Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2020

Cuộc gặp gỡ khó quên (*)



Nhà văn Võ Bá Cường
(Trích Thời tôi sống, Nxb Hội Nhà văn, 2012)

… Nhớ lại trời mùa hè năm 1995, nóng tới 36 – 37 độ đâu chơi, tôi ra chợ Đậu để xả nỗi bực bội vì không “són” được chữ nào. Gặp anh Văn phòng Tỉnh ủy xuống tìm nói “Anh Chu Rỵ dặn lên ngay có việc gì đó”. Tôi là thằng nào mà ông quan đầu tỉnh gọi? Mừng, lo, lẫn lộn. Khi gặp trông thấy nhau ở cầu thang, ông Bí thư đã niềm nở “Tối nay anh Nguyễn Ngọc Trìu – nguyên Phó Thủ tướng, anh Nguyễn Đức Tâm, ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và Tướng Trần Độ, ông Hà Mạnh Trí – Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có chương trình xuống nhà ông chơi đấy”.

Bỏ mẹ rồi, lấy gì mà tiếp, cũng phải có cái gì cho mấy ông uống chứ. Tôi quay ra chỗ chú Thưởng – Viện Kiểm sát tỉnh, giờ ông là Vụ trưởng vụ chống tội phạm tham gia phá vụ án Năm Cam được Chính phủ tặng Bằng khen, chú Thưởng rút bút ra ghi cho anh Định và cô An cửa hàng giải khát ngõ sở Thương nghiệp lấy két bia và thùng nước ngọt. Cái ông Định chuyên đổ kẹo lạc bỏ mối, cô vợ cực xinh. Thoắt gần hai mươi năm ông đã leo lên chức Phó Sở Thương nghiệp. Hôm rồi lại gặp ông “bỏ mối kẹo lạc” thấy ông đeo cà vạt đỏ, mặc vét tông trắng, giầy da ở giữa Hội chợ. Ông đi sau ông Ca, Phó Chủ tịch tỉnh bắt tay tôi hờ hững, cười nhạt thếch như “nước ốc ao bèo”.

Thằng Hùng cháu “đít nhôm” bà lai đi lấy bia, đến ngã năm thành phố bị thằng xe ôm tông cho một cái thật mạnh, hai bà cháu ngã chỏng chơ, vợ tôi bị dập bánh chè, tối ấy lên cơn sốt… nhà cửa đang đào lên bởi cái cống chảy qua nhà bị tắc. Các cụ theo ông Trìu xéo lên đất ướt leo lên tầng.

Nhà tôi có hai cái ghế sang nhất, khung bằng bộ xương sắt của ghế trước xe “gát” của Liên Xô bọ da đỏ, trong mút. Hai ghế nhường cho ông Tâm, ông Trìu, còn ghế đẩu Tướng Độ ngồi đối diện với ông Tâm, ông Hà Mạnh Trí, bạn thân cùng làng, đánh chịn xuống đất.

Tôi mời nhà văn Đỗ Vĩnh Bảo – Bí thư Đảng đoàn sang tiếp lấy tý “máu mặt” ông Bảo đãi quan trên. Không ngờ ông quát “Nhà cửa thế này ngồi vào đâu?” Thì tôi biết làm sao được! Tôi giới thiệu ông Bảo với các ông Trung ương. Ông Bảo vừa đặt đít xuống đã bị Tướng Độ hỏi: “Anh là Bí thư Đảng đoàn à? Sao để Văn nghệ mất Đảng lãnh đạo?”. Bảo lúng túng. Chưa kịp nói cái “tội” mình để mất chân “lãnh đạo” văn nghệ. Vì sao? Thì ông Độ đã quay sang nơi với ông Tâm chuyện cực tếu… Chuyện do ông bịa ra thôi. Tôi đoán vậy! Ông kể với mọi người “Gia đình anh nông dân có buổi gặt, ngoài người nhà còn đổi công cho mấy anh hàng xóm. Trước khi đặt đòn càn lên vai, ông dặn con “Trưa nay nấu canh cua”. Thằng bé y lệnh. Trưa về, mồ hôi mồ kê lễ mễ bê nồi canh đặt cạnh mâm. Bố nhìn nồi canh. Ôi! Cua để cả con nổi lều phều. Ông quát nó. Tao bảo mày nấu canh. Mày làm thế này à? Nó cãi bố dặn thế nào con làm vậy. Ông chửi “Tiên sư bố mày. Nấu canh cua phải giã cua ra chứ”. Nó cúi đầu. Vâng ạ! Rồi hôm khác nhà ông đảo đất cày, vác cuốc lên vai, thằng bố lại dặn thằng con. Trưa nay vẫn “cá, cua – cà” (cá kho, canh cua – cà muối). Mày nhớ làm cẩn thận đấy, bóc cái yếm cua vất đi. Hôi lắm. Giã cua cẩn thận. Nhớ đấy! Ông bố vui vẻ ra khỏi ngõ. Trưa về thằng con reo lên: “Bố ơi nồi canh ngon lắm. Đặc lắm!” Ông bố ra múc thau nước vục mặt rửa. Ngồi vào mâm, mở nồi canh mới phát hiện. Cái thằng “trời đánh thánh vật” này, nó để cả cháp nấu lên. Cháp cua nổi lều phều như c… trẻ con đi tướt. Ông lấy roi quất nó. Nó vặn lại ông. “Bố dặn thế nào con làm thế. Sao bố lại đánh con!” Ông bố ngớ người, dừng tay không quật con nữa. Sau hét tại sao mày không cho nước vào lọc vất bã đi… “Khổ lắm! Thì bố có nói với con kỹ lưỡng là phải lọc lấy nước cua rồi vất bã đi đâu?”

Rồi ông quay sang hỏi ông Tâm việc ấy tội ở thằng bố đại khái, lại đổ sang thằng con. Các anh Trung ương bây giờ ngồi ở nhà ra lắm nghị quyết, cái này chưa ráo mực đã ló cái khác… ở cơ sở không biết cách tổ chức thực hiện thì Nghị quyết đưa xuống cũng chẳng có tác dụng gì. Nó ví như chuyện thằng bố “quan liêu” quát mắng con nấu canh.

Tôi nhìn sang ông Hà Mạnh Trí, ông Trìu đều mỉm cười, tán đồng ý kiến Tướng Độ. Chính hôm đó ông Trìu hỏi ông Nguyễn Đức Tâm “Tại sao lại không đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào danh sách bầu Trung ương”. Ông Tâm trả lời “Tôi không biết” Ông Trìu nói “ông là Trưởng ban Tổ chức sao nói là không biết?” Câu chuyện bỏ lửng ở đó…

Thực ra ông Nguyễn Đức Tâm với Tướng Độ và anh Nguyễn Ngọc Trìu cùng quê, đều là bạn tâm giao từ hồi đầu cách mạng. Có lần ông Tâm và Tướng Độ gặp nhau trong cuộc họp kín ở Tiền Hải, chuyện vui nay mọi người còn nhắc lại: Hai ông thộp ngực nhau hỏi “Mày là thằng nào?”. “Hảo hán chợ huyện” – Tướng Độ hỏi ông Tâm “Mày cũng là thằng nào?”. “Tướng cướp Rãng Thông”. Sau này mỗi ông đi theo một công việc, hai người đều giữ được phong vị của dân biển nơi có tiếng trống năm 1930.

Tôi nhìn gương mặt và nghe giọng nói ông Tâm như có gì “bất lực”, gương mặt ông cho ta một thông điệp.

Còn Tướng Độ vẫn là con người “tự do”, chất “người” trong vị Tướng rõ lắm. Mặc dầu với bộ quần áo màu sẫm cắt kiểu ký giả rất chững chạc, cũng không che lấp nổi sự phong sương quằn quại trong ông. Ông có cái “duyên” kể chuyện, nói chuyện và sự phản biện “không sợ ai” một cách linh hoạt. Chả thế có lần Tổng Bí thư Lê Duẩn về dự Hội nghị Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình, khi phát biểu Tổng Bí thư chúc Thái Bình trở thành “ngôi sao sáng Biển Đông”, ông Độ hôm sau lên phản bác, tôi chẳng biết trở thành ngôi sao sáng hay sao tối Biển Đông, chỉ chúc dân Thái Bình được ăn no, mặc ấm. “Vỗ” vào mặt nhau như thế, hỏi còn gì?

Tướng Độ là người của công chúng, ông luôn đi giữa đám đông để lắng nghe tiếng nói của họ, ông gần gũi và thực hiện chủ nghĩa “xê dịch”. Ông thấm hơi thở và nỗi niềm của dân, ông kẹp điếu thuốc lá giữa hai ngón tay vẻ giằng co tâm trạng. Tôi trông tướng quân “Người từ trận mạc đã về kia” chứng kiến con đường sau này của ông đi bao lao lung hiểm họa.

Tối ấy tôi tặng ông Trìu cây vạn tuế. Còn Tướng Độ, tôi bê đến cho ông cây ngô đồng trong cái chậu xi măng vỡ, cành lá trụi hết, chỉ còn một bông hoa đỏ chót chọc lên trời xanh… Hình như cây ngô đồng trụi lá đã vận vào đời Tướng quân. Còn ông Hà Mạnh Trí, bạn thân cùng làng với tôi chẳng có gì để ra mắt, nhưng bọn “chôm chỉa” đã ra tay tháo lấy đèn hậu xe hơi của ông khiến ông Đỗ Rụ là Trưởng Sở Công an phải cho quân lùng sục suốt đêm mới lấy lại được.
(*) Đầu đề do chúng tôi đặt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét