nhưng toàn thế giới và cả nhân dân Mỹ đã thấy nhiều lần hứa hẹn, nhiều lần “sắp thắng lợi” của bọn cầm quyền Mỹ, nên từ chỗ “hoài nghi”, “dè dặt” đã đến chỗ thẳng tay lật tẩy mọi sự dối trá của Mỹ,
- Như vậy là chiến lược “Việt Nam hoá” là một sự sa lầy mới rộng lớn hơn, nghiêm trọng hơn của bọn hiếu chiến Mỹ. Mỹ định dùng “Việt Nam hoá” để cứu vãn thất bại, nhưng chính chúng lại phải đang ra sức cấp cứu cho cái chiến lược “Việt Nam hoá” này do bản chất cực kỳ ngoan cố và tàn bạo. Đế quốc Mỹ rêu rao “rút khỏi” … “chấm dứt” cuộc chiến tranh. Nhưng trong thực tế lại mở rộng và kéo dài cuộc chiến tranh. Và chính cũng là mở rộng hơn nữa quy mô thất bại, kéo dài hơn nữa quá trình thất bại của chúng.
Đó là tất cả cái luẩn quẩn, bế tắc và lỗi thời của cái chiến lược “Việt Nam hoá” nổi tiếng của Ních-xơn vậy. Tình hình diễn biến thực tế trên các mặt trận của chiến lược “Việt Nam hoá” đang chứng minh điều đó một cách hết sức rõ ràng.
Chúng ta thử phân tích lần lượt các điều đó cho rõ thêm.
IV. Chiến lược “Việt Nam hoá” chiến tranh bị đánh đau hết keo này đến keo khác
Chúng ta thử điểm qua những “mơ ước”, những “chỗ dựa” của Ních-xơn để thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá”. Và cũng là điểm qua những cơ đồ mà Ních-xơn và bè lũ ra sức xây dựng bồi đắp trong mấy năm qua. Ai nấy đều đã thấy rõ một bức tranh “Việt Nam hoá” của Mỹ với mấy nét phũ phàng như sau :
Nguỵ quân suy sụp
Nguỵ quyền nát bét
“Bình định” ngắc ngoải
Nước Mỹ càng rối ren
Ta đi từng nét một :
Nguỵ quân suy sụp
Quân nguỵ đã từng bị đánh nhừ tử khi nó là lực lượng chiến lược chủ yếu trong “chiến tranh đặc biệt”. Nay trong lúc quân Mỹ thua, Mỹ phải cuốn gói về nước, Ních-xơn lại vén màn lên đẩy quân nguỵ ra thủ vai chính với những lời lẽ “giật gân” nào là cái xương sống của “Việt Nam hoá” chiến tranh, nào là “cái chìa khoá quyết định thắng lợi trên chiến trường”, v.v… Trên thực tế, cái lô-gích quân sự luẩn quẩn loanh quanh của các chiến lược gia Huê Kỳ đã đem đến những kết quả gì ?
Đầu xuân Kỷ Dậu 1969, trong lúc Ních-xơn đang cố thổi cho quân nguỵ “phồng” lên thì nó liền bị một trận đòn thẳng cẳng, xẹp ngay xuống (104.000 tên vừa bị diệt vừa bị bắt, có 56.000 quân Mỹ và chư hầu, 1.600 máy bay bị bắn rơi và phá huỷ, 2.900 xe bọc thép, xe quân sự bị phá, 270 kho bom đạn bị đánh nổ tung). Đây là đòn phủ đầu rất mãnh liệt của quân và dân miền Nam đánh ngay vào cái học thuyết phản động của Ních-xơn, nhất là trong lúc nó đang ra công tô son trát phấn cho chương trình “Việt Nam hoá” và quân nguỵ. Hãng UPI của Mỹ ngày 13/3/1969 phải mỉa mai nhận xét : “Các đơn vị miền Nam Việt Nam (tức quân nguỵ) không còn làm được một nửa công việc của họ so với một năm trước đây. Nó vẫn giống như một đấu thủ quần vợt lần đầu tiên cầm tay vào vợt”. Giôn Xten-nít, chủ tịch uỷ ban quân lực trong quốc hội Mỹ thì nói thẳng thừng với các nhà báo : “Tôi nghi ngờ về sự phát triển của quân đội đó (quân nguỵ). Cho đến nay, tôi vẫn thất vọng về nó. Chúng ta đã làm tất cả những gì có thể làm, nhưng chúng ta không thu được kết quả mà chúng ta hy vọng, …” (theo AP ngày 11/6/1969).
Ních-xơn vừa mới bước vào Nhà trắng và cho ra quân trận đầu thì vì quân của y quá tồi tệ đã bị dồn ngay vào chỗ bí. Không rút quân Mỹ thì không “ngồi yên” được trên cái ghế tổng thống. Rút quân Mỹ mà vẫn ấp ủ giấc mộng xâm lược thì không còn cách nào khác hơn đối với Ních-xơn là nhắm mắt trút gánh nặng chiến tranh lên đầu quân nguỵ. Thế là, sau đòn nhớ đời xuân Kỷ Dậu, bọn xâm lược Mỹ lại ráng sức “thổi” cho quân nguỵ “phồng” lên một lần nữa và đẩy chúng ra chiến đấu ở vòng ngoài để lấy đà cho chương trình “Việt Nam hoá” chiến tranh. Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ rút đi, giao lại nhiệm vụ chiến đấu cho quân nguỵ ở Công Tum, giao hai trung đoàn của sư đoàn 1 nguỵ cho quân Mỹ kèm cặp ở Đường số 9 và tây-bắc Huế, đẩy lính nhảy dù nguỵ lên Tây Ninh, giao vùng Long Khánh cho sư đoàn 18 nguỵ, giao các căn cứ đồn bốt ở vùng Bến Tre, Mỹ Tho cho sư đoàn 7 và sư đoàn 9 nguỵ, v.v… Nhưng trong những thí nghiệm đầu tiên của “Việt Nam hoá” chiến tranh, Mỹ đã thất bại. Quân nguỵ bị tổn thất nặng nề ở Long Khánh (5-1969), Bến Hét (5-1969), ở Bu-prăng - Đức Lập (11-1969). Trong các đơn vị nguỵ ở các vùng thí nghiệm, “tỷ lệ đào ngũ đã tăng hơn mức bình thường tới ba lần … hiệu suất tác chiến, lãnh đạo và quân số đã giảm sút ghê gớm …” (nhận xét của báo Mỹ Mặt trời Ban-ti-mo ngày 29-10-1969). Theo bọn nguỵ Sài Gòn thú nhận, trong năm 1969, số quân nguỵ đào ngũ lên tới 170.000 tên. Số quân nguỵ bị loại ra ngoài vòng chiến đấu 400.000 tên (nhiều hơn 1968 là 1.000 tên). Số vụ đào ngũ, làm binh biến, khởi nghĩa trong quân nguỵ tăng lên gấp hai lần so với thời gian Mỹ bắt đầu thực hiện chương trình “Việt Nam hoá” chiến tranh.
Hoảng hốt, Ních-xơn cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là Le-đơ sang thị sát ở Sài Gòn. Le-đơ về phải báo cáo một sự thật đau lòng với Ních-xơn : “Quân đội nam Việt Nam (quân nguỵ) chưa sẵn sàng gánh vác gánh nặng chiến tranh”. Thế nhưng nước cờ đã đi gặp bí không thể xoá sạch cả bàn cờ. Dựa vào tiềm lực quân sự, quân còn đông, súng còn nhiều, dựa vào tiềm lực kinh tế, các cơ sở vật chất ấy đã “kích thích” thêm đầu óc ngoan cố của Ních-xơn. Y lại hy vọng cứu vãn chương trình “Việt Nam hoá” chiến tranh ở miền Nam bằng cách mở cuộc phiêu lưu quân sự sang Căm-pu-chia. Thế giới coi đây là một canh bạc khát nước của Ních-xơn. Báo chí Mỹ thì cho là : “Ních-xơn đã ném tất cả uy tín của ông ta và của đảng Cộng hoà vào canh bạc này”.
Gần 7 vạn quân Mỹ, nguỵ đánh sang Căm-pu-chia đã không thực hiện được mục đích cuối cùng của chúng là tiêu diệt các đơn vị của ta, không đánh gãy được “xương sống của Việt Cộng”, không tiêu diệt được đầu não của cuộc kháng chiến ở miền Nam, không làm yếu được sức tiến công của quân và dân miền Nam và do đó cũng không làm giảm được cái thế bị uy hiếp thường xuyên đối với chiến lược “quét và giữ” của chúng để tạo một thời gian rảnh rang ít nhất là 8 tháng tiến hành bình định ở miền Nam, nhằm bảo đảm thắng lợi cho chương trình “Việt Nam hoá”. Trái lại, cả quân Mỹ lẫn quân nguỵ đã bị phản công quyết liệt. Nhân dân Căm-pu-chia đã nổi dậy khắp nơi, tập hợp dưới ngọn cờ của Mặt trận Thống nhất Dân tộc, do Quốc trưởng Nô-rô-đôm Xi-ha-núc làm Chủ tịch, nhanh chóng tổ chức và phát triển lực lượng vũ trang yêu nước. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân Căm-pu-chia đã làm chủ những vùng giải phóng rộng lớn, vây hãm quân nguỵ Lon-non trong thế bị động chống đỡ. Thế là tưởng rằng nguỵ Lon-non có thể cứu nguy cho Mỹ và cho nguỵ miền Nam, té ra bây giờ chính là cả quân Mỹ và quân nguỵ miền Nam vốn đã ốm dở sau cái trò dại dột của Ních-xơn, nó lại suy yếu thêm, vì buộc phải phân tán, đối phó trên một chiến trường mà lực lượng phản cách mạng vốn yếu và sơ hở.
Thắng lợi của quân và dân Căm-pu-chia là thắng lợi hết sức to lớn cả về quân sự, chính trị, cả ở trong nước và trên trường quốc tế. Điều đặc biệt quan trọng là thắng lợi này đã đánh dấu bước phát triển nhảy vọt trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân Căm-pu-chia trên cơ sở thế bố trí lực lượng mới của các giai cấp cách mạng ở đây.
Phối hợp với quân và dân Căm-pu-chia, các lực lượng vũ trang và nhân dân Lào anh dũng đã giáng cho đế quốc Mỹ và bọn tay sai những đòn mạnh mẽ ở Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng, ở A-tô-pơ, Xa-ra-van, Thà Têng và trên các chiến trường khác. Quân và dân Lào đã tiếp tục đánh bại cuộc chiến tranh đặc biệt của Mỹ, đẩy các lực lượng tay sai của chúng lún sâu trong thế bị động và thất bại. Có thể nói, thời gian Mỹ - nguỵ miền Nam bị sa lầy ở Căm-pu-chia cũng chính là thời gian quân và dân Lào anh em đã giành được thắng lợi rất to lớn, có ý nghĩa chiến lược nhất trong lịch sử chiến đấu của mình.
Hơn ba vạn tên nguỵ Lào, Mỹ và quân chư hầu bị tiêu diệt. Vùng giải phóng của nhân dân Lào đã được củng cố và mở rộng với ba phần tư đất đai chạy thông suốt từ Bắc Lào qua Trung Lào xuống tận Nam Lào, nối liền với vùng giải phóng của nhân dân hai nước Việt Nam và Căm-pu-chia anh em. Sự xuất hiện những vùng giải phóng mới trong thời gian này chẳng những đã tăng cường thêm lực lượng mới, sức mạnh mới cho mỗi nước, còn tạo ra một thế trận mới rất vững chắc của cả ba nước Đông Dương cùng dựa lưng vào nhau kiên quyết đánh bại mọi âm mưu và hành động xâm lược của đế quốc Mỹ và mọi bè lũ tay sai của chúng. Hội nghị nhân dân ba nước ở Đông Dương, một thắng lợi rực rỡ của tình đoàn kết chiến đấu giữa ba dân tộc anh em, cũng đã khẳng định điều đó.
Các cuộc phản công thắng lợi rực rỡ trong mùa xuân 1971 vừa rồi lại một lần nữa đánh dấu bước tiến mới cực kỳ to lớn của quân và dân ba nước ở Đông Dương. Thắng lợi oanh liệt ấy ở Đường số 9 – Nam Lào, Tây Nguyên, Đông Bắc Căm-pu-chia, Xnun cũng nói lên bước trưởng thành nhanh và vững chắc của chủ lực ta, sự sa sút nghiêm trọng của quân chủ lực nguỵ. Cái xương sống của “Việt Nam hoá” chiến tranh bị lung lay dữ dội. Ngay bọn nguỵ đã mất lòng tin đối với chính bản thân chúng, chứ chưa nói tới quân Mỹ. Hiện thực ngày nay là quân chủ lực ta có thể đánh bại hoàn toàn quân nguỵ miền Nam. Trong cả cuộc đời làm tay sai của nó, quân nguỵ quyền miền Nam là một đội quân chưa bao giờ biết đến hai chữ chiến thắng. Năm nào nó cũng bị đánh bò lê bò càng, càng về sau, đòn càng đau càng ngấm.
1959 – 1960 nó có khoảng 30 vạn quân mà không sao chống đỡ nổi sức đồng khởi như vũ bão của quân và dân miền Nam.
Đến năm 1965 : nó hầu như bị đánh quỵ hẳn, Mỹ phải vội vã nhảy vào vực nó gượng dậy. Từ đó đến nay, quân của nó càng đông thì vạ của nó càng lớn.
Sự sa sút và suy sụp tinh thần của quân đội nguỵ Sài Gòn một mặt thì do bản chất đánh thuê của nó, một mặt vì bản thân nó có những mâu thuẫn không khắc phục nổi do những quan điểm xây dựng lực lượng theo kiểu Mỹ.
Sự suy sụp này lại đang bị tác động dữ dội sau những trận đại bại khủng khiếp của chúng ở đường số 9 – Nam Lào và Đông Bắc Căm-pu-chia đang bị tác động sâu sắc bởi sự khinh ghét và phản đối của nhân dân và nhất là đang bị tác động một cách chua chát bởi sự thối nát của các cơ cấu lãnh đạo và chỉ huy của nó là cái thứ nguỵ quyền trung ương “trò hề” và những viên tướng tham nhũng buôn lậu, bởi những nỗi khổ đau nhục nhã của bản thân gia đình của từng người lính nguỵ. Mỹ - nguỵ đang lấy hết gân sức làm chiến tranh tâm lý ấy hiện nay không đủ hơi để bù vào những lỗ thủng tinh thần đang càng ngày càng mở rộng của quân nguỵ.
Suy sụp nghiêm trọng vốn là căn bệnh thường xuyên đã nhiều lần không tránh khỏi của quân nguỵ miền Nam. Nhưng lần này chúng ở vào tình cảnh vừa suy sụp nghiêm trọng lại vừa đầy rãy khó khăn, những khó khăn không thể vượt qua được, … Sau các trận Bình Giã, Ba Gia, quân nguỵ ngắc ngoải thì còn có quân Mỹ ồ ạt nhảy vào cứu nguy. Lần này, Xnun, Tây Nguyên, lúc quân nguỵ sa sút nghiêm trọng cũng là lúc lực lượng Mỹ khá mỏng manh. Số chờ đợi từng ngày, từng giờ lên tàu rút về nước, số còn lại thì nghiện hút chán chường, sa đoạ. Hỏi rằng ai sẽ cứu nguy cho quân nguỵ, trong lúc đó thì đối phương của nó đang độ sung sức và lớn mạnh hẳn lên. Như một thằng què mà lại không có chỗ dựa, quân nguỵ sẽ ngã quỵ hẳn xuống khi gánh nặng chiến tranh trút cả lên đầu chúng.
Nguỵ quyền nát bét
Nguỵ quyền miền Nam là tay sai của giặc Mỹ, là bộ mặt chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Thế mà chính sách xâm lược trắng trợn của Mỹ, lối sống đồi truỵ, sa đoạ của Mỹ, thái độ khinh miệt thô bạo của Mỹ đang là những cái bị các tầng lớp nhân dân ta căm ghét, lên án, cho nên nguỵ quyền miền Nam cũng bị tuyệt đại bộ phận đồng bào ta chống lại, kể cả những người còn ở trong vòng kìm kẹp của địch. Nguỵ quyền miền Nam ngày nay dưới bàn tay nhào nặn của Mỹ, đã và đang trở thành một tổ chức quân sự độc tài, hiếu chiến do tên Việt gian Nguyễn Văn Thiệu cầm đầu, theo lý luận của Kít-xinh-gơ là “nếu nó không được dân chúng tích cực ủng hộ thì nó cũng phải được dân chúng tiêu cực chấp nhận”. Một chính quyền với tính chất xấu xa như thế mà Ních-xơn hy vọng có thể tập hợp được các lực lượng tay sai để làm chỗ dựa chính trị cho nó thì thật là một điều không bao giờ có thể có được. Với cái trò “cải tổ nội các” và gần đây là cuộc bầu bán hạ nghị viện nguỵ, tổng thống nguỵ, Thiệu đã gạt bỏ những người không ăn cánh, thâu tóm quyền hành vào trong tay, đàn áp khủng bố bất kỳ ai tán thành hoà bình, độc lập, trung lập, thậm chí thúc người đi biểu tình xông vào đập phá nhà “quốc hội” nguỵ, sắp đặt, bày trò bầu cử gian lận. Vì thế, như báo chí Mỹ đưa tin, “đầu năm 1970 Mỹ chỉ có thể tập hợp được sáu tổ chức trong số hơn 50 tổ chức lực lượng tay sai. Nhưng đến nay thì con số đó còn ít hơn nhiều” trước hành động hiếu chiến, chuyên quyền, độc đoán của Thiệu. Trong cái “quốc hội” bù nhìn do Mỹ lập nên làm cơ sở “pháp lý” cho chính quyền Thiệu đang có ngày càng nhiều nghị sĩ đòi lật đổ Thiệu. Trong chính phủ của Thiệu, cũng có nhiều người chống đối Thiệu, đòi lật đổ Thiệu, rõ rệt nhất là hành động của Nguyễn Cao Kỳ, phó tổng thống của Thiệu, trong những ngày chuẩn bị bầu cử tổng thống bù nhìn vừa qua.
Rõ ràng là chủ trương của Mỹ tập trung xây dựng nguỵ quyền trung ương ở Sài Gòn thật mạnh đến nay không những không thực hiện được, trái lại còn nát bét, rối bời, đang lung lay, bị cô lập trước làn sóng đấu tranh ngày càng dâng cao của đồng bào ta.
Những tháng đầu năm 1971, phong trào đấu tranh của các tầng lớp đồng bào thành thị miền Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn, được đẩy mạnh hơn hẳn so với năm 1970, với khí thế đấu tranh mạnh mẽ chưa từng có, với nhịp độ đấu tranh liên tục hơn bất cứ thời gian nào trước đây. Quy mô, lực lượng đấu tranh ngày càng lớn, với nhiều hình thức đấu tranh rất phong phú, khẩu hiệu hành động thích hợp với mọi giới đồng bào, từ thấp đến cao, xoay quanh các mục tiêu : đòi quyền dân sinh dân chủ, đòi chống văn hoá đồi truỵ Mỹ, đòi vãn hồi hoà bình và Mỹ phải rút quân về nước, đòi thay tên tổng thống hiếu chiến độc tài Nguyễn Văn Thiệu, đồng thời vạch bộ mặt tay sai bán nước của nó, tố cáo những mánh khoé bịp bợm, gian lận của nó và bàn tay giật dây của Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống bù nhìn. Sôi động nhất là phong trào của học sinh, sinh viên và các tầng lớp lao động với chủ đề “nói cho đồng bào tôi nghe”, “nghe đồng bào tôi nói”, phong trào từ thành thị lan rộng ra các vùng ven và nhiều vùng nông thôn, trong các cuộc hội họp, thảo luận, giữa những nơi đông người, trên nhiều tờ báo xuất bản công khai ở Sài Gòn.
Phong trào phát triển ngày càng sâu rộng thì càng tập hợp được đông đủ các tầng lớp công nhân, lao động, học sinh, sinh viên, trí thức và nhân sĩ yêu nước, ngay cả những người thức thời trong bộ máy tay sai của Mỹ - nguỵ.
Quân nguỵ là lực lượng trụ cột của nguỵ quyền miền Nam. Sự suy sụp và tan rã của nó trên các chiến trường vừa qua đã làm cho nguỵ quyền ở cơ sở bị tan rã theo. Phạm vi kiểm soát của nguỵ quyền miền Nam ngày càng như “miếng da khô teo dần lại”. Những thất bại về quân sự trên chiến trường và những rối ren về chính trị, những khó khăn về kinh tế, tài chính, nạn tham nhũng trong chính phủ Thiệu đã và đang dẫn đến sự chia rẽ, chống đối, gạt bỏ nhau trong nguỵ quyền trung ương ngày càng gay gắt, làm cho Ních-xơn hết sức lúng túng, lo âu. Tạp chí Mỹ Tin trong tuần ngày 20/10/1970 cho rằng nguỵ quyền Sài Gòn “chẳng khác nào một đứa trẻ ốm yếu sống sót qua những lần lên sởi, thuỷ đậu và quai bị. Và đến nay đã đến mức có thể bị ho lao hoặc đau tim, trong khi đó thì bác sĩ đang bỏ đi …”.
Ta có thể nói chưa có chính quyền nào trong lúc đang điều khiển chiến tranh mà bên trong thì bọn đầu sỏ lục đục, đấu đá nhau thẳng cánh, bên ngoài bị báo chí công kích dữ dội, bị quần chúng căm ghét cao độ như nguỵ quyền miền Nam. Những dấu hiệu tan rã của nguỵ quyền Sài Gòn đã xuất hiện. Trong những điều kiện nhất định, phong trào của các tầng lớp đồng bào thành thị miền Nam đang có thể phát triển thành một cao trào cách mạng rộng lớn phối hợp với những đòn tiến công khác, tiến lên đánh đổ bọn tay sai ngoan cố hiếu chiến nhất, đập tan hệ thống chính quyền của địch và cả bộ máy chiến tranh của chúng.
“Bình định” ngắc ngoải
Cái gọi là công cuộc “bình định” nông thôn được xếp vào hàng biện pháp chiến lược chủ yếu của “Việt Nam hoá chiến tranh” nhằm mục tiêu cơ bản là kìm kẹp nhân dân, phá cơ sở cách mạng của ta, xây dựng lực lượng phản động tại chỗ, làm cho quân nguỵ mạnh lên, nguỵ quyền mạnh lên. Thế nhưng, quân nguỵ lại suy sụp mà nguỵ quyền thì nát bét. Điều đó đã nói lên một phần sự phá sản của cái biện pháp chiến lược chủ yếu của Mỹ - nguỵ.
Với những thủ đoạn cực kỳ tàn bạo và hết sức thâm độc, tuy có làm được một số việc như đóng thêm một số đồn bốt, tạm thời kìm kẹp được nhân dân ở một số vùng và bắt bừa bãi một số người vào lính nguỵ. Nhưng nhìn chung, đến nay, mặc dù Ních-xơn đã chi phí đến hơn một tỷ đô-la, chúng vẫn chưa hoàn thành được một mục tiêu cơ bản nào.
Cuộc chiến đấu giữa ta với địch đã diễn ra thật là quyết liệt trên cái mà A-bram gọi là “mặt trận thứ hai” của chúng. Năm 1969 – năm đầu tiên thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, hơn 50 % hoạt động quân sự của quân Mỹ và hơn 80 % hoạt động của quân nguỵ là nhằm yểm hộ và tiến hành chương trình “bình định”. Năm 1970, ngoài việc mở cuộc phiêu lưu quân sự sang Căm-pu-chia cũng là để có thời gian “rảnh rang ít nhất là tám tháng nhằm đảm bảo thắng lợi cho chương trình bình định ở miền Nam”. Gần như toàn bộ các hoạt động quân sự của Mỹ - nguỵ đều dồn vào tập trung dân, lập “ấp chiến lược”. Những tháng đầu năm 1971, chúng vẫn tiếp tục tiến hành “bình định” ở nhiều nơi. Ở đồng bằng Trung Trung Bộ và Tây Nguyên, địch đã thất bại rõ ràng trong âm mưu đánh bật được lực lượng vũ trang và các cơ sở cách mạng của ta ra khỏi nhân dân. Nhân dân và các lực lượng vũ trang địa phương của ta đã biểu lộ một tinh thần bất khuất cao độ. Đã chiến đấu rất kiên cường anh dũng, đã vượt qua tất cả mọi ác liệt hy sinh gian khổ, đánh trả lại địch một cách bền bỉ với khí phách rất anh hùng, trên cả ba vùng chiến lược và tạo được thế hỗ trợ nhau khá chặt chẽ : cả quân Mỹ, quân nguỵ, quân Pắc Chung Hy đang phải quay về đối phó rất chật vật với phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh ngay tại những vùng mà vừa mới cách đây không lâu, chúng rùm beng là đã “bình định” xong.
Không những thế, kế hoạch của chúng luôn luôn không thực hiện được đúng thời hạn và cũng không khi nào chúng đánh giá được đúng tình hình cụ thể, mặc dù chúng đã có cả một hệ thống máy tính điện tử rất đồ sộ.
Theo các chuyên gia “bình định” của Mỹ, đến tháng 6/1970 vừa qua, do không thực hiện được các mục tiêu của giai đoạn I cho nên từ tháng 7/1970 địch phải bổ sung bằng kế hoạch “bình định đặc biệt” trong 4 tháng, đến 10/1970. Sau cái hội nghị ở Vũng Tàu của chúng, Mỹ lại kéo dài thêm 4 tháng nữa bằng kế hoạch “bình định bổ túc 1970” dự định kết thúc vào 2/1971. Cái giai đoạn I của chúng đã thụt lùi 8 tháng theo như kế hoạch trên giấy (7/1970 – 2/1971). Trên thực tế hiện nay nó đã đi đến đâu rồi, có lẽ ngay chính những tên trùm “bình định” ở Sài Gòn cũng phải cay đắng thú nhận : ở miền Nam, quyền chủ động chương trình, ác thay, lại thuộc về đối phương của chúng.
Đặc biệt là từ khi bước vào mùa khô 1970 – 1971 và sáu tháng đầu năm 1971, nhiều tên đầu sỏ của Mỹ - nguỵ đã phải rút dần về những luận điệu lạc quan của chúng và đang than thở lo lắng về những cái mà chúng gọi là tình trạng an ninh đang giảm sút đi một cách đáng lo ngại.
Ở đồng bằng sông Cửu Long, Mỹ - nguỵ không dập tắt được phong trào chiến tranh du kích đang lan rộng đến sát nách sào huyệt cuối cùng của chúng ở nhiều vùng ngoại ô Sài Gòn. Các lực lượng vũ trang của ta ở thế bám trụ khá vững chắc xen kẽ với địch, đã bẻ gãy các mũi nhọn phản kích lấn chiếm của địch. Đặc biệt cuộc hành quân lấn chiếm lớn nhất, dài ngày nhất của Mỹ - nguỵ ở vùng U Minh, một cuộc hành quân quan trọng nhất đối với toàn bộ kế hoạch “bình định” của địch ở đồng bằng sông Cửu Long trong những tháng qua, lại là cuộc hành quân đẫm máu nhất đối với giặc. Trong 130 ngày, quân và dân Rạch Giá, Cà Mau loại khỏi vòng chiến đấu gần 7.500 tên, diệt và đánh thiệt hại nặng 12 sở chỉ huy từ chiến đoàn, trung đoàn đến liên đoàn, tiểu đoàn, hải đoàn địch, bắn rơi và phá 60 máy bay, bắn chìm và bắn cháy 120 tàu.
Phong trào diệt ác ôn, phá kìm kẹp, bao vây đồn bốt địch dần dần được mở mang. Cái mà địch gọi là “cơ sở hạ tầng” của ta nói chung vẫn bám trụ được địa bàn, gần đây đã phát triển thêm được nhiều lực lượng mới.
Khắp cả bốn vùng chiến thuật của địch đều xảy ra những vụ binh sĩ đào ngũ, rã ngũ tập thể, nổi dậy làm binh biến khởi nghĩa hoặc bỏ đồn bốt rút chạy (theo thống kê, từ tháng 1 đến tháng 7/1971 đã có 8 vạn tên đào ngũ, rã ngũ). Đặc biệt phong trào phản chiến chống hành quân “bình định”, chống đôn quân hoặc tự gây ra thương tật để khỏi phải đi chết ở Lào và Căm-pu-chia diễn ra liên tục. trong khi đó, đồng bào có người nhà đi lính nguỵ đã tích cực đẩy mạnh mũi tiến công binh vận, cùng thúc đẩy thêm quá trình suy sụp tan rã của quân nguỵ Sài Gòn.
Trong 6 tháng qua (1971) :
- Khu 5 : hơn 18 nghìn binh sĩ nguỵ đào ngũ, rã ngũ, hầu hết phòng vệ dân sự tỉnh Quảng – Đà đã trả súng không canh gác. Lực lượng phòng vệ dân sự ở dọc quốc lộ 1, ven các thị trấn, huyện lỵ đã rã ngũ phần lớn,
- Tây Nam Bộ : hơn 7 nghìn binh sĩ nguỵ đào ngũ, rã ngũ. Hơn 10 nghìn phòng vệ dân sự vứt súng trở về nhà làm ăn. Hơn 20 nghìn lượt binh sĩ, sĩ quan phản chiến, có 10 tiểu đoàn, 18 đại đội, trung đội phản chiến tập thể, 50 đồn bốt rút chạy. Thời gian địch hành quân dài ngày ở vùng U Minh đã xảy ra hàng trăm cuộc phản chiến, có cuộc phản chiến quy mô nhiều tiểu đoàn.
Địch thú nhận đến nay “lực lượng lãnh thổ” của chúng không đủ sức chống đỡ với phong trào chiến tranh nhân dân của ta ở cơ sở. Nó vốn yếu lại phải đôn quân lên, lắp vá vào những lỗ hổng về quân số của các sư đoàn chủ lực nguỵ nên càng yếu hơn. Mỹ - nguỵ đã phải co nhiều đơn vị chủ lực từ tuyến hành lang biên giới về làm “chó săn” canh giữ “bình định”. Rõ ràng là thế trận “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ - nguỵ ngày nay bị uy hiếp mạnh mẽ từ trong ra, từ ngoài vào.
Mặt trận “bình định” mà chúng đã nhiều phen cố tung ra những lời lẽ hí hửng và trong thâm tâm chúng cũng đặt nhiều hy vọng vào đó, cũng là nơi mà kết quả vốn đã hết sức bấp bênh nay lại đang trở nên nguy hiểm. Chúng tốn công sức nhiều nhất vào đây thì cũng chính ở nơi đây nhân dân miền Nam đã và đang cho chúng những bài học cay đắng nhất và sẽ đập tan mọi ảo vọng về “Việt Nam hoá chiến tranh” của chúng.
Nước Mỹ rối ren
Dưới thời Giôn-xơn làm tổng thống, nước Mỹ đã lâm vào tình trạng nội bộ bọn cầm quyền thì chia rẽ, nhân dân thì chán ngán đi đến phẫn nộ, liên tiếp biểu tình khổng lồ, đòi chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược đầy tội ác của Mỹ ở Việt Nam. Báo chí không ngớt lời chế giễu, mỉa mai, công kích bọn hiếu chiến ở Nhà trắng và Lầu năm góc. Ních-xơn lên cầm quyền thay Giôn-xơn trước cái hiện tình đất nước rối ren ấy, y đề ra yêu cầu trước hết về chính sách đối nội là phải đoàn kết được nhân dân Mỹ, xoa dịu được phong trào phản chiến, đồng thời tăng cường đàn áp nội bộ để ổn định một bước tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của nước Mỹ nhằm đạt mục tiêu cao nhất là giành thắng lợi cho đảng Cộng Hoà và bản thân y trong cuộc bầu cử quốc hội Mỹ (1970), từ đó tiến tới giành đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử năm 1972, để được đắc cử tổng thống nhiệm kỳ nữa.
Ních-xơn đã thực hiện những thủ đoạn rất xảo quyệt nhằm làm cho nhân dân Mỹ chấp nhận cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam theo kiểu “Việt Nam hoá chiến tranh” của y : một mặt, không ngừng kéo dài và mở rộng chiến tranh ở Đông Dương, trong khi rút một bộ phận quân Mỹ về nước theo kiểu nhỏ giọt, một mặt y huy động bộ máy chiến tranh tâm lý cố gây nên trong nhân dân Mỹ ấn tượng giả dối là Mỹ đang rút khỏi cuộc chiến tranh này. Ních-xơn giả bộ đi nói chuyện chỗ này, diễn thuyết chỗ kia, bố trí liên tiếp nhiều cuộc họp báo không ngớt quảng cáo về quyết định hoãn gọi lính quân dịch trong hai tháng cuối năm 1969, về các đợt rút quân Mỹ. Ních-xơn tưởng làm như thế là có thể dựng lên bức màn khói che đậy được những hành động mở cuộc phiêu lưu quân sự sang Căm-pu-chia, trắng trợn đánh sang Nam Lào, che đậy âm mưu xấu xa duy trì tên tay sai độc tài quân phiệt Nguyễn Văn Thiệu, để lại không thời hạn một bộ phận quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam để cùng quân nguỵ tiếp tục gây nên những tội ác tày trời đối với nhân dân ba nước ở Đông Dương.
Những lúc bình thường, đời sống của người dân lao động Mỹ vẫn khó khăn, khổ cực. Do chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhân dân Mỹ càng phải chịu đựng những hậu quả tệ hại về kinh tế và xã hội, đời sống càng thêm cơ cực. Chính Giôn-xơn năm 1964 đã thú nhận : “Ở Mỹ hiện có 33 triệu người nghèo khổ, cuộc sống ngày càng khó khăn, khổ cực. Các tệ hại xã hội ngày càng đầy rẫy. Các thành phố ngày càng suy đồi, các ngoại ô ngày càng nghèo đói … Cứ mãi mãi chất thêm gánh nặng chiến tranh xâm lược lên vai họ, làm sao Ních-xơn tránh né được đòn “nổi giận” của nhân dân Mỹ. Phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam những ngày gần đây với quy mô rộng lớn và có cơ sở xã hội rộng rãi chưa từng thấy, không những ở Mỹ mà ở cả trong lịch sử xâm lược của tất cả các nước đế quốc từ trước đến nay, chính là thể hiện tập trung sự “nổi giận” đó. Nhân dân Mỹ “nổi giận” không chỉ vì hậu quả của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã làm cho nước Mỹ rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, toàn diện trên các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, tài chính và tiền tệ, cũng không chỉ ở chỗ vị trí và uy tín của nước Mỹ trên thế giới ngày nay đã giảm sút đến mức thấp nhất trong lịch sử 200 năm của nó. Điều mà bè lũ Ních-xơn sợ nhất là cuộc khủng hoảng về tâm lý và lòng tin của dân chúng Mỹ và ngay trong chính giới Mỹ đối với tính chất phản động, thối nát của chế độ chính trị, xã hội Mỹ, cả toàn bộ đường lối đối nội, đối ngoại của bọn cầm quyền Mỹ hiện nay. Ta có thể nêu lên mấy dẫn chứng tóm tắt sau đây :
Mấy năm gần đây phong trào bãi công của công nhân và nhân dân lao động Mỹ đã nổ ra với số lượng ngày càng tăng, quy mô ngày càng lớn, tính chất ngày càng kiên quyết và có sự phối hợp hành động chung trong toàn nước Mỹ. Cuộc bãi công của công nhân bốc vác ở khắp các hải cảng vùng đông bắc Mỹ là một trong những cuộc bãi công dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Do chiến tranh xâm lược Việt Nam mà số người thất nghiệp ở Mỹ dưới thời Ních-xơn tăng lên con số khổng lồ, hiện nay (hơn 6 % số người lao động) với đồng đô la bị phá giá, sinh hoạt tăng vọt lên gấp hai lần so với thời Giôn-xơn, chắc chắn đó còn là những cơn dông tố làm cho làn sóng đấu tranh của công nhân và lao động Mỹ dâng cao hơn nữa.
Người Mỹ da đen chỉ chiếm 11 % tổng số dân Mỹ, nhưng lính da đen Mỹ bị thương vong ở Việt Nam tới 25 % so với tổng số thương vong của lính Mỹ. Về nước, họ là nạn nhân tệ hại nhất của nạn phân biệt chủng tộc, nghèo khổ và bị áp bức bóc lột nhiều nhất, cơ cực nhất trong cuộc khủng hoảng của nước Mỹ hiện nay. Không phải ngẫu nhiên – như báo chí Mỹ đưa tin - nhiều binh sĩ Mỹ da đen ở Việt Nam đã bí mật giấu vũ khí để mang về nước chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng của người da đen. Họ đã từng nổi dậy đấu tranh lên cao trào mới.
Phong trào sinh viên trở thành một trong những lực lượng chống chiến tranh xâm lược mạnh nhất ở Mỹ và với quy mô toàn quốc. Dưới thời Ních-xơn 35 % tổng số sinh viên đã bị gọi vào quân dịch (số liệu năm 1969 trước đó, tỷ lệ chỉ 5 %). Phong trào vì thế đã lan ra khắp các trường đại học ở Mỹ và đang lan sang cả các trường trung học và trở thành hạt nhân của phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam ngày càng quyết liệt của thanh niên Mỹ. Họ giương cao công khai các khẩu hiệu “thà ngồi ở tù còn hơn đi lính sang Việt Nam”.
Phong trào đấu tranh rộng lớn của đông đảo quần chúng nhân dân Mỹ chống chiến tranh xâm lược Việt Nam đã tác động rất mạnh tới hàng ngũ binh lính Mỹ là những người đang đổ máu và chịu đựng muôn vàn khổ cực ở Việt Nam để phục vụ cho quyền lợi các tập đoàn tư bản Mỹ. Phong trào đấu tranh của họ cùng với các tầng lớp nhân dân Mỹ ngày nay đã phát triển nhanh và mạnh chưa từng thấy và đang dần dần hình thành một phong trào đấu tranh mới dài ngày nhất, lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ và ngay ở trên chiến trường Việt Nam.
Năm 1969 có hai cao điểm, tháng 10 và 11 vượt xa các cao trào phản chiến thời Giôn-xơn. Năm 1970, sau vụ quân Mỹ đánh sang Căm-pu-chia, cao điểm phản chiến tháng 5, 6, 7 đã làm cho chính quyền Ních-xơn lần đầu tiên bị chia rẽ, phân hoá công khai, buộc Ních-xơn phải rút hết quân Mỹ khỏi Căm-pu-chia đúng như thời hạn đã hứa. Quốc hội Mỹ sau nhiều tháng tranh luận gay gắt đã thông qua việc bãi bỏ nghị quyết Vịnh Bắc bộ, cấm không được đưa quân Mỹ trở lại Căm-pu-chia và Lào, cấm không được đài thọ các phí tổn của quân chư hầu hoạt động ở Căm-pu-chia và Lào (trừ hoạt động của quân nguỵ quyền miền Nam dọc biên giới). Năm 1971, sau thảm hoạ Đường số 9 – Nam Lào, phong trào phản chiến lại phát triển lên bước mới, kết hợp giữa đấu tranh của quần chúng với đấu tranh trong quốc hội, đấu tranh cao điểm và đấu tranh thường xuyên. Không chỉ ở ngay nước Mỹ mà tại các căn cứ quân sự của Mỹ ở Anh, Tây Đức, Nhật Bản, Phi-líp-pin, Nam Triều Tiên … binh lính Mỹ, cả sĩ quan đã nhiều lần biểu tình và tìm thấy vinh dự thật sự trong việc tham gia vào cuộc đấu tranh dũng cảm của đông đảo nhân dân Mỹ chống lại cuộc chiến tranh xâm lược nhục nhã của Ních-xơn ở Việt Nam. Việc Ních-xơn huy động bộ máy đàn áp to lớn, bao gồm 15 nghìn cảnh sát, lính thuỷ đánh bộ, lính bộ binh với xe tăng, máy bay lên thẳng chống lại nhân dân Mỹ, bắt giam 10 nghìn người trong đợt đấu tranh mùa xuân vừa rồi càng phơi bày bộ mặt phát xít của chúng và kích thích phong trào đấu tranh càng phát triển ngày thêm sâu rộng.
Ở Nam Việt Nam – nơi mà rất nhiều lính Mỹ đã thức tỉnh nhận thấy rằng họ bị đẩy sang không phải để bảo vệ tự do và dân chủ như luận điệu tuyên truyền của Oa-sinh-tơn vẫn rêu rao mà để bảo vệ bọn nguỵ quyền thối nát - những cuộc biểu tình và đấu tranh cũng đã liên tiếp xảy ra tại các căn cứ quân sự lớn của Mỹ ở Sài Gòn, Long Bình, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai và nhiều nơi khác. Chiến tranh càng kéo dài thì tư tưởng thất bại chủ nghĩa và tư tưởng chống chiến tranh trong quân đội Mỹ càng lên mạnh (Vài ví dụ : 800 binh sĩ thuộc trung đoàn 1, sư đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ số 1 phản chiến ở căn cứ Mỹ Thị (Đà Nẵng), một trung đội bộ binh và một trung đội công binh thuộc sư đoàn “ngựa bay” số 1 phản chiến ở Phước Vĩnh (Biên Hoà), 30 lính Mỹ thuộc đại đội đóng ở Sân Dù (Củ Chi) phản chiến, 1000 lính thuỷ phản đối tàu Cô-ran-xi sang Việt Nam, v.v…). Tiểu ban ma tuý thuộc uỷ ban quân lực hạ nghị viện Mỹ ngày 28/4/1971 cho biết có tới 60 % quân nhân Mỹ dùng ma tuý, một bác sĩ ghi nhận trước thượng nghị viện Mỹ rằng đến tháng 8/1970 đã có tới 43 nghìn lính Mỹ đã chết vì chán chường, dùng ma tuý quá liều lượng. Hãng UPI ngày 6/6/1971 đưa tin : Một nghị sĩ Mỹ sang thăm Sài Gòn, sau khi nghe các quan chức cao cấp Mỹ báo cáo, đã nói : “Lục quân Mỹ ở miền Nam hỏng mất, các tướng lĩnh có thể thấy toàn bộ quân đội tan rã ở đây. Họ ủng hộ việc rút quân. Họ muốn rời khỏi nơi này. Hãy tổ chức và tập hợp lại để cứu vãn quân đội của chúng ta !” (tức Mỹ). Bộ quốc phòng Mỹ cũng đang kêu gọi Ních-xơn rút quân nhanh hơn bây giờ cả vì “lý do quân sự lẫn lý do chủng tộc, ma tuý” (UPI, ngày 2/7/1971).
Việc báo chí Mỹ đưa ra ánh sáng tố cáo tội ác chiến tranh của Mỹ ở Mỹ Lai (Liên khu 5), đăng công khai tài liệu mật của Lầu Năm góc đã bóc trần trước dư luận Mỹ và thế giới toàn bộ sự thật nhơ bẩn, bịp bợm, nguồn gốc xâm lược của chính quyền Mỹ ở Việt Nam, đã bồi thêm một đòn mạnh vào ý chí xâm lược của tập đoàn hiếu chiến Mỹ, cô lập và càng hạ thấp thêm uy tín của Ních-xơn. Thế lực phản chiến đã giành được đa số ở thượng nghị viện. Tất cả những sự rối ren trên của nước Mỹ đã cắt nghĩa một sự việc mà ta thấy dường như là rất vô lý lại xảy ra ở nước Mỹ. Đó là một tổng thống đang trong nhiệm kỳ của mình lại thua kiện các báo, bị toà án tối cao bác bỏ đơn kiện và chống án, đã nói lên phần nào xu thế và sức mạnh của các lực lượng phản chiến ngay trong chính phủ Mỹ. Ta có thể nói rằng, hai năm rưỡi qua là giai đoạn cố gắng tập trung cao độ và thử thách lớn nhất đối với toàn bộ các chính sách của chính quyền Ních-xơn, nhất là chính sách giải quyết chiến tranh ở Việt Nam. Nhưng Ních-xơn đã thất bại, thất bại rất sâu, rất rộng và rất nặng. Nội tình rối loạn của nước Mỹ và sự sa sút nghiêm trọng uy tín của Mỹ ở trên thế giới ngày nay đang đặt Ních-xơn, đảng Cộng hoà và tập đoàn hiếu chiến của y trước triển vọng hết sức bấp bênh trong nhiệm kỳ còn lại một năm rưỡi nữa.
Trên đây, ta mới chỉ phác ra vài nét chủ yếu trong toàn bộ kế hoạch chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” phức tạp đầy tham vọng của Ních-xơn. Nhưng dù chỉ với những nét sơ sài trên đây, chúng ta cũng thấy được rất rõ là chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” là một sản phẩm của thất bại. Những bước đi đầy tội ác của nó cũng là những bước đi của một quá trình thất bại ngày càng nặng hơn. Và hiện nay, nó cũng đang đứng trước những thất bại của cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và cho đến bây giờ cũng không còn cái gì có thể cứu vãn được sự phá sản hoàn toàn của cái chiến lược thất bại và lỗi thời đó nữa.
V. Quân và dân ta có đầy đủ quyết tâm và điều kiện, nhất định đánh bại hoàn toàn kế hoạch “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ
Chúng ta đã từng đánh thắng oanh liệt chủ nghĩa thực dân cũ của đế quốc Pháp trong cả nước. Chúng ta đã, đang và nhất định sẽ đánh bại hoàn toàn chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta lần này có nhiều cái mới. Nhưng rõ ràng cái rất mới, rất đáng tự hào hiện nay là – trong khi bọn Mỹ - nguỵ còn đó với trên dưới một triệu quân với đô la và hàng kho vũ khí, hàng đống đại bác, máy bay, xe cơ giới – mọi người đều thấy chúng đã bị bại trận, hết keo này đến keo khác, cuối cùng rồi cũng sẽ phải thua cuộc ; Mỹ cút về nước, nguỵ đi đằng nguỵ. Hiểu điều đó, không phải chỉ có cán bộ ta, mà cả nhân dân ta. Nhân dân trong vùng tạm thời còn bị địch kiểm soát, trong các thành thị miền Nam có khi thấy được nhiều thực tế bi đát của địch hơn ngoài vùng giải phóng và cũng không phải chỉ có chúng ta, mà ngay chính bản thân giặc Mỹ và bọn tay sai ở Sài Gòn cũng nghĩ như vậy. Sự thật đó của địch hiển nhiên là do chúng ta đã luôn luôn nắm chắc quyền chủ động trong cuộc chiến tranh, chủ động trên chiến trường, chủ động trong đấu tranh chính trị, chủ động cả trong hoạt động ngoại giao và nhờ đó đã thừa thế giành hết hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Quy luật cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại của nhân dân Việt Nam chống bọn đế quốc Mỹ xâm lược tất yếu phải dẫn đến điều đó. Cái lô gíc của thời đại ngày nay là tất cả mọi thế lực phản động bao gồm bọn thực dân cũ và mới đều nhất định bị đánh đổ gục.
Quân và dân ta đang tiếp tục giữ vững và phát huy quyền chủ động tiến công địch trên cả ba mặt trận : quân sự, chính trị và ngoại giao. Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã đề ra sáng kiến hoà bình bảy điểm nhằm tạo cơ hội tốt cho Mỹ rút quân đội viễn chinh về nước trong an toàn và danh dự, nhằm chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình trên cơ sở phân biệt rõ rệt kẻ xâm lược, đông đảo các tầng lớp tiến bộ các nước kể cả ở Mỹ đều đồng tình và ủng hộ. Thế nhưng Ních-xơn và bọn hiếu chiến Mỹ cho đến nay vẫn chưa chịu đáp ứng tích cực sáng kiến đó. Chúng đang tự cô lập chúng trước dư luận rộng rãi trên thế giới và ngay ở nước Mỹ.
Trên chiến trường, chúng đang ráo riết đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở Việt Nam, Lào và Căm-pu-chia. Sắp tới đây, chắc chắn chúng còn xúc tiến nhiều âm mưu thủ đoạn thâm độc, trắng trợn hơn nữa.
Ngày 14/7 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là Le-đơ láo xược đe doạ “sẽ dùng một sức mạnh làm nản lòng đối phương, một hành động mạo hiểm chung của Mỹ và đồng minh …”. Bọn xâm lược Mỹ còn định giở trò gì nữa ? Năm 1970, mở cuộc phiêu lưu quân sự sang Căm-pu-chia, chúng chẳng đã phô trương cái “sức mạnh” … thằng nào thằng ấy chạy đó sao ? Năm 1971 vừa rồi liều lĩnh đưa quân sang Nam Lào, phải chăng cũng chính ỷ vào cái gọi là “sức mạnh Hoa Kỳ” mà cả Mỹ lẫn nguỵ đã chuốc lấy cái thảm hoạ ghê gớm đánh dấu bước ngoặt đi xuống của chúng đó sao ?
Nhân dân ta đã trải qua mấy chục năm đương đầu với các loại đế quốc xâm lược và trải qua hơn mười lăm năm trực tiếp đọ sức với đế quốc Mỹ. Chúng ta đã có điều kiện để hiểu rõ sức mạnh của nhân dân ta, của đường lối lãnh đạo và nghệ thuật chỉ đạo của ta và chúng ta cũng có điều kiện để hiểu rõ đế quốc Mỹ hơn.
Đế quốc Mỹ hay nói sự ta “hiểu lầm” chúng. Không đâu, chúng ta hiểu chúng rất rõ, hiểu chúng rõ hơn và đúng hơn là tự chúng hiểu chúng. Trước hết, chúng ta hiểu rõ thực chất âm mưu của chúng, hiểu rõ chúng muốn những gì ở Việt Nam ; đã nhiều lần vạch trần những mưu ma chước quỷ mà chúng cố tình che giấu dư luận thế giới, lừa dối nhân dân Mỹ.
Chúng ta biết rất rõ chúng đã thất bại như thế nào, chúng ta còn dự kiến những hậu quả tai hại của những thất bại đó đối với danh dự và tình hình của nước Mỹ. Bọn hiếu chiến Mỹ thường kích động nhân dân Mỹ rằng nhân dân Việt Nam “bắt chúng phải đầu hàng”. Thật ra chúng ta là những người yêu hoà bình, công lý hơn ai hết. Chúng ta đã cảnh cáo chúng nhiều lần :
- Đem quân Mỹ vào Việt Nam, chúng sẽ thua to hơn,
- Đánh miền Bắc, chúng sẽ thất bại thảm hại hơn,
- Mở rộng chiến tranh ra Đông Dương, chúng sẽ bị ăn đòn nặng hơn.   
Và đã nhiều lần chúng ta chỉ cho chúng con đường để tránh thất bại nặng hơn, to hơn, nhục hơn, … Nhưng chúng vẫn cứ một mực lao đầu vào, hết phiêu lưu này đến phiêu lưu khác, nhận thêm hết thất bại này đến thất bại khác.
Ngay bây giờ đây, chúng ta cũng vạch ra con đường cho chúng “rút lui danh dự” để đem lại hoà bình cho nhân dân bằng bảy điểm cụ thể của Chính phủ cách mạng lâm thời, nhưng Ních-xơn vẫn chưa chịu rút ra được bài học, vẫn nhắm mắt lẩn tránh, vẫn còn mưu toan những kế hoạch ngu xuẩn và nhục nhã, vẫn cố bám lấy những tên Việt gian bán nước nhơ bẩn loại nhất, vẫn vùi đầu mãi vào những vũng bùn nhơ nhớp để làm cái việc gọi là “cứu vãn danh dự cho nước Mỹ”. Và chắc chắn, cũng như lần trước, Mỹ sẽ tiếp tục bị thất bại nặng hơn, đau hơn, tiếp tục làm mất danh dự nước Mỹ và làm cho nước Mỹ thêm xâu xé, rối loạn hơn. Đó là một màn bi kịch lớn của Ních-xơn và là điều bất hạnh lớn của cả nước Mỹ.
Chúng ta biết rất rõ khả năng và tiềm lực của chúng. Chúng ta biết rõ và đã dự kiến đầy đủ những lực lượng chúng sẽ huy động, những phương tiện tàn bạo chúng sẽ dùng đến. Chúng ta biết rõ những tội ác chúng sẽ gây ra, những tổn thất đau khổ mà nhân dân ta phải chịu đựng. Cho nên, nhân dân ta với quyết tâm gang thép “không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã không có gì phải bất ngờ trước những thủ đoạn của chúng. Nhân dân ta bình tĩnh, kiên trì bền bỉ, không ngừng phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đã đánh trả chúng những đòn quyết liệt. Chỉ có chúng mới bị bất ngờ và không tính toán nổi tinh thần cách mạng của nhân dân ta. Còn nhân dân ta thì vẫn nhìn rõ từng bước đi thắng lợi của mình. Ngày nay câu chuyện “Nhân dân Việt Nam anh hùng và đế quốc Mỹ thua trận ở Việt Nam” đã thành một sự thật hiển nhiên, một câu chuyện truyền miệng, một chân lý giản đơn phổ biến, khắp năm châu bốn biển đều nói tới.
Hiện nay, chúng ta hiểu rõ Ních-xơn và bè lũ vẫn đang ôm ấp những tính toán xấu xa. Chúng ta thấy hắn, với sự giúp đỡ của Kít-xinh-gơ, thường dùng những phương pháp thực dụng rất bỉ ổi để đạt cho được những mục tiêu của chúng, ví dụ :
- Cứ khoác bừa súng vào cho thanh niên Việt Nam, cứ bắt bừa lính, cứ lùa đi học các ngành binh chủng, cứ trao bừa máy bay, tàu chiến cho quân nguỵ. Thế rồi, chúng cũng hí hửng cho là đã bày ra được trước mắt mọi người một đội quân trang bị hiện đại nhất Đông Nam Á,
- Cứ đem máy bay trút bom đạn xuống một khu vực nào đó cho tan nát ra, rồi thúc quân nguỵ Sài Gòn phải đến nơi đó. Thế rồi chúng huênh hoang chứng minh rằng quân nguỵ Sài Gòn đã hành quân “hữu hiệu”, đã “đảm đương trách nhiệm”. Đến khi nguỵ quân vắt giò lên cổ mà chạy, thì lại chửi quân nguỵ là đồ ăn hại, v.v…
- Cứ đem quân rải ra, đem phương tiện đến xây đồn bốt, đặt pháo bắn bừa bãi khắp các thôn ấp. Thế rồi, lại bày trò tính tính toán toán đưa ra những con số phần trăm giật gân để chứng minh là “kế hoạch bình định tiến bộ”, “thành công, có kết quả”, v.v…
- Hiện nay, chúng cũng đang làm cái trò quỷ thuật kiểu đó để cho tên Việt gian Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục làm tổng thống để rồi kêu gào phân bua với thế giới là “xây dựng được nền dân chủ”, “nhân dân miền Nam đã tự chọn được chế độ”, “chọn được tổng thống của mình”, v.v… Với trò này quả thật Ních-xơn và phe lũ đã được coi là những tên hề trơ tráo lố bịch nhất thế giới, xưa nay chưa từng có !
Chúng cứ tưởng chúng làm như thế sẽ có thể làm lung lay được quyết tâm của nhân dân ta, lừa bịp được thế giới, …
Đúng là chúng có gây ra được chuyện nọ, chuyện kia, nhưng từ trước tới nay và mãi mãi về sau, không bao giờ chúng đạt được mục đích của chúng.
Nhân dân ta có sự lãnh đạo dày dạn sáng suốt, lại trải qua những thử thách to lớn quyết liệt đã luôn nhận rõ được sự thật, đã và đang quyết vượt qua tất cả, nêu cao cờ chính nghĩa, đánh bại hoàn toàn mọi âm mưu kế hoạch của đế quốc Mỹ.
Sự thật hiện nay mà nhân dân ta thấy rất rõ là : nhân dân ta đang tiếp tục và phát triển cuộc đấu tranh trong điều kiện ngày càng thuận lợi và thuận lợi lớn hơn bao giờ hết.
1. Ta đang ở một thế mạnh : Đông Dương là một chiến trường. Nhân dân cách mạng ba nước đang đoàn kết chặt chẽ đánh một kẻ thù chung là Mỹ. Mỹ đang sa lầy rộng lớn, đang phải cứu nguy hết cho bọn tay sai này đến bọn tay sai khác. Ngược lại các lực lượng cách mạng Đông Dương dựa vào nhau, giúp đỡ nhau ngày càng lớn mạnh.
2. Trước sức ép của thế giới và nước Mỹ, Mỹ không thể không rút thêm quân, giảm chi phí chiến tranh, ngày càng buộc bọn tay sai phải gánh phần chủ yếu trong chiến tranh. Nhưng bọn tay sai sa sút, bất lực. Cho nên so sánh lực lượng trên chiến trường đang tiếp tục biến đổi có lợi cho cách mạng và hết sức bất lợi cho bọn xâm lược và tay sai.
3. Trong khi đó, trước những tội ác ngày càng lớn của Mỹ và tay sai, nhân dân ta tưng bừng phẫn nộ đang tìm mọi cách đánh trả chúng từ thành thị đến nông thôn. Toàn bộ cơ cấu nguỵ quyền từ trung ương đến cơ sở đang rung rinh lay động trước các làn sóng đấu tranh của nhân dân ta.
Như vậy rõ ràng là thế và lực của địch đang trên đà đi xuống, thế và lực của các lực lượng cách mạng Đông Dương và Việt Nam đang ngày càng vững mạnh.
Bất kể Ních-xơn xoay xở thế nào, chạy kêu cứu ở đâu, đánh lạc hướng thế nào thì cũng không tài nào thoát khỏi thế trận này. Đây là thế trận chiến tranh nhân dân với trình độ tinh luyện. Đây là thế trận chính nghĩa bao gồm cả các mặt quân sự, chính trị, ngoại giao, thể hiện nhiều mặt của trào lưu cách mạng sôi sục nhất trong thời đại hiện nay.
Đây là thế trận mà quyền quyết định là ở nhân dân Việt Nam, nhân dân Đông Dương và nhân dân tiến bộ trên thế giới, chứ không phải ở trong những bàn tay phù thuỷ bất lực lỗi thời của bọn đế quốc.
Chúng ta hết sức phấn khởi và tin tưởng trước tình hình cách mạng hiện nay, chúng ta ngày càng phải ra sức :
- Nhận rõ tình hình thắng lợi của ta, thất bại của địch,
- Nhận rõ và sâu hơn sự ngoan cố xảo quyệt của địch, nhưng lại nhận rõ và sâu sắc hơn đà suy yếu thất bại và bế tắc của chúng,
- Trên cơ sở đó, nâng cao thêm lòng tin tưởng vững chắc ở đường lối cách mạng, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng và bản chất truyền thống tốt đẹp của các lực lượng vũ trang nhân dân,
- Chúng ta quyết tiêu diệt và làm tan rã nhiều sinh lực địch hơn nữa, tiêu diệt và phá hoại nhiều phương tiện chiến tranh hơn nữa,
- Toàn thể nhân dân ta quyết đập tan từng bộ phận, tiến tới đập tan hoàn toàn kế hoạch “bình định” đầy tội ác của địch, giành quyền làm chủ ngày càng cao của nhân dân,
- Chúng ta quyết đẩy mạnh hơn nữa, cổ vũ mạnh mẽ hơn nữa các phong trào đấu tranh của đồng bào các giới ở thành thị cũng như ở nông thôn đòi Mỹ rút, đòi đánh đổ nguỵ quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu.
Và làm được như thế chúng ta sẽ đưa thế trận của chúng ta lên rộng hơn bao giờ hết, mạnh hơn bao giờ hết, đánh bại địch thêm nhiều bước là tiến tới đánh bại hoàn toàn âm mưu xâm lược các kiểu xảo quyệt của đế quốc Mỹ, quét sạch bọn Việt gian bán nước xấu xa. Chúng ta nhận rõ và tin chắc là chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ đã thất bại từ đầu, đang trải qua nhiều bước thất bại và sắp tới nhất định thất bại hoàn toàn. Chúng ta quyết thực hiện cho bằng được các mục tiêu cơ bản của cách mạng Việt Nam, đoàn kết chặt chẽ với các dân tộc anh em trên bán đảo Đông Dương, giành cho được độc lập, hoà bình, dân chủ và giàu mạnh cho cả ba nước.
Hồ Chủ tịch dạy rằng : “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”. Người thường nói : “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ !”. Tuân theo lời chỉ bảo của Người, chúng ta đã từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ một lực lượng rất nhỏ bé buổi ban đầu với vài chục tay súng, tiến lên có cả một cơ đồ cách mạng to lớn như ngày nay. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 26 ngày Nam Bộ kháng chiến, ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của cách mạng miền Nam, chúng ta thật bồi hồi xúc động, vô cùng thương tiếc và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, người cha vĩ đại của dân tộc, vị lãnh tụ thiên tài và tôn kính nhất của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân Việt Nam. Người đã hy sinh cả cuộc đời mình cho dân tộc, cho giai cấp và cho cách mạng miền Nam nói riêng. Với câu nói xiết bao ân cần trìu mến : “Còn ngày nào mà miền Nam chưa được giải phóng thì tôi ăn chưa ngon, ngủ chưa yên … vì miền Nam luôn luôn trong trái tim tôi”.
Lời của Bác Hồ là lời của non sông đất nước, là tiếng hịch cứu nước thiêng liêng nhất. Chúng ta xin hứa với Người : Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước dù còn phải kinh qua gian khổ, khó khăn như thế nào, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta chỉ có một ý chí, chỉ có một hành động. Ý chí và hành động đó là quyết chiến và quyết thắng, đánh cho quân Mỹ phải cút về nước, đánh cho nguỵ quân, nguỵ quyền tay sai của Mỹ phải sụp đổ, đánh cho đến thắng lợi hoàn toàn.
Chưa bao giờ cách mạng miền Nam lại có thuận lợi rất to lớn như ngày nay. Chưa bao giờ giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai của chúng lại vấp phải khó khăn trùng điệp như hiện nay. Trong khi lực lượng phản cách mạng đang suy yếu rõ rệt thì lực lượng cách mạng của ta hùng hậu hơn lúc nào hết. Đó là lực lượng cách mạng to lớn của cả ba nước Đông Dương cùng đoàn kết chặt chẽ, nỗ lực vượt bậc, kiên trì và đẩy mạnh cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng. Đó là lực lượng cách mạng to lớn của bản thân chúng ta.
Đặc biệt rõ nét hơn bất cứ lúc nào trước đây là những thắng lợi rực rỡ về nhiều mặt của quân và dân miền Bắc trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nổi bật nhất là trên mặt trận nông nghiệp chẳng những đã đem lại tác dụng bước đầu tăng cường thêm sức mạnh kinh tế và quốc phòng của cả nước mà còn là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn đối với quân và dân miền Nam, khích lệ các cán bộ, chiến sĩ nắm chắc tay súng, dũng mãnh xông lên làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình trong giai đoạn lịch sử oanh liệt nhất của dân tộc ta.
Chúng ta cảm ơn các nước xã hội chủ nghĩa anh em, bè bạn và nhân dân thế giới đã đồng tình ủng hộ và giúp đỡ to lớn đối với cách mạng miền Nam.
- Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai nhất định thua!
- Nhân dân Việt Nam và nhân dân Đông Dương anh hùng nhất định toàn thắng!

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà văn, 2012) 

2 nhận xét:

  1. thank! nhung chau van chua tim duoc dap an thoa man cho minh

    Trả lờiXóa
  2. oắc the fuck ? Cháu đang tìm điểm yếu mà ko thấy đâu

    Trả lờiXóa