Thứ Hai, 20 tháng 3, 2023

Chế độ tiểu thao trường

        (Sơ kết kinh nghiệm ở 312 – Sông Lô kỳ chỉnh huấn hè 51)

I- Tiểu thao trường là gì?
Tiểu thao trường là bãi tập nhỏ, dùng khoảng đất nhỏ mà tập từng tổ nhỏ, 3 người, 5 người đến một tiểu đội, phân tán mà tập không cần bãi rộng lớn, không cần tập trung hò hét, khi không phải tập trung động tác rộng lớn (ném lựu đạn, đặt bộc lôi) thì có thể ở trong nhà, gốc cây cũng tập được, nhất là những khi thảo luận thì lại càng tiện lợi.


 II- Tại sao lại dùng tiểu thao trường
a) Để mở rộng được quân sự dân chủ, nâng cao được tính tích cực, tính tự động và tính sáng tạo (sáng kiến) của quần chúng binh sĩ.
Khi đã phân tán như thế, anh em binh sĩ từng tổ nhỏ tập sẽ phát biểu ý kiến nhiều, nhiều cơ hội phát biểu ý kiến nêu ra những kinh nghiệm và nhận thức cá nhân của mình, tranh luận mà tìm ra những điều đúng, góp được ý kiến chung, anh em không sợ đông người phát biểu (ngượng), không sợ cán bộ chế át ý kiến. Do đó anh em vui thích, phấn khởi và cũng do đó cán bộ học tập được rất nhiều, anh em cũng có nhiều thời gian học tập.
Ví dụ: học lựu đạn, nếu buổi tập toàn Trung đội hay Đại đội là 3 giờ đồng hồ thì mỗi chiến sĩ chỉ có thể ném được 6, 7 lần, có phê bình sửa chữa những động tác sai lầm cũng chỉ cán bộ nói nhiều.


Cán bộ lại không thực tế ném lựu đạn tại chiến trường mấy, nên cũng chỉ có lý thuyết nguyên tắc hoặc giả có một số chiến sĩ nói lên cũng chỉ là một số nhỏ lão chiến sĩ bạo dạn nói mà thôi, còn số đông đứng xem hoặc nghe, thế nào cũng sinh ra hiện tượng nghe lắm mỏi tai, xem lắm chán mắt mà lơ đãng. Khi phân tán thì thực tế một chiến sĩ trong tổ 3 người trong một tiếng đồng hồ vừa ném vừa rút kinh nghiệm cũng được tới 15 lần ném. Học tập bộc phá cũng thế.
Kỳ học tập lựu đạn vừa qua, ở 209 do chiến sĩ thảo luận mà nhận thấy động tác ném lỗ châu mai và động tác ném cửa sổ rất đúng. Ở 141, học bộc phá, các chiến sĩ cũng tìm thấy tư thế và động tác đặt ống bộc lôi vào dây thép gai rất đúng và cách sử dụng những thủ pháo (bộc lôi nhỏ) và nhiều kinh nghiệm tỷ mỉ về cách chắp nối, gìn giữ thuốc nổ.
Thực hiện được tiểu thao trường là thực hiện được việc giáo dục bộ đội theo đường lối quần chúng.
b) Hợp với hoàn cảnh của bộ đội ta
Hoàn cảnh của ta hiện nay là bộ đội phân tán phải giữ bí mật, trời hay mưa to, nắng gắt đi lại khó khăn vất vả, máy bay hay khủng bố. Do phân tán là phải giữ bí mật nên khó tìm bãi lớn để tập trung làm thao trường lớn, ầm ỹ do trời hay mưa to nắng gắt, không thể nhất thiết lúc nào cũng tập hợp được nhiều ở bãi lớn, do máy bay hay khủng bố, tập hợp đông rất có thể xảy ra như những tai nạn nguy hiểm.
Trên đây là nêu rõ ý nghĩa của chế độ tiểu thao trường áp dụng trong quân đội ta.

III- Những lợi hại, khó dễ cụ thể của chế độ tiểu thao trường
Tiểu thao trường rất nhiều lợi
1) Dễ kiếm địa điểm, sắp xếp thời gian ven rừng, bờ suối, ruộng mạ, chỗ nào phát qua đi cũng có thể thành chỗ tập, chọn chỗ nào nhiều bóng râm mát kín đáo, không khí tốt mà thu xếp. Trời nực thì hè đình, trong nhà, quán chợ đều biến thành thao trường được cả, tập đội hình thì lấy sỏi đá làm quân, tập xạ kích thì lấy mo cau, quạt nan làm bia.
Mưa nắng tùy cơ mà xếp đặt, khi phân tán lúc tập trung.
2) Tập được nhiều lần, phát biểu được nhiều ý kiến.
3) Do đã thu thập được nhiều ý kiến của các chiến sĩ, cán bộ học tập được nhiều kinh nghiệm thực tế của chiến sĩ tổng kết lại mà giáo dục chiến sĩ.
4) Cũng do đó các chiến sĩ học tập được kỹ lưỡng thấu triệt hơn. Nếu giảng bài tập trung có những chiến sĩ mới hay kém, muốn hỏi lại sợ hoặc ngượng không dám hỏi. Nhưng bây giờ ngồi riêng tha hồ hỏi, có khi tổ trưởng hỏi từng người để kiểm tra và thúc đẩy cho các người kém hiểu biết tiến bộ, làm cho tất cả mọi người hiểu, tiến đều nhau.
5) Đề cao được tác dụng lãnh đạo của chi uỷ và các đồng chí. Vì phân tán như vậy, chi uỷ muốn nắm chặt tình hình chung phải hoạt động hơn, hội ý hội báo đều đặn, kế hoạch và phân công cụ thể và tỷ mỉ. Đồng thời các đồng chí phải tự động độc lập lãnh đạo một tổ học tập nếu không gương mẫu và cố nghĩ cách dìu dắt thúc đẩy thì kết quả xấu tốt sẽ rõ rệt ngay.
Ở D2, Đại đội 241 do Chi uỷ có kế hoạch khéo, sát, cán bộ gương mẫu nên việc học tập chỉ trong 5 hôm đầu kết quả đã rõ rệt, trái lại ở Đại đội 243 lúng túng.
6) Đề cao được những đức tính gương mẫu, sát chiến sĩ của cán bộ, đồng thời trừ bỏ được tác phong huấn luyện quan liêu quân phiệt.
Khi đã phân tán, cán bộ chỉ ngồi một chỗ thì nhất định không thể thúc đẩy được sự học tập, không hiểu được bộ đội thế nào, không thu thập tổng kết và trao đổi được nhiều kinh nghiệm để giáo dục đội viên kết quả học tập tốt hay xấu sẽ đủ tỏ rõ cách làm việc của cán bộ. Cứ phải đi từng tổ, người cán bộ không gắt được với ai, mà tự nhiên phải kiên nhẫn. Còn những nơi nếu chính cán bộ Trung đội, Đại đội cũng tập như anh em và lại yêu cầu anh em phê bình động tác thì sẽ học được rất nhiều và được anh em mến vô cùng.
7) Thi đua sôi nổi - người nọ nhìn người kia, tổ nọ trông tổ kia, ai cũng đều cố gắng thi đua. Đồng thời, do điểm thứ tự nói trên thì sự thi đua không xảy ra đố kỵ, ganh tỵ mà trái lại đề cao được sự đoàn kết, vui vẻ đặc biệt trong tổ 3 người khi tập hiểu rõ được kỹ thuật của nhau, khi tác chiến tin tưởng nhau nhiều hơn, đề cao được tinh thần tác chiến.
8) Khi có máy bay không tốn thì giờ chạy hoặc phải xôn xao, lộn xộn. Không bao giờ lộ mục tiêu lớn để xảy ra khủng bố lớn được.
Tuy nhiên cũng có vài điều khó khăn
1) Khi học khoa mục khó thống nhất nội dung cho tỷ mỉ cụ thể (cần tốn công thống nhất trong cán bộ trước).
2) Tốn công làm bãi, chuẩn bị công cụ, vật liệu.
3) Cán bộ kiểm tra khó, vất vả, tốn công.
4) Tốn công thống nhất kinh nghiệm, công tác.
Nhưng những khó khăn trên đều là những khó khăn về tốn công cả, nếu cán bộ có trách nhiệm quyết tâm thì sẽ khắc phục đầy đủ.
Nên tổ chức và thực hiện tiểu thao trường thế nào?
1) Công tác chuẩn bị. Cũng như nhiều công tác khác, nếu không có chuẩn bị thì không thành công - Vậy chuẩn bị những gì?
a) Trước hết phải giải thích thật kỹ ý nghĩa lợi hại của chế độ tiểu thao trường (căn cứ vào những điểm ở những phần trên và những điểm quan niệm sai lầm nói ở dưới),
b) Chuẩn bị địa điểm - về địa điểm của tiểu thao trường thì dễ chọn hơn, nhưng không phải không có sửa sang, vì có nhiều khoa mục cần tập trên đất rộng (như bộc phá, lựu đạn, đội hình). Vì vậy, phải nghiên cứu các khoa mục trước mà định cách tìm địa điểm. Nếu như bộc phá và lựu đạn như kỳ vừa qua thì nên chuẩn bị mỗi tiểu đội một sân tập nhỏ dài độ 30 thước, rộng độ 5, 7 thước.
Ngoài ra, nên chú ý hình thế của sân tập. Nên để cho chiến sĩ có thể tập dốc lên không nên tập dốc xuống, nên để cho ba sân tập của 3 tiểu đội, 3 tiểu đội châu đầu từ 3 phía vào nhau, để cán bộ trung đội đi kiểm tra giúp đỡ các nơi cho tiện lợi, gần gũi. Lại nên để cho 3 nhóm sân tập của 3 trung đội thành hình tam giác và tất cả chỉ nên chọn một khoảng đất rộng mỗi bề ngang hay dọc từ 200 thước đến 300 thước là cùng. Như thế cán bộ đại đội đi mới xuể mà kiểm tra đôn đốc giúp đỡ các chiến sĩ được.
c) Chuẩn bị công sự - như trong thời kỳ học tập tứ đại kỹ thuật này phải có công sự để tập cho thực tế. Ví dụ như học bộc lôi thì mỗi bãi tập phải có hàng rào dây thép gai giả nhưng rộng và cao như của địch, có một cái hào rộng, một bức tường cao chừng 1 m 50, rộng chừng 2 thước có 1 hay 2 lỗ châu mai (lấy ngay đất đào hào mà đắp tường), học lựu đạn phải có lỗ châu mai cửa sổ, v.v… công sự cũng phải chiểu quy mô như thế, nhưng thực tế anh em phải chuẩn bị tấn công.
Tuỳ từng khoa mục, cấp chỉ huy phải dự tính trước như những công sự cần thiết để chỉ thị cho anh em làm và phải có một thời gian chuẩn bị vừa để động viên giải thích vừa chuẩn bị cho đầy đủ trước.
d) Chuẩn bị vật dụng
Như thuốc nổ giả làm bằng đất, kíp giả, dây giả - như những ống thuốc nổ, những gói thuốc nổ đủ cân lạng, lựu đạn bằng gỗ, v.v… vận động quần chúng chuẩn bị. Ví dụ : mỗi đội viên một cân đất, nặn một bánh thuốc nổ giả, v.v… sửa sang cuốc xẻng để tập công sự, làm bia ngắm cá nhân tập xạ kích, v.v…
Công tác chuẩn bị làm được đầy đủ thì trước khi học tập bớt được nhiều lo lắng, vất vả bận rộn. Tuy nhiên nếu muốn tranh thủ thời gian thì vừa học vừa chuẩn bị cũng được. Học đến khoa mục nào chuẩn bị cho khoa mục đó.
2) Vận dụng phân tán tập trung, tập trung phân tán
Tiểu thao trường không nhất thiết lúc nào cũng là tiểu tổ học tập mà khi phân tán, tập trung phải cho linh hoạt và thích hợp.
Có thể bắt đầu buổi tập phải tập trung toàn Đại đội học khoa mục, giải thích khoa mục xong chia ra từng Trung đội hay tiểu đội, các cán bộ hướng dẫn thảo luận cho hiểu rõ bài học rồi mới phân tán đến từng tổ để thực hiện tập động tác hay mạn đàm, thảo luận kiểm thảo để thêm kinh nghiệm hoặc ý kiến (có khoa mục tập động tác, có khoa mục chỉ thảo luận).
Cuối giờ tập trước khi nghỉ độ 30 phút hay 20 phút lại tập trung để thống nhất động tác.
Có khi phân tán đến tiểu tổ, có khi phân tán đến tiểu đội. Có khi phải thảo luận từng trung đội hay phân tán ra tập luôn (nếu khoa mục dễ dàng).
Nói chung thì nên nhiều thì giờ phân tán cho anh em tập hơn là thì giờ tập trung.
Ví dụ : tập trung hạ khoa mục 15 phút hay nửa giờ. Trung đội thảo luận nửa giờ. Phân tán 1 giờ 30 phút, lại tập trung nửa giờ. Nếu không phải Trung đội thảo luận thì giờ phân tán có đến 2 giờ (chiếm 2/3 thì giờ).
Chú ý : Phải giữ đúng kỷ luật thời gian và nội dung. Đúng giờ phải học tập, học tập cái gì chỉ bàn và tập cái đó, đừng lan man, tản mạn, đúng giờ nghỉ là cương quyết nghỉ. Đề phòng sự tập quá giờ, đề phòng một số anh em ham tập, tập cả trong giờ nghỉ trưa.
Chống những sai lầm về chế độ tiểu thao trường
1) Cho vì máy bay khủng bố, nên ta phải tiểu thao trường. Đó không phải là lẽ chính - lẽ chính là ở chỗ phát huy dân chủ quân sự.
2) Có người cho là lúc nào cũng không thể có bãi to mới phải tiểu thao trường, vì thế cố tìm bãi to để tập trung huấn luyện, cũng không đúng.
3) Có người cho tiểu thao trường chỉ là một tổ thảo luận nên không coi công tác chuẩn bị là quan trọng.
4) Có người cho tiểu thao trường lúc nào cũng chỉ là học từng tiểu tổ nên lo sợ không thống nhất được sự huấn luyện.
5) Có người sợ phân tán ra thì các đội viên sẽ tán, nói chuyện phiếm, chơi đùa nhiều, không đúng. Thực tế đã trả lời ngay từ ngày đầu, chiến sĩ rất tích cực học tập, chỉ cần giáo dục vận động trước cho các Đảng viên và cán bộ phải gương mẫu tự động và đi sát quần chúng.
6) Có người lo khi phân tán cán bộ không nắm được hết bộ đội, trái lại nếu hội ý hội báo đều. Cán bộ hết sức làm tròn trách nhiệm thì nắm sát bộ đội hơn là tập trung huấn luyện.
7) Có người lo mất nhiều thì giờ tập họp, giải tán - thực tế đã chứng minh, nếu hiệu lệnh nghiêm, kỷ luật vững, động tác nhanh thì không mất chút thì giờ nào, còn được lợi nhiều thì giờ hơn là tập tập trung, nhiều người phải chờ đợi.

IV- Công tác lãnh đạo tiểu thao trường
1) Tiểu đoàn cần phải thống nhất khoa mục và phương pháp giáo dục tuỳ tính chất từng khoa mục. Tiểu đoàn triệu tập hoặc từ cán bộ Trung đội hoặc từ tiểu đội và một số tổ trưởng cứng lên giảng về khoa mục, phương pháp giáo dục và lấy thêm ý kiến của anh em cho khoa mục phong phú hơn để giúp đỡ cán bộ tiểu đội trung đội có thể hướng dẫn chiến sĩ học tập.
2) Liên chi uỷ phải có hội báo hàng ngày để trao đổi kinh nghiệm giáo dục cho kịp thời, có hiện tượng gì không tốt lập tức giải quyết và đề phòng, có việc gì khó khăn giải quyết ngay, mỗi khoa mục xong lại hội ý một lần sơ kết kinh nghiệm, nhận xét kết quả để bước sang khoa mục sau.
3) Cán bộ đại đội khi giao khoa mục cần chú ý giảng cho dễ hiểu, nêu một vài việc cụ thể đã xảy ra rồi gợi ý cho anh em thảo luận.
Ví dụ : khi nói về cách giữ gìn thuốc nổ, nêu lên một vài chiến sĩ khi hành quân nghỉ, vất mạnh hòm thuốc xuống đất rồi ngồi phịch lên trên… như thế là vỡ thuốc trong hòm và ẩm thuốc, để gợi ý anh em nêu ra những khuyết điểm khác và phương pháp sửa chữa.
Khi nói về động tác cũng thế, nên biểu diễn ngay vài động tác và nêu lợi hại khác nhau để gợi ý cho chiến sĩ thảo luận.
4) Chi uỷ (đặc biệt là chính trị viên) phát biểu rõ những mục đích yêu cầu của khoa mục mà đề ra khẩu hiệu cho ngắn gọn, dễ nhớ và sát thực tế.
Ví dụ: khoa mục bộc phá thì đề ra 5 giỏi: “giỏi giữ gìn; giỏi gói ghém; giỏi chắp nối; giỏi mang vác; giỏi đặt, giật”.
Khi học tính năng bộc phá và động lên thuốc nổ và 4 sợ:
“Sợ nước, sợ lửa, sợ kêu lớn, sợ động mạnh”
Khi học ném lựu đạn cần học: “ném châu mai, ném ngang, ném nhẹ, ném cửa sổ, nhằm cầu vòng, v.v…”.
Muốn thế người chính trị viên phải tập như anh em, tham gia thảo luận như anh em, theo rõi những kinh nghiệm của anh em để đặt khẩu hiệu cho kịp thời.
Người chính trị viên còn phải luôn hội ý (từng giờ, từng bài tập hàng ngày) trong chi uỷ để biết rõ từng chiến sĩ xem tinh thần học tập từng người một, xem sự thu nhận hiểu biết, sự tiến bộ của từng người một để kịp thời lãnh đạo, biểu dương và đặt kế hoạch. Cần bồi dưỡng các Đảng viên dìu dắt những người kém. Ở chi bộ 366 đã khéo lãnh đạo một chiến sĩ còn lạc hậu không dám phát biểu ý kiến thành người phát biểu ý kiến.
5) Cán bộ trung đội và tiểu đội (ở cách Đại đội), ngoài việc lãnh đạo học tập trung cũng cần học tập như chiến sĩ ở một tổ, có phát biểu ý kiến như chiến sĩ, gợi ý cho anh em phát biểu ý kiến, ý kiến nào thấy khó không giải quyết được đề ra cùng thảo luận, không nên cứ cậy là cán bộ nói át đi hay đề ra kết luận “bài bây”.
Ví dụ: khi một chiến sĩ đề ra thắc mắc khi một gói bộc lôi to không nổ mà đem một gói bộc lôi nhỏ đến đặt vào giật tiếp thì gói bộc lôi nhỏ dây ngắn, nổ nhanh chạy không kịp, hy sinh vô ích, vậy nên làm thế nào?
Cán bộ trả lời “đành chết chứ sao”, về sau chiến sĩ không chịu, thảo luận lại là có thể sửa soạn một số bộc lôi nhỏ, dây dài để dùng trong những trường hợp đó. Sau đó cán bộ thấy đúng đành phải chịu.
Khi tập phải thực tập, tập để giỏi về kỹ thuật, yêu cầu anh em phê bình động tác thì tự mình sẽ giỏi hơn và chỉ dẫn được cho anh em, anh em mến hơn, không nên có lối “tập làm mẫu” hoặc tập không thực sự, ngại mệt, ngại bẩn quần áo. Vì thực tế cán bộ về kỹ thuật, động tác thế nào cũng kém hơn chiến sĩ, trừ một số cán bộ từ đội viên chiến đấu mà được đề bạt lên.
Ở đại đội 241 của D11, cán bộ đều làm như trên, sự học tập rất nhiều kết quả.
6) Các đảng viên và tổ trưởng 3 người cần được động viên và giải thích trước, các đồng chí này vừa gương mẫu phát biểu ý kiến, lại vừa phải hết sức giúp đỡ quần chúng hay giúp đỡ tổ viên phát biểu ý kiến và học tập nhiều. Không nên có ý kiến cứ nói liên miên, cũng không nên tranh anh em mà tập lấy tập để. Phải gợi ý thúc đẩy anh em phát biểu ý kiến, phải cắt lần tập cho đều, ai kém cho tập nhiều hơn để tiến bằng người khá.
Có một cuộc thảo luận Trung đội, một tổ 3 người ngồi, một đồng chí tổ trưởng thúc tổ viên phát biểu ý kiến, người tổ viên kia còn rụt rè giơ tay nửa chừng. Đồng chí tổ trưởng liền nắm tay đồng chí đó giơ lên rồi gọi chủ tịch: Đồng chí này muốn phát biểu ý kiến. Thế là đồng chí phải nói.
Có chỗ thì trong cuộc họp cán bộ tiểu đội thấy đội viên mình phát biểu ý kiến sai hay không phát biểu ý kiến thì nguýt, tỏ vẻ bực mình làm mất điểm thi đua – như vậy không đúng.
Phải giúp đỡ lẫn nhau tránh tinh thần thi đua ganh tỵ.
7) Phải lãnh đạo toàn thể anh em tập trung tư tưởng vào việc học tập. Học khoa mục nào nghĩ về khoa mục ấy, những lúc nghỉ cũng bàn bạc, nói chuyện vui vẻ những khoa mục ấy, anh em giải trí, viết bích báo cũng hướng vào chỉnh huấn, không nên để anh em bàn chuyện lan man mà nghĩ lung tung ra những chuyện khác.
8) Công tác biểu dương phê bình. Biểu dương là nêu cao đề ra giữa Hội nghị để hoan hô. Nó là một hình thức khen thưởng nhẹ nhàng vui vẻ. Còn khi phê bình thì cũng không phải là chê bai, kỷ luật, mà chỉ nên nêu lên những gương kém, xấu để khuyến khích.
Biểu dương thì chọn những đơn vị, cá nhân kém nhưng tích cực và tiến bộ. Số người biểu dương không nên hạn chế, cứ để anh em nhận xét và đề cử lên rồi đề ra.
Không cần kỹ hơn - thường thì hàng ngày như đang trong khi học tập, ai có những tiến bộ đặc biệt hay có những ý kiến kinh nghiệm gì hay thì nêu lên ngay mà hoan hô.
Kinh nghiệm thực tế trong thời gian vừa qua công tác biểu dương đã đề cao được tinh thần học tập, dìu dắt được những người kém tiến bộ đều, không khí học rất sôi nổi.
9) Các công tác động viên khác như từ trước đã dùng và tiếp tục dùng. Chú ý tránh hình thức chủ nghĩa, tránh mệt cho anh em. Cán bộ chính trị phải làm việc như cán bộ quân sự thì mới làm công tác sát thực tế được.
Ngày 18 tháng 6 năm 1951

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét