Nhà văn Lê Minh Quốc
Đó là ông tướng Trần Độ. Thời còn là học sinh, tôi đã ngồi dưới tán cây phượng của trường Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) đọc say mê quyển Lý tưởng, ước mơ và nghĩa vụ. Sau này, vào quân ngũ dưới bóng cây thốt nốt rợp mát trên đất nước Chùa Tháp, tôi đã đọc hồi ký Bên sông đón súng của ông. Trong hai quyển sách này, tác giả Trần Độ không hề nói đến chuyện ông ham thích chụp ảnh nghệ thuật từ bao giờ. Vậy mà bây giờ, trước mắt tôi là gần một trăm tấm ảnh nghệ thuật của ông.
Ông tâm sự: “Tôi bắt đầu tập chụp ảnh, ngay sau khi Cách
mạng Tháng Tám 1945 thành công. Khi đó, tôi được sớm tiếp xúc với các anh đã chụp
ảnh thành nghề như anh Tô Na, Nguyễn Bá Khoản. Trong suốt thời gian kháng chiến
chống Pháp, tôi lại cùng sống với các anh Nguyễn Đắc, Nguyễn Văn Ty và gặp gỡ các
anh Triệu Đại, Vũ Năng An, v.v… Tôi không có ý làm nghệ thuật, tôi chụp ảnh chỉ
do một nhu cầu : kỷ niệm, kỷ niệm cho bản thân tôi, kỷ niệm cho các bạn bè, đồng
chí”. Vâng, kỷ niệm khó quên của những năm tháng đã qua là chất liệu quý báu để
ông có được những bức ảnh đẹp.
Xem hàng loạt ảnh của Trần Độ mới biết rằng, ông đã từng có mặt ở nhiều nơi trên đất nước ta vào những thời điểm khác nhau. Một bến ngầm qua sông trên đường Trường Sơn, không một bóng người, chỉ cuồn cuộn dòng thác lũ. Trường Sơn - một đoạn đường hoang vắng, chỉ có những nhánh cây khẳng khiu chọc lên trời xanh. Trong ảnh phong lan của ông, hình bóng con người lẩn khuất đâu đó, hay ông muốn trả lại cho thiên nhiên những gì vốn có của nó? Như trong bức Cầu Hiền Lương (trên sông Bến Hải) ngay sau ngày giải phóng, dù không thấy bóng người, nhưng hai ngọn cờ bay phất phới trên nền trời lồng lộng đã đem lại cho người xem nỗi hân hoan của ngày đoàn tụ. Phải chăng, nghệ thuật nhiếp ảnh nghiêm khắc đòi hỏi người cầm máy phải tìm cho mình một góc độ độc đáo? Vì lẽ đó, để ghi lại hình ảnh biên giới Tây Nam, ông chỉ gom chất liệu đặc trưng nhất là hai bóng cây thốt nốt trong bầu trời mây trắng lửng lơ bay…
Ảnh : Trần Độ |
Ngoài ảnh phong cảnh, còn phải kể đến một loạt ảnh chân
dung về những nhân vật chính trị, văn hoá nổi tiếng bên cạnh những con người bình
dị trong chặng đường đánh Mỹ vừa qua. Với chân dung Đại tướng Nguyễn Chí Thanh,
Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Trần Văn Trà, Hoàng Cầm hoặc Thiếu tướng Nguyễn Thị
Định… tác giả đã nắm bắt được thời cơ trong tíc tắc của nghệ thuật nhiếp ảnh.
Nhờ vậy, các bức ảnh đã toát lên cá tính,
nhân cách của nhân vật. Những nghệ sĩ nhiếp ảnh chí thú với ảnh chân dung về những
nhân vật nổi tiếng, như Cao Lĩnh hoặc gần đây có Dương Minh Long… đều thừa nhận
rằng đây là một thử thách lớn đối với bản lĩnh nghề nghiệp. Ông tướng Trần Độ
chắc hẳn cũng vì kỷ niệm muốn có với bạn bè mà đã thực hiện những bức ảnh này. Ấy
thế mà nó vẫn có được nét độc đáo riêng. Nghệ thuật nhiếp ảnh đã “ưu đãi” cho ông
nhiều quá chăng?
Nhưng thôi, dù có bình luận gì nữa thì tác giả Trần Độ vẫn khiêm tốn gọi đó là “những kỷ niệm … ảnh”. Kỷ niệm đó không còn là riêng của ông, mà những người yêu ảnh nghệ thuật khi xem vẫn thấy đôi nét kỷ niệm của chính mình. “Sự chia vui nho nhỏ” này là cảm nghĩ của tôi khi xem ảnh của ông tướng Trần Độ.
(Trích Nhớ Nhà văn Trần Độ, Nxb Văn Học, 2013)
Tôi phục Quang quá!
Trả lờiXóa