Thứ Năm, 10 tháng 6, 2021

Nỗi lòng đồng chí Mão


Tối nay là tối thứ bẩy. Văn công của Đại đoàn xuống biểu diễn, toàn Tiểu đoàn náo nức chuẩn bị đi xem. Riêng Mão không muốn đi tý nào. Xem làm gì? Nằm ở nhà vùi đầu vào trong chăn mà nghỉ có lẽ còn nhẹ lòng một chút. Ăn cơm còn chả thấy ngon, hút thuốc lào thêm nhạt miệng. Lòng nặng như chì, còn sung sướng gì mà xem Văn công…


Câu chuyện của Mão buồn lắm. Mão đã kể hết cho đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn nghe:
Nhà Mão có ba anh em giai và một chị gái. Bố Mão mất sớm. Mẹ Mão một mình thắt lưng buộc bụng nuôi con khôn lớn. Chị Mão lấy chồng xa tận Kiến An, chả ai biết tin tức gì. Kháng chiến được ít lâu. Anh Mão và Mão vào bộ đội, em giai Mão ở nhà vào du kích. Anh Mão hy sinh trong trận Đông Khê hồi chiến dịch Biên Giới. Chị dâu Mão goá bụa từ bấy, với ba đứa cháu nhỏ. Chả bao lâu sau, đứa con giai lớn nhất lại bỏ đi. Em Mão bị địch bắt trong một trận càn hồi giữa năm 1953, về sau chúng giết mất trong tù. Mẹ Mão không nhận được tin tức gì của Mão, cho là Mão cũng hy sinh rồi. Từ đó bà cụ như điên, như dại, khi thì ngồi bờ ao khóc con, lúc thì vật vã bên gường thờ, có lúc lại đi tha thẩn như người không hồn, ai hỏi không nói, ai gọi cũng chả thưa. Chị dâu Mão đau sót quá cũng sinh ra lầm lỳ, cả ngày chỉ lừ lừ làm, lừ lừ ăn, thỉnh thoảng gọi mẹ một câu để mời ăn cơm hay nhờ trông hộ bếp mà thôi. Con cái quấy, chị quắc mắt lên quát, không có chị để đấy nó khóc chán thì thôi. Cảnh gia đình lạnh lẽo, thiếu thốn, ủ rũ.
Sau đình chiến, quê Mão được giải phóng. Mão được phép về thăm nhà. Thấy tình cảnh như vậy, Mão ra sức khuyên nhủ mẹ và khuyến khích chị dâu trông nom các cháu. Nhà còn được vài sào ruộng, lại có mảnh vườn, sinh kế không lo lắm. Bà cụ thấy có con về vui vẻ hẳn lên và khuyên Mão cứ yên tâm. Mão lại nghe tin quê Mão sắp phát động quần chúng. Thế thì lại càng yên tâm lắm. Bà cụ nói:
- Thôi, bây giờ được hoà bình rồi, mẹ lại biết con còn sống. Mẹ không lo giặc đóng bốt nữa, không lo con chết nữa. Mẹ cố chăm các cháu khôn lớn. Con cố theo anh, theo em mà giữ lấy hoà bình.
Mão sung sướng trở về đơn vị, nghĩ đến ngày mai cải cách ruộng đất thành công, xóm làng vui vẻ. Các cháu Mão được đi học có áo vải hoa…
Nhưng mới cách đây hơn một tuần. Một đồng chí ở xã Mão viết thư kể rằng: Sau khi Mão đi được độ một tháng thì bà cụ lại buồn, tính điên dại lại nổi lên như cũ. Có khi luôn năm, sáu đêm không ngủ, cứ rên rỉ trên gường hoặc ra sân ngồi thở dài. Có lúc gọi cả tên Mão lên, khóc như là Mão chết rồi. Thư Mão gửi về, anh em đọc cho bà cụ nghe, bà cụ nghe xong rồi, nhưng lại như không nghe thấy gì hoặc bắt đọc lại hoặc lại khóc. Chị cả cũng không hơn gì, càng ngày càng lầm lỳ và hay gắt gỏng. Có khi lại gắt với cả bà cụ. Nhất là lúa chiêm thiếu nước, ngô đỗ bị rét không lên được. Dân làng rủ chị ấy đi đào mương cứu lúa, chị ấy phát bẳn lên, không chịu đi. Chị ấy bảo : “Thôi chết hết đi, chết hết đi cho rảnh nợ …”. Anh bạn ấy viết thêm là hai mẹ con cùng đau khổ mà lại không ai khuyên ai thành ra bị ảnh hưởng lẫn nhau …
Anh chính trị viên nói :
- Đó là kết quả của chiến tranh ! Đó là tội ác của bọn xâm lược. Bà cụ và chị cả buồn quá đấy thôi. Cậu cứ thư từ về luôn, anh em ở địa phương tích cực giúp đỡ thêm. Thế nào bà cụ và chị cả cũng khuây khoả dần. Nhất là hoà bình được củng cố mãi mãi. Xóm làng làm ăn càng ngày càng vui vẻ lên thì bà cụ càng dễ khuây. Cách giải quyết căn bản của ta là ra sức nâng cao ý chí chiến đấu giữ lấy hoà bình, hoàn thành cải cách ruộng đất !
Mão thấy buồn như xé ruột, xé gan ra. Anh chính trị viên nói thì phải lắm rồi. Nhưng làm thế nào ? Làm thế nào để yên tâm được bây giờ ? Thà rằng đang đi chiến dịch thì chả còn nghĩ ngợi gì cả. Nhưng bây giờ lại hoà bình, lại đang học tập. Chả muốn nghĩ nó cũng cứ đến …
Mão càng nghĩ lại cuộc đời của mẹ Mão, Mão càng không thể nén được lòng thương – Khi còn nhỏ, Mão thường được mẹ Mão kể cho nghe :
Một cô gái con nhà nghèo lấy phải chồng không nghèo nhưng cũng không giàu. Mẹ chồng rất ác nghiệt. Không ngày nào là không có chuyện giận nàng dâu, mỗi lần giận nàng dâu là một lần con giai phải đánh nàng dâu thì mẹ chồng mới hả giận. Có lần quấn tóc vào cột, có lần đánh bằng gậy, bằng roi, có lần tát, đấm. Suốt hai năm trời làm dâu như vậy. Cô dâu mới chỉ sống với nước mắt, roi đòn. Không phải là chồng không thương. Nhưng vì chồng giữ hiếu với mẹ. Cô dâu không dám oán mẹ chồng, không dám oán chồng, chỉ than thân phận hẩm hiu. Sau hai năm lấy chồng, cô sinh con gái đầu lòng tên là Đức. Từ đó người ta gọi là bá Đức. Từ đó bá Đức đỡ bị đòn nhưng sự mắng nhiếc lại tăng lên mãi. Bá Đức được thằng con giai thứ hai thì mẹ chồng chết. Bá Đức khóc mẹ chồng với lòng thương tiếc thực sự. Vì bá Đức chưa quen sống không có bố mẹ bao giờ. Bá Đức cảm thấy nhà không có một người mẹ cũng là một thiếu thốn lớn, một sự kém phúc. Tuy nhiên đời sống của bá Đức dễ chịu hơn trước nhiều. Bác Đức rất tử tế và thương bá Đức. Ba năm sau khi đứa con thứ tư mới lọt lòng mẹ thì bác Đức chả biết nghe ai đi tranh phó lý với họ Phạm, bán hết cả ruộng vườn, rút cục không được, về làng lại bị mọi người khinh bỉ. Nhà sa sút hẳn xuống. Thế là bác Đức buồn quá ốm chết để lại bá Đức với 4 đứa con, đứa lớn nhất lên bảy, đứa bé nhất mới đang biết bò. Bá Đức phải cho đứa con trai thứ nhì đi ở, bỏ lay lắt hai đứa bé con cho Đức, hàng ngày đi mò cua bắt ốc, làm thuê cấy mướn về nuôi con. Song cặm cụi như thế, bốn năm năm sau, bá Đức đã sửa lại được túp nhà nát thành chỗ ở tươm tất, chuộc được con giai về ; mấy đứa con lớn đã biết đi mót lúa, mót khoai. Cuộc đời tưởng chừng êm đẹp. Nhưng thằng con trai thứ ba (tức là Mão) theo anh chị đi mót lúa lại chạm vào lúa nhà chánh tổng. Nó cầm hai cẳng thằng bé vất xa năm thước nằm sõng soài trên đất bất tỉnh nhân sự. Thế là bao nhiêu vốn liếng bá Đức lại đem ra thuốc thang bồi đắp cho con. Suốt mấy đêm liền Bá ngồi thức chong chong ôm con trong lòng, nhìn con mà khóc. Cả nhà lại phải rau cháo, đói rách. Có lúc bá Đức đã phải tính chuyện cho bớt con mà đi ăn xin. Nhưng về sau vì lòng thương con, bá Đức tìm mọi cách vay mượn, nấu rượu lậu, đi sớm về khuya gây dựng cho các con. Bá cắn răng chịu đựng như vậy hơn năm năm trời nữa. Cho đến lúc cô Đức đi lấy chồng và anh Thìn, em cô Đức lấy vợ. Nhà cửa từ đó yên vui, bá Đức đã có cháu và đã là bà Đức. Tối tối bên bếp lửa, Mão và em Mão cầm sách học. Anh Thìn quán xuyến gia đình đẽo cái bắp cày hay đan cái sàng cái rế. Chị Thìn vừa dỗ con vừa quấy cám lợn, bá Đức nhìn vào con, cháu thấy “Thật là ở hiền gặp lành - Từ nay thì chắc là được mát mặt” – Khi chị Thìn có hai con thì khởi nghĩa, làng nước lại càng vui. Từ đó bà Đức chỉ phải trông nom những việc vặt trong nhà, vui vầy với các cháu. Tối tối Mão đọc sách báo cho cả nhà nghe. Bà Đức nhìn Mão, nghĩ thầm : “Sắp sửa lo vợ con cho nó được rồi đấy !”. Bà chỉ ôm hy vọng là cưới được vợ cho Mão rồi vợ cho em Mão nữa thế là bà hoàn toàn sung sướng. Bà có thể yên lòng nhắm mắt mà ngậm cười về suối vàng được.
Hạnh phúc của bà mua bằng hơn 30 năm cay đắng cực nhục đang nở ra, thì chiến tranh bùng nổ …
Mỗi khi nghĩ lại tường tận như vậy, Mão chỉ nhắm mắt lại, lắc đầu một mình, ruột nẫu ra, trông ngay sang thấy mẹ ở trước mắt. Bà cụ hiền lắm, mắt còn sáng tỏ, lưng hơi còng, tóc lất phất hoa râm. Bà cụ đi lại chưa cần chống gậy. Bà cụ còn cầm cuốc, cuốc vườn được hàng giờ, nhưng gày lắm, da sạm đen, má nhăn rúm, răng rụng nhiều. Hôm Mão về bà cụ ngước mắt nhìn Mão. Mặt toàn vết răn, mắt loà đi vì nước mắt trông như lòng nhãn …
Nghĩ đến mẹ là một mối buồn, nhưng Mão lại còn nỗi buồn nữa cộng vào làm cho ruột gan Mão nhức nhối hơn.
Mão vốn không phải là chiến sĩ hay cán bộ kém. Từ năm 1953, Mão biết mẹ ở nhà hiu quạnh buồn bã, nhưng Mão vẫn báo cáo với tổ Đảng và cán bộ trên là Mão rất yên tâm. Mão đã nghe các anh em tố khổ, Mão đã liên hệ thấy đời Mão không trực tiếp bị địa chủ áp bức bóc lột nhiều. Nhưng hơn 30 năm cay đắng của mẹ Mão là kết quả của chế độ thối nát thực dân, phong kiến mà quyết chiến đấu cho cách mạng thành công. Lúc đó Mão sẽ lấy vợ, gia đình Mão lại đông đủ yên vui. Mão có thể yên tâm ở bộ đội mãi mãi. Hoà bình trở lại đối với Mão hơi đột ngột. Mão thấy có lẽ đời bộ đội cũng đã bớt khẩn trương quyết liệt. Mão nghĩ đến mẹ nhiều hơn. Đôi lúc Mão cũng nảy ra tư tưởng xin về địa phương công tác để trông nom gia đình. Nhưng sau khi học tình hình và nhiệm vụ, Mão xác định là cần phải ở bộ đội tiếp tục đấu tranh trong bộ đội. Nhất là Mão về phép thấy mẹ Mão vui vẻ được như thế.
Suốt thời gian từ bắt đầu học tập, nhiều anh em như Sửu, Điển, Mộc, … có những hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Mão đã tìm cách tâm sự giúp đỡ vạch rõ nhiệm vụ của quân đội, để các đồng chí đó yên tâm và làm cho các đồng chí đó vẫn tiếp tục hăng hái học tập. Mão vẫn được coi là một trung đội trưởng tích cực của Tiểu đoàn. Khi ở thao trường, Mão luôn lựa theo tính nết của từng chiến sĩ, lựa theo cố tật của từng đồng chí mà giúp đỡ. Cậu Sinh nặng tai. Mão bảo Sinh luôn luôn nói to và tươi cười. Cậu Bản tính trẻ con hay tự ái, Mão phê bình rất rõ rệt, nhưng không quên nêu ưu điểm để khuyến khích. Cậu Tình tính tình ngang bướng hay tự do, Mão đã khéo vận động để cậu ấy nhận khuyết điểm trước tiểu đội, làm cho tiểu đội 3 của Tình trở nên khá … Mão yêu truyền thống của Đại đội lắm. Mấy hôm làm câu lạc bộ, Mão đã xoay trần cắt khẩu hiệu “phát huy truyền thống anh dũng, gian khổ, giản dị của quân đội …” rồi hì hục vẽ hình huân chương Quân công hạng ba của Đại đội vào khẩu hiệu. Anh em đã khen “hoạ sĩ Mão”. Mấy hôm chuẩn bị học cụ, một mình Mão đã bện 3 bù nhìn rơm, lại lấy lá chuối xanh cắt thành chữ Diệm đính vào ngực bù nhìn … Những bài ca dao của Mão được luôn luôn đem ra hát trong giờ sinh hoạt văn nghệ. Từ khi bớt gạo cứu đói, bữa nào Mão cũng ăn chậm để nhường bát cơm cuối cùng cho các đồng chí ăn khoẻ khỏi bị thiếu …
Thế mà hôm nhận được thư ở xã, Mão không sao giữ nổi bình tĩnh. Mão nghĩ đến bao nhiêu thư Mão viết về nhà. Mão thấy một cảnh hoang lương trong gia đình Mão : cái bàn thì đầy bụi, thúng mủng quần áo bừa bãi, mấy cái chõng xiêu vẹo, vài cây chuối không ai chăm, ngả nghiêng vàng úa. Tối đến nhà không có chó. Trong nhà tiếng muỗi bay nghe còn rõ. Một bà cụ già thổn thức tha thẩn, một chị cả ôm con đi nằm sớm. Nhà không có cả ánh đèn.
Trong khi ấy ở quanh đây ai cũng vui cũng bận rộn. Mão chợt thấy như mình bạc bẽo, có tội với mẹ, với chị nhiều quá … Thế là mất một ngày ngoài thao trường, cứ Đại đội trưởng nhắc gì thì làm cái đó, hết giờ tập, Mão không nhận xét được gì. Đại đội trưởng nêu lên đến đâu biết đến đó. Khi về trại, Mão loáng thoáng nghe thấy có cậu nói : “Ông Mão hôm nay làm sao ấy !” – “Nghe như nhận được thư nhà ?” – “Ông Mão mà cũng phân tán tư tưởng vì gia đình kia à ?”. Thế rồi đồng chí Tịch, tổ trưởng Đảng cũng đến hỏi : “Đồng chí làm sao thế ! Phải cố giữ gương mẫu để lãnh đạo anh em chứ !”. Sau khi Mão kể qua chuyện cho Tịch nghe, Tịch ngồi chau mày rồi nói : “Dù sao, ta cũng phải cố gắng dẹp đi. Nhiệm vụ học tập bây giờ quan trọng lắm !”.
Mấy ngày liền, Mão cố gắng tranh đấu tư tưởng, cố tập trung vào học tập. Nhưng, cứ được một lúc lại mất mấy phút nghĩ lan man. Giờ chơi bóng Mão đỡ chiếu lệ không hò hét như mọi khi …
Một hôm, Bản mua đâu được mấy cái kẹo đến dúi cho Mão – “Nhà tôi được chia thêm ruộng, tôi khao anh” rồi đưa thư của chị gái Bản mới gửi đến cho Mão xem. Chị Bản làm tổ trưởng nông hội và viết thư kể chuyện cải cách ruộng đất ở Phú Thọ cho Bản nghe. Mão đọc xong lại thở dài. Bản nói : “Anh buồn à ? Chắc vùng anh cũng cải cách ruộng đất đến nơi rồi còn gì ! Đừng buồn anh ạ”. Mão bá vai Bản đi chơi một đoạn : “Gia đình cậu được sung sướng thế này rồi cố mà học tập nhé ! Chắc tương lai chúng ta đều được như thế”. Bản vâng dạ rất ngoan và hớn hở ra mặt. Mão đã hơi vui vui. Sáng nay Đại đội nhận xét trung đội của Mão học tập kém sút. Mão càng não ruột, Mão không làm tròn nhiệm vụ. Vì không thể yên tâm với gia đình mà lại hoá ra khuyết điểm với nhiệm vụ. Mão chợt nghĩ ra một cách mà Mão cũng tự thấy liều lĩnh, nhưng … bước đường cùng.
- Mình mà cứ thế này chỉ làm hại cho sự học tập của đơn vị … Anh Tuyền, chính trị viên Tiểu đoàn và anh Cẩn chắc thông cảm với cảnh của mình lắm.
Mão nghĩ đến Mão sẽ về làm cán bộ xã. Mão sẽ tích cực hoạt động Mão sẽ là cốt cán. Sớm tối đi về, Mão sẽ nuôi thêm gà, chó, giồng lại mấy cây chuối, tối tối thắp đèn cho sáng, mời bà con đến nói chuyện, đọc báo, … nhà sẽ tươi vui lên. Mẹ Mão hết buồn …
Nhưng Mão lại nghĩ : “Nhiệm vụ quân đội bây giờ thế này mà mình viết đơn lên cấp trên xin về địa phương thì mình kém quá ... Nhưng mà cứ viết lên cho về thì về, không thì thôi, không đòi hỏi quá. Không được về, mình ở lại cũng vẫn cố gắng tích cực. Mặc bà cụ ở nhà vậy”.
Thế là Mão định tối nay không đi xem Văn công, ở nhà viết đơn lên cho Đảng uỷ Trung đoàn. Nhất định rồi. Chỉ có cách ấy mà thôi. Không nói cho ai biết cả. Tổ Đảng hay anh Cẩn thì cũng chỉ đến khuyên mình không nên mà thôi. Biết đâu Trung đoàn thông cảm … Mão đã chuẩn bị một tờ giấy trắng to ở túi ngực.
Lệnh của Đại đội : “Các B chuẩn bị ! Sắp đến giờ rồi !”.
Cậu Bản vừa thắt lưng vừa lại gần Mão :
- Hôm nay Văn công Đại đoàn về có vẻ cừ lắm. Tập mấy tháng rồi còn gì. Tôi trông thấy chị Đào, chị Phòng, chị Kỷ, anh Bát, anh Ngọc, … lại nghe nói về vở kịch chèo chị Na và anh Bát vai chính nhé. Ra trò ! Anh Mão hôm nay xem xong phải rút kinh nghiệm phát huy B ta lên cho nó phong phú mà ăn giải của Chính uỷ mới được chứ !
Mấy cậu chung quanh hưởng ứng : “Đồng ý đấy ! Truyền thống dân ca của B ta là anh Mão kia mà”.
Vừa lúc ấy, Cẩn, chính trị viên Đại đội đến hội ý :
- Vùng này đang phát động quần chúng. Địa chủ phản ứng ghê lắm. Hôm nay trung đội cậu có nhiệm vụ kiểm tra kẻ gian lẩn vào trong nhân dân đấy nhé. Phải cảnh giác. Nó ném đất ném đá phá hoại đấy.
Mão không kịp suy nghĩ gì nữa, hoả tốc gọi Tịch gọi một tổ 3 người của Bản lại trao nhiệm vụ : “Sau khi tập họp ngồi xong, 4 người đứng dậy ở ngoài cùng và bí mật cảnh giới vành ngoài nhân dân”, rồi cũng với vội thắt lưng, khoác tiểu liên vào người hét : “Mau lên, tập hợp đi !”.

* * *
Toàn đơn vị được lệnh ngồi xuống. Mão tranh thủ giải được miếng ni lông thì trông ngay thấy bà Kiểm và chị Kiểm ẵm cháu đi xem. Bà Kiểm trách ngay :
- “Gớm anh Mão tệ thế, từ hôm ra trại đến nay cấm thấy vào chơi nữa đấy !”. Bà cụ lại cười rất hiền : “Học tập bận lắm nhỉ ?”. Thằng Công, con chị Kiểm cũng léo nhéo gọi : “Chú Mão, chú Mão ! Bế cháu !”.
Trước đây, Mão ở nhà bà Kiểm. Anh Kiểm là con giai bà, cũng đi bộ đội, ở đơn vị pháo binh. Hồi chiến dịch Hoà Bình, chị Kiểm đi dân công gặp chồng về có mang và sinh ra cháu bé. Bà Kiểm sung sướng đặt tên cho cháu là thằng Công. Từ ngày giải phóng gặp ai bà cũng khoe chuyện đó. Mão mời bà Kiểm ngồi lên miếng ni-lông của mình. Mão chưa kịp đón chú khách tý hon kia thì các đồng chí khác đã truyền tay nó đi đâu rồi. Người ta đang trêu nó : “A thằng Công, thằng dân công Hoà Bình đây, nó tham gia chiến dịch đấy nhé”. Bà Kiểm ngoái đầu về phía tiếng nói, cười hể hả. Chị Kiểm ngượng ngùng : “Gớm các anh đến khoẻ trêu cháu”.
Bà Kiểm nắm lấy tay Mão, hẹn Mão mai chủ nhật thế nào cũng phải vào chơi uống chén nước nói chuyện.
Mão chỉ ậm ừ, không nói gì. Mão đứng dậy đi ngược xuống phía trung đội ngồi, gọi Tịch và Bản không thấy nữa. Mão lẻn ra phía ngoài chỗ dân đứng xem tìm Tịch, Bản. Sau khi biết Tịch, Bản và hai cậu nữa ở ngoài rồi, Mão trở về ngồi vào chỗ. Anh khoanh tay vào đầu gối gục xuống. Anh nghĩ thầm : “Giá mẹ mình ở nhà cũng được như bà Kiểm, giá chị dâu mình cũng như chị Kiểm thì sung sướng bao nhiêu ? Bà Kiểm suốt ngày hết nói chuyện với bộ đội lại đùa với cháu … Nhưng mỗi người một cảnh !”.
Trên sân khấu mở màn, ánh đèn chiếu vào phông cảnh rực rỡ : một cánh đồng vàng ối, một mái chùa đỏ tươi, một cây đa xanh mát, xum xuê, một chú bé cưỡi trâu thổi sáo ; sáu chị Văn công mắt long lanh, môi đỏ thắm, chít khăn mỏ quạ xanh biếc, mặc áo vải nâu sẫm, vắt dưới màu hoa lý, thắt lưng bao hoa đào. Váy các chị dài rộng, mầu hạt dẻ óng ánh. Các chị lượn lên, lượn xuống nhịp nhàng, tay uốn lên uốn xuống dẻo như bún, trông như những vạt lụa nõn nà uốn éo trước gió nhẹ. Các chị cất tiếng hát trong tươi : “Chim bay là bay cao tung cánh …” Mọi người nín thở theo dõi. Tất cả cái rực rỡ, tưng bừng, nhịp nhàng thánh thót như từ sân khấu toả xuống mọi người. Thằng Công hét lên : “Hoan hô ! Hoan hô …” Mọi người suỵt ! suỵt ! giữ tay nó lại. Các chị múa xong chạy toả sang hai bên như một đàn chim khuyên tung tăng từ trên một cành cây đầy hoa bay biến vào trời xanh … Tiếng vỗ tay ran lên như sấm. Bà Kiểm vỗ vai Mão : “Hoà bình sung sướng thật, anh Mão ạ. Thế này thì già trẻ lại, trẻ trẻ mãi được đấy”. Chị Kiểm xuýt xoa : “Úi giời ơi ! Khéo quá, dẻo quá đi mất thôi. Các chị ấy vào bộ đội lâu chưa mà tài thế anh Mão ?”.
Từ nãy Mão nhìn, nhưng Mão không xem. Bà cụ Kiểm nói, Mão mới thấy vẳng lại trong đầu mấy câu thánh thót quen thuộc : “Chim bay là bay cao tung cánh …” Và những ánh sáng, mầu sắc mới tràn vào đầu Mão. Mão cũng thấy : “Hoà bình sướng thật !”.
Nhưng mẹ ơi ! Làm sao mẹ không vui, không biết vui để con yên tâm ? Giá mẹ đến đây mà xem Văn công này, mẹ đến đây chơi với bà Kiểm này … Thôi tối nay không viết được thì tối mai viết vậy. Chắc các đồng chí trên phải thông cảm. Mão lại thấy trong người day dứt như sắp phải làm một cái gì liều lĩnh. Mão thoáng nhanh thấy cuộc đời trong quân đội của mình thân thuộc, gắn bó quá. Những đêm hành quân, những ngọn lửa tiền trạm, những phút xung phong, những khi thăm bạn ở quân y, những điếu thuốc lào. Các chị Văn công kia, Mão đã gặp ở trạm quân y đại đoàn trong hầm Điện Biên Phủ, trên quãng đường cây số 60. Các chị vừa làm đường vừa hát. Anh Cẩn, anh Tuyển đồng chí Đại đoàn trưởng, đồng chí chính uỷ, những con ngựa, … Buổi duyệt binh chiến thắng, Đại đoàn nhận cờ Quyết chiến Quyết thắng … Cuộc đời Mão đầy lên những sự việc lịch sử, những hình ảnh sâu sắc ấy rồi. Bây giờ phải đổi lấy mấy cây chuối, lấy ngọn đèn khuya cho sáng gian nhà, cho ấm lòng người mẹ ? ? Đành vậy chứ sao ?
Màn lại mở. Văn công tiếp diễn vở kịch ngắn. Vở kịch tả một ông cụ công giáo sợ mất linh hồn, nhất định thu xếp đi Nam, cô cháu gái nhỏ đang được vui chơi, học tập nhất định không đi. Sau có bộ đội đến chơi nói Chúa ở khắp mọi nơi. Sau nữa lại có một bà đi Nam về. Bà vào đến Nam Bộ, con giai bị bắt đi nguỵ binh, con dâu phải đi phu. Sống cực khổ quá, bà bán đứa con bé trốn về. Bà khóc lóc kể lể nỗi tan nát đau khổ của gia đình bà. Bây giờ một mình bà không nơi nương tựa. Bà khuyên ông cụ không nên đi nữa, ở lại yên vui, có nhà có cửa, lại được tự do lễ bái không tội gì nghe ai chui vào chỗ chết. Mọi người túm vào khuyên giải. Ông cụ thấy thế quyết tâm ở lại và bà đi Nam về cũng nguôi dần, cám ơn dân làng săn sóc tử tế, giữ lại vườn, ao cho bà …
Tiếng hát thẩn thơ, thảm thê của bà đi Nam về, tiếng hát chân tình của anh bộ đội và anh nông dân xã, tiếng hát thiết tha của cô thiếu nữ ngây thơ quyện vào nhau, gây nên những tiếng xuýt xoa, sụt sịt dưới khán giả và cuối cùng mấy tiếng chuông đĩnh đạc thanh bình, tiếng reo vui của người trên sân khấu rồi tiếng hoan hô vỗ tay rầm rộ kéo dài khắp bãi vang vang mãi không ngớt.
Bà Kiểm mỉm cười sung sướng vỗ tay rất lâu, nhưng má còn in rõ ngấn lệ. Chị Kiểm vừa vỗ tay vừa chấm nước mắt. Bộ đội vừa vỗ tay vừa hò hét : “Hay lắm ! Hay lắm !”, “Kịch ra kịch thật”, “Thật là bóc trần âm mưu địch”.
Mão vỗ tay lấy lệ và thở dài : “Bà đi Nam trên sân khấu còn đau đớn gấp trăm mình – Bây giờ ai săn sóc bà ấy. Mẹ ơi ! Mọi người đã thoát con đường khổ rồi. Ta đang xây lại cuộc đời. Phải ra sức nghiến răng, nắm tay nhau xoá cho hết cái dĩ vãng đau khổ đi … Hoà bình rồi, chưa hết khổ ! Cưỡng bức di cư ! Phu đồn điền, nguỵ binh, đồng bào miền Nam, trẻ con bị vất xuống biển … Thế mà chiến tranh còn tiếp tục thì còn đau thương đến thế nào ? Mày lùi bước hay sao hở Mão !”.
Mão nghiến răng lại. Cảnh căn nhà lạnh lẽo im phăng phắc, hình mẹ Mão âm thầm nức nở trong căn nhà đó lại hiện ra trong đầu Mão : “Ai thắp cho ngọn đèn … ?”.
Bà Kiểm nắm tay Mão :
- Anh Mão này, đúng thế thật đấy ! Tôi thấy có người vẫn tấp tểnh vào Nam, chả biết họ doạ dẫm, lừa gạt thế nào ấy. Khối người cũng về rồi đấy ! Người về thì người mất của hết, thẩn thơ như kẻ mất hồn, hối chả kịp. Tôi chả biết người ở mất hồn hay không, nhưng sự thực thì người đi mất hồn đấy. Đúng y như câu hát ấy … Các anh bộ đội khéo thật. Các anh đánh giặc bảo vệ nhân dân, lại còn làm kịch vạch đường chỉ lối cho nhân dân nữa. Không biết sao Cụ khéo dạy các anh thế. Các anh chỉ nghĩ đến lợi ích cho nhân dân, chắc cũng chả có thì giờ nghĩ đến gia đình nữa nhỉ. Mấy lại … gia đình các anh đã có nhân dân giúp đỡ lo gì ! Thiếu thốn vất vả thật, nhưng vui lắm. Như nhà tôi ấy …
Ruột gan Mão cồn cào. Trên sân khấu màn lại mở. Mão xốc súng đứng dậy đi ra ngoài tìm Tịch. Trong bóng tối, chập chờn ánh đèn xa. Tịch nắm lấy Mão hội ý : “Có hai thằng mới đến đi loanh quanh có vẻ không cần xem, hai tay cứ chắp sau đít …”.
Mão ra lệnh : “Tôi đứng đây, đồng chí vào bảo Tính cắt một số tổ nữa ra đây nhanh lên”. Khi Tính ra Mão nói sẽ : “Tính ở đây thay Tịch” - Tịch dặn tổ của Tính đi tích cực tuần tra theo dõi để ngăn ngừa. “Hy sinh” đi xem nhé. bảo vệ chung cho đơn vị và nhân dân !”.
Mão lảng vảng mãi, sau khi theo dõi thấy tổ tuần tra bám sát được hai tên kia mới về chỗ.
Bà Kiểm hỏi : “Anh đi đâu, lại không xem !” Mão lạnh lùng “Cháu ra ngoài có tý việc”.
Sân khấu vẫn tưng bừng. Văn công diễn tiếp hai màn nữa. Một màn nông thôn phát động quần chúng thắng lợi vui mừng đón chiến sĩ thi đua quân đội và dân công. Một màn bộ đội đang tập luyện, gặp dân công làm đường sắt. Hai bên thách thức thi đua kiến thiết và bảo vệ hoà bình. Chị dân công tặng anh bộ đội bông hoa cắm vào đầu súng, hát :
Anh ra sức chốn thao trường
Chúng em gánh đá đắp đường tương lai
Đường tương lai sáng ngời trước mắt
Các anh là gan sắt tim đồng
Các anh luyện sáng anh hùng
Có anh mới có núi sông hoà bình.
Chiến sĩ hưởng ứng rầm rộ : “Yên chí ! Yên chí ! Kiên quyết bảo vệ hoà bình”.
Trong lúc mọi người ồn ào ra về, Mão khẽ thở một hơi dài nhẹ nhõm : “Hai thằng khốn nạn không làm được trò gì phá hoại”. Bà Kiểm lại nắm tay Mão :
- Mai anh không vào chơi tôi, giận anh lắm đấy.
Mão hẹn :
- Mai đến lượt chúng cháu không đi phá hoang, cháu thế nào cũng ra chơi ngoài cụ.
Bà Kiểm hởi dạ nói tiếp :
- Kịch múa hôm nay hay quá. Bây giờ mà chết cũng tiếc thật. Cứ hoà bình thế này lấy vài năm thì dân mình còn sung sướng bao nhiêu.
Chị Kiểm cười nói với mẹ chồng :
- Bà chỉ nói dại. Bây giờ còn phải sống, sống thật lâu cho nó bõ lúc chiến tranh khổ sở chứ lại.
Bản ở đâu xông lại :
- Thế mà có đứa định phá Hoà bình của ta đấy cụ ạ ! Phải đánh cho tan đầu chúng nó ra chứ cụ nhỉ ?
Bà Kiểm vui vẻ :
- Chả thế lại phải có các anh cố học tập Bảo vệ Hoà bình !
Còi tập hợp. Bà Kiểm chào Mão đi về.
Về đến trại, Bản lại đến liến thoắng với Mão : “Anh Mão phải sáng tác ngay một kịch ngắn đả phá tư tưởng về phép lấy vợ để tập trung học tập đi. Đại đội ta còn mấy cậu tư tưởng tản mạn lắm đấy. Anh dựng cốt truyện đi, tôi tham gia với”.
Mấy cậu khác nhao nhao : “Tớ xin chân, tớ xin một chân !”.
“Tớ diễn kịch “xuya” lắm nhé ! Đại đoàn cứ lấy tớ về Văn công Đại đoàn mãi, tớ không nghe đấy”.
Mão thắt ruột, cắn vào môi dưới : “Tư tưởng của mình có phải đả phá hay không ? - Mẹ ơi mẹ có biết nỗi khổ tâm của con không ? Các đồng chí có hiểu tôi không ?”.
Thấy Mão không nói gì, Bản đã định đi nhưng lại ngần ngừ, lại gần Mão, loanh quanh một tý rồi hỏi :
- “Anh Mão xem Văn công hôm nay có phấn khởi không ?”. Mão vẫn không trả lời. Bản lo quá nắm lấy Mão … Nhưng Sửu ở gần đó đã hiểu nỗi lòng của Mão, gỡ ra :
- Các cậu không lo, ông Mão là nghệ sĩ lắm. Ông ấy có hứng thì mới có kịch được. À ! Báo cáo anh Mão, mai ngủ đến mấy giờ ?
Mão có lối thoát, cổ họng đỡ nghẹn ngào :
- Lệnh của Tiểu đoàn : Sáu giờ ! Thôi đi ngủ đi kẻo khuya quá !
Mão vừa chui vào màn thì Cẩn, chính trị viên đại đội đến nằm bên Mão. Cẩn với Mão ở đại đội này đã lâu lắm, lúc Cẩn làm tiểu đội trưởng thì Mão làm chiến sĩ. Quê Cẩn ở Hà Đông. Mão biết Cẩn có một tâm sự khá buồn. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Cẩn nhận được tin nhà : Bố Cẩn bị đại bác địch bắn chết, anh giai Cẩn bị giặc bắt đi từ năm 1953. Bây giờ còn mẹ Cẩn và đứa em gái mới 15 tuổi. Cẩn viết nhiều thư về nhà, nhưng đến nay Cẩn cũng chưa nhận được tin tức gì. Cẩn rất gan và gương mẫu, Cẩn chưa xin về phép, chỉ viết thư về cho Ủy ban xã hỏi tin thôi. Trong chiến dịch, Cẩn làm Trung đội trưởng, là một Chi uỷ viên khá. Cẩn đã nghe theo các đồng chí chuyển căm thù thành sức mạnh và lập công lớn trong những trận đánh tung thâm, trong những cuộc đào trận địa gay go nguy hiểm. Trong Đại hội mừng công, Cẩn được nêu là “Động cơ lập công chính xác”. Mão vốn vẫn mến Cẩn, vì chính Cẩn đi sát Mão nhiều và giới thiệu Mão vào Đảng. Lần này Cẩn đến với Mão, Mão nghĩ ngay “Đồng chí Bí thư đến an ủi mình đây”. Mão đã tâm sự nhiều với Cẩn. Nhưng những lần trước, chỉ thấy Cẩn mắt đăm đăm, môi mím lại. Mão lại càng thấy “Cảnh mình như thế khó xử thật. Cẩn cũng chả biết nói gì nữa là !”. Lần này Cẩn đến nói gì ? … Tuy vậy, có Cẩn đến Mão cũng thấy dễ chịu. Như người đang có gánh nặng có người đến đỡ cho một vai.
Cẩn đến nằm một lúc lâu không nói, chỉ nắm lấy vai Mão, gác chân lên người Mão. Trong bóng tối, Mão chỉ nghe thấy tiếng thở của Cẩn. Bỗng Cẩn lay Mão :
- “Không ngờ đời chúng mình giống nhau quá, Mão ạ. Mình vừa nhận được thư …” Thế rồi Cẩn lại nghẹn lại không nói nữa.
Mão chống tay vào má, nhỏm đầu dậy :
- Sao ! Sao anh Cẩn ? …
- Bà cụ mình bị nó đánh què, rồi ốm phù lên và bà cụ … mất rồi … Mất cách đây đã hơn hai tháng.
Mão nằm vật ra thở dài. Mão hình dung thấy nước mắt trên má Cẩn …
- Thế bây giờ thế nào ? Anh Cẩn !
- Còn thế nào nữa ! … đứa em gái tôi không biết nó sinh sống ra sao bây giờ ? Trên Tiểu đoàn bảo cho tôi về phép thăm mộ bà cụ và giải quyết việc em tôi …
- Bao giờ anh về ?
- Tôi … Tôi không về.
Im lặng một lúc lâu, Cẩn nặng nề nói tiếp, thân mật hơn :
- Về cũng đến thế thôi, mất mấy ngày học tập. Tình hình học đang gay. Trung đoàn hôm nọ nhận định : Phong trào thi đua còn yếu lắm. Bọn Mỹ sắp có Hội nghị Băng Cốc. Chúng định lập 15 vạn quân bù nhìn ở miền Nam, trang bị tối tân. Nó muốn phá mình. Mình phải sẵn sàng nó mới không phá được. Tôi nghĩ kỹ rồi. Em mình có được sung sướng yên ổn hay không là còn do nước có Hoà bình Thống nhất hay không ? Nó cũng biết đi làm ăn rồi. Tôi sẽ viết thư cho nó và cho Ủy ban xã, nhờ Ủy ban xin cho nó đi thanh niên xung phong. Thế cũng yên thôi. Mình về không giải quyết được gì hơn, mà lại ảnh hưởng đến anh em. Cậu thấy thế nào ?
Mão nghe như từng chữ từng chữ bằng chì rơi rõ rệt vào lòng Mão. Mão lặng người thương Cẩn và phục Cẩn. Mão thoáng nghĩ : “Ừ, giá mẹ mình cũng như mẹ Cẩn thì có lẽ mình còn đỡ lo nghĩ hơn đấy …”. Mão trả lời Cẩn :
- Anh nghĩ phải đấy !
Hai người nằm nghe tiếng thở của nhau. Một lúc sau, Cẩn lại hỏi tin tức về Mão.
Trước khi về đi ngủ, Cẩn nhổm dậy nói gần vào tai Mão :
- Mình nghĩ kỹ rồi. Mình đã biết hy sinh chịu đựng mới có hoà bình ngày nay. Mình cần tiếp tục hy sinh phấn đấu nữa. Mình làm gì đoán được lúc này là hoà bình. Nếu ví thử bây giờ cứ còn chiến tranh thì mình có phải còn tiếp tục hy sinh không ? Cảnh của Mão thế là khổ tâm lắm. Tôi cũng khổ tâm thay cho Mão. Tôi cũng thế thôi, nhiều lúc ruột gan như lộn lên. Nhưng mình càng nghĩ nặng về gia đình bao nhiêu thì mình càng khổ bấy nhiêu mà lại ảnh hưởng đến nhiệm vụ. Mình nhận được rõ nhiệm vụ, nặng về nghĩ nhiệm vụ bao nhiêu, lại khuây được về gia đình bấy nhiêu và như thế có phải là bạc đâu. Chính uỷ chả nói hôm nọ : “Ta phải yêu gia đình thế nào cho đúng, yêu gia đình là yêu nhân dân. Không nên vì gia đình mà quên nhân dân nói chung. Đảng và cấp trên mong ta yêu gia đình. Nhưng yêu cho đúng, yêu làm sao cho không đứa nào phá hoại được yên vui của gia đình ta – Vì vậy mới nói là nhiệm vụ của ta là quang vinh, nặng nề”. Mình ngẫm nghĩ mãi câu nói của Chính uỷ. Mình thấy đúng quá. Cậu không nên buồn nữa. Buồn có giải quyết được cái gì ? Phải có cách gì giải quyết căn bản chứ cậu mà về chăm lo được gia đình thì lại hoá ra không yêu nhân dân. Thế là không căn bản”.
Mão hơi thẹn, định nói ý nghĩ định viết đơn cho Cẩn nghe, nhưng lại thôi chỉ trả lời : “Tôi không nghĩ giật lùi đâu ! Nhiều cảnh còn khổ hơn cảnh tôi chứ. Như trên sân khấu ban nãy ấy”.
Mão nằm mãi không ngủ được. Mão lại nghĩ đến Cẩn. Nghĩ lại hôm đánh đồn 507 (Điện Biên Phủ), Cẩn vọt ở giao thông hào lên ôm súng lăn thẳng vào giao thông hào của địch. Nhưng mảnh dây thép gai còn lại xé rách cả quần áo. Khi về Cẩn sung sướng kể chuyện : “Lúc mình trông thấy mấy thằng Tây giơ súng chống cự, mình căm thù quá, đau điên lên, mình quét cho một chầu …”. Mão lại nghĩ đến nét mặt Cẩn khi Mão kể chuyện, mắt đăm đăm, đôi đuôi mắt chau lại rất nhiều vết răn, răng cắn chặt vào môi. Mão thương Cẩn quá, thổn thức cả người.
Đầu óc Mão cứ miên man … Cánh đồng lúa chín, em bé chăn trâu, bà đi Nam về, đường sắt, câu của chính uỷ “Yêu gia đình như thế nào cho đúng”, câu của bà Kiểm “… Chả thế lại phải có các anh cố học để bảo vệ Hoà bình”. Anh nghĩ đến những buổi sáng, bộ đội tưng bừng học tập, bên cạnh, hàng nghìn dân công tấp nập đắp đường sắt. Tàu đã kêu tu tu gần lắm rồi. Các chị bán rau náo nức bàn tán cách chở rau đi xe hoả để buôn bán. Mão thấy nguôi nguôi …
Chợp mắt được một lúc, Mão lại thấy nhà Mão lạnh lẽo tối om om. Mẹ Mão đang ngồi khóc ở bờ ao, má nhăn nheo, nước mắt ràn rụa. Mão lại tỉnh dậy, tiếng còi tàu chở vật liệu lanh lảnh phía xa. Tiếng thở đều hoà ấm áp của các chiến sĩ. Tiếng kẻng đổi gác. Mão nằm dằn vặt một lúc, rồi khe khẽ thở dài và nhẹ nhàng ngồi dậy, lấy thắt lưng, đeo súng đi ra ngoài để kiểm tra gác. Mão đi dọc nhà qua chỗ cậu Sửu, cậu Điển, cậu Mộc, cậu Nghiệp, … Cậu Sửu, mẹ theo chị gái và anh rể vào Nam, anh bị giặc đánh què, chị dâu ốm yếu, các cháu nheo nhóc đói rách. Cậu Điển, nhà chỉ còn hai bố mẹ già, vợ Điển bỏ đi lấy chồng. Bố Điển mấy lần viết thư xin cho Điển về lấy vợ. Điển không về … Cậu Mộc hôm nọ về phép lên, khóc hai ngày vì nói bố Mộc bây giờ không có nhà, phải đi ở nhờ ; thiếu cơm phải bữa rau, bữa cháo. Mộc khóc xong anh em tích cực giải thích, Mộc lại yên tâm học tập như thường … Bản vui thú vì quê mình cải cách ruộng đất. Cậu Nghiệp về nhà gặp hết cả anh, chị bị địch bắt nhưng hoà bình trở lại được trở về cả. Mẹ Nghiệp giết gà ăn mừng liên hoan gia đình xum họp … Tất cả đều nằm yên thở đều, ngủ ngon lắm ! Ừ ! Anh em họ nặng về nhiệm vụ thật … Anh Cẩn nói đúng …
Mão chắc Cẩn đang trằn trọc, khổ sở lắm đấy, đi lượn qua Đại đội bộ, nghe ngóng, nhưng đi qua thấy im hết. Mão không biết Cẩn ngủ hay thức … Ở vọng gác, Đạt đang cầm súng chĩa ra phía trước, khom khom người, ngó ngó. Thấy Mão đến Đạt quay phắt lại quát khẽ “Ai ?”. Sau khi biết là Mão. Đạt báo cáo, Đạt nghe có tiếng sột soạt, Đạt xem kỹ ra không có gì ! Mão nhắc : “Thỉnh thoảng phải cúi người xuống thấp ngó chung quanh, ngó ngược lên giời. Gặp gì khác, phải bình tĩnh nắm tình hình cho chắc, hành động cho cẩn thận. Cứ đề phòng cho kỹ mới bảo đảm”.
Mão đi về, gió lạnh hắt vào mặt. Mão nghe tiếng chó khắc khoải xa xa, Mão chặc lưỡi : “Bà cụ nhà mình không như bà cụ nhà anh Cẩn, lại nửa sống nửa chết … Làm cán bộ xã mà tích cực thì cũng được chứ sao ?”.
Nhưng nghĩ xong, Mão lại lắc đầu : “Thôi đếch nghĩ nữa. Mai hẵng hay”.
* * *
Vào đến cổng nhà bà Kiểm, Mão trông thấy thằng Công đang đứng nghịch ở sân. Chưa kịp lên tiếng, chị Kiểm đã chạy từ bếp ra, ôm chầm lấy thằng Công, phát vào mông nó một cái, kêu lên : “Này Công ! Chú Mão, chú Mão, ra bảo chú Mão cho đi với bố mày nhanh lên !”. Chị đẩy nó ra phía Mão, rồi đứng dậy, vuốt tóc buộc lại khăn vuông, tươi cười mời Mão :
- Mời anh vào trong nhà. Bà tôi mong anh từ sáng.
Mắt chị mở to, sáng lên khác hẳn mọi ngày, miệng cười luôn. Chị nhanh nhẹn chạy vào nhà, vừa đi vừa gọi : “Bà ơi ! Anh Mão đến chơi !”.
Mão thấy chị Kiểm có cái gì vui lắm đấy. Mão cũng thấy vui lây, định hỏi xem chị Kiểm làm gì mà vui thế. Nhưng chị Kiểm cũng không giấu được nỗi vui mừng đang tràn ngập trong chị nữa. Chị lại cười, bảo thằng Công :
- Đấy, bảo chú Mão chú ấy đưa đi bố. Hôm qua bố chả bảo mong gặp con lắm đấy.
Mão chợt hiểu, chưa kịp nói, bà Kiểm đã đon đả :
- Ấy tối hôm qua thằng bố nó mới gửi thư về. Ái chà, nói ra dáng lắm ! Nó chưa biết mặt con đâu. Nó giục phải gửi ảnh vợ ảnh con cho nó. Nó bảo lên chơi với nó. Nhưng anh tính nhà neo chết đi ấy, đang phải cấy chiêm, tra mầu ; lợn gà bỏ đấy không được. Tôi bảo chị ấy có đi thì đi. Chị ấy bảo có đi thì cả hai mẹ con đi, không thì thôi …
Bà rót nước mời Mão uống rồi nói tiếp :
- Anh ấy viết thư, anh ấy bảo ở nhà có khó khăn vất vả tý cũng phải cố gắng lên ! Chả cố gắng thì ai cần đến anh ấy phải về giúp đỡ. Công việc của các anh còn khó khăn gấp mấy ấy chứ ? … Ấy thằng bố cháu hiền lành như anh ấy. Có cái nó nhiều tuổi hơn, ngoài ba mươi rồi còn gì. Nó to lớn lắm kia. Tính nó hay cục. Không hay nói đâu, nhưng phật ý cái gì thì phải biết, chả sợ ai. Lắm lúc tôi cũng phải nhịn đấy. Không biết đi bộ đội có thuần đi không ? Chắc là phải sửa chữa nhiều. Tôi thấy như các anh bây giờ, chả gắt gỏng nhau bao giờ …
Chị Kiểm đã đem lên cái điếu cày và hai thanh đóm nhỏ để bên :
- Anh Mão hút thuốc đi. Bố nó cũng nghiện thuốc nặng lắm cơ ! Các anh hút chả bằng được hắn !
Mão lấy điếu hút thuốc, đưa bật lửa cho thằng Công chơi, hỏi thăm nước cấy chiêm và vườn khoai của bà Kiểm. Bà Kiểm lấy ra một rá gạo đổ ra cái nia con vừa nhặt thóc vừa nói chuyện. Chị Kiểm chạy ra chạy vào, bận rộn. Chợt nhớ đến chị Học, Mão hỏi :
- Thưa cụ, chị Học có hay sang chơi không ?
Chị Học là con gái bà Kiểm, lấy chồng du kích, anh Tảo, tên chồng chị Học, bị địch bắt từ trận càn đầu năm 1953. Từ khi hoà bình trở lại, mấy lần trao trả tù binh, bà Kiểm và chị Học chạy ngược chạy xuôi hỏi tin tức nhưng đều biệt tăm, chưa thấy gì cả. Không biết có còn hay không ? Hay là nó giết mất rồi ? Chị Học năm nay 24 tuổi, nhưng trông chị như người 28, 29 … Chị ở với bố chồng, thỉnh thoảng về nhà mẹ chơi gặp Mão, nên Mão quen và hỏi. Chị Học buồn lắm, hay ngồi thần ra nghĩ ngợi, mắt cứ như là nhìn đi đâu ấy. Chuyện nào vui lắm, chị mới hơi nhếch mép. Tuy vậy, chị rất chăm công tác, hiện chị làm tổ trưởng tổ phụ nữ.
Bà Kiểm nghe hỏi, ngừng tay nhặt thóc, ngửng mặt lên thở dài :
- Em nó sang luôn đấy ! Hôm nay chả biết đi đâu ? Trông thấy nó buồn lắm anh ạ. Nó cứ vò võ trông chờ không biết đến ngày nào ? Không biết tin tức thế nào là đúng. Người thì bảo chắc là chết rồi, người thì bảo ta còn khối tù binh nó chưa trả hết. Chính phủ ta đang đòi. Tôi cũng chỉ biết thương em thôi … Nhưng mà, em nó khá anh ạ. Buồn thì buồn để bụng đấy thôi chứ vẫn chăm làm chăm ăn lắm. Mà nhất định chờ chồng đấy …
Mão nhìn chăm chăm vào bà Kiểm như để cố hưởng lấy những vui mừng và hiểu sự chua xót của bà, hiểu thấu lòng tha thiết Hoà bình của bà. Nghĩ đến chị Học, Mão không nghĩ gì đến cảnh của mẹ Mão nữa. Mão lảng sang chuyện anh Kiểm để khuyến khích bà Kiểm.
- Cụ nhận được tin anh Kiểm luôn thế này vui lắm cụ nhỉ ? Bây giờ nhiệm vụ của chúng cháu nặng lắm. Nếu không ra sức học tập, có tinh thần chiến đấu, sẵn sàng phá tan âm mưu của địch thì nước ta bị chia cắt khổ sở, hoặc chiến tranh lại xảy ra, bao nhiêu cái vui vẻ đoàn tụ lại tan mất hết. Cụ cứ yên tâm viết thư khuyến khích anh Kiểm. Có con ai chả thương nhớ. Nhưng cụ viết thư nói với anh Kiểm là ở nhà đã có chúng cháu, có cơ quan đoàn thể địa phương …
- Phải, anh bảo ruột đau con xót. Lắm lúc tôi nghĩ nhớ nó đáo để đấy. Thế là năm năm nay không gặp rồi còn gì. Tôi thương là chỉ thương con cái Học …
- Ấy, thưa cụ chiến tranh nhà nào chả phải chịu thiệt một tý. Ai mà hoàn toàn được. Cứ cố giữ lấy hoà bình mãi thế này là sung sướng cả cụ ạ. Đấy như ở đây đang phát động quần chúng đấy …
Bà Kiểm lại vui vẻ :
- Từ ngày hoà bình đến bây giờ vui nhiều chứ. Các anh về làng xóm lúc nào cũng tấp nập, nhà tôi lúc nào cũng vui. Các ông các bà ấy trong làng hỏi thăm luôn. Tôi nghĩ thấy cũng vinh dự lắm. Không có con đi bộ đội thì làm gì biết thương các anh, vui được với các anh, làm gì các ông các bà ấy chăm nom thăm hỏi. Tôi yên chí lắm. Nó viết thư về nó khuyên tôi, nó nói cũng ra nhẽ lắm. Trong bộ đội, các anh ai cũng như ai. Cụ Hồ dạy các anh giống nhau cứ như đúc ấy. Tôi càng nghĩ càng thấy vui lên chứ không buồn đâu. Chỉ mong các anh lại chơi luôn nói chuyện tin tức tình hình cho nó vui vẻ … Mấy hôm nay tôi cũng được đi họp nông dân, tôi rõ ra Chính phủ ta thương dân thật. Từ trước cứ bảo giầu nghèo tại số … Bây giờ ở đâu cũng phát động thế này thì các anh có đi bộ đội bao nhiêu lâu chả yên lòng nhỉ ? …
Mão lại hơi chạnh lòng nghĩ miên man : “Không biết ở nhà cơ quan đoàn thể địa phương có chú ý đến gia đình Mão không ? Sao chị cả lại kêu ca về việc đi dân công ? Nhưng mà ở đây chị Kiểm chẳng đi dân công là gì ? Chính uỷ bảo : “Các cụ ở nhà bây giờ thiếu thốn là một mặt, nhưng mặt chính là các cụ mất con, các cụ đau xót. Chỉ cần có sự an ủi khuyến khích, hoàn cảnh xung quanh vui vẻ là được thôi … Ở xã mình bây giờ ai là chủ tịch, ai là nông hội ?” …
Trên đường về Mão thấy vui vẻ hơn. Cảnh thân mật, ấm cúng của gia đình bà Kiểm in mãi trong óc Mão. Mão nhớ mãi đôi mắt và miệng cười của chị Kiểm khi khoe nhận được thư chồng. Mão mỉm cười một mình.
Nắng mới mùa xuân không gay gắt, nhưng sáng rực khắp cánh đồng xanh, có đàn cò trắng đang kiếm mồi. Các đồi lượn nhấp nhô nơi xa vẫn bàng bạc sương lam … Gió đông nam lồng lộng, căng những cánh buồm nâu khoẻ mạnh trên mặt sóng sáng loáng. Gió đánh bay những sợi tóc trên khuôn mặt hồng hào các chị dân công gánh đất đắp đường sắt. Trên đường cái, xe cộ, người, gánh gồng đi lại như nước chảy. Mão thấy ai cũng vui vẻ bận rộn. Mão vừa bước đi thong thả vừa ngắm cảnh xung quanh, suy nghĩ :
- Chiến tranh hết rồi. Ai cũng vui, cũng bận thật. Nhưng có lẽ ai cũng có một nỗi buồn. Như trong đơn vị, tính ra cứ 10 người có đến 8 người có việc khó khăn trong gia đình. Ngay những chị dân công tươi vui kia, biết đâu chả có chị đã goá chồng. Đây những vành khăn trắng đấy. Có chị mất anh, có chị mất con. Bà Kiểm vui như thế đấy, nhưng sao chả có đêm nằm thao thức thương con. Chị Kiểm sao chả có lúc nhớ chồng. Thằng Công chưa biết mặt bố. Chị Học, anh Cẩn, … Lại như anh Nhạ, tiểu đoàn trưởng, vợ là cán bộ bị địch bắt khoét mất một mắt, đánh què một chân, thế mà anh chưa về thăm. Anh không hề hé răng phàn nàn, cả ngày lăn lộn ở thao trường, chiều chiều còn tổ chức cho anh em đánh bóng, tham gia ý kiến làm kịch, xắn quần lên quá đầu gối đi tăng gia, vừa cuốc, anh vừa nói : “Hàn gắn vết thương chiến tranh này”.
Đúng ! Vết thương chiến tranh ! Vết thương chiến tranh còn loang lổ trên những cánh đồng hoang đầy cỏ dại, dây thép gai, trên đường sắt, trong lòng mọi người, nhất là trong lòng mọi người. Trên sân khấu hôm qua, cũng vết thương chiến tranh đấy. Vết thương còn rỉ máu, còn nhói buốt. Có phải đâu một mình mình ?
Có lúc mình muốn cho bà cụ mất đi. Đồng chí Chính uỷ nói : “Đó là ý nghĩ tiêu cực, chủ quan, tàn nhẫn”. Đúng thật đấy !
Phải như anh Nhạ hàn gắn vết thương chiến tranh một cách tích cực mới được !
Có lúc mình lại muốn về làm cán bộ xã, cho rằng về như thế cũng là để tranh đấu, nhưng lại được cả việc nhà. Thế là mình nặng việc nhà hơn việc nước, xếp việc nước phụ thuộc vào việc nhà, cách giải quyết thế không căn bản. Người Đảng viên phải biết hy sinh phấn đấu hơn ai hết mà mình lại tìm cách cho nhẹ bớt cái gay go ? Thế là tiêu cực giật lùi. Hôm đồng chí Chính uỷ nói chuyện chơi, đồng chí chỉ ra chung quanh : “Trẻ em đi học, chợ họp ban ngày, thuyền buồm xuôi ngược, đường sắt tấp nập, cánh đồng xanh, vườn khoai, nương đỗ. Đấy là hoà bình của ta đấy. Nhưng bên cạnh cái hoà bình tươi đẹp ấy còn những vết thương chiến tranh – còn miền Nam, không những ta phải hàn gắn vết thương chiến tranh, mà còn phải đấu tranh để hàn gắn cho bằng được. Kẻ địch của ta đang tìm cách khêu thêm cho vết thương chiến tranh rỉ thêm máu, chúng còn muốn gây bao nhiêu vết thương khác”.
Đúng rồi Mão ơi !
Mão càng nghĩ ra bao nhiêu, càng bước nhanh bấy nhiêu. Bỗng gặp cậu Sắc, cậu Đạt đi phố về, tay cầm cuộn giấy. Hai cậu chào Mão rồi tươi cười lại gần. Sắc khoe :
- Chúng tôi vừa đi chụp ảnh, lấy ảnh gửi về cho gia đình. Tôi gửi cho thày tôi, Đạt gửi cho bà cụ. Hai thằng chụp chung gửi về cho có ý nghĩa đoàn kết mà lại đỡ tốn. Chúng tôi mua thêm ít giấy về để ghi thêm cái “học tập thời sự” và chép mấy bài hát mới xin của Văn công.
Đạt thêm :
- Bà cụ nhà tôi lần nào viết thư cũng trách móc và giục về kẻo bà cụ nhớ khóc mãi. Nhưng chụp ảnh gửi về cũng được chứ gì anh nhỉ ? Thế là bà cụ cũng trông thấy mặt, mà mình không mất thời gian học tập. Cái căn bản bây giờ là phải tích cực học đã chứ.
Mão nghĩ tiếp : “Cũng lại vết thương chiến tranh trong lòng người ta đây. Mẹ ơi ! Con không bạc với mẹ đâu. Chúng con là những người thương mẹ, yêu mẹ hơn ai hết đấy ! Chúng con phải giữ lấy hoà bình cho mẹ, cho các cháu. Tình thương ấy là tình thương chân chính. Mẹ sẽ hiểu. Mẹ sẽ nguội dần đau khổ”.
Bản đang xắn quần hì hục cuốc khơi thêm rãnh chung quanh nhà của trung đội, thấy Mão về Bản reo lên :
- Anh đi đâu về đấy, tôi thấy sắp mưa to, rãnh nhà ta còn nông quá, tôi tự động khơi thêm …
Mão cười, chạy vào nhà, cởi thắt lưng cất đi, lấy xẻng ra cùng làm với Bản. Các trung đội đi khai hoang cũng về vừa đi, vừa hát ầm ỹ. Mão vui tay xúc đất rất mạnh …
Cả ngày hôm ấy, Mão vui vui với những ý nghĩ của Mão. Mặt Mão tươi tỉnh hơn, nhưng Mão vẫn chưa dứt khoát được với Mão. Có nên viết đơn nữa hay không ? Hay là ta không xin về, ta chỉ xin nghỉ độ vài ba tháng, ta cưới vợ rồi để vợ trông nom gia đình. Ta lại đi bộ đội. Thế cũng là được việc cả. Nhưng mà anh Cẩn đến mấy anh ấy cũng chả về nữa là … Kể ra cứ viết, trên không cho thì thôi, cũng chẳng hại gì. Cứ bàn với Cẩn thêm cho kỹ. Cảnh mình khác, cảnh của Cẩn khác … Thôi cứ tuỳ trên quyết định, nếu trên dứt khoát cho mình thì mình cũng yên tâm.
Nghĩ thế, Mão muốn có một sức mạnh ở trên giúp Mão để Mão khỏi day dứt nghĩ vẩn nghĩ vơ mãi. Ừ, Cẩn nghe hay không nghe Mão sẽ cứ viết, trên trả lời một cái là yên tâm. Cứ thế, ổn đấy ! Thế là cơm chiều xong, Mão lên nhà đại đội bộ tìm Cẩn. Nhưng sự việc lại xảy ra cách khác. Đến nơi, Mão lại gặp ngay anh Tuyển đang nói chuyện với Cẩn. Mão định lui ra, nhưng Cẩn gọi : “A, đồng chí Mão đấy à ? Vào đây. May quá !”.
Anh Tuyển nghiêm trang trao nhiệm vụ :
- Mấy hôm nay đội phát động họp với nông dân. Bọn địa chủ phá hoại nhiều, chúng nó ném đá, ném đất, nông dân hoang mang lo sợ. Hôm nay đồng chí phụ trách một tiểu đội đi xuống làng C. M. cảnh giới bảo vệ hội nghị nông dân. Cố gắng làm tròn nhiệm vụ nhé. Tôi vừa bàn với đồng chí Cẩn và trao nhiệm vụ ấy cho đồng chí !
Cẩn dặn thêm : “Mình chỉ cảnh giới ngăn ngừa hành động phá hoại thôi, nếu có bắt được quả tang thủ phạm thì cũng trao cho các đồng chí ở đội phát động. Không cần bắn súng và làm những gì ồn ào khác. Tôi quyết định tiểu đội đồng chí Tịch đi làm nhiệm vụ và ngay bây giờ phải đi. Nếu anh Tuyển không dặn gì nữa tôi sẽ cùng đồng chí xuống gặp đồng chí Tịch để đi ngay”.
Anh Tuyển về.
Mão tự nhiên thấy người rộn lên, quên hết cả ý định gặp Cẩn, muốn chạy bay về tập hợp tiểu đội đi, y như mỗi lần nhận nhiệm vụ khác. Nhưng Cẩn cùng đi với, Cẩn nói : “Chuyện của cậu, hôm nay anh Tuyển cũng hỏi. Mình báo cáo anh Tuyển, anh Tuyển tin tưởng vào cậu lắm. Cậu viết thư về địa phương đi. Chắc chả hoàn toàn ngay được đâu, nhưng chắc chắn Hoà bình được ngày nào bà cụ sẽ khuây đi ngày đó …”. Mão không nói, còn mải nghĩ đến kiểm tra và động viên tiểu đội trước khi lên đường.
Tối hôm ấy, Mão sùng sục đi từ đầu làng đến cuối làng, nghe ngóng từng động tĩnh, thỉnh thoảng lại về chỗ họp, hỏi Tịch đứng với một tổ gần đấy xem có gì không. Mão chỉ lo không cẩn thận để nó phá hoại thì nông dân không dám đi họp. Thỉnh thoảng Mão lại vào tận chỗ họp nhắc đồng chí du kích : “Cứ yên tâm nhé ! Ngoài này bố trí cẩn thận lắm, tôi bảo đảm !”.
Mão nhớ lại cuộc tố khổ trong Đại đội hồi chỉnh quân, chính Mão cũng ngất đi mấy lần. Mão nghĩ đến những cuộc tranh đấu của nông dân, hình dung lại mặt mũi những thằng địa chủ cường hào : thằng Nho, thằng Nhân, … Mão cảm thấy tha thiết với những người đang ngồi họp trong kia lắm, Mão thấy yêu quý tôn trọng và như Mão thường nói, thấy “thông cảm” lắm.
Khắp làng tối om im lặng. Mão đi hết bụi này đến bụi khác, ngõ này sang ngõ khác, nghe ngóng, chỉ với một ý nghĩ : “Liệu hồn, hôm nay sẽ biết chúng ông”. Mão không đứng đâu yên một chỗ … Mãi đến lúc nghe tiếng mọi người ồn ào ra về. Tiếng chó sủa ran lên, Mão mới chạy mau đến. Mão vào tìm ngay đồng chí đội trưởng phát động báo cáo không có sự gì xảy ra. Đồng chí đội trưởng người xương xương nhỏ bé, da bánh mật, đeo cái túi vải xanh. Đồng chí bắt chặt tay Mão nói : “Cám ơn các đồng chí, có thế thì đội làm việc mới được, nông dân mới yên tâm đi họp. Hôm nay chúng không dám nho nhoe gì, nhưng chắc nó lại tìm mưu khác đấy. Ta phải tỉnh táo mới được. Có các đồng chí làm hậu thuẫn, nông dân nhất định thắng …” Mão hăng hái “Được ! Đồng chí cứ tin ở chúng tôi. Mai tôi lại xung phong đến công tác nữa, tôi quen địa hình và cách bố trí rồi”. Hai người lại bắt tay nhau rất lâu. Các anh chị em nông dân đi qua, cùng nhìn Mão và khẩu tiểu liên nặng bên vai.
Trên đường về, Mão thấy người khoan khoái lắm, y như những lúc làm xong nhiệm vụ chiến đấu. Mão nghĩ đến bao nhiêu việc ngày mai, đêm nay sẽ ngủ một giấc cho ngon lành lấy sức mai ra thao trường nhất quyết thi đua vượt các trung đội khác … Ngày mai đánh bóng, nhảy cao nhảy dài, xin dây khoai, soạn cốt kịch … Tối đi bố trí bảo vệ nông dân. Bao nhiêu công việc của đơn vị dồn đến với Mão làm cho Mão đi xã về nhà thấy mình như đã đi xa vắng đơn vị mất mấy hôm, nay mới về, người rộn ràng vui vẻ. Mão cảm thấy sâu sắc rằng : Nhiệm vụ luôn luôn đòi hỏi đến Mão. Mão cảm thấy sâu sắc rằng : có làm tròn mọi việc đó mới chính là Mão đã an ủi mẹ, đang hàn gắn vết thương chiến tranh trong lòng người mẹ đau khổ. Mão sung sướng như là mẹ Mão đã hiểu Mão và hết buồn rầu rồi. Mão sờ tay lên túi ngực chợt thấy tờ giấy, Mão không nghĩ ngợi, móc luôn ra xé nát đi giận dữ vất xuống đất làm như để trừng phạt những ý nghĩ kém cỏi từ hôm qua đến nay vậy. Mảnh giấy trắng lả tả bay trong đêm tối. Mão bước nhanh hơn, chân nện thình thịch.
3-55

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà văn, 2012) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét