Thứ Hai, 5 tháng 10, 2020

Trên mặt trận văn hoá văn nghệ hiện nay


Tổ quốc ta, nhân dân ta và Đảng ta đang đứng trước những nhiệm vụ hết sức lớn lao. Nhiệm vụ đó được thể hiện trong khẩu hiệu “Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân”. Khẩu hiệu đó bao gồm những nhiệm vụ kinh tế xã hội như sau:


1. Ổn định và cải thiện từng bước đời sống của nhân dân.
2. Tạo nguồn tích luỹ ban đầu, xây dựng có trọng điểm cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội.
3. Đáp ứng mọi nhu cầu quốc phòng và an ninh của nước nhà.
Hạnh phúc của nhân dân không chỉ bao gồm có việc ổn định và cải thiện đời sống vật chất. Hạnh phúc của nhân dân còn bao gồm cả những sự yên ổn về tinh thần, niềm tin phấn khởi và một đời sống tinh thần ngày càng phong phú, lấy lẽ phải và tình thương làm nguyên tắc. Chính vì lẽ đó cả ba nhiệm vụ kinh tế xã hội đều phải hướng vào khẩu hiệu chiến lược: “Hạnh phúc của nhân dân”. Khẩu hiệu chiến lược trên đang được thực hiện bằng một loạt các cuộc đấu tranh trên mọi mặt: quốc phòng, kinh tế, chống tiêu cực xã hội, cải tiến quản lý mọi mặt và văn hoá xã hội, văn học, nghệ thuật. Và ở mặt trận nào, chúng ta cũng có những kẻ thù lộ mặt và giấu mặt, hữu hình và vô hình, xảo quyệt ngoan cố, nhiều kinh nghiệm.
Trên mặt trận văn hoá, cuộc đấu tranh cũng đang diễn ra rộng lớn và gay gắt. Cuộc đấu tranh này gần đây được đẩy mạnh ở thành phố Hồ Chí Minh và đang có những biện pháp cần thiết để đem lại hiệu quả rõ rệt. Một điều rõ nhất là đợt đấu tranh đã phát triển và phơi bày ra cho nhiều người thấy được những chứng cớ cụ thể âm mưu các loại của kẻ địch về văn hoá. Kẻ địch đã tiến hành một loạt âm mưu có hệ thống để phá hoại tư tưởng và tình cảm của nhân dân ta - nhất là của thanh niên. Chúng có những tổ chức bí mật phát hành phim phản động và đồi truỵ, chúng xuất bản cả trong nước và ngoài nước, rồi bí mật truyền bá các loại sách phản động đồi truỵ, in lại những sách phản động cũ thời Mỹ nguỵ, viết những sách mới theo kiểu đó. Chúng tìm cách du nhập, in ra nhiều bản và cho lưu hành ngang nhiên những băng nhạc đầy tinh thần uỷ mị, yếm thế, kêu gọi chống đối và kêu gọi rời bỏ Tổ quốc. Tất cả những việc làm này đã tác động đến tư tưởng và tâm hồn một số thanh niên, gây nên những sinh hoạt văn hoá thối nát, phá hoại đời sống xã hội một cách độc ác.
Rất xảo quyệt, tinh vi, những hoạt động này hoà lẫn và xen kẽ vào những sinh hoạt văn hóa tiến bộ, làm nhoà đi ranh giới giữa những nhu cầu chính đáng lành mạnh của thanh niên, với những mục đích khêu gợi bản tính thấp hèn trong từng con người, xen lẫn vào đó những kích động bất mãn, bất bình lộn xộn.
Những yếu tố phức tạp của tình hình văn hoá đã tạo điều kiện cho kẻ địch thâm độc hoạt động một cách ngang nhiên, đồng thời cũng tạo nên một sự mơ hồ trong một bộ phận cán bộ quản lý văn hoá và một số văn nghệ sĩ thiện chí. Sự mơ hồ này có lúc đã dẫn đến tình hình có một số người bị biến chất và trở thành người tiếp tay cho hoạt động của địch hoặc tù binh của chúng. Cuộc đấu tranh cần được tiếp tục đẩy mạnh và tiến hành một cách có tổ chức, có luật pháp đầy đủ hơn.
Đấu tranh trên mặt trận văn hoá là một cuộc đấu tranh vừa gay gắt vừa phức tạp và tế nhị. Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh đã có ý thức hết sức đúng đắn là tiến hành cuộc đấu tranh trên hai mặt : vừa xoá bỏ những cái phản động, cải tạo những cái lạc hậu, lại khẩn trương tích cực xây dựng những cái mới trong sinh hoạt văn hoá và tinh thần của nhân dân. Thành uỷ đã trực tiếp động viên các lực lượng sáng tác, tạo các điều kiện về vật chất và tổ chức cho các hoạt động sáng tạo và sinh hoạt văn hoá quần chúng. Những yếu tố lành mạnh, tiến bộ được phát hiện và khuyến khích.
Thật vậy, tình hình cách mạng mới đặt ra những vấn đề mới cho sự nghiệp xây dựng nền văn hoá mới và con người mới. Chúng ta cùng một lúc phải giải quyết nhiều vấn đề, vừa phải xoá bỏ những tàn tích phản động và lạc hậu của văn hoá phong kiến, vừa phải đấu tranh chống những di hại của “văn hoá” thực dân mới. Văn hoá thực dân mới thực chất là một cái phản văn hoá, tập hợp đủ mọi yếu tố phản động, lạc hậu của các loại văn hoá để phá hoại xã hội mới. Trong khi đó, để xây dựng xã hội mới, chúng ta lại đứng trước hàng loạt nhu cầu mới của các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Cơ cấu các thành phần trong xã hội cũng có những biến động mới và trong mỗi thành phần xã hội lại nảy sinh những tâm lý mới, trình độ mới, thị hiếu mới, nhu cầu mới. Những cái mới này là khách quan tất yếu, nó ngược lại những tập quán, thói quen cũ mang nhiều yếu tố lạc hậu. Trong khi phải xem xét những yêu cầu mới, ta không thể không chú ý tới những truyền thống có bản sắc dân tộc tốt đẹp và tiến bộ để phát huy lên trong nền văn hoá mới. Và trong khi xem xét cả hai mặt trên, ta cũng không thể không chú ý tới những tác động của sự giao lưu văn hoá với thế giới, trong đó ta cần phải hấp thụ cho tốt những giá trị tinh hoa của loài người đã được lịch sử khẳng định, đồng thời những giá trị tiến bộ mới mẻ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và của loài người. Chúng ta vừa phải chống những cái phản động lạc hậu của quá khứ, vừa phải chống những cái phản động lạc hậu mới phát sinh trong hiện tại, vừa phải chống thái độ hư vô phi giai cấp, phi dân tộc, vừa phải chống thái độ dân tộc hẹp hòi, bảo thủ. Chúng ta đấu tranh chống những yếu tố phản động, lạc hậu để tiến lên phía trước, tiến đến xây dựng một nền văn hoá tiến bộ, lành mạnh và chân chính. Chúng ta phải hết sức tránh tình trạng chống cái nọ để lại rơi vào cái kia. Những yếu tố phản động và lạc hậu trong văn hoá vừa tồn tại trong âm mưu của địch, vừa tồn tại ngay trong tình trạng kinh tế - xã hội kém phát triển của ta. Hai dạng tồn tại này tác động lẫn nhau và hỗ trợ cho nhau.
Tình trạng phức tạp trên lại đặc biệt tế nhị trong lĩnh vực nghệ thuật. Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, là vươn tới cái đẹp, cái mới. Quá trình sáng tạo của nghệ thuật là một quá trình tác động giữa nghệ sĩ là chủ thể sáng tạo và công chúng. Công chúng nhiều khi tác động mạnh mẽ trở lại nghệ sĩ và cùng với nghệ sĩ đóng vai trò chủ thể sáng tạo tập thể. Các hoạt động nghệ thuật của ta hiện nay đang gặp sự lúng túng trong sáng tạo, cho nên đang xuất hiện một tình hình là trong một số loại hình, các tác giả cố gắng thể hiện một nội dung tư tưởng không sai trong những hình thức nghệ thuật có nhiều yếu tố nghệ thuật không đẹp, làm cho tác phẩm nghệ thuật trở nên kệch cỡm, chỉ thoả mãn một số thị hiếu thấp kém có tính bản năng, hạ thấp trình độ nghệ thuật, hạ thấp cả thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Các tác giả chạy theo những thủ pháp tầm thường, đường mòn, chỉ có tác dụng gây sự thích thú có tính tò mò, nhất thời của một số công chúng. Chúng ta thấy lo lắng khi thấy một số tác phẩm cứ gần gần giống nhau về nội dung cũng như về nghệ thuật. Các tác giả thì tự cho là hết sức tìm tòi nâng cao trình độ nghệ thuật các tác phẩm, nhưng lại cứ đi tìm vào khía cạnh tầm thường, thấp kém của thị hiếu để đi tới kết quả thực sự là hạ thấp nghệ thuật. Các tác giả lại cứ bằng lòng với tình trạng ấy, thoả mãn với hiện tượng “hấp dẫn”, “ăn khách” một cách tiêu cực. Chúng ta đang gặp phải những tác phẩm mà nội dung tư tưởng thì khiên cưỡng gò ép, nhân vật thì kệch cỡm, sơ lược, công thức, kèm theo các thủ pháp “súng lục, dao găm” ly kỳ, quái đản. Trong khi đó ta thiếu một không khí phê bình sôi nổi và có trách nhiệm. Sự phê bình chưa đi vào đánh giá giá trị nghệ thuật của các tác phẩm, chưa đi vào mặt hay và dở của tác phẩm mà chỉ dừng ở chỗ xem xét chung chung, giới thiệu chung chung, khuyến khích chung chung. Có tác giả hình như không chịu được sự phê bình, hễ có ý kiến phê bình thì cảm thấy “bị đánh đập”, lo sợ và nhiều khi rút lui. Đó là một tình hình rất không tốt.
Để có được một nền văn hoá mới nói chung và có được một nền nghệ thuật mới nói riêng, cần phải quan tâm tới nhiều mặt. Phải quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cho tốt một đội ngũ nghệ sĩ hùng hậu, phải trân trọng phát hiện và khuyến khích các tài năng, phải tạo điều kiện vật chất, tài chính và tinh thần cho các quá trình hoạt động sáng tạo được thuận lợi, phải biết đánh giá đúng các tác phẩm, phải có cơ sở vật chất kỹ thuật tối thiểu cho việc đưa các tác phẩm đến nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân được thưởng thức những giá trị nghệ thuật mẫu mực, chân chính. Phải có một đội ngũ phê bình lý luận có trình độ chuyên môn thực sự để phân tích đánh giá các tác phẩm vừa nhằm giúp đỡ nâng cao trình độ sáng tác, vừa nhằm nâng cao trình độ thưởng thức của công chúng.
Để làm được nhiều việc lớn như vậy, không thể chỉ khoán trắng cho các cơ quan quản lý văn hoá, văn nghệ. Tất cả những việc đó đều phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Kinh nghiệm của thành phố Hồ Chí Minh cho thấy Thành uỷ đã thực sự đặt vấn đề, trực tiếp giải quyết một số việc cơ bản, tình hình mới có sự biến chuyển rõ rệt. Toàn bộ công việc xây dựng nền văn hoá mới, nền văn nghệ mới đòi hỏi các cơ quan lãnh đạo phải nhận thức được đầy đủ tình hình và vấn đề, nắm hết các khâu và giải quyết trực tiếp cụ thể một số việc. Văn hoá là vấn đề của đời sống hàng ngày của con người. Văn hoá không thể tách rời kinh tế xã hội. Các cấp lãnh đạo chỉ thấy văn hoá ở một số hiện tượng, sự việc cụ thể, mà không nắm toàn bộ lĩnh vực, với các mặt hệ thống của nó bao gồm các khâu có quan hệ lẫn nhau, thì ta thật sự chưa thực hiện được nhiệm vụ lãnh đạo.
Mặt trận văn hoá, văn nghệ có nhiều vấn đề, cũng như bất cứ mặt trận nào khác trong tình hình cách mạng hiện nay, có những vấn đề phức tạp, khó khăn, nhưng cũng có những điều kiện thuận lợi căn bản. Đường lối của Đảng ta đúng đắn, đội ngũ văn nghệ sĩ của chúng ta tốt đẹp, có hoài bão và có nhiệt tâm, công chúng của chúng ta biết hướng vào những yêu cầu của cái đẹp chân chính. Chúng ta có đầy đủ lý do để tin vào tiền đồ của nền văn hoá, văn nghệ xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét